Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

BUỔI HỌC 7
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
HỌC BÀI LUẬN VỀ TAM NGHIỆP, MỤC SÁT SANH.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay ta học đến bài nói về ác Sát sanh. Bài học dài hai trang, sợ không đủ thời gian nên ta đi ngay vào sự học cho kịp.
PHẦN 1: CHÁNH VĂN
SÁT SANH. -  Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền-lành cả. Song đến lúc lớn khôn vì phải sống chung-chạ với thế-giới người hung-tàn bạo-ngược, tánh-nết liền ô-nhiểm những sự xấu-xa hèn kém, trở nên độc-ác dữ-dằn.
Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi-danh, vì quyền-thế, vì thù-hềm, vì háo-thắng… nghĩa là họ giết nhau vì sự ích lợi của một người, của một nhóm người, của một đẳng-cấp xã-hội, của một quốc-gia; họ muốn tiêu-diệt tất cả nhân-loại, không một ai có quyền sống sanh cùng họ cả.
Tại trào-nội, sự mà vua coi bầy tôi như cỏ rác, bầy tôi sánh vua như thể địch-thù đã làm nguyên-nhân cho biết bao cuộc tương-tàn tương-sát. Ngoài lê-thứ thì con giết mẹ cha, tớ hại chủ, trò giết Thầy, chồng vợ giết nhau, đệ-huynh xâu-xé. Những cuộc tương-tàn rất thường xảy ra trong nhân-loại không ngoài các lý-do đã kể trên. Đó là người đối với người.
Người đối với thú-cầm sanh-vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: Họ giết thú-vật vì miếng ăn, vì sự dị-đoan mê-tín, vì sự vui thích. Đành rằng mình không thể dứt tuyệt giết các sanh-vật (gà, vịt, heo…) để nuôi thân sống; nhưng chẳng khá dựa vào lý “vật dưỡng nhơn” (thú-vật sanh ra đặng nuôi con người) mà giết hại nó một cách quá đáng. Chỉ cần dùng nó vừa đúng theo sự nhu-cầu cần thiết của các món thực-phẩm mình thôi mà không nên hoang phí hy-sinh nó nếu sự hy-sinh ấy không ích-lợi cho mình lắm. Nhứt là chẳng khá giết các thú-vật trong khi tế-lễ. Người ta tưởng rằng khi mình phạm tội với Thánh, Thần, Trời, Đất có thể sát hại sanh-vật cúng-tế cầu cho tội-quả tiêu-trừ. Sự tin tưởng ấy rất sai lầm huyễn-hoặc, vì đứng vào bực siêu-hình cao-cả như chi vị Thánh Thần, có lý nào vì một tình riêng làm cho sai chaỵ lẽ công. Khi gặp tai-nạn bất ngờ hay rủi-ro đau-ốm, con người không chịu thuốc thang khẩn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật để tế Thần cúng Thánh, kêu cốt kêu đồng. Họ không chịu tìm nguyên-nhân các sự họa-hoạn. Không chịu tìm hiểu rằng những tai-biến xảy ra đều do căn tiền báo quả hậu và không chịu ăn-năng chừa lỗi, tạo-tác phước-điền. Trong khi giết cá thú-vật đặng tế-lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền-bồi các tội ác trước được.
Chẳng những vậy thôi, họ còn giết các thú-vật vì sự vui thích của mình; kẻ bắn chim đang bay trên Trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú-vật làm tấm bia cho họ nhắm trong khi cao-hứng, quên hẳn rằng sanh-vật cũng có linh-hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống con như nhân-loại vậy.
Thế nên, hãy tha thứ cho chúng, hãy dung-dưỡng chúng và nhất là đối với các gia-súc: Trâu, bò, ngựa, chó, mèo… chẳng khá sát-hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong các sanh-hoạt hằng ngày. Tóm lại, không có sự sát-sanh vô cớ nào có thể tha-thứ được và trong những ngày chay-lạt hãy cữ hẳn.”
PHẦN 2 : CHÚ GIẢNG.
Sát Sanh: Sát là giết, sanh là sanh mạng, sự sống, sanh sống. Sát sanh là giết đi mạng sống. Theo sự giải thích của Đức Thầy, sát sanh có hai dạng loại một là người giết người hai là người giết thú cầm sanh vật. Người giết người dẫn đến vua tôi giết nhau con giết mẹ cha, trò giết Thầy chồng vợ giết nhau đệ huynh xâu xé. Giết thú cầm sanh vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, cúng tế Thần Thánh, vì vui thích, cao hứng…
Tánh hiền-lành: Nói về bản tánh khi con người mới sanh ra chưa bị ô nhiểm dòng đời. Sách xưa có câu “Nhân chi sơ tánh bản thiện” (người lúc sơ sanh tánh vốn thiện). Ở một bài dạy khác Đức Thầy cũng có câu:
“Người mới sanh tánh thiện Trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiểm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh.”
Bạo-ngược: Vừa hung bạo, vừa ngang ngược. Hung bạo là mạnh tay hiếp người còn ngang ngược là không công nhận lẽ phải trái. Ví dụ người ta bảo: Anh ấy nói chuyện ngang ngược.
Giết nhau vì sự ích lợi của một người: Chỉ là ích lợi cá nhân thôi mà giết người để bảo vệ lợi ích. Ví dụ: việc làm lén lút trái pháp luật mà bị người khác vô tình phát hiện, sợ đây rồi danh thơm tiếng tốt không còn mà dẫn đến tù tội nữa, nên giết để bịt đầu mối. Hoặc tranh nhau chuyện làm ăn, giánh mối mà giết…
Của một nhóm người: Một nhóm thuộc về có tổ chức, sự hợp tác của các thành viên trong nhóm về cá nhân thì bênh vực cho nhau về tập thể muốn cho nhóm mình có sức ảnh hưởng tốt, cạnh tranh với nhóm khác mà muốn giành thắng lợi, đứng cao. Cạnh tranh không công bằng thì trở thành giành giựt, dẫn đến sự sát hại.
Của một đẳng-cấp xã-hội: Đẳng cấp là phân chia sự cao thấp trong xã hội, người có học đối với người vô học, người học cao đối với người học thấp, quyền chức bổng lộc cao đối với hạng dưới tay mình quyền chức bổng lộc thấp: ỷ lại, xài xể, gièm xiểm, bôi bác rồi dẫn đến “kẻ thắng kiêu hảnh người bại hổ ngươi” mà sanh tâm đố kỵ, tình trạng leo thang dẫn đến giết hại lẫn nhau bởi sự phân chia đẳng cấp trong xã hội.
Của một quốc-gia: Vì lợi ích của một quốc gia mà giết hại. Học Phật của PGHH dạy mang ơn đất nước. Mang ơn phải trả ơn, tức là phải sống vì ích lợi của quốc gia mình thọ ơn, “Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị”. Toàn dân ra tay giết kẻ ngoài thống trị nói cho chí lý là hành động tự vệ ở bước đường cùng để bảo vệ đất nước thoát khỏi ngoại xâm. Sự sát giết ta không chủ động mà luôn ở thế bị động. Ân đất nước của PGHH dạy: Sự ích lợi của đất nước là làm cho nước nhà trở nên giàu mạnh và rán sức “nâng đở xứ sở quên hương lúc nghiêng nghèo”, tuyệt đối không phải vì muốn có sức mạnh cho nước nhà thì phải đi xâm lăng nước khác: Ân đất nước dạy không ủng hộ giặc xâm lăng
Trào-nội: Trong hoàng cung, triều đình, chỗ của vua ở.
Lê-thứ: Là bá tánh dân thường.
Dị đoan mê tín: Dị là khác biệt, đoan là mối, mê là ngu đần, tín là tin. Dị đoan mê tín là tin tưởng một cách mù quáng. Người ở trong chánh đạo, chánh tín, nhưng lỡ gia đình xảy ra tai nạn hay đau chứng nghiệt; do nghiệp chướng đời trước mà nay phải trả thì người ta lại nghĩ cách lo lót ơn trên, tưởng sát hại sinh vật tế lễ cho người khuất mặt ăn để họ độ. Cúng vái đèn hương đỏ vệ mà thuốc men cũng uống nườm nượp. Nhiều chỗ cúng tốn cho đã thì chừng chết cũng chết, Thầy pháp bó tay. Cũng có những trường hợp sát sanh cúng tế rồi người bệnh khõe lại, nhưng cúng tế mà uống thuốc Tây, Nam, bắc, có đủ thì thuốc đã làm cho hết bệnh chứ kẻ ăn hối lộ của cúng kiến quyền phép bao nhiêu mà đổi họa thành phước.
Vật dưỡng nhơn: Đức Thầy kêu “Đừng dựa vào lý vật dưỡng nhơn” như thế không có vụ vật dưỡng nhơn đâu mà chỉ có mạnh hiếp yếu. Ở đây ta có sức mạnh hơn con gà con vịt, ta bắt ăn thịt nó mà nói rằng Trời sanh nó cho ta ăn, ta bảo là vật dưỡng nhơn. Đến một lúc nào đó ta lên rừng gặp ác thú chuyên ăn thịt như Cọp, Sư Tử, Hùm, Beo… chẳng hạng nó vồ tới bắt ta mà ăn thì bây giờ ta nói là vật dưỡng nhơn hay nhơn dưỡng vật?
Tế lễ: Tế là cúng, lễ là đồ vật, lễ vật dâng cúng. Cúng lễ ở đây là cúng cho các Thần linh, Trời Đất. Nhưng đó là sự bày biện của những kẻ mê tín dị đoan chứ Trời Phật nào mà ăn đồ cúng kiến để phải độ cho kẻ cúng được tội quả tiêu trừ. Đức Thầy bảo:
“Đấng thần minh công bình trực dạ,
Đâu ăn lo đổi họa làm may.
Mở tâm linh nghĩ đến đoạn nầy,
Điều họa phước ấy cơ báo ứng.
Chẳng biết thân còn toan chứa đựng,
Quả bất lành chưa trả vay thêm”.
Và câu:
“của tiền chớ có bỏ theo,
Chết rồi tế lễ bò heo làm gì?
Sai lầm huyễn hoặc: Sai lầm tức do vì lầm mà hành động sai, lầm tưởng giả là thiệt, lầm xấu là tốt và ngược lại. Huyễn hoặc là nói chuyện không có; ví dụ: Tin đồn huyễn, tức là tin không có thật, thêm thừa, lừa dối. Sự sai lầm ở đây nói về việc sát sanh hại vật để cúng tế Thánh Thần Trời Đất mà Thánh Thần Trời Đất rất “công bình trực dạ” đâu có nhận sự lo lót mà làm cho sai chạy lẽ công bằng.
Bực Siêu Hình: Ta thường gọi là các ơn trên, tuy người thế gian mắt phàm không thấy nhưng các vị rất linh ứng trong việc cứu người. Đừng ai tưởng các vị linh thiêng ấy có khả năng cứu độ kẻ gian để lúc sanh tiền chuyên làm điều xằng bậy và sống trên đồng tiền, đến lúc trả quả, sát sanh hại vật tế lễ thì các vị đổi tội ra phước ngay.
Tình riêng: Là áp dụng tình thương cá nhân, người nào làm phải lòng mình, làm tốt công việc cho mình, giúp đỡ hoặc nghe lời mình dạy thì mình thương ngoài ra thì không. Các bực siêu hình hành động sự cứu độ với tình chung trong luật định của thiên nhiên, gồm vào một chữ đạo và chỉ có một con đường thẳng, đi trúng, không có bước trật.
Lẽ công: Là lẽ công bằng. Bực siêu hình cầm cân nẩy mực, tội phước phân minh, không thể vì chúng sanh làm điều tội ác, muốn hết tội được phước cứ tế lễ đi là được.
Tai nạn: Tai là cái họa từ đâu đến hại thân và có thể tan nhà nát cửa; Nạn là chịu sự khó khăn, chết chóc chẳng hạn. Tai nạn là gánh lấy sự khổ không phải do mình làm trong hiện tại mà là một thứ tai bay họa gởi từ đâu tới.
Bất ngờ: Thình lình, không ngờ trước được. Ví dụ: Hôm nay bạn đến thăm làm tôi bất ngờ quá! Nhưng từ bất ngờ ở đây diễn tả sự  không may mắn: là tai nạn đến bất ngờ; không loại trừ bị hại mà chẳng chút biết trước để lo mà tránh.
Rủi ro: Là điều không may mắn đến với mình. Người trong đời thường hay nói chuyện May và Rủi để nhận chịu những điều tốt hay xấu. Buôn bán lổ lả, làm ăn thất bát, gặp chuyện không lành người ta cho rằng vận may không đến, đến toàn chuyện rủi.
Đau ốm: Nói lúc thân thể con người bệnh hoạn. Có nhiều thứ bệnh chính bệnh nhân gây ví dụ như: Dùng rượu nhiều thì nữa đau Gan, hút thuốc nhiều thì lâu ngày bệnh phổi. Cái nhân chính mình gây cho mình hưởng quả mà một khi quả đến sanh bệnh thì bảo rằng rủi ro.
Kêu cốt: Tạo cốt rồi đặt tên cho cốt: Phật, Tiên, Thần, Thánh hay Ông nầy Bà nọ trong các đấng siêu hình, rồi kêu về trị bệnh thay vì phải đi bệnh viện chữa trị bằng thuốc.
kêu đồng: Thuộc dạng Ông lên Bà xuống. Chọn một ai đó trong giới bóng chàng mà người ta cho là có nhiều điểng. Một cái xác lên ngút ngắt được năm mười Ông, đàn ông về nhập xác cho đàn ông, cũng có khi đàn bà về nhập xác cho đàn Ông hoặc ngược lại. Kêu đồng về nhưng đồng luôn luôn bị trùm khăn đỏ mút mặt, ứng lên nói cười ngút ngắt rồi uống rượu, uống ngoài khăn đỏ. Rượu miếng uống miếng phung, nhang cây đốt cây phóng, gà con ăn con tống.
Làm chuyện che mắt thế gian chứ có Ông thần y nào mà về trị. Ta hãy nghe bài thơ biếm sau đây:
“Khen ai khéo vẽ cảnh lên đồng,
Một lúc lên luôn sáu, bảy Ông.
Xác quỹ Ông dùng cây kiếm gỗ,
Ra tay bà vắt cái khăn hồng.
Cô dương tay ấn tan tành núi,
Cậu chỉ ngọn cờ cạn khúc sông.
Đồng giỏi sao đồng không giúp nước,
Hay là đồng sợ súng cành nông?”
Căn tiền báo quả hậu: Đời trước làm chuyện ác, đời sau chịu quả báo. Cho hay! Người đang chịu quả báo nên tự biết kiếp trước mình làm việc chẳng lành mà nay mới thân thời ra như vậy. Đã biết đạo, biết tu hành thì kiếp nầy chỉ trả thôi chứ đừng vay lại.
Gia súc: Những loài vật nuôi trong nhà như: Trâu, Bò, Ngựa, Chó, Mèo…
Sát sanh vô cớ: Nguyên câu là “không có sự sát sanh vô cớ nào mà tha thứ đặng”. Không có sự sát sanh vô cớ thì không có chuyện diện ra cái cớ để sát sanh là đúng. Cho dù Đức Thầy có dạy tín đồ “chay bốn bửa ấy là quy tắc” thì hăm sáu ngày còn lại trong tháng là được phép sát ăn sao? Đức Thầy dạy khởi đầu cho tín đồ bước vào đạo dùng chay tháng bốn ngày, nhưng Ngài cũng đâu nói sau bốn ngày quy tắc thì ăn sát là không có tội. Ngài nêu cao ngọn đuốt Nhân quả cho mọi người nghe thấy:
“Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy”
Và câu:
“Luật nhơn quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.”
Từ cổ chí kim không lọt chẳng lẽ chỉ vì quy y theo PGHH mà lọt sổ nhơn quả ư ?.
TÓM KẾT: Đức Thầy dạy về ác sát sanh rất đầy đủ, chúng ta không cần giải thích thêm cho rườm, chỉ nên rút gọn lại đễ quý vị dễ nắm bắt, đỡ mất thời gian nghiên cứu ý chính. Ác sát sanh và nguyên nhân gây ra sát sanh ở người với người thì “vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hềm, vì háo thắng” và “ Vì sự ích lợi của một người, của một nhóm người, của một dẳng cấp xã hội, của một quốc gia” mà sát sanh. Còn sát sanh với thú cầm sanh vật thì “Vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, vì sự vui thích” đã làm nên tội ác phải chịu quả báo từ hiện tại dẫn đến nhiều kiếp luân hồi.
Muốn khỏi chịu tội quả thì đừng sát sanh với ai, đừng giết sanh vật bất cứ là dùng cho việc gì. Việc gì thì việc, hễ sát sanh là có tội không có lý do biện hộ, ngay cả việc ăn sống cho bản thân mình cũng phải bị sự trừng trị của Luật Nhân Quả nếu như mình ăn mạng. Và với lòng từ bi của giáo lý nhà Phật Đức Thầy kêu gọi môn đồ:
“ Hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng”. Người ta hay thú vật hại mình thì mình cũng phải tha thứ, chẳng những tha thứ mà còn nên dung dưỡng.
PHẦN 3: ĐẶT CÂU HỎI:
- Người mới sanh ra đời vốn hiền, lớn lên không hiền nữa là do đâu?
- Theo trong đề mục Sát Sanh Đức Thầy giảng luận có mấy loại? Hãy kể ra.
- Sát Sanh giữa người với người gồm có mấy vụ? Kể ra.
- Có bao nhiêu thứ giết người để bảo vệ ích lợi từ cá nhân đến tập thể? Kể ra.
- Giết thú cầm sanh vật gồm có mấy dạng? Hãy kể ra.
- Giết thú cầm trong sự vui thích là gì?
Buổi học 7 đến đây mãn giờ. Lần tới ta học biết về ác “Đạo Tặc” ra thế nào để mà tránh làm chuyện ác nầy.
Kính chúc quý vị thân tâm an lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
30/12/2015








Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

NGHI VẤN 2
BUỔI HỌC 6
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
Nghi vấn tiếp theo:
Hỏi: Đức Thầy bảo “ con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên” và dẫn đến “ là một con đường đi trúng thì sống bước trật tất chết. Như vậy sống hay chết đều bị định luật thiên nhiên chi phối. Người học đạo rất sợ sự chi phối nhất là chi phối với ngoại cảnh, Thiên nhiên cũng là ngoại cảnh, thế có làm cách nào để không bị định luật thiên nhiên chi phối không?
Đáp: Câu nghi vấn trên tóm tắt có ba vấn đề quan yếu:
-         Có phải sống hay chết đều bị thiên nhiên chi phối không?
-         Người học đạo rất sợ các sự chi phối phải không? Nhất là sự chi phối bởi ngoại cảnh, Thiên nhiên cũng là ngoại cảnh; vậy ta chấp nhận hay phủ nhận?
-         Làm cách nào để không bị định luật thiên nhiên chi phối?
Sống hay chết đều do định luật thiên nhiên chi phối hoàn toàn đúng. Định luật thiên nhiên lúc nào cũng biểu hiện sự tự có của thời tiết: Nóng, lạnh, gió, mưa; biểu hiện Trời, Trăng, Sông, Núi. Thân ta cũng bị chi phối bởi sanh, già, bệnh, chết. Sự chi phối từ bản thân cộng với sự chi phối của thời tiết khắc nghiệt đã làm cho sự sống bị chao đảo khôn lường; thời gian đã làm ta già, thời tiết khắc nghiệt làm ta sanh bệnh và dẫn đến tử vong. Tất cả từ già đến bệnh, chết ta đều không muốn nhưng định luật thiên nhiên đã giải quyết cho ta đúng kỳ chết thì ta không có quyền không chết.
Ta không thể không chết nhưng ta có quyền lựa chọn chết đây để  sanh đâu sau khi chết, vào trong vòng xoay của trục luân hồi mà đầu thai kiếp khác ở ba nẽo ác: Địa ngục, Ngạ quỹ, Súc sanh hay ba đường thiện: Trời, Người, A Tu La hoặc giải quyết một lần chết đi là không trở lại cõi hồng trần chịu khổ mà về tuốt bên thế giới Tây Phương Cực Lạc, cõi Phật của Đức Phật A Di Đà. Nhưng để giải quyết một chuyến đi luôn hay trở lại vào ra trong sáu nẽo luân hồi là còn tùy thuộc do mình chọn lựa. Chọn đường nào là lúc mình còn sống khõe mới có hiệu quả chân xác; nếu khi còn sống khõe đi mãi trên con đường nào thì chừng chết cũng chết vào đường đó, một con đường mà Đức Thầy cảnh báo “ Đi trúng thì sống, bước trật tất chết”. Nếu ai đi với hành trang danh, lợi, tình, thích săn đuổi theo thất tình, lục dục, mạnh bước trên con đường đó sức ảnh hưởng với nó quá sâu, cho dầu có làm phước đức, không gây tội mà mê mang theo chúng thì chừng chết đi cũng trở lại cõi mê. Nếu mang theo hành trang chỉ toàn là Phật với pháp của Phật là “Đi trúng thì sống”. Một lần về cõi Tây Phương là sống mãi.
Tôi xin trích đọc một đoạn văn của Đức Thầy diễn tả cõi nước Tịnh Độ của Phật của Đức Phật A Di Đà, xin mời quý vị lắng nghe:
“ Thần thức nhập Thai Sen tinh hảo,
Nên khỏi màng lo nỗi Khổ Sanh.
Thân thì Thân Công Đức hiền lành,
Bất di dịch khỏi vì khổ lão.
Thể Thanh Tịnh thường không huyên náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bịnh kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát cuộc lao đao vì nó.
Đường sanh mạng Phật, ta đồng thọ,
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn.
Tử thần kia đâu dám bắt hồn,
Thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử.”
Kính thưa chư quý đồng đạo! Nguyên đoạn văn diễn tả về cõi Cực Lạc có tám điều vui để đối với cõi Ta bà có tám điều khổ. Nhưng tôi chỉ đọc mới có bốn điều vui và ngưng trích ở câu “thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử”, như vậy cũng đủ tóm tắt rằng: Tu về Cực Lạc là thoát sự ràng buộc của luân hồi không còn đeo đẳng bởi sanh và tử mới chính thức “đi trúng là sống”.
Người học đạo rất sợ sự chi phối dù bất cứ sự chi phối nào. Chi phối nào cũng làm trì trệ bước đăng trình hay tắt nghẻn lưu thông của sự học Phật, hành Pháp. Huống chi định luật thiên nhiên chi phối ta rất mạnh, ta không thể nào an trụ sự khó chịu với nóng lạnh gió mưa, cũng không an trụ trong cảnh quang thiên nhiên với những màu sắc hữu tình. An trụ vào đó hay vào đâu đều làm tắt nghẻn đường về Phật Quốc hay lên Phật quả. Sông núi làm ta tríu mắt thì nó là nghiệp chướng của mắt trong lúc đăng trình, âm thanh làm ta rung động hay khó chịu nó là nghiệp chướng của tai nghe. Đừng tính là chấp nhận hay phủ nhận vì chấp nhận hay phủ nhận định luật thiên nhiên đều bị chi phối cả.
Làm cách nào để không bị định luật thiên nhiên chi phối mà dẫn đến một con đường đi trúng thì sống bước trật tất chết?
Đức Thầy nói rõ “ sanh ra ở đời con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên”. Về tuyệt đối, nếu đã sanh ra ở đời là không còn cách; bởi vì “dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu…” thì hết cách rồi còn gì? Nhưng về tương đối tôi nghĩ là có cách. Không phải Kinh Phật đã nói rằng người tu là đi ngược đường duyên với thế gian đó sao! Nếu thể hiện sự đi ngược đường duyên với thế gian hẳng nhiên sẽ không bị vì đã thoát ra ngoài định luật. Ta còn có thân Sanh Lão Bệnh Tử nhưng ta không bị sự chi phối về mặt tâm lý của tấm thân như những ngày nào soi gương thấy da mặt không mịnh màng, nám sạm thì tiếc, cứ thấy mình già đi thì tiếc, mua kem phấn vỗ về da, thân bệnh sợ thôi là sợ, tự biết con bệnh mình mang không thể sống được mà cũng tiếc sự sống còn cứ tuôn tiền ra, tiền của nhà hay tiền vay bạc hỏi. Đến lúc bất lực không thể ngồi dậy đứng đi được là báo hiệu “đèn tắt”mà cũng cứ ghiềng sống, bịnh rịn với nhà cửa, ruộng vườn, sự nghiệp, vợ con... tiếc, tiếc, tiếc ôm cái tiếc đó mà đi cho con quỹ xứ dẫn xuống diêm cung.
Nếu người tu học Phật Pháp quán thân bất  tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã và quán thọ thị khổ, dẫn đến “hành thâm Bát Nhã Ba la mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách”, bấy giờ thân đẹp xấu già yếu thây kệ, bệnh có thuốc thì uống hết hay không thây kệ nó, chết hay sống thây kệ nó; quán tâm vô thường để đừng chấp tâm, quán pháp vô ngã để đừng chấp ngã, không chấp tâm là vô tâm, không chấp ngã là vô ngã, vô tâm vô ngã với thân thể mình cho nó không sanh ra bảo thủ gìn giữ, lấy đâu có sự chi phối?
Chỗ tôi nói thây kệ nó là gát chuyện nó lại để tu cho thâm nhập Thiền Tông hay Tịnh Độ Tông, ở đây nói về Tịnh Độ Tông thôi, là niệm Lục Tự Di Đà, mặc kệ nó! Lo mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, để cho trên tầng cao, Phật chờ rước linh hồn thì sẽ rước được. Phật chờ rước mà mình không hành trì đúng theo thủ tục xuất cảnh Tây Phương là hết cách, Phật trở gót chỉ một mình về cõi của Ngài thôi.
26/12/2015






Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC 6
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
Sau khi chú giảng xong bài “Luận Về Tam Nghiệp”, đồng đạo học viên đưa ra một số nghi vấn; không phải nghi vấn đơn thuần, vắn tắc mà những câu hỏi cộng thêm lý luận dài dòng. Tôi tóm lược ý chính:
Hỏi: Đức Thầy viết bài Luận Về Tam nghiệp với hướng dẫn trong ba nghiệp chướng sanh ra mười điều ác. Ngài dạy trừ ác để hiện thiện ngay trong phần giáo lý nầy. Nhưng ở đoạn khác thì Ngài lại viết “ Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp. Xin hỏi hai điều dẫn trên có trái chống nhau không?
Đáp: Nếu đọc suôn qua thì thấy hai đoạn dẫn chứng trên là có trái chống, nhưng qua nghiên cứu thì không. Bởi đây quá rõ ràng là hai phương pháp trừ ác tồn thiện. Phật Pháp là phương tiện pháp, chúng sanh đa bệnh còn nói về giác ngộ theo đường Phật thì cao thấp không đều, bảo sao không có nhiều cách tu để cung ứng lòng hâm mộ của bá gia thiện tín. Ai sanh ra đời có đạo hay không có đạo, Đạo Phật hay Đạo Thánh, Đạo Tiên đều phải bị ba chướng nghiệp hoành hành, nên Đức Thầy bảo“Dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên” là thế.
Để ba nghiệp chướng không hoành hành nữa, Đức Thầy phải “ tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam” mà có nhiều cách giáo hóa chúng sanh, để họ tùy trình độ cơ cảm chọn lấy pháp môn nào phù hợp cho sự diệt ác hành thiện.
Đối với người có đạo, biết tu nhưng đạo đức và sự tu không nhiều, hằng ngày phải đối mặt không biết bao nhiêu là chuyện: mưu sinh, ăn mặc, ở, nặng nhẹ thế nào… Trong khi đối mặt với cuộc sống, ba nghiệp chướng sanh ra mười điều ác ta đâu cần để ý đến nó vì thế nó chạy luôn tuồng lên các việc làm chờ có cơ hội là nhập vào thân, nhập vào khẩu, nhập vào ý cho mình chồng đống những tội lỗi. Đức Phật đưa ra tên tuổi mặt mày của mười tên ác để bá gia thiện tín trong làm lụng mưu sinh luôn nhớ có ba nghiệp chướng theo, đừng cho chúng nhảy vào, 1 không tạo thuận lợi cho nó tác oai tác quái, 2, khi biết nó đã và đang phát sinh, bằng mọi cách phải chận đứng và liền theo đó loại bỏ nó ra khỏi hành động (thân nghiệp) ngôn ngữ (khẩu nghiệp) và tư tưởng (ý nghiệp), sẽ tránh đi cái nhân quả đời nầy và không làm ảnh hưởng kiếp lai sinh. Đời hiện tại không bị người khác hành động ác, không bị người khác nói ác và không bị người khác nghĩ ác về mình. Nhờ đó sống đời hạnh phúc, bình an ngay trên cõi Ta bà ô trược nầy.
Diệt thập ác bằng Niệm Phật. Theo Đức Thầy dạy “Niệm Phật là để trừ vọng niệm chúng sanh” đó là mục tiêu. Người chuyên trì Niệm Phật không để niệm ma lọt vào là hành đúng pháp. Đức Thầy giải thích qua cách niệm Phật “ vì trong tâm của chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt”. Niệm niệm mê lầm tức là tiếp tục hết cái mê lầm thì đến mê lầm khác, mê lầm mê lầm mê lầm… Nếu trong tâm nối liền mê lầm như vậy thì đâu thể chỉ một câu niệm Phật làm xụp đổ hết các sự mê lầm đã và đang tiếp diễn, chỉ phải niệm Phật niệm Phật niệm Phật nối nhau không có khoảng cách cho niệm ác chen vào. Như vậy, chỉ niệm Phật là trừ được niệm ác. Nhưng hềm gì, chúng sanh tu niệm chưa thuần, niệm ác còn xen; niệm Phật suôn như vậy chưa đủ nên Đức Thầy dạy “ Cần phải tu thập thiện thì sự niệm Phật mới có hiệu quả”.
Niệm Phật Bản Lai. Phật bản lai là Phật của chính mình. Kính thưa chư đồng đạo cách niệm Phật trước là dựa vào Đức Phật ngoài mình, Đức Phật cõi Tây Phương để trừ niệm ác nghiệp vọng niệm. Phương pháp thứ ba nầy tuyệt diệu. Đức Phật dạy rằng “Nhất thiết chúng sanh giai hửu Phật Tánh” trong mỗi chúng sanh đều có tánh Phật như Đức Phật có và thành Phật như Đức Phật thành.
Giả sử hỏi: Đã có Phật trong chính mình sao còn “ chờ thành” nữa?
Cũng như lúc còn là thái tử Sĩ Đạt Ta, trốn lên Tuyết Sơn tu hành, Phật có trong tâm mà chưa dùng được để bị lăn lóc với những cơn khổ hạnh như muốn chết đi, có Phật Tánh đồng thời còn có vô minh che lấp khiến Phật Tánh không hiện diện, nhờ công năng tu tập phát sinh trí huệ vẹt phá được vô minh thì Phật trong chính mình tỏ rõ ngời sáng.
Vô minh tuy không thật thể nhưng nó che chắn, nếu không phá được nó, cho dù tu đến bao lâu ngày bao nhiêu kiếp mà không vẹt sự che chắn của rừng vô minh là chưa vào Phật quả. Còn trong màn vô minh mà ít tu thì lòng sẽ không mấy tỉnh táo trước những thứ cám dỗ thấp hèn, dễ đọa lạc vào đường tội lỗi, gây thành nghiệp ác.
Như mặt Trời bị áng mây che; mây cũng không thực thể nhưng nếu không có gió đẩy đi mây sẽ ở mãi ngự trị sự che chắn mặt Trời thì ánh sáng mặt Trời không thể phát quang được, sẽ đổi màn, chỗ sáng sẽ trở thành bống tối. Nếu người tu áp dụng pháp môn Niệm Phật, tu tâm không cho có kẻ hở thì ba nghiệp chướng sanh mười điều ác không còn chỗ để phát sanh. Gió đẩy thì mây bay mất, mặt Trời hiện sáng. Niệm Phật trì tâm không có kẻ hở ví là gió liên tục mây vô minh không có sức bám trụ cho ba nghiệp chướng hoành hành. Nên Đức Thầy dạy “ Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp” là thế.
Bàn xét như trên ta thấy rằng sự giải trừ ba nghiệp chướng để chúng không sanh mười điều ác, tóm lại có hai cách:
Dùng Pháp trị
Dùng Phật trị.
Thế nào là Pháp trị? Dùng pháp lành trị pháp dữ, ví dụ: Đem cái thiện phóng sanh để trị cái ác sát sanh, dùng thiện bố thí để trị cái ác trộm cướp, dùng chánh tâm để trị tà dâm. Để lòng thương yêu hòa khí với mọi người đặng trị cái bệnh lưỡng thiệt, (đi tới đâu mà đem sự mất lòng cho nhau giữa họ là do mình khởi đầu câu chuyện với những từ mà quê ta thường dùng “Đâm bì thóc, thọc bị gạo” rốt cuộc bì nào cũng bị lưỡng thiệt đâm thọc nên họ mới bất hòa càng lúc càng nặng). Dùng lời nhỏ nhẹ trong bàn luận, thuyết phục, hay sai bảo để trị cái bệnh Ỷ Ngôn, dùng cam ngôn mỹ từ để trị cái bệnh Ác Khẩu .vv…
Thế nào gọi là dùng Phật trị?
Nhiếp tâm Niệm Phật đủ để trừ tiêu các chướng nghiệp nhiều đời không cần phải qua pháp trị.
21/12/2015


Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

BUỔI HỌC 6
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH

LUẬN VỀ TAM NGHIỆP
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính thưa chư quý đồng đạo! Buổi học thứ 6 hôm nay chúng ta học đến bài “LUẬN VỀ TAM NGHIỆP”. Bài học nầy so với bài học qua là ngắn nhất còn lại trong đây rất nhiều từ quen thuộc, học chắc phải mau nằm lòng. Hôm buổi học 5, gặp phải bài “ân đồng bào và nhân loại” quá là dài, đồng đạo ít có người thuộc rành, trả bài  không suôn, kết quả của sự học chưa được chúng ta hài lòng. Do đó mà kỳ rồi tôi có đề nghị, đồng đạo nào chưa thuộc bài “Ân đồng bào và nhân loại” thì hãy học tiếp tục để trả bài lại trước khi buổi học thứ 6 bắt đầu. Vậy, để giữ đúng lời hẹn xin kính mời đồng đạo nào mà kỳ học trước không thuộc, hoặc trả bài lộn lạo thì hãy tự nguyện tự giác nhanh để chúng ta đi vào buổi học mới. Kính mời lên!
Phần trả nợ củ xong giờ chúng ta bắt đầu vào bài mới nhá!
PHẦN 1 : HỌC CHÁNH VĂN
LUẬN VỀ TAM NGHIỆP
Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không, cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm vào một chữ Đạo, đạo của con người kêu bằng “ đạo nhân”, và nó là một con đường, đi trúng thì sống, bước trật tất chết.
Muốn làm tròn nhân đạo, phải giữ vẹn tứ ân. Nhưng trước hết phải tránh tam nghiệp và chừa thập ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ.
Mỗi người có ba nghiệp chướng sau sau đây:
-         Thân nghiệp ( tội lỗi do xác thân gây nên)
-         Khẩu nghiệp ( tội lỗi do miệng lưỡi gây nên)
-         Ý nghiệp ( Tội lỗi do ý tưởng gây nên)
Ba nghiệp chướng ấy khiến con người phạm mười điều ác kể ra dưới đây:
Thân nghiệp sanh 3 điều ác:
-         1.) Sát sanh
-         2.) Đạo tặc
-         3.) Tà dâm
- Khẩu nghiệp sanh 4 điều ác:
1.)             Lưỡng thiệt
2.)             Ỷ ngôn
3.)             Ác khẩu
4.)             Vọng ngữ
- Ý nghiệp sanh 3 điều ác:
-         1.) Tham lam
-         2. Sận nộ
-         Mê si
Phần 2: Chú Giảng
Kính thưa chư quý đồng đạo học viên!  Vì buổi học hôm nay qua bài “LUẬN VỀ TAM NGHIỆP” phần chánh văn đã ngắn mà Tam Nghiệp sanh ra mười điều ác, mỗi cái ác được sấp vào buổi học riêng. Do đó Tam Nghiệp còn quá gọn gàng trong một vài từ ngữ qua giờ học kéo dài, nên tôi xin mở rộng đề tài để điền vào khoảng thời gian ta có được trong buổi học.
Luận: Đi từ phạn ngữ Abhidharma dịch âm theo phạn ngữ ta đọc là A tỳ đạt ma. Luận là bàn cho ra cái lý, ta thường gọi là lý luận hay bàn luận. Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn giải thích về Luận có chia thành hai phần:
1) Luận những bài Phật thuyết do Ma Ha ca Diếp chủ trương kết tập sau khi Phật nhập Niết Bàn.
2) là những bài luận do các chư tăng tu hành thâm nhập nghiên cứu đến chỗ vi diệu pháp môn biên soạn.
Như ở vào thế kỷ thứ năm, nước Ấn Độ có hai Ngài Vô Trước và Thiên Thân tu đại thừa nhập định tam muội gặp Bồ Tát Di Lặc dạy cho năm bộ luận:
1.- Du Già Sư Địa Luận
2.- Phân Biệt Du Già Luận
3.- Đại thừa Trang Nghiêm Luận                               
4.- Biện Trung Biện Luận
5.- Kim Cang Bát Nhã Luận.
Đức Thầy có câu:
“Bàn với luận đặng coi chơn lý
Luận bàn chơn lý cho minh”
Bàn luận phải dựa trên căn bản đề tài có sẵn. Đề tài ở đây là Tam Nghiệp, nên đó, Đức Thầy đề tựa là “ Luận Về Tam Nghiệp”.
Trong lịch sử Phật Giáo, Luận bắt nguồn rất sớm. Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, lúc đó Ấn Độ chưa có chữ để viết thành ra Đức Phật với con đường độ chúng chỉ thuyết pháp chứ không có viết Kinh. Sợ để lâu ngày chánh pháp của Phật bị mòn hao, trưởng lão Ma Ha Ca Diếp vị được Đức Phật trao truyền chánh pháp nhản tàng niết bàn diệu tâm tại núi Linh Thứu mời các vị chư tăng đương thời cùng chung mở hội kiết tập lời của Phật dạy. Lời Phật thuyết phân ra có Tam Tạng: Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng. Trong cuộc kết tập, Kinh Tạng giao phần cho Ông An Nan, Luật Tạng thì có Ông Ca Diếp, Luận Tạng thì có Ông Ưu Ba Ly. Đạo Phật ở Ấn Độ có ba tạng kinh điển chưa nước nào vinh hạnh bằng. Pháp Sư Trần Huyền Trang từ Trung Quốc qua Tây Thiên Trúc thỉnh pháp Phật chính là thỉnh Tam Tạng nầy nên người ta gọi Ngài là Huyền Trang Tam Tạng hay Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang.
Tam Nghiệp: Tam là ba, Nghiệp là nói về nhân hay nguyên nhân để sanh ra quả. Đời hễ thấy ai đó nghèo đói hay nạn tai dồn vập người ta bảo kẻ ấy kiếp trước gây nghiệp gì mà kiếp nầy chịu nợ nần oan trái. Còn hiện tại, Ông bà thấy cháu, cha mẹ thấy con hoặc xóm chòm, làm việc ác, lời nói ác và ý tưởng ác sẽ bị quở cho kiếp lai sinh phải sống đời bất hạnh, nhục nhằn. Là ba nghiệp của Thân, Khẩu, Ý sanh ra mười điều ác. Phật dạy tu cho mười điều ác trở thành mười điều thiện rồi lóng thiện thành chơn là tu đạt pháp môn, Đức Phật mới tiếp độ. Kinh Nhật Dụng có câu:
“Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây Phương”
Đức Thầy dịch:
“Cầu Tịnh Ba Nghiệp xong xuôi,
Tây Phương quyết đến chung vui Phật đài”.
Luận về Tam nghiệp bằng giải lý qua mười điều ác người tu phải trừ, Đức Thầy kết luận:
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”
Qua pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương cũng cần phải tu tịnh Tam Nghiệp:
“Cần tu thập thiện thì sự niệm Phật mới có kết quả. Tu thập thiện , dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp)”.
Sự Chi Phối: Chi là chia ra, Phối là hợp lại. Chi phối là phân chia từ gốc. Ví dụ chi phối quyền lực, chi phối tinh thần, tu gặp cảnh nghèo lo làm lụng nhiều mà đạo tâm bị chi phối… để cho quyền lực bị ảnh hưởng thêm thứ khác mà giảm bớt uy danh, tinh thần đạo đức bị chi phổi bởi vật chất, danh lợi tình mà kém thông minh sáng suốt, làm bài tập hay học thuộc lòng là cần sự chú tâm nhưng bị những vật dục xỉa vào đánh mất sự chú tâm thì học tập phải kéo lê nhiều ngày giờ mới hoàn thiện. Tóm lại, các thứ, các điều làm ảnh hưởng đến chủ đề chính thì gọi là chi phối.
Định luật: là qui định của luật thiên nhiên để ràng buộc con người. Đừng nói là muốn hay không muốn, luật vẫn luôn luôn tồn tại để thưởng phạt kẻ có tội hay có phước, nên Đức Thầy cảnh báo với hạng người không muốn nằm trong định luật đặng hả hê vui thích cá nhân phàm tục mà không bị định luật bắt bẻ, rằng: “ Con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu… “ là thế.
Thiên nhiên: Tức tự nhiên. Tự nhiên sanh tự nhiên diệt, tự nhiên có tự nhiên không, tự nhiên còn tự nhiên mất. Tất cả đều nằm trong thiên nhiên. Người ta nói: Rừng thiên nhiên là rừng tự nhiên có, khác với rừng do người ta trồng. Gọi thượng tôn hơn, rừng thiên nhiên người ta bảo rừng do Trời Đất sắp đặt. Các tạo vật trong đời cũng từ thiên nhiên mà có, cho dù đi vào khung nhân quả nhưng khung ấy cũng thiên nhiên. Như vậy Định Luật Thiên Nhiên là định luật của Trời Đất một cách tự nhiên.
Đạo: Qua các tham luận của cổ đức giải thích từ “Đạo” có ba nghĩa:
1.- Đạo là con đường
2.- Đạo là bổn phận
3.- Đạo là chân lý tuyệt đối.
-Thế nào đạo là con đường?
Như Đức Thầy nói: “Con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu sự chi phối của định luật thiên nhiên” và định luật ấy gồm tất cả con người vào một chữ Đạo mà đạo lại là con đường có hai ngã rẻ, rẻ lên hay rẻ xuống, rẻ lên là lên Phật, rẻ xuống là xuống chốn diêm vương. Nếu ai:
“Gái cùng trai già trẻ bước vào
Đường trí huệ quy y gìn đạo pháp”
Thế đã chọn nẽo lên, còn ai mê danh mê lợi mê tình, làm điều gian ác, lòng dạ hẹp hòi, ganh ghét thì là đi xuống:
“ Vội đem lòng cượng lý ghét ghen,
Thêm cùng bớt tiếng kèn lời huyễn.
Chốn âm ty ngưu đầu mã diện,
Đang trông chờ tới số bắt hồn.
Cõi âm thần bịnh sái dịch ôn,
Chờ mãn phước rat ay bẻ họng.”
-         Thế nào đạo là bổn phận?
Đối với đạo Nhân Luân thì người theo đạo có bổn phận với phu thê, phụ tử, vua tôi, Thầy trò, bè bạn. Còn đối với đạo Phật thì người học đạo có bổn phận đáp đền ân Tam Bảo, như Đức Thầy dạy:
“Con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt”.
Thọ ân thì phải có bổn phận đền ân. Đức Thầy dạy về bổn phận ấy như sau:
“Nên bổn phận của chúng ta là phải noi theo chí đức của tiền nhân hầu làm cho trí huệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ai được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh…”
Thế nào Đạo là chân lý tuyệt đối?
Chân lý vốn không di không dịch, như như bất động, là chỗ mà đạo Phật gọi là tính bổn lai, hay bổn lai thường trụ. Đạo đi từ con đường, đi từ bổn phận, có thể vẫn còn bị định luật thiên nhiên chi phổi, ở nơi chân lý thì không bị chi phối bất cứ điều gì hay đấng cao cả nào. Mục tiêu của người tu học đạo Phật là muốn đạt đến cảnh giới nầy.
Đi trúng thì sống: Theo ý nghĩa thông thường “ trúng” ở đây là trúng với phép tắc, đạo đức, ví dụ như mình ăn ở có phép tắc không rượu chè cờ bạc thì không bị đọa thân là “ bác thằng bần”, không gây gổ thì không sanh cãi cọ không có sự nóng giận đến đánh đập giết hại thì sống khõe, sống không sợ, là đi trúng. Nói rộng, sống chết là ở linh hồn. Thể xác thì ai cũng chết. Có câu “Tu nhân tích đức già đời cũng chết, ăn ở bạo tàn tới số cũng không còn”. Ai cũng phải chết sao lại nói “Đi trúng thì sống”? Sống ở đây là sống với danh thơm tiếng tốt, đạo đức vẹn toàn cho người đời sau và lịch sử nhắc tên. Đó chẳng phải tên tuổi đã sống mãi sao?
Bước trật tất chết: Tức đi ngoài phép tắc, đạo đức, ngược lại với đi trúng.
Tóm Lược Đại Ý: Đức Thầy viết “Luận Về Tam Nghiệp” là luận cho ra lẽ về ba nghiệp chướng mà sanh trong đời ai cũng bị nó hoành hành gây nhiều tội lỗi. Con người có đạo hay không có đạo, tu hay không tu đều bị ba nghiệp chướng Thân, Khẩu, Ý chi phối đến đời sống. Ba nghiệp chướng ấy là định luật của thiên nhiên. Một thứ định luật bất di bất dịch không ai cãi được khỏi tội khi người ta làm ác. Làm ác gặp ác, do đó người tu phải biến ác thành thiện thiện; thiện có thiện báo, ác có ác báo. Biến mười ác trở thành mười thiện, cũng gọi là tu tịnh tam nghiệp sẽ “Đồng Phật vãng Tây Phương”, chừng đó không còn bị định luật thiên nhiên chi phối nữa.
Phần 3: Đặt Câu Hỏi
Thế nào gọi là Luận?
Tam Nghiệp gồm có gì?
Khẩu nghiệp có bao nhiêu điều?
Hãy giải thích thế nào là sự chi phối?
Định Luật nói trong bài là gì?
Sao gọi “đi trúng là sống”?.
Kính thưa quý vị! Đến đây giờ và buổi học đã hết. Hẹn gặp lại quý vị ở buổi học 7. Kỳ học tới ta học qua đề mục nói về ác Sát Sanh. Mục nầy rất dài mong rằng quý vị cố gắng hơn nữa để học thuộc.
Kính chúc quý vị thân tâm an lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT








Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

NGHI VẤN 2
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC 5
BÀI ĐỌC THÊM
Hỏi: Con người khi đã hiểu ra ân đồng bào và nhân loại rất cao quí phải trân trọng nó trong đời sống để đền trả. Thế nhưng, nếu nhân loại ở một dân tộc quốc gia khác đến xâm chiếm Việt Nam ta, trước cảnh nầy tình nhân loại áp dụng thế nào mới đúng? Có nên giữ trọn tình yêu nhơn loại với kẻ đánh phá nước ta không?
Đáp: Câu hỏi nầy có phần nghiêng hẳng về quốc gia đại sự, phù hạp với Ân Đất Nước, tiếc là ta không được bàn nó ở tiêu đề chính. Tôi xin trích đọc một đoạn trong “Ân Đất Nước“ để thấy rõ điều nầy:
“Ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp… rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm”.
Nhưng ở Ân Đồng Bào và Nhân Loại nếu ta đọc kỷ sẽ thấy ý nghĩa gần như ngược hẳng:
“ Thế ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng chủng mình, gây ra tai hại cho các dân tộc khác.”
Theo nghĩa đó là tuyệt đối không có sự biện hộ để được phép vì mình hay vì đồng bào mình mà gây tai hại cho nhân loại.
Tôi chỉ nói gần như thôi tức là điều ấy có thể và không thể ở mức ngang tầm. Không thể là gì? Đọc suôn theo chánh văn “không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình, gây tai hại cho dân tộc khác”, coi như cúi đầu chịu lệnh chứ hết cách cứu nước cứu nguy dân tộc khỏi giày xéo của một dân tộc khác. Còn không thể là gì? qua suy xét, thấy đoạn “gây ra tai hại cho dân tộc khác” thì cái tên “Gây” đáng bị điều tra nhất. Gây tức tạo tác, gầy dựng, làm đầu mối cho sự việc, đầu mối cho sự đánh nhau. Nói cách khác, Gây là luôn luôn ở thế chủ động, hoạt động, sách động. Đồng bào ta sống đúng nghĩa, ở ăn làm lụng trong bờ cõi, có ra ngoài quốc gia hành hung xâm lấn với ai đâu mà gọi là “gây ra tai hại cho dân tộc khác. Nếu các dân tộc khác đến Việt Nam với ý đồ xâm lược thì chính họ là người gây ra tai hại cho dân tộc ta, ta có vì bảo vệ quốc gia dân tộc đánh đuổi ngoại xâm là tư cách tự vệ. Nghênh chiến đuổi họ về nước họ cũng để thực hiện tính công bằng của hiến chương liên hiệp quốc.
Thế ấy, ta không “ gây”  tức không vi phạm vào điều cấm kỵ khi thực hành sự trả ơn đồng bào và nhân loại là không gây ra tai hại cho dân tộc khác. Tại họ là người từ đâu đến dựng chiến trường ở quốc gia Việt Nam thân yêu của mình, họ có chết bao nhiêu binh sĩ thì dân tộc Việt Nam cũng không chịu trách nhiệm là nước gây ra tai hại cho dân tộc họ và mãi mãi họ chịu tai tiếng là quân cướp nước, dầu họ có đại bại, chết tả tơi.
Nếu phải chọn một trong hai Ân đồng bào và nhân loại mà trước mắt nhân loại đang xâm lăng, ta không thể chọn đứng về phía nhân loại để bỏ đồng bào. Dẩu sao đồng bào là cùng cốt nhục mà sanh ra, ta chịu ân đồng bào trước hơn ân nhân loại.
Nói tóm lược: về ân đồng bào và nhân loại qua câu nghi vấn trên “ta chẳng có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình, gây ra tai hại cho dân tộc khác”, nhưng nếu dân tộc khác không biết trân trọng tình yêu nhân loại với dân tộc ta, đến xâm hại quốc gia dân tộc ta, thì chính dân tộc khác đó là những kẻ đã gây ra tai hại cho giống nòi Lạc Việt. Họ có bị ta tự vệ đến gây thãm hại cho một dân tộc xâm lăng thì là cái tội của chính dân tộc họ gây. Nói theo giáo lý nhà Phật  đó là quả báo nhản tiền của cái nhân đi cướp nước mà họ đeo đẳng; ta không có lỗi với họ qua Ân nhân loại, luôn luôn là chung tình chớ không phụ tình.
Đến đây vấn chủ thỏa mãn chưa? Nếu không còn gì thắc thì xin cho qua câu hỏi khác.
Hỏi: cũng trong Ân đồng bào và nhân loại, Đức Thầy có đoạn “Xóa bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội mà chỉ đặt vào một: nhân loại chúng sanh”. Vì gặp lúc cường quyền đàn áp tôn giáo, mình xóa bỏ các từng lớp đẳng cấp trong xã hội nhưng họ thì không. Họ vẫn treo cao đẳng cấp để có quyền lực bức hại tôn giáo không được tự do tôn giáo thì sao?
Đáp: Nghe câu hỏi làm tôi phát sợ đụng chạm. Nhưng dẩu sao thì nói ra sự thật không quanh co né tránh sẽ hay hơn.
Đức Thầy là chủ lãnh đạo tôn giáo, dạy đạo có giáo lý, giáo điều, được quần chúng tin tưởng phát tâm quy y. Chúng ta là tín đồ tất nhiên là đã quy y nên ta rất đồng tình ủng hộ giáo lý nói về ân đồng bào và nhân loại. Lãnh đạo hay các quan chức nhà nước họ đâu có quy y với PGHH mà bảo họ có bổn phận của một tín đồ làm y những điều Thầy dạy. Họ có thể là phía vô thần, không tin tôn giáo nên hành động không cần nhân nghĩa, lễ phép với các bậc vô hình cao cả Đức Thầy nói về họ:
“Phái vô thần luận thường cho rằng thân xác tức là con người. Thân còn tức người còn, thân mất người mất. Không có Thánh, Thần, Trời, Phật, không quả báo luân hồi; cũng chẳng có tội, có phước, có vía, có hồn. Đời là thân xác con người, sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thế nên biết bao nhiêu mánh khóe gian hùng, bao nhiêu ngón điêu ngoa xảo trá, bao nhiêu tàn bạo ngược ngan đều được đem ra dùng cả thảy.”
Hoặc họ có quy y theo tôn giáo, như tình trạng đất nước ta hiện nay các quan chức của nhà nước xã hội chủ nghĩa đều nói là học theo gương tấm gương “đạo đức Hồ Chí Minh”. Là một đạo có những hành động lạ nhất trên đời, không phải hành thiện hay khuyến thiện, họ tước đoạt các cơ sở tôn giáo PGHH và sẵn sàng đàn áp tín đồ nào sinh hoạt tự do tôn giáo, để chỉ còn lại cái gọi là đạo đức Hồ Chí Minh. Trong giáo lý của Đạo Đức Hồ Chí Minh chưa chắc đã dạy về ân đồng bào và nhân loại. Điều nầy ta có thể thấy được diễn cảnh chết chóc xảy ra với những ngư dân đi đánh bắt cá ở Hoàng Sa Trường Sa vùng Trời biển của mình bị quân Trung Quốc bắn chết; những người dân nặng tình đồng bào nhân loại thì đau lòng mà rên siết, không chịu nổi sự sỉ nhục quá đáng đã đứng lên chống Trung quốc thì nhà nước Việt Nam bắt họ đi tù.
Nhà nước không theo đạo PGHH nên việc kêu “xóa bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội mà chỉ đặt vào một: Nhân Loại chúng Sanh” để không có quyền đàn áp tôn giáo thì hãy mau mau mà quên chuyện nầy đi.
Hỏi: Nếu họ không phải là tín đồ làm theo lời chỉ của Đức Thầy mà hành động đàn áp tôn giáo hay vô tình đối với ân đồng bào thì họ có chịu lấy nhân quả không?
Đáp: Bất cứ đâu, loài người hay loài vật, hễ còn vào ra trong sáu nẽo luân hồi không ai thoát khỏi nhân quả trả vay. Đức Thầy có câu:
“Luật nhân quả thiệt là cao viễn,

Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC 5
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH

BÀI ĐỌC THÊM

Sau phần chú giảng trực tiếp tại lớp, đồng đạo học viên đặt nhiều câu hỏi qua đề học là “Ân Đồng Bào và Nhân Loại”. Những câu nghi vấn có mang ý nghĩa rất cần thiết cho sự tu học nằm “Cách tu hiền và sự ăn ở của một người bổn đạo”mà Đức Thầy đã đặt tựa cho quyển sáu. Nay tôi viết lại để làm bài đọc thêm.
Hỏi: Trong Ân Đồng Bào và Nhân Loại có đoạn “ Vui sướng ta đồng hưởng với họ; hoạn nạn họ cùng chịu với ta”. Nhưng ta đây là người tu, chẳng phải Kinh Kệ đạo Phật đã dạy Gạt bỏ hết các ham muốn thế sự sao? Vậy đâu thể gọi là cùng vui sướng với họ được. Rất mong được Ông giảng viên giải đáp nghi vấn nầy?
Đáp: Câu hỏi nhằm gợi ý! Để trả lời cho nghi vấn, chúng ta tự đặt lại câu hỏi trong đề tài, cái gọi là “VUI SƯỚNG TA ĐỒNG HƯỞNG VỚI HỌ” là vui sướng việc gì? Nếu chưa tìm ý nghĩa chính xác của sự vui sướng qua ý chỉ thì ta không nên vội vàng kết luận bằng đưa ra lời từ chối. Đồng thời ta cũng nên đặt lại câu hỏi: Sự vui sướng nào mà nhà tu không được sự cho phép của giáo lý đạo Phật?
1.Vui sướng việc gì? Vui sướng trong tình thương bao la của đồng bào không lâm vào cảnh đói đau hoạn nạn, chiến tranh, thiên tai, hoặc tệ nạn trong xã hội với những nghiện hút chích á phiện, cướp giựt, giết hại… Bình an vô sự thường là câu chúc lành mà đời sống con người bình an vô sự là điều cần có trước hơn các cái có khác, là sự vui tươi cần có trước hơn các sự vui tươi khác.
câu “ Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ” rồi mới đến câu “Vui sướng ta đồng hưởng với họ”. Tại sao ta phải nhờ đến hột cơm của họ mới sống trong khi cơm ăn là ở chính nhà ta và do ta nấu nướng. Bộ đồ ta đang mặc trên mình hay chăn đắp là chính ở ta may mua, nhà cửa ta ở là do ta cất, cùng lắm trong chuyện cất nhà là có thêm tay của Thợ, Thầy và vài người chòm xóm giúp thôi chứ gì mà nói nhờ vả quá nhiều.
Sự thắc mắc trên là có lý. Đành rằng cơm trong nhà của ta thì là của ta và do ta nấu, nhưng ta làm gì có gạo mà nấu? Đi mua phải không? Giá như suốt đâu đâu cũng không có ai bán cho ta mua có phải là ta chịu đói đến chết không? Tôi xin nhắc lại chuyện xưa nhưng không xưa mấy để chúng ta tìm hiểu thực trạng mà nhận định đúng về sự ân nghĩa, nhờ nhỏi:

Đô thành xưa người ta có thói quen ăn gạo mới, ngày nào thì cứ ra chợ mua gạo mới về dùng, chiến tranh của năm tết Mậu Thân là nội chiến, Việt Cộng, Quốc Gia đã kéo về Sài Gòn dựng chiến trường, làm cho cả thủ đô miền nam nặc mùi thuốc súng, tranh thắng cho cảnh chết chóc ghê rợn; lính hai bên đều chết, dân lành cũng chết. Ngoài đường chỉ có lính và lính, không còn ai bán gạo hay bún, cháo gì cho mà dám ra ăn. Ngồi trốn trong nhà chịu đói thê thãm. May là cuộc chiến không kéo dài, cho chợ nhóm lại, nếu không thì ai còn sống được mà phủ nhận việc “ta nhờ hột cơm của họ mới sống”? xét đó thì câu “Ta nhời hột cơm của họ mới sống” là quá đúng rồi còn gì!
Ta làm ruộng rẩy hay vì vì đó có tiền mua vải tùy thích, mặc được bộ đồ lên mình ta nói là đồ của ta, do ta mua may mặc chứ có Ông Bà đồng bào nào tiếp mà nói “ Nhờ miếng vải của họ mới ấm thân”. Làm được nhiều tiền mua may thứ đắc giá cho sang trọng nhưng nếu không có ai bán vải cho mình mua thì sao? Vậy câu “Ta nhờ miếng vải họ mới ấm thân” là quá đúng rồi còn gì?
Nhà ở của ta là do ta cất, là nhà của ta, ai động tới nhà ở thì ta ra tranh cản bảo vệ hợp pháp quyền sở hữu nhà cửa. Nhà gổ kết hợp bởi cây, lá, đinh, dây kẻm hoặc nhà tường bê tông thì kết hợp cát đá, gạch ngói, xi măng… Đủ các thành phần như vậy, ta có tiền nhưng nếu không ai bán các vật liệu kể trên thì ta có cái nhà ở không? Như thế, câu: “Ta nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn cơn phong vũ” quả là chính xác.
Ta có cơm ăn, áo mặc và nhà ở, người người trong nước đều có cơm ăn, áo mặc, nhà ở thì thật là thiên đường. Vậy câu “vui sướng ta đồng hưởng với họ” còn gì nữa mà không chịu gật đầu?
Đến như “Hoạn nạn họ cùng chịu với ta” ấy là giai đoạn gánh vác trách nhiệm: hoạn nạn vì không có cơm ăn, áo mặc, nhà ở để che nắng che mưa. Người có tính rộng lượng thì thường bao dung giúp đỡ. Ta tu mà nói không có tính bao dung giúp đỡ nghe sao cho được? Không thể lấy con mắt mà nhìn người ta không có cơm ăn, áo mặc rồi bỏ đi, cũng không do thấy nhà cửa của người ta xiêu vẹo, xập xuống rồi lạnh lùng bỏ trốn để tránh trách nhiệm đồng bào. Nếu thế gian nầy người sống không có tình đồng bào cốt nhục tương trợ lẩn nhau thì dân tộc ta chết riết thưa người.
2. Sự vui sướng nào người tu không được phép của giáo lý nhà Phật? Chính là sự vui chơi có tính sa đọa, những điều bị cám dỗ bởi trần tục. Chúng ta có thể mượn câu chuyện của Sĩ Đạt ta và nói lên ý nghĩa  chính xác qua ngòi bút của Đức Thầy:
“ Vua nghĩ rằng muốn tâm yên ổn
Chọn cung phi mỹ nữ làm trò.
Cất đền đài lộng lẫy đẹp to,
Ngày ca múa đêm bày lơi lả.
Lòng Thái Tử cũng không xiêu ngã,
Ra khỏi đền du ngoạn một khi.”
Nói tóm lại: sự vui sướng bên tiền tài phú quí, nhà cao cửa rộng, se sua vật chất là người tu không được phép vui cùng. “Vui sướng ta cùng hưởng với họ” không phải nghĩa vui nầy. Nếu vấn chủ không còn gì hỏi thêm xin cho qua câu hỏi khác.
Hỏi: Trong đồng bào là đã có ta nhưng sao lại thêm ta ở ngoài đồng bào để phân biệt “đồng bào ta và ta”?
Đáp: Câu Đồng Bào Ta và Ta là nói lên từ sự chung hợp đến cách biệt và dính liền như mắc xích. Tôi muốn nói lên sự cách biệt mà dính liền:  “ Đồng bào ta và ta” là nói qua ý nghĩa của sự giải thích, Nếu tôi đọc được câu “đồng bào ta và ta” thì đồng đạo khác cũng đọc như tôi đọc Đồng bào ta và ta, cả một dân tộc, quốc gia cũng nói đồng bào ta và ta, nghe qua như cả một dân tộc quốc gia đều phân biệt đồng bào ta và ta thì cái “Ta” riêng của mỗi người, có tới gần trăm triệu đã dính liền lại trong cái tình đồng bào, đồng chủng, là một sự thật không thể tách rời nên Đức Thầy dạy không thể rời nhau chẳng thể chia nhau. Dầu mỗi cái ta có cuộc sống riêng xa mà vẫn không làm mất đi ý nghĩa đồng bào. Như cha mẹ ranh nhiều con, lớn lên mỗi đứa được dựng gả vợ chồng, ở nhà riêng nhưng mỗi đứa đều là con, là khúc ruột của cha mẹ, cùng trong khúc ruột ấy chúng phải có bổn phận bảo vệ  giúp đỡ lẩn nhau vì chúng đều là con của cha mẹ. Như ví dụ trên, nếu quý vị không còn gì thắc mắc thì xin cho qua câu hỏi khác.
9/12/2015
(còn tiếp