Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

NIỆM PHẬT HAY NIỆM TIẾP DẪN VONG LINH?

Kính thưa chư quý đồng đạo có mặt trong buổi tao ngộ hôm nay! Để trả lời câu hỏi niệm Phật hay niệm tiếp dẫn vong linh đối với người vừa lâm chung; theo tôi, đối với bệnh nhân mà mình đến hộ niệm, lúc họ còn sống thì niệm Nam Mô A Di Đà Phật, khi chết, niệm bài Tây Phương Tiếp Dẫn vong linh liền theo.
- Thưa chú, niệm bài Tây Phương tiếp dẫn bao lâu thì mới ngưng nghỉ?
- Có khả năng nên niệm suốt cho đến khi chấm dứt lễ an táng.
- Như vậy có phù hợp không trong khi Đức Thầy dạy lễ tang là “Nếu có tổ chức sắp hàng chắp tay niệm “Nam-Mô tây-phương Cực-Lạc thế-giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi tiếp-dẫn vong-linh A Di Đà Phật”.
- Ý đồng đạo muốn nói niệm tiếp dẫn vong linh chỉ trong tổ chức lễ tang thôi sao?
- Dạ
Trích đọc như vậy là thiếu và vô tình khiến văn ý đứng về một bên; chỉ niệm bài tây phương tiếp dẫn lúc sắp hàng đưa đám tang ra phần mộ còn cụm từ “trong lúc ở nhà” làm gì quý vị không nhắc tới? Sao quý vị chận khúc một đoạn văn dính liền để biến ý nghĩa khác đi như thể nói: lúc còn ở nhà là niệm Nam Mô A Di Đà Phật, khi nào sắp hàng đi đưa đám tang thì mới đọc bài tây phương tiếp dẫn. Tôi xin lỗi đồng đạo, ở đây không phải bắt bẻ, nhưng từ lúc chết cho đến tiến hành lễ an táng thì khoảng tróng đó ta làm ơn gì cho người vừa mãn kiếp hồng trần?
- Niệm Phật A Di Đà hồi hướng công đức cho người quá cố.
Chắc có công đức sao? Trong khi các vị chứng đạo đang ở hàng tiếp dẫn có vô lượng công đức thì ta lại không niệm cầu. Do trình độ giác ngộ không đồng mà mỗi người có mỗi ý nghĩ. Riêng tôi, căn cứ theo đoạn văn “trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang vì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chắp tay niệm” thì cụm từ “trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang vì cũng vậy” có tính bao quát là phải niệm bài tiếp dẫn tây phương. Nếu ta giành riêng cho niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà không niệm bài Tây Phương tiếp dẫn từ “trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang” tức ta đã loại bỏ cụm từ “trong lúc ở tại nhà” ra khỏi sự mời kính chư Phật tiếp dẫn vong linh sao?
Còn nói, niệm Phật A Di Đà để hồi hướng công đức cho người lâm chung, điều nầy thực sự tôi chưa đọc thấy câu chỉ dạy nào trong giáo lý PGHH. Chúng ta đọc qua nhiều luận giải của các vị tôn sư nói về công đức ta chưa đạt, do vọng động mà phát sinh tính mơ hồ riết trở thành thói quen trong khi ta chưa hiểu rỏ thế nào là công đức. Xưa việc cất chùa độ tăng của Lương Võ Đế để khắp nước tu hành, Bồ Đề Đạt Ma từ bên Tây Thiên Trúc đến với chính sử là tổ Sư thứ hai mươi tám thiền tông Phật Giáo sang Trung Quốc dạy đạo thiền. Vua hỏi Bồ Đề Đạt Ma rằng, trẩm cho cất chùa giúp tăng độ chúng có công đức nhiều không, tổ sư trả lời là không có công đức trong những việc làm ấy.
Điều nầy khiến ta thấy, công đức là ở chỗ tịnh tâm, tu pháp môn niệm Phật hay bất cứ pháp môn nào cũng phải “tâm bình tịnh được thì phát huệ”, sanh ra công đức. Ở niệm Phật gọi là nhứt tâm bất loạn, chứ niệm Phật mà vọng niệm ào ào, thuyền lòng chao đảo, lăng xăng ý nọ việc kia, công đức có đâu mà nói là hồi hướng công đức.
Xét ra, hành giả đang tu tập môn công đức là đang trên đường tiến thân, còn ở độ chắc chiu gầy dựng, thành đạt chỉ là chút ít và có vẻ mơ hồ trừu tượng nữa là khác. Huống chi các vị trên trước trong bài nguyện đã hoàn mãn sự tu, chứng đắc đạo quả như các vị ở “Tây-phương Cực-Lạc thế-giới… cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu…” Đức Thầy dạy cho ta nguyện vái đến những bậc đều đã đắc đạo có vô lượng công đức. Lấy mình niệm Phật hồi hướng công đức mà không đọc nguyện các Phật trong bài tây phương tiếp dẫn nói trên là một tính toán sai.
- Cám ơn chú vạch trần ra sự thật, cháu rất vui vì nhờ chú mà thoát khỏi sự sai lầm nông nổi nầy. Chú có thể giải thích về ý nghĩa của việc Niệm Phật và niệm Tây Phương tiếp dẫn không ạ?
- Được. Trước hết ta nói về Niệm Lục Tự Di Đà nhá. Niệm Phật luôn luôn với tư cách của hành giả đang trên đường về Tây Phương; đối với bệnh nhân trước giờ có là hành giả hay không mà được thân nhân của họ mời đến hộ niệm ta đều niệm Phật như nhau. Nếu gặp bệnh nhân không là hành giả ( tức chưa tu) pháp môn niệm Phật thì ta niệm Phật như thể khuyến khích họ tu, bắt đầu làm hành giả, phát tâm tín, nguyện, hạnh mà niệm Phật theo tiếng niệm của người hộ niệm, tâm bất thối chuyển về pháp môn, luôn niệm đến ngay giờ phút lâm chung chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh Độ. Đối với bệnh nhân đã là hành giả từ lâu, do một phần không siêng tu niệm để giữ chánh tâm, tà tâm huy hiếp cộng thêm nợ tiền khiên oan trái đeo đòi. Không siêng tu thì đường về Phật cứ bị đứt rồi nối, nối lại thì chóng đứt nữa, khoảng thời gian nối ít hơn khoảng thời gian đứt, tạo kẻ hở to và nhiều thì vọng tâm tràn vào, lớp thì đau nhức ùa tới, nghiệp báo nhảy vào đòi nợ, đau nhức thê lương, bị đau làm quẩn trí, vọng niệm về chết chóc buộc ràng không còn nhớ niệm Phật. Lộ đồ về Tây Phương đã mất thì chết chỉ còn là đi xuống chứ không có cửa đi lên. Ta đến hộ niệm cho đồng đạo là niệm Phật ra tiếng để đánh thức hành giả bệnh nhân đương lúc quên Phật thì nhớ lại tự niệm, quên mất lộ đồ liền tìm lại lộ đồ. Niệm Phật, bước đi trên đường về cõi Tây Phương trải qua mười muôn ức Phật độ, hành giả phải đến đó bằng đôi chân của chính mình.
Trong khi bệnh nhân từ biệt cõi đời không còn khả năng niệm Phật ta ở đó mà hộ niệm cho họ là hành trễ đò. Âm dương chia cách, người ở cõi âm đâu còn nghe thấy ta niệm Phật mà niệm theo. Họ hết khả năng tự độ nên Đức Thầy dạy cầu tha độ, chư Phật đồng danh đồng hiệu tiếp dẫn vong linh về miền Cực-Lạc, ở trong thai sen hằng ngày nghe pháp Phật mà tu thêm như Đức Thầy nói “Về Tây Phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh” chẳng phải quá hay rồi sao?
Bệnh nhân đã tử biệt mà nói là mình niệm Phật cho bệnh nhân nghe thì khó ơi là khó lại còn không chắc, sao ta không tìm đường dễ đi chắc ăn hơn bằng nghe lời dạy của Đức Thầy đọc Tây phương tiếp dẫn. Quý vị đọc nghe ngữ lục của các vị cổ đức nói là phải niệm Phật như vậy, nhưng ta đã quy y PGHH thì phải tu theo sự hướng dẫn của Đức Thầy, vì Ngài là Phật từ cõi Cực Lạc lâm phàm như Sám Giảng có câu:
“Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lịnh bảo ta truyền dạy”.
Và Ngài nhắc nhở cho nhớ:
“Tìm Cực Lạc đây rành đường ngõ”
Quy y PGHH, đối trước một nhà dìu dắt rành đường về cõi Tây phương nói sao ta lại không nghe? Quy y mà không nghe giáo lý dạy khiến cho đồng đạo khó nghĩ về mình. Như tôi nói lúc nảy, người nào niệm Phật thì người đó là hành giả, hộ niệm giúp hành giả bệnh nhân là được, nhưng khi bệnh nhân từ biệt cõi trần thì hộ niệm bằng trì danh niệm phật cho người vừa lâm chung không còn ý nghĩa. Ta hãy quay sang niệm Tây phương tiếp dẫn bằng hoàn toàn nhờ vào tha lực cứu độ của các Phật đồng danh đồng hiệu, ý nghĩa không phải đã quá rõ ràng rồi sao.

01/11/2016

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

NỖI NHỚ NIỀM THƯƠNG

Lo cơm sáng cho cha mẹ xong Mỹ Dung xin phép song thân đi chùa cúng rằm trung nguơn. Đường từ nhà đến chùa khoảng ba cây số, rất quen thuộc, cũng nhà nhà chen khít hai bên đường như mọi khi, dãy cây Bàng buông tàn che kín làn đường vào ngôi cổ tự nhưng tâm tư cô ấy dường như báo trước một điều vì đó làm hồi hộp…
Mỹ Dung vào chùa lạy Phật xong trở ra, định kiếm mối quyên tiền đôn nền nhà cho bà bán vé số. Chưa được ai thì cô gặp hai người bạn cũ một nam một nữ mà đoán là họ đã thành thân với nhau. Hai bạn giờ là thầy cô giáo trường cấp ba trong huyện nhà. Thấy Dung bọn họ mừng thì mừng lắm nhưng có hơi bẻn lẻn trước một nữ tu, đạo phục bà ba vạt miễn. Hai bạn ấy mời Dung đi kiếm chiếc bàn tróng ngồi nói chuyện. Vừa ngồi chưa nói được chuyện vì thì các bạn khác rần rần kéo đến, người chào chị Dung, kẻ kêu bạn Dung, có bạn liếng thoắng hơn kêu bà nữ tu…
Sau một lúc chào nhau, vui đùa, thân mật, Nhân _ bạn học xưa giờ là luật sư, người đã để tâm nhiều về sự săn sóc tình cảm với Mỹ Dung lúc còn trung học _ nghiêm nghị đại diện nhóm bạn, mời Mỹ Dung đi chung một chuyến du lịch.
Mỹ Dung không đáp lời mời các bạn có chịu đi du lịch hay không. Bọn họ đều là bạn học cũ năm lớp 12, năm đó diễn cảnh từ hồi hợp đến thê thảm, kẻ thi đậu vào đại học, người xếp bút nghiên về nhà. Mỹ Dung không đậu lên đại học thui thủi về nhà tiếp cha làm ruộng. Hai mươi tuổi cha mẹ định việc gả chồng, Mỹ Dung từ ấy ngả lòng về đường tu nên cô từ chối hôn nhân và báo lên cha mẹ một câu dứt khoác: Suốt đời nầy con không muốn làm vợ làm dâu ai, thay vì làm vợ người ta cha mẹ cho con học đạo tu hiền. Cha mẹ Dung là người kính tin đạo, thích nghe nói chuyện Phật pháp nên yêu cầu của con ông bà đồng ý.

Mỹ Dung năm nay tròn 32 tuổi, trở thành nữ tu sĩ có phẩm hạnh tốt. Những bạn gặp Dung hôm nay mời đi một chuyến du lịch họ đều đã thành tài, trong số có bác sĩ, luật sư, kỷ sư, thầy cô giáo. Nhìn họ Mỹ Dung nhớ lại những bạn đã thi rớt đại học như Dung, sau không lâu cũng lập gia thất nhưng không được cái diễm phúc nồi nào vun nấy, nồi nấp không khít làm lụn vất vả để kiếm cái ăn cái mặc mà thỉnh thoảng cũng phải hục tiền thiếu gạo. Mỹ Dung may mắn hơn những bạn ấy, không chồng con đeo đắm là một vấn đề, nhà lúc cha me Dung làm ăn được đã sắm nhiều đất, chia các con, trai gái đồng nhất mỗi đứa chục công. Anh hai cưới vợ ra ở nhà riêng, chị ba thì gả chồng đi xa xứ, Dung thứ tư đọc thân lo tu. Em trai út đại học ra trường, cưới vợ là bạn chung khoa Anh văn, hai đứa từ lâu nghe chị tư tính chờ em trai tốt nghiệp đại học ra trường thì xuất gia tu hành nên chúng vội vàng mua nhà ở tỉnh thành để tiện bề làm việc, buộc Dung ở nuôi cha mẹ. Chẳng những vậy thôi, em trai còn nhường phần ăn chục công đất cha mẹ phát, cho vào tài sản của chị và nói rằng nhà nầy kể từ giờ là nhà của chị. Nhà Dung chỉ có ba người cha, mẹ và Dung mà giờ tới bốn chục công ruộng. Cha Dung hơn sáu mươi tuổi, đi đứng yếu Mỹ Dung bàn với cha mẹ hãy kêu người ta mướn ruộng cho rảnh rang mà lo hậu hửu cái tuổi già, niệm Phật làm lành…
Dung không thiếu tiền để đi tua du lịch hạng sang của các bạn mời nhưng từ lâu cô không muốn tốn tiền cho việc đi chơi nữa. Tuy Đức Thầy không đưa ra văn ngôn chính thức nói tốn tiền đi chơi là lảng phí mà khuyên “hãy để tiền lảng phí ấy mà trợ cứu cho những kẻ lỡ đường đói rách tàn tật”nhưng Ngài cũng đã dạy:
“Khuyên đừng xài phí sa hoa
Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”.
“Người sao lại bỉ-bàng tôm cá,
Thức ăn thừa khiếp nỗi ném quăng.
Kẻ nghèo lo chạy ngày hằng,
Lại không đủ bữa rối nhăng đời người.
Xem thế-sự biếng cười biếng khóc,
Chẳng rung-rinh quèo móc chi ta.
Cười là cười thói ranh ma
 Khóc là là khóc kẻ chưa ta dỗ-dành”.
Đem câu “khuyên đừng xài phí sa hoa” mà so, tốn tiền đi chơi là quá đà, còn chi là ăn cần ở kiệm. Mướn một chiếc xe mười sáu chỗ ngồi, đi và về ba ngày giá không ít; còn nữa, đi với nhóm bạn sang, có học vị đòi ở khách sạn, ăn cơm nhà hàng chi phí sẽ cao hơn nhiều với số tiền mướn xe. Ở làng mình còn có những em bé nhà nghèo thất học vì không tiền đóng học phí, mua sách vở, may mặc đồng phục học trò, phải nghỉ học để đi bán vé số hoặc kiếm ve chay mủ bể, lon bia, nước ngọt, người ta vất bỏ, đem bán cho nhà vựa vật liệu phế thảy với số tiền chỉ đủ cứu sống. Dung chỉ cứu được một em trai đi bán vé số, ủng hộ tiền các cái cho nó đi học trở lại, còn những em bất hạnh khác cũng đáng cứu mà chưa thực hiện được nguyện ước.
Xóm trong có bà già tuổi hơn cha mẹ mình, nuôi một đứa cháu ngoại nay bảy tuổi cho nó học lớp một bằng đồng tiền ngoại đi bán vé số. Có lần gặp bà trên đường đi bán Dung hỏi han chuyện gia đình, sao bà nuôi cháu ngoại còn mẹ nó đâu, bà kể đầu đuôi câu chuyện: Mẹ của cháu ngoại là một thiếu nữ quê mùa nhưng có chút nhan sắc, cha của cô thiếu nữ xưa là một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cấp bậc thiếu úy binh chủng sư đoàn 9 bộ binh đã tử chiến với Việt cộng ngay biến cố ba mươi tháng tư, lúc cô mới tròn một tuổi. Mất cha, hai mẹ con sống cảnh nghèo túng, mẹ nhan sắc cũng còn khá lắm, đàn ông con trai có ve vảng mà mẹ nầy thì an phận một đời chồng, nghèo cho cam số phận của bà vợ thiếu úy. Nhưng con gái lớn lên, lòng ham giàu sang bị thanh niên làng chơi dụ dỗ, chúng ăn xài phung phí, xưng con nhà giàu… khi cô mang bầu thì bị đá bỏ. Trở về với mẹ nghèo mà sanh con, là đứa cháu ngoại bảy tuổi hiện giờ. Mẹ nó sanh nó, đứa bé không có cha, bắc bà ngoại làm cha lo mọi thứ. Con gái vì tối ngày hận kẻ bạc tình ấm ức đến chết sớm.
Bà bán vé số chẳng những khổ cảnh lo ăn còn thêm lo ở. Nhà nghèo cột gổ tạp chôn chân mục ngang mặt đất, gió chỉ lất phất thôi thì căn nhà cứ đưa qua đẩy lại. Bà con trong xóm thương tình đem cây lại chóng chỏi ở đỡ. Hội từ thiện hứa cho bà một bộ cột bạch đàn, Dung giúp cho thiết lợp, dừng. Đến lúc bắt tay vào việc gặp sự chướng: Nhà hai bên cạnh và hậu người ta làm ăn lên khá, cuốn nền cất nhà cao, nước mưa vồn về một mình bà chịu. Mỗi khi trời mưa nhiều Bà đi bán vé số, cháu ngoại đi học phải do quần xách dép mà ra đường, chừng về thì hai bà cháu ở trên tấm vạt tre túm húm, chung quanh là nước, sình, không khí rất bẩn. Hội từ thiện chỡ cây tới thấy cái cảnh nước nôi lủm chủm phải chỡ cây về và đề nghị đôn nền. Hiện giờ Dung đang vận động bà con tiếp tiền để cuống nền cho bà già bán vé số. Dung nghĩ mình đã cho thiết lợp thiết dừng hết cái nhà thì thôi, tiền cuốn nền để người khác giúp. Số tiền vận động bà con đã qua mười hôm mà tính ra chưa đủ, Dung suy nghĩ, không đi du lịch với các bạn cũng cho tốn như đi, để năm triệu vào việc đôn nền sẽ không vận động thêm ai nữa.
- Sao nín thinh vậy chị Dung! Đằng đây chờ bà lâu rồi nghen! Bà biết hồi tôi xưa mà, con nhỏ nầy dễ nổi nóng lắm đó. Nay cũng vậy.
Mọi người nghe giọng tiếu cười rân lên, Dung cũng cười. Giọng nói của cô bạn vui vẻ nhất lớp thuở nào nay thành tài, ngồi bàn giám đốc, đã chồng con rồi cũng vui tính, in hệt như xưa.
- Các bạn thông cảm cho mình nhá _ Dung nói _ Mình xét lại không thể đi cùng các bạn được.
- Ngồi chờ để nghe chị nói vậy sao? Để tụi nầy nan nỉ bà tội lắm đó.
- Dung xin lỗi các bạn, mình còn phải lo cho đứa cháu đi học.
- Cháu ruột hả chị Dung? _ Nhân hỏi.
- Không phải, một đứa cháu bất hạnh trong làng, nhà nghèo không có tiền đóng học phí nghỉ học ở cuối kỳ thi lớp năm, lang thang đi bán vé số.
- Thương tâm quá! mình lo tiếp chị được không?
- Được chứ, vậy là phước đức cho em nhỏ.
- Nhưng chị phải hứa đi chơi với tụi nầy. Trong bạn bè hồi xưa tôi thương bà nhứt đó.
- Biết rồi con nhỏ Mai vui tính.
- Vậy hứa đi phải hôn?
- Không được, Dung còn lo đôn nền cho một bà già bán vé số.
- Chị nầy, bộ mua vé số lắm sao mà nói ra là cứ vé số vé số.
Các bạn cười rân lên.
Thôi các bạn đừng ép chị Dung tội nghiệp _ Trọng nói _ nhưng chị Dung à, chúng tôi rất muốn có chị đi nên đã bàn trước với nhau đến cúng rằm chùa nầy gặp chị. Nếu hoàn cảnh không đặt chị vào chỗ khó xử thì chúng tôi xin mời chị, người bạn chửng chạc nhất mà chúng tôi quí mến, đi cùng.
Tôi rất tiếc…
Các bạn Dung về với đầy tâm sự. Mặt trời nghiêng ngả về chiều, Dung ra sân chùa định vui chơi với vài chậu kiểng tượng hình rất đẹp cho khuây khỏa đầu óc bị mấy đứa bạn xưa vây đi du lịch, nhưng sân chùa nắng nóng như nung lửa, không một bống người dám ra đùa nghịch thì cô cũng thôi đi. Khách đến thiền môn thưa dần, với lại Dung đã hứa bao chót, bãi bỏ việc quyên tiền thêm thì đâu cần kéo dài thời gian ở đây mà lựa người nhờ đóng góp: Hãy đi kêu thợ xây nền nhà cho bà già bán vé số…
29/10/2016


Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ

Viên Minh lễ bái xong thời khóa sáng, đáng lẽ theo thói quen ông vào mùng tịnh tọa. Nhưng Trời hôm nay lặng gió, cúng rịnh mồ hôi như lúc ban trưa không thể vào mùng ngồi nổi. Mở hai cánh cửa sổ mà gió lạnh không chịu lùa vào, đã nực còn thêm muổi chít. Viên Minh kéo cây quạt máy cho quay tạo gió mát trong lúc tịnh tọa. Ngồi niệm mới chừng chục câu Lục Tự Di Đà, bổng có ánh đèn pha sáng choang lẹt xẹt qua cửa sổ; rồi hai ánh sáng xẹt, ba ánh sánh xẹt. Sau ba cái lẹt xẹt sáng thì nghe tiếng xe máy nổ xa lùa tới, tắt ngủm trước sân nhà, tiếng lụp cụp, rù rì, giọng nam giọng nữ, tiếng dép và tiếng của một phụ nữ: Chủ nhà ơi! Thưa đây có phải là nhà của chú Viên Minh không ạ?
Viên Minh nghe kêu nhưng chờ cho kêu lần nữa để chắc chắn sự nghe không lầm. Ông liền xả tịnh tọa đứng lên, bật đèn sáng nhưng lòng còn ngại nghi, nghĩ thầm trong bụng ai đâu Trời chưa sáng mà lại kêu cửa, chiếc đồng hồ treo vách cho hay 4 giờ 20 sáng, ( trời độ nầy hơn 6 giờ mới sáng.)
Cánh cửa mở ra một cách dè dặt, nhờ bóng đèn treo trên bàn Thông Thiên, bóng đèn u bốn phóng quang ra sân Viên Minh thấy khách tổng cộng sáu người đến đây bằng ba chiếc xe gắn máy, bốn người nam đều vận quần tây, hai bỏ áo trong quần, hai để áo suôn, trông không giống kẻ ác; có hai phụ nữ mặc áo bà ba, dáng đạo, làm cho Ông an tâm trong cuộc gặp gở không thường có nầy. Ông liền gật đầu cùng với miệng hỏi chào nhẹ tiếng. Khách cũng vội vàng chào lại. Viên Minh mời quý khách vào nhà. Ông kéo chồng ghế rứt ra từ cái mời khách ngồi, một phụ  nữ trẻ nhanh tay đở tay Ông để cho cô ấy làm việc đó.
Viên Minh đi bắt ấm nước trên cái bếp ga gần bên để chủ khách nhâm nhi chút trà cho ấm lòng thì người phụ nữ kia cũng lại giành làm. Không bận nấu nước pha trà, ông trở lại ngồi vào bàn.
- Xin được hỏi quý khách _ Viên Minh nói _ tôi trông quý vị từ đâu xa tới?
- Dạ chúng tôi đến từ tỉnh Tiền-Giang _ một người trong đoàn đại diện trả lời.
- Làm sao quý vị biết được đây mà tìm?
Người phụ nữ ở bên bếp ga nói:
- Con có đến đây một lần cách nay chưa đầy một tháng chú quên con sao?
- Cô …
- Con dựa vào lời dạy của Đức Thầy đặt câu hỏi “Chân Tánh Là Gì” đó !
- Ô, tôi nhớ ra ra rồi! là cô đó sao?
- Dạ, lần đó may mắn được đi chung với quý chị ở Sa Đéc mà biết chú. Về nhà con giới thiệu chú cho quý anh quý chú; nghe con nói, quý vị đây rất thích nên luôn tiện về kính viếng Tổ Đình lần nầy tìm đến cho biết chú.
- Những lời chào hỏi của tôi đối với quý vị thật là e dè, giống như điều tra. Tôi thành thật xin lỗi.
- Dạ không sao! Thấy lạ mà xuất hiện lúc trời còn đêm thì có quyền nghi sợ.
- Xa vậy, đi hồi nào mà tới đây lúc nầy? Bộ hành trình suốt đêm sao?
- Hôm qua chúng tôi đến viếng Tổ Đình PGHH và nghỉ đêm ở một nhà quen đây.
- Cám ơn Huynh đệ có lòng.
- Chúng tôi biết _ trong bốn người nam không bỏ áo trong quần nói _ ghé huynh vào giờ nầy sẽ làm cản trở việc công phu tu niệm, nhưng sợ sáng sớm huynh đi vắng nên phải đường đột kéo nhau đến giờ nầy.
- Hiểu được tấm lòng của quý huynh đệ, tôi cảm nhận tinh thần người có đạo tìm với nhau hẳng nhiên là để bàn luận chuyện trò về đạo đức, tôi dẩu có mất chút giờ giất công phu cho quý vị nghĩ cũng đáng làm mà.
Quanh chiếc bàn tròn lúc bảy lúc sáu người, đợi mời xong một lược dùng trà khách hỏi:
- Bây giờ đâu đâu cũng khởi lên chương trình Hộ Niệm cho bệnh nhân sắp lâm chung. Có lẽ tôi không thuộc lòng nhiều Sám Giảng Thi Văn của Đức Thầy nhiều để tìm ra câu Ngài dạy Hộ Niệm cho bệnh nhân sắp mãn kiếp hồng trần. Xin hỏi hiền huynh có câu nào chắc chắn để chứng minh rằng Đức Thầy dạy Hộ Niệm như vậy không?
Viên Minh đáp:
- Nếu nói về chánh văn và cần có chánh văn để căn cứ thì Đức Thầy có dạy Hộ Niệm bằng như câu:
“Lòng phàm rửa sạch niềm nhân ngã
Phước Phật trau-giồi kết thiện-duyên.
*
Thiện-duyên ấy cũng tại nơi ta,
Hộ niệm oai-linh Đức Phật Đà.”
Xin huynh cho biết _ một vị khác hỏi _ ý nghĩa của việc hộ niệm là sao ạ?
Hộ Niệm có nghĩa là ủng hộ, hỗ trợ, tạo tác động phụ. Ví dụ: một người khởi lên công cuộc lớn mà muốn cho thành công thì rất cần có nhiều người ủng hộ, trợ giúp thêm sức. Trường hợp hộ niệm hướng về bệnh nhân sắp lâm chung đương nhiên hành giả đứng ở vị trí chính của công cuộc về Phật Quốc, e một mình hành giả không thể thượng lộ bình an đến cõi Cực Lạc bởi những tác động của NGHIỆP hoành hành, cần có nhiều người ủng hộ bằng cách niệm Phật trợ theo để hành giả bệnh nhân luôn tìm thấy lộ đồ, giữ vững chánh tâm. Tuy nhiên, câu có từ hộ niệm tôi vừa trích, người khó tính có thể không hài lòng bởi sự dẫn dụ chỉ vào bệnh nhân sắp lâm chung mà văn nghĩa không riêng nói cho người sắp mãn kiếp hồng trần; chúng ta còn có nhiều câu phải tin nhưng kể điển hình một câu thôi:
“Ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức”.
Dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức đã bao gồm một cách đúng đắn nhất về sự hộ niệm. Sợ đồng đạo bệnh nhân trước phút lâm chung bị oan gia nghiệp chướng đến đòi, tâm thần không định tỉnh, đánh mất lộ đồ về Tây Phương. Hộ niệm là dìu dắt, nhắc nhở để hành giả tìm lại lộ đồ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT mà bước tới, tiến lên.., đã quá rõ nghĩa về sự hộ niệm rồi còn gì.
- Theo suy nghĩ của huynh sự hộ niệm có cần thiết lắm không khi Đức Phật dạy chúng sanh phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi” còn Đức Thầy thì bảo rằng “ Phật Tây Phương thiệt quá xa xăm, hãy tìm kiếm ở trong não trí”.
- Tôi thấy rất cần, nhưng không phải dựa vào việc rất cần sự ủng hộ, hộ niệm của nhiều người mà hành giả lơ là tu niệm cho chính bản thân, sống cứ buông thả theo trần duyên, gây nhiều nghiệp chướng nặng nề, chướng nghiệp chận đường cản lối. Hành giả buông đứt đường tu trong lúc lâm chung là không được; chủ xướng công cuộc mà lại bỏ cuộc thì người ủng hộ công cuộc biết dựa vào đâu để có một niềm tin là người chết được vãng sanh Cực Lạc.
Ngoài Trời sáng hẳng ra, Viên Minh đứng lên đi tắt các bóng đèn, mở tung các cửa cho gió sớm lùa vào, xong trở lại hỏi ý khách cho mời dùng điểm tâm sáng bằng mì gói. Khách coi bộ thức khuya đã bào dạ nên gật đầu ngay. Viên Minh nói:
- Vậy mọi người nên đi dạo cảnh cho thông thả tý nhá !
- Dạ được lắm.
- Hai cô gì đó ơi!
- Dạ thưa chú con tên là Lượu, chị kia tên Mai. Có gì chú kêu hai con.
- Nhờ hai cháu nấu nước được chứ !
- Dạ.

Viên Minh xách rổ nhỏ, mở cửa sau ra vườn hái một ít rau không trồng ra làm hương vị cho tô mì có thêm một chút dáng vẻ, một cô đi theo, thấy đọt rau lan nhiều quá kêu lên:
- Chú ơi có hái đọt rau Lan không ạ?
- Chú tính hái rau Cần Cua, Ngò Gai, Quế.
- Chú ơi đọt Lan mà trụng mì gói ăn là số vách đó.
- Thế sao! Vậy cô cứ hái để hôm nay mọi người dùng thử.
- Dạ, chú ăn đi nữa sẽ ghiền luôn.
- Tưởng gì chớ rau Lan ở đây lên mịch đất, lắm lúc tôi còn phải tốn công guộng bỏ.
Dùng điểm tâm sáng xong, Ông khách bỏ áo trong quần sớm giờ chưa nói câu gì  yêu cầu trở lại bàn tròn tiếp tục đề tài còn dang dở, Ông nói:
- Theo như tôi thấy, việc Hộ Niệm có nơi thì quá cầu kỳ về bài bản, còn nơi trơn tru. Trong một đạo mà chưa có sự thống nhứt, theo như huynh có nên thống nhứt một kiểu không?
- Chúng sanh muôn trùng _ Viên Minh đáp _ nên Phật dạy nhiều pháp môn để chúng sanh tùy trình độ lựa pháp tu cho phù hợp. Để chứng minh điều nầy trong PGHH, tôi xin trích dẫn một đoạn văn trong bài “Thay Lời Tựa” của Đức Thầy như sau: “Tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam, trên thì nói Phật Pháp cho kẻ có lòng một đạo quy căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên Gia độ bệnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với trăm quan”. Do đó ta không đòi hỏi thống nhứt cách tu, chỉ nên thống nhứt ý chí được là tốt rồi.
- Xin cho nghe sự giải thích của huynh, cách tu là gì và vì sao không nên đòi thống nhứt cách tu?
- Ví dụ: Niệm Phật là pháp môn tu, niệm lúc đi, đứng, nằm, ngồi là cách. Ta rảnh rang có thời giờ ngồi niệm Phật nhiều, ta không thể kêu những người không rảnh rang ngồi tu chung với ta trong khi họ đang tu đứng, tu đi, tu nằm. Kêu họ thống nhứt với ta ở thế ngồi là không phù hợp với họ.
- Sao gọi là thống nhứt ý chí?
- Cùng nhau một tinh thần, một điểm đến. Ví dụ: Đức Phật là đấng giải thoát hoàn toàn mọi khổ lụy chúng sanh, đừng ai giải thích Phật còn bị ràng buộc bởi cái nầy cái nọ. Tu theo đạo Phật là muốn giải thoát thành Phật như Phật đã giải thoát. Đây chính là điều Phật lâm phàm dạy đạo. Không thể có chuyện Đức Phật dạy chúng sanh không thành Phật. Vậy trong hành đạo, ta dứt khoác không bị lệ thuộc bởi điều nầy việc nọ chận đứng sự giải thoát cho ở nơi luân hồi sanh tử nữa, chính là thống nhứt ý chí.
- Không thể thống nhứt cách hộ niệm về việc người thì quá ư bài bản kẻ lại trơn tru, nhưng để đạt đến kết quả có thể tin tưởng được trên phương diện tổ chức Hộ Niệm ở mỗi nơi mỗi khác, còn có gì trục trặc phải đem bàn không?
- Theo tôi thấy có trục trặc và điều trục trặc nên bàn.
- Chúng tôi xin được nghe.
- Hãy sắm ra một hay nhiều đội ngũ đều có chuyên môn hành nghề Niệm Phật và Niệm Phật đối với họ là nghề nghiệp vững chắc. Đội ngũ nầy phải có đầy đủ 3 yếu tố căn bản đi đến quyết định:
1, Giữ giới và tôn trọng giới luật, nhứt hơn hết là giới sát sanh, lẽ tất nhiên người hộ niệm phải trường chay.
2, Thường niệm Phật. Luôn đề cao pháp môn niệm Phật là phao cứu người chìm đắm, để không bỏ cái phao niệm Phật mà niệm những thứ khác trong chốn sông mê. Người tự bỏ phao cứu mình trong lúc ở sông sâu thì đừng nói đi tìm phao cứu kẻ nào. Đối với mình mà không thường niệm Phật cho mình, không có khả năng niệm Phật cho mình, tất nhiên, sẽ không có khả năng niệm Phật cho ai?
3, Hạnh cách của người Hộ niệm phải được sạch sẽ những mê đắm thế gian, sẵn lòng bất cứ lúc nào, nếu mãn kiếp hồng trần, đi cùng với Phật qua Tây Thiên.
Người không giữ giới nhứt là giới sát sanh, đối với nhân quả thì con đường luân hồi của họ tự mình chưa xong làm sao lo cho người khác. Đến chỗ hộ niệm mà niệm Phật cứ loạn tâm thì mất ý nghĩa của việc Hộ Niệm.
Thường Niệm là hành giả niệm Phật riết thành thói quen, hằng ngày tránh bớt vọng tâm, trong khi hộ niệm, do sự bớt vọng tâm sẽ cảm ứng sâu sắc đến bệnh nhân để họ xua đuổi những sợ hãi, tà tư vọng tưởng mà liền nhập tâm Phật thay thế tâm chúng sanh.
Hạnh cách là sự bao gồm một nhà tu xứng đáng với danh tu, tự độ, tha độ. Chọn được một đội ngũ như thế họ đi tới đâu thì đức độ của họ tới đó. Đức tuy không thấy nhưng sẽ làm cảm lòng bệnh nhân, tự động vẹt mây mù, nghiệp mê tan biến, hiện rành rạnh lộ đồ Tây Phương, niệm Phật nhứt tâm, cùng hòa nhịp với người hộ niệm.
Vai trò đội ngũ Hộ Niệm chỉ biết hộ niệm cho bệnh nhân nhớ câu Lục Tự Di Đà thôi, đừng biết thêm hay làm thêm chuyện vì khác ngay lúc mình ở tư thế Hộ niệm. Khép bớt đôi mắt lại để dễ giữ chú tâm, ai đến quen hay lạ thây kệ ai không cần ngó và chào hỏi họ. Trời gầm, phong vũ vì vì cũng nhiếp tâm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Để làm tốt cho đội ngũ hộ niệm trong lúc hành sự, nên ý kiến trước với thân nhân bệnh nhân cần hộ niệm, giúp can thiệp giùm bất cứ ai đến chuốc ngót về tình cảm, rờ rẩm mình mẩy hoặc kêu hỏi: Anh ơi còn nhớ tôi không? Chú ơi còn nhớ cháu không…? Tình cảm đối với bệnh nhân sắp lâm chung nó như những con vi trùng độc hại chuyền qua cơ thể, nếu bệnh nhân có biểu cảm về sự thân mến là ngay khi đó không có niệm Phật, cũng không nghe tiếng ai niệm Phật nữa lại là lúc tử thần đến bắt đi thì không còn vì để nói. Thế nên Đức Thầy đặt trọng tâm vào hiện tượng nầy bằng câu “Tang gia đừng nên khóc lóc làm trở ngại sự siêu thoát của vong linh”.
Ông khách vận Tây đưa cánh tay lên gần sát mắt xem đồng hồ, đường xa mà giờ giất như hối hả, Ông nói:
- Cám ơn Huynh, cám ơn duyên lành cho chúng ta gặp gở buổi đầu mà sự bàn luận rất là hứng thú. Đến lúc chúng tôi phải kiếu từ, hẹn còn duyên thì còn gặp lại. Vâng, buổi gặp gở nầy tiếp thu qua giải đáp thắc mắc, coi như là một thông tin mới nhất mà tôi được nghe, tôi hứa sẽ truyền đạt những thông tin nầy với bạn bè đồng đạo gần xa nếu như có dịp.
- Chúc phái đoàn thượng lộ bình an!
Gió sớm hay hẩy thổi lất phất đung đưa mấy bình Lan treo trên những nhánh Bồ Đề. Mặt Trời thập thò trên tàu là chuối rách te phía sau nhà, nắng ban mai rải sáng lóm đóm lên những cây bông kiểng, cùng hòa điệu với Viên Minh tiểng chân những người khách xa lạ.
26/10/2016


Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

NIỆM DI ĐÀ

Lúc Đức Thầy bị nhà đương cuộc Pháp đày đi lưu cư ở tỉnh Bạc Liêu, ngày 10 tháng 6 nhuần Tân Tỵ (2/8/1941) Ngài sáng tác bài “ Niệm Di Đà” như sau:
“Mắt nhìn Trần-Đỏ niệm Di Đà,
Nguyện vái thân nầy khỏi đọa-sa.
Muôn đạo hồng quang oai Đức Phật,
Soi đường minh-thiện đến Long-Hoa”.
Khi kết tập thành quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ, Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương (BPTGLTU) viết chú thích ( bài trên đây Đức Thầy viết ra cho anh em tín đồ nguyện trước khi niệm Phật).
Lúc xưa đạo mới khai chưa thịnh lắm, tín đồ có niệm Phật cũng chỉ cá nhân. Giờ đạo đã lên nhiều tuổi, người trong đạo học biết về giáo lý giải thoát, tiến tu pháp môn Tịnh Độ, rủ nhau niệm Phật thành phong trào, nhiều nơi tổ chức chương trình nầy. Có nơi căn cứ theo lời giải thích của BPTGLTU đọc nguyện bài Niệm Di Đà trước khi vào Niệm Phật đã gặp phải một số đông đồng đạo không đồng ý đọc bài nầy trong chương trình niệm Phật, những nơi khác, ban tổ chức không cho đọc bài Niệm Di Đà cũng làm không ít người đến dự phiền lòng.
Mấy hôm trước có chư huynh đệ đến thăm, sẵn dịp hỏi tôi về đọc hay không đọc bài Niệm Di Đà trước khi Niệm Phật. Tôi biết chuyện nầy rất nhạy cảm, đụng tới có thể bị giận hờn từ nhau không tới, nên tôi trả lời kiểu phân hai, đọc cũng được không đọc cũng được. Khách nói:
- Điều nào thì một điều thôi chứ!
- Riêng tôi, mỗi cử niệm Phật cá nhân tôi không đọc bài Niệm Di Đà.
- Anh dám không nghe lời Đức Thầy dạy sao?
- Xin đừng đặt nặng vấn đề như vậy. Tôi tin Bài Niệm Di Đà là của Đức Thầy sáng tác nhưng viết chú thích (bài trên đây Đức Thầy viết ra cho anh em tín đồ nguyện trước khi niệm Phật) là của BPTGLTU. Tuy tôi không đọc nguyện bài Niệm Di Đà nhưng tôi không quả quyết không đọc là đúng hơn có đọc.
Chú thích của BPTLYTU anh không tin sao?
Tiếp chuyện với nhau hãy giữ bầu không khí mát mẻ, đừng nên đặt vấn đề uy tín cho có thiện cảm, việc bàn luận mới ngả ngũ. Sở dỉ tôi làm như thế vì lòng tôi không thể quên được lời Đức Thầy dạy, đã dính trong đầu óc mình, như những câu sau đây:
“Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lịnh bảo ta truyền dạy.”
Sự truyền dạy của Ngài là:
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
“Mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc,
Hưởng công niệm Phật rất yên lành”.
“ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
Đồng bay về Cực-Lạc một đàng,
thì thân Thầy hết phải gian-nan,
đâu có chịu mang câu nhạo báng”.
Theo lời Đức Thầy dạy, tôi đã chọn hướng vãng sanh Cực Lạc chứ không nghĩ mình về Hội Long Hoa, nên không vì kính nể mà miễn cưỡng làm điều mình không muốn. Anh lựa một hai câu trong hàng ngàn câu để hỏi khi người ta  không thực hành theo ý anh thì cho người ta cái tội cải lời Thầy là không đúng. Không ai có thể làm hết những vì Đức Phật Đức Thầy dạy, điển hình đạo Phật có nhiều pháp môn, người ta chỉ cần một pháp môn nào vừa ý, phù hạp là hành chỉ một pháp môn thôi cũng đủ đắc đạo. Tôi không làm theo lời Đức Thầy dạy điều nầy nhưng làm ở điều dạy khác “Về Cực Lạc mới là hết khổ”. Chắc các anh thông cảm rồi  chứ ?
Đúng, nhưng sự chú thích của BPTLYTU, không lẽ …
Cũng là một điều trong nhiều điều, một pháp trong nhiều pháp. Ngược lại, hành giả y cứ câu “Soi đường Minh Thện đến Long-Hoa” không hành trì sự “Đồng bay về Cực Lạc một đàng” thì sao? Các anh có bảo người ta cải lời Thầy hay không?
Tôi chưa nghĩ tới điều chú nói…
Sấm Giảng giáo lý PGHH có cả hai phần làm nền tảng cho sự học hạnh của các tín đồ là giáo điều và giáo lý. Giáo điều nặng tính bó buộc trong khi giáo lý thông thả hơn. Ta gọi là quyển Tôn Chỉ Hành Đạo, những lời dạy trong tôn chỉ có sức mạnh giá trị hơn những bài giáo lý nằm ngoài phạm vi Tôn Chỉ.
Gọi là quyển Tôn Chỉ Hành Đạo, nhưng thật ra Tôn Chỉ không phải là quyển, vì nó không phải là tựa đề. Chúng ta đọc từ lời nói đầu cho đến hết quyển sáu không thấy có tựa đề tôn chỉ hành đạo. Nếu là quyển thì phải nói là quyển sáu với tựa đề “ CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐAO” (giống như bài “Thay Lời Tựa” mà ta thường gọi là bài Sứ Mạng của Đức Thầy, đâu có tựa đề “Sứ Mạng”).Tôn Chỉ Hành Đạo là bốn chữ trong ruột của bài “Lời Nói Đầu” cho quyển sáu như sau:
“Năm năm trường xa cách, cái chánh-sách áp-bức tôn-giáo gắt-gao của người Pháp làm cho tôi không được gần-gủi các người hầu giải-bày tường-tận tôn-chỉ hành đạo của tôi”.
Trong sự “giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo” rất tiếc, bài “Niệm Di Đà” không nằm trong tôn chỉ hành đạo để có cơ sở cột buộc phải thi hành. Giáo lý nằm ngoài tôn chỉ hành đạo được thông thả với tính tùy hỉ. Chúng ta, nếu ai hằng ngày săn sóc lộ trình về Cực Lạc, hãy quên tất cả những con đường không về Cực Lạc, sử sự như vậy là đúng trọng tâm của câu “Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành, được cứu cánh về nơi an dưỡng. Chỉ một kiếp tây Phương hồi hướng, thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”. Chẳng phải ta chọn tu pháp môn niệm Phật là để “Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi” sao?
Tưởng cũng nên nói nhắc, nay chương trình niệm Phật thất, hay niệm khóa đã phát đi nhiều nơi, hộ niệm cho người lâm trọng bệnh không mất chánh tâm về Phật. Từ đó đến lâm chung người ta mời ban cầu nguyện, hộ niệm siêng suốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, ban hộ niệm có thể nói lời khuyến khích, phát chỉ một hướng tâm niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, cầu nguyện lực của Ngài, lúc mãn kiếp hồng trần liền siêu sanh về Phật quốc. Chưa nghe thấy ai lại bệnh nhân mà nhắc nhở cầu về Long Hoa. Còn ban cầu nguyện thì áp dụng hai bài đối với người giả biệt cõi đời, một là bài nguyện trước bàn Phật (hương án) có câu “… nhờ ơn Đức Phật từ bi cứu độ vong linh được thoát chốn mê đồ vãng sanh miền Cực Lạc”, hai là bài Tây Phương tiếp dẫn “ Nam mô Tây Phương Cực Lạc… đồng danh đồng hiệu, đại từ đại bi, tiếp dẫn vong linh A Di Đà Phật”. Cả hai bài, bài nào cũng nguyện Đức Phật Di Đà tiếp dẫn hay cứu độ vong linh về cõi Cực Lạc, không có đến Long Hoa mà hai bài nầy đều năm trong quyển “tôn chỉ hành đạo”.
Trở lại bài “NIỆM DI ĐÀ” Đức Thầy sáng tác thi phẩm nầy lúc Ngài ở Bạc Liêu, vỏn vẹn có bốn câu, nội dung đầy tính giáo lý thâm mật “Nguyện vái thân nầy khỏi đọa sa, muôn đạo hồng quang oai Đức Phật”. Sự hay ho không nằm trong Tôn Chỉ Hành Đạo, là giáo lý không có giáo điều ràng buột. Hơn nữa, nếu như, những lời chú thích phía dưới bài Niệm Di Đà là của Đức Thầy luôn thể thì hay biết mấy, đàng nầy lại là của BPTGLTU chú thích, kêu đọc nguyện trước khi niệm Phật thì quả là đã làm khó cho những hành giả y cứ theo những câu “Ở Tây Phương Chư Phật ngóng trông, chờ bá tánh rủ nhau niệm Phật; Đồng bay về Cực Lạc một đàng; Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc; về Cực Lạc mới là hết khổ…”
Theo sự suy diễn của tôi, Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm, đương nhiên biết được lòng người, một trò đến với Thầy xin học đạo, Thầy biết được tâm tính của tên học trò không có khả năng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ nhưng lại có duyên với Phật Di Lặc và Hội Long Hoa. Đức Thầy viết bài Niệm Di Đà trao cho Ông với lời dặn dò: Hãy đọc nguyện bài nầy trước khi niệm Phật. Ta nghe chuyện riêng của Ông đồng đạo đến học với Đức Thầy mà tưởng là chuyện chung, kêu mọi người áp dụng cái sở thích riêng tư của Ông học trò ấy thì bị rơi vào trường hợp “Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan”.
Vì lẽ đó, nên tôi tùy hỷ với chư đồng đạo, đọc cũng được, không đọc cũng được bài thơ Niệm Di Đà, trước khi niệm Phật. Người tu hành sợ nhứt là phân tâm, nếu cầu sanh về Cực Lạc thì chỉ một hướng đó mà tiến tới, muốn về Long Hoa nhắm hương Long Hoa tiến bước. Phải dứt khoác một hướng mới có kết quả tốt.

21/10/2016

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

PHẬT LÀ GÌ?

Là tựa đề của một bài viết về Phật lý cao siêu, Đức Tôn Sư khai sáng PGHH, dạy chúng sanh tu hành theo Phật Đạo. Ngài tự vấn Phật Là Gì để giải thích giùm tín đồ trong đạo nói riêng, chúng sanh nói chung:
“Phật giả là giác giả, giác giả là tỉnh giả”.
Nhân dịp lễ cúng tuần ở một nhà đồng đạo, khách tham dự khá đông. Cúng xong, ban tổ chức mời khách ở dùng trà nước, nhân dịp nầy, trong số khách mời có người dựa theo bài Phật Là Gì đặt ra ba câu nghi vấn như sau:
Thế nào là Phật Giả?
Thế nào là Giác Giả?
Sao gọi là Tỉnh Giả?
Sau khi đưa ra ba câu hỏi vị nầy còn nói thêm rằng: Trân trọng mời chư huynh đệ hoan hỉ cho tôi xin học những cao kiến của quý vị qua sức hiểu biết về giáo pháp tối thượng nầy.
Nghe ba câu hỏi có ba chữ “ giả” xem rất mới mẻ trong làng nghi vấn, chừng như không ít người thể hiện tính vô cảm, không có biểu hiệu nắn nót đề tài. Vấn chủ kêu gọi sự hảo tâm của các vị cao minh, nhưng thời gian cứ lại trôi qua trong yên lặng một cách hoang phí. Từ lời mời lần thứ nhất cho đến lần thứ tư mới có một nam đồng đạo lên tiếng:
Kính thưa chư đồng đạo! Vì vấn chủ mời lâu mà không thấy huynh trưởng nào giơ cao tay, ngồi mà sót ruột. Thôi thì tôi bắt một nhịp cầu cho người sau đến còn hơn là để im lặng kéo dài, trong khi ở đây không phải đạo tràng niệm Phật để người ta áp dụng mặc niệm. Với câu “Đạo pháp vô biên sức người có hạng” tôi tự lượng hạng sức mình chưa chắc đã biết nên nói qua cái biết của một đạo huynh: Chữ “Giả” sau mỗi câu hỏi có ý nghĩa là “Vậy”.
- Cả ba chữ Giả đều là “ vậy” hết sao? Vấn chủ thắc mắc.
- Thưa phải.
- Thế thì Phật vậy, Giác vậy và Tỉnh vậy sao? Đơn giản quá!
- Như tôi đã nói: tự lượng sức mình là thiếu hiểu biết nên nói qua cái biết của một đạo huynh. Nếu như sự vay mượn của tôi đã làm cho vấn chủ chưa thỏa đáng thì xin mời Ông đưa ra lý giải của mình.
- Tôi thật sự không biết chớ không phải giả làm không biết để đùa cợt trên ý nghĩ của người khác. Giả mà là Vậy nốt thì rất khó tìm sự học hành trong đó. Nhưng thôi … có thể tôi thiếu hiểu biết về tính nhất như của câu giải đáp giản dị mà đầy đủ hơn những luận chứng của “nhiều người kinh sử lảu thông”. Tôi không phụ phàng, xin hãy để cho tương lai khi trình độ giác ngộ của tôi cao sâu hơn nữa biết đâu sẽ “Vén ngút mây mù”, còn giờ, mời huynh đệ thêm ý kiến vì khác tô điểm cho đề tài.
Bổng có một người trông rất lạ, chắc chắn không phải địa phương nhà hay những địa phương lân cận, trạc tuổi khoảng năm mươi, lên tiếng xin đóng góp đề tài. Ông nói:
Kính thưa quý bà con mình, người có tín ngưỡng đạo Phật, mỗi khi trình bày giáo lý trước số đông bà con tham dự, diễn giả thường mở đầu bằng câu khiêm nhượng “ Phật Pháp vô biên, sức người hửu hạng”. Nay tôi cũng xin được nói như thế trước khi giải đáp nghi vấn mà đề tài quá mức nhiệm sâu về giáo lý, mong có sự thông cảm của bà con và nhất là sự thông cảm của vị đạo huynh trình bày trước tôi cũng đã nói Phật Pháp vô biên, sức người có hạng” như tôi.
Sự khiêm nhượng cũng như dùng văn từ, giọng nói có vẻ thu hút khiến người ta ngóng nhìn và liền có sự thông cảm khi Ông đặt sự chú ý cho mọi người: đề tài quá mức nhiệm sâu về giáo lý  để họ chú tâm theo dõi và hoan hỉ những khuyết điểm nếu có. Ông nói:
Trước hết, theo sự học biết của tôi, thuộc về chữ nghĩa, thấy có hơi rắc rối về từ ngữ thì nên coi lại chính tả, bàn qua chính tả, văn phạm để lấy mực thước. tôi xin nêu rõ sự liên quan của “Đồng âm dị tự”. Theo quyễn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Dị của học giả Lê Ngọc Trụ, chữ “giả” ( Viết theo Đức Thầy ) có hết thảy là sáu chữ đồng âm dị tự xin kể ra như sau:
Dả: Dư dả
Dã: làm cho bớt chất độc, như dã rượu, dã thuốc. Đồng thời chữ Dã nầy còn có nghĩa “ Vậy” tiếng ở cuối câu.
Giả: không thật, đồng thời nói là “ kẻ” như diễn giả, học giả, hành giả…
Giã: đâm giã, giã gạo, giã thuốc, giã muối, chày giã cối…
Vả: sè bàn tay tát vào mặt người khác…
Vã: trong người toát ra: vã mồ hôi; vội vã, vồn vã…
Việt ngữ có sáu chữ giả như thế, ta thấy dị tự của chữ giả mà nghĩa là “ vậy” thì là “ Dã” nầy chứ không phải là chữ “ Giả” nầy, như Phật Giả, Giác Giả, Tỉnh Giả trong bài Phật Là Gì của Đức Thầy. Tôi xin trích vài đoạn Hán văn có chữ dã là vậy để chỉnh đối. Sách Trang Tử Tinh Hoa có câu:
“ Phong chi tích dã bất hậu, tắc kỳ phụ đại đực dã vô lực”.
Hoàng Thần Thuần dịch:
(sức gió không mạnh thì không đủ sức nâng đôi cánh chim Đại Bàng to lớn vậy)
“Trương Vi khư triếp thám mang phái quý chi đạo nhi vi thủ bị, tắc tất nhiếp giam đằng, cố cục quyết, thử thế tục chi sở vị trí dã”.
(Cách ngăn ngừa, cảnh giác bọn trộm cạy rương, móc túi, mở tủ là hãy cột chặt dây, khóa chặt ổ khóa, đây chính là một dạng thông minh của trần gian vậy)
Căn cứ theo chữ nghĩa, ở chỗ, chữ nào nghĩa nấy thì ta không thể giải thích lầm lộn GỈA thành ra DÃ được.
Đối với câu hỏi có ba chữ cùng thể loại “Giả” xin được hiểu là “ Kẻ”, ví dụ: Tác giả, học giả, hành giả, khán tính giả… thì theo sự nghiên cứu của tôi Phật Giả là người tu hành (hành giả) đã đi suốt đường dài từ bờ mê sang bến giác, suốt đường dài trùng trùng khổ ải của tấm thân tứ đại và tinh thần thì quá nhiều vọng động sai lầm và chuyển hóa những vọng động sai lầm thành chơn như lý tánh. Trước Phật Thích Ca đắc đạo, tại thế gian nầy không có Phật và trước khi thành Phật Ngài là một con người như bao nhiêu người khác cũng đi đứng nằm ngồi, nói năng ngủ nghỉ, ăn uống … các cái. Có điều hơn chúng ta, Ngài xuất thân đi tu từ vị trí đông cung thái tử nhưng không phải do vì Ngài là Thái tử mới tu thành Phật đạo. Đắc đạo là đi vào trạng thái định tâm của chính mình, bất cứ ai, giàu nghèo, có học, vô học mà tu siêng suốt là hành giả sẽ vào trạng thái định tâm, chứ không phải do đấng linh thiêng nào cho được. Thái tử xuất gia tu hành trên vùng núi tuyết của Ấn Độ, định tâm, Ngài chứng quả vô thượng bồ đề: Phật Giả là hành giả tu hành thành Phật.
Thế nào là giác giả?
Ta trở lại tựa đề Phật Là Gì làm ví dụ thì giác giả tức người tu đã đạt đến cảnh giới nội tâm hoàn toàn trong sáng, giác ngộ trước mọi thứ mọi chuyện, chung quy là vật chất và tinh thần. Vật chất hết còn đeo đắm, tinh thần lúc nào cũng như lúc nào đều trong sạch, vắng lặng, chính là chỗ mà Đức Thầy nói “ … Phá tan các làn sóng thị-dục lôi kéo vào những nẽo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt hết sự phàm trần…”. Ở một đoạn khác Đức Thầy diễn tả trạng thái của một vị Phật từ trên cõi “Tây phương Cực Lạc khùng ngồi tòa sen” lâm phàm độ chúng, Phật là “ Muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi-vị hưởng quả bồ-đề trường-thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng-trần đặng chịu cảnh chê khen”
Tâm tánh một màu thanh tịnh, như như sáng suốt. Tôi dùng từ hoàn toàn giác ngộ để nói rằng Phật nhìn đâu cũng như như sáng suốt, ở đâu cũng như như sáng suốt. Thế đã rõ nghĩa câu Phật giả là giác giả.
Sao gọi giác giả là tỉnh giả?
Chỉ cần giải thích tỉnh là đi ngược với mê. Mê là chúng sanh, tỉnh là Phật. Tỉnh giả là hành giả đã lột hết tám vạn bốn ngàn phiền não trần lao mây che, khiến vô minh không còn nữa, huệ nhựt lúc nào như lúc nào đều sáng tỏ. Tỉnh là mặt nổi của giác giả, biểu hiện sự tu chứng, dứt đi các nhiễm trược đọa sa, sống trong trần mà không dính nhiễm trần. Để diễn tả điều cao quí nầy tôi xin trích lời của Đức Thầy làm rõ ràng hơn về tỉnh giả :
“Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.
Trí toan gieo giống Bồ-Đề,
Kiếm người lương thiện dắt về Tây Phang.”
Tâm lìa cõi mê thì hành giả giác giả đương nhiên là tỉnh giả, là Phật, còn thị hiện ở trần gian để dùng đạo cứu đời, cho đời không nhiễm mùi đời, chấm hết con đường chúng sanh mê đắm, sang qua đường Phật tỏ sáng. Thế nên, sau khi viết giải thích Phật Là Gì Đức Thầy viết tiếp:
“Khi Đức Thích-Ca thành Phật thì Ngài nói pháp tứ-đế độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung Đạo cho người hành theo”.
Tâm lìa cõi mê là từ đây không còn mê nữa. Lìa có nghĩa là cắt đứt, đứt lìa, lìa đời. Thân còn ở trần gian chỉ để dạy dỗ chúng sanh thoát mê khai ngộ, bỏ ác hành thiện, chính là lập thành câu giác giả là tỉnh giả.
Vừa ý rồi ! _ vấn chủ reo lên _ hay lắm, tôi hết thắc mắc. Xin cám ơn đạo huynh, người xa lạ !

17/10/2016

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

LÝ PHẢI CÓ SỰ NỮA

Kính thưa chư huynh đệ! Hôm nay chúng ta bàn qua đề tài “Lý Phải có sự nữa”.Trong đạo Phật ta thường nghe nói hay đọc thấy câu “Lý sự viên dung”, tức nói ra một điều gì cần phải có sự chứng minh. Đức Phật thuyết nhiều pháp để độ chúng bằng lý, ta là người trong chúng đó học nghe giáo pháp của Ngài hiểu lý, hãy tự độ bằng sự, nếu nghe hiểu suôn không tự độ mà mong Phật độ là khó được. Mình học nhiều pháp, lý luận cao vời cũng phải có “ sự ” nữa để làm thước đo bảo đảm tính Học Phật có kết quả tốt về sự cao vời ấy. Trước tiên của người học đạo là tìm cho ra, nhận thức cái lý, như Đức Thầy dạy:
“Coi rồi phải nhận cho hiểu lý,
Câu huyền sâu của kẻ khùng nầy”.
Khi đã học hỏi đạo pháp, hiểu lý không phải để thưởng thức cái thông minh của mình cho sướng, tự đắc, khoe khoan mà hiểu lý để hành sự. Xin trích tiếp lời dạy của Đức Thầy:
“Coi rồi phải thân mình tự trị,
Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu”.
Xem Kinh Phật, Giảng Thầy, đã hiểu nghĩa lý thì phải hành cho tới cái lý mình đã học hiểu. Ví như người đã có trong tay tấm bản đồ kho báu, coi theo bản đồ hướng dẫn tìm kho báu thì phải coi theo sự hướng dẫn trong tấm bảng đồ mà nổ lực. Tìm được kho báu mới thực sự có của báu chứ nghĩ về kho báu, trong tay có bản đồ kho báu mà tưởng là kho báu chỉ là ảo tưởng, ảo giác. Từ ảo tưởng về kho báu, để chứa lâu mà vui với lý lẽ về kho báu, tự mãn, cho rằng có bản đồ kho báu chính là kho báu thì tấm bản đồ nắm trong tay không còn ý nghĩa gì nữa, nó chỉ là mảnh giấy, cái thứ ăn uống không được. Trong giấy nói rất nhiều thứ đồ ăn ngon mà bụng cứ bị treo đói.
Chúng ta trở lại với lời dạy của Đức Thầy, Ngài đặt vấn đề người tu là “Tự Trị” ngay sau khi đã được giáo lý (tấm bản đồ học phật) hướng dẫn chính xác. Thế nào là tự trị ? Ví dụ trong nhà mình, con, em làm giặc, làm gian, cần phải trị những đứa làm giặc làm gian cho trong nhà yên ổn. Chuyện trong nhà mình cần gì phải nhờ người ngoài (cảnh sát). Cái bị trị là của nhà ta thì ta rán mà dằn xếp, điều trị bằng những phương pháp, hơn nữa là biện pháp chứ đâu hễ trong nhà nổi ra chuyện là cứ đi kêu cảnh sát. Ta tu được hay không là do phiền não, nói theo Đức Thầy là “vọng niệm chúng sanh”, nó ở trong ta. Nếu ta vì vô minh tràn ngập cõi lòng không hay phiền não lấn sân thì có Đức Phật là người tu hành đắc đạo ra khỏi vô minh nói cho ta hay, dạy cho ta biết hết mặt mày và tánh tình của mỗi tên giặc phiền não thì ta phải tự xử.
Người khác không phải là ta nên không thể trị được cái của ta, chỉ có ta mới trị được ta thôi. Ta sợ bị dính vào nhân quả trả vay, muốn làm thiện để hưởng phước nhưng lẻo đẻo bị chúng ác rủ ren đến đổi làm ác rồi mới hay thì quá là muộn màng, những ác nầy phải tự trị. Ta muốn được niệm Phật nhưng niệm ma cứ theo rập rình chờ sơ hở nó nhập vai không hay, cám dỗ không biết, phải tự trị để không sơ hở. Hãy tăng cường sự niệm Phật không cho kẻ hở để không sơ hở. Đức Thầy có câu khuyến dạy, chúng ta nhờ vào đó mà tự đánh thức mình:
“Lũ Tam Bành trong bụng còn đeo
Đoàn Lục-Tặc ta mau sớm giết.
Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần kiếm chữ sắc-không”.
Hiểu biết Tam bành Lục Tặc với cả hình dáng của nó là của ta đeo mang “còn đeo” thì  nên hành sự, dẹp những tên đeo cản để trên đường thượng lộ bình an. Như thế, trước khi cầu Phật độ việc tự độ gần xong; nếu ta siêng năng trong việc tự độ thì cầu tha độ mới có linh ứng.
Đạo Phật luôn coi Nhân Quả là điều tối quan trọng, nếu không gieo thiện nhân mà đòi có thiện quả là không hợp lý, không có người nấu gạo làm gì có chuyện thành cơm. Người làm ruộng ít ra phải theo đuổi nghề nghiệp trở thành nghề chuyên môn, siêng năng thì đồng nghiệp mới giúp vốn hay ý kiến, chớ còn người chủ không làm hay chỉ làm lấy có, gượng gạo thôi thì những giúp ý của bạn đồng nghiệp trở nên vô dụng.
Ngày nay, người học đạo có quá nhiều người chấp lý bỏ sự, cái bệnh thời đại nó gần như lan tràn. Không nói chi sâu xa, ngay cả sự công phu sớm chiều của người tín đồ PGHH mà nhiều người chấp cái lý “Phật trong tâm” không cần lạy cầu Phật bên ngoài. Giảng Đức Thầy sờ sờ ra đó mà họ bác bỏ, chỉ nói Phật trong tâm thôi, cúng nguyện cầu Phật là bên ngoài, tu bề ngoài. Nếu bỏ hành sự bên ngoài, bỏ tu bề ngoài thì đạo Phật từ xưa đến nay cất Chùa, Tịnh Xá, niệm Phật Đường để làm gì và hành giả lấy đâu ra bằng chứng là người tu?
Chẳng qua là ngộ nhận cái lý trong kinh Phật dạy phá sự tướng có tu. Phá sự tướng không có nghĩa là không có sự tướng tu mà là hành không chấp tướng hành, tu không chấp tướng tu.
Người Phật tử, ai cũng biết Đức Phật thuyết có nhiều Kinh Pháp nhưng Ngài đọc Kệ nói là không có gì hết “Từ khi mới thành đạo, đến lúc nhập Niết Bàn, trong khoảng thời gian nầy, ta không nói một chữ”. Nếu chỉ đọc tắc ngang không có đầu, tất nhiên sẽ phải công nhận bài Kệ Phật bảo “Không nói một chữ” là đúng. Nhưng trên lịch sử đạo Phật, Đức Phật trụ thế bốn mươi chín năm với ngũ thời thuyết pháp là có thật thì đâu thể cho ta có suy nghĩ là Phật không nói một lời nào. Nhưng tại sao Đức Phật từ chối việc Ngài thuyết Pháp? Pháp do nhân duyên mà có để đối trị những bệnh tâm lý và tội chướng, có chúng sanh bệnh đó thì Đức Phật mới thuyết pháp đó để trị bệnh. Phật thuyết pháp e chúng sanh chấp pháp nên nói câu phá chấp để chúng sanh đang tu đừng mang tính tự đắc pháp môn. Mang tính tự đắc là trạng thái động tâm mà việc tu hành thì tịnh tâm mới phù hợp, như Đức Thầy bảo “Tâm bịnh tịnh được thì phát huệ”. Nói rõ ra, Đức Phật dạy làm mà không chấp chứ chẳng phải dạy chấp không làm nhưng ngày nay, cái bệnh chấp không làm mọc ra quá nhiều.
Kinh Bát Nhả Ba La Mật Đức Phật dạy tu cho hàng Bồ Tát, tập sự Bồ Tát phải đi trên sáu thuyền để độ mình độ người. Sáu chiếc thuyền ấy là Bố Thí Ba la Mật, Trì Giới ba La Mật, Nhẫn Nục Ba La Mật, Tinh Tấn Ba la Mật, Thiền Định Ba La mật và Trí Huệ Ba La mật. Đức Phật nói rằng, Bồ Tát mà không hành thiện sự bằng sáu Ba La mật sẽ là ma sự của Bồ Tát.
Cái bệnh chấp lý bỏ sự, họ cũng tín đồ PGHH, gần như có một số tuyệt đối không cúng lạy, có số người làm biếng mà dựa lý “Phật trong tâm” họ cho việc cúng nguyện không phải là điều quan trọng trong sự tu hành, họ “Rớ” được câu” Cúng lạy là điều phụ thuộc” nên siêng vui thì cúng, làm biếng là thôi. Nhưng đâu chịu mình làm biếng, bào chửa…
Nhờ có sự tu để không làm ma sự của Bồ Tát, nhờ có sự để có tôn giáo, Chùa, Thiện Viện, Tu viện, ai đạo, ai đời, có pháp của Phật khác hơn pháp thế gian, nhờ có sự để người ta nhận định đó là thiện hay ác, tà chánh, tốt xấu, ai là con có hiếu và bất hiếu chứ nói cái tâm không hoài hoài mà không làm chút công nào với Phật, chút thiện sự nào với tha nhân, chút hạnh cách Phật giáo nào cho người đời, nói tu là tu cái gì chứ? Phật trong tâm mà hành động ngược lại không biểu hiện một chút Phật sự, bị cám dỗ muốn đần độn người mà cũng nói Phật trong tâm, bị vật chất ve vản không ra được cũng luôn mồm nói tự do tự tại, sắp đổ nát sự tu mà cũng bỏ sự, đem lý ra bào chữa.
Người tu học Phật pháp đều biết thân mình có ba nghiệp chướng: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp; ý nghiệp thuộc tâm, ý của họ nghĩ gì ta không biết, họ “động” ầm ầm cũng nói dối là “ tịnh” nhưng thân nghiệp và khẩu nghiệp nó bên ngoài: Lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ; sát sanh, đạo tặc, tà dâm đã và đang phạm phải mà nói cái lý giải thoát, có Phật trong tâm nghe được sao? Sát sanh, đạo tặc, tà dâm nếu làm sao cho chính tâm tư của bản thân người nói nghe thì chắc là họ cũng không chịu. Nhưng họ sát sanh, đạo tặc, tàm dâm, thì tâm tư họ cũng chỡ khẳm sát sanh, đạo tặc, tà dâm để cho bên ngoài luận giải thoát… Nói lý giải thoát phải thể hiện sự giải thoát thì lý giải thoát mới lên bậc là chánh lý, chơn lý, còn nói, đọc chữ trên giấy thì là trên giấy nói chớ không phải là tiếng nói của lòng Phật trong chính mình.
Chư đồng đạo thân mến! Nếu có ai chê ta bằng đem Kinh Phật ra bắt bẻ “Phàm sở hửu tướng giai thị hư vọng” xin đừng động lòng. Ta có tướng tu nhưng không tướng sở đắc, thì cái gọi là “Hửu tướng” không phải là tướng hư vọng của Đức Phật nói.
Theo trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật thuyết về Tứ Vô Ngại Pháp Giới: Lý vô ngại pháp giới, sự vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới và sự sự vô ngại pháp giới. Nếu ta đặt để hạnh tu ở chỗ sự vô ngại pháp giới hay sự sự vô ngại pháp giới thì sự tướng tu hành luôn luôn được vô ngại pháp giới. Sự tu mà đạt vô ngại pháp giới tất nhiên đồng nghĩa với Phật trong tâm, không phải hay hơn sao?
Đức Thầy dùng từ khác hơn một chút, Ngài không nói sự vô ngại pháp giới hay sự sự vô ngại pháp giới, cũng nói về “ sự” nhưng là “Tịnh Sự”. Như quý vị cũng biết trong bài dạy cách công phu tu tập hằng ngày, đối trước bàn thờ Phật, ngoài bài phát nguyện quy y còn có năm câu nguyện mà đồng đạo thường gọi là bài Tây Phương Ngũ Nguyện, trong đó câu nguyện thứ năm là câu nguyện cho chính hành giả tu hành đến chỗ rốt ráo “ Tịnh Sự trí huệ thông minh giai đắc đạo quả”. Tịnh sự để có trí huệ thông minh giai đắc đạo quả, không đơn thuần là tịnh trong việc làm đó mà còn tịnh luôn trong các sự, sự sự đều Tịnh Sự, đồng nghĩa với sự sự vô ngại pháp giới của Hoa Nghiêm Kinh.
Hãy hành sự để đạt đến “Tịnh Sự” chứ nói lý suôn thôi là thất bại lắm!

14/10/2016