Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

GẶP LẠI CÔ NĂM HUỆ
Cô Năm Huệ

Lão Bà đây là niên trưởng  nữ tu sĩ, hiện nay ở tuổi 85 đầu óc vẫn còn minh mẩn thắp sáng ý nghĩa bảo trì chánh Pháp PGHH bằng đào tạo lớp trẻ”vào hàng”

Xưa tôi rất thích lên Núi Cấm “Thiên Cẩm Sơn” vì vậy mà có khi đi viếng ở năm mười ngày rồi về, có khi lên ở mười lăm hai mươi ngày, một tháng, hai tháng. Thích ở thì ở thích về thì về, chánh quyền xưa không ai gây khó dễ người tu. Hồi đó theo tôi biết, trên núi nầy hoang vắng lắm, chỉ có cái đường đi là tróng chưa mấy thoáng lắm còn hai bên rừng với rừng, chuối rừng chen khít gốc. Chuối rừng trổ buồng đẹp lắm, chừng chín là đỏ hói ú nu ú nần, dễ chịu nhất là Trâm Ổi tới đâu cũng có nó chào khách bằng bay ra mùi hương thơm nhẹ nhàng dễ chịu. Phía trong hai bên đường chuối thì cây to chần dần, có những cây to đến độ trẻ em chơi cút bắt quanh gốc cây chạy tới chiều cũng không bắt được.
Rừng hoang như vậy nhưng an ninh rất tốt vì có quân đội của Ông Thiếu Tá Liêm nên không sợ mấy Ông bên trong ra đấp mô đặt mìn. Chúng tôi gọi thân thiết tên Ông như vậy thành quen mà không cần tìm hiểu Ông họ gì. Ông là tiểu đoàn trưởng binh chủng Địa Phương Quân, hậu cứ tiểu đoàn đống trên một đồi cao giữa Vồ Bà và điện Bồ Hông, hậu cứ tiểu đoàn có trang bị hỏa lực tác chiến mạnh, những súng lớn như Đại Liên, Cối, pháo binh 105…Hồi ấy chỗ đó chưa có tên, vì bảo vệ an ninh khu vực mà pháo binh thường bắn yểm trợ quân trường Chi Lăng và các nơi trong khu vực kể cả chợ Chi Lăng mà phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đặt tên là “Sài Gòn Mới” bắn pháo binh riết nên người ta đặt đó là Vồ Pháo Binh thành danh đến giờ. Còn nữa, bản thân Ông là tín đồ PGHH, quý kính đạo Thầy, Ông cho lập ngôi thờ nhỏ để lính tráng nào muốn cầu cúng sáng chiều theo tôn chỉ PGHH hay chỉ cầu lộc thì cứ tự do lễ bái. Ngôi thờ không đặt tên nhưng vì trên Vồ Pháo Binh nên người ta gọi là chùa Pháo Binh. Còn bây giờ chế độ cộng sản có thay tên đổi họ hay không thì tôi không biết.
Ông Thiếu Tá bủa từng trung đội nằm khắp các điểm trọng yếu từ chân núi Cấm dài lên Vồ Thiên Tế, Vồ Đầu, Điện Bồ Hông, qua Điện Rau Tần, Vồ Ông Bướm, Ông Doi… đều có các căn cứ lính từ trung đội đến đại đội. Quan lính dưới thiếu tá đều trân quý người đạo, nhà tu hành, bất kỳ nhà tu hành của tôn giáo nào. Những Tu Sĩ tu trên núi xuống thế mua đồ dùng cần thiết phải đi độc nhất con lộ công binh. Đi lên xuống mua đồ dùng mà gặp xe lính của thiếu tá kể là tốt phước, biết mình là nhà tu hành dầu mình không kêu xin có giang họ cũng ngừng lại kêu lên đi. Chừng lên mà tay xách nước tương, vai vác gạo, dầu mình đang đi trên dốc chỗ khó dừng xe họ cũng rán mà dừng một cách an toàn cho mình lên xe. Đường Công Binh hồi xưa xấu lắm, chỉ có bắn đá bể nhỏ ra rồi đem máy ủi gạt sương qua là chạy, ngồi trên xe xốc lắm.
Lên xuống mua đồ dùng sau nầy tôi tính lại, đi theo đường Công Binh thì quá xa, nhằm bửa xui không gặp chiếc xe nào của lính thiếu tá thì lội bộ rả dò, cái vai lâu ngày chắc cũng quằn xuống. Tôi kiếm ngả đi tắt một chút, theo lộ công binh đến phía dưới dốc một ngàn người ta có trẩy con đường nhỏ xuống bến Su, đi chợ Dầy Đéc (? Nghe kêu không thấy chữ viết), từ đó tôi biết cô Năm Huệ.
Cô Năm Huệ là một nữ tu nghiêm trì hạnh độc thân tu niệm, tuổi tác ở hàng cô chú của chúng tôi. Cô đến từ tỉnh Cà Mau, nhờ sự hướng dẫn của phụ thân và người cô ruột đã quy y trước với Đức Thầy, chỉ cho cô muốn tu thì lên miền núi Cấm. Cô chọn trên núi một chỗ ở vừa ý, khai hoang trồng trọt sống tu. Từ khai hoang đến trồng trọt qua nhiều công đoạn, vất vả mới thành khoảnh, nhưng lại là cái nơi thiếu phương tiện nước nôi tiêu dùng, thêm nữa, là thân phụ nữ một mình ở nơi hoang vắng với cái đêm hôm tăm tối xét không an, cô phải cất chiếc nhà con con dưới bến Su, sáng lên ở tu trên núi tối về tu dưới thế. Cô sống có tình người và rất rộng lượng được bà con đồng đạo xa gần yêu quý. Nhà cô, chẳng những là chỗ dựa cho tu sĩ trẻ xuống lên tu trên núi mà còn là nơi chứa dựa cho khách thập phương từ xa đến lở chân.
Năm 1974 tôi ra tu ngoài hòn Tre cho đến khi sau đứt phim 30/4/1975 bị một trận đau đầy nguy hiểm nên mới được người ta chỡ về đất liền sau lên lại núi cấm, đi từ bến Su lên, tôi thấy nhà của cô quá đông khách mà không ghé. Cách một thời gian dài tôi không đi núi, chừng lâu sau đi lại thì nhà của Cô Năm Huệ đã bị dời đi đâu mất. Nếu ước tính theo xưa thì nhà của Cô ở xê xít cái cổng bán vé khách tham quan Lâm Viên Núi Cấm. Cô bị bắt buộc phải đi để cho chánh quyền tỉnh An Giang lấy chỗ mở công ty du lịch.
                                    Chụp hình kỹ niệm trước nhà Cô Năm Huệ trong lúc các bé niệm Phật vang lên


Hôm đi hành hương ở Ngọa Long Sơn, trên đường về có một đồng đạo rủ tôi sẵn tiện ghé thăm nhà Cô Năm Huệ và theo lời giới thiệu của đồng đạo ấy thì Cô năm Huệ nầy chính là người tôi rất cần gặp. Nếu thật sự là Cô Năm Huệ xưa cho dù không sẵn tiện trên đường về mà là mở chuyến đi mới để thăm cô tôi cũng chịu. Tôi đồng ý ghé ngay mặc dù trước lúc chia tay ở Điện Tàu Cao tôi nói là cần về nhà sớm. Nghe đủ tên ba chữ Cô năm Huệ tôi mừng mà chạy theo sau xe hướng dẫn. Tôi nghĩ Cô năm Huệ có bị dời chỗ cũng ở lẩn quẩn trong vùng bến Su nhưng chiếc xe hướng dẫn đành lòng bỏ lại bến Su không một chút xót thương mà đi thẳng theo lộ nhựa một chút, hai chút rồi ba chút hết cái núi Bà Đội Om mà chiếc xe hướng dẫn còn chạy mịt trước xa. Thấy thế tôi có hơi thất vọng, nghĩ đây không phải Cô năm Huệ xưa quen mà mình cần gặp. Xa xuống hết dốc núi Bà Đội còn thêm một khoảng nữa thì xe người hướng dẫn mới chiệu đạp nhá đèn lái báo hiệu, dừng đứng chiếc xe trước một căn nhà mồ côi, cùng phía không có láng diềng. Tôi nhanh vào căn nhà mồ côi ấy để xem mặt chủ nhà là ai. Qua mấy nhịp thời gian dài đuồn đuột, tôi nhìn bà chủ nhà có chút ít nét quen, chỉ chút ít nét quen thì chưa chắc đúng là người mình muốn tìm. Hỏi qua hỏi lại vài câu với người có chút nét quen quen và lúc bà nói chuyện nhiều hơn tôi đã phát hiện ra giọng nói sang sảng…Đúng là Cô năm Huệ đây mà.
Cô cũng không nhận ra tôi, phải kể xưa lâu lâu cô mới nhớ. Xét ra sự chậm nhớ của cô cũng phải, vì hồi quen biết cô ở khoảng đầu thập niên bảy mươi rồi vắng đi cũng trong thập niên đó. So với tuổi tám mươi lăm của cô hiện giờ mà quên người quen xưa, chuyện xưa cũng phải thôi. Thêm nữa, hồi quen cô thì tôi là Ông đạo để tóc bới lên, đạo phục là Bà Ba đen, hoặc quần dài đen áo vạt miểng màu nâu. Bây giờ thì đầu cạo trọc, đạo phục màu lam trắng, coi như mất hết dấu xưa, nếu không qua chuyện trò làm sao mà nhớ được.
Chừng nhìn ra thì cô rất mừng. Tôi cũng vậy, mừng lắm. Có lẽ vì từ lâu ôm ấp trong lòng sự sửa chửa lối đi cho lớp tu trẻ tuổi mà chưa có người đóng góp ý kiến, nay gặp lại tôi còn sống nhăn đây, việc hàn huyên tâm sự đối với cô như vậy là đủ, cô chuyển đề:
Tu sĩ lớp trẻ PGHH xưa quen đây rất nhiều nhưng giờ còn lại không mấy vị. Lớp thì mất bởi sanh tử vô thường, lớp thì mất bởi dòng đời cám dỗ vào con đường trụy lạc mà nhìn lớp tu trẻ hiện nay đường chúng đi còn dài mà hay sanh lộn xộn. Đệ Tư là người của lớp trước có thể nào xắp chúng vào hàng ngũ để sinh hoạt đồng loạt đem đến kết quả tốt hơn được không?
Lời đề nghị làm tôi giật mình, một bà già 85 tuổi, cái tuổi gần đất xa Trời  nhớ tu được cũng là quí, đàng nầy não trạng còn rất tốt, Bà muốn xắp hàng cho các em cháu tu sĩ trẻ để tránh lộn xộn trước mắt của những người bảo vệ tôn giáo.
Tôi đáp:
- Đệ cũng muốn vậy lắm mà không được đâu thưa cô!
- Nguyên nhân không được là thế nào chứ?
- Dạ, sự thật thì nhiều năm qua đệ có soạn ra và đem áp dụng mô hình sắp hàng nhưng các đệ trẻ không thích tu trong sự gò bó của cái thế giới người đi trước. ví như học hành các đệ ít có người đi từ căn bản, nói pha một chút thuật ngữ thì chúng thích học tắt, học ngang hông, photocopy, mỳ ăn liền thôi.
                                                     Ghi hình nói chuyện trong nhà Cô Năm Huệ

- Cái tệ nhất của người tu là chỉ ham học nói không học hạnh nên sự hiểu biết thì huyên thiên mà hạnh cách lúc nào cũng đổ tháo, đi chưa tới đâu là rớt tuốt.
- Dạ phải.
- Tôi nay già đến từng tuổi nầy nhìn về tương lai của lớp tu trẻ, độc thân trong PGHH thấy sao mà mờ mịt quá. Tôi nhớ đệ lúc xưa có khoa hướng dẫn rất nhạy bén mà còn lắc đầu, chẳng lẽ cái mộng đẹp về việc sắp hàng của tôi là sai sao?
- Cô đừng tự trách mình nữa, nếu duyên thiền môn chưa đến lúc thì có lúc cũng sẽ đến, không đến lúc nầy thì lúc sau vậy.
- Sau là lâu mau nữa ? kẻ chết thì không sống lại, người tu rớt cũng khó mà tu lại. Nếu để cái lớp tu không hàng ngũ kéo dài làm khó khăn cho sự phát triển tôn giáo, thiếu sức cạnh tranh công bằng, PGHH mà có phát triển cũng phải vất vả lắm mới được.
Bống chiều đuổi tới nhắc nhở tạm chia tay, chúng tôi ngưng ngang cuộc hội luận trông còn dài lắm…

29/6/2015

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

HỎI VỀ NĂM ẤT MÙI NẦY

Hôm 22/6 nhằm ngày mùng 7 tháng 5 Ất Mùi 2015 chúng tôi đi hành hương chiêm bái ở núi dài Giang Liên. Núi nầy trong vùng Thất Sơn có tên là “Ngọa Long Sơn” một mình choi loi mà điểm thắng cảnh lại không nhiều, toàn khu vực núi chỉ có cái Điện Tàu Cao là ưng ý nhất.
Chúng tôi còn xa xa phía dưới trông lên điện, in hình một chiếc tàu to nằm trên cao, vừa tới dốc dài lên điện, ngước mặt thấy rất đông người ta thì mù mịt tới. Tiết trời lạnh mà mưa bảo, bốc sương mây đưa tỏa lên giống đứng trong mây, thấy là lòng tràn ngập niềm vui mà đi riết lên. Thềm dưới ngôi điện người ta có kê đá kè mặt bằng rộng ra, trải trán xi măng và lót gạch, phía trong vách người ta đặt ở đó một ngôi thờ cho khách hành hương đến có nơi cầu xin phước, lễ bái. Cũng trong vuông thờ nầy ai đó dựng một tấm hình của Ông Hồ Chí Minh. Đoàn chúng tôi rặc ri Hòa Hảo, ai có đến ngôi thờ lạy thì cẩn thận“né”Ông một chút.
Tham viếng tầng dưới xong chúng tôi gọi nhau lên muôi tàu hóng cảnh may ra có thể làm Tiên ẩn trong mây mù một chút cũng là vinh hạnh và sinh hoạt giáo lý trong trường hợp như vậy chưa chắc ở đâu mà bằng. Nhưng chúng tôi đến trể hơn đoàn tham quan tỉnh Cà Mau, họ kéo lên tàu trước nên mình phải chịu ngồi dưới bến sông mà đợi cho con tàu xuống khách thì mình mới lên được.
Chờ tàu ở không cũng uổng, có người đưa ý kiến:
- Hay chúng ta mời chú tư cho mình nghe thuyết trình được không ạ?
Kẻ vừa xướng thì có người khác họa ngay:
- Đi từ sáng giờ tôi chờ nghe có ai phát biểu câu nầy…
Người khác tiếp lời:
- Đúng đấy, hết mệt lả mồ hôi đến mưa ước mem mình mẩy. Cơn mưa vừa qua trên người còn vươn lạnh mà ngồi đây gió vẫn thổi bay bay, nếu được chú tư cho những câu khuyên tu chắc là sự ấm áp sẽ trở lại ngay thôi.
- Chúng con xin mời chú tư cho một đề tài.
- Tôi chưa biết quý vị cần đề tài gì?
- Thôi vậy con xin đặt vấn đề để làm câu hỏi?
- Đặt vấn đề để làm câu hỏi sao?
- Dạ!
- Vấn đề là vấn đề còn câu hỏi là câu hỏi sao lại phải đặt vấn đề làm ra câu hỏi chứ?
Thưa chú vì phải dài dòng như thế mới lột trần được ý nghĩa.
- Thôi tùy cháu vậy.

- Thưa chú, từ đầu năm tới nay liên tiếp xảy ra nhiều xáo trộn có liên quan đến sự an nguy của đất nước. Tình hình biển đông đã có nổi lên những trận sóng khủng khiếp từ sự đe dọa của Trung Quốc về việc họ ngang nhiên đem đặt giàn khoan 981 ở lãnh hải Hoàng Sa, Trường sa thuộc chủ quyền của Việt nam đúng vào năm mà phần đông người tín đồ PGHH ghi ký năm Mùi, như những câu:
“Qua năm Dê đến lúc mùa hè
Trong bà tánh biết ai hữu chí”
Hoặc:
“Chừng gặp tuổi Mùi bá tánh biết thân”.
Sự diễn biến của thế cuộc ở biển đông ảnh hưởng đến Việt nam rất mạnh nhưng lại trùng với Sấm Cơ năm Mùi, dám xin hỏi qua nhận xét của chú về vấn đề nhạy cảm nầy.
- Cám ơn quý vị có lòng lo đạo sự và quốc gia đại sự mà đặt ra câu hỏi. Nhưng thưa với quý vị đây, từ lâu rồi tôi không còn nghiên cứu về lĩnh vực thiên cơ nữa.
- Sao chú lại…chẳng lẽ vậy là không đúng sao?
Những năm xa trước, đi sinh hoạt giáo lý tôi có bàn chút chút về Thiên cơ nhưng thấy sao mà trật hoài, tôi tự biết mình không đủ trình độ bàn qua ý Trời nên đã tự động “xếp sách”. Còn lại số đông người tiếp tục bàn, họ tự hào là người bàn hay, bàn giỏi nhưng lần nào, năm nào cũng trớt quớt mà không dám nhận mình thiếu trình độ, đi đến xếp sách như tôi, để đến đổi nhân gian người ta mỉa mai “Cộng Sản nói láo, Hòa Hảo nói lừa”. Ôi! Để người ta đem Hòa Hảo xếp chung hàng với cộng sản như vậy thì thật là đau! Quý  vị nghe thấy có đau không?
Dạ có. Đúng là đau thiệt.
Nhưng thôi, giờ chuyện ấy ta cho rằng chuyện cũ, bỏ qua để bàn ngay vào việc thức tỉnh mình. Quý vị có đồng ý không?
Dạ đồng ý.
Thay vì giải đáp thắc mắc về thiên cơ như quý vị vừa nêu, cho tôi hỏi lại được không ạ?
Có vị tỏ rõ thái độ không vừa ý, gắt hơi:
Hỏi không đáp còn hỏi lại sao?
Không phải không đáp mà thay vì là đáp, như thế, cái gọi là “thay vì” chính là đáp đấy.
Thôi được, cho chú hỏi nhưng hỏi nhẹ nhẹ thôi đấy.
Mọi người nghe câu vừa phát biểu giống như ra lệnh thì quèo nhau, xầm xì: cái người gì đâu mà ăn nói không cẩn ngôn cẩn hạnh.
Tôi mà có tạo nặng nề cho ai hồi nào đâu! Nầy nhá, giá như nói tháng mấy của năm nay tới cơ tận diệt là có thiệt với những diễn biến chiến tranh chết chóc xảy ra, dịch tả âm binh xảy ra kết thúc cuộc trần gian, quý vị nghe rõ chưa, tôi ví là có thiệt đó! Trước sự việc nầy người tín đồ PGHH nào mà không để nằm lòng lời dạy của Đức Thầy “ Hãy rán tu đặng mà chết chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu”. Vào ngay cái vế đầu đi !“hãy rán tu đặng mà chết” Tôi cho đây là vấn đề then chốt để thắp sáng sự tu hành, quý vị xem lại chính mình là có chưa? Có rán tu đặng mà chết chưa? Người tu theo giáo lý Tịnh Độ Tông, sự mong ước của tất cả là gì nào?khi chết đến sẽ được vãng sanh hoặc nhập Niết bàn Diệu tâm, tự tánh không sự, phải không ? Mức độ ta đang tu hiện giờ liệu đụng sự chết chóc xảy ra  đúng như ta mong ước đem bàn ngày bàn đêm cái chuyện đời tới, nhắm ta có đủ chuẩn để vãng sanh hay đắc đạo không? Quý vị nói thật đi!
Khi tôi đưa ra câu hỏi và chấm hết ở những tiếng lời mức độ ta đang tu nhắm có thể đủ chuẩn vãng sanh hay đắc đạo không thì tôi thấy phía đối diện rộn ràng lên, người nầy ngó người kia tỏ thái độ bằng sắc mặt, ánh mắt và những cái môi cười nhạt nhẽo là biết họ đã chưa vào được chuẩn, một người trả lời:
- Không được đâu chú tư ơi!
Tôi nói:
- Nếu không được vào chuẩn tu thì nên cấp tốc tu riết cho đủ chuẩn, còn chờ bàn thiên cơ nữa sao! Sức tu hiện tại chưa đủ thì tu tăng một chút hai chút ba chút ga nữa sẽ đạt thôi. Học bành trướng môn thiên cơ tốn mất nhiều thời gian thay vì thời gian đó bỏ vào sự chuyên tu niệm.
- Thưa chú, theo cháu thấy, bàn thiên cơ để có sự dục thúc vì nói rằng đời tới thì ai cũng sợ mà quyết tu hơn.
Dụng ý của Đức Thầy nói thiên cơ để làm một động cơ thúc đẩy sự chậm chạp của chúng sanh, nhưng ở chúng ta đây mà nói như vậy tôi e là không đúng, gì sao? Vì thiên cơ không phải đồng đạo chỉ mới đem bàn năm Ất Mùi nầy đâu, các năm trước có năm nào mà không bị bàn “tới chắc”. Nếu tới chắc như vậy là rồi, xong, nhưng cho đến năm tháng ngày giờ nầy cũng học thiên cơ nữa là sao? Học riết thiên cơ vô đầy cả bụng, việc tu có khi không tiến mà sụt lùi. Đáng lẽ học một lần thiên cơ là đủ trợ duyên tu suốt kiếp chứ năm nào cũng đem bàn, tháng nào ngày nào cũng đem bàn, không lẽ quý vị cho thiên cơ là một pháp môn tu sao?
Dạ thưa chú, giờ con đã nhận ra điều nầy. Thiên Cơ không phải là pháp môn để tu mà là báo cho biết để sợ không kịp mà tu liền cho kịp.
Ừ thế…Chẳng phải quý vị vừa trả lời với tôi: Xét cấp độ tu như vầy chết đến là không được vãng sanh, thành Phật đó sao!
Con vở lẽ ra điều nầy.
Còn vị nào chưa vở lẽ, bám chặc để biện hộ rằng: biết chắc chắn năm tháng ngày nào xảy ra cuộc kinh thiên động địa để sợ mà lo tu xiết hột mè coi chừng là tự lừa dối mình đó.
Sao lại là tự lừa dối chứ?
Thưa quý vị! Nói gì ở một tháng, hai tháng, ba tháng nữa là xảy ra cuộc kinh thiên động địa, đời người chỉ một hơi thở là xong, hễ có thở ra mà không hít vào là tàn mạng. Biết bao nấm mồ nằm ngổn ngang ngoài đồng họ có chứng kiến cái môn thiên cơ như ta đang học, đang bàn đâu mà họ cũng chết. Như vậy, việc suy nghĩ của ta là cái bệnh lo không thực tế. Lo sợ trước năm nào, tháng nào đời tới, loài người bị tiêu diệt là sợ cái không đáng sợ mà quên đi cái sợ rất đáng sợ lúc nào cũng kề cận bên mình, thở ra hít vào, thở ra hít vào, đâu thử thời ở đây nè, có ai thở ra mà không hít giùm tôi coi có chờ đợi vài tháng sau đời tới mới chết không?
Thưa, qua sự diễn giải về điểm “sợ cơ Trời xảy đến” trong năm nay tháng tới chẳng hạng, nên phải tu riết là cái sợ không đáng sợ như chú nói: số kiếp con người chỉ một hơi thở thôi mà tối ngày cứ lo đi bàn chuyện bao đồng của năm sau tháng tới quên cái hiện tại phải tu. Qua sự phân giải nầy mà tâm con được sáng ra và từ câu hỏi của chú con thấy tu hành như vầy là chưa đủ chuẩn vãng sanh, chú kêu chạy lên ga mới kịp. Thưa chú thế nào là ý nghĩa chính xác nhất của sự lên ga?
Chúng ta là người tu tại gia, nhằm lúc gánh nặng về cơm ăn, áo mặc rất là bận rộn, nhưng ta có thể phá tan sự bận rộn đó bằng cách mầng bên ngoài mà tu bên trong. Việc nầy có thể lắm vì làm ăn là bằng tay chân thuộc bên ngoài còn tu thì Phật dạy tu tâm, thuộc bên trong. Vậy lúc làm và tu tu và làm, cả trong và ngoài đều không bị hai phía nẩy sanh chướng ngại. Ta nói do làm mà tu không được là khéo đổ thừa để không tu chứ hai bên đi hai con đường khác thì có gì là đụng chạm, chướng ngại.
Điều nầy rất khó thực hành phải không thưa chú.
Tu để đắc đạo, vãng sanh mà không khó sao được! nhưng kiên trì tu bên trong lâu và bền thì sự ăn mặc cũng bị ảnh hưởng của sức tu bớt đi ham muốn ăn sang mặc đẹp, sẽ bớt ngay một chút của sự sống khổ, hạnh phúc liền theo tay. Có người không chịu tu như vậy, cứ bỏ thí cho sự ham muốn, vọng tâm nổi lên rồi tính toán mỗi năm thoát cảnh ba tháng tu lấy tiếng, tìm chỗ vắng tanh hay đi theo Sư nhập hạ. Ba tháng đi tu, an cư kiết hạ nhưng kết quả không nhiều. Thói quen như vậy, hàng năm tới mùa nhập hạ hay mùa tu ở nhà thì rộn ràng nhớ hạ, nhớ tu ở đâu đâu, nhưng đi đến cái chỗ đâu đâu thì lại nhớ về nhà: chồng, con, vợ, mùa màng, ruộng vườn, nhà cửa… thiệt là một chồng hồ sơ dầy cợm đi đâu tu cũng mang theo, không bỏ được. Nếu ta sử lý tại chỗ từng cái hồ sơ có đâu thành chồng thành đống. Các bộ hồ sơ không giải quyết, cho dù có trông đời tới, hồ sơ còn chồng đống trên bàn, trong tâm nữa, thì phải ở đó mà giải quyết sạch sẽ “ nhất tâm bất loạn” Phật mới đến rước theo Phật.
Giải quyết hồ sơ tại chỗ là gì, thưa chú?
Quý vị đang nấu cơm mà động tâm, quét nhà, giặt phơi quần áo cũng động tâm… mà để vậy thì thêm hồ sơ nữa. xưa giờ quý vị vào bếp nấu ăn là không tu, quét nhà tắm giặt cũng không tu, ra trồng ruộng chăm vườn cũng không tu, vì không tu nên tâm sanh kẻ hở phiền não phóng vào kẻ hở đó mà bành trướng, lấn sân riết rồi bó rọ trong hai thời cúng nguyện mỗi ngày, chết ngay trong trận chứ ở chờ thiên cơ đời tới để được đắc đạo vãng sanh. Giải quyết hồ sơ tại chỗ là hãy tập tu ngay đi.
Quý vị còn thắc mắc gì trong đề? Nếu không thì cho qua để chúng ta xuống núi, đồng hồ hơn hai giờ chiều. Rời khỏi đây là chia tay, tôi xin gởi lời khuyên quý vị hãy tu ngay khi mình hay mất Phật trong lòng, đừng ở chờ nghe ngóng thiên cơ sắp đến mới chịu tu, coi chừng không kịp đó.
Kính chúc quý vị thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn.
26/6/2015


Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

NHÓM LẤY THUỐC NAM
(Mở cuộc đàm đạo trên rừng)
Huynh đệ! _ Ông trưởng nhóm nói_ Chúng ta hôm nay quá là may mắn, vừa vào rừng gặp được một ổ thuốc quí. Tôi đã quan sát chung quanh đây chỉ một thứ Huỳnh Kỳ, toán mình mai đến chặt một bửa nữa chưa chắc đã hết. Đỡ vất vả đi tìm. Thuốc đã vô bó xong, chỉ còn lên vai là xuống núi.
                                Quý đồng đạo lấy thuốc nam vùng Bảy Núi.
Nếu vậy về quá sớm, _ một đồng sự nói_ xế qua cái bến nắng nóng như gần bếp lửa, không có một thân cây mà che cho… Ối, kiếm thuốc đầy gánh sớm xét chẳng hay ho vì rồi!
Trưởng nhóm cười:
Thuốc khó kiếm thì ta là người bị động, có bửa xế qua mới đầy gánh, vác về tới bến mệt đến bỏ cơm. Hôm nay sự thế khác hơn, dư thời giờ thì ta là người chủ động, muốn về liền hay ở nghỉ chơi cho khõe đả đời là ta có cái quyền đó. Đoàn đi kiếm thuốc nam của mình kỳ nầy chia thành 4 nhóm, tôi chắc những nhóm kia chưa ai đầy gánh trước mình, xuống trước đi lóng nhóng còn mệt thêm, tôi đề nghị chúng ta nghỉ đây khoảng hơn giờ đồng hồ cho lợi sức rồi hãy đổ dốc quý vị nghĩ thế nào?
Ông trưởng nhóm tỏ phân, tất cả đều đồng ý.
Ở nghỉ quân mỗi người nằm thí trên cỏ rác. Anh Dương mới vừa nằm thẳng lưng bổng bật ngồi dậy như thể giật mình, nói:
Nghỉ vầy thì cũng uổng.
Ông bạn nằm bên gắt:
Chứ anh tính đi chặt thuốc nữa sao?
Không phải.
Vậy thì uổng gì chứ?
Tại sao ta không nhân việc rảnh nghỉ nầy đưa ra một vài đề tài nhằm vào sự tu học của người “tại gia cư sĩ học phật tu nhân”như ở vào vị trí của chúng ta lúc nào cũng khao khát.
Ông trưởng nhóm ngồi giật dậy nói:
Hay lắm, tôi hoan nghênh ý kiến nầy, các anh em nghĩ sao?
Ông bạn nằm bên nói:
Như vậy quá tốt còn không chịu nữa là sao chứ! Chả trách anh Dương nói nằm nghỉ uổng là gì. Chúc mừng anh Dương có sáng kiến.
                                        Quý đồng đạo vác thuốc xuống núi.
Giờ xem lại các đồng sự đều ngồi dậy, chừng như có sự hưởng ứng đến vổ tay, ông trưởng nhóm nói:
Chúng ta đây có tổng cộng là tám người, ai mới là người tương đối với khả năng lý giải đề tài?
Nghe hỏi, sáu đôi mắt hướng nhìn một chỗ, một người đề nghị thẳng:
Có Ông đạo Ba đây thôi.
Vậy xin mời Ông đạo Ba nhận trách nhiệm được chứ ?
Nghe kêu đích danh mình Ông đạo Ba nói:
Kính thưa quý vị, vì tôi là người xứ khác đi tiếp lấy thuốc cho đoàn nầy, qua một ngày hành trình, cũng có chút chút trao đổi tâm tình, nhưng chưa chắc như vậy mà các đồng sự biết được tên tôi là Nguyễn văn Ba. Quý vị đặt để thì tôi không dám không nghe chỉ xin quý vị hai điều 1, đừng tạo đề quá khó như thiên cơ hay “nho chùm”; 2, đề tài phải thể hiện tính thực tế để được áp dụng không quá sức công phu của đời sống tại gia cư sĩ học phật tu nhân như chúng ta đây.
Ông trưởng nhóm vổ tay khen ý hay:
Nói rất đúng, vậy tôi cũng có một yêu cầu với Đạo Ba…
Xin lỗi quý vị có thể kêu ngay tên tôi, bỏ cái tiếng “Đạo” được không?
Yêu cầu nầy rất khó _ người đồng sự cận bên chen vào _  vì nếu như vậy chỉ có một tiếng “ Ba” gọn lỏn dễ bị hiểu lầm là Ba má.
Nhưng sao huynh đệ không chịu người ta kêu mình là Ông đạo?_ Ông trưởng nhóm hỏi.
Nguyễn văn Ba trả lời:
Ông đạo thì không có gì, nhưng nếu gọi luôn Ông Đạo Ba là dễ có ấn tượng… tôi rất ngại mà cũng là sợ nữa.
Ấn tượng sợ, sợ gì nào?
Chắc quý vị thuộc lòng câu chuyện trong Sám giảng “Khuyên Người Đời Tu Niệm” của Đức Thầy, Ngài kể lại chuyến đi dạo Lục Châu về vùng Ông Chưởng có những câu:
“ Xuống thuyền xuôi nước thẳng xông,
Ghé nhà Chủ Phối xem lòng Đạo Ba.
Ngồi chơi đạo lý bàn qua,
Mấy bà có biết lúa mà bay không?
Có người đạo lý hơi thông,
Xin Ông bày tỏ cho tôi hiểu rày.
Điên nghe liền mới tỏ bày,
Lúa bay về núi dành rày ngày sao.
Hỏi qua tu niệm âm hao,
Chẳng biết câu nào trái ý Đạo Ba
Những câu chữ như thế mà tên tôi lại là Ba, bị mấy anh em thừa cơ gặp tôi thì họ hay chế giễu: Coi chừng trái ý Đạo ba. Đụng chút chuyện họ cũng gièm: Coi chừng trái ý. Tôi có cảm nghĩ sự hiện diện của Đạo Ba trong câu chuyện là không hay lắm.
Vị trưởng nhóm nói:
Theo Tôi, Nếu huynh đệ được trùng danh gọi với người trong câu chuyện xưa tôi nghĩ là rất danh dự để hiện diện chính mình không trái ý, Điều đáng lưu ý ở đây theo tôi phải nói là may mắn lắm mới được Đức Thầy nói “xem lòng Đạo Ba”, có được Đức Thầy “ xem lòng” giùm, coi như là tu niệm chắc ăn và nhờ đó mà sửa cái tấm lòng để không bị một cú sốc nào. Còn cái gọi là “trái ý Đạo Ba” qua một câu hỏi thì đây là điều được sự cảnh báo trước, để trong lúc tu hành Đạo Ba không gây trái ý khi người ta đặt câu hỏi với mình... Thôi đừng dài dòng nữa mất thời giờ. Ai đưa đề trước?
Anh Dương mới nảy đề ra chương trình nầy_ đồng đạo Hoàng nói _ chắc là anh có chuẩn bị đưa đề, vậy chúng ta nên kiến cho anh làm người mở hàng, có thể là bán đắc đó, quý vị thấy đúng không?
Đúng, Đúng, Đúng… bắt đầu đi anh Dương!
Vậy tôi xin đưa đề:
“ Xưa Tam Tạng Tây Phương quyết đáo,
Bị loài yêu làm bạo lắm phen.
Đức Từ Bi phải lộ trắng đen…”
Hai hâu đầu tôi nghĩ đã rõ nghĩa, chỉ hỏi một câu sau thôi “Đức Từ Bi phải lộ trắng đen” là thế nào?
Anh Hoàng kêu lên:
Khoan khoan, cho tôi có vài lời trước khi Ông Đạo ba lý giải đề tài mà vị vấn chủ vừa đưa, có được không ạ?
Được _  anh trưởng nhóm _ nói.
Câu hỏi của anh Dương có làm trái ý Đạo Ba không ạ ?
Dạ không trái ý, Nguyễn văn Ba đáp qua nụ cười gọn nhẹ.
Thế thì quá hay rồi, Mời Ông Đạo Ba tiếp diễn chương trình.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Thưa anh Dương, Kính thưa quý vị! Từ Bi là hai trong bốn đại Đức Của Phật : Từ, Bi, Hỷ, Xả. Theo như tôi học biết từ các chú các bác, Từ là hiền lành, Bi là thương xót, Từ, Phật độ chúng sanh an lạc, Bi, Phật độ chúng sanh thoát mọi sự khổ. “Từ năng dử nhất thiết chúng sanh chi lạc, Bi ngăng bạc nhất thiết chúng sanh chi khổ”. Lộ là hiển lộ, hiện ra; trắng, đen là dụng ý nói đúng và sai, phải và quấy, tốt xấu, thật giả, chơn ngụy…là sự đối ngược. Đáp số của Tâm Từ Bi là luôn luôn thể hiện sự thương yêu, cứu khổ ban vui.
Người tu nếu đối trước một hoàn cảnh éo le, sự việc trắc trở mà không thể hiện được tính tình hiền lành thương xót, cứu khổ ban vui là hiện đen không hiện trắng, hiện giả không hiện thật, hiện ngụy không hiện chơn là đường tu thất bát, lổ lả. Thông thường người ta có cái bệnh tự cao là thông minh, tu giỏi. Nói nghe hay lắm, mà đụng chuyện mới biết thấp cao, giỏi dở, lộ trắng hay lộ đen; lộ trắng thì tốt mà lộ đen coi như thua đứt chến.
Theo phim truyện nói về Sư trần Huyền Trang Tam Tạng qua xứ Tây Thiên Trúc thỉnh Kinh, trên đường gặp không biết bao nhiêu là kẻ ác xấu, qua biết bao nhiêu là tai nạn suýt chút nữa chết người. Yêu quái phá hại đến chết lên chết xuống nhiều lần, Sư Huyền Trang đã không ghét mà còn thương chúng vô cùng. Biết là yêu quái hại mạng, Tề Thiên, người đệ tử hàng đầu trong các đệ tử, phép thuật cao cường bảo vệ đường tăng trừ quái đuổi yêu theo sự sắp đặt của Quan Thế Âm Bồ Tát suốt trên chuyến thỉnh Kinh. Đụng chuyện Tề Thiên đưa thiết Bảng nện lên đầu quỷ yêu thì Tam Tạng Pháp sư không cho. Gặp quỷ ăn thịt người, húc máu người chúng làm vì Ngài chỉ biết Niệm A Di Đà Phật, gặp yêu nữ bắt ép Ngài làm chồng, Ngài cũng A Di Đà Phật. Lúc bị quỷ dùng phép thuật bắt đi ăn thịt, thật sự thì Ngài có kêu Tề Thiên đến cứu thoát, nhưng thấy chúng bị Tề Thiên giết chết Ngài tỏ vẻ không đành lòng, cũng niệm A Di Đà Phật. Có lần Tề Thiên giết quá nhiều yêu quái, Ngài thà đuổi việc người đề tệ tử tài ba nầy, không cho cùng Ngài trên con đường cầu Phật Thỉnh Kinh.
Tóm Kết:
Kính thưa quý đồng đạo! Qua đề tài “Đức Từ Bi phải lộ trắng đen” của Anh Dương dựng lên, tôi xin tóm kết rằng: Trần Huyền Trang trên đường đi Thiên Trúc thỉnh kinh dầu gặp hoàn cảnh xấu ác đưa đến cỡ nào Ngài cũng đối sử với đầy lòng Từ Bi, một màu trắng trong sạch, không nhuộm chút đen bẩn, trước bao quỷ ma và kẻ ác đã làm cho Ngài chết mất thì Ngài cũng chỉ Niệm một câu A Di Đà Phật mà thôi. Không như phần đông chúng ta, học biết quá nhiều về bốn đức Từ Bi Hỷ Xả mà chừng đụng chuyện là thua non thua nớt, không lộ trắng mà là lộ đen, nóng giận chẳng còn chút từ bi nào cả.
Đến đây đề tài xin được tạm dừng. Kính chúc quý vị Thân Tâm An Lạc. Nam Mô A Di Đà Phật.
Anh Dương vổ tay, các đồng sự thì khen tặng giải nghĩa rất hay, riêng Ông trưởng nhóm lấy thuốc nam nói vắng tắt: Hôm nay mình lời to huynh đệ ơi!
23/6/2015





Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

NẾU ĐÃ LÀ TÍN ĐỒ PGHH
XIN HÃY LÀM THEO LỜI CHỈ CỦA ĐỨC THẦY


Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật
Kinh thưa chư quý đồng đạo! Nhờ dịp cúng giỗ mới gặp quý vị, xin hoan hỉ cho tôi tỏ chút tâm sự. Tâm sự của tôi là “NẾU LÀ TÍN ĐỒ PGHH XIN HÃY LÀM THEO LỜI CHỈ CỦA ĐỨC THẦY”
Từ lâu tôi nghe có một nhóm tu, họ cũng là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lắm khi khoe khoan một cách tự hào nhưng lại có biểu hiện sái chân truyền, ví dụ về mục “Tang Lễ”. Phần “Cách Cầu Nguyện Cho Người Chết” đã đành rành ra. Nhằm trong Tang Lễ Đức Thầy dạy  rằng: “Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chấp tay niệm “ nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi tiếp dẫn vong linh A Di Đà Phật”. Nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc “Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật”. Nhưng nhóm đồng đạo nói trên, quy y PGHH mà phụ phàn lời dạy của Đức Thầy, hễ chừng có người chết liền niệm Lục Tự Di Đà chứ không niệm bài Tây Phương Tiếp dẫn. Nếu có ai thắc mắc sao lại bội bạc với Đức Thầy như thế thì họ đem ra sách của Ông sư nầy, Ông Tổ nọ mà cãi lý. Lời dạy của Đức Thầy hoàn toàn bị bỏ quên.
Ta học đạo Thầy thì phải nghe lời Thầy dạy là chính. Những luận của các đại tổ sư là thêm phương tiện dẫn dắt phù hợp với giáo lý PGHH thì học hành theo, nhưng sự học hành theo không vượt quá sự cho phép của quyển “Tôn Chỉ Hành Đạo”.
Tu theo PGHH thì trước tiên là “lãnh bài Cầu Nguyện về rày mà tu”. Nếu cái trước tiên ấy làm không xong, lãnh bài cầu nguyện về chất đống hai ba cuốn trong nhà mà sai thì cứ sai vậy học đạo chi cho uổng. Lâm phàm độ chúng, biết trước là sẽ có số tín đồ dạy chẳng nghe lời, học ở Ngài mà chừng tu là tu theo kẻ khác, dám tranh luận lại Đức Thầy về tổ chức tang lễ, trì danh niệm Phật chứ không niệm bài cầu Tây Phương tiếp dẫn vong linh, nên Ngài đã biên rành mạch ra trong quyển “Tôn Chỉ Hành Đạo” mà vì duyên với PGHH không sâu nên họ bỏ lảng.
“chốn sơn lảnh bầy giờ mù mịt,
Cho nên ta dạy chẳng nghe lời”.
Theo tôi, khi một người lâm trọng bệnh có thể dẫn đến tử vong, ta niệm Phật ra tiếng cho bệnh nhân nghe hoài hoài để họ không bị xao lảng tâm qua sợ chết, luyến tiếc nhà cửa vợ chồng con cái, hình thức nầy ta gọi là “hộ niệm”. Đến khi bệnh nhân nhắm mắt lìa đời, mất hoàn toàn khả năng tu tập, cầu Phật cứu độ xem chắc ăn hơn mình niệm Phật cho vong linh nghe mà niệm  theo để tự độ.
Đức Thầy dạy đạo luôn chú trọng về khả năng giác ngộ của hạng người học tu ở tại gia cư sĩ mà đưa ra pháp môn vừa tu. Như chúng ta biết, phần đông người tại gia cư sĩ cuộc sống rất là bề bộn trong đó mưu sinh và tình cảm lấn chiếm một khoảng lớn. Việc tu niệm ít oi, căn bản hai thời cúng nguyện sớm chiều còn có khi rớt, ngồi niệm Phật sau mỗi thời cúng như sự khuyến khích của Đức Thầy là không có. Lúc sống khõe chưa tỉnh lòng niệm phật đợi đến lúc bệnh chướng tới cùng với thọ mạng làm sao mà chủ động việc tu? Giả như không chủ động việc tu, có người chủ động cho mình tu theo cũng được, đằng nầy thì khác. Đồng đạo đến trợ duyên, cầu an và hộ niệm trì danh Đức Phật A Di Đà cho bệnh nhân tỉnh tâm hướng thượng mà bệnh nhân xem mòi không tỉnh, có vị mình khuyên Niệm Phật thì họ lắc đầu, có vị đã không tự mình niệm Phật, nhờ người khác Niệm tiếp duyên mà thấy dường hơi như họ không thích. Nghiệp chướng đã đến với họ nhiều như vậy khi họ còn sống, chừng chết đi mà bảo Niệm Phật cho vong linh nghe đặng niệm theo điều nầy có phải là hy vọng quá đáng không?
Nghiệp chướng dẫn độ họ đi thì nghiệp chướng sẽ bịt mắt bít tai để mắt không thấy Phật đến cứu, tai không nghe ai phát ngôn trợ niệm nhắc nhớ cho mình niệm Phật. Đau nhức mình mẩy dễ khiến cái lòng u u minh minh, Giờ phút nầy cầu Phật Tây Phương tiếp dẫn sẽ là cách cứu độ hay nhất trong các cách cứu độ.
Thật là hữu lý khi Đức Thầy dạy về mục Tang Lễ, Trước tiên đặt bàn cầu Phật giữa sân nhà, đọc bài cầu nguyện cho người mới vừa nằm xuống được siêu sinh Tịnh Độ. Trong khi còn chờ đợi sự sắp đặt của ban tổ chức, người đạo đến tham dự lễ tang, không để lơ là qua các việc không đâu làm mất chánh niệm nên Đức Thầy bố trí công việc phật sự để ai cũng vào công việc Phật sự nầy gìn chánh niệm: “Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chấp tay niệm “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngủ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi tiếp dẫn vong linh A Di Đà Phật”. Nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc: “tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật”.
Như vậy, theo tôn chỉ PGHH ở mục Tang Lễ liên tục hết cầu nguyện siêu sinh Tịnh Độ nơi bàn Phật giữa sân nhà thì tiếp theo bài nguyện Tây Phương Phật tiếp dẫn vong linh. Huy cách rực sáng của “tôn chỉ hành đạo”qua phần Tang Lễ, tại sao một số huynh đệ không tin dùng, phụ phàn lời dạy của Đức Thầy? Áp dụng câu niệm Phật trong khoảng thời gian chỉ để cầu siêu sinh Tịnh Độ, cầu tiếp dẫn vong linh? Họ đã đi “lộn đường” hành “lộn chỗ”.
TỬ THÌ TÁNG
Theo chuyện kể về Đức Phật Thầy Tây An giáo tổ Bửu Sơn Kỳ Hương dạy tín đồ “Tử thì táng”. Đức Thầy là vị chuyển tiếp từ Bửu Sơn Kỳ Hương ra Phật Giáo Hòa Hảo, và Ngài là hậu thân của cái tiền thân Phật Thầy Tây An. Không nói thì chúng ta cũng biết tử thì táng. Trong nhiều trường hợp tiến trình tử táng có khoảng cách dài ngắn, mau chậm là do hoàn cảnh không thuận lợi cho việc tử táng như chết lúc chiều tối, ban đêm không lo kịp hòm rương, đào huyệt, hay chờ con cháu đi xa về gặp mặt cha mẹ Ông bà. Trong khoảng thời gian chờ đời, dĩ nhiên người đồng đạo với nhau phải có trách nhiệm đọc bài tây phương tiếp dẫn suốt cho đến khi chôn cất xong. Bị mất thời gian lâu bởi hoàn cảnh không thuận dòng nhưng chủ gia không có ý niệm để lâu đặng niệm Tây phương tiếp dẫn suốt 4 hay 8 giờ đồng hồ để rồi sau cùng khám đạo hạnh trong mình tử thi coi sanh về đâu như một số người PGHH tiếp nhiệm vấn đề. Xét ra trong tôn chỉ hành đạo của PGHH không thấy có tiết mục nầy.
Bàn như thế không phải tôi đả phá các học thuyết tôn giáo ngoài tôn chỉ hành đạo của Đức Thầy. Không theo và đả phá bài bác là hai chuyện khác nhau. Trong mục “Đối Đãi Các Tăng Sư” Đức Thầy viết: “Tất cả bổn đạo nên cung kính các Tăng Sư tu hành chơn chánh. Nếu các Ông ấy có dạy điều chánh lý, phải nghe lời”.
Điều lôi cuống sự chú ý ở đây, cái gọi là “dạy điều chánh lý” nó rất khác xa với tên chính danh “Tôn Chỉ Hành Đạo”. Tôn chỉ là khuôn thước của sự giáo dục còn “dạy điều chánh lý” là học thêm để thuần giữ Chánh Tư Duy. Nói một cách khác, tôn chỉ của một tôn giáo thuộc về đức tin mà học thêm điều chánh lý là mở rộng kiến thức. Bỏ đức tin tôn giáo mà học để trau giồi kiến thức về tôn giáo rốt cuộc sẽ không đem đến kết quả tốt.
Mấy hôm trước có người đến báo tôi hay, cũng một nhà tu khác nói rằng: Người chết, sau năm hay mười ngày còn có thể sống lại, khuyên đừng liệm vào quan tài sớm. Điều nầy tôi không đem tôn chỉ ra chứng minh để loại bỏ một học thuyết rổng. Đứt dây đứt ruột còn có thể nối lại được nhưng nếu đã đứt hơi thở chỉ chừng một giờ thôi là hết cứu đừng nói chi đến chuyện đứt hơi thở đến năm mười ngày mà nối được để sống. Như quý vị ai có từng đi hộ niệm cho người sắp lâm chung, cái chết của họ không phải như tai nạn xe tông, đạn bắn chết cái rụp, người bệnh chết từ từ dưới chân chết lên, tới đâu là da thịt lạnh vờn, hệ thống tuần hoàn không cung cấp máu đến đó, người ta khô máu là chết. Cái chỗ máu không được bơm đến, tức khắc thịt ở đó sẽ biến thành thịt chết. chết rồi thì thịt bắt đầu rửa thúi, Nhiều đám tang để niệm lâu bốn năm giờ sau là bủng lên mùi khó chịu, người ta phải đi lấy nước hương xịt ra cho áp mùi. Chết cách mới bốn năm giờ còn vậy, biểu chờ sau năm mười ngày để coi người chết có sống lại không thì tôi không biết những người ở quanh quẩn đó làm sao mà chịu nổi cái mùi ô uế.
Có thể đây mới chỉ là đưa ra lý thuyết, chứ nếu đã đem thực hành thì sự ô uế sẽ bị lây nhiễm không ít đâu! Chết một người mồ mả chưa yên thì đến nhiều người, nhiều người…Tôi không tin lý thuyết nầy trường tồn. Theo Đức Thầy “kẻ chết đã an rồi một kiếp” thì hãy lo cho người còn sống khõe mạnh tiếp tục tu hành, làm việc ích lợi cho đời nên qua mục Tang Lễ Ngài có phần quan tâm cho người còn sống “ Bởi vì người ta nhận định xác thịt là hư hoại, thì trong lúc chết chỉ đem chôn cất cho kín đáo, đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi”.
Dẩu ta không nghe lời khuyên của Đức Phật Thầy Tây An dạy hễ tử thì táng nhanh, táng gọn nhưng niềm tin là có, đồng thời Ngài dạy thực hành hai không 1, không mua hòm rương 2, mộ không đấp nấm. Ngài không quan trọng quá khi xác thân trả về cho Tứ đại, mà quan trọng hơn hết là thực hành “tứ đại giai không độ nhứt thiết khổ ách”như Bát Nhã Tâm Kinh dạy. Còn sống là chuyên tu, quán tứ đại giai không, khi đạt đến trình độ tứ đại giai không thì thân tứ đại đâu còn bị hành khổ mà lo. Đến lúc thân tứ đại bị đòi thì xét không còn dính dáng vì với ta nữa, vui lòng trả nó ngay về cát bui, trả không chần chờ “tử thì Táng”. Sấm Giảng “Giác Mê” Đức Phật Thầy Tây An diễn tả cái thâm trầm của Tứ đại giai không:
“Đi đâu cho khó nhiều đàng,
Kìa non bửu tự, nọ ngàn Ma Ha.
Kiểng nào kiểng chẳng có hoa,
Non nào non chẳng có tòa Thiên Thai”
Và câu:
“ Buổi cháu rau đã an phận khó,
Còn hơn người bán chó treo dê.
Khác thời uống nước Tào Khê,
Đói ăn Ma Phạn tối về canh tân”.
Đức Phật Thầy tây An cách xa ta, mà câu tử thì táng chỉ là truyền miệng làm ta ngại tin, nghĩ cũng có lý. Đến như Đức Thầy thì khoảng cách không còn xa nữa, có thể với tới là đụng. Những cụ xưa có thời gian sống gần gủi với Đức Thầy, nhiều vị tín đồ lão thành vẫn còn sống. Cái chuyện Đức Thầy đi đưa đám tang Ông Năm Hiệu, đọc bài Tây Phương tiếp dẫn không bày ra là bao lâu, chết bao lâu mới liệm và đem chôn, được các cụ kể rành mạch. Có Ngài ở đó nhưng Ngài không chủ trương đặt tay vào mình người chết mà khám đạo hạnh Ông năm Hiệu đi về đâu, bây giờ chúng ta nghe ai mà bày ra.
“ Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa Trời cầu nguyện rồi im lặng đi chôn”.
Danh từ “im lặng” đặt ở đây là pháp đối “chẳng nên rước những Ông Thầy dưng bông, đốt giấy tiền vàng bạc, xá phướng lầu kho…” để hòa vào sự thành tâm cầu nguyện, thành tâm đọc tiếp dẫn Tây Phương trong tang lễ.
Thưa chư đồng đạo! Chút tâm sự tôi trình xong. Cám ơn quý vị nhường cho tôi khoảng thời gian xứng đáng. Hy vọng quý vị và tôi có cái nhìn giống nhau để bảo vệ một cách bảo đảm giáo lý chân truyền của Đức Thầy, Phật Giáo Hòa Hảo.
Kính chúc thân tâm an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật

20/6/ 2015

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

CON CHIM KHỎI HỎI


Hôm nay tâm trạng tôi rất vui vì sáng sớm đã nghe giọng con chim cưng kêu lảnh lót: khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi. Tôi ra xem, nghe tiếng kêu trên cây mít, tôi cố để mắt trong chòm lá rậm, thấy tôi nó nhảy bún bún lên, cái đầu lút lắc, tính lóc chóc của nó y nguyên không đổi. Đúng là nó rồi, sau ba mươi lăm năm gặp lại.
Những năm tôi tu giấu mình trong Rạch Hang Tra, xã Cần Đăng 1980, nơi đó một vùng cây rậm rịt, rất ít ai qua lại nhưng chim muôn thì dồi dào đủ loại. Trong đó có loại chim mà tôi thích nhất với cái giọng kêu cặp ba: Khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi.
Sống nơi xa chợ phần mình tịnh khẩu không đi rộng tôi phải trồng lặt vặt rau trái đủ dùng; những thứ như là thuốc vòi tía, đậu váng tía, cà bắp, mướp hương…trồng để dùng, mỗi thứ một ít, nhưng ngày có một bửa cơm cho dù trồng ít cũng dư ăn, bà con lối xóm nếu ai muốn dùng cứ đến mà bẻ hái, cưng Khỏi Hỏi ở đây lâu, biết lòng tôi muốn giúp nên ai đến xin vì thì nó biết, nó kêu lên khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi.
Hôm nọ có đôi vợ chồng trẻ trông lạ lắm, đi đâu ngoài ruộng về ngang chỗ tôi, thấy đậu váng tía, cà bắp vun trái mà thèm. Lúc đó tôi ngồi đọc sách trên nhà, nhìn qua cửa sổ thấy tôi họ muốn hỏi xin mà tôi thì lúc đó mắt châm chú vào trang sách không để ý đến sự có mặt của họ, bổng có giọng con chim cưng kêu lên: Khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi. Nhưng họ vô tình với tiếng kêu của con chim bảo rằng: Ông Đạo không có nói chuyện, rau trái Ông trồng là Ông sẵn lòng cho, ai đến muốn bẻ hái vì thừ cứ bẻ hái khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi. Nghe tiếng con Khỏi Hỏi kêu cập ba tôi nghĩ là có ai đến muốn xin vì, tôi nhìn ra cửa sổ thấy có hai người một nam một nữ đôi mắt châm chú dàn đậu váng tía trái vun mâm. Tôi tìm cái thẻ ngăn làm dấu đọc sách mà không thấy, trên bàn tróng trơn, tìm xuống chân bàn cũng không luôn. Ai ngờ cái thẻ đã ở ẩn trong quyển sách khác. Xong tôi đi xuống thì thấy đôi vợ chồng trẻ đã đi huốt. Tôi vổ tay bốp bốp thì họ quay đầu lại, tôi ra dấu mời họ tùy thích muốn bẻ hái thứ nào, con chim cưng đậu đâu trên cành xoài kêu tốc lên: khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi.
Lần khác, một chú em đi cắt cỏ bò trên bờ gáo trước nhà đã nhìn thấy những trái mướp hương vắt chùm chùm treo lòng thòng trên mấy buội gáo vàng, chú cắt cỏ bò ngắm nghía cái dư ăn của tôi mà thèm lấy, con chim nó báo hiệu khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi tức thì tôi biết có người muốn xin mà không thấy chủ nhân. Tôi gấp đôi quyển sách đang xem, bước xuống đất thấy chú cắt cỏ còn đang ngó lên mấy trái mướp. Tôi vổ tay cho chú ấy quay mặt lại và tôi lấy đưa cây cần móc cu lim để tự bẻ về ăn.
Vì bị chánh quyền phát hiện tôi ở đó tu chớ không phải là cất cái trại giữ vườn, họ ra lệnh đuổi tôi đi và tôi đã ra khỏi đó vào năm 1985. Rất lâu tôi không có dịp trở lại rạch Hang Tra để coi con Khỏi Hỏi còn đó hay đi đâu. Sau ba mươi lăm năm tôi mới nghe lại tiếng kêu dễ thương của con chim Khỏi Hỏi. Rộn ràng với con chim do đó mà tôi siêng việc, đáng lẽ nay tới cử hái nắm rau lan hấp trong cơm là xong tôi lại muốn nấu nồi canh rau thập cẩm thuốc vòi, rau trai và một nắm lá bình bát trộn lộn với những thứ rau linh tinh không tên.
Lúc nầy thời tiết nắng nung, cỏ cây khô héo, rau thiên nhiên đâu còn nhiều. Rau thiên nhiên là thứ giống Trời Sanh, tôi nạnh để Trời tưới, tôi chỉ tưới một vuông rau Lan không quá mười lít nước mỗi ngày. Hái hết sau vườn xem chưa đủ một nồi canh, tôi ra trước nhà định quần trong mấy buội kiểng kiếm những thứ rau không tên ăn ké nước tưới kiểng bò phì đọt, bổng gặp mấy đứa trẻ với tay quằn bẻ những trái cốc tôi trồng, chúng nó là những đứa cháu thường đến chơi vui, tôi cưng chúng mà gặp vầy, tính bảo thủ không cho tôi thương yêu vì chúng nữa. Thấy là lòng phực tức, tôi định la lên và rược bắt chúng thì con chim cưng xuất hiện trên cây mít hông nhà kêu to như tiếng tu huýt thổi: Khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi. Tiếng kêu ấy đã chận dừng tôi lạy, dừng với một kiểu “thắng đúp”để tôi tự vấn lương tâm: Hồi xưa con Khỏi Hỏi nó kêu báo thì mình ra thị thiềng cho người ta bẻ hái đồ đạc mình trồng, nay chẳng những không thị thiềng mà còn cho người ta là trộm, định rược bắt nữa là sao? Kẻ mình cho là trộm lại là những đứa cháu cưng mà thường khi mình cho ăn uống hoặc tiền con số lên gấp trăm lần mấy trái cốc nó bẻ được. Phải chăng nhiều năm qua rồi không có con Khỏi Hỏi bạn cùng, mình đã phát sinh cái bệnh bảo thủ. Sáng nầy nó đã nhắc mà bây giờ mình còn định la rược bắt cho mấy đứa cháu mình thương lại là những đứa trộm sao?
Tôi rút vào nhà để mặc tình cho các trẻ bẻ hái Cốc, thảy cái rổ rau nhảy còng lên chỗ nấu ăn. Vào nhà chứ không yên để lo tịnh tọa theo nội qui. Không phải tôi bảo thủ những chùm Cốc trên cây mà giận con chim tới đây phá đám. Nó còn rất dễ thương như ba mươi lăm năm trước, chỉ có tôi mới không còn dễ thương. Trường hợp quá rõ ràng, nếu không có con Khỏi Hỏi kêu chận tôi lại thì tôi la rầy nặng nề các bé chỉ vì sợ mất năm mười trái Cốc của mình thôi.
Trong lúc tự trách mình, tôi bổng nhớ chuyện của Sư Giác Lâm Hòn Tre. Hôm đi mua đồ quảy lên mệt nghỉ trên đường, vì lúc sáng gánh xuống một gánh chuối, đã ăn uống xong rồi mà lên tới đây mới một phần ba đường thì mệt đuối người. Tôi ngồi nghỉ chân ở mái che của tịnh xá Phụng Hoàng, gặp Sư Giác Lâm tôi liền chào và Sư cũng chào lại. Sư ngồi nói chuyện với tôi một cách thân thiện. Sư hỏi… tôi nói là nay chặt chuối gánh xuống bán. Sư nhạy cảm về chuối kể tôi nghe câu chuyện như sau:
Hồi đó tôi cũng chặt chuối chín bói, trái no tròn mình thì mới đem xuống bán, nhưng sau tính già tính non tôi sang qua làm chuối phơi khô. Tính ra một ký chuối ép phơi khô tiền bằng chục ký chuối vú chín, gánh xuống nhẹ hửng trên vai mà tiền nhiều, đỡ vất vả mỏi mệt. Hôm tôi đang “hành nghề”có con chim bay đến đậu trước sân kiểng kêu to: Tu mà còn ép chuối, ép chuối, ép chuối! Tu mà còn ép chuối, ép chuối, ép chuối! Nó đi la phal ba chập, mỗi chập có ba lần ép chuối. Nghe kêu tôi bắt cười nôn bụng mà không nghĩ vì. Vài hôm sau tôi chợt nhận ra dụng ý của tiếng chim kêu, nó nói tôi “ Tu ” mà còn giành ăn tham lam quá. Sự thật, lúc chưa qua nghề ép chuối phơi khô thì trong vườn có chuối chín bói lai rai, chim ăn thừa thảy. Tôi nghĩ, chuối chín bán còn ế chớ chuối ép phơi khô không ế nên mỗi lần đốn chuối phải đốn cho nhiều, vú chất đầy buồng, ép bán một lần cho đáng tiền. Tới đợt đốn chuối, chuối già, chuối vừa tròn mình có khi còn đốn xâm phạm qua những buồng chuối mới đóng vóc. Chặt như vậy vườn đâu còn chuối chín bói cho chim ăn, nó mỉa mai cũng đúng, Tu mà còn ép chuối, ép chuối, ép chuối cũng có nghĩa tu mà còn tham lam, tham lam, tham lam. Nói “tu”mà còn tham lam giành giựt miếng ăn của chúng, nghe một lần là đủ quạu, nổi bồ đề gai. Mình giành ăn chắc con “ép chuối” nó giận lắm, nói tới ba lần.
Hồi đó chưa có con Khỏi Hỏi, Sư Giác Lâm nói có con chim kêu “Ép Chuối” như vậy tôi không dám tin chút nào, chừng có con Khỏi Hỏi, tôi thấy sự khôn ngoan của nó còn hơn con “Ép Chuối”của Sư Giác Lâm. Ép Chuối kêu lên với giọng mỉa mai, nặc nòng mùi giành giựt, Khỏi Hỏi kêu qua tính tươi vui, nói lời tha thứ, thấy có của dư là trông ai đến cần dùng đặng cho vừa ý: Thích vì thì bẻ hái lấy về xài, khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi.
Tuy tôi chưa la hoặc rược bắt mấy trẻ trộm trái Cốc. Thật sự chúng không hay biết vì về cái bụng ích kỷ bảo thủ của tôi, cũng chưa ai biết cái bụng tôi lúc đó mà cho hay là tôi định la bắt chúng để chúng sợ mà không đến. Giờ tôi nhận ra, tại vì cái ác tâm của tôi muốn phực cháy, sức cảm hóa không còn, đã mấy ngày liền sau cái hôm ấy, không có đứa trẻ nào đến để tôi cưng, và con Khỏi Hỏi biết được lòng dạ tôi giờ quá thấp, đã buồn, không còn thương tôi, di tản đi đâu! Qua mấy ngày không còn nghe tiếng kêu dễ thương của nó nữa, tôi chơ vơ mà nhớ mấy cháu cưng, chim cưng Khỏi Hỏi.

18/6/2015


Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

NÓI CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG CHUYỀN SKYPE


Cách hai hôm trước đây 11/6/2015, có một cô gái trẻ ở cách tôi rất xa mà qua đường chuyền Skype cô nói chuyện với tôi, âm thanh rõ ràng như cùng ngồi đối diện với nhau mà trò chuyện.Xưng hô bác và con làm cho tôi có cảm nhận rất là thân thiết nhưng ngại lắm. Tôi liền hỏi tuổi của song thân cô, cô đáp là phụ thân cô năm nay mới sáu mươi ba tuổi. Tôi hỏi: Sao cô biết tuổi tôi lớn hơn mà kêu tôi bằng bác? Cô đáp: nhờ có bạn Ngoãn cháu thân của bác mách trước. Ồ, thì ra là vậy. Đúng là phụ thân cô nhỏ tuổi hơn tôi, kêu bằng bác cũng được.
Vì có vào trang Blog Hòa Hảo Lê đọc các bài tôi viết Cô biết tôi là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Cô nói cô là người đạo Cao Đài, có biểu cảm tốt với các tín đồ đạo PGHH và rất ưng ý các bài viết trên Blog Hòa Hảo Lê.
Sau phần giới thiệu, tạo nét xưng hô đúng đắn cô dựng lên câu chuyện và sau rốt đặt thành câu nghi vấn dài sọc:
- Là người có đạo và với tín ngưỡng tôn giáo tha thiết, ngoài việc tu tâm dưỡng tánh con rất thích làm từ thiện. Chuyên môn của con là bào chế thuốc nam ra thành thuốc tán vò viên hoặc thuốc nước nấu cao đặc. Trong các mẩu thuốc, con chọn được bài thuốc trị nhức mỏi tài tình. Bấy giờ có một anh làm nghề bắt cá, dong thuyền lênh đênh ngoài biển khơi cả tháng hoặc hai tháng mới trở về bến trong khi người anh ta thường xuyên có bệnh nhức mỏi, nếu nhằm lúc bệnh phát tác mạnh thân thể suy nhược kém ăn mất ngủ. Qua nhiều lần đi khám bệnh ở bệnh viện mua thuốc về uống tốn khá nhiều tiền mà chưa có dấu hiệu giựt giảm thế nhưng uống thuốc của con phát thí lại trị đúng bệnh của anh ấy. Mỗi lần mở chuyến đi ra biển khơi anh xin thật là nhiều thuốc. Bà con trong đạo, những người có thiện tâm trong ngành từ thiện đã bàn tán với nhau là không đồng ý việc con giúp thuốc uống cho anh làm nghề hạ bạc kia với lý do: làm nghề hạ bạc sát sanh biết bao nhiêu là cá, họ khá lên là nhờ bắt giết nhiều sinh vật, ai giúp họ sẽ bị công nghiệp mà sau nầy chịu trả quả ít nhiều, để họ đau nhức quá sức chịu đựng họ có thể bớt lại nghề nghiệp chứ nếu uống thuốc sớm lành bệnh mạnh tay khõe chân sát cá còn dữ hơn. Những lời đàm tiếu xa gần như vậy, kính mong bác tư cho con xin ý kiến nên hay không nên việc làm từ thiện nầy với anh ta.
Tôi đáp:
- Cháu nè, đối với bác tư nếu bị đặt vào trường hợp của cháu thì bác tư nên giúp thuốc cứu bệnh cho người bệnh mà không đặt ở họ bất cứ một điều kiện nào. Chế thuốc trị bệnh, gặp bệnh đúng thuốc thì mau mau mà móc ra đưa ở  hỏi bệnh nhân là con của ai, ở đâu làm nghề nghiệp gì nữa sao! Cho dù thầy thuốc có vị nghiêng về tâm lý, hỏi han cũng để trau qua cảm tình chứ hỏi không phải để mang tính chia cách, từ chối.
- Bác có thể dẫn chứng thêm nữa những hiệu quả tạo nên sức thuyết phục làm người ta bớt ác cảm với những ai đang trong hoàn cảnh vật lộn với cuộc sống bằng nghề hạ bạc hoặc hơn thế nữa là mua sanh bán tử?
- Ta nên sử sự hà khắc mình, rộng lượng với người khác trên căn bản nội qui giới luật. Những người sống với nghề nghiệp đó, đôi trường hợp họ hết cách để tạo một nghề khác. Họ không có khả năng và thiếu nhạy bén trong việc tìm nghề và còn đôi khi bất tiện về mặt địa thế. Ta là người có tôn giáo, biết làm từ thiện để đem lợi ích  cho tôn giáo trên phương diện quần chúng, ta có cái nhìn, dầu sao đi nữa thì họ cũng là một chúng sanh như chúng ta mà các Phật Thánh Tiên đều rất quan tâm trong sự cứu độ. Chẳng phải trước khi làm thiện, vào đạo tu hành ta cũng là một người sống trong tội lỗi nhơ nhuốc đó sao! Đến khi phục thiện ăn năng thì cũng chính chúng ta đây đi lên cho chính cuộc đời mình bằng đổi mới hành động, ngôn ngữ, tư tưởng như qua trang khác. Những người ta có ác cảm với họ cũng có thể họ sẽ làm được các sự việc từ thiện ta làm, ta có thể hy vọng ở họ và giúp họ vượt qua những khó khăn nếu như họ cần mà sức họ chưa đủ vượt qua chướng ngại như chính ta cũng đã năm lần bảy lược vượt qua những chướng ngại. Gần gủi họ hay hơn là xa lánh, nếu bỏ họ sống ngoài tình thương của chúng ta là không thể được bởi họ đang cùng ta sống trong một xã hội, ta bỏ mặc họ vì là coi họ không xứng đáng nhưng họ đã cùng đi với chúng ta trên con đường đến chợ, và có khi trên con đường mà ta cùng họ đến Chùa hay đến Thánh Thất, Nhà Thờ lễ Phật lễ Chúa.
Người ta có những suy nghĩ, việc làm không giống nhau, khác hơn ta một chút thôi thì ta nâng quan điểm để loại bỏ họ và tự đề cao mình hành động xa lánh kịp lúc kịp thời để cứu mình. Xa lánh kẻ xấu mà bảo tự cứu mình là chưa hoàn toàn đúng bởi tự cứu cái xấu là không bàn đến cái xấu của ai và không liên quan đến cái xấu của ai, tự cứu có thể là một phản ứng trung thực từ chối mọi ý nghĩa ngoài mình. Nếu ác cảm đã bị dồn chứa với những người ta ghét bỏ họ, ta sẵn sàng dìm họ xuống đáy sâu vực thẳm cũng chính là lúc ta bị té rớt xuống vực thẳm sông sâu ngay trên tuyến đường ta gọi là hành trình về cõi Phật.
Đức Tôn Sư PGHH dạy bài nguyện Quy Y Tam Bảo cho tín đồ. Tam Bảo tức là ba ngôi báu, ngôi báo ở hàng Phật, ngôi báo ở hàng Pháp, ngôi báo ở hàng Tăng. Trong ngôi Phật Bảo Ngài dạy niệm đến Thập phương Phật cứu độ chúng sanh thoát khỏi các sự khổ. Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Thầy Tây An và Kim Sơn Phật (Đức Thầy) đều là Phật trong mười phương thế giới lâm phàm cứu độ chúng sanh. Danh từ cứu độ dành cho các đấng thiêng liêng nhưng bị cứu độ hầu hết là phàm tục vướng ít nhiều tội và nghiệp. Tín đồ nhà Phật ăn chay kính Phật tu hành đồng thời trong chánh nghiệp tránh kiếm ăn bằng nghề sát giết, nhưng ta vẫn còn là người phàm tục luôn khẩn cầu sự cứu độ, sao ta học hạnh Phật mà lại tránh cứu độ, thân thiện với những người phàm tục khác và họ cũng rất cần sự cứu độ của Phật. Sao ta lại làm cái chuyện vô lý với người khác mà cầu có lý với Đức Phật cho mình.
Đừng nói tại vì ta chưa thành Phật nên không thể hay chưa thể thương yêu chúng sanh như Đức Phật thương yêu chúng sanh. Lý luận như thế là không  đứng vững qua thuyết học Phật.
Người thế gian ai ai cũng mong cầu hạnh phúc, mang sự mong ước người ta đi tìm hành phúc mà hành phúc có thể càng lúc càng xa. Có người chỉ đạt yêu cầu qua điều mình mong ước thì người ta lại tin mình là người đang hưởng hạnh phúc. Xét ra chỉ là hạnh phúc giả tạo mà thôi. Hạnh phúc không ở ngoài ta mà cầu mong, xin xỏ cũng không phải ở xa ta mà chờ ngày giờ đi tới. Nếu nói hạnh phúc là sự trông cậy ở giàu tiền của, quyền tước, đẹp lứa đẹp đôi thì ta cũng thấy trước mắt có những gia đình sống sang, dư tiền của mà trong nhà thường sanh cải vả, đi đến bất hòa, hờn giận, có những đôi vợ chồng đẹp lứa đẹp đôi chưa đi được nửa đoạn đường tình thì lại chia tay, bỏ nhau qua một đường tình khác, con cái họ rất khổ vì sau nầy có hai ba cha, hai ba mẹ mà không thể dựa thân được ở cha mẹ nào. Gặp những trường hợp vừa kể không ai có thể giải thích như vậy là hạnh phúc.
Đức Tôn Sư PGHH đưa ra một mẩu hạnh phúc chính xác và thật tế hơn các thứ hạnh phúc mà ta đèo bồng. Qua đây Ngài không đặt cho những ai mong cầu hạnh phúc ở mực thước nghèo giàu, dáng vẻ đẹp hay xấu mà đặt ở một vị trí đạo đức rất vinh dự cho chính họ
“biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng,
Đưa nhơn loại đi vào vồng hạnh phúc”
Trong một gia đình mà chồng có cái đạo của chồng, vợ có cái đạo của vợ, cha có cái đạo của cha, con có cái đạo của con, mẹ con, anh em. Phận ai có đạo nấy làm gì có xảy ra buồn giận, mất lòng, họ sống để thương không có song để ghét, sống để giúp nhau không phải sống để hại nhau. Hạnh phúc tuyệt vời, tuyệt diệu, làm gì có cái cảnh mà người trong nhà né không muốn gặp mặt, né không ăn chung mâm. Những gia đình vì chú trọng đồng tiền, chú trọng sắc đẹp trong tình yêu đôi lứa, họ lo ôm ấp đồng tiền, giữ gìn sắc đẹp mà cải cọ sanh sự lu bu. Sống chung nhà nhưng không có ý nghĩa của mái ấm, sự sợ hãi, lo lắng như ở gần ổ Ông vò vẽ không biết nó bay ra đánh lúc nào.
- A lô! Cháu còn nghe đó không?
- Dạ thưa bác con còn nghe.
- Hằng ngày chuyên môn của cháu là gì?
- Từ lúc Ba mẹ con giải nghệ kinh doanh nhà máy bột mì, Ba của con đi kiếm thuốc nam vườn, tự nguyện làm việc cá nhân, kiếm được bó bao nào về chặt lác phơi khô chuyển cho các phòng hốt thuốc nam từ thiện. Con thỉnh thoảng cũng tiếp ba chặt thuốc ra phơi.
- Chỉ là thỉnh thoảng thôi sao?
- Dạ
- Lúc không phải trong “ móc” thỉnh thoảng thì cháu làm gì?
- Con thường đi quét lá bụi ở Diêu Trì cung.
Nghe cháu nói chuyện cháu thường đi quét lá bụi ở Thiên Hỷ Động Trí Huệ Cung bác tư bổng nhớ đến một Ông “dốt” mà người đời biết chuyện hay gọi mỉa mai “dốt như bàn Đặc”, nhưng xét chúng ta gặp gỡ lâu, đến lúc cần phải nghỉ đây để qua một vụ việc khác theo thời dụng biểu. Cám ơn sự quan tâm theo dõi của cháu.

15/6/2015


Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

NÓI CHUYỆN VỚI MỘT SỐ VỊ TU ĐỘC THÂN TRẺ TUỔI


- Dạ con xin chào chú, con xin chào chú, con xin chào chú!
- Thôi nè, một người đại diện nhóm chào chú là được rồi, để chú còn chào lại chứ, chào các cháu!
- Dạ, chúng con xin chào chú
- Các cháu khõe phải không?
- Dạ phải.
- Tu hành có tốt không?
- Dạ…
-Sao ! khó nói hả? Nói không được thì thôi, vậy huề để không ai bận tâm việc nầy nhá.
- Dạ, nếu hôm nay chú rảnh chúng con xin được hầu chuyện với chú.
- Là chuyện gì?
- Dạ cho chúng con nhiều nhiều lời khuyên tu như chú đã tu, phù hợp với sự tồn tại của chú.
- Chú đã tồn tại sao? Ồ, nào hay bản thân mình có như vậy. Cũng được, muốn thế các cháu có chuẩn bị sẵn chưa?
Người đại diện nhóm đưa ánh mắt đảo qua từng huynh đệ với ngụ ý mời mọc. Được nhiều người gật đầu, trưởng nhóm nói:
-Chúng con sẵn sàng, thưa chú.
- Sự tồn tại của chú mà các cháu vừa khen tặng đi từ lập trường:
1/ Giữ hạnh cách tu độc thân.
2/ Luôn được đánh thức chính mình.
3/ Luôn xét mình ở vị trí nào trên đường tu.
1, Chúng ta bắt đầu từ số một, giữ hạnh cách tu độc thân nhá!
Như quý vị cũng biết người có lập hôn sự ai cũng than rằng rất khó tu. Chúng ta không lập hôn sự mà nói ra cái khó tu của những ai đã bị trói buộc trong vợ chồng người ta cho là không mấy chính xác. Nhưng ta đã mắt thấy tai nghe về người khác có thể coi là chính xác được chứ! Sự than van kêu khổ của những người tu đi trong hoàn cảnh vợ chồng và con cái rất khó giải quyết gút mắc bởi những đối đải không suôn. Không khí gia đình đôi khi còn chưa có lành mạnh trong sinh hoạt áo cơm lựa là không khí của sự tu qua sở trường tịnh niệm.
Độc thân dễ tu và đồng thời gánh vác việc giáo hội, tôn giáo, như lời Đức Thầy dạy:
“Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
Công Đức Phật từ bi vô lượng”.
Chúng ta hiểu đoạn giảng lý vừa trích đọc trên dạy người tín đồ nhà Phật phải nằm lòng hai điều quan trọng là hành đạo và truyền đạo đến với mọi người, làm rõ thanh danh của Đức Phật, Đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo để dân chúng khỏi ngờ nghi, giữ hạnh chơn tu làm gương là có tư cách một nhà “truyền bá kinh lành” đúng ý nghĩa.
2/ Luôn tự đánh thức chính mình.
Đã quyết ở độc thân chuyên tu thì phải luôn thức tỉnh lấy việc tu làm trọng, hạng chế đến mức tối đa sự thân thiện với người khác phái, nhất là đối tượng mà ta và họ chỉ cách nhau một tấm vách dừng. Luôn củng cố vách dừng đứng vững và kín đáo, nếu tấm vách dừng giữa ta và họ mà thiếu kín đáo, rò rỉ tình cảm lâu ngày sẽ bị đổ thì sự tu độc thân hết có chỗ dựa vững chắc, nếu hai bên dựa vào nhau là đi đến chấm hết, đào ngũ.
Bất cứ người tu hay không tu sự sống cũng muốn có lợi ích. Lợi ích của người không tu là nhắm vào việc làm có nhiều tiền, nhiều danh vọng, lợi ích của người tu nhắm vào mục tiêu Niết bàn và làm gì cho có lợi ích chúng sanh. Phân tích như vậy mà thiếu hành động cụ thể, xác thực, chỉ là ước muốn suôn thì không thể đạt thành sở nguyện.
Người đi buôn xuất vốn nặng thì phải lời to, xuất vốn một đến hai trăm triệu cho chuyến buôn cả tháng mà lời một vài triệu đồng là không ổn đâu. Vốn nhiều mà lời ít oi như vậy, ăn không bao nhiêu mà thua thì thua nặng. Người tu độc thân ví như người đi buôn xuất vốn to, không ham sang giàu, chẳng màng danh vọng v.v..., quyết lòng cắt đứt những chằng chịt thế gian, sống là phụng sự suốt cho Phật, hứa hẹn với Phật sẽ tu chứng đắc Niết bạn Diệu Tâm, Tự Tánh Không Sự hoặc về cõi Phật sau khi cởi bỏ huyễn thân ô trược nầy là một sự hy sinh rất lớn cho đại cuộc Phật giáo, cho giác ngộ chúng sanh. Đem vốn liếng đầu tư vào giác ngộ như thế là quá lớn. Tính vậy mà chừng tu chỉ tu cầm chừng thôi, tu cho có tu với người ta là kể lổ chắc đi. Rốt cuộc vốn to lời nhỏ, lỡ xui xẻo một cái là tương chau tàu hủ mấy mươi năm văng sạch bách.
3/ Luôn xem xét mình đang ở đâu trên đường tu.
Còn hiện diện trên đường tu hay đã lạc nẽo. Tu cái cỡ mình đang tu nhắm có kịp với thọ mạng tới bất ngờ? Để thấy rằng tu như vậy còn chậm lắm, không kịp mới tự động kéo lên một chút ga. Tu lên được vị trí chủ tu thì thọ mạng đến bất cứ lúc nào cũng không sợ, chủ tu là chết ở đâu, cách nào cũng được vãng sanh. Nếu không kéo lên một chút ga, chập chạp chẳng những không kịp thời gian mà còn bỏ mất cái vị trí chủ đạo để vọng niệm chen vào làm chủ tình hình, cúng lạy ăn chay suốt kiếp cũng không có cái vé đi về Cực Lạc cho mà mong.
Trong đường tu nếu để vọng niệm làm chủ tình hình, có đòi kéo dài thọ mạng, chừng chết đến vọng niệm chúng sanh cũng bao bít nữa thôi, nó có cho mình cầu cứu Phật đâu mà mong sống lâu đặng tu. Nếu bị thần chết đến hãy giải quyết ngay tại chỗ các thứ nợ nần và thủ tục xuất cảnh sanh sang Cực Lạc, đừng ở đó mà cầu sống thêm. Tu Pháp Môn Niệm Phật quyết một lòng cầu vãng sanh Cực Lạc ngay sau khi bỏ xác. Ước nguyện bấy lâu đã đến, thần chết điều hòa huyễn thân trả cho tứ đại còn ta nhất tâm niệm Phật là được vãng sanh, chết đi để vãng sanh mà sợ chết, hết sức là mâu thuẩn. Hãy khắc phục đừng để mâu thuẫn tồn tại trong lòng.
Quý vị tu độc thân! Đời đã khen tặng quý vị là Tu Sĩ. Mang danh Tu Sĩ thì phải có chuyên nghiệp vụ tu hành, bảo trì chánh pháp, đừng để có thêm nghiệp vụ nào khác trong thế gian, giữ gìn hạnh cách, treo gương tu cho người ta ngắm mà phát tâm. Treo gương tu  tôi nói là cái tự nhiên trong đời tu chứ treo gương không có nghĩa là bẹo ra những thứ màu mè. Màu thật tốt hơn gấp trăm lần màu do sơn phết. Màu sơn thì có ngày sẽ tróc nước sơn, lòi ra cái xấu xí, dễ chán thì ai dám gần mấy người tu lè phè cho mình có cơ hội “truyền bá kinh lành”.
Tôi xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện đã diễn ra trước mắt tôi, làm tôi phát sinh tự ái vồn dập:
Năm 1972 tôi ra tu ở Hòn Sơn Rái, cùng với quý vị Lý văn Cưng, Phạm chí Hiếu (mười Cọp), nhà họa hình Bùi văn Chiến và Ông Tư Dính (thường gọi là Ông Tư Hòn). Mỗi vị cất một cốc riêng, cách nhau huốc tiếng động. Xứ hòn thanh tịnh nhưng kỳ cục hết sức là mỗi ai từ đất liền ra tu không sớm thì muộn cũng bị bệnh chứng sốt rét hoằn hoại đuổi về. Lý văn Cưng, Phạm chí Hiếu, Bùi văn Chiến đã lần lược bị chỡ về đất liền, còn lại tôi với Ông tư. Nhưng Ông ấy lớn tuổi không chọn ở trên cao như chúng tôi mà ở dưới dốc xa kia, nên khi trên nầy tôi bệnh không liên lạc được Ông. Bệnh hết nóng tới lạnh, hết lạnh tới nóng, cứ vậy mà chịu đến ba ngày không cơm cháo thuốc men Ông tư nào có hay đâu.
Chỗ tôi ở có cái giếng nước ngọt suốt bốn mùa lạnh vờn, mấy người thợ rừng thích uống nước giếng nầy lắm. Khoảng 8 giờ sáng bửa nọ, có hai người thợ cưa cây mang cơm đến chỗ tôi, bày ra ăn để uống nước và múc theo lên rừng, lại là cái lúc tôi bị lạnh rung lên, kêu cứu, hai người bỏ bửa chạy vào am tranh thấy tôi nằm hoằn hoại, da mặt, mình tôi rờ vô sần sùi như đụng phải tờ giấy nhám. Hai thợ cưa cây trở ra ăn hết phần cơm rồi giấu các đồ nghề thay phiên cõng tôi xuống núi. Tôi yêu cầu đưa tôi đến nhà Ông Năm Khoai. Hai vị ân nhân giao tôi rồi đi trong lúc tôi quá yếu đuối, không sức để nói tiếng cám ơn.
Tên thật của chú năm Khoai là năm Sử, biết Ông có miếng đất vườn và rẩy khoai gần chỗ chúng tôi ở tu, cách nhau một thung lủng với nhiều cây rừng đậm đặc. Có lần Ông đào khoai đem cho chúng tôi vì thế mà tên của Ông trở thành Năm khoai. Nghe đâu Ông Bà nầy có nhà vững chắc ở Rạch Sỏi, thích cái thanh tịnh của đất hòn mà ra tạo đất lập vườn, dựng lên căn nhà nhỏ đơn sơ dưới mé biển xã Lại Sơn. Tôi được hai ân nhân cổng đến đây, không biết từ vách buồng vào trong rộng hẹp thế nào chứ trước thì một bộ vạt nằm bằng cây đủng đỉnh và một cái bàn Mây với vài chiếc ghế Mây. Chú năm trải chiếu để tôi nằm trên bộ vạt nói trên. Nhà nghèo nhưng tình người thì rất là ấm áp, Chú thím săn sóc tôi như người thân, thím năm nấu cháo gạo trắng tẻ đến ba nước mới cho tôi ăn, chú năm thì vội vả đi kêu y tá đến khám bệnh chích thuốc. Anh y tá vốn là con trai của bác ba Quản Xứ, bác có miếng vườn to trồng Chuối và Mảng Cầu cách dưới chúng tôi khoảng ba trăm mét, bác cho chúng tôi tha hồ bẻ hái, nhưng chúng tôi lâu lâu đến chỉ bẻ bắp chuối trổ tàn.
Anh y tá chích thuốc cắt sốt tài tình, sau một giờ đồng hồ mình mẩy tôi ráo quảnh, như sứt một cục đá đeo. Thấy tôi khõe, tối đến chú năm bắt chiếc ghế mây ngồi gần nói chuyện với tôi để tôi đỡ chút ngại. Tôi quên mất nguyên nhân từ đâu chú kể ngọt sớt câu chuyện “Người Thạch Nữ Sắp Sanh Con”. Chuyện kể chưa dứt thì thím năm phản ứng:
- Ông thôi đi! chuyện không thấy thì đừng đem mà nói, ông không sợ bị đọa địa ngục khi nói xấu Sư Thầy?
Chú năm dẫn chứng:
- Cái bụng của thạch nữ bự tổ bà chảng chưa đủ nói lên sự thật sao?
Ông bà cãi cọ mãi, tôi mệt chứ cũng rán mà khuyên hễ Ông yếu là Bà mạnh, Ông mạnh là bà yếu. Cô con gái lớn của chú thím, dân đi làm từ Sài Gòn về thăm mấy hôm, nghe tức đâu hồi nào, chịu hết nổi câu chuyện, chọi thẳng vào mặt mẹ:
- Bà sao mà dễ tin mấy Ông đạo quá, nói hơi chút là binh, làm như mấy Ông tốt dữ, Xuýt!
Nghe thấy đứa con gái quá lộng bướng, tới cha mẹ còn không nhường chú năm sợ mất lòng tôi nên dỗ an đứa con gái:
- Con gái không được nói luôn tuồng như vậy, ba nói người nào trật có người, con dùng từ “mấy ổng” là xúc phạm đến sự tu hành của người tu chơn chánh.
Cô gái lặng lẻ vô buồng, cuộc chiến tranh của chú thím năm cũng từ đây mà kết thúc.
Các cháu thân mến! nghe qua câu chuyện có chỗ nào làm cho các cháu giật bưng lòng không? Tôi thì có đấy. Không phải đau lòng vì bệnh hoạn thê lương. Chú năm Khoai kể chuyện “người thạch nữ sắp sanh con” đã làm cho tôi tự ái chút chút. Tự ái chút chút thì sức còn chịu được đến cô con gái đã chọi thẳng vào mặt mẹ mình “bà sao mà dễ tin mấy Ông Đạo quá, nói hơi chút là binh, làm như mấy Ổng tốt lắm vậy, Xuýt!” Thì tự ái trong tôi dồn dập. Thím năm bị phang siểng niểng ngồi im ru còn tôi mắc cở đến ốc ác nổi đầy mình.
Mong rằng nghe chuyện vậy những người tu có tiêu hướng độc thân cũng biết mắc cở dù quý vị không phải là những nhà tu hành bê bối dan díu với thạch nữ bị người đời trêu chọc. Hy vọng những lớp tu trẻ sau nầy có hạnh cách đúng đắn trong cửa thiền môn để người thế gian không còn có câu miệt khinh nhà Phật Giáo “Bà sao mà dễ tin mấy Ông đạo quá, nói hơi chút là binh, làm như mấy Ổng tốt lắm vậy, Xuýt!”
Nói chuyện khá lâu, đến lúc phải chia tay, chúc các cháu bồ đề tâm tinh tấn.

12/6/2015