Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

MỘT NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

Tôi ở đầu doi Cù Lao Ông Chưởng, nghe đồn vùng dưới có một Niệm Phật Đường mà tôi cho như vậy là khá đặc biệt. Tôi thèm biết cái nơi đặc biệt đó bằng mắt thấy tai nghe hơn sự đồn đải. Nhân đi công tác Phật Sự ở địa phương đó tôi tranh thủ thời giờ sớm xong phần công tác để tìm đến Niệm Phật Đường nói trên. Tôi dùng từ “đặc biệt” ở đây để nói lên sự khác biệt với những tổ chức niệm Phật ở nhiều nơi mà tôi biết.
Vì Phật Giáo Hòa Hảo phát hướng tu tại gia, sống cùng với đời mà tu tâm dưỡng tánh, nếu gặp cảnh trêu ngươi, đường tu không mướt, xe chạy chưa lên dốc mà muốn đứng chựng khó vượt lên mấy chặng đường đèo. Phải làm sao thêm sức mạnh tinh thần mới vượt qua khổ khó. Một số nơi tổ chức niệm Phật mỗi tuần một ngày hoặc mỗi tháng một lần, cũng có nơi mỗi tháng nhập thất bảy ngày liên tục, chư đồng đạo nào muốn tiến bước trên đường về Cực Lạc còn quá xa xăm thì mau mau chọn cách tu cho rút ngắn. Tùy hoàn cảnh hay sức tu mà chọn. Có thể giải quyết nghỉ hoặc toan tính sao đó để có mỗi tuần chuyên Niệm Phật một ngày hoặc mỗi tháng một tuần mà công việc làm lụn ở gia đình không bị đưa vào thế kẹt. Đến trường niệm Phật thì niệm cho nó ngọt đừng để niệm kiểu ba mớ ở đây ba mớ ở nhà làm uổng một ngày.
          Quang cảnh trước sân Niệm Phật Đường

Tôi đến đúng điểm, Niệm Phật Đường ở vùng Thới An thành phố Cần Thơ đúng như lời đồn đải, không chỉ mỗi tháng một tuần hay mỗi tuần một ngày mà tổ chức Niệm Phật liên tục mỗi ngày. Nếu có yêu cầu về việc hộ niệm chánh tâm cho người bệnh sắp chết hay lễ cúng tuần gần, làm xong bổn phận là quày về.
Theo như lời kể của người trách nhiệm hướng dẫn, tổng số khoảng 20 vị nhưng hiện diện có khoảng 10 người, còn phân nửa đi cúng tuần chưa về. Tôi xin được tiếp chuyện với quý hành giả hiện diện qua thời gian ngắn, ba mươi phút thôi và được quý vị đồng ý.
Nhìn qua màu da và nét nhăn trên trán, trên mặt tôi biết quý vị đã ngoài tuổi lao động, đáng lẽ ở nhà nghỉ ngơi cho con cháu nó lo. Đó là câu gợi ý của tôi. Một đồng đạo trong Niệm Phật Đường trả lời:
Con cháu lo được sao! Chúng chỉ lo cho Ông Bà Cha Mẹ chúng về ăn, mặc, ở, chớ đâu thể lo nổi cái “vé” vãng sanh Tây Phương điều mà chúng tôi đang cần qua sự nổ lực của chính bản thân mình. Người tu, biết xác thân là của tạm mượn, thân thể chỉ đống vai như một chiếc bè đưa người qua sông, chiếc bè là vật hữu hình thì lẽ tất nhiên là hửu hoại. Trong khi chúng ta chưa biết thời gian hoại của nó còn bao lâu nữa thì thôi tốt hơn hãy làm cho mình qua sông trước khi chiếc bè hoại mất. Do đó, yêu cầu của người tu về ăn, măc, ở, trong lúc qua sông là không cao lắm, có thể ngang hàng với người bần cùng, cơm rau cho sống qua ngày không có vì là ức hiếp. Cái chúng tôi đang cần bây giờ là làm sao giữ được chánh niệm liên tục về Niệm Phật, ngoài điều nầy tất cả là thứ yếu.
Vị kia nói xong, tiếp theo một người tuổi khoảng bảy mươi nói:
Với từng tuổi nầy, ham đời thì đã ham quá nhiều rồi, những sự ham hố có cái được cái không. Lúc được thì mừng vui còn không thì đăm ra buồn giận. Suy cho cùng, cho dù có được hết những ham muốn giàu sang thì cái thân mỗi lúc mỗi già đố ai mà ngăn được. Gôm của quyên thiên ra đó chừng già cũng già, lúc thần chết đến kêu đi có bận mấy thì cũng phải đi. Phật nói thế gian là cõi giả, ta nghe xong là để đó chứ không đem áp dụng, chừng đụng chuyện tới mình là giả thì sợ quýnh lên. Với tử thần thì không có vụ van xin hay lo lót. Bỏ lại một đống sự nghiệp sang giàu biết đâu trong đó cũng là một đống tội lỗi trên thương trường. Bấy giờ một đống sự nghiệp bỏ lại dương gian cho mình về âm cảnh bằng đôi bàn tay trắng nhưng các tội lỗi trên thương trường của mình sẽ trở thành những đơn tố cáo với diêm vương định tội cho mình đầu thai vào đâu trong sáu nẽo luân hồi.
Làm lụn vất vả cho sự ham muốn công danh phú quí lúc nào cũng dâng cao, cóp nhóp, com kỉnh được chút dư ra thì đến lược con gái con trai trong nhà mạnh đứa nào nấy phá, ăn chơi trác táng. Tức thiếu chút nữa là điên lên, dù giận mình có đứa con gái con trai chi mà hư đời như vậy? Bị con tiêu hao nhiều tiền, phải mánh mung để có lại số tiền con làm thất thoát. Kịp diêm vương đến cảnh báo lần thứ nhứt, rờ rờ trên lưng làm cho cụp lưng nằm ngồi không yên, tôi vái vang lắm và uống thuốc ba tháng sau khỏi bệnh. Diêm vương gởi giấy báo lần thứ nhứt, gởi thì gởi chứ sợ gì, hết bệnh thì tôi đã quên cái lúc mình vái van, tiếp tục bòn mót và mấy con tôi cũng tiếp tục phá của, gây nợ nầng. Giấy báo lần thứ hai Diêm vương rờ cổ tôi, đau nhức tưởng như gãy cổ, không day qua ngó lại được suốt cả tuần lễ mới hết. Đau cần cổ lần nầy làm tôi thức thời tỉnh ngộ: Cảnh báo lần thứ nhứt là cụp lưng, lần thứ nhì lên tới cổ, nếu để có lần thứ ba, lên tới đầu chắc là cùng mạng. Thưa đó là lý do để tôi vào niệm Phật đường nầy.
                            Chỗ Niệm Phật trên Sàn Gác cao

Liếc nhìn đồng hồ treo vách, giờ giấc đã trôi qua 25 phút, còn năm phút đáng lẽ tôi phải nói những lời chúc lành và khuyến tấn tiếp thêm sinh lực cho các hành giả trong niệm phật đường trước khi chia tay, nhưng có một hành giả như đang trong tư thế chờ đợi để phát biểu, lẹ miệng hơn, trình bài tiếp qua sự gợi ý của tôi đã xướng lên từ ban đầu:
Nghĩ mình đã chừng nầy tuổi, không còn là con nít con nôi bị người lớn quở là “ăn chưa no, lo chưa tới”. Là cái tuổi gần đất xa Trời. Xưa giờ trải qua thời gian dài làm ăn, tính toán quá nhiều để cho được nhiều tiền của, ăn sống sang lên, có những việc làm, tính toan gây bất lợi hoặc hại người khác, ta luôn chạy theo đồng tiền không để ý đến tình máu mủ, sự liên kết tốt đẹp với xóm chòm bè bạn. Lúc nào cũng nói làm đây là vì vợ, vì chồng và con cái, cứ mãi lo cho người ta từ tuổi đầu xanh đến trên đầu mọc hai thứ tóc cũng còn hăng. Mắt nhắm mủi chạy theo giàu nghèo, sắp tới cửa diêm vương mới hay mà dừng bước, xem lại thấy mình thật là ngu khờ, lo cho ai chứ chưa lo mình tý nào, cúng lạy hai thời sớm chiều là lo cho mình mà biếng nhác khi có lúc không, có thì cũng chỉ làm qua loa lấy lệ để người ta không chỉ trích mình vô đạo đức. Đợi tới tuổi già mới tỉnh, không biết còn sống được bao lâu thôi thì dồn các sức lo của lúc xưa vào chuyên lo Niệm Phật. cho lòng thanh thản trước các sự việc trên đời, chuyên tu Tịnh Độ, Niệm Phật siêng suốt vào tiêu chuẫn vãng sanh Cực Lạc. Đó là lý do tôi vào Niệm Phật Đường nầy.
Lố hết giờ xin phép, tôi nói lời cáo lỗi vì đã làm mất thêm thời giờ quí báo của quý hành giả và cám ơn quý vị trong Niệm Phật Đường nầy cho tôi có cơ hội tiếp xúc qua những dòng phát biểu hay ho, chất lượng, đúng trọng tâm của bất cứ những ai nguyền chặc dạ theo đuổi mục đích chung:
“chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
Và câu:
“Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc,
Hưởng công Niệm Phật rất yên lành”
Chúc quý vị nhàn lòng Niệm Phật, sớm đạt kết quả tốt.
Rất mong ai đọc đến bài nầy hãy nói với những người lớn tuổi gần gủi mình nhất: Hết tuổi lao động, đã sang gánh cho con cháu, Chú Bác Cô Dì không còn gánh nặng chuyện đói, no trên đôi vai nữa. Được rảnh rồi thì tu đi, đừng bỏ trôi thời giờ quí báo vào những chuyện vui chơi không cần thiết mà tử thần rược tới không ngờ. Tu niệm Phật tại nhà nếu như bị bận rộn bởi con cháu mà cầm lòng không đậu thì hãy đi kiếm chỗ khác mà tu niệm. Quan trọng là tu được, ở đâu không quan tâm.
Rất mong có nhiều nơi tổ chức Niệm Phật Đường tiêu biểu nói trên để cho các người lớn tuổi gần đất xa Trời ở làng mình có chỗ để tu, tu vui, tu thoải mái trước khi về miền Cực Lạc.

10/01/2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét