Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018


GHI ƠN

Quý thay tinh thần tương trợ của chư đồng đạo! Tôi gặp khó mà tới lúc nhà dột cột xiêu, đã trồng hai đợt cải sà lách đặng có tiền lợp sửa nhà nhưng lần nào, người ta bán thì giá mười sáu mười bảy ngàn đồng một ký, sau mười ngày tới mình bán giá chỉ ba ngàn đồng mà lái còn hơi gượng gạo nói là mua giúp chứ hàng nầy giờ ế ẩm. Rẻ xuống tận cùng, các nhà rẩy ở đây, nếu như cải sà lách, dưới mức giá ba ngàn là bỏ lứa, người ta không nở để tôi bỏ của, bỏ công đành mua ủng hộ. Đã hai lần sụt giá như vậy làm bé đi niềm hy vọng lợp sửa nhà. Trông cho qua hết mùa mưa mà mưa cứ kéo dài thời hạn, mỗi lần mưa, bất cứ đêm hay ngày, ngủ cũng phải thức dậy để lấy thau hứng nước những chỗ thiếc mục séc.
Không thể chờ đợi được nữa, tôi tìm người thiện tâm, có đồng tiền rảnh, tạm mượn đặng lo làm gấp cái nhà. Ông bà ta nói, có an cư thì mới lạc nghiệp, chỗ ở không an, mọi khả năng sáng tạo khác e bị ức hiếp, sẽ hạn chế.
Huệ Thọ hay được tin nầy gọi điện đến hứa giúp, không phải cho mượn mà là làm từ thiện trọn gói. Tôi nói với Huệ Thọ rằng: Thật ngại quá đi, tôi còn chút sức khõe, làm lụn được, có khả năng hoàn trả chỉ mau hay lâu thôi, vì thế tôi muốn mượn chứ không thọ xin. Hềm vì lúc trồng trọt không thuận lợi, chừng rẩy được mùa sẽ trả lại để quý huynh đệ làm từ thiện nơi khác.
Huệ Thọ nói: Huynh đừng ngại, việc cất nhà từ thiện của chúng tôi đôi khi phải đến những nơi thật xa để làm mà chủ gia đình lại là người trước đây đối với mình chưa từng quen biết, chỉ qua lời giới thiệu của người khác chúng tôi đến làm còn không nệ công sức, huống huynh là người tôi đã quen lâu, rõ thông qua tình đạo giữ hạnh độc thân tu niệm, chỗ nầy còn không mau mau ra tay được sao? Giờ tuổi huynh đã xế chiều, sức lực đâu còn mà ở đòi đợi trồng trọt trúng mùa nữa, vất vả lắm. Một người tu hành từ tuổi đầu xanh, nay dường gần thất thập, huynh rất xứng đáng đễ chúng tôi lợp sửa thay, còn nữa, chỗ chúng tôi, nghe tin việc nhà của huynh gặp khó, nhiều anh em cảm động lắm muốn đến giúp sức, hãy cho chúng tôi có cơ hội đó nha!
Sau vài hôm nói nhau trên điện thoại, Huệ Thọ đã cùng một số anh em, cởi xe bốn bánh, đi từ huyện Ô Môn đến tôi, xem từng phần của căn nhà và hỏi mượn giấy viết đặng ghi, Huệ Thọ nói: bộ đòn tay nầy bé quá cần nên thay to, bộ ván lót nầy mỏng manh, đi nhún nhảy lắm cũng cần thay; bên máy cháy, đòn tay làm bằng cây tầm vông có chỗ đã rệu bấy đáng lẽ phải được thay lâu rồi mới phải. Tôi nói: Mầm, ván lót, bộ đòn tay nhà chính cũng như bên phía chái, hồi đó cất nhà quá gấp gáp không thể chờ lâu hơn đặng có làm ra tiền. Khi tôi đi tù về, ở tạm nhà của em trai út, công an đến tôi hằng ngày, lớp vào nhà lớp ở rải rát ngoài đường, trong xóm, mặc dù họ không nặng nhẹ, ức hiếp tôi nhưng thấy họ đến nhà hay biết họ vẩn vơ ngoài đường, trong xóm để theo dõi một tên tù trả xong án phạt về, tôi cảm thấy thật khó chịu nhưng sự khó chịu ấy gượng được. Không lâu sau, lãnh sự quán Hoa kỳ đến thăm tôi thì từ đó về sau tình hình an ninh của công an đối với tôi trở nên nghiêm trọng, thắc chặc vồng vây, tôi không đi đâu được mà người đến thăm tôi lại sợ sệt, ngại ngùng. Tôi thấy bầu không khí không lành, nhứt là nghĩ đến sự ảnh hưởng của tôi về em trai tôi, một nông dân cứ mỗi ngày đi trồng trọt về nghe thấy công an đến nhà ve vản, tôi biết không phải là điều tốt đối với nó. Tôi muốn ra khỏi đây sớm hơn nhưng giờ có còn nhà đâu nữa mà ở, năm 1992 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, phó công an xã Huỳnh văn Biển (sáu Biển) tự cho nhà của tôi là am cốc trá hình để tuyên truyền giảng đạo trái phép, họ buộc tôi ký dở nhà, tôi không chịu theo sự phán quyết của Biển, họ cho lực lượng làng lính đem ghe tàu đến dở nhà của tôi và chở đi… từ đó, tôi bắt đầu đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, gởi thông tin qua làn sóng Chân Trời Mới, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt điều tra tôi, sau cùng phát cho tôi cái tội danh” Tuyên Truyền Chống Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa”, án phạt 8 năm. Thi hành án ở trại giam Z30 A và chung đủ mức án tòa kêu.
Hôm đi tù về thì nửa tháng sau, chú bảy Bùi văn Ưởng có đến thăm tôi trong lúc trời chưa sáng, trao qua tay tôi hai trăm Mỹ Kim, nói rằng, của bà con tốt bụng nào đó mà giờ lâu quá tôi quên tên, từ Hoa Kỳ gởi cho. Có số tiền nầy, may quá! Tôi liền nói với những anh em ruột thịt của mình sẽ vô trong đồng cất nhà ở riêng. Anh ba tôi đồng ý và ủng hộ, liền khép hộc đổ cho tôi một bộ cột bê tông cao chân, đến trại cây hỏi mua loại không nằm trong quy cách, thứ dạc ra giá rẻ, đem về tận dụng, chấp vá, nhờ nó là thau lao mà tuổi thọ cầm cự đến ngày nay.

Đo hết các khoảng cần lợp sửa đoàn Huệ Thọ kiếu về, qua hôm sau gọi báo điện cho tôi hay vào ngày 20 tháng 10 Mậu Tuất 2018 sẽ cùng với các thiện nguyện chở cây, thiết, các cái, từ Ô Môn đến lợp sửa nhà giùm, lòng tôi cảm nghe mừng mừng lo lo. Nhờ sự hưởng ứng của các đồng đạo quen thân, nhất là Võ văn Bửu đã huy động được một lực lượng công nhân thiện nguyện có cả ba tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp trên dưới ba mươi người ồ ạc làm việc trong lúc đài phát thanh, đài truyền hình cập nhật hằng giờ báo bão, rằng bão dữ đang từ Sài Gòn di chuyển rất là cường độ vào khu vực miền tây. Khoảng trưa ngày 19 có một đồng đạo gọi điện hỏi tôi, các đài thông báo về bão như vậy ta có nên dời lại ngày khác hãy lợp sửa nhà không? Tôi trả lời: Ăn thua là đội quân của Huệ Thọ dẫn đầu công việc, quý vị ấy chưa bàn chuyện dời ngày thì ta cứ an tâm tiến hành thôi. Còn riêng tôi, tôi nghĩ là không sao đâu, vùng mình là địa linh, có thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, trên có Trời bảo hộ, dưới có đất lành, người lành đang làm việc lành, bão mà có tới cũng không mạnh lắm. Huệ Thọ đến với một chiếc xe tải chở cây, thiết và chiếc xe khác chở công thợ, họ đều là thợ giỏi, tích cực với công việc, ngay cả hai chú em tài xế cũng khá bén nhạy công tác từ thiện nầy.
Kết quả như mong muốn, từ ngày 19 đến suốt ngày 20, bầu trời không một chút nắng, gió lúc nhẹ, lúc gay gắt nhưng mưa chỉ lất phất từng chập, vừa đủ ước lạnh là ngưng mưa, gió nhẹ lại. Do sự quyết tâm của chư thiện huynh đệ từ xa đến, cố làm một ngày cho xong nên lạnh ước là lạnh ước mà mần thì cứ mần. Nhờ tất cả quý thiện nguyện tích cực công việc, mưa đến không chạy tránh, gió lùa mặc kệ, cứ mà thay cũ đổi mới, kéo cây lên đặt thiết xuống đóng đinh, bốn giờ chiều cùng ngày căn nhà của tôi hoàn toàn mang mào áo mới.
Trước khi chư thiện huynh đệ ra về tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi với quý vị, chúc tất cả sức khõe và may mắn.
28/11/2018


Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018


ĐỨC BỔN SƯ VÀ CHIẾC LONG ĐÌNH
(Để tôn vinh cuộc lễ kỷ niệm ngày viên tịch của Đức Bổn Sư năm nay, 13 tháng 10 năm 2018.)
Đức Bổn Sư quý danh là Ngô Lợi, sanh trưởng ở miền tây nam giáp biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia, xưa thuộc tỉnh Châu Đốc, nay là An Giang. Rất tiếc các nhà chép sử lớp tiền bối không tìm ra được năm sanh, chỉ đề năm viên tịch 1909.
Ngài đi trong lòng lịch sử dân tộc khai sáng đạo Hiếu Nghĩa, bổn đạo của Ngài ở khắp miền bảy núi nhưng trung tâm phát huy đạo lớn mạnh và nối truyền đến ngày nay là ngôi chùa với cương vị Tổ Đình, đại Tòng Lâm “Tam Bửu Tự” dưới chân núi Tượng, cận thị trấn Ba Chúc.
Long Đình của Đức Bổn Sư để thờ vị trí hàng đầu

Đức Bổn Sư ngoài công cuộc dạy đạo cứu đời, sáng tác quyển “Đồ Thư” truyền lại nhân gian, Ngài còn có đôi tay của một nghệ nhân, tạo nên chiếc Long Đình với nét điêu khắc tuyệt vời, kỷ vật kỳ tích. Ngài thành lập một tôn giáo, đáng lẽ phải chuyên biệt về giáo lý, giáo điều để thức tỉnh quần chúng hâm mộ đạo pháp, tránh xa tội lỗi và những đắm nhiễm tục lụy, cớ chi là một nghệ nhân?
Long Đình có hai nghĩa: 1, sân rồng, 2, chiếc kiệu khiêng có muôi. Dầu dùng nghĩa một hay nghĩa hai, chữ “Long” đều đặt để sự liên quan đến vua, sân rồng là sân chầu trước hoàng cung đại điện, vua  đi đâu, chăm lo việc nước, việc dân, thảy ngồi trên kiệu. Nói về Long Đình Đức Thầy có câu:
“Mấy lời dặn bảo đinh ninh,
Gắn ghi chạm dạ Long-Đình được xem”
Hoặc:
“Muốn xem được hội Long-Đình,
Thì dân hãy rán sửa mình cho trơn.”
Tuy ta không nắm được dụng ý của Đức Bổn Sư nhưng tin chắc rằng việc sáng tác Long Đình đối với vị sáng lập tôn giáo trong lòng lịch sử dân tộc có mang tính thời sự ngay trong lúc nước nhà bị quân xâm lược Pháp ngang ngược bạo hành, biểu hiện sự liên quan công cuộc dạy đạo Hiếu Nghĩa, bù đấp, khôi phục niềm tin đạo đức, tín đồ không bị tha hóa hay rời rạc tình yêu non sông.
Viếng chùa Tam Bửu, bước vào nơi tôn nghiêm ta thấy có hai ngôi Long Đình làm chỗ thờ, Long Đình ở vị trí đầu tiên và Long Đình đằng sau nốt. Nhìn thoán qua ta thấy hai ngôi Long Đình nét điêu khắc giống nhau nhưng nhìn với sự thâm dò, ngẩm nghĩ thì chiếc Long Đình ở vị trí hàng đầu nét hoa văn thật tao nhã hữu tình.
hình nhà cơm từ thiện đải những ngày vào lễ

Theo lời của quý chức sắc trong Đạo Hiếu Nghĩa, chùa Tam Bửu có hai ngôi thờ Long Đình, cái để thờ ở vị trí hàng đầu là do chính tay Đức Bổn Sư sáng tác, còn cái ở sau cuối là do thợ người thế tục làm. Đức Bổn Sư đóng kỷ vật kỳ tích nầy vào thời pháp thuộc, không có dụng cụ bào đục hay dùng máy móc như hiện nay, tương truyền Ngài chỉ dùng vỏn vẹn có con dao phay và cây búa mà hoàn hảo kỷ vật trong khi những danh thợ sau làm ra nghệ phẩm nầy vào thời nước nhà độc lập có đầy đủ các dụng cụ giúp tay nghề thích nghi cho công việc điêu khắc. Sở dỉ có hai Long Đình như thế trong một ngôi chùa vì các chức sắc tín đồ của đạo muốn bảo quản tốt kỷ vật kỳ tích, các vị đã học qua một bài học bởi những kẻ trộm cướp thì cái còn lại sẽ hình dung được cái đã mất làm mẩu thức để sao tác. Có 3 chức sắc trong đạo Hiếu Nghĩa cho tôi cơ hội tiếp chuyện với quý vị rất vui vẻ, và kể tôi nghe câu chuyện như sau:
Khi Pháp tặc xâm chiếm Việt Nam, đặt nền đô hộ, họ thấy cái Long Đình của Đức Bổn Sư bốn vách đều có hoa văn sặc sở, không gian rộng rãi, trên có mui che, thấy là hứng thú sanh lòng ham muốn lấy chỡ đi một cách ngang ngược về làm của riêng mình. Kẻ chủ mưu thâm ác phá hoại tự do tôn giáo và tín ngưỡng của các tín đồ đạo Hiếu Nghĩa, ông ta thốt lời hóng hách mạ lỵ ngôi thờ tự tôn nghiêm trong chùa với lời lẽ cao ngạo: Lấy về làm phòng ngủ. Sự hóng hách ngang tàn của tên cướp, đem Long Đình làm của riêng mình tưởng là hả hê lắm nhưng đâu ngờ, chỉ một đêm thôi thì ông đã bị hộc máu tươi. Một lần đủ tởn, từ đó về sau ông không dám làm phòng ngủ nữa. Mãi cho đến khi quân Pháp cút khỏi Việt Nam thì cái Long Đình của Đức Bổn Sư được đưa vào viện bảo tàng. Trải qua thời kỳ đệ nhứt Cộng Hòa, Long Đình của Đức Bổn Sư vẫn nằm yên trong viện bảo tàng, qua thời đệ nhị, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa là ông Nguyễn văn Thiệu, khi còn là chủ tịch ủy ban lãnh đạo quốc gia, nhận đơn xin của quý chức sắc của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, từ đó tri nguyên tông tích cái Long Đình là của Đức Bổn Sư Ngô Lợi, tổ đình là chùa Tam Bửu, ngày 21 tháng 11 năm 1970 ký lệnh hoàn trả về nguồn gốc. Lệnh hoàn trả có sẵn nhưng cho tới ngày 11 tháng 5- 1971 quan chức và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tổ chức cuộc di hành đưa Long Đình từ viện Bảo Tàng về chùa Tam Bửu.
Hôm đưa Long Đình trở về nguồn gốc, miền tây nam hai tỉnh An Giang và Châu Đốc nối liền trời đổ mưa suốt, như thể đất Trời cảm động. Theo bảng lộ trình quan binh Việt Nam Cộng Hòa dùng xe đưa tới chỗ, nhưng thời điểm đó, đường từ Nhà Bàn vào Chi Lăng, Tri Tôn, Ba Chúc núi núi nối liền mấy ông “bên trong” dấu mình trong rừng núi hoạt động đánh phá( hồi đó dân chúng hay kêu Việt Cộng là mấy ông bên trong, bởi họ hoạt động thầm lén trong đồng, quân lực Việt Nam Cộng Hòa gọi là lính “Quốc Gia”, công khai với dân chúng), Phía quốc gia lo sợ mấy ông bên trong ra đấp mô giựt mìn, phá đường xe chạy nên đã cho quan binh theo bảo vệ đưa kỷ vật kỳ tích về chùa Tam Bửu một cách an toàn.
Tôi quen thân một anh, trước 1975 có đi lính Địa Phương Quân, cấp bậc trung sĩ giữ chức trung đội trưởng, hơn vài lần kể tôi nghe về câu chuyện đưa ngôi Long Đình từ Viện Bảo Tàng Sài Gòn về chùa Tam Bửu tỉnh Châu Đốc: Nhận được lệnh từ thiếu úy đại đội trưởng, cả đại đội chúng tôi đi nằm đường, nói là giữ an ninh cho một ông tướng nào đó từ Sài Gòn về quận Tri Tôn kinh lý. Tưởng ở được đường làng có dân cư, không ngờ đại đội tôi nằm sâu trong đồng mà hôm ấy 10 , 11 tháng 5 – 1971 suốt ngày trời mưa dầm dề. Chừng xong chuyện giữ an ninh, trở về hậu cứ, tôi mới hay rằng đại đội của tôi và nhiều đại đội khác, binh chủng khác, trên đường từ Sài Gòn về quận Tri Tôn đã có đi giữ an ninh, lớp ven đường, lớp trong đồng, cẩn mật cho cuộc tiễn đưa Long Đình của Đức Bổn Sư về nguyên chủ.
Hồi đó, anh bạn tôi kể chuyện trên hơn vài lần, tôi nghe nhưng không để bụng, tưởng là nói trong tiệc trà cho vui chơi thôi. Sau nầy, nhân dịp đi viếng chùa Tam Bửu thấy có ngôi Long Đình để thờ trong chùa là sự thật, tôi chợt nhớ chuyện anh và đồng đội anh đi làm hàng rào an ninh mà nghe lòng có điều thích thú muốn gặp anh tìm hiểu thêm nhưng anh không còn tồn tại trong cõi thế gian nầy. Tôi hơi tiếc vì đã bỏ qua một điều không nên bỏ… trải nhiều năm tháng cho đến ngày gần đây trở lại viếng chùa Tam Bửu tôi gặp ba vị chức sắc thuộc đạo Hiếu Nghĩa tiếp phục vụ đạo sự ở đó, tôi bày tỏ lòng ham mộ về chuyện Long Đình và những vì có liên quan đến báu vật nầy. Thấy tôi là người thích tìm sử liệu, quý vị ấy rất vui kể cho tôi nghe những gì đã biết và sau cùng dẫn tôi về nhà lật cho xem một quyển sách chữ in khổ lớn, người ta lật tìm phớt qua những trang tôi thoán trong đây có nhiều văn kiện mang tính lịch sử, đến trang ghi ngày tháng năm chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Ông Nguyễn văn Thiệu ký lệnh giao trả Long Đình về chùa Tam Bửu thì dừng lại để tôi xem. Thật là thú vị!
19/11/2018


Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018


GẶP KHÓ XIN ĐỪNG BỎ CUỘC

Quý huynh đệ bảo rằng, rất khó giành giựt với nghiệp chướng để được niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương trong lúc lâm chung. Đương nhiên, một chúng sanh ở cõi Ta Bà ô trược leo lên cõi Phật dễ sao được, nhưng không nên chán nản chịu thua, nói những lời lẽ làm mất dũng khí người chiến sĩ Như Lai. Trừ khi ta không muốn thành Phật hay thác sanh về cõi Phật chứ ước nguyện ban đầu vẫn con đeo đuổi thì phải tiến thân vượt khó đi lên. Tôi nhớ đã đọc một vần thơ của ai đó thật hữu duyên:

Đường đi lên có muôn ngàn ánh sáng,
Nhưng nẽo đăng trình cũng gặp lắm lúc hiểm nguy.
Ai chưa thể vượt qua, chưa chắc là tu sĩ.
Đời tu sĩ dậm tràng sương nắng phủ
Như thùy dương uốn rủ trước cuồng phong.
Nếu như ai không cương quyết một lòng,
Bước tu tiến sẽ bán đồ nhi phế.

Hay huynh đệ nghĩ rằng, Đức Phật treo phương pháp niệm Phật NHẤT TÂM BẤT LOẠN  mới được vãng sanh là giá quá cao? ước gì Ngài cho hạ thấp xuống một chút không cần NHẤT TÂM BẤT LOẠN cũng được, để người tu gặp nhiều chướng nghiệp, chướng duyên niệm lai rai cũng thác sanh về cõi Tây Phương là hay biết mấy. Chư huynh đệ! chúng ta đã nằm lòng lời của Đức Phật “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời dưới trời chỉ mình Như Lai hơn hết) thì chúng ta không nên có ý nghĩ lệch lạc để duy ngã độc tôn không tồn tại trên đỉnh cao chói lọi của lịch sử Phật Giáo. Lúc Đức Thầy bị quân xâm lược Pháp đày đi lưu cư trải dài 5 năm, ở nhiều nơi, đến tỉnh Bạc Liêu, Ngài có dịch quyển Tăng Đồ Nhà Phật từ Hán văn ra Việt văn, trong đó có đoạn:
                                                                                      
“Trên dưới Trời chẳng ai bằng Phật,
Khắp mười phương hẳn thật khó so.
Dòm trong cõi thế rộng to,
Một người khó kiếm sánh đo cùng Ngài.”

“Duy ngã độc tôn, chẳng ai bằng Phật”… trong chúng ta không ít người suy nghĩ, chẳng dám tin mình tu đắc quả Phật, chỉ cầu vãng sanh về cõi Phật khi mãn kiếp hồng trần là quá đủ rồi, không mong thành Phật, chỉ cầu thoát khỏi thế gian siêu sanh Cực Lạc. Cõi Phật cũng cao quí hơn cõi thế gian triệu triệu lần, sau khi diễn tả tám điều khổ của kiếp nhân sinh Đức Thầy nói về sự vui tươi của miền Phật cảnh, chúng ta hãy đọc nghiệm qua lời dạy của Ngài nói về cõi Phật:

“ Ôi ! cả sang hèn chẳng ai thong thả,
Sao nhơn sanh cứ mãi đắm say.
Chẳng tu thân đặng dựa Phật Đài,
Cho thong thả hưởng mùi sen báu.
Thần thức nhập thai sen tin hảo,
Nên khỏi màng lo nỗi khổ sanh.
Thân thì thân công đức hiền lành,
Bất di dịch khỏi vì khổ lão.
Thể thanh tịnh thường không huyên náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bệnh kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát cuộc lao đao vì nó.
Đường sanh mạng Phật, ta đồng thọ,
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn.
Tử thần kia đâu dám dắt hồn,
Thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử.”

Hiểu theo từ ngữ, Cực Lạc là nơi tột vui, cảnh cao quí, ăn mặc ở không lo, sanh lão bệnh tử chẳng ai biết đến, thân hình bằng Sen, tuổi thọ vô lượng vô biên như Phật … Như vậy, nếu pháp môn tu mà hạ giá, niệm Phật không nhất tâm bất loạn cũng được thác sanh về cõi Phật thì sự cao quí tột cùng ấy đâu còn. Niệm Phật cầu vãng sanh Lạc Quốc bắt nguồn từ quyển Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ do Đức Phật Thích Ca thuyết cách hơn hai ngàn năm trăm năm, từ ấy đến nay có nhiều vị chân sư Tịnh Độ Tông ra đời, khi thạnh lúc suy mà NHẤT TÂM BẤT LOẠN từ lời nguyện của Pháp Tạng tỳ kheo đến thành Phật hiệu A DI ĐÀ nhất tâm bất loạn giá không đổi. Qua thế kỷ hai mươi, một vị Phật từ cõi Tây Phương lâm phàm độ thế, khai sáng đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO, có lúc Ngài xưng hiệu khùng điên:

“Khùng vâng lệnh Tây-Phương Phật Tổ,
Nên giáo truyền khắp cả Nam kỳ…
Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”

Tín đồ trong đạo gọi Ngài là Đức Thầy, hay Đức Tôn Sư, cũng có khi gọi là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ngài khuyến dạy chúng sanh nguyện tu về Phật Quốc cũng bằng cái giá không đổi:

“Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh-Độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc…
Cứ NHỨT TÂM tín, nguyện, phụng hành
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây-Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”

Chư huynh đệ mình gặp nhau trong tình đồng đạo, khuyến tấn tu hành, dầu có vài vị thách đố, khó ai bị nghiệp chướng đến đòi trong lúc lâm chung mà niệm phật nhứt tâm được. Nhưng tôi biết tấm lòng của quý vị lúc nào cũng sẵn sàng vì đạo, buông bỏ tất cả để thác sanh về Phật Quốc, thách đố với nhủ ý để đồng đạo chúng ta đề cao cảnh giác mà tính toan trước, chảy gở suôn những gút mắt của thân và tâm không vướn bận vật chất tinh thần, để chừng bước xuống đò qua bờ giác, chẳng thứ gì làm động làm rầy, tự do tự tại. xét ra, ngay trước lúc lâm chung, mãn kiếp hồng trần đáng lẽ là sanh sang Lạc Quốc, nhưng bị các nghiệp chướng chận đường đòi nợ, là tại chúng ta gieo nhân thì phải hưởng quả; nếu ta phát tâm tu sớm và tinh tấn hơn, từ lúc thân không làm ác, lòng không tính ác, cũng chưa bị đắm đuối xao xuyến bởi danh, lợi, tình hốt hồn, chẳng bị ai động tới, cũng không động tới ai, tự do sống ở thác về, chẳng việc gì phiền phức trong sự sống hay chết. Đức Thầy viết quyển năm Khuyến Thiện, có một đoạn nghe bắt ham:

“Ta là cư sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.
Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”

Nếu chúng ta thực hành theo lời giáo huấn nêu trên, chuyện vãng sanh về Phật Quốc ngay sau lúc lâm chung là thực tế: làm ruộng, cày cuốc dùng bằng tay chân còn tu là ở cái tâm đâu mắc mớ gì nhau. Cuốc đất, cấy lúa, mầng cỏ, be bờ… các cái thảy dùng bằng tay chân, như vậy niệm Phật trong lúc làm đâu cho là cản trở, không phải Đức Thầy đã dạy “Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà” đó sao? Vì vậy, muốn bảo đảm đường tu, niệm Phật trong ruộng đồng hay tại nhà đúng bài bản nhưng còn phải xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh để lúc còn sống trong cõi mê mà tâm lìa cõi mê. Ngày qua ngày tu như vậy thì nợ nần với ai chứ! Không gây chướng nghiệp, chướng duyên, chừng mãn kiếp hồng trần tự do tự tại sang bờ giác. Điều nầy lịch sử Phật giáo đã chứng minh, có nhiều vị chơn tu đã hành đạo đến “thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê” biết ngày giờ lâm chung thác sanh về cõi Phật, báo trước cho thân nhân hay, tắm gội sạch sẽ; mạnh khõe thì tọa niệm, yếu đuối, nằm trên giường chấp tay vào ngực siêu hóa nhẹ nhàng, bỏ xác như người ta cởi bỏ cái áo. Nếu ta tu cũng như vậy: xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh, sống trong tục mà tâm không vướn tục, mắc mớ gì chướng nghiệp, chướng duyên mà đến cản trở lúc lâm chung? Lở gây nghiệp chướng, nay đã ăn năng thì phải hành động thiệt tình chứ đừng cái kiểu ăn năng giửa vời, nguyện cầu lấy lệ mà đạo đức buông xuôi. Biết mình lở làng, rán làm bồi lại những chỗ đã lở. Hạ quyết tâm: xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh niệm tưởng Phật, riết rồi lòng mình chỉ có Phật thôi…

13/11/2018

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018


CHỈ CÒN NIỆM PHẬT THÔI


Hôm trước tôi đi dự đám cúng tuần ở nhà một đồng đạo, quanh bàn tròn người ta bắt ghế ngồi bung rộng ra để đông đảo bà con tham dự một cuộc đàm đạo thiết thực, hữu ích, liên quan đến sự tu niệm của mỗi hành giả đang áp dụng pháp môn Tịnh Độ cầu vãng sanh Tây Phương. Bấy giờ có đồng đạo hỏi:

Hành giả trước lúc lâm chung bị nghiệp giật tơi bời, đau nhức khó chịu còn thêm có lúc mê mang bất tỉnh. Với biểu hiện bất lợi nầy xin hỏi chư huynh đệ đây có cao kiến gì xin chỉ dẫn?

Sau câu hỏi đưa ra một đạo huynh lên tiếng:

Câu nghi vấn của huynh đệ vừa nêu đã hiện rõ hai vế, một là đau nhức khó chịu, hai là mê mang bất tỉnh. Đối với người tu cầu vãng sanh Cực Lạc, sắp lâm chung gặp một trong hai bệnh vừa nói là điều không lành, nguyên nhân của điều không lành nầy sẽ đem bàn bạc sau còn giờ chúng ta bàn theo thứ tự:

Đau nhức khó chịu. Như chúng ta biết những trường hợp về mình khi bị đau nhức, cho dù sự đau nhức không có dấu hiệu lâm chung, nó chỉ là bệnh của bệnh chứ không phải bệnh của tử như cảm sốt, trật tay chân, trẹo cụp lưng, u nhọt… đau nhức đến cầm lòng không đậu, câu niệm Phật thoạt nhớ thoạt quên; huống chi người đau nhức ở giai đoạn sắp chết, các nghiệp nợ xúm lại đòi mà tấm thân ta đây là vật mượn của tứ đại, tới hạn kỳ trả lại, mỗi chút mỗi đòi, khổ thân khủng khiếp. Giờ ta còn mạnh khõe đây, cũng chưa hồi nào bước qua cửa tử để chịu hình phạt của các chủ nợ đến đòi, nhưng đôi mắt của ta đã thấy bệnh nhân sắp lâm chung xảy ra như thế nào thi ta biết. Đã nhức nhói mà hơi thở còn bị đòi dần cho đến khi chấm dứt sự sống. Đức Thầy diễn tả về tử khổ ta có thể cảm nhận được:

“Đoạn tử khổ thứ tư phân giải.
Trên dương thế hữu hình tắc hoại,
Có sanh ra khổ hải đâu chừa.
Trải bao phen dãi gió dầm mưa,
Ngày kiệt sức huyễn thân tan nát.
Gần hấp hối tâm thần xao xác,
Trí vẩn vơ kinh sợ vô cùng.
Rồi mòn lần đến lúc lâm chung,
Giả cõi tạm theo đường tội phước.
Nhiều phương thuốc ngừa sau ngăn trước,
Mà cũng không thoát luật tuần huờn.”

Trình bày về sự khổ của hành giả bệnh nhân trước lúc lâm chung diễn ra thê thảm như vậy, điều là do hồi còn sanh tiền hoặc tiền kiếp đã gây tội ác nên giờ phải chịu quả báo. Nếu hành giả chuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ gặp nhiều nghiệp chướng, thượng lộ không được bình an thì nên nhớ, nghiệp nợ gây trước khi tu hoặc đã vào đường tu rồi mà chưa dừng được thói quen làm ác, chưa hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ về vật chất hay cảm tình với dòng đời, để thân phạm vào mười điều ác, đồng thời với sự cảm nhiễm của danh, lợi, tình, gần chết mà còn làm cho ta ghiền gập mê man, nhức nhói thở không ra hơi mà còn thương nhà tiếc của, Đức Thầy có câu:

“Hố sâu tình dục lại ghiền,
Ghiền cho đến lúc chúng khiêng quan tài.”

Thế là hai thứ chướng: chướng nghiệp, chướng duyên đến cùng một lúc, chướng nghiệp là đòi nợ, chướng duyên thì làm ta mê muội, gần chết thở muốn hụt hơi còn thương nhà tiếc của chứ không chịu niệm tưởng Phật theo nguyện ước ban đầu:

“Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc
Hưởng công Niệm Phật rất an lành.”

Ta đã dày công tô đấp bảo dưỡng đạo hạnh, sắp được ăn lẽ nào để thua sao? Cố dựng lại ý thức ban đầu, khó khăn đau nhức gì cũng rán tưởng niệm Phật. Niệm tưởng Phật là công Đức tu hành và chính công đức của mình mới đền bù những nhơn hay vật trước kia mình gây tội lỗi với chúng họ. Càng niệm tưởng Phật, thân bị cột siết sẽ được nới lỏng, đau nhứt giảm lần, hôn mê tan đi như nắng chiếu sương tan. Khi hay mình bệnh ngặt đồng đạo có đến trợ niệm cho mình tìm lại lộ đồ là điều hay nhưng không phải dựa vào họ, ta phải dựa vào sức tu niệm của chính ta, tự chủ trong sự khó khăn đau nhức mà vẫy vùng để lúc nào lộ đồ cũng hiện ra trước mặt, rõ ràng, không có đường hay ngỏ ngách nào khác để ta lạc lối. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, khó thở, ui da cở nào cũng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Có thế, các ngỏ ngách dẫn đến luân hồi không hiện diện. Tất cả đều bế tắc, chỉ còn có NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ĐI THẲNG VỀ CÕI Tây Phương. Nhưng, nếu niệm Phật một cách bê bối thì tới đây hành giả không còn là hành giả nữa, ngay ranh giới cõi Ta Bà và Cực Lạc mà lòng niệm Phật đã mất thì đường về Tây Phương cũng mất, sáu nẽo luân hồi hiện ra, đường về Trời, về Người, về thần A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh ào ào chiêu dụ.

Tương song với tinh tấn vượt khó ta nên đối đải biết điều một chút, những ác ta đã lở vay nhơn hay vật, đau nhức hôn mê của ta giờ bằng nghe theo lời dạy của Đức Thầy, chính là do “căn tiền báo quả hậu”, ta nên quyết tâm sám hối, van xin với các nghiệp nợ đến đòi, hãy tha thứ để tôi yên bề tu hành, nữa sau đắc đạo, tôi sẽ tạo duyên cứu độ. Có thể do lòng sám hối, van xin mà trên đường về Phật bớt đi chướng ngại, giảm nhẹ tình trạng phá phách.

Bấy giờ có người đặt ra câu hỏi:
- Sám hối van xin làm cho chướng ngại bớt đi, nghe nói thôi là tôi rất mừng, xin đại huynh có sự kiện chứng minh để tăng thêm sức tin tưởng cho người tu vững lòng.

- Sự kiện chứng minh không có, bởi chúng ta đây chưa người nào lâm chung rồi trở lại nói hết mọi điều bí ẩn của bờ mê bến giác, nhưng dựa theo câu “Dương gian âm cảnh đồng nhứt lý” của cổ nhân thì sự phán đoán của ta là có thể. Nói theo dương gian, một người thiếu nợ không có tiền trả, chủ nợ giận quá hâm báo quan bắt đi tù, con nợ van xin, đừng bắt, tôi hứa cố gắng làm để trả. Chủ nợ nghe lời van xin mềm lòng liền có suy nghĩ, mình giận quá mà làm vậy, chứ bắt họ đi tù trừ nợ, trước sau mình cũng mất của thì có ích gì, trong khi con nợ hứa cải hối ăn năn quyết trả thì thôi để cho nó có được tự do làm đặng trả, mình không mất của như vậy phải hay hơn không.

- Cách dẫn giải của đại huynh ở mức tương đối, không phải mỗi chủ nợ đều được khai trí cả đâu, có chủ nợ mình van xin họ nghe thắm lòng, có người thì không động đậy chút ân tình nào với con nợ, bắt nó đi tù cho đã giận.

Hội trường chừng như sắp có cuộc tranh cải, thêm một người nữa lên tiếng:

- Theo tôi, đừng nói là chủ nợ có khai trí hay không, quan trọng hơn hết vẫn là phía con nợ, lời hứa cải hối ăn năn, quyết lòng trả nợ có tạo được niềm tin vững vàn với chủ nợ hay không, chỉ hứa suôn không hành động làm sao chủ nợ tin được nên nói trường hợp chỉ xảy ra tương đối là phải. Đúng vậy, sau lời hứa trả nợ, con nợ từ nay phải có hành động cụ thể về cải hối ăn năn cho chủ nợ tin tưởng để từ rày họ không quấy nhiễu mình nữa, thông thả niệm Phật, chừng mãn kiếp hồng trần sanh Lạc quốc ngay thôi.

- Ý kiến nầy hay ho và thiết thực, bằng vào tu niệm của mình, vượt qua tất cả những khó khăn đau nhức trước lúc lâm chung, để cầm lòng câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, chủ nợ sao lại không tin chứ !
               07/11/2018

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018


HÃY NÓI CHUYỆN VỀ MÌNH ĐI.

Rất lâu chúng ta mới gặp nhau phải không ? Vắng lâu mới gặp một lần đáng lẽ là nên trân trọng thời giờ hiếm hoi nầy để nói chuyện về chúng ta mà rất tiếc, nảy giờ toàn nói chuyện của người khác. Hãy ngưng nói chuyện họ để nói về bạn hay về chúng ta sức khỏe và tinh thần mạnh yếu thế nào, không khỏe thì làm sao cho khỏe, điều yếu, tìm hiểu nguyên nhân nào xảy ra yếu đuối đặng kịp thời làm mạnh lên. Tôi muốn biết về bạn hoặc trái lại bạn cũng muốn biết về tôi. Thời giờ để nói chuyện chúng ta còn chưa đủ, ta đi nói chuyện người khác chẳng phải đã uổng phí lắm sao?

Ta nói xấu người không có mặt đôi khi chỉ vì thói quen và sự cố chấp rằng ta hơn họ. Đã nói sống theo thói quen và sự cố chấp biết đâu ta cũng là người xấu mà ta chưa hay mình có những hành động, cử chỉ điên rồ thật tội nghiệp, khờ dại không biết mình khờ dại, sửa mồm đặng đổ sự khờ dại xấu xa lên cuộc đời người khác, ta thích nhìn cái xấu của người khác mà không nhìn tật xấu của mình, chẳng phải Đức Thầy đã dạy như vầy sao?:

“Chuyện người chớ móc chớ moi
Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình”

Nếu thật sự có ai đó lỗi lầm, làm điều không tốt ta cũng không vì thế mà được nước tấn công mắng nhiếc, vạch trần cái xấu của họ như giải quyết chiến tranh, dùng sức mạnh quân sự để thắng trận. Chuyện mất mát tình cảm đâm ra đối nghịch nó thuộc về tâm lý, hãy bầu bạn với lòng để quên sự mất mát đó sẽ tốt hơn. Đức Thầy khuyên hãy đối xử tốt với người làm quấy để chinh phục họ:

“Lỗi lầm chớ có hùng hào,
Đừng chưởi đừng rủa đừng cào đừng bươi.
Đem lời hiền đức tốt tươi,
Đặng mà giáo hóa vàng mười chẳng hơn.”

Đời có biết bao nhiêu là gương thiện nhưng tâm tính của ta quá hẹp hòi, ích kỷ, cao ngạo không bằng lòng cho ta ngợi khen tôn vinh người khác, nhất là những người mình mang mặc cảm nặng nề với họ. Những việc tốt họ làm đã vượt quá xa ta rồi mà ta cứ ngồi ở sau chê bai người đi trước là dở, quá sá dở, không bằng ta.

Giáo lý đạo Phật thuyết về bản thân con người, ngoài tám sự khổ căn bản: sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oan tắng hội, mưu cầu bất đác, ưu sầu lo ngại, còn có năm thứ khổ khác gớm ghiếc mà ta phải đối mặt là Ngũ Trược, năm thứ trược của bản thân làm cho tinh thần ta không yên với đạo để tiếp thu hạnh đức, phựt dậy ánh sáng từ chơn tâm thanh tịnh. Điều đáng nói ở đây là “Kiến Trược” một trong năm thứ trược mang tính nhạy cảm phiền phức nhứt qua giao tiếp mắt thấy. Đức Thầy cho biết, người tu hành dù muốn được thấy Phật tại tiền hay về cõi Phật sau khi mãn kiếp hồng trần mà cái tâm hay dòm ngó chuyện thế gian, lỗi phải của người khác là không được đâu:

“Dòm việc quấy ngắm điều bạo ngược,
Mắt trông vào những chỗ đê hèn.
Nào được xem cảnh báo đài sen,
Nghĩa Kiến Trược giải ra như vậy.”

Học Phật, học đạo chỉ là hình tướng ban đầu rồi lần lần tiến lên không trụ vào hình tướng mà vẫn học Phật, học Đạo được; nếu mãi mãi trụ vào hình tướng ban đầu mà cái tâm đạo, tâm Phật không có; ở đất chùa không trồng cây trái của chùa, trồng những thứ vớ vẩn khác, ngược qui tắc thiền môn là trở về với thế tục ngay khi đang ở trong chùa, ăn cơm chùa, mặc áo nhà chùa.

Trở lại vấn đề chính, chúng ta hãy suy nghĩ, nói chuyện về mình là thắp đèn sáng trong nhà mình, nhờ có ngọn đèn đạo đức trong ta thắp sáng, luôn hiện diện chính mình sẽ không ai vào lòng, vào mắt cho ta thấy làm bận lòng, bận mắt. Ta chỉ thấy có ta thôi và ta đang học Đạo, hành đạo đúng nghĩa. Trong học Đạo, hành Đạo chỉ thương chứ không ghét, nếu có nhìn người, nhìn đời thấy việc xấu của ai là đừng học, đừng nhìn, và khi đã nhìn cũng ánh mắt vô tình vô cảm trạng thái xấu, đàng khác, lở có học, có nhìn, biết là học sai, nhìn sai thì xóa phức đi cho mất gốc. Vì không học không nhìn cái xấu của ai nên không có chuyện xấu của ai để nói và suy nghĩ về họ, khỏi mất thời giờ rèn luyện tâm tính mình.

Do câu “Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình”, mỹ ý của Đức Thầy, treo gương thiện như treo ngọn đèn sáng trong suốt cuộc đời, lấy thiện làm gương, treo gương ấy lên để lúc nào cũng thấy và nghe nhắc nhở, dễ huân tập thuần nhứt chơn tánh: người ta ăn thiện, nói thiện và suy nghĩ cũng thiện, phước đức, công đức trùm thân thì thân là phước thân.

“Diệt mê si hãy phải nương thuyền giác,
Muôn việc làm chánh trực khôn ngoan.
Đừng bạ đâu tin bướng nghe càng,
Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp.”

Đừng tưởng ăn chay, mặc đạo phục sớm chiều thì thụp vái lạy Phật là mình thức tỉnh hết mê. Thức tỉnh là trạng thái đầu tiên bỏ đời theo đạo, nhưng không chỉ theo đạo bằng vài hình thức đơn giản vậy là diệt được mê si. Tính mê si đã có trong ta từ vô lũy kiếp, nó dẫn ta đi đầu thai không những là loài người mà là các loài, lên lên xuống xuống dưới cõi trần gian nầy. Nay dù thức tỉnh bỏ đời theo đạo, bỏ ác lấy thiện, nhưng tính mê si vẫn còn chồng đống trong ta thì những ngày dài quy y cùng Phật Pháp ta phải tích cực từ bỏ tánh xấu và tội ác không cho theo ta nữa, để chuyện tu không phải là tiếng nói suôn ở đầu môi chót lưỡi. Ông Thanh Sĩ nói:

“Đạo đức chỉ là khua ngoài miệng,
Tu hành không một chuyện trong lòng.
Kệ Kinh học nói cho thông,
Khác nào con Két nhái ông chủ nhà.”

Đức Thầy cảnh báo môn đồ “trong chúng sanh tìm đạo quá mồm”, mỹ ý ngăn trừ hạng tu bằng miệng chứ lòng không tu. Từ “quá mồm” còn có ý nghĩa khác, quá mồm tức nói người lắm miệng dệt thêu, hay bày chuyện móc moi chỉ trích, tới cửa chùa, cửa đạo rồi mà cứ bày ra những chuyện thế gian làm cho náo loạn cửa đạo, cửa thiền. Lời dạy của Đức Thầy “Treo gương thiện” ta hãy cương quyết thực hành siêng suốt sẽ loại trừ được mê si.

Chuyện của chúng ta là “Treo gương thiện, nương thuyền giác” nhưng ta lại quá thờ ơ, chỗ đáng lo mà không lo lại bỏ công lo phê bình, chỉ trích nói xấu người khác làm cho mất thiện tâm, thuyền giác không nương là tha hồ để mê si làm chủ quản thì các việc mình cho là hay đã hóa ra dở.

03/11/2018