Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

(VII) “ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN VÀ VUA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ” (Phần cuối)

CHƯƠNG TƯ

1.    VẤN ĐỀ TÊN HỌ PHẬT MẪU:

Trải qua ba triều đại: Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), nghĩa là thời gian trước và sau ngày Đức Phật Thầy khai đạo, nước ta thường xảy ra tai nạn binh biến.
- Liên tiếp trong ba năm (1829-1839-1831) giặc mọi Cao Gồng nổi lên đánh phá tỉnh Quảng Nam.
- Binh Chân Lạp và quân ta đánh nhau hơn ba năm (1842-1845) ở mạn biên thùy Tây Bắc.
- Giặc Lâu Sâm – nhóm gian đạo sĩ nổi loạn ở trà vinh (1841).
- Tiếp theo đó, giặc Phủ Kép (Miên) đánh phá ở Láng Cháy (vùng Thất Sơn)(1). Và Miên ở Sóc Trăng, Trà Vinh nổi loạn giết hại đồng bào v.v… làm cho binh triều đình đánh dẹp không rảnh tay. Riêng phần Đức Cố Quản Trần Văn Thành đại chiến với quân giặc trên ba mươi trận.
- Kế đến đời Tự Đức, quân Pháp đánh chiếm nước ta. Các vị anh hùng liệt sĩ của đất nước: người thì chết nơi chiến trận, kẻ bị giam nhốt và tử hình…
Liên tiếp trong 5 ngày (20,21,22,23,24 tháng 6 năm 1867) quân ta đổ biết bao xương máu, quyết đem cái chết bảo vệ nền độc lập quốc gia. Nhưng rốt lại ba tỉnh miền Tây của ta phải hoàn toàn rơi vào tay người Pháp.
Rồi nào là nạn lùng bố, bắn giết, truy nã các nghĩa quân. Nhất là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Lúc đó các nhà tai mắt trong đạo luôn cả tín đồ lo chạy chết chưa biết bảo tồn sinh mạng mình được hay không, thì đâu giữ được tài liệu có liên quan đến đạo! Và Đức Phật Thầy là vị tổ của một tông phái mới, nên chưa được Quốc Sử quán và không một bộ sách xưa  nào ghi chép. Còn thân mẫu của Đức Phật Thầy đã viên tịch trước khi Ngài khai đạo, nên không ai biết được  tên rõ ràng. Tình thế bất ổn kể trên, bảo sao tài liệu lịch sử Phật Mẫu không bị thất lạc được?
Vả lại, vấn đề “Tổ quốc tri ân” các vị anh hùng liệt sĩ, về tổ tiên những vị ấy ít ai quan tâm đến. Mà họ chỉ cần tìm biết vị ấy có công trận chi với đất nước, và mị dân hay chánh nghĩa mà thôi. Với những vị giáo chủ, người ta cũng chỉ quan tâm ở chỗ tài năng, đức hạnh, tà đạo hay chánh đạo. và giáo lý đó có thích hợp với căn cơ trình độ hầu đưa mình đến chỗ cứu cánh hoàn thiện hay không? Vấn đề tổ tiên của các Ngài ít ai quan tâm đến. cho nên trong Phật sử đôi khi đối với những bậc siêu phàm ít ai tìm tòi về việc tổ tông gia phả. Chẳng hạn như Đức Bổn Sư Ngô Lợi (?-1909) ở núi Tượng, ông Sư Vãi Bán Khoai độ đời ở kinh Vĩnh Tế (đầu thế kỷ 20), nào ai biết tổ tiên của các vị ấy là những ai?
Như vậy, tên họ cha mẹ của Đức Phật Thầy Tây An, chúng ta biết cũng tốt, không biết cũng chẳng có sao. Vì đó là chuyện thông thường trên lịch sử.

2. SỰ LINH DIỆU NƠI NGÔI MỘ BÀ Ở CÁI NAI:

Dầu không biết rõ tên họ của Phật Mẫu, nhưng dân chúng vẫn tin tưởng nơi ngôi Mộ, nhất là người dân trong làng. Bởi:
a. Trâu bò không phá phách:
Ngay buổi đầu không ai biết chi cả. người ta chỉ thấy một khoảng đất vuông vức độ bốn, năm thước tây, không cỏ mọc, bốn góc có bốn bụi bông trang và bốn cây ô môi. Mỗi khi mấy chú mục đồng cho trâu, bò ăn đến gần thì trâu, bò nghễnh cổ lên rồi bỏ chạy thục mạng như có người rượt đuổi. Cho nên không có trâu, bò, heo nào giẫm chân hay bén mảng ở đây.
b. Vấn đề bà sáu T gieo mạ:
ở xóm có vợ chồng bác nông phu tên sáu T, nhà cách Mộ vài trăm thước. ngày nọ hai ông bà đến khu vực Mộ, dọn cỏ để gieo mạ cấy lúa giậm. Ông chồng nói: nghe người ta nói chỗ đất trống nầy là mộ Bà chi đó! Ta phải tránh, đừng gieo mạ nơi ấy. Bà vợ thấy đất trống khỏi nhọc công dọn cỏ nên vẫn gieo mạ. Ông chồng ngăn cản, bà nổi giận dùng những lời thô bỉ tục tĩu. Chiều tối về đến nhà, bà T sây xẩm mặt mày, hai lỗ tai bà ra máu, á khẩu và chết luôn trong đêm ấy!
c. cây ngã ngược chiều gió:
chung quanh mộ có bốn cây ô môi trồng bốn góc, tàng nhánh rất lớn. nhưng không có tàng nhánh nào che phủ ngôi Mộ. Và các cây khi gốc mục ngã xuống đều ngã ngược chiều gió, chớ không làm hư hại ngôi Mộ.
d. trường hợp ông lão lạ mặt quét dọn nơi ngôi Mộ:
Như thường lệ, hằng năm gần ngày tết, có một ông lão đầu tóc bạc phơ chèo một chiếc thuyền nhỏ đến mộ Bà, đốt hương bái lạy và dọn quét sạch sẽ cỏ rác xung quanh Mộ. Dân làng thấy vậy hỏi thăm duyên cớ. Ông lão đáp đây là Mộ Bà, nhưng không nói rõ bà là ai, rồi ông xuống thuyền đi mất. Dân làng không ai biết ông lão đó là người chi, và ông đi về đâu?... thời gian sau họ mới nhận ra ông ấy là bậc kỳ nhân chớ không phải người thường! (Vì khuôn khổ của quyển sách có hạn và một vài điểm khác không cho phép chúng tôi tiện nói về việc nầy ở đây).
e. Lời tiên tri của ông Bồng Lai:
Khoảng mùa thu năm 1939, có một ông lão cũng chèo thuyền theo lòng rạch Cái Nai, vừa chèo vừa hát:
“Bồng Lai tiên cảnh ai rảnh thì đi,
Ai mắc nợ thì ở lại dương gian!”
Nghe ông lão hát: “Bồng Lai”, nên người ta gọi ông lão ấy là ông Bồng Lai.
Trong Sấm Giảng Quyển Nhứt, Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo có câu:

“Thảm thương bá tánh lắm ôi!
Bồng lai tiên cảnh rao rồi một khi
Nếu ai rảnh việc thì đi,
Bằng mắc nợ thì ở lại dương gian”
Khi thuyền đi ngang Mộ Bà, ông Bồng Lai ghé lại, lên bờ thắp hương lễ bái ngôi Mộ. Và ông nói cho dân làng nghe: đây là Mộ Bà, thân mẫu của Đức Phật Thầy Tây An. Ông cho biết: lễ kỵ cơm Bà là ngày 29 tháng 10 AL (2). Và ông bảo dân làng đừng đào hầm hố chung quanh ngôi Mộ, để sau nầy còn xây cất chùa rộng lớn hơn (3).
Nói xông ông Bồng Lai xuống thuyền đi ngược về hướng lòng sông ông Chưởng.
Trong Sấm Giảng Quyển Nhứt Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ đã nói:
“Chợ quê giáp hết thuyền quay,
Đi trở lộn về ông Chưởng giảng dân”
Từ độ đó không còn ai biết tung tích của ông Bồng Lai chi cả, người đời chỉ còn truyền tụng câu:
“Bồng Lai tiên cảnh ai rảnh thì đi
Ai mắc nợ thì ở lại dương gian!”
g. Lời tường thuật của số người đến viếng Mộ Bà:
Vào mùa hè năm Tân Tỵ (1941) không biết từ đâu người ta đổ xô đến viếng Mộ Bà rất đông, tốp nầy đến tốp kia về tấp nập. Có ngày số người đến viếng ba, bốn trăm người. thấy vậy dân chúng mới hỏi thăm duyên cớ. Họ đáp: có số anh em đồng đạo đến viếng Đức Thầy tại nhà ông Ký Giỏi (Bạc Liêu). Đức Thầy dạy anh em đồng đạo lúc này không nên tới luôi thăm viếng Ngài, vì người  Pháp đang kiểm soát nghiêm ngặt… anh em về đến viếng Mộ Bà ở Cái Nai, cũng như viếng Thầy vậy.
Do đó người ta mới đổ xô đến viếng Mộ Bà đông đảo. Trường hợp ấy lính kín Pháp ở Long Xuyên đến làm khó dễ, nên số người đến viếng Mộ thưa thớt dần và chấm dứt trong một vài tháng sau.
h. Sự công nhận của các văn nhân học giả:
Tuy rằng dân làng thấy được sự linh diệu nơi ngôi Mộ Bà, song khi có những nhận thức của các văn nhân học giả sự tin tưởng mới thật sự đậm nét hơn.
Quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu có viết: “Mộ Phật Mẫu (thân mẫu của Đức Phật Thầy) hiện ở rạch Cái Nai (thuộc quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên). Rạch này cách chợ Cái Tàu Thượng lối năm ngàn bốn trăm thước, chung quanh Mộ có trồng ô môi và cất một cái nhà thờ, có người ở đây lửa hương phụng tự”.
Quyển Đức Phật Thầy Tây An của Vương Kim và Đào Hưng viết: “Thật ra, về gia thế của Đức Phật Thầy, đến nay khó mà biết cho đích xác được, vì cách xa chúng ta gần 150 năm.
Nhưng có điều mà mọi người đều nhận là hiện nay ngôi mộ của Phật-Mẫu, tức thân mẫu của Ngài còn chôn tại Cái-Nai, cách vịnh Tòng Sơn theo rạch Cái-Tàu-Thượng đi vô độ ba ngàn thước. Có điều là cái mộ này mỗi năm mỗi cao lên, mặc dầu không có ai đắp, cho nên nước không ngập. Chẳng những thế từ trước đến nay, trên mộ ấy chẳng bao giờ cỏ mọc và không có trâu bò nào thả ăn ngoài đồng mà dám lại gần phá khuấy”.
Đồng quan niệm  trên giáo sư Trịnh Vân Thanh viết: “Gia thế của Đức Phật Thầy Tây An, thật ra đã hơn 100 năm có nhiều việc sao đi chép lại thật khó mà giữ cho được chuẩn xác.
Hiện nay ngôi mộ của thân mẫu Ngài mà mọi người đều tôn xưng là Phật Mẫu còn chôn tại rạch Cái Nai, cách vịnh Tòng Sơn, theo rạch Cái Tàu Thượng đi vô mộ ba ngàn Thước” (Thành Ngữ Điển Tích, Danh Nhân Từ Điển trang 1060)
Tóm lại, sau khi người ta đã vượt không gian và thời gian đi tìm tài liệu lịch sử Phật Mẫu. Tuy không rõ chi tiết nhưng với sự linh diệu, lời tiên tri của ông Bồng Lai, Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy, và căn cứ vào sử sách, chúng tôi xin nói rõ thêm rằng: đa số tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo tin tưởng ngôi Mộ Bà Cái Nai chính thật thân mẫu của Đức Phật Thầy Tây An là chánh tín. Bởi nó không trái với sự thật mà mọi người dân trong làng đã chứng kiến. Và các văn nhân học giả đã dày công nghiên cứu, nhìn nhận về ngôi mộ Đức Phật Mẫu ở Cái Nai (4).

Chú thích:
-----------------------------------------------------------------------------
(1)            trận Láng Cháy, Đức Cố Quản đã thu phục hai tướng Vôi, Bướm mà hiện nay dân ở miền Thất Sơn còn nhắc.
(2)            Kể từ đây dân làng mới làm lễ kỵ cơm Bà theo lời ông Bồng Lai đã dạy.
(3)            Thời gian nầy ngôi thờ Bà như một cái miếu nhỏ, lợp bằng lá
(4)         Cái Nai: rạch Cái Nai, nay thuộc ấp An Bình, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
--------------------------------------------------------------------------

******

CHƯƠNG  NĂM

KẾT LUẬN

1.    THÁI ĐỘ BỈ NHÂN ĐỐI VỚI CÁC HỌC GIẢ, SỬ GIA, VĂN NHÂN VÀ CƯ SĨ SRIPOLIEU:

Chúng tôi người dân Nam Bộ, đặc nặng Tứ Ân, mà ân đất nước là ân thứ hai, đứng sau tổ tiên cha mẹ một bậc.
Trên bình diện cứu quốc, các anh hùng liệt sĩ hy sinh xương máu mình để bảo vệ nền độc lập quốc gia, và sự sống còn cho nòi giống. Trọng ân nầy được mọi người tôn kính, Tổ quốc tri ân. Với các học giả, sử gia, văn nhân cũng sẵn sàng hy sinh thời gian và sinh lực mình ngày đêm tra cứu, sang tác… để hậu tấn nhắm theo đường hướng ấy tiến đến tương lai tươi sáng cho đời mình và đại nghĩa quốc gia.
Từng một câu văn hay, một trang sách quý làm giảm thọ ngươn cho một nhà văn. Nhà văn sẵn sàng hy sinh thọ ngươn mình để đắp bồi  nền văn hóa lành mạnh. Văn hóa lành mạnh thì dân trí cao, dân trí cao tức chánh trị sáng suốt đưa nước nhà đến chỗ văn minh cường thạnh theo kịp đà tiến bộ các quốc gia tiên tiến trên hoàn cầu.
Đây là chiến thuật bằng tâm tư, trí não, không kém phần vũ dũng của các vị anh hùng ngoài chiến trận.
Vả lại cá nhân chúng tôi, không nhờ những văn nhân… thì làm sao chúng tôi vượt không gian, thời gian hầu thấy biết ít nhiều chuyện cổ kim thế sự và lợi hại đúng sai để cải thiện đời mình. Có thể nói: nếu không nhờ các văn nhân, sử gia, học giả cùng sự chỉ giáo của Thầy Tổ thì đời sống của chúng tôi, đối với loài vật chỉ cách nhau một bước mà thôi.
Thế nên hướng về các văn nhân chân chính, chúng tôi luôn luôn kính trọng. Biết bao giờ chúng tôi đáp lại ân nầy. Đối với các ông: Đoàn Trung Còn, Trần Trọng Kim, Lương Khải Siêu, Đào Duy Anh, Thanh Nghị, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Mộng Bình Sơn và những nhà văn đạo đức khác… Dù hôm nay hài cốt các ông đã vùi sâu nơi lòng đất lạnh, nhưng hình bóng các ông vẫn sống trong tâm tư của chúng tôi mãi mãi. Bởi giữa các ông  và chúng tôi có biết bao kỷ niệm: những lúc chúng tôi sai lầm, các ông chỉ dẫn, nhưng khi chúng tôi buồn chán, các ông an ủi… Các ông dễ dãi thường dạy chúng tôi bất cứ giờ phút nào: ban ngày hay đêm khuya thanh vắng…
Đối với cư sĩ Sripolieu cũng thế. Chúng tôi nào muốn chống nghịch mà chi. Song vì trách nhiệm của một tín đồ không thể xử  trí khác hơn!

2.TỰU TRUNG SAI LẦM CỦA CƯ SĨ SRIPOILIEU:

Sau khi đọc xong quyển PHẬT THẦY TÂY AN VÀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA QUA KIM CỔ KỲ QUAN của tác giả cư sĩ Sripolieu, người có đôi phần kiến thức hiểu biết về Bửu Sơn Kỳ Hương, thấy rằng cư sĩ viết sai sự thật và có dụng ý không tốt đối với tông phái này. Chúng tôi tóm lược một vài trường hợp:
Phong trào hiện nay, số người cùng khuynh hướng với cư sĩ Sripolieu nói: người tu được thành Phật phải là dòng dõi vua quan, có nhiều phước đức như thái tử Sĩ Đạt Ta, vua Trần Nhân Tôn… Họ dùng lý luận nầy biện hộ cho giả thuyết Phật Thầy Tây An là con vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Chớ họ chẳng ngờ lý luận ấy không hợp với giáo lý “bình đẳng” của nhà Phật. Kinh Phật nói: “nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Và “Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh”. Ba mươi ba vị tổ kế thừa vĩ nghiệp Phật giáo, đâu phải vị nào cũng xuất thân từ trong dòng hoàng tộc!
Thế nên quan niệm phân biệt giai cấp nói trên, chủ trương Phật giáo không thể chấp nhận được!
Bộ Kim Cổ Kỳ Quan của ông Ba Nguyễn Văn Thới thuộc về loại văn sấm ký. Đã  là văn sấm ký mà còn bị cư sĩ Sripolieu tách ra, trích đầu nầy một tiếng, trang kia một chữ không theo thứ tự, nguyên tắc văn phạm nào rồi gán ghép lại, định nghĩa, chú giải theo ý của mình. Cách định nghĩa quái lạ ấy chúng tôi đã dẫn chứng rõ nơi trang 51 đến 55 (phía trước), mọi người đều thấy rõ sự sai lầm của cư sĩ Sripolieu như thế nào rồi!
Đức Phật Thầy Tây An viên tịch trước Pháp đánh chiếm miền Tây Nam Bộ ta 11 năm. Thời gian đó đâu có chánh quyền Pháp, thầy cai họ Lê tên Sử và Pháp bắt Phật Thầy bỏ vào củi sắt… như quyển giảng Tòng Sơn mà cư sĩ Sripolieu đã hiểu lầm!
Chuyện bàn thờ quan phủ Bỉnh có hai câu đối. Nếu năm 1972 thân nhân ông phủ Bỉnh không hiến đất và xin đem linh vị ông Bỉnh vào thờ nơi ngôi Mộ Bà, thì cư sĩ Sripolieu dựa vào đâu để bàn giải về bà Ngọc Hân công chúa như thế?
Sau cùng, vấn đề cố học giả Hồ Hữu Tường cho mình tài cao và dòng dõi năm đời theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, cho rằng mình biết đạo này hơn ai hết. Nên cụ Tường đưa ra giả thuyết: “Đức Phật Thầy Tây An là miêu duệ” của nhà Tây Sơn. Giả thuyết cố học giả không vững, bị số  trí thức miền Nam ta bác bỏ. Cụ tường đành chịu mang sự thất bại xuống suối vàng vô cùng đau đớn!
Hôm nay dù cư sĩ Sripolieu có tìm mọi cách binh vực cho cưỡng lý của mình rằng: Đức Phật Thầy Tây An là con vua Quang Trung Nguyễn Huệ và bà Ngọc Hân công chúa, cũng chỉ giẫm chân theo bước sai lầm đáng tiếc của cố học giả Hồ Hữu Tường mà thôi!


--Hết--















  












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét