Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

TU THẾ NÀO?

Nhân ngày cúng giỗ. Trong khi còn chờ đợi giờ cúng, tôi xin được nói chuyện với chư đồng đạo.
Đói mà được ăn vào là no, bày vẽ ra nhiều món ăn mà không ăn, chỉ nói thôi là đói suốt. Để đói lâu càng lúc càng mờ mắt, từ không thấy dẫn đến cái chết là chết đói. Từ không chánh niệm dẫn đến cái chết là chết cho luân hồi. Ước vọng khó thành hiện thực vì ước vọng quá cao, xa thực tế toàn là thứ mộng mị. Chúng sanh bị lắm điều khổ, muốn thoát khổ ra vui phải có một hành động cụ thể về “thoát ra” chứ ước vọng suôn không thể thoát ra. Phật dạy có nhiều pháp môn tu, ta chặc chịa với pháp môn ta cho rằng phù hợp là cách của ta, người khác cũng có cách riêng của họ. Đông người trong trường tu mà thông cảm được nhau thì mỗi người đều tu tiến. Đừng biểu người ta tu “giống mình”. Mình mang bệnh cố chấp “tu moi tu móc” tới đâu ai cũng sợ thiếu điều gặp là “né” mà buộc người ta tu giống mình để bệnh cố chấp lây sang sao!
Thông thường ta hay nói về người nầy người kia tu “không giống ai” rồi bàn luận, chỉ trích thế nầy thế khác. Chỉ trích là tự khoe mình tu hơn họ. Nếu có giống thì giống Phật chứ giống ai chi trong cõi thế gian nầy. Hỏi rằng tu như thế nào mới được xem là mực thước, đúng nghĩa thì tính chỉ trích, khoe mình ta cũng chỉ trả lời theo sự hiểu biết cố chấp của ta thôi. Điều nầy chúng ta không trách sai mà tiếc là thiếu đầy đũ.

Chữ “ Tu” được viết nói từ Hán Tự. Hán Việt Tự Điển giải thích Tu có nghĩa là sửa. Nghe đơn giản quá phải không? nhưng sửa những gì, sửa cách nào thì vấn đề không còn dễ đâu. Trong mỗi người có hai phần: Thân và Tâm, nói sửa tức sửa từ hai tiêu điểm đó. Đức Phật dạy đạo cứu khổ thế gian, chúng sanh có 3 nghiệp ác khuyên chừa: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp, khẩu nghiệp thuộc về thân, ý nghiệp thuộc về tâm. Sao gọi sửa từ Tam Nghiệp? vì trong tam nghiệp sanh ra mười điều ác, việc chúng ta tu đây là hành thiện không hành ác nữa, không thể để cho mười điều ác hành hung trong đường tu thiện của chúng ta. Tam nghiệp sanh ra mười điều ác đó là:
Phần thân: Nghiệp của thân có 3 điều ác: Sát sanh, Đạo Tặc, tà Dâm.                                            
Phần Khẩu: Nghiệp của miệng lưỡi sanh 4 điều ác: Lưỡng thiệt, Ỷ Ngôn, Ác Khẩu, Vọng Ngữ.
Phần Ý: Nghiệp của Ý tưởng sanh 3 điều ác: Tham lam, Sân Nộ, Mê Si.
Vô minh sanh ra không biết bao nhiêu tội ác cho Thân, Khẩu, Ý. Chúng sanh đi từ vô minh mà sanh ra thân. Nay quy Phật được Đức Phật phát cho Giáo lý tu học, nhờ đó làm tinh thần sáng ra, biết mình quá nhiều tội lỗi, giờ không muốn làm tội nữa thì từ từ mà chịu sửa mình bỏ ác theo thiện. Thân làm ác gì? Sát Sanh, Đạo Tặc, Tà Dâm thì bỏ đứt đừng sát sanh, Đạo Tặc tà dâm cũng đừng vọng khởi về chúng nữa. Còn muốn chuộc lại lỗi lầm lúc mình chưa tu gây nhiều tội lỗi cho Thân thì không sát sanh trở lại phóng sanh, không trộm cắp thêm vào Bố Thí, không Tà Dâm móng tưởng tình dục thêm mở lòng thương yêu bình đẳng giúp đỡ mọi người. Không nói chuyện ác miệng hại người nữa thì nên nói chuyện  phước, lợi ích cho người, không nói câu làm người ta ghét cần nói cho người ta thương; không tham lam ích kỷ, mở rộng lòng ra, không nổi nóng thì nổi mát dịu, không mê si cần phải học tu nhiều nhiều cho sáng suốt. Tu như vậy, xét chữ tu theo đạo Phật rất thực tế. Mọi chuyện sửa mình phải qua hành động cụ thể chớ không phải chỉ học thuộc rồi lý luận suôn, tưởng vậy là tu. Như thế vọng tâm đã “lừa” được người tu sao?.
Xét mười điều ác không ở xa chúng ta, hơ hỏng là nó nhập vai ngay. Thiện ác chung nhau một chỗ đứng, cũng ngay chỗ đó không có thiện trụ là ác trụ, không có ác trụ là có thiện trụ, ta làm cho không có ác chẳng đi đâu xa mới thực hiện, ở tại nhà, đi trên dường hay ngoài ruộng, cứ cho thiện trụ là ác sẽ bị hủy diệt ngay thôi. Trong thân ta trước giờ không tu mình mang đầy ác, nay quy y đầu Phật thì phải thiết tha nghe lời Phật dạy, cưỡng chế mười điều ác cho thành mười điều thiện, lấp bằng những hố sâu tội lỗi đã gây lúc chưa phục mạng theo Phật. Giáo lý đạo Phật dạy tu rất thật tế, chịu tu theo thực tế đó sẽ có tác dụng ngay và kết quả là các việc ác không còn tồn tại, cái tốt cái thiện và cái tâm“ không nhiểm ô cảnh ngoại dứt tuyệt các sự phàm trần”( lời Đức Thầy) trãi ra trên toàn con người thì dầu có thoát kiếp mà về cõi Tây Phương hay ở chốn Ta Bà cũng là bình an vô sự, phúc lạc vô biên.
Đạo Phật dạy có Tam Quy: Quy Phật, Quy Pháp, Quy Tăng. Quy Y Phật, Tôn kính lễ bái, cầu Đức Phật ban bố là lẽ đương nhiên, nhưng nếu chỉ có lễ bái, cầu sự ban bố của Phật thôi mà không hành theo lời Phật dạy thì kết quả của sự tu hành không cao. Phật dạy tu cốt là để con người trau sửa thân tâm cho được hoàn mĩ, viên thông. Vì một lý do nào đó người ta có thể quên lễ cầu Phật một ngày một buổi tu, nhưng không thể và không có bất cứ lý do nào để cho mình không sửa thân tâm ở một ngày một buổi tu. Lễ cầu Đức Phật coi như ta mang lợi ích cho Phật nhưng nếu ta không tu sửa thân tâm, thì ích lợi mà ta mang đến cho Phật bằng cách cúng bái Ngài không lớn lao bằng sự trau sửa thân tâm theo lời Ngài dạy. không chịu sửa, chỉ thích lạy cầu mà đắc ý thì nghĩa của chữ tu nhằm vào đâu? Đồng ý trong các cách tu theo Đức Thầy dạy cũng có chỗ dạy tu cầu, nhưng điều ai cũng công nhận rằng: tu cầu mà được việc cũng đi từ gốc trau sửa, vì nếu không sửa thân tâm mình cho tốt, nhất là cái tâm không còn là Phật tâm mà là phàm tâm dậy lên những làn sóng phiền não, có dập đầu cầu Phật đến nổi u trên trán cũng không kết quả nhiều.
Tu ngay chỗ tu là “ Sửa”, tu không sửa như nói tu mà không tu, đòi cho được nơi chùa am thanh tịnh mới tu là tu quanh tu quấc chớ không tu ngay chỗ tu. Tu ngay chỗ tu là tu trực diện với những điều dơ bẩn cần phải rửa cho sạch,  những điều xấu ác làm cho thiện tốt, trực diện với u tối cho sáng lên, trực diện với tội ác là lương thiện lên, trực diện với vọng động là chân như lên… Không chịu tu ngay chỗ tu sửa đúng chỗ sửa như thế, ở chùa am mà không tu không sửa, không trực diện với chính mình, thổi tan vô minh phiền não thì cũng như người ta ở cái nhà đời. Sửa ngay  tức thấy mình trật là liền sửa cho trúng, lúc ở ngoài đồng chăm ruộng hay mình trật thì sửa ngay ngoài đồng, giải quyết nhanh gọn tại chỗ. Đừng để lôi sự trật ấy về tới bàn thờ Phật mới chịu cung tay, lôi công việc ngoài đồng vô tới bàn thờ, vô tới bồ đoàn niệm Phật mà cung tay với nó cũng chưa chắc đã thắng được mà việc cúng lạy của chúng ta bị giặc làm bể bung lên rồi. Cung tay ăn thua ngay khi nó nổi lên. Một đóm lửa phực cháy, có ở đó, phát hiện ngay lúc lửa phát cháy ta lấy chân đạp nhẹ một cái cũng tắt, nhưng để nó cháy miết tới giờ cúng nguyện quỳ xuống bái Phật mà áp lực của đám lửa lúc trưa chiều ồ ạc bao vây. Lạy Phật, Phật đâu còn đó nữa mà lạy.
Ví dụ vọng tâm trong lúc lái xe, khách thiền môn “cắt ngay” đừng chờ về chùa mới cắt. Chùa là chỗ ở tu, nó vô tri vô giác không cắt được cho ta đâu. Chỉ có ta mới cắt được vọng động trong chính ta mà thôi. Cắt lúc đi trên đường hay ngoài đồng ta cắt, đem vọng động về chùa, về nhà để cắt thì cũng chính ta cắt thôi chớ ai vô đây cắt giùm cho ta. Có lần lựa tới đâu, hẹn mai hẹn mốt, thì vọng động trong ta cũng phải chính ta cắt. vậy lúc vọng trên đường, trong đồng ruộng cắt ngay tại chỗ phải hay hơn không? không cắt tại chỗ, dẫn nó về nhà, về chùa, cho giẫm lên cái chỗ đang cúng nguyện Niệm Phật, quậy bể buổi cúng nguyện, niệm Phật của mình rồi. Công quá là công mà công cho ai chớ không công với Phật. Lập công với ma phiền não mà kêu Phật thưởng cái vé vãng sanh Cực Lạc thật là khó hiểu. Nó sống lâu sanh sản tùm lưm, cả bầy cả lủ trong nhà, trong chùa, trước bàn thờ Phật, có ngày nó “ Soán  Ngôi” đuổi mình đi mất!
Tu để đạt đến kết quả của sự tu là rất khó. Cái gọi là “đạt thành chí nguyện” phải cân xứng qua công lao. không lập công to mà nói đạt thành tích thì thành tích gì chứ! Quả Phật, như Đức Bổn Sư Thích Ca nói “ Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”( trên trời dưới trời chỉ mình ta cao quí),Đức Huỳnh Giáo Chủ bảo:

“ Trên dưới trời chẳng ai bằng Phật,
Khắp mười phương hẳng thật khó so.
Nhìn xem cõi thế rộng to,
Một người khó kiếm sánh đo cùng Ngài”.
Quả Phật tột cao quí như thế thì cách gieo nhân để hưởng lấy cái quả cao quí không phải là chuyện dễ dầu. Ta phải chấp nhận việc tu là khó và tất cả cho việc tu là chuẩn bị vượt khó. Tạm thời ta không nói chuyện đắc đạo tại đây chỉ nói là đang sửa mình theo lời Phật dạy. Sửa thì cũng trong vòng những sinh hoạt bình thường như: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, tắm, giặt, ăn ngủ. Hồi chưa phát tâm tu khi đi, đứng, ngồi, nằm là không tu. Đi làm việc ác, đứng xem việc ác người ta làm, ngồi suy ra việc ác; bây giờ tu rồi, đi, đứng, nằm, ngồi, có tu là đi đứng nằm ngồi không làm ác, không xem ác, nghĩ ác nữa. Có đòi ai phải bỏ vợ bỏ con, xa cha xa mẹ quên nước quên nòi gì đâu. Sống bình thường như mọi người mà tu, cao thấp không do tu chùa hay tu nhà. Ở chùa quí Tăng Ni cũng đi đứng nằm ngồi nói nín tắm giặc ăn ngủ, ở nhà người ta cũng đi đứng nằm ngồi nói nín tăm giặc ăn ngủ, các động thái bằng nhau. Họ tu được trong những động tác đi đứng nằm ngồi nói nín tắm giặt ăn ngủ thì ta cũng quyết tu theo trong động tác ấy, không được là tại nơi ta thôi.
Đừng đòi hỏi quá cho việc tu, nhằm lúc mà hoàn cảnh kinh tế, chánh trị, xã hội ve vãn, một ít quyền tự do căn bản bị hạn chế, tước mất vài nhu cầu cần thiết. Đòi phải ở chỗ vắng vẻ tu mới được lại ở vào một thời điểm, hoàn cảnh không cho phép thì ta phải suy nghĩ lại: Đến tu chỗ vắng vẻ thì cũng ta tu chớ không phải cảnh vắng vẻ tu cho ta. Ta ở đây là ta, ta đến đằng kia thì là ta đó. Chỗ nào cũng ta tự giải quyết việc tu thì thôi giải quyết liền tay, ngay đây đi!

26/1/2015.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét