Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

(III) ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN VÀ VUA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ (phần tiếp theo)

6. ĐẠO QUỐC VƯƠNG:

Cư sĩ Sripolieu viết:
 “Đạo quốc vương có vợ có chồng,
Có con có cái nối dòng an bang
Tu tuyệt tự là tu tang…”
“Đạo Phật Thầy là đạo quốc vương, là cư sĩ tại gia, có vợ con để nối dòng giống cho dân tộc, Tổ tiên, chớ không phải là tu tuyệt tự, ly gia cắt ái, bỏ phế gia đình, bỏ đất nước. Vậy ta có thể hiểu một cách chính xác rằng Phật Thầy không phải là một nông dân mồ côi cha bình thường mà là một kẻ tử tù đang bị bao vây và truy nã” (tập 1 trang 41)
Về bài thơ trên, cư sĩ Sripolieu viết sai, phải viết như vầy mới đúng:
“Tu quốc Vương có vợ có chồng,
Có con có cái nối dòng an bang;
Tu tuyệt tự bất kế tu tang.”
(Kim Cổ Kỳ Quan trang 85)
Chúng tôi xin đính chính: cư sĩ Sripolieu nhận xét sai ý nghĩa ba câu thơ của ông ba nói trên.
Chúng ta phải biết ông Ba viết quyển Kim Cổ Kỳ Quan trong trường hợp nào, mới thấy chỗ dụng ý sâu kín của ông Ba. Điều nầy chắc cư sĩ Sripolieu cũng biết:
Ông Ba là một nhà chí sĩ truyền thống của phong trào Cần vương kháng Pháp. Chính thời gian ông Ba sáng tác quyển Kim Cổ Kỳ Quan là thời gian ông Ba phải sống trong hoàn cảnh đau thương cực độ: Đức Cố Quản bị mất tích, nghĩa quân Cần vương tan rã, kẻ chết người bị tù đày, và chính bản thân ông Ba đang mang nặng vết thương ở cổ v.v… Cho nên, trong tác phẩm Kim Cổ Kỳ Quan của ông Ba, bao giờ cũng nói lên nỗi lòng phẫn uất, ưu tư và trù liệu mọi mưu kế trong công cuộc lớn lao: đánh đuổi quân thù xâm lược, giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ của thực dân.
Trước tình cảnh nầy, Ông Ba đâu có vui, rảnh chi mà nói đến việc gia đình, con vợ theo lối thường tình như mọi người, như cư sĩ Sripolieu lầm tưởng?
Muốn hiểu ý nghĩa sâu kín ba câu thơ trên của ông Ba, chúng ta không thể hời hợt được, mà phải hiểu là:
- “Tu Quốc Vương”: biết đâu thâm ý của ông Ba chỉ cho công cuộc đánh đuổi quân Pháp dành lại chủ quyền độc lập quốc gia. Dù là hạng thường dân, hay giới người đạo sĩ cũng góp phần đáp ân đất nước (quốc vương) trong lúc nầy hơn bao giờ hết.
- “Vợ chồng”: Biết đâu ông Ba nói: giữa dân và quân phải một lòng một dạ, khắn khít với nhau mới làm nên việc lớn (đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạng).
- “Con cháu nối dòng”: Biết đâu ông Ba nói: từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở phải tổ chức có hệ thống, đoàn kết chặt chẽ, tiếp nối kháng chiến trường kỳ mới có thể giải phóng quốc gia được.
- “ Tu tuyệt hậu bất kế tu tang”: Biết đâu ông Ba nói: không khéo để cho kế hoạch  tổ chức bị địch quân tiêu diệt, thì nước nhà phải bị điêu linh tan biến.
Hơn nữa, Ông Ba là đệ tử của ông Hai Trần Văn Nhu, ông Hai Nhu là đệ tử  của Đức Phật Thầy. theo phép đạo, ông Ba gọi Đức Phật Thầy bằng sư ông (Thầy của thầy mình) mà Đức Phật Thầy tu theo lối tuyệt hậu, không vợ, con. Nếu ông Ba bài bác lối tu tuyệt hậu, té ra ông Ba vô lễ với sư ông của mình hay sao? Nhất định hiểu theo nghĩa thông thường nầy không đúng. Bởi lẽ, lòng trung nghĩa của ông Ba như son đỏ, vẫn tràn đầy qua Thánh kinh Kim Cổ Kỳ Quan. Không thể nào ông Ba dùng ngồi bút phản kháng hành vi tu theo lối tuyệt hậu,  không vợ con của sư Ông mình!
Và chúng ta nên biết, chữ “kế” là kế sách hay, khéo được dùng trong trường hợp “ kinh quyền”, chiến lược đánh giặc. chớ việc gây tạo vợ chồng, sanh con đẻ cháu là việc rất tầm thường; kẻ khùng khùng, mát mát (matd matd) cũng vẫn biết, và còn biết giỏi hơn nữa, cần chi phải có mưu kế mới biết được việc ấy!
Lấy đó mà xét, chúng ta có thể kết luận: ba câu thơ trên, ông Ba không theo ý nghĩa thông thường con cháu, mà thâm ý của ông Ba chỉ cho công cuộc tổ chức các cơ cấu cách mạng giải phóng quốc gia khỏi nạn của người Pháp đang thống trị dân tộc ta đó thôi!
Ở đây cư sĩ Sripolieu vô tình hay cố ý nói sai chỗ dụng ý của ông Ba!?

7. MẸ PHẬT THẦY VÀ PHẬT THẦY KHAI SÁNG ĐẠO BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Cư sĩ Sripolieu nói:
“Bộ Kim Cổ Kỳ Quan được coi như một “Thánh kinh” do mẹ Phật Thầy và Phật Thầy khai sáng năm Kỷ Dậu 1849 “ (tập 1 trang 13)

Theo cư sĩ, thời gian Đức Phật Thầy khai đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đã có bàn tay cộng tác của thân mẫu Ngài. Nhận xét nầy không chứng cứ, trái sự thật.
Vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1849 nghĩa là sau khi Đức Phật Thầy về tạm trú nơi Đình Thần làng Tòng Sơn, Ngài đã khai lý  lịch trước sự chứng kiến của nhân dân và chánh quyền sở tại. Khi ấy có ông Đoàn Văn Viên và Ông Đoàn Văn Điểu (anh chú bác) là nhân chứng sự Thật trong vấn đề khai báo này.
Từ độ đó Đức Phật Thầy đi đến đâu? Hành động những gì? Bị tai nạn ra sao? Trường hợp Ngài được trả tự do về ngụ núi Sam, và lập trại ruộng v.v… người trong môn phái của Ngài đều biết, sử liệu ghi chép rõ ràng. Cho đến các vị Đại đệ tử, thậm chí những trường hợp ông Đình Tây nuôi con sấu mình toàn màu đỏ (năm chèo), rồi phá chuồng đi, người ta cũng rành rõ luôn. Hà tất chi là mẫu thân của Đức Phật Thầy, địa vị quan trọng tối cao trong tông phái mình, lại cộng tác lo việc độ đời với Thầy mình mà cả môn nhân trong hệ phái không hề biết chi về Bà?
Căn cứ vào đó, chúng ta quả quyết rằng, thân Mẫu của Đức Phật Thầy đã viên tịch trước thời gian Đức Phật Thầy Khai đạo, thì không thể nói mẹ Phật Thầy và Phật Thầy Khai sáng đạo Bửu Sơn KỲ Hương được?
Luận thuyết của cư sĩ Sripolieu cho rằng mẹ Phật Thầy và Phật Thầy khai đạo là luận thuyết thiếu yếu tố căn bản, khó tin !

8. DẠY CON THÀNH THẬT:

Cứ sĩ Sripolieu nói :
“Người góa phụ có được quí tử sau làm Thầy đã từng cao bay xa chạy, trước ra Bắc, sau vào Nam theo kế của Quỉ Cốc Tiên Sanh (La Sơn Tiên Sanh), người đó là Như Ý Hoàng Hậu. Bà đã vào Tây Nam Việt mà ở “đậu” vất vả dạy con thành một vị Phật sau này” (tập 1 trang 128)
Cư sĩ Sripolieu cho rằng: mẹ Đức Phật Thầy dạy Đức Phật Thầy thành một vị Phật sau này.
Theo thông lệ, dù người kém trí đến đâu chăng nữa, cũng vẫn biết muốn dạy ai làm nên một nghề nghiệp chi trước hết người dạy phải rành nghề đó. Như vậy, mẹ Đức Phật Thầy dạy Đức Phật Thầy thành Phật, thì đương nhiên bà Phải thành Phật trước đã. Khi bà đã thành Phật, thì thành tích của một vị Phật khi trụ thế, đến lúc nhập Niết Bàn, phải vang lừng trên lịch sử. Tại sao mẹ Đức Phật Thầy đã thành Phật mà trong môn nhân hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và các văn nhân, học giả trong và ngoài nước không một ai hay biết gì về Bà? Nếu Bà không thành Phật, thì đâu có đủ điều kiện dạy con thành Phật được?
Cư sĩ Sripolieu nói mẹ Đức Phật Thầy dạy con thành Phật là chuyện vớ vẩn vô cùng!

9. TRẦN ĐỎ VÀ ÁO TRẮNG KHĂN ĐIỀU:

Cư sĩ Sripolieu nói:
“Từ một vị công chúa, một bà hoàng hậu phú quí, Bà Phải bỏ chuổi vòng để giả dạng một người đàn bà góa bụa bần hàn tu hành, thờ tấm trần điều đỏ, ám hiệu của người áo vải khăn đào.
Chính vì thế ở miền Nam  mới có câu ca dao:
  Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai”
(tập 1 trang 174 – 175)
Theo cư sĩ Sripolieu: tôn chỉ của đạo Đức Phật Thầy thờ tấm Trần Điều và người áo trắng khăn Điều, ấy chỉ là bà Ngọc Hân công chúa. Đây là ám hiệu của chủ nghĩa Tây Sơn.
Nhận xét nầy rất sai!
Bởi lẽ, nước ta thời xưa chẳng những quí bà, quí ông mới ăn trầu mà luôn đến các cô gái cũng vậy. các cô khi ra đường cũng phải dùng miếng trầu để xã giao với bạn bè. Nên ca dao Việt Nam ta mới có câu:
“Ra đi mẹ có dặn rằng,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người”
Và trước khi muốn bày tỏ một điều chi, người ta cũng phải vui vẻ mời ăn trầu rồi mới bắt đầu tâm sự:
“Miếng trầu kể hết nguồn cơn,
Muốn xem đây, đó thiệt hơn tỏ bày”
(ca dao)

Đã là ăn trầu, dĩ nhiên các ông phải chít trên đầu một chiếc khăn màu đỏ, và quí bà, quí cô cũng phải vắt chiếc khăn màu ấy trên vai để lau miệng cho hợp với màu trầu đỏ ( cổ trầu).

Vả lại, cư sĩ Sripolieu cho rằng bà Ngọc Hân đang bị lệnh triều đình nhà Nguyễn truy nã gắt gao, bà trốn vào miền Nam thay tên đổi họ, hủy hoại nhan sắc để lánh nạn. Được tạm yên thân, thì bà đâu có dại gì phô trương ra cái biểu hiệu nguy hiểm để tự rước lấy tai họa?
Như thế, cư sĩ Sripolieu bảo tôn chỉ đạo Phật Thầy thờ tấm Trần Điều, là ám hiệu ngọn cờ đỏ của chủ nghĩa Tây Sơn. Và “áo trắng khăn điều” là chỉ cho bà Ngọc Hân công chúa. Người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đa số là nông dân chất Phác, nhưng cũng không thể công nhận được, vì nó là một luận thuyết cưỡng lý, thiếu căn bản thực tế.

10. LẬP ĐẠO CHO CON

Cư sĩ Sripolieu nói:
“Bà như con chim luôn nhớ rừng, con vượn phải lìa cành trên non. Chính bà Ngọc Hân công chúa đã lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cho con qua hai câu:
Tiếc thời nhớ thuở Bông Điều,
Không ai tưới nước mai chiều héo khô”
(tập 1 trang 175)
Như chúng ta từng biết: Kẻ làm cha mẹ tạo lập: ruộng vườn, nhà cửa, cơ xưởng để lại cho con cháu thì có. Nhưng đó về mặt vật chất của hạng thường nhân. Còn về mặt tinh thần của các bậc siêu nhân: dựng nước, lập đạo và xây đấp nền văn hóa, thì tự nơi con tim, bộ óc tài năng của chính các Ngài tạo lập. chớ không có cha mẹ nào tạo lập việc phi thường ấy cho con cháu bao giờ!
Lịch sử đã chứng minh:
- Về phương diện quốc gia như ông: Hoa-Thịnh-Đốn(1), Tôn-Văn(2) và Ông Lê Lợi(3).
- Về  phương diện tôn giáo như: Ngài Trí Khải Đại Sư ở Trung Hoa (thế kỷ thứ 16), Đức Nguyệt Liên Bồ Tát ở Nhựt (thế kỷ thứ 13) và Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hào Hảo ở Việt Nam (thế kỷ 20).
- Về Phương diện văn hóa: như ông Tô Đông Pha, Lương Khải Siêu,(Trung Hoa), Nguyễn Du và Nguyễn Văn Hầu ( Việt Nam) không có một vị nào cha mẹ tạo lập sự nghiệp phi thường cho các Ông cả.
Thế nên, Đức Phật Thầy lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như trường hợp các vị tự lập vĩ nghiệp tinh thần nói trên, chớ nào có bàn tay cha mẹ trực tiếp trong việc tạo lập ấy bao giờ.
Tóm lại, cư sĩ Sripolieu cho rằng mẹ của Đức Phật Thầy lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cho con là trái với tự nhiên của lịch sử nhân loại. và đi xa với thực tế về quãng đời hành đạo của Đức Phật Thầy, một vị hoạt Phật đối với chúng sinh, nhứt là đối với dân tộc Việt Nam trong thời hạ ngươn mạt pháp này.

 Chíu thích:
(1)            Hoa Thịnh Đốn (1732-1799) là một nhân tài sáng lập nền cộng hòa Hoa Kỳ và được đắc cử tổng từ năm 1789-1797. Sau khi đánh bại quân đội Anh Quốc (1781) mãn hai khóa Tổng Thống, ông lui về nhà vui thú điền viên.
(2)            Tôn Văn: tự Dật Tiên, hiệu là Trung Sơn (1866-1779), sinh tại Quản Đông, cầm đầu cuộc cách mạng chống Mãn Thanh, giải phóng quốc gia. Ông đã được đắc cử tổng thống Trung Hoa dân quốc, và dùng tài trí kiến thiết đất nước tiến bộ rất đáng kể trong thời ấy.
(3)            Lê Lợi: là Lê Thái Tổ (1428-1433), vị anh hùng dân tộc xã Lam Sơn (Trung Việt), cầm đầu quân đội đánh bại quân nhà Minh (Trung Hoa) giành lại chủ quyền độc lập quốc gia, dựng nên nhà Lê, đặt quốc hiệu là “Đại Việt”.

                                                                                       Bình Nguyên
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét