Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

NGƯỜI MUỐN TU

Người muốn tu, chữ tu có nghĩa là sửa. Theo định tự trên, người muốn tu tức là người muốn sửa mình. Ý nghĩa của sự sửa là gì? Ví dụ: làm sai thì sửa cho đúng, người có hành động cong queo sửa cho ngay thẳng, gian xảo sửa ra chơn thật, u mê sửa cho tỉnh táo, cố chấp sửa ra dễ dải… và sau rốt của các cái sửa là sửa từ chúng sanh trở thành Phật.
Tại sao phải sửa?
Đi từ vô minh mà thành người hay thành thú vật. Do vô minh dẫn đi hành nghiệp sai trái, gian ác, cong quẹo, mê nhiễm… chịu đọa trong sáu đường, nay nhờ quy y đầu Phật mà thức ngộ được những hành động sai trái, gian ác, mê nhiễm … của thời quá khứ thì đi ngược lại; ngược với gian ác là lương thiện, ngược với cong quẹo thành ngay thẳng, ngược với gian xảo là chơn thật, ngược với mê nhiễm trở nên tỉnh sáng.
Luận lẽ thì như thế, nói coi bộ dễ nhưng thực hiện, cho dù hành giả quyết tâm miệt mài hy vọng một kiếp sang bờ giác cũng thấy là thiên nan vạn nan. Vô minh làm cho ta có thói quen nhận giả làm thật, có thói quen ham tiền tài danh vọng và bất kể thủ đoạn để có được cái ta ham muốn; vô minh đã làm ta có thói quen nóng giận, ganh ghét, buồn tủi trách móc, dẫn đến thái độ thổ lổ, gai ngạnh, không đẹp đẽ chút nào. Nay đối ngược với những điều nói trên thì phải dũng cảm, can đãm hành sự; bởi đó, con người khi bàn đến chữ tu thì biết rằng tu là đi ngược dòng đời. Theo thuyết Phật Giáo, chúng sanh từ vô thỉ chẳng biết có trăm muôn ngàn kiếp nào lên lên xuống xuống sáu nẽo luân hồi, giờ theo phật bổng chóc đòi ra khỏi vòng quay đó chỉ trong một kiếp đã làm không ít người có vẻ nghi ngờ; kẻ kém đức tin tôn giáo đạo Phật, nghi ngờ pháp của Phật thuyết ra, trên con đường luân hồi từ vô thỉ, không ngoại trừ những việc làm ác mà nay chỉ một kiếp nầy thôi được “xá tội tiêu tai” và “thoát luân chuyển” thì thật đáng nghi ngờ. Người tin tưởng lời Phật thuyết nhưng nhìn lại quá khứ của hiện kiếp có nhiều gian ác và ám chướng, không tin bản thân mình khó có thể chỉ trong một kiếp nầy đây thoát khỏi luân hồi. Do đó, qua sự tu hành không tự tin thì đâu chịu nổi vất vả với công cuộc chuyển mê thành giác, chuyển vọng thành chơn, chuyển sanh tử thành Niết Bàn. Nói đến vất vả, tức chịu nhọc công ngăn chận sự nổi dậy trong lòng, chỉ sợ là chúng sanh “ngựa quen đường cũ” mà nửa chừng hư việc nên Đức Thầy dặn dò kỷ lưỡng:
“Muốn tâm tánh ngày kia sáng tỏ,
Thì Khổ-Đề phải chịu nhọc nhành.
Lòng dục tu thì phải thì phải thiệt hành,
Chớ đừng có ham điều sung sướng.
Đức Phật-Tổ nào đâu hẹp lượng,
Chịu nhọc nhằn mới rõ Đạo-Đề.
Thấy một đường thẳng bẳng mà mê,
Ôi chừng đó mới là mầu nhiệm.”
Nếu là hành giả, tất nhiên sẽ thấy được điều nầy: khi đã phát nguyện tu, từ đó, ai cũng muốn làm thiện chớ không làm ác, nghĩ thiện không nghĩ ác, chánh niệm chớ không vọng niệm. Vậy, tự hỏi lại lòng mình, thực hiện các điều mong muốn nói trên kết quả tới đâu? Cái chuyện làm thiện không làm ác là dễ, đến nghĩ thiện không nghĩ ác khó hơn một chút nhưng kiên trì vượt khó thì có thể được, còn đòi hỏi phải chánh niệm chứ không vọng niệm chúng sanh, trong khi người ta ở hàng tại gia cư sĩ tự lực cánh sinh, vừa làm vừa tu, sự thách thức đối với họ cao biết bao nhiêu.
Tạm thời ta để cái việc vừa làm vừa tu sang một bên nhá! hãy nói trong lúc chỉ có tu thôi, là công phu của hai thời sớm chiều mỗi ngày và tọa niệm nối liền thì vọng niệm sao nào? Nói thiệt đi! nó có càn quét, đùa hốt, chụp lia chụp lịa trong thời gian ta dành riêng cho công phu tịnh niệm không? Lúc sáng đi chung trên tuyến xe đò nghe ai đó nói về cách làm giàu, ngồi trong quán nước nghe cô kia nói về tình duyên, sắc đẹp, trên đường quê có ngôi nhà ai mà đẹp hực hở trong xóm nghèo nàn… những điều mắt thấy tai nghe đã bỏ qua rồi, đáng lẽ là lúc “nhạn vô vi tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tăm”( nhạn không còn lưu dấu dết, nước không để lại bống hình) mới phải. Qua được hãy để cho qua, hà cớ gì cánh nhạn đã bay qua, bay tít mù xa rồi mà đòi cho nước phải lưu dấu dết của cánh nhạn? Cái chuyện ngồi trên tuyến xe đò, trong quán nước, đường quê qua được thì qua luôn đi, để lòng thanh tịnh cho hạt minh châu xuất hiện chẳng hay hơn là kêu quá khứ về làm xáo trộn tinh thần?
Vào tu, ta rất ưng ý câu “Lòng hiền giữ vẹn sớm chiều, xem kinh Niệm Phật mỹ mìu mặc ai. Chắp tay niệm Phật Di Đà, lòng ta ta biết ai mà mặc ai”. Ưng ý đâu thì nên để cho sống mãi ở đó, hà cớ gì sự ưng ý của mình bị thay đổi mà mình không hay? Soạn căn phòng, chỗ ngồi nhiệm Phật, chọn tấm tọa cụ trông cũng dạng chuyên nghiệp tịnh niệm mà động ầm ầm, vọng niệm tấn công, chụp hốt lia lịa trong giờ tịnh tọa không hay hoặc hay mà bất lực? Nên đây nói, ngăn chận sự “ngựa quen đường cũ” là đúng thôi.
Ngăn chận những gì?
1.  Hạng chế tối đa những cuộc tiếp xúc, trò chuyện chẳng những vô bổ mà còn xoáy mòn hạnh nguyện giải thoát. Chướng ngại của người tu phát sinh từ những cuộc tiếp xúc quá sâu vào dòng đời, mất thời giờ là một lẽ, tiếp xúc còn bị cắt xén chánh niệm ở hiện tại mà tương lai, do sự tiếp xúc quá sâu, chủng tử ấy đã rơi vào A Lại Da thức, nó có khả năng làm mới vấn đề bất cứ lúc nào nếu ta hơ hỏng nó sẽ phựt dậy ngay.
2. Nghiêm trị việc đốt thời gian tìm hiểu, xoi mói chuyện của người khác và những người hay tìm hiểu xoi mói người khác. Tìm hiểu xoi mói chuyện của người khác là tìm hiểu xoi mói chuyện không đâu. Đáng lý ta phải dành hết thời giờ có được, tập trung vào việc tu tâm dưỡng tánh cho tâm tánh sớm mau thành “Đài Nguyệt Kiến, Nước Bích mùa xuân” theo lời dạy của Đức Thầy. Bỏ mình để theo bọt nước, mây bay, đố khỏi đời mình sẽ trở thành bọt nước mây bay. Ngược lại, nếu hành giả bị người khác chỉ trích xoi mói chuyện có nói không, chuyện không nói có cũng đừng vì chuyện phải quấy mà giải thích, đôi co mất thời giờ mà lại bận tâm.
3. Chấp nhận bất khả xâm phạm, giữ vững lập trường chuyên tu, lòng chỉ cầu thành Phật hay vãng sanh Tịnh Độ. Đối với việc ăn sống có hơi nghèo nàn thiếu thốn mà tấm lòng không thiếu với Phật vẫn tốt thôi. Bằng như lòng còn nghĩ vớ vẩn đến chuyện sống nghèo thiếu thì cũng nên suy xét, muốn có cuộc sống khá hơn một chút mà nhờ người ta cho mình là không xứng đáng còn mình bỏ công ra làm để có được khá hơn e công phu tu tập sẽ từ đây mà bị bế tắt hoặc sụt giảm đến mức thấp tệ. Công phu bị sụt giảm sau nầy có quyết tâm lấy lại cũng khó được như xưa.
Mục tiêu của người tu là theo Phật về cõi Phật khi mãn kiếp hồng trần, cho dù gặp cảnh nghèo thiếu bao vây cũng nên phá vòng vây tiếp tục hành trình về cõi Phật. Người ta chỉ chọn một trong hai hướng: Luân hồi và Giải thoát, dĩ nhiên ta chọn giải thoát và điều nầy, không phải chọn xong rồi bỏ đó, đi theo vật chất trần ai suốt mà giải thoát đến với ta. Cần có hành động cụ thể sự giải thoát chứ nói lý không là chưa xong đâu. Ham có cuộc sống đầy đủ hơn nó thuộc về ràng buộc ngược nghĩa với giải thoát, vì vậy, sự ham hố ấy không còn là vấn đề quan trọng. Chuyên tu, gìn giữ chính niệm mà sự sống có bị thiệt thòi nên chấp nhận, đừng để chuyện ấy động tâm, vì tâm vọng động làm ta mất chánh niệm ngay tức khắc, giải thoát quay lưng đóng cửa với ta, ở ngoài cửa ta chỉ còn có ràng buộc sống chung mà thôi. Đã chọn hướng giải thoát mà đi thì đường luân hồi từ nay bế tắt.
Xưa, có một thời nước Triệu gặp nạn nhiều chuột, phá hại mùa màng, đồ đạc trong nhà bị cắn tả tơi. Nghe đồn ở đất Trung Sơn có giống mèo bắt chuột rất giỏi, một nhà nọ đến đấy xin mèo về cho nó bắt chuột. Con mèo nầy giỏi thiệt, bắt chuột mà còn thêm tài giật gà. Chuột chưa bắt hết mà gà nuôi trong nhà hao hớt rất nhiều, thằng con ông chủ nghĩ rằng nếu để mèo ở đây lâu nữa chắc không còn con gà nào mà ăn, nó liền ý kiến với cha rằng: Tưởng xin mèo về nuôi là muốn cho nó bắt chuột, ai ngờ gà nó cũng giật ăn, cha nên đuổi mèo đi cho khuất mắt cái đồ ăn hại! Ông cha thằng nhỏ nghe thế đáp một câu tỉnh queo: Mặc kệ nó bắt gà bao nhiêu là bắt, quan trọng của tao là diệt sạch chuột, không còn gà ăn thịt, thiệt thòi một chút cũng không sao, là chuyện nhỏ, cái mối lo sợ của tao ở nơi có chuột chớ không phải ở nơi không gà: Chuột ăn vụng đồ của chúng ta, cắn phá quần áo, xoi lủng phên vách, cả nhà ta đã khổ triền miên với nó, người ta thiếu gì người không ăn thịt gà có ai kêu như vậy là khổ đâu. Cũng ở trường hợp mèo bắt chuột, để diễn tả nội tâm, ông Thanh Sĩ có những câu sau đây:
“Mèo rình chuột ngó trân không nháy,
Người bắn cung nhắm cái hồng tim,
Nhớ rằng trong lúc ngưỡng chiêm,
Bao nhiêu ý niệm phải nghiêm một chiều.”
Người tu nếu được tâm trạng như người nuôi mèo kia mà đối đải thì vọng niệm chúng sanh hết còn cửa để sống. Không gà để ăn chỉ thiệt thòi nhỏ trong khi còn chuột trong nhà sẽ hại to. Ta muốn thường trụ tâm thanh tịnh, niệm Phật bản lai, ở đó mà so đo sự mất mát, thiệt thòi những dư hưởng chuyện thế gian sao? Như người chủ nhà kia xem chuột cắn phá quần áo, đồ đạc, phên vách là chuyện hại lớn cần phải giải quyết tức khắc chứ sá gì cái chuyện không còn gà cho mà ăn, nó chỉ là một ít lợi nhỏ thôi không đáng để ông ấy theo đuổi mà đánh mất mục tiêu lớn. Ta cũng nên như vậy, vọng niệm chúng sanh đã cắn phá nát tan trong đời tu, để trừ vọng niệm chúng sanh Đức Thầy kêu niệm Phật; nhưng vì vọng niệm chúng sanh quá nhiều, đến đổi “Niệm niệm mê lầm chẳng dứt” thì cách tu, không phải chỉ lưa thưa một câu niệm Phật là trừ được niệm niệm mê lầm, mà phải “Niệm niệm Phật” mới trừ được “Niệm niệm mê lầm”. Chiến sĩ Như Lai là phải chiến thắng các phiền não, không vì sự nghèo thiếu vật chất làm mất đi mục tiêu tu niệm của mình.
Ở vào trạng thái như vậy, dòng đời lòe mắt là chuyện nhỏ, thị phi là chuyện nhỏ, nghèo thiếu là chuyện nhỏ, chẳng phải Đức Thầy đã dạy chuyện lớn lao để ta phải thực hành như vầy chứ “Hãy tìm giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo an bần xả thân tu tỉnh” đó sao!

28/6/2017

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

GIÀ

Ai sanh ra nếu còn sống thì cũng phải lớn lên: thiếu niên, trung niên, già, già ít, già nhiều… do biệt nghiệp của mỗi người thọ lấy thân Nam, Nữ, đẹp xấu, lành lặn hay mẻ sứt. Chừng chết, chết già hay chết trẻ, chết tốt hoặc chết xấu cũng là chết để chấm hết một kiếp người. Trong khoảng thời gian từ sanh ra, lớn khôn dần cho đến chết, chặn đường dài ngắn là do thọ mệnh chính mình đã đặt trước. Có cần thắc mắc tại sao người ta không đặt vé chết già mà để chết trẻ không? Nói đặt vé trước tức nói do cái nhân mình gieo đó. Xưa, trong lúc tham tiền tài danh vị, cần đạt mục đích người ta bất chấp thủ đoạn hay e dè sự gian xảo nào, dùng mưu mẹo cướp quyền lợi trên tay kẻ khác. Nhờ chết già để có thời gian ôn lại đoạn đường đi qua, thấy mình có tội thì làm phước lấp bằng hố sâu tội lỗi do chính mình đào, nếu không, tội sẽ tích thành nghiệp, dẫn đến tác hại cho hiện kiếp hay kiếp lai sinh, Đức Thầy có câu:
“… Tranh đấu thành ra mãi oán cừu.
Chung cuộc chỉ mang câu thất vọng,
Xong đời ghi chất mối sầu ưu.
Cổ kim máy tạo nhiều huyền bí,
Lão ấu xây vần lắm mẹo mưu.
Cũng chẳng cướp xong quyền võ-trụ,
Mà còn đeo đắm thú phong lưu.”
Thời Phật Thích Ca tại thế có một anh nông dân đang cày ruộng, trông thấy Đức Phật và các đệ tử của Ngài đi ngang qua gần vùng đất của mình, ông ta muốn bỏ cày để đến quy y với Đức Phật nhưng nhớ lại, ruộng cày dang dở, hứa với lòng, chờ cày xong thì hãy tìm đến Phật quy y.
Đây không phải chỉ một lần với Đức Phật Thích Ca mà kể cả có bảy lần gặp Phật trong nhiều đời trước đã xảy ra như vậy. Cày chưa xong, tuổi chưa già, trên vai đang gánh nhiều trách nhiệm, bổn phận, duyên cớ gì quỷ vô thường đến trong khi người ta mới tính tu nhưng chưa kịp thực hiện ý định thì đã bắt đi? Sách dở có ghi: Địa ngục chứa rất nhiều rất nhiều những ai có dự định tốt.
Thế nào gọi là đầy đủ sự hiểu biết và phước đức cho thân?
1. Người sống, về già là có thời gian rảnh việc gia đình, ôn lại quá khứ, tất nhiên đã trải qua nhiều sự hiểu biết như người lính nhiều năm trên mặt giặc đủ kinh nghiệm chiến trường. Đâu phải tuổi còn nhỏ nhít gì trong việc “ăn chưa no lo chưa tới” để bị người lớn quở trách, chỉ biết vui chơi ham hố những lạc thú và buồn buồn khi mình kém phai nhan sắc, tiếc uổng cõi trần gian thắm tươi, mọi vẻ quyến rủ còn nồng nàn, diễm lệ, mà mình thì bất lực trong hưởng thụ. Muốn kéo hoài sự trẻ trung nhưng đâu ai thành công bởi lòng ham muốn đi ngược với luật định: sanh, già, bệnh, chết. Có những ông hay bà già sống hai ba thế hệ: bạn bè, con và cháu; đã qua những cuộc vui chơi, ham hố, thấy người khác vui chơi ham hố. Sự ham hố một tấm thân trẻ đẹp của mình hay của bất cứ ai khác đều không tồn tại, chừng ni mới biết, hễ sống lâu lên “già”, là thứ định luật bất di bất dịch, “sợ già xấu” sợ cũng không khỏi thì thôi bỏ qua chứ sợ nữa được gì?
2. Phước Đức cho thân. Người ta thường bảo, cuộc sống thọ là do kiếp trước có gieo nhân lành nên nay hưởng quả tốt: phóng sanh chim cá hay giúp người qua khỏi khổ nạn chết chóc thì kiếp nầy tăng tuổi thọ. Bởi vậy, ở thế gian, ai mà chết lúc còn bé trẻ bị tiếng xầm xì, chê bai là chết yểu! Hiểu được những điều đáng hiểu như vậy từ đây họ sẽ không tạo ác, quyết lòng tạo thiện để có một kết cuộc cho thân nầy và thân sau. Không tạo ác, tạo thiện, lòng dục vọng ham hố các duyên sự đời từ từ phai mờ trong tâm trí, cạn kiệt lực húc đam mê thì già không lo, chết không sợ, những ngày tháng năm còn lại nhắm thẳng con đường tu nhơn tích đức đi tới.
Mặc khác, người già đã phế việc dân quan, rời khỏi quan trường là rời khỏi sự rủi ro, lìa cái “nhất thời” để đến với hồi “vạn đại”. Làm quan qua các triều chính, về dân cũng là lúc phế việc nhà, họ đã gần một đời hy sinh cho quốc gia, xã hội, gia đình, nay đến lúc phế các việc để cho già hưởng thụ thảnh thơi, sung sướng. Kinh nghiệm qua một thời tuổi trẻ, quay lại cuồn phim đời mình, những việc tội lỗi để có được thứ nầy thứ nọ nhớ tới là ớn óc bây giờ còn lại gì đâu? Ý thức mới vươn lên, may mắn là chưa chết trẻ cho già kịp suy nghĩ, còn thời gian tháo gở những tội chướng của lúc tuổi sanh đương độ quanh quanh liệt liệt, thành công ở lĩnh vực tiền bạc, tình tứ lãng mạn. Nay bống ngả về chiều, ăn không ngon, ngủ không yên thì tội lỗi của lúc xưa mình làm đã trở thành nổi ám ảnh. Hồi nào tình tứ lãng mạn, hai ba vợ, hai ba chồng, tiền bạc đầy rương đầy tủ giờ già không xài được; hết hứng thú cho việc tiêu tiền khoe sang mà, những việc làm tội lỗi để có được nhiều tiền, nhiều vợ nhiều chồng bắt đầu qua tay người khác còn tội nghiệp của chính mình thì quyết ở lại, không chịu qua tay ai, dầu người đó là con muốn lãnh tội thế cho cha. Đừng nói là hy sinh cho con cháu, tội của ai làm nấy chịu, đổ thừa vì con cháu mà làm ác cho chúng có hưởng, Diêm vương sẽ không tha tội cho đâu.

Nhờ sự ám ảnh đó người già còn có cơ hội làm lại cuộc đời, chứ chết hồi còn trẻ, trên mình mang nhiều trách nhiệm, gánh vác oằn vai đâu có thời giờ suy nghĩ lung tung cái chuyện tội phước, lo kiếm tiền tài danh vị còn không kiệp với người ta, có chết là chết trong ác. Già nầy, khi đã thức ngộ ăn năn, từ rày cho đến chết, có thể, nếu họ kiên trì, sẽ không dính dấp đến tội lỗi nữa.
Như đã trình bày, không chết trẻ để được sống già với những năm phế việc dân quan, có thời giờ ôn cố, học hỏi cho bản thân, lúc tuổi về chiều phải làm gì. Đừng tưởng hễ già rồi là vô tích sự, thảnh thơi chờ cho con cháu trong nhà dâng cơm dâng nước. Những tội lỗi của thời trẻ trung đã làm giờ làm thiện lại, biết mình ác nhiều thì mau mau làm thiện cho nhiều, khắc phục và sử dụng phương pháp nào khả dỉ đủ để bù đấp, nếu áp dụng phương pháp không xong thì đi đến biện pháp. Người ta có phương pháp giáo dục con cái trở thành người tốt nhưng đám con họ không nghe, tự ý làm xấu, bắt buộc phải áp dụng biện pháp trừng trị mới xong. Đổ thừa già tu nhân tích đức không được có thể là do tính toán sai, phải dùng biện pháp kiềm chế, khắc phục.
Khổng Tử có một đệ tử làm việc quốc gia xả tắc, mong đến tuổi từ giả quan trường, ông xin với Thầy cho về vườn vui thú điền viên. Lời xin không được Khổng Tử chấp nhận. Người đệ tử hỏi qua chuyện khác: Hết một đời trai trẻ phục vụ lợi ích cho nước cho dân, đã quá mệt mỏi giờ xin được một cuộc sống bất cần đời. Lời xin nầy cũng không được vị Thầy của ông ta cho phép. Cảm thấy như mình bị trừng phạt, lòng khó chịu, người đệ tử nói lên trong sự bực tức: Điều nầy không được, điều kia không được vậy suốt cuộc đời Tử tôi chẳng có ngày yên ổn sao? Khổng Tử đáp: có chứ, ông chỉ được yên nghỉ khi có cái huyệt đào sẵn, nhiều người đội khăn tang, bà con họ hàng đồng đi đưa quan tài ông đến nơi cái huyệt đào sẵn ấy, vùi thây ông xuống đó mới chính là lúc ông được yên nghỉ.
Đời người lúc trẻ thì hâm hở tạo tiền tài danh vọng, muốn được việc đôi khi phải dấy tay vào ác, điêu ngoa xảo trá, hành sử bất lương, nay già sắp chết tới nơi ở đó mà đòi giá cao tiền tài danh vọng làm gì? Hãy buông tay những thứ đó, hãy sang cái gánh làm chủ gia đình, ruộng đất, sự nghiệp lại cho lớp trẻ như lúc xưa còn trẻ mình cũng được cha mẹ sang gánh. Già thì  làm công việc của người già, tu nhơn tích đức cho chính bản thân, để đức lành cho con cháu, chết đi được nhẹ nhàng siêu thoát. Đức Thầy có câu:
“ Thiên-Đường siêu-thoát thời thong-thả,
Địa-ngục trầm-luân ắt đảo-điên.
Nên chọn một nơi thanh-tịnh ấy,
Dứt trần bất nhiễm mới là yên,”.
Qua lời dạy trên, bất cứ ai trên đời dù muốn hay không muốn, kết cuộc một kiếp người phải đi vào một trong hai đường “Thiên đường siêu thoát” hay “địa ngục trầm luân”, đường siêu thoát là “thong-thả” còn đường trầm luân thì “đảo điên”. Tất nhiên ai cũng muốn thong thả, sợ đảo điên như sợ quỷ bắt. Chọn đường thong thả là chọn “một nơi thanh tịnh” để từ đó thực hiện “dứt trần bất nhiễm” sẽ dễ dàng hơn. Xét qua người già có cơ hội gần gủi mục tiêu “dứt trần bất nhiễm” vì người già đã phế việc dân quan, làm xong trách nhiệm với nợ nước, ơn nhà, sang gánh nặng gia đình, quốc gia đại sự cho tuổi trẻ. Hết dùng sức mạnh của tay chân thì nay dùng sức mạnh tinh thần, tập trung “một nơi thanh tịnh”. Có thể diễn đạt chỗ niệm lục tự Di Đà, được “nhứt tâm bất loạn” là “một nơi thanh tịnh” và khi tâm đã thanh tịnh, bất loạn, thì dù sống trong trần hết còn cảm nhiễm mùi trần, việc “dứt trần bất nhiễm” thành công.

24/6/2017

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

NHẮC NHAU GIỮ VỮNG TIM SON

Hôm dự đám cúng tuần tình cờ tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Trọng, là chỗ có quen biết trước 1975, năm nay 2017 ông 86 tuổi. Tôi cách Thánh Địa Hòa Hảo chỉ một dòng sông, thuở ấy, trước 1975, thỉnh thoảng sang Hòa Hảo, gặp các cụ xưa có theo hầu Đức Thầy, gần gủi Tổ Đình, nếu hỏi thì biết bao nhiêu chuyện hay để ghi chép, nhưng lúc đó lòng chưa ham tìm hiểu về giá trị lịch sử trong đạo nên không màng, giờ ham thì các cụ đã không còn. Tôi muốn hiểu nhiều nhiều về Tổ-Đình Phật Giáo Hòa Hảo nhất là sau ngày Đức Thầy xa vắng có những biến chuyển gì và sự ảnh hưởng của tín đồ đối với Tổ-Đình thì cơ hội lại rất mong manh. Những “Chuyện Bên Thầy” nhiều tác giả đã viết rồi nhưng tôi tin là chưa hết, còn Tổ Đình nơi phát sinh tôn giáo mà Đức Ông Đức Bà thân sinh của Đức Thầy, hội trưởng tối cao PGHH thì rất ít có chuyện chung quanh. Đức Thầy vắng mặt, ít ra, Tổ Đình PGHH là chỗ dựa tốt cho tín đồ PGHH… Ông Nguyễn văn Trọng xuất hiện cùng ngồi chung một bàn làm tôi rất mừng, tôi kính ông là bậc trưởng bối với nhiều tuổi đạo mà lại ở vùng Thánh Địa, không bỏ qua cơ hội, tôi liền hỏi ông:
Xin thưa cùng chú! Lúc Đức Ông, Đức Bà, và Cô Năm còn sanh tiền có lần nào chú được dịp hầu chuyện với 3 vị mẫu nghi nói trên không ạ?
Ông lắc đầu, bảo:
- Không lần nào.
- Hoặc may mắn lúc gần bên tình cờ nghe thấy các vị trưởng bối trong đạo đến xin nghe 3 vị dạy bảo?
- Cũng không.
Hết hai câu hỏi mà câu nào ông cũng trả lời là không làm cho tôi thất vọng não nề, chẳng còn chút niềm tin nào cho tôi hỏi tiếp những việc có liên quan sau ngày Đức Thầy vắng mặt. Tôi định hỏi qua chuyện khác cho vả lả bầu không khí nhưng chưa kịp thì ông Nguyễn Văn Trọng vả lả trước tôi, ông nói:
- Không có phước hầu chuyện với 3 vị bề trên trong Tổ-Đình nhưng tôi có gặp Đức Thầy trong cuộc Khuyến Nông năm 1945.
- Ồ! Vậy cũng hay! Xin chú hoan hỷ kể lại câu chuyện gặp Đức Thầy?
- Được, nhưng chuyện không nhiều lắm đâu, vì lúc gặp Đức Thầy trên đường Khuyến Nông tôi mới 12 tuổi, cái tuổi ông già bà cả thường quở là ăn chưa no lo chưa tới, Ngài nói gì, làm gì tôi không biết, không nhớ nhưng hình dáng của Ngài dầu chỉ gặp một lần tôi không thể quên được.
- Chú gặp Đức Thầy khuyến nông thuyết pháp ở đâu?
- Ở Lấp Vò.
- Như chú nói, lúc gặp Đức Thầy chú mới 12 tuổi, cái tuổi chưa thể chủ động được cuộc đi nghe thấy Đức Thầy thuyết pháp, vậy nguyên nhân nào dẫn đến cho chú diện kiến Đức Thầy?
- Hỏi nguyên nhân thì tôi nên kể ra một câu chuyện. Năm 1945, ngày tháng tôi không nhớ, ông nội và chú tôi đi chợ Nốt Nốt mua dầu chai về trét xuồng ghe có cho tôi đi theo, tôi tưởng được đi vui chơi nên rất mừng, ai vè không phải vậy, ghe chèo vừa vào bến, hai ổng kêu tôi ở lại giữ ghe xuồng cho hai ổng đi, hứa một chút sẽ về, dặn tôi đừng trông ngóng.
Tôi ở chờ một chút, hai chút rồi lại ba chút… đến đổi bụng đói cồn lên, không dám đi đâu mua đồ ăn mà có thấy mấy ổng về đâu. Đến mặt trời trưa xế hai ông, chú mới về. Tôi cằn nhằn hai người mua dầu chai sao mà lâu quá. Nội xoa bàn tay lên đầu tôi nhẹ giọng:
- Mua dầu chai tuy gặp một chút trắc trở nhưng không như vậy mà về muộn, về muộn vì may mắn ở nghe Đức Thầy truyết pháp.
- Sao ông không nói con hay ?
- Ông đâu biết ở làng đây hôm nay Đức Thầy đến thuyết pháp, giữa chừng thấy người ta rần rộ đi đón Đức Thầy, ông thấy vậy đi theo người ta.
Ông và chú tôi có lẽ lần đầu tiên được nghe Đức Thầy thuyết pháp, cảm nhận rất hay ho và tưng tiêu sự hay ho nầy vào lòng, hai ông cứ nhắc đi nhắc lại như người ghiền cải lương nhắc đoạn cải lương hay. Từ đó đã có ấn tượng tốt về Đức Thầy nên không lâu sau nghe tin Đức Thầy sắp đến thuyết pháp ở quận Lấp Vò. Nội chuẩn bị ghe xuồng chờ đợi và lần nầy nội cho tôi đi theo.
- Chú có thể nói một ít chi tiết về sự tham dự cuộc khuyến nông thuyết pháp của Đức Thầy không?
- Tôi chưa nắm rõ ý chính của câu hỏi.
- Có nghĩa là kể lại hôm đó Đức Thầy thuyết về đề tài gì?
- Con nít mới 12 tuổi vả lại chưa tu, đầu óc đâu mà theo dõi để nhớ đề tài. Tôi đi coi người ta và thích chỗ đông đảo với mục đích vui chơi là chính. Nhưng có một chuyện tôi nhớ không thể nào quên được.
- Chuyện gì thưa chú?
- Tôi đi gần đến cổng vào khán đài thuyết pháp, trên đường người ta đông rần rần, có ban bảo vệ kêu khách tránh đường cho chiếc xe Bồ Rô (ghi theo giọng đọc của ông Nguyễn văn Trọng) chỡ Đức Thầy tới. Đến cận cổng xe dừng lại, có người đến mở cửa xe thỉnh mời Đức Thầy ra; may mắn nhằm lúc tôi đến cận bên, trông Đức Thầy rất rõ và tôi vừa kính vừa sợ. Sau nầy lớn lên, phát tâm tu, học Phật Pháp của PGHH, tuy sự hiểu biết của tôi không lanh lợi nhạy bén bằng ai, khi nhớ khi quên nhưng chuyện gặp Đức Thầy lần ấy trên chiếc Bồ Rô mở cửa xuống xe là không thể nào quên được dáng điệu hay hay của Đức Thầy. Càng nhớ tôi càng tinh tấn tu hành và trông Đức Thầy sớm trở lại.
Bấy giờ trong bàn tròn có một người cũng dạng trên dưới 70 tuổi, kêu ông Nguyễn Trọng bằng anh, nói rằng:

- Lúc Đức Thầy đi khuyến nông thuyết pháp, thuở ấy dân số quốc gia có ít, dân chợ không đông, vùng quê nhà ở thưa thớt, do đạo mới lập tín đồ cũng chưa phải là nhiều lắm mà lại ở rải rác khắp các tỉnh miền tây, nhà gần thì lội bộ, đi đâu xa thì hay chèo ghe, bơi xuồng, xe đạp ít người có.  Sự đi lại không tiện lợi làm ảnh hưởng, cuộc thuyết pháp của Đức Thầy người tham dự chắc không nhiều?
Ông Nguyễn văn Trọng cười đáp:
- Trái lại, nhiều không thể tưởng tượng.
- Có thể như vậy được sao?
- Được, ai đọc Kinh Phật sẽ rõ, lúc Đức Thật thuyết pháp có sự hiện diện của các đoàn người: Tăng, Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di… từ muôn phương rừng núi đến thiếu điều chật Trời chật đất. Cái hôm tôi đến xem Đức Thầy thuyết Pháp tại quận Lấp Vò, người ta cũng như từ muôn phương sông núi kéo đến cũng chật Trời chật đất. Nên các cụ xưa hễ chọn chỗ cho Đức Thầy thuyết pháp là phải lựa sân đình, sân banh mới có sức chứa bá tánh mọi nơi đến thọ pháp quy y.
Nghe đến đây, một người khác trong bàn tròn nói:
- Những hiện tượng người ta coi đông chật trời chật đất của thời xa xưa đó, nếu như hoàn cảnh hiện giờ, đường sá lưu thông, nhà nhà có xe máy nổ mà tín đồ số lượng tăng lên gắp mười lần, Đức Thầy trở về thuyết pháp, cầu vài chục cái sân banh nối liền cũng chưa chắc đã chứa đủ.
Ở vào thời kỳ pháp nạn như hiện nay, không riêng vì PGHH, chức sắc, tín đồ của các tôn giáo chịu quá nhiều ấm ức. Người tín đồ trông Đức Thầy sớm trở lại giải nguy cuộc pháp nạn, giải nguy đồng bào thoát khỏi sự ấm ức. Theo suy nghĩ của tôi, Đức Thầy vắng mặt vì muốn cho tín đồ trưởng thành tự tu tự độ, đem trả giá sự tu, sức tu qua hoàn cảnh khốc liệt mà giữ vững tim son. Chừng Đức Thầy trở lại chỉ còn “Thưởng với phạt hai đường tỏ rõ” như Ngài đã báo trước. Nếu ta không tự tu tự độ mà chờ Đức Thầy về độ; Đức Thầy trở lại, không còn thời gian cho ta tu để Ngài cứu độ ta đâu. Đức Thầy có câu:
“Để sau đến việc tả tơi,
Rồi tu sao kịp chiều mơi cho thành”

12/6/2017
CÚNG LỄ ĐẠO THEO LỊCH TA HAY TÂY?

Sau khi tôi post bài “Khôi Hài” lên internet, có vài đồng đạo gọi điện thoại hoặc gởi tin lên Messenger trách tôi chạy trước thời gian. Quý vị bảo rằng các nơi đồng loạt đăng bài, đề năm đạo thứ 78 mà chỉ có tôi khác hơn người ta, đề là lần thứ 79, làm chuyện không giống ai.
Thật ra, khi tôi đề năm đạo như thế, tôi không có ý làm cho giống ai hay không giống ai, tôi làm cho lương tâm và sự hiểu biết của tôi, cũng như quý vị đã làm theo lương tâm và sự hiểu biết của quý vị. Chúng ta đều làm theo lương tâm và sự hiểu biết của mình không gây tác hại đến người khác tôi nghĩ là đúng hết. Sự bất đồng nầy đã khởi sự năm rồi nhưng tôi vốn không muốn có sự tranh cải, im lặng cho qua, bởi nhận thức nó thuộc quyền riêng tư. Năm nay cũng bị… tôi xét cần nên giải thích vì sao tôi dùng vậy, hy vọng có sự đồng cảm tình huynh đệ. Tuyệt đối, tôi dùng giải thích không có nghĩa hơn thua.
Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão đã đi vào lịch sử khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo có bút tích của Đức Thầy, như trích đoạn sau đây:
 “vì thể lòng từ-bi bác-ái cùng thù-đáp những linh-hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp ta nương cậy tu-hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, ta hóa-hiện ra đời cứu-độ chúng-sanh”. Hoặc “ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến, lý thiên đinh hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan.”
Có bút tích của vị giáo chủ chứng minh thì dù triệu triệu năm nữa người đời sau dở sử ra đọc thì cũng ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão đó thôi. Nói cho cùng, nhận định năm đạo thứ mấy nó thuộc về thời gian, kẻ theo lịch ta, người theo lịch Tây là quyền riêng tư không động phạm đến di tích lịch sử, vì đôi bên đều theo lời dạy của Đức Thầy: “Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão”, không ai có quyền làm khác dòng chảy lịch sử về ngày tháng, còn năm thì, có người sanh ra là kể một, người thì sang năm tới mới kể.

Theo đề tài dựng lên CÚNG LỄ ĐẠO THEO LỊCH TA HAY TÂY? tức âm lịch hay dương lịch? Hỏi để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật chứ còn bút tích của Đức Thầy hoàn toàn dùng âm lịch. Trong bài THAY LỜI TỰA Ngài viết “Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến…” dùng Kỷ-Mão có can chi đầy đủ hẳng nhiên là âm lịch; viết Sám Giảng từ quyển nhứt đến quyển tư, Đức Thầy đều đề năm sáng tác là Kỷ Mão (1939) sáng tác thi thơ cũng đề âm lịch có can chi, ví dụ như bài khởi đầu là LỘ CHÚT CƠ HUYỀN đề: Hòa Hảo, tháng 6 năm Kỷ Mão, bài THIÊN LÝ CA :Hòa Hảo, tháng 7 năm Kỷ Mão v.v…
Qua những dẫn chứng trên ta thấy rằng, từ ngày khai sáng đạo đến các bài viết dạy đạo, Đức Thầy đều dùng âm lịch. Âm lịch, như mọi người đều biết, khi sanh ra bất kể là tháng mấy, cho dù là tháng cuối năm thảy kể một tuổi, bởi thế trong dân gian ta, ai sanh ra tháng cuối năm để chịu một tuổi thì họ nói rằng chịu tuổi oan. Đức Thầy sanh 25 tháng 11 năm Kỷ-Mùi 1919 đến lễ khai sáng đạo 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão 1939 chưa tròn 20 năm; đản sanh 1919 kể một tuổi thì năm 1939 phải là 21 tuổi, bởi con số 9 đuôi của 1919 đã kể rồi một tuổi, dẫn đến 1938 là đủ 20 tuổi, nếu lấy thêm số 9 đuôi của năm 1939 là dùng hai lần con số 9 mà kể một lần sao?

Phật Giáo Hòa Hảo có 3 vị học giả tài danh lớp tiền bối: Ông Vương Kim, Ông Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu cả 3 ông đều nhứt trí Đức Thầy khai sáng đạo năm Kỷ-Mão lúc đó Ngài 21 tuổi. Quyển sách có mang tên ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ học giả Vương Kim trang 25 có viết như sau:
“ Bắt đầu từ đầu năm Kỷ-Mão, năm Ngài được 21 tuổi… một hôm, Ngài đi lên xóm trên xóm dưới truyền rao: nếu ai có bệnh chi cứ đem lại Ngài chữa trị cho…”
Còn đây là một quyển sách khác dưới nhan đề THẤT SƠN MẦU NHIỆM của hai ông Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu, trang 184 có đoạn như sau:
“ Thế rồi ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão (1939), ngày đáng ghi trong lịch sử cách-mạng nước nhà, một cuộc lễ đã cử hành tại nhà Đức Ông để cho Đức Thầy “Đền Linh-Thứu sơn trung chịu mạng”.
… Thuở ấy, Đức Thầy được 21 tuổi. Mặc dầu còn bệnh, Ngài vẫn đẹp-đẽ khôi-ngô và trở thành bậc thông-minh dĩnh-ngộ, văn võ song toàn, quán thông mọi việc. Ta có thể nói rằng Ngài là một bực “thượng thông thiên văn, hạ đạt địa-lý, trung quán nhân nhân-sự”.
Đã có 3 vị học giả uyên bác xác định Đức Thầy khai sáng đạo PGHH năm Kỷ-Mão là Ngài được 21 tuổi. Dựa vào đó tôi xin đưa ra bảng phân tích dưới đây:
Đản sanh Kỷ-Mùi 1919 là 1 tuổi đời     Khai Đạo năm Kỷ-Mão 1939 là 1 tuổi đạo
1929 là 11 tuổi đời                             1949 là 11 tuổi đạo
1939 là 21 tuổi đời                             1959 là 21 tuổi đạo
1949 là 31 tuổi đời                             1969 là 31 tuổi đạo
1959 là 41 tuổi đời                             1979 là 41 tuổi đạo
1969 là 51 tuổi đời                             1989 là 51 tuổi đạo
1979 Kỷ-Mùi, là 61 tuổi đời                  1999 trở lại Kỷ-Mão, 61 tuổi đạo
1989 là 71 tuổi đời                             2009 là 71 tuổi đạo
1999 là 81 tuổi đời                             Tới năm  2019 là 81 tuổi đạo
2009 là 91 tuổi đời
2019 phải là 101 tuổi đời.
Qua bảng ghi nhận trên, ta thấy có hai lần Kỷ-Mùi: 1919 - 1979 và hai lần Kỷ-Mão: 1939 – 1999. Kỷ Mùi trước, 1919 là 1 tuổi đời, Kỷ-Mùi sau 1979, tính theo vòng tròn của năm thì 1919 đến 1979 là 60 năm, nhưng Kỷ-Mùi dùng Can lẩn Chi, sanh ra kể một, đúng một con giáp phải tính là 61 năm chứ đâu ai nói con giáp là 60 năm hồi nào. Khai sáng đạo nhằm năm Kỷ-Mão trước, 1939 đến Kỷ Mão sau 1999 tròn 60 mươi năm nhưng nói con giáp là tính theo âm lịch, con giáp là 61 năm. Vậy 18 tháng 5 năm Đinh-Dậu 2017 tuổi đạo phải là 79 và 25 tháng 11 Đinh-Dậu 2017 tới đây phải là năm thứ 99. Ngày khai đạo và ngày đản sinh của 2017 tính ra, 78 hay 79 và 98 hay 99 là kẻ theo ta người theo Tây mà nguyên thỉ của đạo PGHH là dùng tuổi ta, âm lịch, chứ không dùng tuổi Tây, dương lịch.
Tôi theo nguyên thỉ, trên hết là Đức Thầy kế đó có 3 học giả tiền bối mà dùng âm lịch. Nếu như hai tác phẩm ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ và THẤT SƠN MẦU NHIỆM của các học giả tiền bối ghi năm mở đạo 1939 Đức Thầy 21 tuổi thì năm nay 2017, cúng lễ phải là lần thứ 79.
Như trên tôi đã trình bày, dùng lịch Ta hay lịch Tây là quyền riêng tư, rất mong có sự thông cảm nhau, chung lưng, vai kề vai hướng tới ngày 18 tháng 5 bằng sự vui vẻ, thân thiện để “thỏa dạ Thầy nơi chốn mây rồng”.
20/6/2017


Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

KHÔI HÀI

Trưa ngày 16 tháng 5 ta, tức còn hai hôm nữa, tín đồ PGHH các nơi, có đến điểm lễ hay không đến, trong cõi lòng đều cung nghênh lễ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo lần thứ 79, 18-5-1939 _ 18-5-2017, Thiên Quang Am có bốn người khách đến viếng, trong đoàn có một cô bác sĩ đã nghỉ hưu, đến từ một tỉnh lân cận, các vị đều là tín đồ PGHH xin được đàm đạo chuyện trò. Cô nói rằng về Thánh Địa Hòa Hảo cúng lễ nghe ai đó nhắc nhở về tôi mà cô muốn gặp. Khấn lạy xong ở chùa Thầy, Tổ Đình, trên đường về quý vị ghé thăm đây cho biết. Nghe qua tôi nói:
- Quý vị bảo là đi dự lễ, chưa tới ngày chánh lễ đã về là sao?
Có lẽ câu hỏi của tôi đã làm cho khách không hài lòng, cô bác sĩ nhìn tôi, buông giọng thật nhẹ:
- Chúng tôi muốn được vái lạy trong cảnh quang không quá ồn ào chen lấn. E ngày chánh lễ rần rần, chen nhau mà cúng ngợp hơi người, vọng tâm lu bu, uổng công uổng tiếng đi cúng Phật… với lại…
- Với lại sao?
- Hồi đó tôi đi cúng lễ đúng ngày, giữa chừng bổng xảy ra rắc rối, đến giờ, dầu thời gian qua lâu mỗi lần nhớ tới là kinh hoàng.
- Cô làm tôi tò mò và hồi hợp lên rồi đấy !
- Dạ, không có gì
- Sao lại không có gì được! Chuyện kinh hoàng mà để lòng hay ho gì chứ? ám ảnh lâu không tốt đâu.

- Vâng, tôi sẽ kể. Năm 1999 nhà nước xã hội chủ nghĩa ký cho phép đạo Phật Giáo Hòa Hảo tái phục hoạt nhưng thay vì tên gọi là Ban Trị Sự Giáo Hội từ nguyên thỉ, họ đặt tên là Ban Đại Diện Toàn Đạo, thông báo cho cúng lễ kỷ niệm ngày Đức Thầy khai sáng đạo PGHH. Nghe tin tôi rất là mừng, liền xem lại dương lịch, ngày đại lễ tôi không có ca trực trong bệnh viện nên đã âm thầm tham gia với bà con cô bác làng nhà, tổ chức chuyến đi dự lễ ở Thánh Địa Hòa Hảo. Chúng tôi đi chung trên một chiếc ghe rộng, máy lớn. Bà con ngồi trong muôi ghe vui vẻ chuyện trò vây quanh đề tài tự do tôn giáo mà đã hơn hai mươi năm qua nhà nước triệt diệt. Ghe chạy lâu lâu, bà con trông ngóng mau mau bổng trên bờ có tiếng kêu: Ghe ghé lại! Ghe cập vào bờ, chánh quyền, công an có cả chục tên ra lệnh không cho ghe chở khách. Chúng tôi lên hết trên đường và tôi bắt đầu sanh nghi về thuyết tự do tôn giáo của nhà nước nầy đưa ra. Đã đi xa rồi, vài người yếu bóng vía muốn về cũng không có phương tiện để về. Những người lòng mạnh mẽ đọc ngâm giảng của Đức Thầy động viên an ủi:
“Chánh tinh-tấn dầu thành hay bại,
Cũng một đường tín ngưỡng của mình.
Dầu cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đường đi tới.”
Nghe qua những câu giảng vài người nói trên đã cởi bỏ sự nhút nhát, sau cùng chúng tôi cùng nhau, hướng về Hòa Hảo mà bước. Đi, ai cũng có xách hay quảy bị hành trang trông giống như đi tản cư. Khoảng hơn cây số có một ông chủ ghe tốt bụng khác, khi biết chúng tôi đi dự lễ gặp chuyện gay go như vậy thì thương tình, mời hết xuống ghe chở giùm về Hòa Hảo.
Vì lội bộ thêm quảy, xách quá mệt xuống ghe số đông bà con nằm dựa một chút là ngủ. Ghe chạy tới ngả ba sông Vàm Nao, có người phát hiện, xa xa phía sau có chiếc siêu tốc rược theo trắng nước, lên tiếng báo động cho bà con, liền theo đó chú tài công hô to: Bà con chuẩn bị hành trang chạy nhanh lên bờ. Nói xong ông cho hướng mũi ghe vào đuôi cồn, tăng ga, máy nổ lên khói đen ngùng ngụt vùng trời, chiếc siêu tốc rược tới cận bên, chưa kịp chận bắt ai, chúng tôi thoát lên bờ, mạnh ai co dò mà chạy lạc tứ tán. Hồi trên ghe phóng xuống chân tôi lún phải sình non của bệ sông có nhiều phù sa làm bỏ lại đôi giày, vì là nơi xa lạ đâu rành đường xá thêm sợ phía sau rượt tới, chạy thí mạng lên cỏ lên sỏi và gai, đôi vớ bị những thứ chướng lột hồi nào không hay, băng hết cánh đồng đuôi cồn mới đến chỗ dân cư đông đúc, thoát được sự sợ hải, xem lại đôi bàn chân máu chảy đỏ vệ. Vì sợ bị lính tuần bắt lại, chạy như chạy giặc, mang nhiều vết thương dưới chân mà không hay. Bây giờ thì tôi nghe đau rát rần người, đôi chân mệt mỏi rả rời.
Bà con ở đây rất tốt bụng, chăm sóc rửa thương mua thuốc nầy thuốc nọ cho tôi, họ không biết tôi là bác sĩ nhiều năm trong nghề, có đáng gì ba cái thứ trầy xước ngoài da chân nầy. Nghĩ khõe một lúc lâu, những bà con tốt bụng ở đây đối đải như bạn bè thân thiện hướng dẫn tôi đi dự lễ cách khoảng 5 cây số.
Tôi_ chủ bút_ hỏi:
- Phật Giáo Hòa Hảo bị bế tắt các sinh hoạt hơn hai mươi năm mới được vén mở, không khí cuộc lễ đạo năm đầu nầy, xin cho biết qua cảm nghĩ của cô.

- Cảm nghĩ của tôi rất vui mừng vì tín đồ PGHH đã có sức chịu đựng giỏi. Hơn hai thập niên đạo bị cấm, các cơ sở của đạo bị tịch thu mà người đạo không ai chịu bỏ đạo bởi đã khắc ghi lời châu ngọc của Đức Thầy “Nhờ công tu niệm âm thầm quá hay”, do tu niệm âm thầm nên lệnh cấm hoạt động tôn giáo đối với họ không còn ý nghĩa. Trường hợp cho PGHH tái hoạt động sau hai mươi năm là thái độ thăm dò tín đồ ai còn ai mất. Không ngờ lễ đạo đông rần rần, còn đủ hết chứ có mất mát ai đâu.
- Đi dự lễ giữa chừng gặp rắc rối như vậy, về nhà thì sao?
- Tôi bị cơ quan mời họp kiểm điểm và kể từ đó, mỗi năm đến ngày lễ đạo tên của tôi được sắp lên bảng trực bệnh viện hoặc mở phiên họp để giữ chân các y bác sĩ có nguồn gốc đạo PGHH. Trừ hai năm trở lại đây tôi được nghỉ hưu, đi dự lễ tự do nhưng vì nhớ chuyện xảy ra trong quá khứ khiến tôi phải đi cúng lễ sớm hơn.
- Cô nói năm rồi có về Thánh Địa dự lễ sớm, cũng ngày 16 tháng 5, nếu đem so sánh cùng kỳ, lượng khách năm nay có bằng năm trước không?
- Chưa tới ngày chánh lễ e hãy còn quá sớm khi tuyên bố kết quả.
- Chỉ là cùng kỳ bước khởi đầu thôi mà.
- Nếu nói cùng kỳ thì năm nay khách đông hơn năm trước một cách rõ rệt. Khoảng trên dưới 11 giờ ngày 16 tháng 5, 2016 trước đường và cổng vào Tổ Đình hay An Hòa Tự khách có lưa thưa nhưng năm nay 16 tháng 5, 2017 thì hai nơi ấy tôi đi chen người và vào ngôi chánh điện kẻ lạy người quì chật chỗ.
- Mới có ngày 16 mà khách đông tới vậy  sao?
- Dạ
- Mấy năm nay bà con các làng quê mình nghèo quá, dân làm ruộng rẩy cứ liên tục thất mùa, những nông dân giỏi áp dụng phương pháp trồng trọt theo khoa học chống chỏi với thời tiết bất thường có được sản phẩm bán cũng rẻ mạt, nông dân không được phép tìm thị trường mua bán ổn định với mối lái nước ngoài, mua giống mắc ơi là mắc mà chừng làm ra sản phẩm bán giá rẻ như bèo. Người vốn liếng ít oi, chỉ cần một vài lần là lâm nợ, đồng vốn thâm hụt riết rồi làng nào cũng chạy đói ra Bình Dương. Sự nghèo thiếu này tôi nghĩ sẽ làm ảnh hưởng không ít đối với tín đồ qua các cuộc lễ đạo vắng vẻ đìu hiu. Không ngờ, người ta nghèo tiền nghèo bạc nhưng tín ngưỡng không nghèo, lễ đạo đông thiệt là đông.
- Người Đạo đức sống nặng về tinh thần hơn là vật chất và càng gặp khổ khó ý chí trở nên sắt đá, kiên quyết thúc giục mạnh phải sống chết vì đạo. Nghèo không có tiền mua sắm, xài phí nhưng cũng chắc mót chút đỉnh để làm phước, tiền đổ xăng xe đi cúng chùa, dự lễ đạo. Bất cứ thế lực nào mạnh muốn phá hại đạo của nhân dân, nhân dân bất chấp những ràng buột, khó khăn của kẻ quyền lực liều mình bảo vệ sự sống còn và làm phát triển đạo nhà; lịch sử đông tây đã từng chứng minh kẻ quyền lực, phe nhóm phá hại tôn giáo nhiều nơi, qua ngày tàn có những kết cuộc không tốt mà tôn giáo họ cố tình phá hại, triệt diệt, vẫn sừng sửng uy nghi mãi mãi với non sông.

16/6/2017

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

BÀN VỀ NỢ NƯỚC

Nhớ hôm tôi chứng kiến huynh đệ nhà PGHH ta, trông vào tình hình đất nước trước sự lăm le của giặc Tàu về biển đảo và chiến lược di dân của họ tràn qua Việt Nam, phô trương nhản hiệu kinh doanh có mùi súng đạn, không ích lợi cho nước chủ nhà; kẻ bảo nên đánh giặc Tàu, người cho rằng không nên. Hai phía đều bình luận và đưa ra với lý lẽ vững chắc. Tôi không ủng hộ riêng bên nào mà là cả hai bên.
Công dân ở bất cứ một quốc gia nào dù nhược tiểu hay hùng mạnh đều có thời kỳ dựng nước và quá trình bảo vệ giang san; như Việt Nam ta lịch sử đã ghi thời kỳ dựng nước là của vua Hùng Vương và dân tộc được gọi là nòi giống Lạc Hồng. Từ vua Hùng lập quốc đến nay chiều dài lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến, sông nước Việt Nam trải qua biết bao đợt thăng trầm bởi gót giày của quân xâm lược: Mổng Cổ, Tàu, Pháp và những cuộc nội chiến. Để dẹp tan đoàn quân dị chủng cho nước nhà yên ổn, có độc lập, chủ quyền, tiền nhân ta đổ quá nhiều xương máu để kiến thiết một quốc gia, bảo vệ tổ quốc còn nguyên vẹn một nước Việt Nam hình chử (S) cho ta nay tận hưởng với niềm tự hào. Nhưng trớ trêu! Lúc không có giặc ngoại xâm thì nước nhà mấy bận lâm vào nội chiến: Nam Bắc phân tranh, rồi Nam Bắc phân ranh. Những cuộc tranh giành của người Việt với người Việt, cảnh chết chóc cũng rất dả man, khóc liệt; hai bên lâm chiến đến máu đổ thịt rơi đều là con của mẹ Việt Nam.
Không kể Nam Bắc phân tranh hay phân ranh: bảo vệ, xây dựng, kiến thiết quốc gia là một truyền thống nhiều đời ông cha ta đã làm, nay ta cũng nên tiếp tục giữ giàn cái truyền thống tốt đẹp hào hùng nầy lại cho con em và người đời sau, sau nữa, nữa…
Thọ ân ai thì phải trả, nếu không trả ân hóa ra mình là kẻ vong ân. Thọ ân đất nước thì phải trả công cho nước. Nhưng trả bằng cách nào còn phải cân nhắc cho kỷ mới đi đúng hướng, đúng đường, đem lợi ích cho nước cho dân. Chúng ta là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Thầy đã tùy trình độ Học Phật Tu Nhân của người quy y vào đạo đưa ra hai phương pháp thiết yếu để họ chọn lựa cách đáp đền không gượng gạo và còn rất thực tế.
1 Xông pha  chiến trường bảo vệ tổ quốc khi nước nhà bị ngoại xâm.
2 Lo trách nhiệm hậu phương.
- Về xông pha chiến trường Đức Thầy giải thích “Ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp … Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị”. Ta thấy trong câu trích dẫn có từ “cứu cấp”cần giải thích để tạo nên sức mạnh tinh thần cho những người con yêu quốc gia dân tộc. Cứu: có nghĩa là giúp cho ai thoát khỏi tai nạn, khổ khó, nghèo đói, chết chóc… Cấp là gấp, làm liền, làm nhanh. Cứu cấp tức cứu gấp, cứu liền không thể trì hoãn, ví dụ như bệnh nhân được cứu cấp tức bệnh nặng có thể nguy đến tánh mạng, phải đưa họ ngay vào phòng khám để cứu sống họ.
Trên trận mạt, người xưa có câu “cứu binh như cứu lửa”, đụng tới lửa là không thể chậm trễ được. Trong khi quân xâm lược Pháp giày xéo Việt Nam Đức Thầy kêu gọi lòng yêu nước của muôn dân:
“Cùng nhau đoàn kết đặng khoe sức hùng.
Khắp Bắc, Nam đùng-đùng một trận,
Ấy mới mong quốc vận phản hồi.
Trước là dẹp lũ Tây bồi,
Sau đưa quốc tặc qui hồi diêm cung.
Nếu nay chẳng vẫy vùng cương quyết,
Thì ắt là tiêu diệt giống nòi.
Muôn năm chịu kiếp tôi-đòi,
Thân người như thế còn coi ra gì ?!
Trong khi ở chiến khu, ngày tết đến, vì quân vụ canh giặc, không được về nhà chung tết với gia đình, ở những tiền đồn xa, dầu tình anh lính chiến có uống rượu xuân vui chơi, nhưng không vì vui chơi mà quên mình đang làm bổn phận:
“ … Mối thù nô lệ trả chưa xong,
Pháp tặc còn trêu giống Lạc-Hồng.
Dùng thói dã-man mưu thống-trị,
Thì ta quyết chiến dễ nào không !”
Viết bài “Tặng Chiến Sĩ Bình-Xuyên” Đức Thầy cũng nhắc lại “ách nô lệ” xoáy vào lòng người yêu nước:
“Ách nô-lệ dân ta đà chán biết,
Nên quyết lòng nổi dậy chống xâm-lăng.
Chỉ quân Tây thề một tiếng rằng:
Thà cam chết không làm dân bị trị.
Bọn cách mạng giả danh đang rối trí,
Khu Bình Xuyên tiếng súng nổ vang tai.
Đoàn dũng binh tiếng đếm một hai…
Nhắm hướng có quân thù xông lướt đến.”
- Người không có khả năng chiến trường, khi quốc gia hửu sự thì công việc hậu phương cũng là điều quan trọng. Một tín đồ PGHH chuyên tu, học hạnh từ bi của Phật, chỉ được phép cứu người chứ không được phép hại người, bất kể họ là hạng người nào, quốc gia nào. Đạo Phật với chủ thuyết hòa bình như Đức Tôn Sư nói:
“Rèn dân bằng giáo thuyết bình hòa,
Giống bác ái gieo sâu vô tận”.
Từ ngữ đồng bào, dân tộc được dùng sang tên gọi “chúng sanh”, không phân lãnh thổ, màu da chủng tộc. Lý tưởng của Phật Giáo như thế, nhưng con người ai cũng có lãnh thổ quốc gia, sanh ra và lớn lên trong đất nước có tổ tiên nòi giống không thể phủ nhận vai trò đất nước nhưng chấp nhận sự đền ân đất nước bằng giải pháp chiến trường là không phù hợp. Đức Thầy viết bài “Tỉnh Bạn Trần Gian” có những câu đáng để lòng:
“Nợ nước văn chương toan báo đáp
Ơn nhà đạo đức quyết đền ân.
Khuyên người trí sĩ mau mau tỉnh,
Giất mộng Nam Kha chốn thế trần.
Thế trần tạm giả gạt đời ta,
Lướt khỏi sông mê khỏi ái hà,..”
Nói qua thế giới của người chuyên tu, đối với sự khó khăn trong cuộc đời nó thuộc về nghiệp chướng, nơi đây chỉ có lấy tình thương tưới xuống cừu hận, nếu dùng chiến tranh để giải quyết chiến tranh là không phải cách, dĩ nhiên là sai ở lập trường của người có hướng tâm ngưỡng cửa Niết Bàn.
Nợ nước phải được báo đáp bằng văn chương sao?! Đời là giất mộng Nam Kha, là thế trần tạm giả gạt đời ta và để không bị lường gạt nữa hãy mau mà “lướt khỏi sông mê khỏi ái hà”! Do đó người chuyên tu đáp đền ân nước chỉ có một cách duy nhứt là dùng văn chương để cũng cố địa phương.
Dùng văn chương để củng cố hậu phương. Văn chương tức dùng chữ nghĩa, lời nói có sức thuyết phục tác động lên ý thức của người nghe, người đọc về một công dân tốt, không làm mất an ninh trong gia đình, xã hội như cờ bạc, cướp giật, quấy nhiểu… Dân không phạm pháp là không có cái cảnh thù trong, nhân dân có lòng yêu nước chung sức đánh giặc ngoài. Đức Thầy giảng hóa rất kỷ “Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đở quê hương, ta rán tránh đừng làm việc gì sơ suất đến đổi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước. Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.”
Tóm lại, bàn về “Nợ Nước” trong giáo lý PGHH có hai phương hướng để tùy hoàn cảnh, trình độ của tín đồ chọn lấy điều thích nghi, 1: xông pha chiến trường khi đất nước bị xâm lăng, 2: Củng cố hậu phương, dùng sự hiểu biết về chính nghĩa quốc gia của mình dẫn giải cho mỗi dân trong xóm, làng qua làng trở thành công dân tốt, hậu phương không gây rắc rối, phạm pháp để người chiến sĩ nơi xa trường đánh giặc ngoài mà không có thù trong.
8/6/2017