Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

GẦN ĐẾN NGÀY ĐẠI LỄ ĐẢN SANH
                           
NHẬN YÊU CẦU ỦNG HỘ

Tuần trước tôi nhận được tin yêu cầu viện trợ 20 chiếc áo choàng màu dà lễ cúng Phật dành cho độ tuổi từ 6 đến 12 và 30 xâu chuỗi hạt để tập Niệm Phật qua cách lần chuỗi. Tôi mừng lắm vì gần đến ngày lễ đản sanh Đức Thầy mà tôi làm được việc lớn. Lòng tôi chợt nghe âm ba của tiếng niệm Phật dễ thương từ các cháu bé vọng về. Tôi vui mừng đến đổi mặc kệ các em bé đó ở đâu, con ai, mà thương thì cứ thương, không cần đẹp xấu. Các em mới có chừng ấy tuổi mà biết kính Phật tu hành là đẹp đẽ hơn tôi, hồi còn ở cái tuổi đó tôi nào biết tu hành là vì. Làm sao các em mà xấu được chứ ạ!

Khi biết các em ở đảo Phú Quốc, tôi thầm cám ơn Trời Đất xứ đảo duyên sinh những em bé còn là gót sen son thì đã mến mộ tu hành. Mặc áo choàng dà ngồi xếp bằng niệm Phật, dễ thương quá đi! Cổ tay đeo chuổi hạt, ngón tay bấm lần chuỗi hạt, tôi hình dung, đẹp hơn cả bức tranh.
Xứ tôi không xa vùng “Thánh Địa Hòa Hảo”, chỉ cách một dòng sông, nơi được tiếp nhận nguồn đạo Phật Giáo Hòa Hảo rất sớm qua những Ông cụ đầu tàu gương mẩu như nhà Ông Lâm thơ Cưu, ( Chủ Cưu)Ông Lâm Thế Xương, Ông Nguyễn văn Dứt (bác bảy Dứt), Ông Lê văn Khuyên (bác hai Khuyên) đã gây giống duyên PGHH sang sông cho định cư trên đất “ Cù Lao Ông Chưởng” Tổng Định Hòa. Điều nầy phải chăng đã ứng hợp với “Kim Cổ Kỳ Quan” của Ông Ba Nguyễn Văn Thới:
“Tổng Định Hòa người tới dẩy đầy
Thuyền chèo mát mái đến rày Kiến An”.
Tổng Định Hòa người tới dẩy đầy theo tôi thì đã ứng hiện lâu rồi, cảnh đất chật người đông. Vì là cái nơi yên ổn, sông đồng ruộng lúa nước ngọt trúng mùa, cá tôm thừa thảy đến như con Quạ, con Diều còn biết, chúng nói với nhau “ Cù lao Ông Chưởng thiếu vì cá tôm”. Đất lành chứa dựa người lành, những khi “Thuyền chèo mát mái đến rày Kiến An” họ đến từ “bốn phương có giặc”, từ Ông Cha rời bỏ nước nhà qua Cam Pu Chia sinh sống thì con, cháu quày về, gốc gác không cần, xuôi theo dòng nước Cửu Long, chia hai nhánh sông Tiền, sông Hậu mà gặp Tổng Định Hòa, Cù Lao Ông Chưởng liền quăng neo đậu bến, chuyện “dẫy đầy” người ta là cái chắc.
Các cụ chỉ cần sang sông là kiến diện được Đức Thầy, quy y học hỏi đạo pháp, nhờ thế mà Tổng Định Hòa, Cù Lao Ông Chưởng đạo pháp sớm khai thông. Năm 1944  Ông Trần Duy Nhứt (Thanh Sĩ) đã quy y Đức Thầy và Được Đức Thầy nhận làm đệ tử. Đức Thầy vắng mặt bởi sự mưu hại của Bửu Vinh năm 1947, từ đây tín đồ PGHH chứng kiến cái cảnh “ Thầy  lạc tớ không ai chỉ bảo, như vịt con dìu dắt nhờ gà”. Đạo đức lui dần bắt ngại, những người vấn thân vì PGHH thấy phải có trách nhiệm bảo vệ sự phát triển tôn giáo, Ông Thiện Duyên đưa ý kiến lên thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ, yêu cầu Ông xin phép với Đức Ông cho Ông Trần Duy Nhứt đi thuyết giảng giáo lý PGHH để đè niềm tin ở lại trong lòng người tín đồ nếu không nó sẽ bay đi. Kết quả như Ý Ông Thiện Duyên, qua năm 1948 Ông Thanh Sĩ đi thuyết giảng khắp nơi, hành trình nầy các cụ đặt tên là “ Châu Thuyết”. Năm 1954 tại ngôi Tây An Cổ Tự có mở ra “Ban Hoằng Pháp”, Ông Trần Duy Nhứt được bầu vào chức Giám Đốc điều hành, giảng viên của trường gồm có 3 Ông  Thiện Duyên, Thiện Ngôn và Thiện Hạnh. Ban Hoằng Pháp với trách nhiệm đào tạo giảng viên. Học viên nào tốt nghiệp trong khóa đào tạo nầy sẽ được Ban Hoằng Pháp bổ đi truyền bá giáo lý. Ban Hoằng Pháp tổ chức liên tục hai khóa, khóa đầu khai giảng vào ngày rằm tháng giêng năm 1954, thời gian là 4 tháng, lại tiếp tục mở khóa thứ nhì trong năm, kết quả có 52 học viên thi đậu trong khóa đào tạo giảng viên, giảng thuyết giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo. Những vị có tiếng tăm làm nổi bật ý nghĩa hoằng pháp như Ông Võ Như Sanh, Ông Bùi văn Ưởng, Ông Đặng Thành Tựu…Là Giảng Viên đi diễn thuyết, hai Ông Võ Như Sanh, Bùi văn Ưởng còn viết ra nhiều tác phẩm có nội dung giáo lý sâu sắc, rất có giá trị trong nghiên cứu về triết học, lịch sử và tâm linh.
Ban Hoằng Pháp ở Tây An Cổ Tự là một chuyến xe đầu tiên đi trong lịch sử truyền bá giáo lý PGHH. Dù mới mẻ, hành trình gặp nhiều khó khăn nhưng đủ mạnh. Tháng 4 năm Bính Thân 1956 cho ra đời một tạp chí “Giác Tiến” trong đó các vị giảng viên của ban Hoằng Pháp làm chủ bút qua các bài giảng và những bài đọc thêm rất có giá trị cho nghiên cứu, tư duy, đồng thời, sự nổi bật hơn hết, những đề tài “Thuyết Pháp Ứng Khẩu”của Ông Trần Duy Nhứt, đã được ban giảng viên của trường đề nghị, phân công viết tóc ký, những bài viết tốc ký lần lược đưa vào Tạp Chí Giác Tiến. Vì là chuyến xe đầu tiên, tạp chí Giác Tiến có trách nhiệm đánh động lương tâm người tín đồ qua sự TU và HỌC giáo lý PGHH, quyết bảo vệ chánh pháp của Đức Thầy khi Ngài vắng mặt bởi sự kỳ thị, độc đoán của phái vô thần.
Nhưng năm 1954 cũng đúng vào thời điểm Việt Nam qua khúc quanh lịch sử phải đem ra giải quyết chính sự ở Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước  Tổ Tiên bởi sự tranh giành quyền lực của hai đứa con mang hai chủ nghĩa. Ban Hoằng Pháp quyết tính qua năm 1955 sẽ cho mở khóa đào tạo giảng viên dài hạn mà giữa chừng thời thế đổi thay đến phải đẩy đưa Ông Thanh Sĩ vị giám đốc điều hành Ban Hoằng Pháp mở chuyến Đông Du sang Nhựt.
Từ đây, những học viên được trúng tuyển ở Khóa Đạo Giảng Viên của Ban Hoằng Pháp cũng đủ mạnh để vượt qua sóng gió của cái thời kỳ đen tối ở miền Nam từ sau Hiệp Định Geneve, hết 9 năm cưởng bức bởi đạo dụ số 10 của nhà Ngô, Phật Giáo Hòa Hảo vượt lên để có tư cách pháp nhân thành lập giáo hội, bầu ra Ban Trị Sự, những học viên của Ban Hoằng Pháp Tây An Cổ Tự đã được ngồi vào ban phổ thông giáo lý trung ương như quý Ông Đặng Thành Tựu, Bùi văn Ưởng và các ban phổ thông giáo lý cấp tỉnh.
Nghĩ chuyện xưa ngẩm việc nay, làng Tổng Định Hòa, cù lao Ông Chưởng vẫn còn đây, tín đồ rất là đông đúc, dân cư trong làng, tỷ lệ tín đồ PGHH có tới 90 phần trăm mà chuyện tu học so với năm xưa thì giờ thiệt là kém cỏi. Hơi hám của Ban Hoằng Pháp Tây An Cổ Tự chỉ còn trong hồi ức của một số ít cụ già. Cái cảnh Tre Tàn mà măng chưa mọc là nổi đau nhức nhói của những nhà làm công tác truyền bá, đau nhức thấu xương những tâm hồn có hoài bảo chấn hưng học đường PGHH mà lại bất lực về sức khõe và tài năng. Những cụ già lần lần chết, những học viên năm xưa còn chút đỉnh sức lực, uy tín đáng lẽ phải giựt dậy tiềm năng tu học của Ban Hoằng Pháp, của ban phổ thông giáo lý trung ương PGHH, nhưng các vị ngại khó bởi sự o ép của quyền lực, sợ bị xui xẻo, nằm im mà chịu.
Lộ đồ đại thành công của các bậc tiền bối đáng lẽ phải được tiếp tục qua các thế hệ sau nầy, nâng cao vai trò giáo dục Phật Học Đường để tìm măng mọc trước khi tre tàn. Nhưng sự tu học của các tín đồ giờ phần đông đã đưa vào chương trình cầu nguyện, chỉ có rủ nhau đi cúng tuần, đám giỗ là sum sê hơn các sinh hoạt làm phát triển PGHH.
Đức Tôn Sư PGHH nói:
“Đuốc Thiền Lâm phương đông chói ánh,
Dắt hồn người vượt khỏi sông mê”
Chính vì “Đuốc Thiền Lâm” có công năng dắt người qua khỏi biển mê sanh tử, tín đồ phải nên trân trọng công việc tu học và truyền bá cái giáo lý “dắt hồn người vượt khỏi sông mê”bằng sự liên tiếp tu học và liên tiếp:
“Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.
Chấn Hưng Phật Giáo học đường,
Dưới trên hòa thuận chọn đường quy nguyên”.

Thiết nghĩ, “việc chấn hưng phật giáo học đường” phải được cho đi từ lớp trẻ, tuổi già chính là lúc cựa quậy với pháp môn Tịnh Độ cầu vãng sanh Cực Lạc ngay sau giờ phút lâm chung, kiếm đâu ra cái ngày dài mạnh khõe để mà năng nổ bộ máy tư duy, thăm dò độ nhạy cảm của tri thức, kiến thức Phật Học. Tôi thấy sự bế tắc đáng sợ khi nhận ra Tây An Hoằng Pháp không tiếp diễn qua thế hệ thứ 2. Các chú, bác mang ý nghĩa Hoằng Pháp hòa nhập vào Ban Thổ Thông giáo lý trung ương PGHH, có mở nhiều khóa huấn luyện đào tạo kỷ năng cho các giảng viên truyền bá giáo lý, nhưng không đạt kết quả như Ban Hoằng Pháp. Đến sau ba mươi tháng tư năm 1975 Phật Giáo Hòa Hảo bị sụp đổ hoàn toàn bởi sự vận hành của một cơ chế chánh trị mới. Qua 24 năm Phật Giáo Hòa Hảo bị cường quyền dìm xuống, 1999 mới cho ngoi lên bằng đưa Phật Giáo Hòa Hảo vào khung hình phạt về quyền tự do tôn giáo, không được làm vì, làm vì…
Mô hình truyền bá giáo lý từ nguyên thỉ của Ban Hoằng Pháp, Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương giờ dường đã mất phương hướng, chỉ còn sinh hoạt từ thiện và Cầu Nguyện lên vai vế chủ tình hình. Nghe tin ở xứ đảo xa có một đội ngũ các em bé tập tểnh theo đường Phật. Mong rằng có Ông Bà Cô Chú giúp các cháu kềm vững đôi chân, giữ vững ý chí tu thân hành thiện. Tôi dám tin những măng non nầy sẽ được bảo vệ tốt, không bị ai bẻ ăn, chúng sẽ thành cây tre già, người già có nhiều kinh nghiệm và sức đóng góp hữu ích cho sự phát triển PGHH. Thật là diễm phúc và tôi thèm ước cái diễm phúc đó không chỉ là điều may mắn cho một nơi thôi, lại Cù lao Ông Chưởng nữa chứ! để tôi ngấm xem các cháu mà mừng cho tương lai PGHH sau nầy.
Rất mong quý đồng đạo lớn tuổi, có năng khiếu tổ chức các em vào đội ngũ mầm non Phật Giáo Hòa Hảo.

14/01/2015

Lê Minh Triết 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét