Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

TÌM NƠI KHÔNG CÓ VÔ THƯỜNG

        
Người không tu quá ham sống thì rất sợ chết. Sợ chết mà không biết làm vì cho đừng sợ nữa, cứ vậy mà chờ ngày vô thường đến bắt đi. Thân nhân hả to miệng mà khóc than thương tiếc cho dữ cũng đem xác ra đồng chôn xong là chấm hết. Người tu biết tấm thân là của tạm mượn, sanh ra để gieo nhân cho kiếp sau và trả quả cho kiếp trước, nên tu là phải quán siêng suốt “ Tứ Đại Giai Không”, của mượn tới lúc trả thì phải trả, chẳng cần xin xỏ lâu hơn, còn sống cứ lo gieo giống lành, tu nhân tích đức để mãn kiếp hồng trần về cõi Phật mà ở. Của mượn nào cũng là thứ nợ nần, trì hoãn cho thiếu nợ lâu không phải là tốt. Tử thần đến rút dần hơi thở đến tắt thở là chết.
Vay vốn để kinh doanh thì lúc còn trẻ kìa, trong chuyện kinh doanh không phải mỗi người đều thắng lợi hết đâu, nhiều người làm mấy phen trật vuột chẳng nên thân nên hình gì, đến tuổi già sức yếu thần trí không được tỉnh táo bén nhạy như còn trẻ, vay nợ lâu thêm vốn lời chồng chất chứ được gì, chết với một đống nghiệp nợ phải đầu thai để trả. Như vậy, người chuyên làm tội, càng sống lâu càng thêm tội, kinh doanh dở, mà cố ép nghề, đến già đời cũng đòi kinh doanh hoài, nợ nầng chồng đống. Chết giựt nợ kiếp nầy phải trả nợ kiếp sau. Ông  Thanh sĩ  nói:
“Một khi để kiếp qua rồi
Muốn tìm trở lại làm người khó thay.
Làm người được là may muôn kiếp,
Cũng là do xưa có nghiệp lành.
Bây giờ nếu biết tu hành,
Tất nhiên người sẽ trở thành Phật Tiên”.
Có hành giả thọ mạng quá ngắn, mới mấy năm tu, hăm bốn hăm lăm tuổi, bệnh chứng có dấu hiệu cho biết tử thần sắp đến, người ấy nói rằng tôi không sợ chết nhưng tiếc là chưa tu được nhiều, nên lòng bịn rịn chẳng tỉnh táo. Thôi đừng tiếc! tiếc chẳng được gì, sanh thêm phiền lòng không đáng. Ta tu pháp môn Niệm Phật là cầu vãng sanh Tịnh Độ. Đã cầu vãng sanh Tại sao ta không khởi tâm hoan hỉ là chuyện mong đến đã đến. Nay giả biệt cõi đời, cái gì của thế gian hãy bỏ hết lại cho thế gian, chỉ trọn lòng Niệm Phật để được rước đi liền không hay hơn ở chịu khổ thêm mười năm nữa sao?
Lòng có nhiều mâu thuẫn thì hãy giải quyết những mâu thuẫn. Lười tu mà đòi sống lâu đặng tu thì chưa chắc là tu đạt chuẩn; còn tu tinh tấn, quyết liệt một giờ hay đôi ba phút ngay lúc lâm chung cũng đủ. Nhiều năm tu hay mới tu, theo pháp môn Tịnh Độ, chỉ cần hành giả ra đi với lòng thanh thản, an lạc, liên tục chính niệm là đạt yêu cầu. Đòi có nhiều năm tu thì Phật cũng chờ đặng cứu những ai Niệm Danh Hiệu của Ngài, chờ cái người tu lâu kia Niệm Phật ngay trước giờ phút lâm chung mà hắn ta có niệm được câu Phật nào đâu.
Tiếc chết sớm là chứng tỏ cho người ta nói mình thiếu hiểu biết về “Lý Vô Thường” Phật dạy. Nhưng thật sự thì chúng ta đâu phải là người thiếu hiểu biết phải không? Tại dục vọng “Tham Sanh” nổi lên mà “ Quí Tử” tấm thân giả nầy thôi!
Có dấu hiệu của tử thần chớ tử thần chưa đến, thời gian còn lại là tu đi, Niệm Phật quyết liệt đi, cho ta có dấu hiệu Vãng Sanh, Đắc Đạo và việc nầy xảy ra trước hay ngay khi tử thần đến bắt thân. Khi ta đạt “ Nhất Tâm Bất Loạn”trong Niệm Phật, tử thần có đến cũng trễ hơn ta một bước, có bắt cũng bắt cái thân tứ đại của ta thôi, là lúc ta tách rời thân tạm mượn bấy lâu để đi về Cõi Tây Phương rồi.
Cứ than van hoài cái câu “ Sợ Tu Không Kịp” là kịp sao? Sợ chi cái chuyện tu không kịp cho thần trí kém hao. Tu là giải quyết cho thoát mê được ngộ, Niệm Phật nhập tâm. Tu theo kiểu cầm chừng mấy mươi năm thì cũng cầm chừng. Hạ thủ công phu, trong quyết tu không có thời gian, giác ngộ, đại ngộ xảy ra tít tắt, ăn thua mình có chịu hành quyết liệt để xảy ra “cái tít tắt” đó không. Đòi có thời gian dài đặng tu mà kém tu, chối từ cái xảy ra tít tắt. Chối từ đại ngộ niệm Phật nhập tâm, đòi sống lâu cũng để giằn vật cuộc đời, thêm nhiều thứ tội, mê.
Có vị Hòa Thượng trong buổi họp chúng, trước các Tăng Ni Phật Tử nói lớn tiếng rằng:
Các người đến đây học đạo, rất hiểu Lý Vô Thường của nhà Phật dạy, hãy tiến tu hơn nữa cho kịp, để chừng vô thường có đến kêu đi thì các người cũng đã tu xong sự tu, vô thường lấy ta cái thân tứ đại, ta có lại cái thân Liên Hoa.
Nghe thế, dưới chúng Tăng có vị nhạy miệng hỏi:
- Bạch Hòa Thượng, quyết tu như vậy mà không kịp, lỡ vô thường có đến chúng con phải làm sao?
Hòa Thượng bảo:
- Hãy tìm nơi nào không có vô thường.
Bài dạy có mấy chữ dắn ngủng mà dư âm dư hưởng dài ra. Hết sức là duyên nợ thiền môn!
Ở chờ Vô Thường đến bắt còn hỏi làm sao nữa hả? Đợi Vô Thường đến Bắt thì bắt chớ sao dầu gì nữa! sợ vô thường đến bắt thì thôi tốt hơn tìm nơi nào không có vô thường cho nó lấy ai mà bắt chẳng phải là kế hay sao? Điều nầy cần cho một vài ví dụ làm sáng lên đề tài “tìm nơi nào không có vô thường”: Như có cậu thanh niên thật thà chất phát, chính vì sự chất phát đó mà cha của cậu không muốn cho cậu đầu quân ra chiến trường, căn dặn con hằng ngày: Rán trốn đi quân dịch. Nhưng cậu thật thà hỏi: Trốn thì trốn nhưng lỡ quân dịch đến bắt thì sao? Cha cậu nạc lớn: Không thể để cho có “ lỡ ” được thằng ngu ạ! hãy trốn nơi nào không có bắt quân dịch, mầy đợi lúc quân dịch đã bắt dính mầy đi còn hỏi phải làm sao chi cho rộn chuyện.
Người vốn sợ vô thường mà nghe Hòa Thượng nói Hãy tìm nơi không có vô thường thì hết sức ham. Nhưng câu: tìm nơi nào không có vô thường là ở đâu? Đây là câu ám chỉ, khi trong tâm đang Niệm Phật là không có vô thường, vì không thể nào vừa niệm Phật vừa sợ chết mà kết quả cho việc niệm Phật. Niệm Phật liên tục không kẻ hở, không dấu đứt nối, còn sự chết chóc đâu trong đó mà sợ. Niệm Phật nhất tâm, “Nhất Tâm Bất Loạn”có thấy mặt mày vô thường đến là gì, nơi không có vô thường là đấy đấy, ông bạn ạ.
Tôi có người quen ghiền chơi cờ tướng, hễ chịu “ cho ăn thua” là thân như cây cọc cấm sâu xuống đất khó mà nhổ, ngồi mết, trời gầm sợ còn chưa hay lựa là tự nhớ việc gì. Mắc tiểu nín chịu tức rang bụng ngay lúc trận chiến giao nhau ác liệt, đối phương đã lượm hết con xe mà còn thêm “chiếu bí”, ngồi mà đỡ, gở gạt, nước tiểu thiếu điều muốn són ra cũng phải nín thở qua sông, đè nước són lại để cho chống sĩ một cái. Là thân đi làm mướn kiếm sống chứ giàu gì mà học thói phong lưu, hứa chiều nay soạn đất cho ngày mai người ta xuống giống đậu, ừ  iệc đàng hoàn. Xem còn 3 tiếng đồng hồ nữa mới tới buổi mầng chiều, thả đằng xóm định kiếm vài cốc nước trà, xì hơi vài câu chuyện vặt, ngấm trà chưa đâu, bị thằng nhỏ trong xóm đi ngang thấy, rủ làm bậy vài ván cờ. Thiệt là thầy hay gặp bệnh nghiệt, quánh một trận từ chưa tới buổi mầng chiều đến chạng dạng tối hai bên tuyên bố hưu chiến. Anh Quen _ tên của tay ghiền cờ _ ra khỏi trận bước chân lựng cựng về nhà, mắt quờ hoạn đi trong sự lo âu: Hứa làm công cho người ta không làm là một việc, nhà lo gạo tầm lon mà phải cái như cụ Tú Xương “gạo cứ lệ ăn đong bửa một, vợ quen dạ đẻ cách năm đôi”, thằng con trong nhà xin tiền nạp học phí chi kỳ thi lên lớp, nhớ nhớ…Sao lúc trong bàn cờ không nhớ giùm? Người ghiền cờ, lúc chơi cờ không nhớ gì khác, hành giả ghiền Niệm Phật, niệm Phật nhập tâm chắc chắn cũng thế thôi.

Có hôm tôi đọc báo thấy câu chuyện ngộ nghĩnh như vầy: thanh thiên bạch nhựt giữa đô thành Sài Gòn, có tên trộm xông vào tiệm giựt vàng, chủ tiệm hô lên, cảnh sát đến bao vây bắt quả tan anh ta, cùm hai tay. Hiện trường ban ngày, có sự chứng kiến của nhiều người, khách qua đường xăm xoi:
 Lớn vậy còn đi ăn trộm không biết mắc cở.
-   Mày không sợ bị bắt đi tù?
 Cảnh sát sờ sờ ra đó mà mầy dám lấy cắp?
Bị nhiều câu nói xăm xoi quá ngột, quý bạn biết tên trộm vàng nói những gì không? Hắn nói một câu hết sức là hảo hán, gan dạ: Lúc vào lấy vàng, trước mắt tôi chỉ có “ Vàng” thôi, không thấy có xấu hổ, không thấy có cảnh sát và tội tù. Hắn nói như vậy quý bạn có tin là thật không? Đúng quá đi chứ! sao lại không tin? Người thấy vàng là ham, vàng trám bít con mắt không cho thấy vì khác, vàng ngự trị trong tâm không cho suy nghĩ vì khác. Mắt thấy vàng, tâm giữ chặc vàng, có thấy bống dáng của tên cảnh sát nào mà sợ, có sự xấu hổ nào lọt vô tâm đâu mà lo. Nếu người Niệm Phật nhập tâm, thấy ai hay thấy cái gì đó không quên thấy phật, nghe cái gì đó không quên nghe Phật, làm cái gì đó không quên Niệm Phật, không quên tu, lúc nào cũng tâm Phật, lúc nào cũng Niệm Phật, Phật hiện diện lớn giữ mắt phàm không cho thấy sắc tướng bên ngoài, Phật luôn ngự trị trong tâm không có suy nghĩ gì khác. Nếu bạn hỏi người chuyên Niệm Phật như vậy, đạt hiệu quả như vậy một đôi câu: Tôi đến nhà chờ anh lâu, Anh không thấy hay nghe sự động tịnh của tôi đến sao? Sự sống chết có đến hăm dọa anh không? Thì chắc họ cũng trả lời tương tự như tên trộm vàng giữa ban ngày rằng: Trong khi theo đuổi câu Niệm Phật, tôi chỉ thấy có Phật thôi không thấy gì khác. Tôi không thấy gì khác ngoài thấy Phật, tôi không niệm gì khác ngoài niệm Phật, Đức Phật ngự trị trong trái tim tôi thì đừng hỏi chuyện chết sống là gì: Chết sống là đồ bỏ!
Hòa Thượng dạy Tăng Ni Phật Tử “ Hãy tìm nơi nào không có vô thường”, theo tôi chính là nơi chuyên tâm niệm Phật hay Thiền Định, “Định tâm thần như mặt nước hồ” nước hồ không gợn sống, trong vắt…
19/1/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét