(V) “ĐỨC PHẬT THẦY
TÂY AN VÀ VUA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ” (phần tiếp theo)
CHƯƠNG HAI
1.NƠI CƯ TRÚ BÍ MẬT CỦA BÀ NGỌC HÂN
CÔNG CHÚA
Cư sĩ Sripolieu viết:
“Người viết đã gặp một vị bô lão
tục gọi ông Chín, tuổi khoảng 70, hiện giờ đang giữ chùa Mộ Bà Cái Nai. Theo
ông Chính cho biết, trách nhiệm giữ Mộ Bà từ đời ông Ngoại của ông giao lại cho
Ba Má ông và đến ông. Ông Ngoại của ông thọ đến 80 tuổi mới mất. Ông Ngoại của
ông từng kể cho Ba Má ông biết rằng Bà xưa kia là một bà Công Chúa đi lánh nạn
về vùng rạch Cái Nai ẩn cư. Bà luôn mặt áo bà ba trắng, trên vai luôn luôn
quàng cái khăn màu điều nên đời sau có câu ca dao:
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người áo trắng khăn điều vắt
vai
Chiều chiều lại nhớ mai mai,
Nhớ người áo trắng
vắt vai khăn điều”
Có lần bà công chúa bị quân triều
đình vây bắt. Bà trốn được và về ẩn tích tại làng Tòng Sơn thuộc cái Tàu
Thượng. Khi bà Công Chúa mất có di chúc lại mai táng Bà phải cách xa ba cái
làng. Tức Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng đến rạch Cái Nai. Ông Ngoại ông Chín còn
thuật lại rằng cứ hàng năm gần Tết đến, có một ông lão râu tóc bạc phơ đến dọn
sạch cỏ sậy chung quanh Mộ Bà, và có lập một cái miếu thờ bằng lá đơn sơ. Sau
thường có các vị tu sĩ trên núi đến thắp nhang phúng viếng. Ông Ngoại chỉ tiết
lộ cho Ba Má ông Chín và tuyệt đối cấm không cho con cháu tiết lộ về thân thế
quí tộc của Bà cho ai rõ, sợ Pháp (triều đình nhà Nguyễn) biết được. Cho nên
những người trong rạch Cái Nai ít có ai biết được sự thật này. Có điều ông
Ngoại của ông Chín không cho biết Bà Công Chúa này tên họ là gì, thuộc triều
đại nào. Ông Chín còn thuật rằng có người con gái đến tình nguyện làm từ, lo
nhang khói trong chùa suốt năm, sáu mươi năm, tục gọi là Bà Tám (?) Mới mất
khoảng sáu, bảy năm nay. Bà nói với ông Chín rằng bà thường thấy Phật Bà hiện
về trong chiêm bao, như một vị nữ tướng, cỡi ngựa, mặc áo gấm như các bà Hoàng
Hậu ngày xưa. Bà Tám quả quyết rằng Phật Bà không phải là Phật mà là một bà
Hoàng Hậu hoặc một vị nữa tướng oai nghi xinh đẹp… (tập 1 trang 180)
Đại ý đoạn văn trên, cư sĩ
Sripolieu nói bà Ngọc Hân lúc lánh nạn nhà Nguyễn về ở nơi đây (Mộ Bà Cái Nai),
bà có thuật lại lai lịch của Bà cho ông Ngoại ông Chín biết, ông Ngoại ông Chín
nói lại cho Ba Má ông Chín biết và truyền đến đời ông Chín đều giữ bí mật
chuyện này.
Cư sĩ Sripolieu nói sai sự thật.
Bởi người có trách nhiệm coi giữ
ngôi Mộ Bà chỉ kể từ đời ông Chín thôi. Còn ông Ngoại và ba má ông Chín xưa,
cũng như bao nhiêu người ở địa phương, và ông Ngoại ông Chín đến đời ông Chín
cũng chỉ biết như mọi người: đây là “Mộ Bà” chớ không ai biết lai lịch bà chi
hết. Nếu đã biết được sự bí mật về Bà, thì Bà đã thoát nạn nhà Nguyễn (đến
1954) lâu rồi, sao ông Chín chẳng nói sự thật với bất cứ một ai? Cho đến những
người cùng chung trách nhiệm coi giữ ngôi Mộ như Ban Quản Tự và người con gái
ông Chín(1) đang giữ phận sự lo hương khói cho ngôi Mộ Bà, sao ông Chín không
cho biết chi hết? Thậm chí có những cơn bệnh nguy hiểm của người già, ông Chín
phải di chúc sắp xếp việc nhà, nhưng ông cũng không đề cập đến việc bí mật này!
Có lý nào phải đợi đến khi gặp cư sĩ Sripolieu (1996), một con người hoàn toàn
xa lạ, ông Chín mới nói rõ sự thật?
Chúng tôi đã bao lần gạn hỏi ông Chín, ông Chín khẳng định
ông không hề biết về bà Ngọc Hân chi cả! Và cũng không nói với ai. Không hiểu
tại sao cư sĩ Sripolieu bịa đặt chuyện xa lạ này. Kẻ khờ ngu thì thôi, nếu
người có trí họ dè dặt tìm đến tận nơi
gia đình ông Chín, xác minh sự thật chuyện này thì tác phẩm của cư sĩ
phải như thế nào? Vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày rõ thêm trong một chương
mục sau.
2.VẤN ĐỀ CHIÊM BAO BÀ BẢY:
Vừa qua cư sĩ Scripolieu đề cập đến
việc Bà Tám chiêm bao nói: “Phật bà không phải là Phật, mà là một bà Hoàng Hậu,
hoặc một nữ tướng oai nghi xinh đẹp…”
Chúng tôi xin trình bày vấn đề
chiêm bao:
Như mọi người dân trong làng đều
biết, phần lo hương khói cho ngôi Mộ Bà từ xưa nay lúc nào cũng có người. Nhưng
trải qua thời kỳ binh lửa thay đổi nhiều người. Người ở lâu hơn hết là bà Bảy
và bà Tám (2) trụ trì Mộ Bà cho đến khi hai bà qua đời. Và chính xác thì người
thấy chiêm bao đó là bà Bảy chứ không phải bà Tám. Sau khi thức giấc, bà bảy có
thuật lại cho bà con nghe nhưng một số thì tin, còn đại đa số biết rằng việc
chiêm bao là mơ tưởng, mộng mị nên không mấy ai quan tâm đến.
Hôm nay cư si Sripolieu đem việc chiêm bao mộng mị này gán
ghép vào trang sử của Đức Phật Thầy là điều đi sai ngược với phép viết sử. Vì
phép viết sử phải lấy chứng cứ chính xác, thực tế khác hẳn với chuyện truyền
thuyết, thần thoại, giai thoại… Đành rằng xưa kia cũng có một vài trường hợp
chiêm bao liên quan đến lịch sử, như trường hợp Đức Ma Da Hoàng Hậu thấy voi
sáu ngà, sau sanh thái tử Sĩ Đạt Ta, ông Châu Văn Vương thấy gấu bay (phi
hùng), sau gặp được Tử Nha. Nhưng đời nay ai là người có tài đoán biết được
chuyện quá khứ vị lai như ông A Tư Đà và Táng Nghi Sanh? Ngoài ra dù có bàn đi
nữa cũng ít ai tin, vì đó là điều xa với thực tế, nhất là đối với thời đại
nguyên tử khoa học hiện giờ.
Chú Thích:
(1) người con gái
ông Chín tên Đặng Thị Tấn, hiện nay làm từ coi phần hương khói cho chùa.
(2) Bà Bảy tên Lâm
Thị Rớt mất ngày 20 tháng 12 Âm lịch năm 1973, bà Tám tên Nguyễn Thị Cầm mất
ngày 20 tháng 3 Âm lịch năm 1985 đều là người sinh quán sở tại chớ không phải ở
nơi khác đến.
Bình Nguyên
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét