BỆNH KHỔ
Đức Phật Thích Ca từ khi thành đạo đến
nhập Niết Bàn các bậc cổ đức đã hệ thống hóa sự thuyết pháp độ chúng của Ngài
thành 5 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm nói về “Tứ Vô
Ngại Pháp Giới”. Chỉ có hàng Bồ Tát thượng thặng mới hiểu chứ người thường
không biết gì. Thấy vậy Đức Thích Ca định nhập Niết Bàn, các vị Trời Đế Thích
cầu khẩn lắm Ngài mới trụ thế, khởi đầu Ngài thuyết về “Tứ Diệu Đế” mà Khổ Đế
lại là bài dạy đứng đầu. Trong “ Khổ Đế ” gồm có bốn cái khổ lớn là Sanh, Lão,
Bệnh, Tử. Đời người mà vui thì chắc không ai chịu tu và sẽ không có chuyện vị
thái tử“ thừa đêm khuya lén trốn vào rừng”. Nhắc lại sự kiện Sĩ Đạt Ta đi tu vì
thấy cảnh Sanh, Già, Bệnh Chết của những lần đi dạo chơi ngoài thành; viết GIÁC
MÊ TÂM KỆ dạy tín đồ chuyên tu, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng chọn đề cương, nguyên
nhân nào dẫn đến Sĩ Đạt Ta bỏ ngôi thái tử:
“ Khuyên chúng sanh khuya sớm chuyên cần,
Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ.
Bệnh với tử từ kim chí cổ,
Sanh với già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm tứ khổ nên Ngài Tầm đạo”.
Muốn hay không thì bệnh cũng coi như
là của cải “Trời cho” không ai từ chối được. Biết từ chối để không bệnh là
chuyện không thể nào. Tu thì phải biết, thân ta là thân tứ đại hợp thành. Vạn
vật trên đời hễ có hợp là có tan, có mạnh có yếu. Thay vì từ chối cái không thể
từ chối ta cứ Niệm Phật Hành Thiện là cách giải quyết tốt nhất những phiền phức
không đáng. Còn sợ phát bệnh đó hả, hãy gắng tu, trong lòng có Phật thì không
sợ nữa. Sanh trong đời mỗi người đều chịu chung hai thứ bệnh: Thân bệnh và tâm
bệnh. Thân bệnh có hai nguyên nhân chính: Thứ nhứt là từ thời tiết không điều
hòa, ăn uống không điều độ, kiên cữ; thứ hai là do nghiệp xưa “ Căn tiền Báo
Quả Hậu”. Tâm Bệnh do vô minh, nặng nhẹ là do nhiều hay ít vô minh.
Về thân bệnh nguyên nhân thứ nhứt Đức
Tôn Sư nói:
“ Bởi thời tiết chuyển xây biến thể
Nên uống ăn chẳng được điều hòa
Là nguyên nhân
căng bệnh phát ra.
Nguyên nhân thứ hai:
“Rủi ốm dau bới tại căn tiền
Hoặc hiện kiếp làm
điều bạo ác.”
Bệnh do thời tiết không điều hoà mà
phát, tác hại ít khi chết thân, có thể cũng oằn hoại lắm nhưng qua thời gian
cường độ bệnh sẽ giảm dần trở lại bình thường. Bệnh do thời tiết, có thể nẩy
sinh từ một ít nguyên do:
1, Sức đề kháng trong mình sụt giảm dưới
mức trung bình.
2, Hệ miễn nhiễm không còn ở vị trí đứng
mũi chịu sào nữa.
Như chúng ta thấy, nếu nói thời tiết
thì phải ảnh hưởng cả không gian rộng lớn, một nước, một vùng hay khu vực,
nhưng đâu phải hễ ai ở trong một nước một vùng hay một khu đều mắc bệnh cả đâu.
Người mà sức đề kháng mạnh, hệ miễn nhiễm còn đủ dầm mưa dan nắng suốt ngày
dưới biển lên non, làm quần quật chẳng đau ốm gì, trong khi đó một số người
thấy hơi trở trời trở gió khác luồng, rút ở trong nhà trùm đầu trùm cổ, uống
nóng, ăn chín, rào rắp kín mít vậy mà bệnh ở đâu cũng nhảy vô giật bầm dập, bèo
nhèo…
Người tu Phật, điều tối kỵ là không để
cho lục căn lục trần xâm nhập bất hợp pháp. Đức Thầy cảnh tỉnh giùm những ai
học đạo tu hành:
“ Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác.
Dứt được nó ấy là giải thoát,
Thì xác trần mới
khỏi đọa đày”.
Lục tặc tấn công giống như trái gió
trở trời, thời tiết khắc nghiệt, ở rút trong nhà trùm đầu trùm cổ mà bệnh giỏi
ghê vẫn biết đường xâm nhập. Chúng ta cũng thiếu sức đề kháng trong sự tu như
người bệnh kia chăng? Trở gió trở trời gì chớ! Trở gió trở trời thì ai cũng
bệnh sao nhiều người không bệnh mà mình bệnh? Thấy nghe ai không thấy nghe, sao
đồng đạo kia không bệnh mà đồng đạo nầy bệnh? Nói đi làm Phật Sự, để Danh, Lợi,
Tình nổi búa xua trong việc làm Phật Sự là sao? Cho dù Danh, Lợi, Tình có theo
chọc ghẹo, cho dù có trái gió trở trời mà sức đề kháng của mình to khõe, mạnh
mẽ giống như tên giữ cửa thành là cao thủ võ lâm, võ công thâm hậu, giặc dễ mà
qua lọt cửa nầy, giặc vừa tới là bị đánh văng ra. Chuyên tu trong tâm thì tâm
thêm sức mạnh, có tên lục tặc nào xâm nhập được. Sức đề kháng không còn trong
thân là thân mất tự chủ, gió mái trở trời đau ốm liên miên; sức đề kháng không
còn trong việc tu là việc tu mất tự chủ, ở tư thế cúng lạy, niệm Phật mà vọng
niệm chúng sanh cũng xâm nhập ngọt sớt. Ông Thanh Sĩ nói:
“ Sức tự chủ đã không còn nữa
Quyền hành do sáu đứa giặc trần;
Tha hồ thỏa mãn nhục thân
Tâm hồn cứ thế mê dần đi thôi.
Mạng sống chỉ là mồi thị dục,
Tâm hồn thì lệ thuộc xác thân;
Lay quay ở giữa ngục trần,
Lúc nào cũng sợ tử
thần đến kêu”([1])
Luận giải về Bát Chánh Đạo, trong mục
Chánh Tư Duy Đức Thầy nói:
“ Con người thường hay bị các thị dục
cám dỗ: Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ, tình chồng…; cái tư tưởng đã rù quến
tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát ly ra được…”
Cũng ở trong Bát Chánh Đạo, Ngài viết:
“ Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có
cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng
tưởng, ghét cũng tưởng. Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao
nhiêu tâm cơ bao nhiêu trí não phụng sự nó”.
Giống như bị giặc bao vây, ngó đâu
cũng thấy giặc “Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng
tưởng…” thảy đều là giặc, đều là thứ bệnh hoạn sắp chết. Đức Thầy dạy phương
cách trừ giặc rất hữu hiệu bằng tạo trong ta sức đề khán mạnh mẽ phi thường để,
“ Dầu các thị dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám dỗ hay bức bách
bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng thể lôi
kéo được, và ta luôn luôn phải nhớ đến công cuộc cứu vớt quần sanh thoát nơi
khổ hải của Đức Thế Tôn, phải nhớ rằng sanh linh đang chìm đắm trong bể hồng
trần, rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải
khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn phận giác ngộ trần gian bỏ những oan trái
luân hồi cai nghiệt. Muốn thế trước hết phải tìm phương tự giác, nhắm cảnh Niết
Bàn tấn tới; quyết chí tu hành đắc thành đạo quả hầu dắt dìu bá tánh thập
phương xa miền tục lụy. Người dẹp hết các sự rầu buồn, các điều tà dạy, dẹp lục
căn, lục trần và rán làm cho tinh thần được thêm sáng suốt, rèn luyện các đức
tánh cho thiện mỹ; yên tịnh, hỷ lạc, trang nghiêm, quyết gắng công phu, một
lòng bước tới Niết bàn đặng có tế độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi quả báo”.
Hoàn toàn thay đổi tâm chúng sanh và
thất tình lục dục trở thành tâm Bồ Tát “ Rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong
chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn phận
giác ngộ trần gian bỏ những oan trái luân hồi cai nghiệt” thì phải “…trước hết,
nhắm cảnh Niết Bàn tấn tới”. Tạo được ý chí trách nhiệm cở đó, tất nhiên có sức
đề khán mạnh, quật cường chẳng thằng giặc nào xâm nhập được.
Tâm Bệnh: thân bệnh tức thân yếu tâm
bệnh thì tâm yếu. Nói là đi làm chung Phật sự, từ thiện, lời qua tiếng lại có
chút cũng giận hờn. thấy mặt không ưa đã đành, ai về nhà nấy có còn thấy mặt
nữa đâu, chỉ thấy cái mặt bị ám ảnh, không nghe thiệt tiếng chỉ nghe trong sự
ám ảnh mà cũng không ưa,
giận hờn hoài như vậy là sao? Bảo là tu hiền, thế nầy không biết lúc giận có tu
không chớ còn hiền chắc chắn là không có. Bảo là tu Niệm, đương lúc có cái niệm
giận hờn, cái niệm không ưa thì chắc chắn là không có niệm Phật. Bệnh tâm trầm
trọng nếu để kéo dài tình trạng không ưa, gịân hờn chính là kéo dài thời gian
không niệm Phật, không tu. Bệnh tâm đến độ nầy giống như người bệnh nằm liệt
trên giường, chờ chết thôi. Tiếp chuyện với người khác phái trong sinh hoạt đạo
pháp, cách trình bài, sự thưa hỏi của người ta là tự nhiên cũng như gió thổi tự
nhiên mà lòng mình không tự nhiên, bị cảm bệnh về sự thưa hỏi, cách trình bài
của người ta rồi nghĩ ngợi thương mến âm thầm. Tâm thiếu đề khán là tâm dễ bị
bệnh, ngộp nhớ, nguồn nhớ đậu lại
không bay, mở mắt nhớ mà nhắm mắt cũng nhớ. Cúng Phật lúc nầy là cúng nó chứ
Phật đi về Tây Phương rồi, Ông đạo chỉ chờ xuống núi qua mồi.
Nhiều vị cao niên, đạo đức làu lòng
nhìn tướng bắt mạch; tưởng không hay nên báo cho hay: Bệnh cháu nặng lắm, hãy
tìm thầy chữa bệnh gấp không thì bỏ mạng. Trông mạch đi là mạch chết, trông sự
cách tu là sự cách tu “Rớt”, sắp cởi trả áo tu, “tuột núi”. Thần y báo bệnh vậy
mà cũng leo lẻo cái miệng nói Thần nói Thánh, để chối bỏ sự thật bệnh hoạn của
mình. Rõ ràng là không chịu đuổi bệnh chớ chẳng phải quyết đuổi mà bệnh không
đi. Vô minh đưa con người vào ra trong sáu nẽo, khi tạo thân, dù là thân người,
vô minh cũng muốn làm cho bít chịt lối ra. Theo Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy:
“ Màn vô minh che mờ căn trí
Nên thường khi nhận ngụy làm chơn
Lo huyễn thân vật chất kém hơn
Chẳng tìm biết
tinh thần đạo đức”
Qua đây, căn trí con người vốn sáng suốt, nhìn xa trông rộng, bị
vô minh làm màn che chắn mắt, chỉ thấy quanh thân phàm tục dơ bẩn của mình mà
chấp đẹp, khởi tâm ưa thích, nên cảnh tượng lo cho huyễn thân mình hơn người
khác và đến đổi không coi đạo đức là gì. Người quy đầu Phật Pháp, thân bệnh
người ta còn chấp nhận, vì nó nằm một trong tứ khổ của Phật xét ra. Tâm bệnh
chỉ được trừ khử chứ không được chấp nhận, vì hiện tại, tâm bệnh làm hao kém
tinh thần cầu tiến, lộng giả thành thật, tiếp nối sự sanh tử trong vòng quay
luân hồi. Người học đạo, thân không bệnh, tâm không phiền não là an lạc nhất.
Nhưng lỡ thân có bệnh muồi mà tâm đừng bệnh tý nào, mạnh mẽ đứng trên Danh,
Lợi, Tình, Tham Sân Si Mạn Nghi, đẩy bay Thất Tình lục dục ra khỏi vòng chiến,
không còn ý nghĩ về chúng. Thân bệnh, nhưng nếu tâm không bệnh, dẩu thân có
chết đi, cái tâm không bệnh ấy không còn cảm giác khổ đau nữa, thông thả theo
Phật về Cõi Phật.
28/1/2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét