Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

CÚNG NGUYỆN VÀ NIỆM PHẬT

Hôm trước đi công chuyện ở vùng Mướp Văn gần chợ Ba Thê, huyện Thoại Sơn. Biết là chốn xa nên xong việc là về ngay. Giữa đường mệt mỏi tôi lựa ghé một quán nước nhỏ, ít khách có võng cho mình trầm lâu một chút mà lựa hoài không gặp. Tôi tưởng yêu cầu như vậy là không cao. Đường xứ quê tìm một quán lớn sang thì khó chứ quán lóc cóc với một hai cái bàn ghế lùn trệt đất thì thiếu vì. Nhưng lạ, dân đây uống quán nhiều quá, vùng nhà trông bộ nghèo, nhìn cách ăn mặc lèn xèn, quần đùi áo thung, ngồi nhịp nhịp dò tôi biết là người địa phương. Tới quán nào người ta cũng ngồi chật, ly còn nước hết lũ khủ trên bàn mà người ta cũng cứ ngồi dành chỗ mãi. Mệt và khát đả mà mình thì cứ dị ứng uống nước chỗ đông. Cho xe chạy thêm, ghé vào một quán con con với hai người khách trẻ trong bộ dạng đi xa. Tôi vừa ngả người xuống võng liền kêu chủ quán cho một ly cà phê đá thì nhà liền vách phía trái có 3 người dáng đạo từ ngõ đi vào, trong số 3 người có một người biết tôi nhưng tôi không nhớ đã gặp cô ta chưa. Mới đầu gặp tôi cô ấy nhìn hơi lén một chút, có thể không tin là tôi ở đây, liếc liếc nhìn nhìn. Chừng biết chắc là tôi cô ấy cất tiếng chào kiểu giật mình, kêu to như nạc: Chú Tư! Như người quen thân cách lâu mới gặp, cháu hỏi tôi:
Là khách đi đường ghé quán giải khát hay có bà con chi đây?
Tôi nâng ly Cà Phê lên nói:
Đây là bà con, một chút nữa ra khỏi là quề.
Chú nói chuyện thật là vui vẻ, cởi mở. Con thích vậy. Dạ thưa chú con vào nhà.
Chừng 5 phút sau, cũng từ ngõ nhà ấy có bốn cái dáng đạo đi vào rồi hai hay ba phút lại có một tốp 6 người vào. Trong nhà bấy giờ rộn ràng lên. Tôi uống hết ly ca phê đá định ra về thì cô đồng đạo ban nảy đến chào tôi giờ cũng đến nữa, cô nói:
Thưa chú, nhà bên nây nay chư đồng đạo có cuộc họp định kỳ, trả bài và nhận bài mới. Cả nhà nhờ con qua mời chú.
Tôi đáp với chút ít đẩy đưa:
Họp định kỳ để học bài và trả bài bao giờ cũng nằm trong khuôn khổ nhất định. Tôi ở ngoài khuôn khổ sao lại mời tôi chi?
Thưa chú cả nhà đã tính kỷ mới cho mời, chú qua cho cả nhà được vui.
Nầy, Xưng hô bằng chú cháu đi nghen! Có mình cháu biết chú chứ ai nữa đâu mà nói cả nhà mời?
Sự thật thì con không nói chuyện tình cờ gặp chú cho ai nghe. Không phải nói để khoe chứ con là người kỷ lưỡng có tiếng đó.
Đến cỡ vậy sao?
Vâng. Chú nhớ xem, cùng vào với con có hai đồng đạo nữa, họ hỏi con về chú, sợ gì mà con không nói chú là… chú của con. Trong đây phần đông người ta rất ghiền cái giọng đọc giảng và cách diễn thuyết của chú, có người chưa gặp mặt chú lần nào có người thì đã gặp phớt mà mà ấn tượng lắm. Thôi thì xin cho đây là dịp may muôn thở mời chú một lần.
Tôi nghĩ họ lựa người mời ăn chắc … Lòng đã xiêu, tôi mở hé cái ngăn kéo chiếc cập nhỏ để lấy cái điện thoại di động xem, thấy giờ còn dư chút chút, tôi nói:
Từ đây về nhà độ khoản năm mươi cây số, còn phải qua con sông lớn mà đò Rạch Gộc chạy chậm thiếu điều ngủ gục mấy phen mới vào bến bên kia. Xét giờ mà về ngay thì tôi còn dư được chút thời gian, một chút đó chắc không đũ để cùng quý vị chuyện trò, ấy hãy để dịp khác vậy.
- Từ đây cách chú rất xa, đâu phải gặp hoài mà hẹn chờ dịp khác.

Không thể từ chối với lời mời tha thiết. Vừa tới, cả nhà đứng lên chào tôi và tôi xin chào lại với vài lời cám ơn sự mời mọc nhiệt tình của quý vị. Rộn ràng thoáng chút thấy đã đũ. Một nam đồng đạo tuổi khoảng bốn mươi hướng dẫn chương trình, khởi sự:
Kính chào chú tư thêm lần nữa! dạ kính thưa chư đồng đạo, hôm nay là ngày họp kỳ tuần của huynh đệ chúng ta, may mắn có sự hiện diện của chú tư mà phòng họp trông có vẻ vui hơn. Đời người vốn vô thường, chưa chắc dịp may sẽ có hai lần với tất cả chúng ta, vậy tôi đề nghị nay mình tạm ngưng chương trình hay nói cách khác là dời kỳ họp của mình để tuần sau còn bây giờ xin mời chú tư cho một món ăn tinh thần nhiều bổ dưỡng. Chẳng biết quý vị có đồng ý không ạ?
Cả nhà vỗ tay để thay cho tiếng bằng lòng.
Tôi nói:
Coi như tôi không dám phụ lòng tốt của chư huynh đệ đây, nhưng xin quý vị hãy cân nhắc sự thay đổi buổi họp thành ra vầy là có quá đáng không?
Một vị trả lời nhanh:
Là đáng chứ không quá đáng. Vậy xin chú cho một đề tài nào nhạy cảm nhất, luôn luôn gợi nhớ cho một hành giả tinh tấn.
Thế nầy thì tôi phải giảng thuyết đề tài Tinh Tấn, nhưng Tinh Tấn tôi đem quảng diễn không câu nệ vào chính danh của nó mà qua một đề tài khác “Cúng Nguyện và Niệm Phật”.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Trước hết tôi kính lời chào quý huynh đệ và cho xin gieo duyên đề tài qua một câu hỏi được chứ : Mỗi ngày sau hai thời cúng nguyện sớm chiều xong quý vị có ngồi bán già niệm Phật không?
Qua câu hỏi tôi có cảm tưởng làm cho hội trường lạnh xuống không độ. Các Đồng đạo nhìn nhau, giữ im lặng. Trôi mất khoảng mười cái tít tắt đồng hồ, hai người đưa tay lên nói “ có” và hai người nữa nói rằng có niệm theo kiểu ngồi bán gia nhưng ít khi lắm. Còn lại số đông đã không vô cửa Bán Già nên không nói năng vì.
Tôi nói: Qua trao đổi đã thấy rất ít người trong chúng ta đây ngồi Niệm Phật sau khi cúng nguyện phải không. Để tôi đọc y nguyên văn về phần dạy “Niệm Phật” của Đức Thầy rồi sẽ bàn tiếp đề tài:
Cúng xong muốn Niệm Phật cũng được. Ngồi Bán Già thẳng lưng niệm: Nam Mô A Di ĐÀ Phật.
Hay niệm: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật.
(Niệm Phật nhiều ít tùy theo sức mình, lúc cầu nguyện và Niệm Phật chỉ niệm trong tâm)
Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ đi. Đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc”
Chắc một số trong đây xét rằng việc ngồi bán già niệm Phật sau khi cúng nguyện là không quan trọng chớ gì. Từ  “cũng được” mà Đức Thầy dạy trong câu lại quá nhẹ phải không? Cần có một tiếng nào đó như “tiếng lệnh” hẳn hoi thì mới làm. Nếu đúng như suy nghĩ của chư huynh đệ thì tôi đồng ý với quý vị  từ “cũng được” ở vào vị trí của đoạn văn trích nêu không phải “tiếng lệnh” nhưng có ngầm ý là “Lòng Lệnh”. Nếu không thì sau từ ngữ cũng được chỉ chấm hết là xong. Nhưng lại là dấu chấm còn ý liên tục… “Niệm Phật nhiều ít tùy theo sức khõe”. Còn nữa, đến kết thúc bài khuyên Niệm Phật, Đức Thầy dạy sự Niệm Phật lên tới đỉnh điểm “ đi, đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc”.
Theo suy nghĩ của tôi thì Đức Thầy đã “Lòng Lệnh” dạy chúng ta phải nên niệm Phật sau mỗi thời cúng nguyện.
- Giải lý để được niệm Phật nhiều hơn là điều tốt, nhưng theo tôi, huynh tư nên có một dẫn dụ nào cho phù hợp với cái mà huynh nói là Lòng Lệnh.
Vâng, như quý huynh đệ biết Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm cứu độ chúng sanh, giữa chốn trần đời mạt hạ sự giáo độ phải tốn nhiều công sức mà Ngài so đo bằng:
“Dạy dân như phá rừng cầm cho dân.”
Hoặc là:
“Nay rừng buội có người mở ngõ”.
Mở đường rừng không phải tức khắc mà quang đản được, bằng vào pháp môn Tịnh Độ cầu vẵng sanh Tây Phương. Đang độ phá rừng mê dọn đường cho chúng sanh ra khỏi, đất chỗ nào trống được cũng là quá mới, người ta chưa hoàn toàn tin đất đây là đất tốt cũng chưa hoàn toàn tin mình có khả năng trồng tỉa trúng mùa. Không kêu vội vàng qua việc trồng tỉa nhiều thứ. Đạo mới dạy tu, cúng lạy ngày hai thời là đi vào căn bản. Không buộc ngồi bán già niệm Phật sau khi cúng nguyện, nhưng có ngồi niệm cũng được, vì đó là hướng tu lên. Không thì chậm lại, chừng sự cúng nguyện mỗi ngày quen dần, trình độ tu và lòng giác ngộ sẽ tiến lên như em bé mới vào trường học lớp một, năm sau bé phải lên lớp hai là chuyện đương nhiên. Trong thời gian học vỡ lòng lớp một bé vượt trội, sức hiểu biết rộng hơn qua bài vỡ của những bé học lớp hai, Thầy cô giáo dạy lớp một chắc phải khen và yêu quí bé thôi. Học đạo, Đức Thầy cũng dạy như thế mà: “Đường đạo đức bước đi từ nấc”.
Dạy đạo từ năm 1939, chỉ viết Sấm giảng khuyên tu chứ chưa có cho ra đời Quyển Tôn Chỉ, đến tháng 5/ 1945 Đức Thầy mới hạ bút bài “NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN”. Tính từ năm sáng tác đến giờ thiếu chút nữa là 70 năm. Cái câu ta học thuộc lòng “Đường đạo đức bước đi từ nấc” ta giải thích thế nào về từ ngữ “bước đi”mà mấy mươi năm tu học ta đứng chựng tại chỗ???
Phải cho Niệm Phật đi theo cúng nguyện như Đức Thầy đặt ra từ buổi đầu “Phá rừng cầm cho dân”, mà vì mới mẻ Đức Thầy dùng từ “Cũng Được” để khuyên niệm Phật sau khi cúng nguyện nhẹ nhẹ thôi. Cũng trong năm Kỷ Mão Đức Thầy sáng tác quyễn thứ tư “Giác Mê Tâm Kệ” trong đó có câu kêu gọi môn đồ triệt để thực hành bốn ngày chay mỗi tháng:
“Chay bốn bửa ấy là qui tắc”
Ở vào thời điểm “phá rừng cầm cho dân” rất mới mẻ, nhưng đã có người trong bổn đạo phát lên dùng chay trường bị nhiều người khác phản đối. Bây giờ thì quý vị biết đó, trong đạo rất nhiều, rất rất nhiều người dùng chay trường quý vị nghĩ tu như vậy là đúng hay sai. Tiến bộ về lĩnh vực trường chay ta cũng nên cho tiến bộ về phương trình niệm Phật nhất là trong tư thế tịnh tọa sau mỗi buổi công phu.

Thưa chú tư biết, họp nhóm kỳ tuần của chúng tôi chỉ có hai vị độc thân, thuộc dạng tu sĩ lớn tuổi đỡ đầu còn lại là cư sĩ tại gia có vợ có chồng và con cháu đùm đề. Nhà lúc nào cũng rộn rịp tiếng người nhất là lúc chiều tối, cúng nguyện khó nhập tâm, bị đứt nối liên miên với những tiếng khóc cười của lũ trẻ, thêm trong nhà nhiều người không tu thì giờ đó cái ti vi mở suốt. Ồn ào như vậy làm sao niệm Phật cho vô.
Sao? Cô định mượn cớ ồn ào để tránh ngồi bán già niệm Phật phải không?
Dạ, không phải thế đâu ạ.
Ti vi mở hát ồn lên không niệm Phật được, thế có cùng với chồng con ngồi xem ti vi không?
Dạ, có chút chút.
Vậy chứng tỏ đã đầu hàng giặc sao?. Người đời có cái vui của đời, đạo có niềm vui của đạo. Ta là người đạo không nên chung vui với cái vui của người đời. Vui với đạo trước tiên là chiến thắng sự sai khiến của giặc phiền não, làm chủ lấy mình, bảo vệ lập trường tu đến cõi Tây Phương. Gặp chuyện khó khăn mà nản chí là mất tự chủ, lâu ngày tinh thần suy yếu rồi đến suy xụp nặng là hết cứu. Hãy mạnh lên! vượt qua khó, tiến tới mục tiêu một cách cụ thể đừng ở mà cầu nguyện, ước ao cho đừng bị chướng ngại mới chịu đi. Không có vụ sợ khó không đi mà tới được. Chướng ngại nhiều vì tinh thần mình quá yếu ớt, chỉ biết vái vang trông cậy sự cứu độ của Phật mà không chịu làm theo lời Phật dạy. Nhà chí sĩ Nguyễn bá Học đã cho ta thấy cái khí phách của Ông “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Ta cương quyết ngồi bán già niệm Phật sau khi cúng nguyện, mặc kệ ai mở hát hay tiếng khóc cười của lũ trẻ. Hãy giữ cho câu niệm vào chánh niệm, nhập tâm thì không bị động đậy bởi trần cảnh bên ngoài. Như thế sẽ hay hơn không chịu làm mà trách, mích lòng với thân nhân trong suốt đời tu thì có ích gì. Hãy tích cực giải quyết ngay tại chỗ khi hay vọng niệm đến, là tự mình giải quyết những vọng niệm phát sinh chớ đừng đòi hỏi người khác phải ngưng làm thế nầy thế nọ để cho ta đừng sanh vọng động. Bất kỳ là vọng niệm của chính mình hay vọng niệm do ngoại cảnh đẩy đưa. Có người đến tặng quà, ta cũng có quyền không nhận, do vì lòng ta thích mà bị ngoại cảnh cột trói thì đổ lỗi cho ai? Đừng sống trong bống che của đạo Phật như một thứ “tình hờ”nhớ cũng được mà quên cũng chẳng ăn thua vì. Trách ai đó mở hát ti vi làm ồn cho mình không niệm Phật được, chút xiếu thì cũng cười, làm quà nhảy vô mà coi nó ca hát múa men. Thế là nguy to rồi Phật Ơi!
Nếu như, lòng giác ngộ không sâu, lập trường chưa vững trước những thứ cám dỗ có sức húc bê người, tôi đề nghị chọn một nhà đồng đạo nào trong xóm biết tôn trọng, bảo vệ tốt giờ công phu không bị sự ồn ào quấy nhiểu sờn lòng mà nhà đó, chủ gia là hành giả thực hành keo sơn Niệm Phật sau mỗi lần cúng nguyện, đến xin tu chung giờ Niệm Phật, xong rồi về. Hoặc ta có thể tổ chức khóa tu sớm chiều ở một nhà đồng đạo chồng tu, vợ tu và con cái trong nhà có nề nếp, giáo dục tốt, ít gây tiếng ồn, để dẫn độ những đồng đạo không từng ngồi niệm Phật tìm chỗ tu chung để “bắt trớn” tu theo.
Đời người với tấm thân tứ đại, nó vốn vô thường, chưa biết khi nào thì ta chết. Đừng nghĩ chờ bệnh nặng thì biết mà lo tu coi chừng không kịp. Có người chết nhanh, không xảy chút bệnh. Cuối cùng tôi xin dẫn lời dạy của Đức Thầy:

 “ Phải rán tu đặng mà chết,
Chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu”.
Và câu:

“ Khuyên Niệm Phật than rằng chưa rảnh,
Lúc bắt hồn mắc việc cũng đi”.

Hãy làm ổn định tinh thần, cứ như lời dạy của Đức Thầy mà hành sự:

“ Chắp tay Niệm Phật Di Đà,
Lòng ta, ta biết; ai mà mặc ai”.
Buổi gặp qua đường đến đây xin tạm dừng, nếu tình đạo Phật giữa chúng ta còn sâu, sức nghe chưa mỏi chắc sẽ gặp dịp may mắn tới.

Kính chúc tinh tấn tu hành.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

22/01/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét