Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

TRỊ BỆNH

Hôm nay tôi xin được nói chuyện với quý vị về Bệnh và cách trị bệnh.
Bệnh chưa hẳn là chết nhưng không chắc là không chết. Nếu đến lúc phải Tử chạy chữa cỡ nào cũng Tử, chưa đến số chết thì bệnh chỉ là bệnh thôi ít hôm cũng sẽ khỏi. Đừng đổ tội cho người nghèo vì thiếu tiền thang thuốc mà thân nhân mới chết. Nói vậy là tử thần sợ người giàu sao? Không đúng, chúng ta nghe thấy những Ông Vua Ông Tổng thống ngay cả Ông Thầy thuốc, cứu biết bao nhiêu bệnh ngặt sắp bỏ mạng mà tới chừng tự cứu mình thì chịu bó tay. Xơ gan cổ trướng là bệnh nghiệt đã giật chết biết bao người tiền đầy túi mà đụng tới Ông nhà nghèo không có tiền mua thuốc, bứt cây cỏ uống cầm chừng mà khỏi bệnh hồi nào không hay. Nói tới số mới chết, vậy mình làm gan không uống thuốc cứ để bệnh nó tự vô tự ra cho coi chơi được không?
Tính vậy là quá liều. Hễ bệnh vào thân ai thì thân ấy khó chịu, vào đâu là đau nhức đó, chính vì sự khó chịu không ai đủ gan dạ để bệnh coi chơi. Dẩu bệnh không dẫn đến tử vong nhưng trị cứ trị, tính chuyện nào chắc ăn là hơn chứ. Từ bệnh đi đến tử vong cũng là một thói quen của tấm thân tứ đại vốn vô thường, vào ra biết bao lần sanh sanh tử tử. Ta không thể từ chối cái thói quen đó trừ phi ta thoát kiếp, khỏi lục đạo luân hồi. Mang bệnh thì phải mau mau mà trị đi còn hết hay chết hãy để cho thói quen của đạo luật vô thường hành sự. Một chiếc áo cũ rách, nghèo thì ngồi đó mà giá bận chứ bỏ giữa chừng là chẳng nên, nhưng phải tính cách có tiền để sắm chiếc áo mới là vừa. Là người tu, lúc bệnh hoạn tới, trong khi ta uống thuốc trị bệnh đừng lo chuyện chết sống mà hãy lo chuyên Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ sẽ hay hơn.
Phát đồ trị bệnh có hiệu quả hay không, nhanh hoặc chậm đều do hai phía: Người bệnh và Thầy trị bệnh. Khởi đầu câu chuyện là lương y xem mạch, định bệnh, phát đồ sử dụng thuốc…Nếu lương y xem mạch không tới, hoặc tới mà cách phối hợp thuốc định bệnh không chính xác, hoặc cả hai phương đều tới và chính xác mà thiếu hẳn tính hiệu quả của người nấu thuốc, giờ uống thuốc, có thể không kết quả hoặc kết quả không nhanh, miễn cưỡng. Nếu cả 3 phương ở hàng tiêu biểu tốt cho việc trị bệnh thì phần còn lại là bệnh nhân. Theo sự chỉ dẫn của lương y, ăn uống đúng giờ, thức ngủ đúng giờ, sinh hoạt các cái đúng giờ sẽ được khỏi bệnh nhanh thôi. Nếu ăn uống không đúng giờ mà thức ăn lại là thứ chậm tiêu hóa không có lợi cho sức khõe mà còn khán thuốc khiến nên tính hiệu quả của thuốc không còn vận hành trong cơ thể, như bệnh nhân chưa hề được điều trị. Kéo dài việc điều trị như thế bệnh càng ngày càng phát tác. Tình trạng sai lầm nầy lương y và bệnh nhân không sớm phát hiện để giải quyết gút mắc kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Xưng là người tu mà khi mắt thấy tai nghe tu không được, niệm Phật không được, tình trạng nầy kéo dài, chắc là phải cuống gói đào ngũ thôi. Thấy nghe mà tu không được là thấy nghe có bệnh, trị ngay chỗ đó. Chuẩn bị vào thời công phu, đã mặc chiếc áo choàng lên thân rồi mà trong lòng chưa stop các mối nhợ thế sự đâu đâu. Nguyện vái là một thói quen đã nhớ, nghĩ đủ thứ chuyện trong khi nguyện vái mà cũng đọc xong văn nguyện rồi lạy mà không biết là lạy ai. May mặc áo choàng màu dà với ý thức ban đầu là để có lễ phục bái kính Phật. Lạy Phật là phải tưởng Phật đàng nầy tưởng thứ khác mà cũng lạy ngọt sớt. Đi giảng thuyết đạo pháp, phải vì đạo Pháp, giữ chánh tâm trong khi nói pháp là đúng sách, đúng cách. Bằng như thuyết pháp mà còn tính hơn thua tranh giành ảnh hưởng cho danh lợi tình trú ẩn, tham sân si cường điệu trong việc cao thấp, hay dở là không kết quả hoặc kết quả không cao. Có chánh là không có tà, lời nói ý nghĩa từ trong chánh tâm thuyết ra sẽ trở thành chánh Pháp, mang tà tâm mà nói pháp, dù đọc y kinh Phật Giảng Thầy mà bên trong có dụng ý tà, kết quả là tà. Nhiều nhà đạo đi thuyết giảng chuyên nghiệp, tiếng tăm, lâu lâu chừng nghe lại thì đã xuống núi, qua mồi. Bên trong dụng ý tà là nhân, gieo nhân nào sẽ ra quả đó. Lục Tổ Đàn Kinh nói:
“ Tâm mê Pháp Hoa chuyển, Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.
Tụng lâu không rõ ý, Kinh nghĩa ấy thù ta”
Trong xóm có người phát tâm tu, mới mẻ nên sự hiểu biết ít oi, cạn cợt, người ta muốn học, muốn nghe nhà đạo thuyết trình giáo lý để biết mà tu, nhưng bản chất của họ không nặng tính xả giao, chuốc ngót, gió đẩy gió đưa cho vừa lòng ông đạo thì ông đạo thuyết không hay … nói ra đề tài sượng ngắt từ đầu tới cuối làm người nghe không cảm nhận sự hay ho để mà áp dụng vào đời sống. Ở đây người ta khát khau mà bỏ cho, chạy đi hằng trăm cây số để cho, toàn là chứng bệnh nặng, nan y, cần phải đem đi chữa nhanh. Kinh Lăng Già nói:
“Nếu trí bị bít lấp trong cửa tình thì toàn trí đều là tình, tâm mờ mịt trong biển thức thì toàn tâm đều là thức”
Nếu trí bị bít lấp trong cửa tình thì tình cảm nằm trên lý trí, tình cảm có quyền xử dụng lý trí như ông chủ nhà giàu xử dụng một nô tùy. Cái gì mà tình không ưa thì trí thức không thể phát sanh những cao đẹp trong ngay chỗ không ưa. Làm chung Ban Từ Thiện, tôi không ưa người đó thì tôi không thích đứng ngồi hay làm việc chung khâu với người đó. Công việc được Ban Tổ chức cắt đặt không thể không nhận nhưng ngồi làm chung trong một không gian hẹp mà tâm tình cả hai cứ cay cay làm sao ấy, hoặc gởi hồn theo mây theo gió đi đâu. Nếu cái tâm mà có tướng dạng, thấy rõ như thấy mặt người, thì lúc giận hờn chắc cái mặt giận trông cũng dễ ghét lắm.
Mình thích được khen mà không có ai khen giùm, kết quả ngược thì dễ nổi nóng. Giận để bụng lâu là tu “xuống cấp”. Tranh giành uy tín đối với người biết đạo là không nên, cứ tu cho tốt lên là uy tín đến, đừng cái kiểu nay tu mai nghỉ, khi tốt lúc xấu, đồng đạo nghe thấy là chán cho ở đó mà cạnh tranh. Lỡ có tranh giành ảnh hưởng thì phải chọn cách công bằng. Người ta quá cao mà mình thì lùn trệt, tự ái vồn dập khi ở gần người cao. Muốn cao bằng hoặc hơn người ta thì phải ăn uống tẳm bổ cho phát chiều cao, cái xã hội mà người người đều cao là quá tốt, nhưng nếu ta muốn cao hơn bằng cách chặt lùn người cao xuống thì cái xã hội chỉ toàn là người lùn sao? Cạnh tranh như thế là không công bằng, xấu lắm! Đào bới moi móc hoặc dựng chuyện không thật để hạ uy tín đối phương là đồng đạo với nhau thì ngay khi đó uy tín của mình bị hạ trước.
Chỗ mình ghét muốn ai cũng ghét mà người ta lại không ghét. Thèm được tiếng khen mà chẳng tư duy coi mình có làm được điều đáng khen không. Làm điều dù không tội lỗi nhưng bình thường, có vượt trội hơn ai mà đòi hưởng tiếng khen? Thay vì phải làm gì đó vượt trổi hơn người, xứng đáng được khen ta lại ganh tỵ với người làm tốt hơn ta đã và đang được khen. Bệnh nầy để lâu tự ái tràn trề, lúc nào cũng tự ty mặc cảm, thấy mình bị bỏ nổi lên chống bán, phe phái. Tâm bị sa đọa lâu trong danh, nghe thấy người ta khen ai là tức, chê trong bụng hoặc có dịp thì chê ra ngoài, tự cao, ngạo mạng…
Người không hay mình bệnh, hoặc hay nhưng sợ người ta khinh khi, coi thường, dẩu không để lộ sự yếu kém của mình cho ai biết nhưng mình biết, mình lo, mình sợ người khác biết mà cố tình che giấu và dựng chuyện xấu cho đối phương thế tội thì nỗi đau trong lòng đi đến tuyệt vọng.
Yếu muốn xụm người mà lúc nào cũng lên giọng cứng, chết ngây chết dại với danh lợi, sắc thinh, bị nó giật đau quýu, nghiếng tim cũng rán phát cho cái mặt vui tươi, mê đến tối thui mà cố làm cho tỉnh. Gượng vui là không thật vui, gượng tỉnh tất nhiên là không tỉnh. Không thật có vui có tỉnh thì màu mè người biết chẳng ai thích, ai xài. Hàng giả đem bán ế ẩm, rốt lại hàng bị tồn động quá nhiều. Của trong nhà ta thì ta xem chớ ai vô đây xem, ta xem ta giả dối riết nổi khùng lên bỏ tu, bỏ đạo.
Nói không bệnh chi mà cứ nằm buồn dào dào, không dám nhìn thẳng con bệnh của mình để tự mình chữa trị hay nhờ người ta chữa giùm. Nằm lăn lộn, nhăn nhó mặt mày, biến cười biến nói mà bảo không có bệnh là sao? Nói là Niệm Phật, Lục Tự Di Đà bị dính đùng cục trong Danh Lợi Tình mà nói không bệnh là sao? Bệnh nhân từ chối mình có bệnh thì phải nhờ Ông Thầy hay xem mạch định bệnh làm sao cho nó khẩu phục tâm phục. Bắt mạch cho chính xác, nói ngọn nói nguồn cái nguyên nhân sanh ra bệnh, hồi nào, ở đâu. Thầy thuốc xem bệnh ai phải nói bằng tình thương không qua chỉ trích, bằng an ủi vỗ về không bằng gắt gỏng, bằng sự giáo dục chớ không bắt tội. Tiếp với người có lòng bác ái vị tha, người bệnh không cảm thấy đời mình cô đơn tróng vắng, để họ biết họ vẫn còn có những người anh em “con một cha” lo lắng giúp đỡ, dìu dắt họ. Xét còn hy vọng họ mới an tâm chấp nhận mình có bệnh và đồng ý cho lương y chữa trị. Thuốc men là phần của lương y, còn phần của bệnh nhân không kém quan trọng, cần có sự phối hợp chặc chẽ của con bệnh và Thầy trị bệnh. Thuốc tuy hay nhưng bệnh nhân cần phải uống thuốc đúng giờ đúng lúc và sử dụng liều lượng cho phép. Thời gian trị bệnh, ăn những gì không nên ăn những gì, ngủ nghỉ sinh hoạt các cái đều phải do sự chỉ dẫn của lương y. Đang trong thời kỳ cai nghiện rượu mà cứ tới chơi với những kẻ không cai, nó nói ra toàn là chuyện rượu, mở nấp bình rượu cho bốc hơi men, cai sao nỗi mà cai!
Người bị bệnh tình cảm lúc nào cũng nặng lòng lo mất mát, mơ mộng, thương yêu. Muốn tu dứt đường dục vọng tránh cuộc nợ hồng nhan cho phục hồi nguyên khí, tỉnh tâm lại thì trước phải đề phòng từ xa những xâm nhập có liên quan đến cảm tình, vì khoảng cách từ cảm tình đến tình cảm là không xa qua tình đôi lứa. Muốn giữ hạnh độc thân để nghiêng vai gánh gồng việc đạo, chuyên tu thì giữ vững niềm tin và lập trường của mình đưa ra phải khắc sâu vào tim não, không có bất kỳ lý do nào trên đường tu mà quên lập trường. Chiến sĩ Như Lai nói đánh giặc tình cảm không cho len lỏi vào hồn mà trong nhà cứ luôn mở hát nhạc tình, cải lương tình, kể chuyện tình, mua chuyện tình để đống đống trong nhà mà đọc. Rốt cuộc bệnh trầm trọng thêm chớ trị bệnh gì. Muốn trị bệnh cho có hiệu quả tốt, uống thuốc hay, đúng liều lượng là một lẽ mà biết kiêng cử ngăn ngừa từ xa mới đem đến kết quả nhanh.

30/1/2015

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

BỆNH  KHỔ


Đức Phật Thích Ca từ khi thành đạo đến nhập Niết Bàn các bậc cổ đức đã hệ thống hóa sự thuyết pháp độ chúng của Ngài thành 5 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm nói về “Tứ Vô Ngại Pháp Giới”. Chỉ có hàng Bồ Tát thượng thặng mới hiểu chứ người thường không biết gì. Thấy vậy Đức Thích Ca định nhập Niết Bàn, các vị Trời Đế Thích cầu khẩn lắm Ngài mới trụ thế, khởi đầu Ngài thuyết về “Tứ Diệu Đế” mà Khổ Đế lại là bài dạy đứng đầu. Trong “ Khổ Đế ” gồm có bốn cái khổ lớn là Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Đời người mà vui thì chắc không ai chịu tu và sẽ không có chuyện vị thái tử“ thừa đêm khuya lén trốn vào rừng”. Nhắc lại sự kiện Sĩ Đạt Ta đi tu vì thấy cảnh Sanh, Già, Bệnh Chết của những lần đi dạo chơi ngoài thành; viết GIÁC MÊ TÂM KỆ dạy tín đồ chuyên tu, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng chọn đề cương, nguyên nhân nào dẫn đến Sĩ Đạt Ta bỏ ngôi thái tử:
“ Khuyên chúng sanh khuya sớm chuyên cần,
Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ.
Bệnh với tử từ kim chí cổ,
Sanh với già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm tứ khổ nên Ngài Tầm đạo”.

Muốn hay không thì bệnh cũng coi như là của cải “Trời cho” không ai từ chối được. Biết từ chối để không bệnh là chuyện không thể nào. Tu thì phải biết, thân ta là thân tứ đại hợp thành. Vạn vật trên đời hễ có hợp là có tan, có mạnh có yếu. Thay vì từ chối cái không thể từ chối ta cứ Niệm Phật Hành Thiện là cách giải quyết tốt nhất những phiền phức không đáng. Còn sợ phát bệnh đó hả, hãy gắng tu, trong lòng có Phật thì không sợ nữa. Sanh trong đời mỗi người đều chịu chung hai thứ bệnh: Thân bệnh và tâm bệnh. Thân bệnh có hai nguyên nhân chính: Thứ nhứt là từ thời tiết không điều hòa, ăn uống không điều độ, kiên cữ; thứ hai là do nghiệp xưa “ Căn tiền Báo Quả Hậu”. Tâm Bệnh do vô minh, nặng nhẹ là do nhiều hay ít vô minh.
Về thân bệnh nguyên nhân thứ nhứt Đức Tôn Sư nói:
“ Bởi thời tiết chuyển xây biến thể
Nên uống ăn chẳng được điều hòa
Là nguyên nhân căng bệnh phát ra.
Nguyên nhân thứ hai:
“Rủi ốm dau bới tại căn tiền
Hoặc hiện kiếp làm điều bạo ác.”
Bệnh do thời tiết không điều hoà mà phát, tác hại ít khi chết thân, có thể cũng oằn hoại lắm nhưng qua thời gian cường độ bệnh sẽ giảm dần trở lại bình thường. Bệnh do thời tiết, có thể nẩy sinh từ một ít nguyên do:
1,  Sức đề kháng trong mình sụt giảm dưới mức trung bình.
2,  Hệ miễn nhiễm không còn ở vị trí đứng mũi chịu sào nữa.
Như chúng ta thấy, nếu nói thời tiết thì phải ảnh hưởng cả không gian rộng lớn, một nước, một vùng hay khu vực, nhưng đâu phải hễ ai ở trong một nước một vùng hay một khu đều mắc bệnh cả đâu. Người mà sức đề kháng mạnh, hệ miễn nhiễm còn đủ dầm mưa dan nắng suốt ngày dưới biển lên non, làm quần quật chẳng đau ốm gì, trong khi đó một số người thấy hơi trở trời trở gió khác luồng, rút ở trong nhà trùm đầu trùm cổ, uống nóng, ăn chín, rào rắp kín mít vậy mà bệnh ở đâu cũng nhảy vô giật bầm dập, bèo nhèo…
Người tu Phật, điều tối kỵ là không để cho lục căn lục trần xâm nhập bất hợp pháp. Đức Thầy cảnh tỉnh giùm những ai học đạo tu hành:
“ Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác.
Dứt được nó ấy là giải thoát,
Thì xác trần mới khỏi đọa đày”.
Lục tặc tấn công giống như trái gió trở trời, thời tiết khắc nghiệt, ở rút trong nhà trùm đầu trùm cổ mà bệnh giỏi ghê vẫn biết đường xâm nhập. Chúng ta cũng thiếu sức đề kháng trong sự tu như người bệnh kia chăng? Trở gió trở trời gì chớ! Trở gió trở trời thì ai cũng bệnh sao nhiều người không bệnh mà mình bệnh? Thấy nghe ai không thấy nghe, sao đồng đạo kia không bệnh mà đồng đạo nầy bệnh? Nói đi làm Phật Sự, để Danh, Lợi, Tình nổi búa xua trong việc làm Phật Sự là sao? Cho dù Danh, Lợi, Tình có theo chọc ghẹo, cho dù có trái gió trở trời mà sức đề kháng của mình to khõe, mạnh mẽ giống như tên giữ cửa thành là cao thủ võ lâm, võ công thâm hậu, giặc dễ mà qua lọt cửa nầy, giặc vừa tới là bị đánh văng ra. Chuyên tu trong tâm thì tâm thêm sức mạnh, có tên lục tặc nào xâm nhập được. Sức đề kháng không còn trong thân là thân mất tự chủ, gió mái trở trời đau ốm liên miên; sức đề kháng không còn trong việc tu là việc tu mất tự chủ, ở tư thế cúng lạy, niệm Phật mà vọng niệm chúng sanh cũng xâm nhập ngọt sớt. Ông Thanh Sĩ nói:
“ Sức tự chủ đã không còn nữa
Quyền hành do sáu đứa giặc trần;
Tha hồ thỏa mãn nhục thân
Tâm hồn cứ thế mê dần đi thôi.
Mạng sống chỉ là mồi thị dục,
Tâm hồn thì lệ thuộc xác thân;
Lay quay ở giữa ngục trần,
Lúc nào cũng sợ tử thần đến kêu”([1])
Luận giải về Bát Chánh Đạo, trong mục Chánh Tư Duy Đức Thầy nói:
“ Con người thường hay bị các thị dục cám dỗ: Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ, tình chồng…; cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát ly ra được…”
Cũng ở trong Bát Chánh Đạo, Ngài viết:
“ Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng. Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao nhiêu tâm cơ bao nhiêu trí não phụng sự nó”.
Giống như bị giặc bao vây, ngó đâu cũng thấy giặc “Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng…” thảy đều là giặc, đều là thứ bệnh hoạn sắp chết. Đức Thầy dạy phương cách trừ giặc rất hữu hiệu bằng tạo trong ta sức đề khán mạnh mẽ phi thường để, “ Dầu các thị dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám dỗ hay bức bách bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng thể lôi kéo được, và ta luôn luôn phải nhớ đến công cuộc cứu vớt quần sanh thoát nơi khổ hải của Đức Thế Tôn, phải nhớ rằng sanh linh đang chìm đắm trong bể hồng trần, rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn phận giác ngộ trần gian bỏ những oan trái luân hồi cai nghiệt. Muốn thế trước hết phải tìm phương tự giác, nhắm cảnh Niết Bàn tấn tới; quyết chí tu hành đắc thành đạo quả hầu dắt dìu bá tánh thập phương xa miền tục lụy. Người dẹp hết các sự rầu buồn, các điều tà dạy, dẹp lục căn, lục trần và rán làm cho tinh thần được thêm sáng suốt, rèn luyện các đức tánh cho thiện mỹ; yên tịnh, hỷ lạc, trang nghiêm, quyết gắng công phu, một lòng bước tới Niết bàn đặng có tế độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi quả báo”.
Hoàn toàn thay đổi tâm chúng sanh và thất tình lục dục trở thành tâm Bồ Tát “ Rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn phận giác ngộ trần gian bỏ những oan trái luân hồi cai nghiệt” thì phải “…trước hết, nhắm cảnh Niết Bàn tấn tới”. Tạo được ý chí trách nhiệm cở đó, tất nhiên có sức đề khán mạnh, quật cường chẳng thằng giặc nào xâm nhập được.

Tâm Bệnh: thân bệnh tức thân yếu tâm bệnh thì tâm yếu. Nói là đi làm chung Phật sự, từ thiện, lời qua tiếng lại có chút cũng giận hờn. thấy mặt không ưa đã đành, ai về nhà nấy có còn thấy mặt nữa đâu, chỉ thấy cái mặt bị ám ảnh, không nghe thiệt tiếng chỉ nghe trong sự ám ảnh  mà cũng không ưa, giận hờn hoài như vậy là sao? Bảo là tu hiền, thế nầy không biết lúc giận có tu không chớ còn hiền chắc chắn là không có. Bảo là tu Niệm, đương lúc có cái niệm giận hờn, cái niệm không ưa thì chắc chắn là không có niệm Phật. Bệnh tâm trầm trọng nếu để kéo dài tình trạng không ưa, gịân hờn chính là kéo dài thời gian không niệm Phật, không tu. Bệnh tâm đến độ nầy giống như người bệnh nằm liệt trên giường, chờ chết thôi. Tiếp chuyện với người khác phái trong sinh hoạt đạo pháp, cách trình bài, sự thưa hỏi của người ta là tự nhiên cũng như gió thổi tự nhiên mà lòng mình không tự nhiên, bị cảm bệnh về sự thưa hỏi, cách trình bài của người ta rồi nghĩ ngợi thương mến âm thầm. Tâm thiếu đề khán là tâm dễ bị bệnh, ngộp nhớ, nguồn nhớ đậu lại không bay, mở mắt nhớ mà nhắm mắt cũng nhớ. Cúng Phật lúc nầy là cúng nó chứ Phật đi về Tây Phương rồi, Ông đạo chỉ chờ xuống núi qua mồi.
Nhiều vị cao niên, đạo đức làu lòng nhìn tướng bắt mạch; tưởng không hay nên báo cho hay: Bệnh cháu nặng lắm, hãy tìm thầy chữa bệnh gấp không thì bỏ mạng. Trông mạch đi là mạch chết, trông sự cách tu là sự cách tu “Rớt”, sắp cởi trả áo tu, “tuột núi”. Thần y báo bệnh vậy mà cũng leo lẻo cái miệng nói Thần nói Thánh, để chối bỏ sự thật bệnh hoạn của mình. Rõ ràng là không chịu đuổi bệnh chớ chẳng phải quyết đuổi mà bệnh không đi. Vô minh đưa con người vào ra trong sáu nẽo, khi tạo thân, dù là thân người, vô minh cũng muốn làm cho bít chịt lối ra. Theo Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy:
“ Màn vô minh che mờ căn trí
Nên thường khi nhận ngụy làm chơn
Lo huyễn thân vật chất kém hơn
Chẳng tìm biết tinh thần đạo đức”
Qua đây, căn trí con người vốn sáng suốt, nhìn xa trông rộng, bị vô minh làm màn che chắn mắt, chỉ thấy quanh thân phàm tục dơ bẩn của mình mà chấp đẹp, khởi tâm ưa thích, nên cảnh tượng lo cho huyễn thân mình hơn người khác và đến đổi không coi đạo đức là gì. Người quy đầu Phật Pháp, thân bệnh người ta còn chấp nhận, vì nó nằm một trong tứ khổ của Phật xét ra. Tâm bệnh chỉ được trừ khử chứ không được chấp nhận, vì hiện tại, tâm bệnh làm hao kém tinh thần cầu tiến, lộng giả thành thật, tiếp nối sự sanh tử trong vòng quay luân hồi. Người học đạo, thân không bệnh, tâm không phiền não là an lạc nhất. Nhưng lỡ thân có bệnh muồi mà tâm đừng bệnh tý nào, mạnh mẽ đứng trên Danh, Lợi, Tình, Tham Sân Si Mạn Nghi, đẩy bay Thất Tình lục dục ra khỏi vòng chiến, không còn ý nghĩ về chúng. Thân bệnh, nhưng nếu tâm không bệnh, dẩu thân có chết đi, cái tâm không bệnh ấy không còn cảm giác khổ đau nữa, thông thả theo Phật về Cõi Phật.

28/1/2015.

([1] ) Đường Giải Thoát của Ông Thanh Sĩ


Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

(VII) “ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN VÀ VUA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ” (Phần cuối)

CHƯƠNG TƯ

1.    VẤN ĐỀ TÊN HỌ PHẬT MẪU:

Trải qua ba triều đại: Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), nghĩa là thời gian trước và sau ngày Đức Phật Thầy khai đạo, nước ta thường xảy ra tai nạn binh biến.
- Liên tiếp trong ba năm (1829-1839-1831) giặc mọi Cao Gồng nổi lên đánh phá tỉnh Quảng Nam.
- Binh Chân Lạp và quân ta đánh nhau hơn ba năm (1842-1845) ở mạn biên thùy Tây Bắc.
- Giặc Lâu Sâm – nhóm gian đạo sĩ nổi loạn ở trà vinh (1841).
- Tiếp theo đó, giặc Phủ Kép (Miên) đánh phá ở Láng Cháy (vùng Thất Sơn)(1). Và Miên ở Sóc Trăng, Trà Vinh nổi loạn giết hại đồng bào v.v… làm cho binh triều đình đánh dẹp không rảnh tay. Riêng phần Đức Cố Quản Trần Văn Thành đại chiến với quân giặc trên ba mươi trận.
- Kế đến đời Tự Đức, quân Pháp đánh chiếm nước ta. Các vị anh hùng liệt sĩ của đất nước: người thì chết nơi chiến trận, kẻ bị giam nhốt và tử hình…
Liên tiếp trong 5 ngày (20,21,22,23,24 tháng 6 năm 1867) quân ta đổ biết bao xương máu, quyết đem cái chết bảo vệ nền độc lập quốc gia. Nhưng rốt lại ba tỉnh miền Tây của ta phải hoàn toàn rơi vào tay người Pháp.
Rồi nào là nạn lùng bố, bắn giết, truy nã các nghĩa quân. Nhất là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Lúc đó các nhà tai mắt trong đạo luôn cả tín đồ lo chạy chết chưa biết bảo tồn sinh mạng mình được hay không, thì đâu giữ được tài liệu có liên quan đến đạo! Và Đức Phật Thầy là vị tổ của một tông phái mới, nên chưa được Quốc Sử quán và không một bộ sách xưa  nào ghi chép. Còn thân mẫu của Đức Phật Thầy đã viên tịch trước khi Ngài khai đạo, nên không ai biết được  tên rõ ràng. Tình thế bất ổn kể trên, bảo sao tài liệu lịch sử Phật Mẫu không bị thất lạc được?
Vả lại, vấn đề “Tổ quốc tri ân” các vị anh hùng liệt sĩ, về tổ tiên những vị ấy ít ai quan tâm đến. Mà họ chỉ cần tìm biết vị ấy có công trận chi với đất nước, và mị dân hay chánh nghĩa mà thôi. Với những vị giáo chủ, người ta cũng chỉ quan tâm ở chỗ tài năng, đức hạnh, tà đạo hay chánh đạo. và giáo lý đó có thích hợp với căn cơ trình độ hầu đưa mình đến chỗ cứu cánh hoàn thiện hay không? Vấn đề tổ tiên của các Ngài ít ai quan tâm đến. cho nên trong Phật sử đôi khi đối với những bậc siêu phàm ít ai tìm tòi về việc tổ tông gia phả. Chẳng hạn như Đức Bổn Sư Ngô Lợi (?-1909) ở núi Tượng, ông Sư Vãi Bán Khoai độ đời ở kinh Vĩnh Tế (đầu thế kỷ 20), nào ai biết tổ tiên của các vị ấy là những ai?
Như vậy, tên họ cha mẹ của Đức Phật Thầy Tây An, chúng ta biết cũng tốt, không biết cũng chẳng có sao. Vì đó là chuyện thông thường trên lịch sử.

2. SỰ LINH DIỆU NƠI NGÔI MỘ BÀ Ở CÁI NAI:

Dầu không biết rõ tên họ của Phật Mẫu, nhưng dân chúng vẫn tin tưởng nơi ngôi Mộ, nhất là người dân trong làng. Bởi:
a. Trâu bò không phá phách:
Ngay buổi đầu không ai biết chi cả. người ta chỉ thấy một khoảng đất vuông vức độ bốn, năm thước tây, không cỏ mọc, bốn góc có bốn bụi bông trang và bốn cây ô môi. Mỗi khi mấy chú mục đồng cho trâu, bò ăn đến gần thì trâu, bò nghễnh cổ lên rồi bỏ chạy thục mạng như có người rượt đuổi. Cho nên không có trâu, bò, heo nào giẫm chân hay bén mảng ở đây.
b. Vấn đề bà sáu T gieo mạ:
ở xóm có vợ chồng bác nông phu tên sáu T, nhà cách Mộ vài trăm thước. ngày nọ hai ông bà đến khu vực Mộ, dọn cỏ để gieo mạ cấy lúa giậm. Ông chồng nói: nghe người ta nói chỗ đất trống nầy là mộ Bà chi đó! Ta phải tránh, đừng gieo mạ nơi ấy. Bà vợ thấy đất trống khỏi nhọc công dọn cỏ nên vẫn gieo mạ. Ông chồng ngăn cản, bà nổi giận dùng những lời thô bỉ tục tĩu. Chiều tối về đến nhà, bà T sây xẩm mặt mày, hai lỗ tai bà ra máu, á khẩu và chết luôn trong đêm ấy!
c. cây ngã ngược chiều gió:
chung quanh mộ có bốn cây ô môi trồng bốn góc, tàng nhánh rất lớn. nhưng không có tàng nhánh nào che phủ ngôi Mộ. Và các cây khi gốc mục ngã xuống đều ngã ngược chiều gió, chớ không làm hư hại ngôi Mộ.
d. trường hợp ông lão lạ mặt quét dọn nơi ngôi Mộ:
Như thường lệ, hằng năm gần ngày tết, có một ông lão đầu tóc bạc phơ chèo một chiếc thuyền nhỏ đến mộ Bà, đốt hương bái lạy và dọn quét sạch sẽ cỏ rác xung quanh Mộ. Dân làng thấy vậy hỏi thăm duyên cớ. Ông lão đáp đây là Mộ Bà, nhưng không nói rõ bà là ai, rồi ông xuống thuyền đi mất. Dân làng không ai biết ông lão đó là người chi, và ông đi về đâu?... thời gian sau họ mới nhận ra ông ấy là bậc kỳ nhân chớ không phải người thường! (Vì khuôn khổ của quyển sách có hạn và một vài điểm khác không cho phép chúng tôi tiện nói về việc nầy ở đây).
e. Lời tiên tri của ông Bồng Lai:
Khoảng mùa thu năm 1939, có một ông lão cũng chèo thuyền theo lòng rạch Cái Nai, vừa chèo vừa hát:
“Bồng Lai tiên cảnh ai rảnh thì đi,
Ai mắc nợ thì ở lại dương gian!”
Nghe ông lão hát: “Bồng Lai”, nên người ta gọi ông lão ấy là ông Bồng Lai.
Trong Sấm Giảng Quyển Nhứt, Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo có câu:

“Thảm thương bá tánh lắm ôi!
Bồng lai tiên cảnh rao rồi một khi
Nếu ai rảnh việc thì đi,
Bằng mắc nợ thì ở lại dương gian”
Khi thuyền đi ngang Mộ Bà, ông Bồng Lai ghé lại, lên bờ thắp hương lễ bái ngôi Mộ. Và ông nói cho dân làng nghe: đây là Mộ Bà, thân mẫu của Đức Phật Thầy Tây An. Ông cho biết: lễ kỵ cơm Bà là ngày 29 tháng 10 AL (2). Và ông bảo dân làng đừng đào hầm hố chung quanh ngôi Mộ, để sau nầy còn xây cất chùa rộng lớn hơn (3).
Nói xông ông Bồng Lai xuống thuyền đi ngược về hướng lòng sông ông Chưởng.
Trong Sấm Giảng Quyển Nhứt Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ đã nói:
“Chợ quê giáp hết thuyền quay,
Đi trở lộn về ông Chưởng giảng dân”
Từ độ đó không còn ai biết tung tích của ông Bồng Lai chi cả, người đời chỉ còn truyền tụng câu:
“Bồng Lai tiên cảnh ai rảnh thì đi
Ai mắc nợ thì ở lại dương gian!”
g. Lời tường thuật của số người đến viếng Mộ Bà:
Vào mùa hè năm Tân Tỵ (1941) không biết từ đâu người ta đổ xô đến viếng Mộ Bà rất đông, tốp nầy đến tốp kia về tấp nập. Có ngày số người đến viếng ba, bốn trăm người. thấy vậy dân chúng mới hỏi thăm duyên cớ. Họ đáp: có số anh em đồng đạo đến viếng Đức Thầy tại nhà ông Ký Giỏi (Bạc Liêu). Đức Thầy dạy anh em đồng đạo lúc này không nên tới luôi thăm viếng Ngài, vì người  Pháp đang kiểm soát nghiêm ngặt… anh em về đến viếng Mộ Bà ở Cái Nai, cũng như viếng Thầy vậy.
Do đó người ta mới đổ xô đến viếng Mộ Bà đông đảo. Trường hợp ấy lính kín Pháp ở Long Xuyên đến làm khó dễ, nên số người đến viếng Mộ thưa thớt dần và chấm dứt trong một vài tháng sau.
h. Sự công nhận của các văn nhân học giả:
Tuy rằng dân làng thấy được sự linh diệu nơi ngôi Mộ Bà, song khi có những nhận thức của các văn nhân học giả sự tin tưởng mới thật sự đậm nét hơn.
Quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu có viết: “Mộ Phật Mẫu (thân mẫu của Đức Phật Thầy) hiện ở rạch Cái Nai (thuộc quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên). Rạch này cách chợ Cái Tàu Thượng lối năm ngàn bốn trăm thước, chung quanh Mộ có trồng ô môi và cất một cái nhà thờ, có người ở đây lửa hương phụng tự”.
Quyển Đức Phật Thầy Tây An của Vương Kim và Đào Hưng viết: “Thật ra, về gia thế của Đức Phật Thầy, đến nay khó mà biết cho đích xác được, vì cách xa chúng ta gần 150 năm.
Nhưng có điều mà mọi người đều nhận là hiện nay ngôi mộ của Phật-Mẫu, tức thân mẫu của Ngài còn chôn tại Cái-Nai, cách vịnh Tòng Sơn theo rạch Cái-Tàu-Thượng đi vô độ ba ngàn thước. Có điều là cái mộ này mỗi năm mỗi cao lên, mặc dầu không có ai đắp, cho nên nước không ngập. Chẳng những thế từ trước đến nay, trên mộ ấy chẳng bao giờ cỏ mọc và không có trâu bò nào thả ăn ngoài đồng mà dám lại gần phá khuấy”.
Đồng quan niệm  trên giáo sư Trịnh Vân Thanh viết: “Gia thế của Đức Phật Thầy Tây An, thật ra đã hơn 100 năm có nhiều việc sao đi chép lại thật khó mà giữ cho được chuẩn xác.
Hiện nay ngôi mộ của thân mẫu Ngài mà mọi người đều tôn xưng là Phật Mẫu còn chôn tại rạch Cái Nai, cách vịnh Tòng Sơn, theo rạch Cái Tàu Thượng đi vô mộ ba ngàn Thước” (Thành Ngữ Điển Tích, Danh Nhân Từ Điển trang 1060)
Tóm lại, sau khi người ta đã vượt không gian và thời gian đi tìm tài liệu lịch sử Phật Mẫu. Tuy không rõ chi tiết nhưng với sự linh diệu, lời tiên tri của ông Bồng Lai, Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy, và căn cứ vào sử sách, chúng tôi xin nói rõ thêm rằng: đa số tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo tin tưởng ngôi Mộ Bà Cái Nai chính thật thân mẫu của Đức Phật Thầy Tây An là chánh tín. Bởi nó không trái với sự thật mà mọi người dân trong làng đã chứng kiến. Và các văn nhân học giả đã dày công nghiên cứu, nhìn nhận về ngôi mộ Đức Phật Mẫu ở Cái Nai (4).

Chú thích:
-----------------------------------------------------------------------------
(1)            trận Láng Cháy, Đức Cố Quản đã thu phục hai tướng Vôi, Bướm mà hiện nay dân ở miền Thất Sơn còn nhắc.
(2)            Kể từ đây dân làng mới làm lễ kỵ cơm Bà theo lời ông Bồng Lai đã dạy.
(3)            Thời gian nầy ngôi thờ Bà như một cái miếu nhỏ, lợp bằng lá
(4)         Cái Nai: rạch Cái Nai, nay thuộc ấp An Bình, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
--------------------------------------------------------------------------

******

CHƯƠNG  NĂM

KẾT LUẬN

1.    THÁI ĐỘ BỈ NHÂN ĐỐI VỚI CÁC HỌC GIẢ, SỬ GIA, VĂN NHÂN VÀ CƯ SĨ SRIPOLIEU:

Chúng tôi người dân Nam Bộ, đặc nặng Tứ Ân, mà ân đất nước là ân thứ hai, đứng sau tổ tiên cha mẹ một bậc.
Trên bình diện cứu quốc, các anh hùng liệt sĩ hy sinh xương máu mình để bảo vệ nền độc lập quốc gia, và sự sống còn cho nòi giống. Trọng ân nầy được mọi người tôn kính, Tổ quốc tri ân. Với các học giả, sử gia, văn nhân cũng sẵn sàng hy sinh thời gian và sinh lực mình ngày đêm tra cứu, sang tác… để hậu tấn nhắm theo đường hướng ấy tiến đến tương lai tươi sáng cho đời mình và đại nghĩa quốc gia.
Từng một câu văn hay, một trang sách quý làm giảm thọ ngươn cho một nhà văn. Nhà văn sẵn sàng hy sinh thọ ngươn mình để đắp bồi  nền văn hóa lành mạnh. Văn hóa lành mạnh thì dân trí cao, dân trí cao tức chánh trị sáng suốt đưa nước nhà đến chỗ văn minh cường thạnh theo kịp đà tiến bộ các quốc gia tiên tiến trên hoàn cầu.
Đây là chiến thuật bằng tâm tư, trí não, không kém phần vũ dũng của các vị anh hùng ngoài chiến trận.
Vả lại cá nhân chúng tôi, không nhờ những văn nhân… thì làm sao chúng tôi vượt không gian, thời gian hầu thấy biết ít nhiều chuyện cổ kim thế sự và lợi hại đúng sai để cải thiện đời mình. Có thể nói: nếu không nhờ các văn nhân, sử gia, học giả cùng sự chỉ giáo của Thầy Tổ thì đời sống của chúng tôi, đối với loài vật chỉ cách nhau một bước mà thôi.
Thế nên hướng về các văn nhân chân chính, chúng tôi luôn luôn kính trọng. Biết bao giờ chúng tôi đáp lại ân nầy. Đối với các ông: Đoàn Trung Còn, Trần Trọng Kim, Lương Khải Siêu, Đào Duy Anh, Thanh Nghị, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Mộng Bình Sơn và những nhà văn đạo đức khác… Dù hôm nay hài cốt các ông đã vùi sâu nơi lòng đất lạnh, nhưng hình bóng các ông vẫn sống trong tâm tư của chúng tôi mãi mãi. Bởi giữa các ông  và chúng tôi có biết bao kỷ niệm: những lúc chúng tôi sai lầm, các ông chỉ dẫn, nhưng khi chúng tôi buồn chán, các ông an ủi… Các ông dễ dãi thường dạy chúng tôi bất cứ giờ phút nào: ban ngày hay đêm khuya thanh vắng…
Đối với cư sĩ Sripolieu cũng thế. Chúng tôi nào muốn chống nghịch mà chi. Song vì trách nhiệm của một tín đồ không thể xử  trí khác hơn!

2.TỰU TRUNG SAI LẦM CỦA CƯ SĨ SRIPOILIEU:

Sau khi đọc xong quyển PHẬT THẦY TÂY AN VÀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA QUA KIM CỔ KỲ QUAN của tác giả cư sĩ Sripolieu, người có đôi phần kiến thức hiểu biết về Bửu Sơn Kỳ Hương, thấy rằng cư sĩ viết sai sự thật và có dụng ý không tốt đối với tông phái này. Chúng tôi tóm lược một vài trường hợp:
Phong trào hiện nay, số người cùng khuynh hướng với cư sĩ Sripolieu nói: người tu được thành Phật phải là dòng dõi vua quan, có nhiều phước đức như thái tử Sĩ Đạt Ta, vua Trần Nhân Tôn… Họ dùng lý luận nầy biện hộ cho giả thuyết Phật Thầy Tây An là con vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Chớ họ chẳng ngờ lý luận ấy không hợp với giáo lý “bình đẳng” của nhà Phật. Kinh Phật nói: “nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Và “Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh”. Ba mươi ba vị tổ kế thừa vĩ nghiệp Phật giáo, đâu phải vị nào cũng xuất thân từ trong dòng hoàng tộc!
Thế nên quan niệm phân biệt giai cấp nói trên, chủ trương Phật giáo không thể chấp nhận được!
Bộ Kim Cổ Kỳ Quan của ông Ba Nguyễn Văn Thới thuộc về loại văn sấm ký. Đã  là văn sấm ký mà còn bị cư sĩ Sripolieu tách ra, trích đầu nầy một tiếng, trang kia một chữ không theo thứ tự, nguyên tắc văn phạm nào rồi gán ghép lại, định nghĩa, chú giải theo ý của mình. Cách định nghĩa quái lạ ấy chúng tôi đã dẫn chứng rõ nơi trang 51 đến 55 (phía trước), mọi người đều thấy rõ sự sai lầm của cư sĩ Sripolieu như thế nào rồi!
Đức Phật Thầy Tây An viên tịch trước Pháp đánh chiếm miền Tây Nam Bộ ta 11 năm. Thời gian đó đâu có chánh quyền Pháp, thầy cai họ Lê tên Sử và Pháp bắt Phật Thầy bỏ vào củi sắt… như quyển giảng Tòng Sơn mà cư sĩ Sripolieu đã hiểu lầm!
Chuyện bàn thờ quan phủ Bỉnh có hai câu đối. Nếu năm 1972 thân nhân ông phủ Bỉnh không hiến đất và xin đem linh vị ông Bỉnh vào thờ nơi ngôi Mộ Bà, thì cư sĩ Sripolieu dựa vào đâu để bàn giải về bà Ngọc Hân công chúa như thế?
Sau cùng, vấn đề cố học giả Hồ Hữu Tường cho mình tài cao và dòng dõi năm đời theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, cho rằng mình biết đạo này hơn ai hết. Nên cụ Tường đưa ra giả thuyết: “Đức Phật Thầy Tây An là miêu duệ” của nhà Tây Sơn. Giả thuyết cố học giả không vững, bị số  trí thức miền Nam ta bác bỏ. Cụ tường đành chịu mang sự thất bại xuống suối vàng vô cùng đau đớn!
Hôm nay dù cư sĩ Sripolieu có tìm mọi cách binh vực cho cưỡng lý của mình rằng: Đức Phật Thầy Tây An là con vua Quang Trung Nguyễn Huệ và bà Ngọc Hân công chúa, cũng chỉ giẫm chân theo bước sai lầm đáng tiếc của cố học giả Hồ Hữu Tường mà thôi!


--Hết--















  












Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

TU THẾ NÀO?

Nhân ngày cúng giỗ. Trong khi còn chờ đợi giờ cúng, tôi xin được nói chuyện với chư đồng đạo.
Đói mà được ăn vào là no, bày vẽ ra nhiều món ăn mà không ăn, chỉ nói thôi là đói suốt. Để đói lâu càng lúc càng mờ mắt, từ không thấy dẫn đến cái chết là chết đói. Từ không chánh niệm dẫn đến cái chết là chết cho luân hồi. Ước vọng khó thành hiện thực vì ước vọng quá cao, xa thực tế toàn là thứ mộng mị. Chúng sanh bị lắm điều khổ, muốn thoát khổ ra vui phải có một hành động cụ thể về “thoát ra” chứ ước vọng suôn không thể thoát ra. Phật dạy có nhiều pháp môn tu, ta chặc chịa với pháp môn ta cho rằng phù hợp là cách của ta, người khác cũng có cách riêng của họ. Đông người trong trường tu mà thông cảm được nhau thì mỗi người đều tu tiến. Đừng biểu người ta tu “giống mình”. Mình mang bệnh cố chấp “tu moi tu móc” tới đâu ai cũng sợ thiếu điều gặp là “né” mà buộc người ta tu giống mình để bệnh cố chấp lây sang sao!
Thông thường ta hay nói về người nầy người kia tu “không giống ai” rồi bàn luận, chỉ trích thế nầy thế khác. Chỉ trích là tự khoe mình tu hơn họ. Nếu có giống thì giống Phật chứ giống ai chi trong cõi thế gian nầy. Hỏi rằng tu như thế nào mới được xem là mực thước, đúng nghĩa thì tính chỉ trích, khoe mình ta cũng chỉ trả lời theo sự hiểu biết cố chấp của ta thôi. Điều nầy chúng ta không trách sai mà tiếc là thiếu đầy đũ.

Chữ “ Tu” được viết nói từ Hán Tự. Hán Việt Tự Điển giải thích Tu có nghĩa là sửa. Nghe đơn giản quá phải không? nhưng sửa những gì, sửa cách nào thì vấn đề không còn dễ đâu. Trong mỗi người có hai phần: Thân và Tâm, nói sửa tức sửa từ hai tiêu điểm đó. Đức Phật dạy đạo cứu khổ thế gian, chúng sanh có 3 nghiệp ác khuyên chừa: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp, khẩu nghiệp thuộc về thân, ý nghiệp thuộc về tâm. Sao gọi sửa từ Tam Nghiệp? vì trong tam nghiệp sanh ra mười điều ác, việc chúng ta tu đây là hành thiện không hành ác nữa, không thể để cho mười điều ác hành hung trong đường tu thiện của chúng ta. Tam nghiệp sanh ra mười điều ác đó là:
Phần thân: Nghiệp của thân có 3 điều ác: Sát sanh, Đạo Tặc, tà Dâm.                                            
Phần Khẩu: Nghiệp của miệng lưỡi sanh 4 điều ác: Lưỡng thiệt, Ỷ Ngôn, Ác Khẩu, Vọng Ngữ.
Phần Ý: Nghiệp của Ý tưởng sanh 3 điều ác: Tham lam, Sân Nộ, Mê Si.
Vô minh sanh ra không biết bao nhiêu tội ác cho Thân, Khẩu, Ý. Chúng sanh đi từ vô minh mà sanh ra thân. Nay quy Phật được Đức Phật phát cho Giáo lý tu học, nhờ đó làm tinh thần sáng ra, biết mình quá nhiều tội lỗi, giờ không muốn làm tội nữa thì từ từ mà chịu sửa mình bỏ ác theo thiện. Thân làm ác gì? Sát Sanh, Đạo Tặc, Tà Dâm thì bỏ đứt đừng sát sanh, Đạo Tặc tà dâm cũng đừng vọng khởi về chúng nữa. Còn muốn chuộc lại lỗi lầm lúc mình chưa tu gây nhiều tội lỗi cho Thân thì không sát sanh trở lại phóng sanh, không trộm cắp thêm vào Bố Thí, không Tà Dâm móng tưởng tình dục thêm mở lòng thương yêu bình đẳng giúp đỡ mọi người. Không nói chuyện ác miệng hại người nữa thì nên nói chuyện  phước, lợi ích cho người, không nói câu làm người ta ghét cần nói cho người ta thương; không tham lam ích kỷ, mở rộng lòng ra, không nổi nóng thì nổi mát dịu, không mê si cần phải học tu nhiều nhiều cho sáng suốt. Tu như vậy, xét chữ tu theo đạo Phật rất thực tế. Mọi chuyện sửa mình phải qua hành động cụ thể chớ không phải chỉ học thuộc rồi lý luận suôn, tưởng vậy là tu. Như thế vọng tâm đã “lừa” được người tu sao?.
Xét mười điều ác không ở xa chúng ta, hơ hỏng là nó nhập vai ngay. Thiện ác chung nhau một chỗ đứng, cũng ngay chỗ đó không có thiện trụ là ác trụ, không có ác trụ là có thiện trụ, ta làm cho không có ác chẳng đi đâu xa mới thực hiện, ở tại nhà, đi trên dường hay ngoài ruộng, cứ cho thiện trụ là ác sẽ bị hủy diệt ngay thôi. Trong thân ta trước giờ không tu mình mang đầy ác, nay quy y đầu Phật thì phải thiết tha nghe lời Phật dạy, cưỡng chế mười điều ác cho thành mười điều thiện, lấp bằng những hố sâu tội lỗi đã gây lúc chưa phục mạng theo Phật. Giáo lý đạo Phật dạy tu rất thật tế, chịu tu theo thực tế đó sẽ có tác dụng ngay và kết quả là các việc ác không còn tồn tại, cái tốt cái thiện và cái tâm“ không nhiểm ô cảnh ngoại dứt tuyệt các sự phàm trần”( lời Đức Thầy) trãi ra trên toàn con người thì dầu có thoát kiếp mà về cõi Tây Phương hay ở chốn Ta Bà cũng là bình an vô sự, phúc lạc vô biên.
Đạo Phật dạy có Tam Quy: Quy Phật, Quy Pháp, Quy Tăng. Quy Y Phật, Tôn kính lễ bái, cầu Đức Phật ban bố là lẽ đương nhiên, nhưng nếu chỉ có lễ bái, cầu sự ban bố của Phật thôi mà không hành theo lời Phật dạy thì kết quả của sự tu hành không cao. Phật dạy tu cốt là để con người trau sửa thân tâm cho được hoàn mĩ, viên thông. Vì một lý do nào đó người ta có thể quên lễ cầu Phật một ngày một buổi tu, nhưng không thể và không có bất cứ lý do nào để cho mình không sửa thân tâm ở một ngày một buổi tu. Lễ cầu Đức Phật coi như ta mang lợi ích cho Phật nhưng nếu ta không tu sửa thân tâm, thì ích lợi mà ta mang đến cho Phật bằng cách cúng bái Ngài không lớn lao bằng sự trau sửa thân tâm theo lời Ngài dạy. không chịu sửa, chỉ thích lạy cầu mà đắc ý thì nghĩa của chữ tu nhằm vào đâu? Đồng ý trong các cách tu theo Đức Thầy dạy cũng có chỗ dạy tu cầu, nhưng điều ai cũng công nhận rằng: tu cầu mà được việc cũng đi từ gốc trau sửa, vì nếu không sửa thân tâm mình cho tốt, nhất là cái tâm không còn là Phật tâm mà là phàm tâm dậy lên những làn sóng phiền não, có dập đầu cầu Phật đến nổi u trên trán cũng không kết quả nhiều.
Tu ngay chỗ tu là “ Sửa”, tu không sửa như nói tu mà không tu, đòi cho được nơi chùa am thanh tịnh mới tu là tu quanh tu quấc chớ không tu ngay chỗ tu. Tu ngay chỗ tu là tu trực diện với những điều dơ bẩn cần phải rửa cho sạch,  những điều xấu ác làm cho thiện tốt, trực diện với u tối cho sáng lên, trực diện với tội ác là lương thiện lên, trực diện với vọng động là chân như lên… Không chịu tu ngay chỗ tu sửa đúng chỗ sửa như thế, ở chùa am mà không tu không sửa, không trực diện với chính mình, thổi tan vô minh phiền não thì cũng như người ta ở cái nhà đời. Sửa ngay  tức thấy mình trật là liền sửa cho trúng, lúc ở ngoài đồng chăm ruộng hay mình trật thì sửa ngay ngoài đồng, giải quyết nhanh gọn tại chỗ. Đừng để lôi sự trật ấy về tới bàn thờ Phật mới chịu cung tay, lôi công việc ngoài đồng vô tới bàn thờ, vô tới bồ đoàn niệm Phật mà cung tay với nó cũng chưa chắc đã thắng được mà việc cúng lạy của chúng ta bị giặc làm bể bung lên rồi. Cung tay ăn thua ngay khi nó nổi lên. Một đóm lửa phực cháy, có ở đó, phát hiện ngay lúc lửa phát cháy ta lấy chân đạp nhẹ một cái cũng tắt, nhưng để nó cháy miết tới giờ cúng nguyện quỳ xuống bái Phật mà áp lực của đám lửa lúc trưa chiều ồ ạc bao vây. Lạy Phật, Phật đâu còn đó nữa mà lạy.
Ví dụ vọng tâm trong lúc lái xe, khách thiền môn “cắt ngay” đừng chờ về chùa mới cắt. Chùa là chỗ ở tu, nó vô tri vô giác không cắt được cho ta đâu. Chỉ có ta mới cắt được vọng động trong chính ta mà thôi. Cắt lúc đi trên đường hay ngoài đồng ta cắt, đem vọng động về chùa, về nhà để cắt thì cũng chính ta cắt thôi chớ ai vô đây cắt giùm cho ta. Có lần lựa tới đâu, hẹn mai hẹn mốt, thì vọng động trong ta cũng phải chính ta cắt. vậy lúc vọng trên đường, trong đồng ruộng cắt ngay tại chỗ phải hay hơn không? không cắt tại chỗ, dẫn nó về nhà, về chùa, cho giẫm lên cái chỗ đang cúng nguyện Niệm Phật, quậy bể buổi cúng nguyện, niệm Phật của mình rồi. Công quá là công mà công cho ai chớ không công với Phật. Lập công với ma phiền não mà kêu Phật thưởng cái vé vãng sanh Cực Lạc thật là khó hiểu. Nó sống lâu sanh sản tùm lưm, cả bầy cả lủ trong nhà, trong chùa, trước bàn thờ Phật, có ngày nó “ Soán  Ngôi” đuổi mình đi mất!
Tu để đạt đến kết quả của sự tu là rất khó. Cái gọi là “đạt thành chí nguyện” phải cân xứng qua công lao. không lập công to mà nói đạt thành tích thì thành tích gì chứ! Quả Phật, như Đức Bổn Sư Thích Ca nói “ Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”( trên trời dưới trời chỉ mình ta cao quí),Đức Huỳnh Giáo Chủ bảo:

“ Trên dưới trời chẳng ai bằng Phật,
Khắp mười phương hẳng thật khó so.
Nhìn xem cõi thế rộng to,
Một người khó kiếm sánh đo cùng Ngài”.
Quả Phật tột cao quí như thế thì cách gieo nhân để hưởng lấy cái quả cao quí không phải là chuyện dễ dầu. Ta phải chấp nhận việc tu là khó và tất cả cho việc tu là chuẩn bị vượt khó. Tạm thời ta không nói chuyện đắc đạo tại đây chỉ nói là đang sửa mình theo lời Phật dạy. Sửa thì cũng trong vòng những sinh hoạt bình thường như: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, tắm, giặt, ăn ngủ. Hồi chưa phát tâm tu khi đi, đứng, ngồi, nằm là không tu. Đi làm việc ác, đứng xem việc ác người ta làm, ngồi suy ra việc ác; bây giờ tu rồi, đi, đứng, nằm, ngồi, có tu là đi đứng nằm ngồi không làm ác, không xem ác, nghĩ ác nữa. Có đòi ai phải bỏ vợ bỏ con, xa cha xa mẹ quên nước quên nòi gì đâu. Sống bình thường như mọi người mà tu, cao thấp không do tu chùa hay tu nhà. Ở chùa quí Tăng Ni cũng đi đứng nằm ngồi nói nín tắm giặc ăn ngủ, ở nhà người ta cũng đi đứng nằm ngồi nói nín tăm giặc ăn ngủ, các động thái bằng nhau. Họ tu được trong những động tác đi đứng nằm ngồi nói nín tắm giặt ăn ngủ thì ta cũng quyết tu theo trong động tác ấy, không được là tại nơi ta thôi.
Đừng đòi hỏi quá cho việc tu, nhằm lúc mà hoàn cảnh kinh tế, chánh trị, xã hội ve vãn, một ít quyền tự do căn bản bị hạn chế, tước mất vài nhu cầu cần thiết. Đòi phải ở chỗ vắng vẻ tu mới được lại ở vào một thời điểm, hoàn cảnh không cho phép thì ta phải suy nghĩ lại: Đến tu chỗ vắng vẻ thì cũng ta tu chớ không phải cảnh vắng vẻ tu cho ta. Ta ở đây là ta, ta đến đằng kia thì là ta đó. Chỗ nào cũng ta tự giải quyết việc tu thì thôi giải quyết liền tay, ngay đây đi!

26/1/2015.







Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

(VI) “ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN VÀ VUA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ” (phần tiếp theo)

CHƯƠNG BA

1.CƯ SĨ SRIPOLIEU GIẢI THÍCH SAI LẦM TƯ TƯỞNG CỦA MÌNH QUA QUYỂN KIM CỔ KỲ QUAN:

Cư sĩ Sripolieu viết:
“Ta hãy nghiên cứu những đoạn kinh sau đây để có thể tìm được Bà Ngọc Hân Công Chúa ẩn cư và mất ở vùng cù lao sông Cửu Long.
Bà Ngọc Hân Công Chúa cùng con thơ vào mai danh ẩn tích, làm ruộng rẫy ở vùng cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu. Hai mẹ con Bà đã từng lên điện ông Cấm lánh nạn và tu hành rất lâu. Sau đó Phật Thầy ra mở đạo ở làng Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, Sa Đéc. Ta hãy nghe tâm sự của Bà qua đoạn thơ sau:
Dụng chi bạc lộn với chì,
Vàng trao dạ ngọc tu trì mới nên
Cửa thiền khó mở hai bên
Việc này cần mẫn chẳng nên cũng THUẦN
Việc này lập Ý mới NHUẦN
Lòng không cần mẫn chẳng THUẦN phải hư.
(trang 163)
THUẦN và Ý là hai từ trong tước hiệu. NHƯ (Nhu) Ý TRANG THUẦN (Thận) TRINH NHẤT VÕ HOÀNG HẬU của bà Ngọc Hân Công Chúa.

Đoạn thơ trên chứng tỏ rằng Bà đã tu hành khi vào miền Nam. Ta hãy đọc tiếp tâm sự của Bà:

Vượn kia bao nỡ lìa cành
Chim kia bao nỡ bỏ đành rừng non
Ai TỪNG MẸ CHẲNG THƯƠNG CON
Lá lay vì bởi thẹn non khác lòng
Đeo chi cổ chuỗi, tay vòng
Nam mô không biết trong lòng một câu
Chẳng lo đào giếng cho sâu
Của mình nó lại lo âu cho mình
Hướng nhan chi kẻ vô tình
Phật không dụng sự sắc hình dân ôi
CHỢ lớn sao nỡ hết vôi
Làm người không CHÚA làm tôi sao bằng
Chúa ơi sao chúa không rằng
Để cho các nước lăng quằng hại dân
Phật ơi sao Phật chưa phân
Trời ơi sao nỡ để dân điêu tàn
Dân ơi chẳng sợ cơ hàn
Hiển vang chi đó, chen đàng đua tranh
(trang 164)

“Lươn kia còn nhớt còn tanh
TANH CHI CÓ MỠ CÙNG DANH BÉO BÙI
Nói ra trong dạ sụt sùi
Thân này chi khỏi trái mùi trên cây
Nay mà trôi nổi ĐẾN ĐÂY
Việc xưa chi khác việc nay chút nào
QUÁN TRUNG ít kẻ ra vào
Tai nghe phường phố như TÀU hưng binh”

Chữ QUÁN còn đọc là QUAN.
Ta kết hai chữ CHỢ (lớn), TÀU (hưng binh) thành chợ CÁI TÀU (THƯỢNG), xã Mỹ An Hưng. CHÚA+QUÁN TRUNG: vua QUANG TRUNG.
“Lươn kia còn nhớt còn tanh
Tanh chi có mỡ cũng danh béo bùi”
Ám chỉ Gia Long thành công với câu:
“Đeo chi cổ chuỗi tay vòng”
“Chẳng lo đào giếng cho sâu
Của mình nó lại lo âu cho mình”
Rất có thể ám chỉ chuỗi vòng và những tài liệu của Bà Ngọc Hân đã bí mật chôn giấu ở một cái giếng sâu nào đó ở gần Mộ Bà. (trang 165)
Bà Ngọc Hân đã âm thầm đau khổ nuôi con thơ thành người. Sau con bà trở thành một vị Phật, có ảnh hưởng sâu rộng khắp miền Tây Nam Việt.
Cuối cuộc đời Bà đã yên nghỉ tại rạch Cái Nai, cách thị xã Long Xuyên khoảng 5 Km, qua phà An Hòa đi về Cái Tàu Thượng. Ta hãy đọc đoạn chỉ dẫn của tác giả KIM CỔ KỲ QUAN:
Củi ướt không cháy thảm sầu
Cây khô MỤC phứt, đứt đầu đồng NAI
Việc mình né nạnh cho ai
So đàn đánh gậy, con NAI vào rừng
(trang 166)

Đi đâu cũng phải có chừng
E khi bờ bụi, BIỂN rừng đợi trông
Nói chuyện nói cũng MẮC công
Tai nghe cho biết phải không cho tường
Hoang lâm cây cỏ mịt đường
Có chi không biết dạ tường ĐÔNG quan
Vải ĐEN sợ CHỈ cũng ĐEN
Nhặt rơi không biết, chê khen CÁI màu
Đầu đuôi chưa rõ đuôi đầu
Thảm cho Tây quốc bán CẦU LONG XUYÊN
ÔNG MẬT ĐÓNG CỬA TÒA PHIÊN
HAI TÒA CHƯA BIẾT SẦU RIÊNG TÒA NÀO
ĐI XÓM NGƯỜI MỚI GHÉ VÀO
Có ai biết kiếm anh hào mà hay
Có ai trồng chuối tưởng CÂY
Đặt rơi xuống đất khoanh tay trông buồng
Chỉ tơ rối rắm trong cuồn 
Rối thời gỡ rối dạ buồn cơ thâm
Buồn đời tuổi chẳng đặng trăm
Dầu hai thứ tóc không tâm làm lành
BA MƯƠI MỘT PHÚT GÃY NHÀNH
MIỆNG THỜI THẮNG MÃNG, KHÔNG ĐÀNH TU THÂN
(trang 167)

E là quan cựu dân TÂN
Dân TÂN QUAN cựu không phân chánh tà
Vô phần sanh sự bất HÒA
Lao ngao chen cửa ÁN TÒA LẠY TÂY
Dại chi chẳng biết vạy ngay
Vô tòa QUAN chúng hành THÂY vui mừng
Đặng kiện về nói tưng bừng
Đêm nằm chiêm nghiệm nhớ chừng mưu GIAN
Trong lòng trăn trở chẳng AN
Âm mưu nhiều việc tính toan hoành hành
Chúng ta chú ý những từ: CẦU, NAI, CÁI, CÂY, LONG XUYÊN. Ta kết hợp lại thành CẦU CÁI NAI Ở LONG XUYÊN.
Với các từ: TÂN, AN, HÒA, GIAN (GIANG). Riêng chữ TÂN có nghĩa là mới, còn có nghĩa là bến ghe (phà) AN HÒA Ở AN GIANG LONG XUYÊN.
Chữ: MẮC, MỤC, QUAN (QUANG) ám chỉ NGUYỄN QUAN MỤC.
Chữ THÂY ám chỉ HÀI CỐT BÀ NGỌC HÂN.
Chữ ĐỒNG+ĐEN+CHỈ+ĐUÔI+ĐẦU: ám chỉ bí danh người sẽ chỉ rõ “đuôi đầu”.
Các câu:
“Có ai trồng chuối tưởng cây
Đặt rơi xuống đất khoanh tay trông buồng”
(trang 168)
Buồng chuối ám chỉ Phật Thầy.
Cây chuối ám chỉ Bà Ngọc Hân.
Hai câu hàm ý người ta chỉ biết có Phật Thầy mà quên mẹ là một vị Công Chúa, một vị Hoàng Hậu.
Hai Câu:
“E là quan cựu dân tân
Dân tân quan cựu không phân chánh tà”
Hàm ý mẹ con Bà Ngọc Hân là dân mới vào định cư tại đây, hương chức địa phương thời cũ.
Hai câu:
“Ba mươi một phút gãy nhành
Miệng thời thắng mãng, không đành tu thân”
Bà Ngọc Hân công chúa sanh năm 1770 (có sách ghi năm 1771), lúc Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân năm 1801, lúc đó bà vừa được 30 tuổi. Bà đã hủy hoại nhan sắc diễm kiều của mình để qua mặt Nguyễn Ánh và quan quân của kẻ thù.
Đoạn thơ trên chứng minh Bà và con trà trộn với những người dân từ miền ngoài vào khai hoang vùng cù lao. Bà làm ruộng và tu hành tại giữ vùng Cái Tàu Thượng và phà An Hòa thị xã Long Xuyên. Sau đó bà mất và mai táng ở rạch Cái Nai. Cách phà An Hòa 6km, cách chợ Cái Tàu Thượng cũng 6km (trang169).
Chứng minh thêm Mộ Bà Ngọc Hân và mộ vua Quang Trung ở đâu, tác giả KIM CỔ KỲ QUAN viết:
“Thương người không nói CHỖ NÀO
Nghe đâu cười nói ào ào vô mưu
Làm người tâm tánh bất ưu
Bất tri họa phước, tri mưu chi người
Đụng đâu cười nói, nói cười
MẮT thời tối bịt lòng người bất nhân
Bất tri hậu hữu nghĩa nhân
Bất tri thiên địa, bất phân chánh tà
Tu không biết đạo Di Đà
Tu không biết lẽ chánh tà tu chi
Lại xưng mình biết một khi
TRƯỜNG AN diễn thí, xưa ghi mấy trò
ANH HÙNG thất chí mới phò
Kết vi bằng hữu, dạ dò cạn sâu
Không biết VIỆC NÀO, ĐÂU ĐÂU
Khoe rằng mình giỏi khó âu thuận HÒA
Biết thời ra trị nước nhà
TRI TIỀN TRI HẬU THƯỢNG HÒA HẠ AN
Không biết mà nói dọc ngang
Ỷ mình hậu cận mưu toan tóm quyền
Lỗi trước nhiều nỗi ưu phiền
TRƯỜNG AN vô tự ký tiền long ngôn
(trang 170)
Người khôn e hậu chẳng khôn
Cải tà qui chánh cả môn bất hòa”
Ta chú ý các từ:
Chỗ nào, đâu đâu: ngầm ám chỉ điểm Mộ Bà Ngọc Hân. Tiền, Hậu: sông Tiền và Sông Hậu.
Trường An, anh hùng, cạn sâu: ám chỉ mộ của vu Quang Trung chôn cất sâu ở phường Trường An (Huế). (trang 171)
Các câu:
“Ỷ mình hậu cận mưu toan tóm quyền
Lỗi trước nhiều nỗi ưu phiền
TRƯỜNG AN vô tự, ký tiền long ngôn”
Hàm ý Thái Sư BÙI ĐỨC TUYÊN lộng quyền chiếm chùa Thiền Lâm làm dinh Thái Sư (phường Trường An bây giờ), ngầm tiêu diệt trung thần của vua  Quang Trung, như Trần Văn Kỳ, Võ Văn Dũng… Tạo nên sự chia rẽ nội bộ để đi đến việc suy tàn của triều đại Tây Sơn.
Toàn bộ đoạn thơ trên đã ngầm chỉ rõ hai địa điểm mai táng Bà Ngọc Hân và vua Quang Trung. Bà được mai táng gần phà An Hòa, và vua Quang Trung được chôn sâu ở vùng gò thuộc phường Trường An (Huế) bây giờ.
Kết luận, ta khẳng định Bà Ngọc Hân và con của Bà đã vào vùng cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu mai danh ẩn tích quanh quẩn giữa phà An Hòa và Cái Tàu Thượng. Sau đó Bà mất và mai táng ở rạch Cái Nai. Ta tham cứu thêm những đoạn kinh ngắn trích dẫn sau đây củng cố luận chứng nầy và kết luận nơi sống chết của Bà Ngọc Hân công chúa:
Xét trong lục tỉnh Nam Kỳ
Phật trời ngồi chốn cung ly AN HÒA
….
Hữu tình nhi ngộ tế tân AN HÒA
….
ĐỒNG NAI đá lửa rạng ngời
Vận hưng trời cũng đổi dời về đây
….
Miễn sao cho được tích tồn ĐỒNG NAI
….
Gặp hội đó Tiên Phật thảnh thơi
Người lành cũng được một nơi AN HÒA
Đất ĐỒNG NAI đèn đỏ một nhà
Độ trong bá tánh thượng HÒA hạ AN
Từ: AN HÒA còn ám chỉ An Hòa Tự Phú Tân.
ĐỒNG NAI: ám chỉ Đồng Cái Nai, hay rạch Cái Nai, chớ không phải tỉnh Đồng Nai (trang 173).

2. ĐÍNH CHÍNH:

Chúng tôi xin nói rằng: quyển KIM CỔ KỲ QUAN ông Ba ( Nguyễn Văn Thới) viết theo lối sấm ký, không quan tâm đến văn phạm như những tác phẩm của các văn nhân khác, nên khó giải thích đúng với ý sâu kín của ông Ba. Nhưng dù sao chúng ta cũng phải tùy theo vị trí của các từ ngữ mà giải thích cho hợp lý phần nào. Nếu cho rằng loại văn sấm ký bất chấp văn phạm, rồi mỗi người tự giải thích theo ý tưởng của mình như cư sĩ Sripolieu đã giải, là điều sai lạc, không thể tin đúng được.
Giả sử chúng tôi theo phương pháp của cư sĩ Sripolieu giải thích theo ý tưởng của mình mà cho rằng:
Vị anh hùng kháng pháp ở đồng Bảy Thưa có ẩn tên họ trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba mà tìm tên họ nhân vật ấy:
“Tam thinh thay đổi người vô số
Tận thế đại điềm ĐỨC CỐ lai”
(Tiềng Giang trang 733)
“Ố ái ái ố tại lòng
QUẢN bao bao QUẢN giữa dòng hải đông”
(Thừa Nhàn trang 535)
“Húy họ Di như húy ông bà,
Lo TRẦN lo nguyễn lo đà quá lo”
(Kiển Tiên trang 815)
“VĂN tùng u lệ sự chăng,
Tự bất sải tăng VĂN đóng cửa”
(Cáo Thị trang 192)
“Tôi lo bề thắng thối phận tôi
Đường THÀNH bại than ôi ai biết”
(Tiềng Giang trang 736)
Đọc mấy câu thơ trên, chúng ta thấy rõ danh từ: “ĐỨC CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH” trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN ông Ba đã viết.
Muốn thấy được tên họ vị anh hùng kháng Pháp “Hỏa hồng nhật tảo oanh thiên địa, Kiếm bạc Kiên Giang khắp quỷ thần” có tên trong KIM CỔ KỲ QUAN không? Chúng ta đọc thêm:
“NGUYỄN phủ trần hai họ can trường
Vi nhơn đạo thọ trường vĩnh hảo”
(Kiển Tiên Trang 749)
     “Quân tử mưu đạo bất mưu thực
Cám thương người TRUNG TRỰC thuở xưa”
(Kiển Tiên trang 759)
Chúng ta thấy danh từ “NGUYỄN TRUNG TRỰC” đã hiện rõ trong tác phẩm KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba.
Muốn biết được nhà thơ đáng kính thời Lê mạt có tên trong quyển KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba hay không? Chúng ta đọc tiếp:
     “Song song tỏ ngọn đèn hường
Cầu mai cứu NGUYỄN tỏ tường kiến an”
(Thừa Nhàn trang 496)

      “DU nan nan thị nan hồn
Thân thấy tại thế khổ tại tạm quê”
(Tiên Giang trang 696)
Thì ra danh từ NGUYỄN DU trong KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba đã có ghi sẵn tự bao giờ.

Và muốn biết nhà văn cận đại đạt giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1966 có tên trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba hay không? Chúng ta đọc thêm:
      “Từ tôi hốt hỏa hành hung,
NGUYỄN gia đã mẫu chí trung lâm tà”
(Tiền Giang trang 661)
     “Ứng Khoa thi lấy chi làm dấu,
Đặng bản về tranh đấu VĂN chương”
(Cáo Thị trang 198)
   “Quân phế quốc HẦU tất phế đầu,
Công danh sớm đục tối đầu quản bao”
(Kim Cổ Kỳ Quan trang43)
Chúng ta thấy danh từ NGUYỄN VĂN HẦU ông Ba đã có ghi trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN hơn một trăm năm về trước.
Qua những câu sấm ký, chúng ta đã thấy ông Ba có ghi rõ tên: ĐỨC CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH, NGUYỄN TRUNG TRỰC, NGUYỄN VĂN HẦU trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN. Giờ đây để biết rõ bốn nhân vật ấy mất tại đâu, chúng ta hãy mở KIM CỔ KỲ QUAN xem tiếp:(Cáo Thị trang 225)
 “Bất húy TỬ dầu TỬ TẠI trời,
Tham sanh dầu sống đời này làm chi”
(KIM CỔ KỲ QUAN trang 24)
“Một RẠCH hai vàm là không rảnh
Kìa nơi sơn lãnh thảnh thơi hơn”
(Bổn tuồng trang 375)
“Bửu CÁI đây hớn hở vui cười
Quy cõi thọ số mười đề hiệu”

“Việc nầy nè mạnh cho ai,
So đòn đánh gậy con NAI vào rừng”
(Tiền Giang trang 693)
“Qua Gia Định mua mắm mấy hồi,
Đêm về long ẤP người ngồi bán cân”
(KIM CỔ KỲ QUAN trang 57)
“Bính thình AN trị Đing Tỵ hung,
Phản khắc nịnh trung hung kiết lỵ,
Mậu Thình bất trị Kỷ Tỵ BÌNH”
(Cáo Thị trang 225)
“Trên cha dốc tóm thâu Nam Bắc,
Dưới con nguyền XÃ tắc bảo yên”
(Tiền Giang trang 725)
“Trời Ngài khiến hậu phú tiền bần
Nam bang Tần quốc thánh thần HỘI AN”
(KIM CỔ KỲ QUAN trang 24)
“nha môn việc mãng bất bình
HUYỆN di việc mãng thế tình bất suy”
(Thừa Nhàn trang 404)
“Nói vạy lại nói việc ngay
Nói CHỢ nói xóm tới đây nói rừng”
(Thừa Nhàn trang 404)
“việc đâu phải nói việc đâu
MỚI là mới nói cũng lâu bấy chầy”
(Bổn Tuồng trang 476)
“Nghĩa quân thần hà hữu vô ưu
AN GIANG TỈNH thiên  vu tán ngã”
(Tiền Giang trang 727)
Qua những câu thơ vừa đọc, trích trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba, chúng ta thấy hiện rõ các danh từ: “ĐỨC CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH – NGUYỄN TRUNG TRỰC – NGUYỄN DU – NGUYỄN VĂN HẦU TỬ TẠI RẠCH CÁI NAI, ẤP AN BÌNH, XÃ HỘI AN, HUYỆN CHỢ MỚI, TỈNH ANH GIANG”
Trên đây chúng tôi dẫn theo phương pháp tìm ẩn danh trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba, như cư sĩ Sripolieu đã giả thích, thử hỏi bốn nhân vật ấy có phải tử tại rạch Cái Nai, ấp An Bình, xã Hộ An, Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hay không?! Điều này chắc ai cũng khẳng định là không !
Như vậy phương pháp tìm tên họ, giải thích của cư sĩ Sripolieu ở đây là điều cưỡng lý theo tư tưởng vô tình hay cố ý của cư sĩ. Nó trái với lẽ chân thật cùng sai quy tắc văn chương và cũng không thể cho rằng trong bộ Kim Cổ Kỳ Quan của ông Ba có tiên tri về việc phi lý nầy!

3.PHẬT THẦY TÂY AN KHÔNG PHẢI CON NGUYỄN HUỆ VÀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA KHÔNG CÓ TỴ NẠN VÀ MỒ MẢ Ở CÁI NAI:

Theo các tài liệu lịch sử công nhận:
Khi Phật Thầy khai lý lịch tại đình làng Tòng Sơn, trước mặt chánh quyền sở tại của nhà Nguyễn, có ông Đoàn Văn Điểu và Đoàn Văn Viên (anh chú bác) là nhân chứng sự thật về vụ khai báo nầy. Nếu chánh quyền xét lại lời khai gian dối, thì làm sao Phật Thầy được yên thân. Vì vụ án truy nã dòng dõi Tây Sơn rất nghiêm trọng, chánh quyền không thể bỏ qua.
Phật Thầy trị bệnh độ đời không bao lâu, chánh quyền tỉnh An Giang cho lệnh bắt Phật Thầy về tỉnh. Đương nhiên họ phải điều tra rất kỹ, nhứt là Phật Thầy không liên quan đến vụ án Tây Sơn, nên chánh quyền tỉnh mới dám đệ sớ về triều đình bảo lãnh Phật Thầy là bậc chơn tu và được trả tự do cho Ngài về Tây An Tự trị bệnh độ đời.
Ngay thời gian đó, Phật Thầy thực hiện chương trình “lập giáo” thu nhận tín đồ và bức trần Đỏ được tôn thờ các nơi cơ sở đạo cùng ở tư gia tín đồ. Nếu Phật Thầy có liên quan đến chủ nghĩa Tây Sơn (cờ đỏ) thì Ngài đâu có cho tín đồ trần thiết màu đỏ trên bàn Phật để nguy hiểm cho tính mạng của Ngài và tai hại chung cho toàn thể tín đồ!
Căn cứ theo tài liệu các văn nhân, nhất là của giáo sư Trịnh Vân Thanh, thì sau khi lên ngôi Hoàng Đế năm Mậu Thân (1788), đặt niên hiệu Quang Trung, đóng đô ở Thuận Hóa; Nguyễn Huệ tiến binh ra Bắc đánh quân nhà Thanh chiếm lại thành Thăng Long, đại thắng quân Thanh ở trận Đống Đa, tướng giặc Tôn Sĩ Nghị bại trận rút quân về nước. Nắm được thời thế, Nguyễn Huệ một mặt lo củng cố chủ lực, một mặt đòi lại Lưỡng Quảng tạo cớ đánh Thanh. Nhưng chẳng mai Nguyễn Huệ bị bệnh, mệnh chung vào đêm 29 tháng 9 năm Nhâm Tý (1792).
Còn Phật Thầy Tây An đản sinh vào giờ Ngọ ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807), tức Sau khi Nguyễn Huệ mất 15 năm. Như thế người đã vùi xương nơi lòng đất lạnh 15 năm rồi mà phải chịu trách nhiệm làm cha một đứa bé sơ sinh! Biện lý cuộc nào dẫn chứng và tòa án nào buộc tội đương sự quái lạ như vậy??
Chúng tôi xin đính chánh vấn đề nầy:
Theo các tài liệu lịch sử và bộ từ điển của giáo sư Trịnh Vân Thanh, thì “Công Chúa Ngọc Hân ( 1770-1830), là con gái út của vua Lê Hiến Tôn (1740-1786). Năm Bính Ngọ (1786) lấy chồng tức là vợ của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và được phong làm Bắc Cung Hoàng Hậu.
Năm Nhân Tý (1972) Nguyễn Huệ mất, tính ra bà ở với chồng được 7 năm, sanh được 1 trai 1 gái.
Nhà Tây Sơn đổ, bà cùng hai con lẩn lút ở tỉnh Quảng Nam, được ít lâu có người điềm chỉ chỗ bà ở cho vua nhà Nguyễn, bà và hai con bị bắt và bị giết.”
Ngoài các tài liệu lịch sử ra, bộ “Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển” của giáo sư trịnh Vân Thanh, một bộ từ điển đủ đầy uy tín, được giới trí thức, văn nhân, học giả… công nhận và tín dụng, không một ai phản đối, nên đáng tin hơn.
Hôm nay nếu  có một nhân văn nào bài bác tài liệu nầy, chẳng khác chi người ngậm khối phun ra mong che ánh mặt trời, tức không thể được. Cư sĩ Sripolieu nói Phật Thầy Tây An là con của vua Quang Trung Nguyễn Huệ và Ngọc Hân Công Chúa vào miền Nam tỵ nạn rồi chết, mồ mả tại rạch Cái Nai, đây là một luận thuyết vô cùng phi lý!
                                                                
                                                                       Bình Nguyên
(Còn tiếp)