Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018


 ÔNG PHẠM THIỀU VÀ ĐỨC THẦY

Lễ đản sanh Đức Thầy năm nay, 25 tháng 11 Mậu Tuất 2018, để cung nghinh đại lễ, những điều có liên quan mà đặc biệt là sự liên quan mang ý nghĩa tôn giáo và chính trị của Đức Thầy, tôi xin trình bày, gởi đến chư đồng đạo vì sự nghiệp PGHH.
Chuyện Đức Thầy công bố thành lập đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội ngày 21 tháng 9 – 1946, tin bay rất nhanh, chỉ trong vòng 10 ngày sau, 1 tháng 10 – 1946, chánh trị gia Phạm Thiều có biệt hiệu là Trường Phong mời Đức Thầy tham chánh. Vốn biết Đức Thầy trẻ tuổi mà tài đức, thế lực quần chúng đông, có thể gánh vác việc sơn hà đuổi quân chinh phạt Pháp nhưng sao Ngài lãnh đạm thờ ơ đứng nhìn nước non bị bọn xâm lăng dày xéo, cứ như ngủ vùi không hay biết.

Sự thật thì Đức Thầy không bao giờ lãnh đạm thờ ơ với nước non, có điều Ngài không tham chánh, chánh trị triển vọng đi đến vai trò chánh quyền, làm chủ một đất nước như nhiều cáo già chánh trị khác theo đuổi. Nhiều nhà làm chính trị, khi họ quan tâm vai trò làm chủ một đất nước, cạnh tranh với các đối thủ, phe nhóm, không qua tính công bằng, họ sát phạt, trừ khử các phe nhóm không cùng chí hướng làm cho nhân tài của quốc gia bị hao mòn. Trong bài “Đồng Đảng tương tàn” Đức Thầy tỏ ý khuyên thôi đi cái chuyện nồi da xáo thịt:
“…Đương cơn quyền lợi đắm say,
Anh hùng chí sĩ râu mày thế ư ?
Đường muôn dặm lời thư một khúc,
Giờ giặc đà tá túc nhà ta,
Ai ra nâng đỡ san hà,
Ai ra cứu vớt nước nhà lâm nguy ?
Phát xít sẽ tầm truy tàn sát,
Không đảng nào mà thoát tai ương.
Nghĩ càng bực tức đau thương,
Giết nhau để lợi cho phường xâm lăng.”
Hãy xem qua cuộc đối thoại Ông Pạm Thiều mời Đức Thầy tham chánh:
Mưa gió thâu canh mãi dập-dồn,
Âm-u tràn ngập cả càn-khôn.
Hỡi ai thức ngủ trong đêm ấy,
Có thấu tai chăng tiếng quốc-hồn?
Đức Thầy đáp lời ông:
Những nỗi đau thương mãi dập-dồn,
Càng nhiều luân-lạc lại càng khôn.
Lặng nhìn thế sự nào ai ngủ!
Chờ dịp vung tay dậy quốc-hồn.
Nghe nói “ Lặng nhìn thế sự, chờ dịp vung tay” là biết Đức Thầy không ưng thuận sự mời mọc khiến ông nầy nghĩ ngợi lung tung về vấn đề thương tích, chứng tích dĩ vãng, ông dùng từ xoáy vào tim:
Sao còn khắc khoải nhớ hiềm xưa?
Trang sử chùi đi những vết nhơ.
Gìn giữ tim son không chút bợn,
Mặc tòa dư-luận hiểu hay chưa?
Ai nghĩ mà coi ! Mời người ta tham chánh đứng về phía mình, sợ bị từ chối, dùng lời buột tội trước để ép, nếu không cùng ông thì gắn cho cái tội ích kỷ, bảo thủ, “nhớ hiềm xưa”mà không chịu chung tay góp sức. Kêu Đức Thầy, vì chuyện quốc gia đại sự thì hãy “chùi đi những vết nhơ” của thời quá khứ… Ngài trả lời với ông rằng:
Từ-bi đâu vướng mối hiềm xưa,
Nhưng vẫn lọc lừa bạn sạch nhơ.
Nếu quả tri âm tri ngộ có,
Thì là hiệp lực, hiểu hay chưa?
Thật tuyệt vời, đã mang trong lòng hai chữ từ-bi đâu được phép thù ai. Hiện tại cũng không thì đừng nói chi chuyện giữ thù hiềm nhau của thời quá khứ. Nhưng không thể để cho ai đó có cơ hội lợi dụng lòng từ bi của mình ủng hộ lên ngôi chủ, quyền hành trong tay, suy nghĩ đến lợi ích cá nhân, biến quốc gia của tổ tiên, của toàn dân thành vật sở hửu của riêng phe nhóm, hại nước hại dân. Phải lọc lừa lòng dạ của những người rao bán mô hình chính trị, nếu họ sạch thì cùng nhau công việc, còn nhơ, đây xin miễn. Thấy chuyện bàn bạc, quanh quẩn phí thời gian, sau cùng ông Phạm Thiều đặt thẳng vào vấn đề:
“Chẳng khoác cà-sa chẳng chiến-bào,
Về đây tham chánh mới là cao.
Non sông chờ đợi người minh-triết,
Chớ để danh thơm chỉ Võ-Hầu.
Đành chịu mất lòng chính khách, Đức Thầy trả lời là không cùng ông tham chánh với những điều tồn động làm mất đi quan điểm hợp tác: “Nếu phải hai bên đồng hiệp trí, kẻ gây thãm kịch phải qui-hàng – mà sao chánh sách bắt dân đày, vẫn còn áp dụng vì phe đảng”. Hợp tác làm sao được! kẻ gây thãm kịch với tín đồ PGHH chưa được pháp luật khắc chế và còn cái “chánh sách bắt dân đày” của họ nữa. Mình dùng chủ nghĩa vì nước vì dân, không nề hà khó nhọc trong khi cứu nước cứu dân. Bài “Quyết Rưt Cà Sa” đã nói rõ điều ấy:
“Anh hùng đâu sá cảnh gian lao,
Chiến trận giao phong rưới máu đào.
Miễn đặng bảo tồn non nước cũ,
Giữ an tánh mạng cả đồng bào.”
Còn họ, chánh sách “bắt dân đày” cứ được nâng niu cường tráng, chờ thời cơ nên đã bỏ bê công việc đuổi quân xâm lược, lo chiến đấu giành quyền với các đối thủ chánh trị khác. Nếu mô hình chính trị của họ được sự ủng hộ của các phe nhóm dẫn đến thành công, giành được chánh quyền trong tay sẽ có hại cho sự phát triển của quốc gia dân tộc. Đã vậy lại rủ ren mình, thôi thì trả lời dứt khoác là hơn:
Thà ở trong quân mặc chiến bào,
Ngày qua sẽ biết thấp hay cao.
Nào ai đem sánh mình minh-triết,
Mà dám lăm-le mộng Võ-Hầu.
Do câu “mà sao chánh sách bắt dân đày, vẫn còn áp dụng vì phe đảng” ta biết ngay là nền chánh trị của ông khách đến mời cộng tác, không dẫn tới sự tốt đẹp cho nước cho dân.
Xưa Khổng Tử cùng với các đồ đệ đi qua triền núi Thái Sơn, xảy tiếng khóc nức nở của người phụ nữ từ phía rừng xa vẳng lại. Khổng Tử nghe giọng khóc thê thãm ấy, lòng xót xa, không thể giả bộ vô tình đi qua cho im chuyện. Muốn biết người phụ nữ kia vì sao mà khóc thê lương đến vậy, bèn xai Tử Lộ theo hướng âm thanh ấy mà tìm. Tử Lộ đi một chóc rồi về bẩm báo: Bạch Thầy, có người đàn bà vùi đầu khóc lóc bên nấm mồ mới. Khổng Tử nghe nói liền thân hành đến hỏi: Cớ sao giọng khóc của bà thê lương ảm đạm đến thế? Người phụ nữ nầy đáp: Cha tôi chết vì bị cọp xé, chồng tôi cũng chết vì cọp, mới đây, đứa con yêu quí của tôi cũng bị cọp bắt ăn nốt. Khổng Tức lý nói như quát: Sao không chịu bỏ đây mà đi? bà ấy đáp: Vì nơi đây không có chánh trị hà khắc. Khổng Tử nghe thế liền kêu các đệ tử dạy rằng: Các con có nghe bà ấy nói không? “Vì nơi đây không có chánh trị hà khắc”. Như vậy, ý bà nói chánh trị hà khắc gian ác hơn cả Cọp ăn thịt người.
Nếu không đem kiểm chứng ắc có người cho rằng chuyện dẫn trên không thể nào có được. Xin khoan những ý nghĩ phản bác, hãy nhìn thẳng vào Việt Nam ta đi ! sau 30 tháng 4 năm 1975, không phải khá đông những đồng bào mình đã vì, bị nền chánh trị hà khắc mà bỏ trốn ra nước ngoài đó sao? Trong suốt chiều dài lịch sử quốc gia, ngay cả những lúc đất nước chiến tranh khốc liệt, chết chóc khôn lường, đáng lẽ là phải lưu vong để tránh họa xác thân, thế mà nhân dân ta không bỏ nước ra đi ! Huống nay nước nhà độc lập, thống nhất ba miền Nam, Trung, Bắc trở lại một dãy giang san kéo dài của tổ tiên, thì nên ở để hưởng cảnh thái bình an lạc... Sự trốn chạy nền chánh trị hà khắc, nhiều người đã chết dần dưới biển hoặc bỏ xác trong rừng hoang. Tin đồn những tên hải tặc cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, hoặc những cơn sóng biển dữ dằn đã nhận chìm tàu, húc người xuống đáy sông sâu đáng lẽ là roi chừa chừa cho những ai mộng mơ chạy trốn nền chánh trị hà khắc.
Người vượt biên, nếu không may sẽ có hai ba cái lở: Lở bị hải tặc cướp của giết người, lở bị sóng biển nhận chìm và còn một cái lở đáng thương hại nữa: lở bị công an biên phòng bắt lại đẩy vào tù với tội danh vượt biên trái phép hay phản quốc cũng đành chịu đánh đổi số phận của mình coi có may mắn không. Người ta chấp nhận sự xui rủi tiếp tục trốn đi.
Xem đó, nghe thấy tin nhiều người vượt biên đã phải trả giá sự sống chết, kẻ đi sau tuy có hơi sợ nhưng sự ám ảnh mất tự do của nền chánh trị hà khắc là vấn đề cần phải giải quyết nhanh chóng, bất chấp sự hiểm nguy, nếu may mắn đến bờ tự do, không thì thà chết nhanh hơn chết lần mòn trong nền “chánh trị hà khắc”.
Sau cùng, Đức Thầy không nhận lời mời của ông Phạm Thiều.
31/12/2018


Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018


TRÍCH TẬP
TÌM DẤU CHÂN XƯA và CHUYỆN BÊN THẦY
Đã đọc biết về chuyện “Sấu Thần” của Ông Vương Kim, con Sấu có 5 dò đề cập trong “Đời Thượng Nguơn”, từ nơi con Sấu có 5 dò sau nầy người ta còn gọi con Sấu ấy là 5 Chèo. Nhưng viết quyển Sấm Giảng “Khuyên Người Đời Tu Niệm” Đức Thầy không gọi tên 5 Chèo hay Sấu Thần mà nói chung chung là “Nghiệt Thú”. Tên Ông 5 Chèo hay Sấu Thần, tưởng đã phát sinh từ Bửu Sơn Kỳ Hương với tích Ông Đình Tây nuôi Sấu và Phật Giáo Hòa Hảo vén màn huyền diệu:
“Chừng ấy nổi dậy phong ba,
Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục tùng,
Bá gia mới biết người khùng là ai.”
Thế nhưng mới đây tôi may mắn đọc được quyển sách mỏng, nhàn đề: “ Tìm Dấu Người Xưa và Chuyên Bên Thầy” của tác giả Thanh Tâm, mới hay sự tích Sấu Thần nói trên là lời tiên tri trong Sấm Trạng Trình, và là câu chuyện Đức Thầy nói với Ông Hương Quản Diệp. Tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.
                               SẤU THẦN
Một buổi sáng đẹp trời, ánh sáng ban mai tỏa xuống sưởi ấm vạn vật, sau một đêm tối lạnh lùng. Đức Thầy đi xe đạp từ Tổ Đình xuống đường hồ. Đức Thầy ghé nhà ông Bảy, rủ đi Mỹ Hội Đông.
Ông Bảy mời Đức Thầy dùng cơm, Đức Thầy bảo dùng cơm rồi nên Thầy ngồi chờ. Đức Thầy hỏi:
-         Hương Quản có cuốn Sấm Trạng Trình không? Đưa cho Thầy mượn.
Ông Bảy mở tủ lấy quyển Sấm Trạng Trình cung kính đưa cho Thầy.
Sau khi dùng cơm xong, ông Bảy dắt xe ra thì Đức Thầy kêu ông bảo:
-         Trong Sấm Trạng Trình có câu:
“Thủy trầm nhỉ bất kinh
Ký mã xu dương tẩu”.
Hương quản có hiểu không?
Ông Bảy liền thưa:
-         Bạch Thầy! Sấm Trạng Trình khó hiểu quá! Nhờ Thầy giải nghĩa hai câu Sấm đó?
Đức Thầy xếp quyển sách lại rồi giảng giải:
-         “Thủy trầm nhỉ bất kinh” là con sấu Thần trầm mình dưới sông. Khi có tiếng Sẩm nổ thấu vào tai khiến giật mình thức giất. Sấu chuyển mình làm sụp đất rồi trườn lên bắt người ta ăn thịt. Mỗi lần ăn 500 người, máu đỏ cả sông.
“Ký mã xu dương tẩu” là người tuổi mùi thâu phục con sấu Thần và nó biến thành con long mã. Người đó cỡi nó bay đi cứu an bá tánh.
Đức Thầy đưa quyển Sấm Trạng lại cho ông Bảy. Sau đó Đức Thầy và Ông Bảy lên đường. Đi một đoạn đường xa mới đến bến đò qua sông Vàm Nao.
Xuống đò sang Mỹ Hội Đông, ông Bảy ngắm nhìn cảnh vật. Con sông Vàm Nao vào tháng giêng nước chảy êm đềm. Mấy đám lục bình rải rác trôi theo dòng. Ông Bảy nhớ lại lời Đức Thầy đã nói mà thấy khiếp sợ con Sấu Thần đang nằm ngủ dưới đáy sông. Có điều nó chỉ ăn thịt những người hung ác, như lời Đức Thầy cho biết:
“Con sông nước chảy vòng cầu,
Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha.
Chừng ấy nổi dậy phong ba,
Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục tùng,
Bá gia mới biết người khùng là ai.”
25/12/2018

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018


LỄ TANG ÔNG TRƯƠNG LONG

Ông Trương Kim Long, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nguyên quán xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (rạch Cái Tàu Thường xuôi vào ước độ hai ngàn mét). Trong giới đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo PGHH thường gọi tên ông là Bảy Long và người ta hay nhắc nhở nhau nghe về những chuyện ông tánh tình cương trực, thẳng thắng và bạo miệng. Khi bị đàn áp quyền tự do tôn giáo ông dám trực diện ăn to nói lớn trước công an, không chỉ là việc của riêng mình, nghe tin đồng đạo ở đâu bị đàn áp là lòng như lửa đốt muốn nhảy vào can thiệp. Bởi thế, phía nhà cầm quyền quan tâm rình rập đánh động điều nọ điều kia không để ông yên, lâu lâu thì gởi giấy mời ông đến văn phòng công an để điều tra xét hỏi những mối liên quan với đồng đạo có tiếng tăm trong làng đấu tranh quyền tự do tôn giáo, hoặc buột tội nầy, gài tội nọ cho ông sợ đặng chừa chừa. Nhiều lần bị gài tội lợi dụng quyền tự do tôn giáo nhà cầm quyền phát lệnh xử phạt hành chánh và cũng lắm lần ông bị đánh mang nội thương, dù sau những lần bị đánh, thân nhân của ông cũng chở ông đi thang thuốc, nhưng tuổi ngày già thêm, sức khõe như bị xuống cấp đáng ngại, vài năm trở lại đây ông bị bệnh hoạn triền miên.
Nhớ lại chuyện của ông, cách độ bốn hay năm năm lại đây thôi, một buổi chiều tôi công phu xong, ước khoảng 8 giờ tối, tôi định lật mấy quyển tự điển tra một ít từ chưa thông thoán bổng bên ngoài có tiếng gỏ cửa, tôi vội lại nhưng ngại không dám mở e có chuyện không lành. Vì chưa xác định tiếng của nên tôi chần chờ. Lại nghe kêu nữa bằng cái giọng yếu ớt, tôi hỏi ai kêu hãy nói rõ họ tên hoặc mục đích đến đây giờ nầy là gì.
Dạ tôi là Bảy Long đến cùng Năm Mãnh.
Tuy lạc giọng, yếu ớt nhưng tôi chắc là hai vị ấy. Vừa mở cửa, nhờ ánh sáng từ bóng đèn trong nhà phản chiếu, tôi hốt hoản khi nhìn thấy hai ông Trương Kim Long, Tô văn Mãnh mặt sưng và tươm máu trên tráng vết thương nứt nẻ mà thời gian chưa kịp xóa nhòa dấu tích. Tôi hỏi gì sao bị thương thế nầy? Tô văn Mãnh nói: chúng tôi đi đám cúng giỗ ở nhà chú Út Trung, vì đường xa phải đi trước một buổi chiều cho kịp sáng mai dự đám, nghe thuyết trình giáo lý PGHH. Chiều đến, chúng tôi thấy công an xã Phước Hưng bày trận, phối hợp với cảnh sát giao thông, tớp thì xông vào chận bắt người, tớp khác lại bắt xe, hai chúng tôi đứng gần đó thấy phát tức hết chịu được, buộc miệng la lên: Công an sao lại đàn áp tôn giáo, nhà nước của mấy chú đã đề trong hiến Pháp cho nhân dân có quyền tự do tôn giáo. Trên cho mà dưới bắt, các chú làm vậy là vi phạm pháp luật; đâu thể có cái kiểu người đại diện cho pháp luật lại phạm luật với những công dân bình thường trong khi yêu cầu của họ chỉ là đi dự đám giỗ và nghe thuyết giảng đạo lý.

Không để nói nhiều, chúng hai ba tên vẻ mặt hầm hầm xông tới đánh anh em tôi đến nông nổi nầy.
Cho dù có gặp  khó khăn về tự do tôn giáo, ông Bảy Long cương quyết không chùng bước thi triển lòng gan dạ sắt bảo vệ tự do tôn giáo. Những lúc gặp rắc rối bởi cường quyền ông thường đọc bài “Hiến Thân Sãi Khó” của Đức Thầy để tự an ủi lòng:
”Phận tớ xác phàm tớ sẽ dưng,
Cúng dường cho Phật, Phật đành ưng.
Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng.”
Hôm ông bị đánh thương tích nặng phải nghỉ đêm ở nhà tôi, sáng lại tôi đi mua Trật Đả Hoàn về cho nhị vị anh hùng nầy dùng để chế ngự, khắc phục hậu quả nội thương. Mặc dầu lưng ngực còn đau nhói khi phải nói chuyện nhưng Ông Trương Kim Long vẫn muốn tâm sự với tôi, ông đọc lên hai câu giảng của Đức Thầy “ Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên, phận môn đệ phải lo vun quén” rồi tự mình dẫn giải: Tình cảnh của đạo Thầy hiện nay đã quá mức truân chuyên, mặc kệ nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đề trong bộ luật có tự do tôn giáo cho nhân dân, ta hãy nhìn hành động của họ sẽ tốt hơn không nhìn mà chỉ tin lời họ nói. Tự do tôn giáo cái kiểu gì mà đương  quyền ra lệnh tịch thu hết các cơ sở của tôn giáo, giáo lý bị cắt xén, chức sắc trong đạo không được tín đồ bầu chọn, họ đưa đảng viên hoặc những người có thân thế với nhà nước vào các chức vụ điều hành, đề ra cái gọi là giáo lý viên mới được đi giảng thuyết, ai không phải là giáo lý viên thì cứ mà im miệng cho.
Đại cuộc dựng bảng Tổ Đình PGHH hai lần, lần đầu vào ngày mùng 9 tháng 11 không thành công, cách mười hôm sau, 19 tháng 11 năm Kỷ Mão 1999 tái dựng bảng Tổ Đình, Ông Trương Kim Long đến cùng chư đồng đạo kề vai sát cánh công việc, tất cả đều bị công an huyện Phú Tân tấn công đánh phá, nhiều vị bị thương tích không được đem đi cứu chửa, Ông Trương Kim Long bị đánh khá nặng đòn, thở hổn hển…  những tín đồ ưu tú vì sự nghiệp PGHH đòi hỏi và bảo vệ cương vị Tổ Đình, hôm đó, đều bị cường quyền đưa hết vào nhà giam.

Trương Kim Long và chư huynh đệ làm phản ảnh trung thực cái gọi là tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam nên được tổ chức PHONG TRÀO YỂM TRỢ TỰ DO TÔN GIÁO và NHÂN QUYỀN tặng giải thưởng, vinh danh người có công “đã góp sức cùng đồng bào trong cuộc bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam”.
Bệnh chứng nội thương không trị khỏi, lâu ngày trở nên trầm trọng. Ngày mùng năm tháng mười một năm Mậu Tuất – 11 tháng 12, 2018 Trương Kim Long từ giả cõi đời hưởng thọ 63 tuổi. Gia quyến hợp cùng bà con láng diềng và chư đồng đạo, nhứt là những chiến hửu đã cùng ông đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, đồng đến thắp nhang nguyện cầu các đấng thiêng liêng tiếp dẫn vong linh ông về miền Phật cảnh. Trong khoảng thời gian cử hành tang lễ, người hướng dẫn chương trình có phát sơ về công trạng, sự nghiệp vì đạo vì Thầy của ông, đặc biệt có hai điếu văn, một của người thiếu niên ước chừng chưa đầy hai mươi tuổi, Nguyễn năn Nhựt và một nữa của cụ Nguyễn văn Địch (sáu Địch) người chủ sự hai lần dựng bảng Tổ Đình hồi năm 1999. Cả hai bài điếu văn ai nghe qua đều ngậm ngùi thương cảm.
13/12/2018

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018


QUY ĐẦU PHẬT PHÁP
Nhân dịp cuộc hợp bàn công tác từ thiện đã qua và sắp tới, tìm giải pháp thích nghi cho công tác đạt hiệu quả đối với môn sở trường mà nhóm đang năng nổ. Đội từ thiện đây đều là tín đồ PGHH có hướng tâm về việc tu hành, mong ước ngày chung cuộc “Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc” đúng như lời dạy của Đức Thầy, vì thế, đội đưa ra ý kiến trong khi cứu an bá tánh, thanh sạch xã hội, làm từ thiện nhưng lòng phải tha thiết, khắn khích về học Phật, Phật Pháp cứu độ chúng sanh mà mỗi tín đồ đi làm từ thiện đều là chúng sinh cần phải đánh thức sự cứu độ trước hết. Sau phiên hợp được kết thúc bằng hẹn ngày khởi công cất nhà tình nghĩa cho bà con nghèo, có người hỏi tôi qua hai câu giảng của Đức Thầy như sau:
“Tu cho rõ mối huyền thâm
Quy đầu Phật Pháp khỏi lâm tai nàn”.
Đọc chứng minh hai câu trong Sám Giảng nhưng anh ta không dừng lại, thêm lý luận: Không phải tôi kém đức tin về PGHH hay Đức Thầy, nhưng thực tế vẫn còn có nhiều người “quy đầu Phật Pháp” khá nhiều năm mà tai nàn vẫn đến làm khổ hoài là sao?
Thay vì trả lời ngay, tôi hỏi lại:
Bạn cho biết một cách cụ thể hơn về tai nàn của người quy đầu Phật Pháp chưa đạt hiệu quả ấy được chứ?
Dạ được, ví dụ, hồi chưa quy đầu Phật Pháp láng diềng không ai dám hé môi khinh khi, nặng nhẹ, nay bị họ hiếp đáp đủ điều, đôi khi dùng lời bất nhã, oan ức khó chịu. Hồi chưa quy đầu Phật Pháp, vợ con trong nhà tôn trọng anh ta là ngôi chủ, xai hay dạy điều gì không ai dám cải mà bây giờ bị đối xử như tớ không bằng. Hồi chưa quy đầu Phật Pháp, tiền sinh hoạt có mức ổn định, giờ thì thiếu hụt thêm vợ bệnh, con hư mà công việc làm ăn đụng đâu lổ đó…Anh nghĩ, sau khi quy đầu Phật Pháp thì cả gia đình giống như bị nhiều cuộc tra tấn khủng hoảng. Những đều cụ thể vừa nêu, thật sự ta thấy bất lợi cho người quy đầu Phật Pháp, nó hoàn toàn phản nghĩa với điều báo trước “khỏi lâm tai nàn”.
Tôi trình bày:
Theo tôi biết, trong chúng ta đây chưa ai lâm vào hoàn cảnh khó sử như câu nghi vấn của bạn đạo vừa nêu ra; nó ở một gia đình nào đó mà bạn có lòng thương tưởng. Ta thấy ta ở hiện tại mà không thấy được cái tiền duyên của ta đã làm điều gì? Ta thảy một nắm muối vào nồi canh của mình mà ta không hay, khi dùng canh, nó mặn đến không chịu nổi, ăn không được, tức mình cằn nhằn vu vơ ai đó chớ không xét cái tiền duyên chính ta đã thảy nắm muối vào nồi, tự ngược đãi lấy mình mà trách ai làm mặn nồi canh là đúng sao?
Mặc khác của “Lâm tai nàn” mà ta không đành lòng, đã học đạo rồi thì xin lý giải tính nhân quả của nó và tin tưởng vào đó trong khi làm bất cứ việc gì đều nhớ thiện nhân sẽ có thiện quả, ác nhân sanh ác quả, để lúc nào trên tay cũng cầm thiện chứ không cầm ác, theo phải bỏ quấy. Kinh Minh Thánh có câu: “Chủng hoa hoàn đắc hoa, chủng đậu hoàn đắc đậu (Trồng dưa thì hưởng dưa trồng đậu ắt hưởng đậu) Đức Thầy cũng bảo: “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy” và Ngài nói trong sự quyết định:
“ Luật nhơn quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay
Cứ bền chí có ngày thông thả.”
Ở vào hoàn cảnh của những người đã quy đầu Phật Pháp chưa hưởng được phúc phần bởi chứng minh cụ thể nói trên, xin đừng đem lòng nghi kỵ về nhân quả không rõ ràng. Do tiền duyên chúng ta ăn ở tệ bạc hơn gấp mấy lần những điều mà ta phải trả hiện nay, nếu không nhờ quy đầu Phật Pháp sự trả quả của ta sẽ thê thảm hơn nhiều, đó không phải do quy đầu Phật Pháp mà sự trả quả của ta đã được giảm nhẹ hình thức đó sao? Nếu không nhờ quy đầu Phật Pháp ta sẽ bị trả quả bằng chung đủ số những vì ta đã vay ở tiền kiếp. Nếu không nhờ Quy Đầu Phật Pháp kiếp nầy ta tiếp tục lún sâu vào tội lỗi nữa, để không chỉ kiếp nầy mà là kiếp kiếp bị trầm luân khổ khổ. Biết được vậy cố gẳng trả thì nợ sẽ hết nhanh. Một điều quan trọng là trong thời gian trả nợ, chỉ trả thôi chứ không gây thêm nợ mới, nhứt quyết không gây.
Trong khi ta trách “quy đầu Phật Pháp” lâu rồi mà tai nàn không khỏi như Đức Thầy nói. Trách, nhưng ta có kiểm chứng chính mình về hành trạng quy đầu Phật Pháp của ta chưa? Kiểm chứng để thấy phần nội dung sự phát tâm tu hành của ta là gì? Ta thật sự quy đầu Phật Pháp bằng đem thế chấp thân mạng mình vào hành trạng khơi dậy tính Phật còn tiềm ẩn trong màn vô minh hay quy đầu Phật Pháp chỉ là câu nói suôn mà thiện không làm, phước không tích và tâm hồn mờ mờ ám ám trong lục dục thất tình??? Phải kiểm chứng chứ! Kiểm chứng để có ra một sự thật về ta như thế nào đối với việc quy đầu Phật Pháp. Nếu quy đầu Phật Pháp bằng hình thức lập ba ngôi thờ trong nhà mà chay không ăn, giới không giữ, cúng nguyện bửa có bửa không là đủ để nói đã quy đầu Phật Pháp rồi sao? Chuyện bước đầu vào đạo dễ dàng, nhẹ nhàng như vậy làm còn không xong, quy y không làm y, quy y để chứng tỏ mình có đạo nhưng không hành đạo lấy đâu ra điều tốt mà bảo “khỏi lâm tai nàn”???
Đức Thầy viết thi phẩm “Thức Tỉnh Một Nữ Tín Đồ Ở Bạc Liêu” tôi xin đọc trích hai đoạn, đoạn đầu và đoạn cuối cho quý vị nghe để làm rõ ý nghĩa của sự quy đầu Phật Pháp là thế nào:
“Trót đã quy y giữa Phật đài,
Nguyện rằng đệ tử dứt trần ai.  
Mong nhờ đuốc huệ soi đường tối,
Chớ nhiễm nghiệp phiền chớ đắm say.

Cuộc trần, ôi quá khổ !
Trường đỏ đen là chỗ nhuốc nhơ.
Biết bao người vì nó phải bơ vơ,
Sự nghiệp hết gia đình tan nát.
Sớm tỉnh ngộ lên đường giải thoát,
Lánh xa trường đổ bác chớ chen chân.
Nếu lở cơ mua tảo bán tần
Thân trí cực, nợ lần khan chẳng dứt.
Chi cho bằng:
Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời.”
Hãy kiểm chứng từ khi “Nguyện trước Phật đài… đệ tử dứt trần ai” có hành động đúng lời nguyện chưa? Cuộc trần là khổ cứ chen vô khổ mà sống cho khổ giật tơi bời rồi mếu máo với Phật, cầu xin Phật tha thứ. Xin tha thứ, nhưng quy y không làm y, ở đó mà cầu Phật tha thứ hoài sao? Thà chịu kiếp xin ăn chứ không chịu tự làm để có mà ăn sao?
Tóm lại câu “Quy đầu Phật Pháp khỏi lâm tai nàn” là lời nhủ khuyên bá tánh hướng thiện làm lành để từ đây giải hết quả căn, sống cuộc đời mới, hưởng phước, nhưng phải thực hành theo lời Phật dạy “Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”.
Dầu tôi biết, trong chúng ta đây không ai mắc phải trường hợp của câu nghi vấn nói trên, không có sự phật lòng là đương nhiên, hỏi giùm cho người khác, tôi mong rằng người nào đó đúng đối tượng thì nên kiểm điểm, nghiên cứu để cho tình trạng quy đầu Phật Pháp, khỏi lâm tai nàn là sự thật.
08/12/2018

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018


GHI ƠN

Quý thay tinh thần tương trợ của chư đồng đạo! Tôi gặp khó mà tới lúc nhà dột cột xiêu, đã trồng hai đợt cải sà lách đặng có tiền lợp sửa nhà nhưng lần nào, người ta bán thì giá mười sáu mười bảy ngàn đồng một ký, sau mười ngày tới mình bán giá chỉ ba ngàn đồng mà lái còn hơi gượng gạo nói là mua giúp chứ hàng nầy giờ ế ẩm. Rẻ xuống tận cùng, các nhà rẩy ở đây, nếu như cải sà lách, dưới mức giá ba ngàn là bỏ lứa, người ta không nở để tôi bỏ của, bỏ công đành mua ủng hộ. Đã hai lần sụt giá như vậy làm bé đi niềm hy vọng lợp sửa nhà. Trông cho qua hết mùa mưa mà mưa cứ kéo dài thời hạn, mỗi lần mưa, bất cứ đêm hay ngày, ngủ cũng phải thức dậy để lấy thau hứng nước những chỗ thiếc mục séc.
Không thể chờ đợi được nữa, tôi tìm người thiện tâm, có đồng tiền rảnh, tạm mượn đặng lo làm gấp cái nhà. Ông bà ta nói, có an cư thì mới lạc nghiệp, chỗ ở không an, mọi khả năng sáng tạo khác e bị ức hiếp, sẽ hạn chế.
Huệ Thọ hay được tin nầy gọi điện đến hứa giúp, không phải cho mượn mà là làm từ thiện trọn gói. Tôi nói với Huệ Thọ rằng: Thật ngại quá đi, tôi còn chút sức khõe, làm lụn được, có khả năng hoàn trả chỉ mau hay lâu thôi, vì thế tôi muốn mượn chứ không thọ xin. Hềm vì lúc trồng trọt không thuận lợi, chừng rẩy được mùa sẽ trả lại để quý huynh đệ làm từ thiện nơi khác.
Huệ Thọ nói: Huynh đừng ngại, việc cất nhà từ thiện của chúng tôi đôi khi phải đến những nơi thật xa để làm mà chủ gia đình lại là người trước đây đối với mình chưa từng quen biết, chỉ qua lời giới thiệu của người khác chúng tôi đến làm còn không nệ công sức, huống huynh là người tôi đã quen lâu, rõ thông qua tình đạo giữ hạnh độc thân tu niệm, chỗ nầy còn không mau mau ra tay được sao? Giờ tuổi huynh đã xế chiều, sức lực đâu còn mà ở đòi đợi trồng trọt trúng mùa nữa, vất vả lắm. Một người tu hành từ tuổi đầu xanh, nay dường gần thất thập, huynh rất xứng đáng đễ chúng tôi lợp sửa thay, còn nữa, chỗ chúng tôi, nghe tin việc nhà của huynh gặp khó, nhiều anh em cảm động lắm muốn đến giúp sức, hãy cho chúng tôi có cơ hội đó nha!
Sau vài hôm nói nhau trên điện thoại, Huệ Thọ đã cùng một số anh em, cởi xe bốn bánh, đi từ huyện Ô Môn đến tôi, xem từng phần của căn nhà và hỏi mượn giấy viết đặng ghi, Huệ Thọ nói: bộ đòn tay nầy bé quá cần nên thay to, bộ ván lót nầy mỏng manh, đi nhún nhảy lắm cũng cần thay; bên máy cháy, đòn tay làm bằng cây tầm vông có chỗ đã rệu bấy đáng lẽ phải được thay lâu rồi mới phải. Tôi nói: Mầm, ván lót, bộ đòn tay nhà chính cũng như bên phía chái, hồi đó cất nhà quá gấp gáp không thể chờ lâu hơn đặng có làm ra tiền. Khi tôi đi tù về, ở tạm nhà của em trai út, công an đến tôi hằng ngày, lớp vào nhà lớp ở rải rát ngoài đường, trong xóm, mặc dù họ không nặng nhẹ, ức hiếp tôi nhưng thấy họ đến nhà hay biết họ vẩn vơ ngoài đường, trong xóm để theo dõi một tên tù trả xong án phạt về, tôi cảm thấy thật khó chịu nhưng sự khó chịu ấy gượng được. Không lâu sau, lãnh sự quán Hoa kỳ đến thăm tôi thì từ đó về sau tình hình an ninh của công an đối với tôi trở nên nghiêm trọng, thắc chặc vồng vây, tôi không đi đâu được mà người đến thăm tôi lại sợ sệt, ngại ngùng. Tôi thấy bầu không khí không lành, nhứt là nghĩ đến sự ảnh hưởng của tôi về em trai tôi, một nông dân cứ mỗi ngày đi trồng trọt về nghe thấy công an đến nhà ve vản, tôi biết không phải là điều tốt đối với nó. Tôi muốn ra khỏi đây sớm hơn nhưng giờ có còn nhà đâu nữa mà ở, năm 1992 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, phó công an xã Huỳnh văn Biển (sáu Biển) tự cho nhà của tôi là am cốc trá hình để tuyên truyền giảng đạo trái phép, họ buộc tôi ký dở nhà, tôi không chịu theo sự phán quyết của Biển, họ cho lực lượng làng lính đem ghe tàu đến dở nhà của tôi và chở đi… từ đó, tôi bắt đầu đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, gởi thông tin qua làn sóng Chân Trời Mới, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt điều tra tôi, sau cùng phát cho tôi cái tội danh” Tuyên Truyền Chống Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa”, án phạt 8 năm. Thi hành án ở trại giam Z30 A và chung đủ mức án tòa kêu.
Hôm đi tù về thì nửa tháng sau, chú bảy Bùi văn Ưởng có đến thăm tôi trong lúc trời chưa sáng, trao qua tay tôi hai trăm Mỹ Kim, nói rằng, của bà con tốt bụng nào đó mà giờ lâu quá tôi quên tên, từ Hoa Kỳ gởi cho. Có số tiền nầy, may quá! Tôi liền nói với những anh em ruột thịt của mình sẽ vô trong đồng cất nhà ở riêng. Anh ba tôi đồng ý và ủng hộ, liền khép hộc đổ cho tôi một bộ cột bê tông cao chân, đến trại cây hỏi mua loại không nằm trong quy cách, thứ dạc ra giá rẻ, đem về tận dụng, chấp vá, nhờ nó là thau lao mà tuổi thọ cầm cự đến ngày nay.

Đo hết các khoảng cần lợp sửa đoàn Huệ Thọ kiếu về, qua hôm sau gọi báo điện cho tôi hay vào ngày 20 tháng 10 Mậu Tuất 2018 sẽ cùng với các thiện nguyện chở cây, thiết, các cái, từ Ô Môn đến lợp sửa nhà giùm, lòng tôi cảm nghe mừng mừng lo lo. Nhờ sự hưởng ứng của các đồng đạo quen thân, nhất là Võ văn Bửu đã huy động được một lực lượng công nhân thiện nguyện có cả ba tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp trên dưới ba mươi người ồ ạc làm việc trong lúc đài phát thanh, đài truyền hình cập nhật hằng giờ báo bão, rằng bão dữ đang từ Sài Gòn di chuyển rất là cường độ vào khu vực miền tây. Khoảng trưa ngày 19 có một đồng đạo gọi điện hỏi tôi, các đài thông báo về bão như vậy ta có nên dời lại ngày khác hãy lợp sửa nhà không? Tôi trả lời: Ăn thua là đội quân của Huệ Thọ dẫn đầu công việc, quý vị ấy chưa bàn chuyện dời ngày thì ta cứ an tâm tiến hành thôi. Còn riêng tôi, tôi nghĩ là không sao đâu, vùng mình là địa linh, có thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, trên có Trời bảo hộ, dưới có đất lành, người lành đang làm việc lành, bão mà có tới cũng không mạnh lắm. Huệ Thọ đến với một chiếc xe tải chở cây, thiết và chiếc xe khác chở công thợ, họ đều là thợ giỏi, tích cực với công việc, ngay cả hai chú em tài xế cũng khá bén nhạy công tác từ thiện nầy.
Kết quả như mong muốn, từ ngày 19 đến suốt ngày 20, bầu trời không một chút nắng, gió lúc nhẹ, lúc gay gắt nhưng mưa chỉ lất phất từng chập, vừa đủ ước lạnh là ngưng mưa, gió nhẹ lại. Do sự quyết tâm của chư thiện huynh đệ từ xa đến, cố làm một ngày cho xong nên lạnh ước là lạnh ước mà mần thì cứ mần. Nhờ tất cả quý thiện nguyện tích cực công việc, mưa đến không chạy tránh, gió lùa mặc kệ, cứ mà thay cũ đổi mới, kéo cây lên đặt thiết xuống đóng đinh, bốn giờ chiều cùng ngày căn nhà của tôi hoàn toàn mang mào áo mới.
Trước khi chư thiện huynh đệ ra về tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi với quý vị, chúc tất cả sức khõe và may mắn.
28/11/2018


Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018


ĐỨC BỔN SƯ VÀ CHIẾC LONG ĐÌNH
(Để tôn vinh cuộc lễ kỷ niệm ngày viên tịch của Đức Bổn Sư năm nay, 13 tháng 10 năm 2018.)
Đức Bổn Sư quý danh là Ngô Lợi, sanh trưởng ở miền tây nam giáp biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia, xưa thuộc tỉnh Châu Đốc, nay là An Giang. Rất tiếc các nhà chép sử lớp tiền bối không tìm ra được năm sanh, chỉ đề năm viên tịch 1909.
Ngài đi trong lòng lịch sử dân tộc khai sáng đạo Hiếu Nghĩa, bổn đạo của Ngài ở khắp miền bảy núi nhưng trung tâm phát huy đạo lớn mạnh và nối truyền đến ngày nay là ngôi chùa với cương vị Tổ Đình, đại Tòng Lâm “Tam Bửu Tự” dưới chân núi Tượng, cận thị trấn Ba Chúc.
Long Đình của Đức Bổn Sư để thờ vị trí hàng đầu

Đức Bổn Sư ngoài công cuộc dạy đạo cứu đời, sáng tác quyển “Đồ Thư” truyền lại nhân gian, Ngài còn có đôi tay của một nghệ nhân, tạo nên chiếc Long Đình với nét điêu khắc tuyệt vời, kỷ vật kỳ tích. Ngài thành lập một tôn giáo, đáng lẽ phải chuyên biệt về giáo lý, giáo điều để thức tỉnh quần chúng hâm mộ đạo pháp, tránh xa tội lỗi và những đắm nhiễm tục lụy, cớ chi là một nghệ nhân?
Long Đình có hai nghĩa: 1, sân rồng, 2, chiếc kiệu khiêng có muôi. Dầu dùng nghĩa một hay nghĩa hai, chữ “Long” đều đặt để sự liên quan đến vua, sân rồng là sân chầu trước hoàng cung đại điện, vua  đi đâu, chăm lo việc nước, việc dân, thảy ngồi trên kiệu. Nói về Long Đình Đức Thầy có câu:
“Mấy lời dặn bảo đinh ninh,
Gắn ghi chạm dạ Long-Đình được xem”
Hoặc:
“Muốn xem được hội Long-Đình,
Thì dân hãy rán sửa mình cho trơn.”
Tuy ta không nắm được dụng ý của Đức Bổn Sư nhưng tin chắc rằng việc sáng tác Long Đình đối với vị sáng lập tôn giáo trong lòng lịch sử dân tộc có mang tính thời sự ngay trong lúc nước nhà bị quân xâm lược Pháp ngang ngược bạo hành, biểu hiện sự liên quan công cuộc dạy đạo Hiếu Nghĩa, bù đấp, khôi phục niềm tin đạo đức, tín đồ không bị tha hóa hay rời rạc tình yêu non sông.
Viếng chùa Tam Bửu, bước vào nơi tôn nghiêm ta thấy có hai ngôi Long Đình làm chỗ thờ, Long Đình ở vị trí đầu tiên và Long Đình đằng sau nốt. Nhìn thoán qua ta thấy hai ngôi Long Đình nét điêu khắc giống nhau nhưng nhìn với sự thâm dò, ngẩm nghĩ thì chiếc Long Đình ở vị trí hàng đầu nét hoa văn thật tao nhã hữu tình.
hình nhà cơm từ thiện đải những ngày vào lễ

Theo lời của quý chức sắc trong Đạo Hiếu Nghĩa, chùa Tam Bửu có hai ngôi thờ Long Đình, cái để thờ ở vị trí hàng đầu là do chính tay Đức Bổn Sư sáng tác, còn cái ở sau cuối là do thợ người thế tục làm. Đức Bổn Sư đóng kỷ vật kỳ tích nầy vào thời pháp thuộc, không có dụng cụ bào đục hay dùng máy móc như hiện nay, tương truyền Ngài chỉ dùng vỏn vẹn có con dao phay và cây búa mà hoàn hảo kỷ vật trong khi những danh thợ sau làm ra nghệ phẩm nầy vào thời nước nhà độc lập có đầy đủ các dụng cụ giúp tay nghề thích nghi cho công việc điêu khắc. Sở dỉ có hai Long Đình như thế trong một ngôi chùa vì các chức sắc tín đồ của đạo muốn bảo quản tốt kỷ vật kỳ tích, các vị đã học qua một bài học bởi những kẻ trộm cướp thì cái còn lại sẽ hình dung được cái đã mất làm mẩu thức để sao tác. Có 3 chức sắc trong đạo Hiếu Nghĩa cho tôi cơ hội tiếp chuyện với quý vị rất vui vẻ, và kể tôi nghe câu chuyện như sau:
Khi Pháp tặc xâm chiếm Việt Nam, đặt nền đô hộ, họ thấy cái Long Đình của Đức Bổn Sư bốn vách đều có hoa văn sặc sở, không gian rộng rãi, trên có mui che, thấy là hứng thú sanh lòng ham muốn lấy chỡ đi một cách ngang ngược về làm của riêng mình. Kẻ chủ mưu thâm ác phá hoại tự do tôn giáo và tín ngưỡng của các tín đồ đạo Hiếu Nghĩa, ông ta thốt lời hóng hách mạ lỵ ngôi thờ tự tôn nghiêm trong chùa với lời lẽ cao ngạo: Lấy về làm phòng ngủ. Sự hóng hách ngang tàn của tên cướp, đem Long Đình làm của riêng mình tưởng là hả hê lắm nhưng đâu ngờ, chỉ một đêm thôi thì ông đã bị hộc máu tươi. Một lần đủ tởn, từ đó về sau ông không dám làm phòng ngủ nữa. Mãi cho đến khi quân Pháp cút khỏi Việt Nam thì cái Long Đình của Đức Bổn Sư được đưa vào viện bảo tàng. Trải qua thời kỳ đệ nhứt Cộng Hòa, Long Đình của Đức Bổn Sư vẫn nằm yên trong viện bảo tàng, qua thời đệ nhị, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa là ông Nguyễn văn Thiệu, khi còn là chủ tịch ủy ban lãnh đạo quốc gia, nhận đơn xin của quý chức sắc của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, từ đó tri nguyên tông tích cái Long Đình là của Đức Bổn Sư Ngô Lợi, tổ đình là chùa Tam Bửu, ngày 21 tháng 11 năm 1970 ký lệnh hoàn trả về nguồn gốc. Lệnh hoàn trả có sẵn nhưng cho tới ngày 11 tháng 5- 1971 quan chức và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tổ chức cuộc di hành đưa Long Đình từ viện Bảo Tàng về chùa Tam Bửu.
Hôm đưa Long Đình trở về nguồn gốc, miền tây nam hai tỉnh An Giang và Châu Đốc nối liền trời đổ mưa suốt, như thể đất Trời cảm động. Theo bảng lộ trình quan binh Việt Nam Cộng Hòa dùng xe đưa tới chỗ, nhưng thời điểm đó, đường từ Nhà Bàn vào Chi Lăng, Tri Tôn, Ba Chúc núi núi nối liền mấy ông “bên trong” dấu mình trong rừng núi hoạt động đánh phá( hồi đó dân chúng hay kêu Việt Cộng là mấy ông bên trong, bởi họ hoạt động thầm lén trong đồng, quân lực Việt Nam Cộng Hòa gọi là lính “Quốc Gia”, công khai với dân chúng), Phía quốc gia lo sợ mấy ông bên trong ra đấp mô giựt mìn, phá đường xe chạy nên đã cho quan binh theo bảo vệ đưa kỷ vật kỳ tích về chùa Tam Bửu một cách an toàn.
Tôi quen thân một anh, trước 1975 có đi lính Địa Phương Quân, cấp bậc trung sĩ giữ chức trung đội trưởng, hơn vài lần kể tôi nghe về câu chuyện đưa ngôi Long Đình từ Viện Bảo Tàng Sài Gòn về chùa Tam Bửu tỉnh Châu Đốc: Nhận được lệnh từ thiếu úy đại đội trưởng, cả đại đội chúng tôi đi nằm đường, nói là giữ an ninh cho một ông tướng nào đó từ Sài Gòn về quận Tri Tôn kinh lý. Tưởng ở được đường làng có dân cư, không ngờ đại đội tôi nằm sâu trong đồng mà hôm ấy 10 , 11 tháng 5 – 1971 suốt ngày trời mưa dầm dề. Chừng xong chuyện giữ an ninh, trở về hậu cứ, tôi mới hay rằng đại đội của tôi và nhiều đại đội khác, binh chủng khác, trên đường từ Sài Gòn về quận Tri Tôn đã có đi giữ an ninh, lớp ven đường, lớp trong đồng, cẩn mật cho cuộc tiễn đưa Long Đình của Đức Bổn Sư về nguyên chủ.
Hồi đó, anh bạn tôi kể chuyện trên hơn vài lần, tôi nghe nhưng không để bụng, tưởng là nói trong tiệc trà cho vui chơi thôi. Sau nầy, nhân dịp đi viếng chùa Tam Bửu thấy có ngôi Long Đình để thờ trong chùa là sự thật, tôi chợt nhớ chuyện anh và đồng đội anh đi làm hàng rào an ninh mà nghe lòng có điều thích thú muốn gặp anh tìm hiểu thêm nhưng anh không còn tồn tại trong cõi thế gian nầy. Tôi hơi tiếc vì đã bỏ qua một điều không nên bỏ… trải nhiều năm tháng cho đến ngày gần đây trở lại viếng chùa Tam Bửu tôi gặp ba vị chức sắc thuộc đạo Hiếu Nghĩa tiếp phục vụ đạo sự ở đó, tôi bày tỏ lòng ham mộ về chuyện Long Đình và những vì có liên quan đến báu vật nầy. Thấy tôi là người thích tìm sử liệu, quý vị ấy rất vui kể cho tôi nghe những gì đã biết và sau cùng dẫn tôi về nhà lật cho xem một quyển sách chữ in khổ lớn, người ta lật tìm phớt qua những trang tôi thoán trong đây có nhiều văn kiện mang tính lịch sử, đến trang ghi ngày tháng năm chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Ông Nguyễn văn Thiệu ký lệnh giao trả Long Đình về chùa Tam Bửu thì dừng lại để tôi xem. Thật là thú vị!
19/11/2018


Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018


GẶP KHÓ XIN ĐỪNG BỎ CUỘC

Quý huynh đệ bảo rằng, rất khó giành giựt với nghiệp chướng để được niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương trong lúc lâm chung. Đương nhiên, một chúng sanh ở cõi Ta Bà ô trược leo lên cõi Phật dễ sao được, nhưng không nên chán nản chịu thua, nói những lời lẽ làm mất dũng khí người chiến sĩ Như Lai. Trừ khi ta không muốn thành Phật hay thác sanh về cõi Phật chứ ước nguyện ban đầu vẫn con đeo đuổi thì phải tiến thân vượt khó đi lên. Tôi nhớ đã đọc một vần thơ của ai đó thật hữu duyên:

Đường đi lên có muôn ngàn ánh sáng,
Nhưng nẽo đăng trình cũng gặp lắm lúc hiểm nguy.
Ai chưa thể vượt qua, chưa chắc là tu sĩ.
Đời tu sĩ dậm tràng sương nắng phủ
Như thùy dương uốn rủ trước cuồng phong.
Nếu như ai không cương quyết một lòng,
Bước tu tiến sẽ bán đồ nhi phế.

Hay huynh đệ nghĩ rằng, Đức Phật treo phương pháp niệm Phật NHẤT TÂM BẤT LOẠN  mới được vãng sanh là giá quá cao? ước gì Ngài cho hạ thấp xuống một chút không cần NHẤT TÂM BẤT LOẠN cũng được, để người tu gặp nhiều chướng nghiệp, chướng duyên niệm lai rai cũng thác sanh về cõi Tây Phương là hay biết mấy. Chư huynh đệ! chúng ta đã nằm lòng lời của Đức Phật “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời dưới trời chỉ mình Như Lai hơn hết) thì chúng ta không nên có ý nghĩ lệch lạc để duy ngã độc tôn không tồn tại trên đỉnh cao chói lọi của lịch sử Phật Giáo. Lúc Đức Thầy bị quân xâm lược Pháp đày đi lưu cư trải dài 5 năm, ở nhiều nơi, đến tỉnh Bạc Liêu, Ngài có dịch quyển Tăng Đồ Nhà Phật từ Hán văn ra Việt văn, trong đó có đoạn:
                                                                                      
“Trên dưới Trời chẳng ai bằng Phật,
Khắp mười phương hẳn thật khó so.
Dòm trong cõi thế rộng to,
Một người khó kiếm sánh đo cùng Ngài.”

“Duy ngã độc tôn, chẳng ai bằng Phật”… trong chúng ta không ít người suy nghĩ, chẳng dám tin mình tu đắc quả Phật, chỉ cầu vãng sanh về cõi Phật khi mãn kiếp hồng trần là quá đủ rồi, không mong thành Phật, chỉ cầu thoát khỏi thế gian siêu sanh Cực Lạc. Cõi Phật cũng cao quí hơn cõi thế gian triệu triệu lần, sau khi diễn tả tám điều khổ của kiếp nhân sinh Đức Thầy nói về sự vui tươi của miền Phật cảnh, chúng ta hãy đọc nghiệm qua lời dạy của Ngài nói về cõi Phật:

“ Ôi ! cả sang hèn chẳng ai thong thả,
Sao nhơn sanh cứ mãi đắm say.
Chẳng tu thân đặng dựa Phật Đài,
Cho thong thả hưởng mùi sen báu.
Thần thức nhập thai sen tin hảo,
Nên khỏi màng lo nỗi khổ sanh.
Thân thì thân công đức hiền lành,
Bất di dịch khỏi vì khổ lão.
Thể thanh tịnh thường không huyên náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bệnh kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát cuộc lao đao vì nó.
Đường sanh mạng Phật, ta đồng thọ,
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn.
Tử thần kia đâu dám dắt hồn,
Thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử.”

Hiểu theo từ ngữ, Cực Lạc là nơi tột vui, cảnh cao quí, ăn mặc ở không lo, sanh lão bệnh tử chẳng ai biết đến, thân hình bằng Sen, tuổi thọ vô lượng vô biên như Phật … Như vậy, nếu pháp môn tu mà hạ giá, niệm Phật không nhất tâm bất loạn cũng được thác sanh về cõi Phật thì sự cao quí tột cùng ấy đâu còn. Niệm Phật cầu vãng sanh Lạc Quốc bắt nguồn từ quyển Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ do Đức Phật Thích Ca thuyết cách hơn hai ngàn năm trăm năm, từ ấy đến nay có nhiều vị chân sư Tịnh Độ Tông ra đời, khi thạnh lúc suy mà NHẤT TÂM BẤT LOẠN từ lời nguyện của Pháp Tạng tỳ kheo đến thành Phật hiệu A DI ĐÀ nhất tâm bất loạn giá không đổi. Qua thế kỷ hai mươi, một vị Phật từ cõi Tây Phương lâm phàm độ thế, khai sáng đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO, có lúc Ngài xưng hiệu khùng điên:

“Khùng vâng lệnh Tây-Phương Phật Tổ,
Nên giáo truyền khắp cả Nam kỳ…
Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”

Tín đồ trong đạo gọi Ngài là Đức Thầy, hay Đức Tôn Sư, cũng có khi gọi là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ngài khuyến dạy chúng sanh nguyện tu về Phật Quốc cũng bằng cái giá không đổi:

“Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh-Độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc…
Cứ NHỨT TÂM tín, nguyện, phụng hành
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây-Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”

Chư huynh đệ mình gặp nhau trong tình đồng đạo, khuyến tấn tu hành, dầu có vài vị thách đố, khó ai bị nghiệp chướng đến đòi trong lúc lâm chung mà niệm phật nhứt tâm được. Nhưng tôi biết tấm lòng của quý vị lúc nào cũng sẵn sàng vì đạo, buông bỏ tất cả để thác sanh về Phật Quốc, thách đố với nhủ ý để đồng đạo chúng ta đề cao cảnh giác mà tính toan trước, chảy gở suôn những gút mắt của thân và tâm không vướn bận vật chất tinh thần, để chừng bước xuống đò qua bờ giác, chẳng thứ gì làm động làm rầy, tự do tự tại. xét ra, ngay trước lúc lâm chung, mãn kiếp hồng trần đáng lẽ là sanh sang Lạc Quốc, nhưng bị các nghiệp chướng chận đường đòi nợ, là tại chúng ta gieo nhân thì phải hưởng quả; nếu ta phát tâm tu sớm và tinh tấn hơn, từ lúc thân không làm ác, lòng không tính ác, cũng chưa bị đắm đuối xao xuyến bởi danh, lợi, tình hốt hồn, chẳng bị ai động tới, cũng không động tới ai, tự do sống ở thác về, chẳng việc gì phiền phức trong sự sống hay chết. Đức Thầy viết quyển năm Khuyến Thiện, có một đoạn nghe bắt ham:

“Ta là cư sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.
Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”

Nếu chúng ta thực hành theo lời giáo huấn nêu trên, chuyện vãng sanh về Phật Quốc ngay sau lúc lâm chung là thực tế: làm ruộng, cày cuốc dùng bằng tay chân còn tu là ở cái tâm đâu mắc mớ gì nhau. Cuốc đất, cấy lúa, mầng cỏ, be bờ… các cái thảy dùng bằng tay chân, như vậy niệm Phật trong lúc làm đâu cho là cản trở, không phải Đức Thầy đã dạy “Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà” đó sao? Vì vậy, muốn bảo đảm đường tu, niệm Phật trong ruộng đồng hay tại nhà đúng bài bản nhưng còn phải xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh để lúc còn sống trong cõi mê mà tâm lìa cõi mê. Ngày qua ngày tu như vậy thì nợ nần với ai chứ! Không gây chướng nghiệp, chướng duyên, chừng mãn kiếp hồng trần tự do tự tại sang bờ giác. Điều nầy lịch sử Phật giáo đã chứng minh, có nhiều vị chơn tu đã hành đạo đến “thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê” biết ngày giờ lâm chung thác sanh về cõi Phật, báo trước cho thân nhân hay, tắm gội sạch sẽ; mạnh khõe thì tọa niệm, yếu đuối, nằm trên giường chấp tay vào ngực siêu hóa nhẹ nhàng, bỏ xác như người ta cởi bỏ cái áo. Nếu ta tu cũng như vậy: xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh, sống trong tục mà tâm không vướn tục, mắc mớ gì chướng nghiệp, chướng duyên mà đến cản trở lúc lâm chung? Lở gây nghiệp chướng, nay đã ăn năng thì phải hành động thiệt tình chứ đừng cái kiểu ăn năng giửa vời, nguyện cầu lấy lệ mà đạo đức buông xuôi. Biết mình lở làng, rán làm bồi lại những chỗ đã lở. Hạ quyết tâm: xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh niệm tưởng Phật, riết rồi lòng mình chỉ có Phật thôi…

13/11/2018

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018


CHỈ CÒN NIỆM PHẬT THÔI


Hôm trước tôi đi dự đám cúng tuần ở nhà một đồng đạo, quanh bàn tròn người ta bắt ghế ngồi bung rộng ra để đông đảo bà con tham dự một cuộc đàm đạo thiết thực, hữu ích, liên quan đến sự tu niệm của mỗi hành giả đang áp dụng pháp môn Tịnh Độ cầu vãng sanh Tây Phương. Bấy giờ có đồng đạo hỏi:

Hành giả trước lúc lâm chung bị nghiệp giật tơi bời, đau nhức khó chịu còn thêm có lúc mê mang bất tỉnh. Với biểu hiện bất lợi nầy xin hỏi chư huynh đệ đây có cao kiến gì xin chỉ dẫn?

Sau câu hỏi đưa ra một đạo huynh lên tiếng:

Câu nghi vấn của huynh đệ vừa nêu đã hiện rõ hai vế, một là đau nhức khó chịu, hai là mê mang bất tỉnh. Đối với người tu cầu vãng sanh Cực Lạc, sắp lâm chung gặp một trong hai bệnh vừa nói là điều không lành, nguyên nhân của điều không lành nầy sẽ đem bàn bạc sau còn giờ chúng ta bàn theo thứ tự:

Đau nhức khó chịu. Như chúng ta biết những trường hợp về mình khi bị đau nhức, cho dù sự đau nhức không có dấu hiệu lâm chung, nó chỉ là bệnh của bệnh chứ không phải bệnh của tử như cảm sốt, trật tay chân, trẹo cụp lưng, u nhọt… đau nhức đến cầm lòng không đậu, câu niệm Phật thoạt nhớ thoạt quên; huống chi người đau nhức ở giai đoạn sắp chết, các nghiệp nợ xúm lại đòi mà tấm thân ta đây là vật mượn của tứ đại, tới hạn kỳ trả lại, mỗi chút mỗi đòi, khổ thân khủng khiếp. Giờ ta còn mạnh khõe đây, cũng chưa hồi nào bước qua cửa tử để chịu hình phạt của các chủ nợ đến đòi, nhưng đôi mắt của ta đã thấy bệnh nhân sắp lâm chung xảy ra như thế nào thi ta biết. Đã nhức nhói mà hơi thở còn bị đòi dần cho đến khi chấm dứt sự sống. Đức Thầy diễn tả về tử khổ ta có thể cảm nhận được:

“Đoạn tử khổ thứ tư phân giải.
Trên dương thế hữu hình tắc hoại,
Có sanh ra khổ hải đâu chừa.
Trải bao phen dãi gió dầm mưa,
Ngày kiệt sức huyễn thân tan nát.
Gần hấp hối tâm thần xao xác,
Trí vẩn vơ kinh sợ vô cùng.
Rồi mòn lần đến lúc lâm chung,
Giả cõi tạm theo đường tội phước.
Nhiều phương thuốc ngừa sau ngăn trước,
Mà cũng không thoát luật tuần huờn.”

Trình bày về sự khổ của hành giả bệnh nhân trước lúc lâm chung diễn ra thê thảm như vậy, điều là do hồi còn sanh tiền hoặc tiền kiếp đã gây tội ác nên giờ phải chịu quả báo. Nếu hành giả chuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ gặp nhiều nghiệp chướng, thượng lộ không được bình an thì nên nhớ, nghiệp nợ gây trước khi tu hoặc đã vào đường tu rồi mà chưa dừng được thói quen làm ác, chưa hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ về vật chất hay cảm tình với dòng đời, để thân phạm vào mười điều ác, đồng thời với sự cảm nhiễm của danh, lợi, tình, gần chết mà còn làm cho ta ghiền gập mê man, nhức nhói thở không ra hơi mà còn thương nhà tiếc của, Đức Thầy có câu:

“Hố sâu tình dục lại ghiền,
Ghiền cho đến lúc chúng khiêng quan tài.”

Thế là hai thứ chướng: chướng nghiệp, chướng duyên đến cùng một lúc, chướng nghiệp là đòi nợ, chướng duyên thì làm ta mê muội, gần chết thở muốn hụt hơi còn thương nhà tiếc của chứ không chịu niệm tưởng Phật theo nguyện ước ban đầu:

“Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc
Hưởng công Niệm Phật rất an lành.”

Ta đã dày công tô đấp bảo dưỡng đạo hạnh, sắp được ăn lẽ nào để thua sao? Cố dựng lại ý thức ban đầu, khó khăn đau nhức gì cũng rán tưởng niệm Phật. Niệm tưởng Phật là công Đức tu hành và chính công đức của mình mới đền bù những nhơn hay vật trước kia mình gây tội lỗi với chúng họ. Càng niệm tưởng Phật, thân bị cột siết sẽ được nới lỏng, đau nhứt giảm lần, hôn mê tan đi như nắng chiếu sương tan. Khi hay mình bệnh ngặt đồng đạo có đến trợ niệm cho mình tìm lại lộ đồ là điều hay nhưng không phải dựa vào họ, ta phải dựa vào sức tu niệm của chính ta, tự chủ trong sự khó khăn đau nhức mà vẫy vùng để lúc nào lộ đồ cũng hiện ra trước mặt, rõ ràng, không có đường hay ngỏ ngách nào khác để ta lạc lối. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, khó thở, ui da cở nào cũng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Có thế, các ngỏ ngách dẫn đến luân hồi không hiện diện. Tất cả đều bế tắc, chỉ còn có NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ĐI THẲNG VỀ CÕI Tây Phương. Nhưng, nếu niệm Phật một cách bê bối thì tới đây hành giả không còn là hành giả nữa, ngay ranh giới cõi Ta Bà và Cực Lạc mà lòng niệm Phật đã mất thì đường về Tây Phương cũng mất, sáu nẽo luân hồi hiện ra, đường về Trời, về Người, về thần A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh ào ào chiêu dụ.

Tương song với tinh tấn vượt khó ta nên đối đải biết điều một chút, những ác ta đã lở vay nhơn hay vật, đau nhức hôn mê của ta giờ bằng nghe theo lời dạy của Đức Thầy, chính là do “căn tiền báo quả hậu”, ta nên quyết tâm sám hối, van xin với các nghiệp nợ đến đòi, hãy tha thứ để tôi yên bề tu hành, nữa sau đắc đạo, tôi sẽ tạo duyên cứu độ. Có thể do lòng sám hối, van xin mà trên đường về Phật bớt đi chướng ngại, giảm nhẹ tình trạng phá phách.

Bấy giờ có người đặt ra câu hỏi:
- Sám hối van xin làm cho chướng ngại bớt đi, nghe nói thôi là tôi rất mừng, xin đại huynh có sự kiện chứng minh để tăng thêm sức tin tưởng cho người tu vững lòng.

- Sự kiện chứng minh không có, bởi chúng ta đây chưa người nào lâm chung rồi trở lại nói hết mọi điều bí ẩn của bờ mê bến giác, nhưng dựa theo câu “Dương gian âm cảnh đồng nhứt lý” của cổ nhân thì sự phán đoán của ta là có thể. Nói theo dương gian, một người thiếu nợ không có tiền trả, chủ nợ giận quá hâm báo quan bắt đi tù, con nợ van xin, đừng bắt, tôi hứa cố gắng làm để trả. Chủ nợ nghe lời van xin mềm lòng liền có suy nghĩ, mình giận quá mà làm vậy, chứ bắt họ đi tù trừ nợ, trước sau mình cũng mất của thì có ích gì, trong khi con nợ hứa cải hối ăn năn quyết trả thì thôi để cho nó có được tự do làm đặng trả, mình không mất của như vậy phải hay hơn không.

- Cách dẫn giải của đại huynh ở mức tương đối, không phải mỗi chủ nợ đều được khai trí cả đâu, có chủ nợ mình van xin họ nghe thắm lòng, có người thì không động đậy chút ân tình nào với con nợ, bắt nó đi tù cho đã giận.

Hội trường chừng như sắp có cuộc tranh cải, thêm một người nữa lên tiếng:

- Theo tôi, đừng nói là chủ nợ có khai trí hay không, quan trọng hơn hết vẫn là phía con nợ, lời hứa cải hối ăn năn, quyết lòng trả nợ có tạo được niềm tin vững vàn với chủ nợ hay không, chỉ hứa suôn không hành động làm sao chủ nợ tin được nên nói trường hợp chỉ xảy ra tương đối là phải. Đúng vậy, sau lời hứa trả nợ, con nợ từ nay phải có hành động cụ thể về cải hối ăn năn cho chủ nợ tin tưởng để từ rày họ không quấy nhiễu mình nữa, thông thả niệm Phật, chừng mãn kiếp hồng trần sanh Lạc quốc ngay thôi.

- Ý kiến nầy hay ho và thiết thực, bằng vào tu niệm của mình, vượt qua tất cả những khó khăn đau nhức trước lúc lâm chung, để cầm lòng câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, chủ nợ sao lại không tin chứ !
               07/11/2018