TRỊ BỆNH
Hôm nay tôi xin được nói chuyện với quý vị về Bệnh và cách trị
bệnh.
Bệnh chưa hẳn là chết nhưng không chắc
là không chết. Nếu đến lúc phải Tử chạy chữa cỡ nào cũng Tử, chưa
đến số chết thì bệnh chỉ là bệnh thôi ít hôm cũng sẽ khỏi. Đừng đổ tội
cho người nghèo vì thiếu tiền thang thuốc mà thân nhân mới chết. Nói vậy là tử
thần sợ người giàu sao? Không đúng, chúng ta nghe thấy những Ông Vua Ông Tổng
thống ngay cả Ông Thầy thuốc, cứu biết bao nhiêu bệnh ngặt sắp bỏ mạng mà tới chừng
tự cứu mình thì chịu bó tay. Xơ gan cổ trướng là bệnh nghiệt đã giật chết biết
bao người tiền đầy túi mà đụng tới Ông nhà nghèo không có tiền mua thuốc, bứt
cây cỏ uống cầm chừng mà khỏi bệnh hồi nào không hay. Nói tới số mới chết, vậy
mình làm gan không uống thuốc cứ để bệnh nó tự vô tự ra cho coi chơi được
không?
Tính vậy là quá liều. Hễ bệnh vào thân
ai thì thân ấy khó chịu, vào đâu là đau nhức đó, chính vì sự khó chịu không ai đủ gan dạ để bệnh coi chơi. Dẩu bệnh không dẫn đến tử vong nhưng trị cứ trị, tính chuyện nào
chắc ăn là hơn chứ. Từ bệnh đi đến tử vong cũng là một thói quen của tấm thân
tứ đại vốn vô thường, vào ra biết bao lần sanh sanh tử tử. Ta không thể từ chối
cái thói quen đó trừ phi ta thoát kiếp, khỏi lục đạo luân hồi. Mang bệnh thì phải mau mau mà trị đi còn hết hay chết hãy để cho
thói quen của đạo luật vô thường hành sự. Một chiếc áo cũ rách, nghèo thì ngồi
đó mà giá bận chứ bỏ giữa chừng là chẳng nên, nhưng phải tính cách có tiền để
sắm chiếc áo mới là vừa. Là người tu, lúc bệnh hoạn tới, trong khi ta uống
thuốc trị bệnh đừng lo chuyện chết sống mà hãy lo chuyên Niệm Phật cầu vãng
sanh Tịnh Độ sẽ hay hơn.
Phát đồ trị bệnh có hiệu quả hay
không, nhanh hoặc chậm đều do hai phía: Người bệnh và Thầy trị bệnh. Khởi đầu
câu chuyện là lương y xem mạch, định bệnh, phát đồ sử dụng thuốc…Nếu lương y
xem mạch không tới, hoặc tới mà cách phối hợp thuốc định bệnh không chính xác,
hoặc cả hai phương đều tới và chính xác mà thiếu hẳn tính hiệu quả của người
nấu thuốc, giờ uống thuốc, có thể không kết quả hoặc kết quả không nhanh, miễn
cưỡng. Nếu cả 3 phương ở hàng tiêu biểu tốt cho việc trị bệnh thì phần còn lại
là bệnh nhân. Theo sự chỉ dẫn của lương y, ăn uống đúng giờ, thức ngủ đúng giờ,
sinh hoạt các cái đúng giờ sẽ được khỏi bệnh nhanh thôi. Nếu ăn uống không đúng
giờ mà thức ăn lại là thứ chậm tiêu hóa không có lợi cho sức khõe mà còn khán
thuốc khiến nên tính hiệu quả của thuốc không còn vận hành trong cơ thể, như
bệnh nhân chưa hề được điều trị. Kéo dài việc điều trị như thế bệnh càng ngày càng
phát tác. Tình trạng sai lầm nầy lương y và bệnh nhân không sớm phát hiện để
giải quyết gút mắc kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Xưng là người tu mà khi mắt thấy
tai nghe tu không được, niệm Phật không được, tình trạng nầy kéo dài, chắc là
phải cuống gói đào ngũ thôi. Thấy nghe mà tu không được là thấy nghe có bệnh,
trị ngay chỗ đó. Chuẩn bị vào thời công phu, đã mặc chiếc áo choàng lên thân
rồi mà trong lòng chưa stop các mối nhợ thế sự đâu đâu. Nguyện vái là một thói
quen đã nhớ, nghĩ đủ thứ chuyện trong khi nguyện vái mà cũng đọc xong văn
nguyện rồi lạy mà không biết là lạy ai. May mặc áo choàng màu dà với ý thức ban
đầu là để có lễ phục bái kính Phật. Lạy Phật là phải tưởng Phật đàng nầy tưởng
thứ khác mà cũng lạy ngọt sớt. Đi giảng thuyết đạo pháp, phải vì đạo Pháp, giữ
chánh tâm trong khi nói pháp là đúng sách, đúng cách. Bằng như thuyết pháp mà
còn tính hơn thua tranh giành ảnh hưởng cho danh lợi tình trú ẩn, tham sân si
cường điệu trong việc cao thấp, hay dở là không kết quả hoặc kết quả không cao.
Có chánh là không có tà, lời nói ý nghĩa từ trong chánh tâm thuyết ra sẽ trở
thành chánh Pháp, mang tà tâm mà nói pháp, dù đọc y kinh Phật Giảng Thầy mà bên
trong có dụng ý tà, kết quả là tà. Nhiều nhà đạo đi thuyết giảng chuyên nghiệp,
tiếng tăm, lâu lâu chừng nghe lại thì đã xuống núi, qua mồi. Bên trong dụng ý
tà là nhân, gieo nhân nào sẽ ra quả đó. Lục Tổ Đàn Kinh nói:
“ Tâm mê Pháp Hoa chuyển, Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.
Tụng lâu không rõ ý, Kinh nghĩa ấy thù
ta”
Trong xóm có người phát tâm tu, mới mẻ
nên sự hiểu biết ít oi, cạn cợt, người
ta muốn học, muốn nghe nhà đạo thuyết trình giáo lý để biết mà tu, nhưng bản
chất của họ không nặng tính xả giao, chuốc ngót, gió đẩy gió đưa cho vừa lòng
ông đạo thì ông đạo thuyết không hay … nói ra đề tài sượng ngắt từ đầu tới cuối
làm người nghe không cảm nhận sự hay ho để mà áp dụng vào đời sống. Ở đây người
ta khát khau mà bỏ cho, chạy đi hằng trăm cây số để cho, toàn là chứng bệnh
nặng, nan y, cần phải đem đi chữa nhanh. Kinh
Lăng Già nói:
“Nếu trí bị bít lấp trong cửa tình thì
toàn trí đều là tình, tâm mờ mịt trong biển thức thì toàn tâm đều là thức”
Nếu trí bị bít lấp trong cửa tình thì
tình cảm nằm trên lý trí, tình cảm có quyền xử dụng lý trí như ông chủ nhà giàu
xử dụng một nô tùy. Cái gì mà tình không ưa thì trí thức không thể phát sanh
những cao đẹp trong ngay chỗ không ưa. Làm chung Ban Từ Thiện, tôi không ưa
người đó thì tôi không thích đứng ngồi hay làm việc chung khâu với người đó.
Công việc được Ban Tổ chức cắt đặt không thể không nhận nhưng ngồi làm chung
trong một không gian hẹp mà tâm tình cả hai cứ cay cay làm sao ấy, hoặc gởi
hồn theo mây theo gió đi đâu. Nếu cái tâm mà có tướng dạng, thấy rõ như
thấy mặt người, thì lúc giận hờn chắc cái mặt giận trông cũng dễ ghét lắm.
Mình thích được khen mà không có ai
khen giùm, kết quả ngược thì dễ nổi nóng. Giận để bụng lâu là tu “xuống cấp”.
Tranh giành uy tín đối với người biết đạo là không nên, cứ tu cho tốt lên là uy
tín đến, đừng cái kiểu nay tu mai nghỉ, khi tốt lúc xấu, đồng đạo nghe thấy là
chán cho ở đó mà cạnh tranh. Lỡ có tranh giành ảnh hưởng thì phải chọn cách
công bằng. Người ta quá cao mà mình thì lùn trệt, tự ái vồn dập khi ở gần người
cao. Muốn cao bằng hoặc hơn người ta thì phải ăn uống tẳm bổ cho phát chiều
cao, cái xã hội mà người người đều cao là quá tốt, nhưng nếu ta muốn cao hơn
bằng cách chặt lùn người cao xuống thì cái xã hội chỉ toàn là người lùn
sao? Cạnh tranh như thế là không công bằng, xấu lắm! Đào bới moi móc
hoặc dựng chuyện không thật để hạ uy tín đối phương là đồng đạo với nhau thì
ngay khi đó uy tín của mình bị hạ trước.
Chỗ mình ghét muốn ai cũng ghét mà
người ta lại không ghét. Thèm được tiếng khen mà chẳng tư duy coi mình có làm
được điều đáng khen không. Làm điều dù không tội lỗi nhưng bình thường, có vượt
trội hơn ai mà đòi hưởng tiếng khen? Thay vì phải làm gì đó vượt trổi hơn
người, xứng đáng được khen ta lại ganh tỵ với người làm tốt hơn ta đã và đang
được khen. Bệnh nầy để lâu tự ái tràn trề, lúc nào cũng tự ty mặc cảm, thấy mình
bị bỏ nổi lên chống bán, phe phái. Tâm bị sa đọa lâu trong danh, nghe thấy
người ta khen ai là tức, chê trong bụng hoặc có dịp thì chê ra ngoài, tự cao,
ngạo mạng…
Người không hay mình bệnh, hoặc hay
nhưng sợ người ta khinh khi, coi thường, dẩu không để lộ sự yếu kém của mình
cho ai biết nhưng mình biết, mình lo, mình sợ người khác biết mà cố tình che
giấu và dựng chuyện xấu cho đối phương thế tội thì nỗi đau trong lòng đi đến
tuyệt vọng.
Yếu muốn xụm người mà lúc nào cũng lên
giọng cứng, chết ngây chết dại với danh lợi, sắc thinh, bị nó giật đau quýu,
nghiếng tim cũng rán phát cho cái mặt vui tươi, mê đến tối thui mà cố làm cho
tỉnh. Gượng vui là không thật
vui, gượng tỉnh tất nhiên là không tỉnh. Không thật có vui có tỉnh thì màu mè
người biết chẳng ai thích, ai xài. Hàng giả đem bán ế ẩm, rốt lại hàng bị tồn
động quá nhiều. Của trong nhà ta thì ta xem chớ ai vô đây xem, ta xem ta giả
dối riết nổi khùng lên bỏ tu, bỏ đạo.
Nói không bệnh chi mà cứ nằm buồn dào
dào, không dám nhìn thẳng con bệnh của mình để tự mình chữa trị hay nhờ người
ta chữa giùm. Nằm lăn lộn, nhăn nhó mặt mày, biến cười biến nói mà bảo không có
bệnh là sao? Nói là Niệm Phật, Lục Tự Di Đà bị dính đùng cục trong Danh Lợi
Tình mà nói không bệnh là sao? Bệnh nhân từ chối mình có bệnh thì phải nhờ Ông
Thầy hay xem mạch định bệnh làm sao cho nó khẩu phục tâm phục. Bắt mạch cho
chính xác, nói ngọn nói nguồn cái nguyên nhân sanh ra bệnh, hồi nào, ở đâu.
Thầy thuốc xem bệnh ai phải nói bằng tình thương không qua chỉ trích, bằng an
ủi vỗ về không bằng gắt gỏng, bằng sự giáo dục chớ không bắt tội. Tiếp với
người có lòng bác ái vị tha, người bệnh không cảm thấy đời mình cô đơn tróng
vắng, để họ biết họ vẫn còn có những người anh em “con một cha” lo lắng giúp
đỡ, dìu dắt họ. Xét còn hy vọng họ mới an tâm chấp nhận mình có bệnh và đồng ý
cho lương y chữa trị. Thuốc men là phần của lương y, còn phần của bệnh nhân
không kém quan trọng, cần có sự phối hợp chặc chẽ của con bệnh và Thầy trị
bệnh. Thuốc tuy hay nhưng bệnh nhân cần phải uống thuốc đúng giờ đúng lúc và sử
dụng liều lượng cho phép. Thời gian trị bệnh, ăn những gì không nên ăn những
gì, ngủ nghỉ sinh hoạt các cái đều phải do sự chỉ dẫn của lương y. Đang trong
thời kỳ cai nghiện rượu mà cứ tới chơi với những kẻ không cai, nó nói ra toàn
là chuyện rượu, mở nấp bình rượu cho bốc hơi men, cai sao nỗi mà cai!
Người bị bệnh tình cảm lúc nào
cũng nặng lòng lo mất mát, mơ mộng, thương yêu. Muốn tu dứt đường dục vọng
tránh cuộc nợ hồng nhan cho phục hồi nguyên khí, tỉnh tâm lại thì trước phải đề
phòng từ xa những xâm nhập có liên quan đến cảm tình, vì khoảng cách từ cảm
tình đến tình cảm là không xa qua tình đôi lứa. Muốn giữ hạnh độc thân để
nghiêng vai gánh gồng việc đạo, chuyên tu thì giữ vững niềm tin và lập trường
của mình đưa ra phải khắc sâu vào tim não, không có bất kỳ lý do nào trên đường
tu mà quên lập trường. Chiến sĩ Như Lai nói đánh giặc tình cảm không cho len
lỏi vào hồn mà trong nhà cứ luôn mở hát nhạc tình, cải lương tình, kể chuyện
tình, mua chuyện tình để đống đống trong nhà mà đọc. Rốt cuộc bệnh trầm trọng
thêm chớ trị bệnh gì. Muốn trị bệnh cho có hiệu quả tốt, uống thuốc hay, đúng
liều lượng là một lẽ mà biết kiêng cử ngăn ngừa từ xa mới đem đến kết quả
nhanh.
30/1/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét