Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018


HƯỚNG DẪN QUY Y

Sáng sớm ngày 14 tháng 7 năm Mậu Tuất chúng tôi chở  ba bộ ngôi thờ đi từ tỉnh An Giang đến xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang với tư cách những người bổn đạo cũ hướng dẫn quy y cho ba gia đình phát tâm tín ngưỡng Phật Giáo Hòa Hảo. Vì từ xa đến, lịch trình đi và về trong ngày, làm việc gấp gáp nhưng thời gian không đủ đáp ứng trang hoàn ba ngôi thờ, chỉ lo hai ngôi thờ trong nhà cho bà con, còn ngôi Thông Thiên trước sân đành tạm mượn chiếc bàn thế vào để tiến hành lễ quy y.
Để đi vào chương mục phát lễ quy y, chúng tôi trình bày với chủ gia rằng, theo nghi thức thờ cúng của người tín đồ PGHH được quy định rõ ràng trong quyển “Tôn Chỉ Hành Đạo” là mỗi nhà chỉ có ba ngôi: Thờ Cửu Huyền Thất Tổ, Thờ Tam Bảo Phật Pháp Tăng, trước sân thờ ngôi Thông Thiên. Thói quen của người dân Tây Nam Bộ, chưa quy y theo tôn gáo nào nhưng trong nhà có nhiều khánh thờ: Ông Độ Mạng, Thần Tài, Chúa Tiên Chúa Ngọc, Khánh Anh La Sát, Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẹ Sanh… giờ nếu quy y PGHH đúng với tín ngưỡng giáo điều xin quý vị cho phép chúng tôi dẹp bỏ các khánh thờ nói trên, còn hương linh các vị trong các khánh thờ thì tùy duyên mà vào ngôi Cửu Huyền Thất Tổ hay ngôi Tam Bảo.
Lời hướng dẫn của chúng tôi được chủ gia đồng ý, chúng tôi vào ngay phần nội dung. Dựa theo bài “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” rất cần thiết cho sự tín ngưỡng chơn chánh được trích đọc làm khởi đầu việc quy y:
“Đừng thấy ai theo mối đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào. Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thể nào và tại sao phải thờ kính Đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên hạ thấy rõ ta mê tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô đạo nhắm đó mà bài bác nhạo chê hủy báng và cũng rất uổng cho cái công trình thành kính lễ bái của ta vậy.
Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông Thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng; chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy. Chẳng được như vậy, dầu mình theo đạo rất chánh đáng, ông thầy rất thông minh cũng chẳng có ích cho mình cả.”

Căn cứ đoạn trích dẫn trên chúng tôi thấy cần làm cho người phát nguyện quy y thông thoán về chánh tín và mê tín nên đọc lại cho ăn sâu ý thức: “Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật mà chưa hiểu ông Phật thế nào” và “Tại sao ta phải thờ Kính Đức Phật… cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông Thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng; chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy”. Do đó, nay quý vị quy y theo đạo PGHH của Đức Thầy cần nên hiểu về đạo và Đức Thầy, Ngài là ai? Từ đâu đến? Đến để làm gì?
Thế danh của Đức Thầy là Huỳnh Phú Sổ, nguyên quán làng Hòa Hảo, cha: Đức Ông Huỳnh Công Bộ, Mẹ: Đức Bà Lê Thị Nhậm. Ngài là cổ Phật lâm phàm như trong Sám Giảng Giáo Lý đã ghi:
“Cảnh thiên trước thơm tho nồng nặc
Chẳng ở yên còn xuống hồng trần.
ấy vì thương trăm họ vạn dân
nên chẳng kể tấm thân lao khổ”.
- Thiên Trước tòa sen có chỗ ngồi
Xuống trần chẳng dụng chốn cao ngôi.
- Đức Di Đà truyền mở đạo lành
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Giáo độ chúng sanh, không chỉ dùng cách xưng hô trên trước xuống hồng trần là đủ để người ta tin, Ngài còn thể hiện khả năng của bậc đắc đạo thần thông, biết rõ quá khứ vị lai nên đã tiên tri. Đức Thầy viết Sám Giảng Quyển Nhứt, lúc đó các siêu cường chưa manh động chiến tranh hoàn cầu, Ngài báo trước năm khởi đầu và kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai qua những câu như sau:
“Mèo kêu bá tánh lao xao
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉnh ghê.
Con ngựa lại đá con dê
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
Khỉ kia cũng bị xáo xào
Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng.”
Kết quả đúng vanh vách, đệ nhị thế chiến khới đầu từ năm con Mèo “Mèo kêu” và kết thúc bởi 1945 năm tuổi con gà “Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng”.
Thêm một chuyện nữa, Đức Thầy khai sáng đạo PGHH chưa đầy một năm, 18-5- Kỷ Mão – 1-4 Canh Thìn Đức Thầy hạ bút bài “Từ Giả Bổn Đạo Khắp Nơi”. Nội dung chính cho sự từ giả bằng những lời lẽ dặn dò quyết tâm của các bổn đạo khi Đức Thầy vắng mặt, ta có thể để nằm lòng những câu sau đây:
“Từ nay cách biệt xa ngàn
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.
Giữa chừng đờn nỡ đứt dây
Chưa vui buổi hiệp bổng Thầy lại xa.”
Mười một ngày sau khi viết bài từ giả bổn đạo, 12 tháng 4 Canh Thìn ông chủ quân Tân Châu cùng quan cò BaZin đến nhà Đức Ông bắt Đức Thầy đi lưu cư “Năm năm trường xa cách”.
Như quý vị thấy đó, Đức Thầy biết trước mọi chuyện, cả đến chuyện Ngài vắng mặt bởi biến cô Đốc Vàng; qua 107 điểm khuyến nông thuyết pháp Ngài đều có thông báo trên giảng đài : Sau nầy có thời gian tôi xa cách tín đồ, trong thời gian xa cách không ai biết tôi ở đâu cả, chừng về tôi sẽ nguyên xác cũ. Hôm nay, quý vị quy y, chúng tôi hướng dẫn bằng trích đọc bài “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” để quý vị nhận thức về sự dặn dò của Đức Thầy “Trước khi thờ, học đạo nào hay theo ông thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng; chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy”. Thế đã đủ niềm tin chính xác về đạo PGHH và Đức Thầy, giờ đây, chúng tôi trích đọc bài “Điều Kiện Vào Đạo” để quý vị hiểu rằng điều kiện của Đức Thầy đề ra không cầu kỳ, phiền phức và chúng tôi chắc chắn quý vị có đủ điều kiện quy y Phật Giáo Hòa Hảo.
Kính thưa quý vị! theo bài “Điều Kiện Vào Đạo” tôi vừa trích đọc, người quy y cần có hai người bổn đạo cũ hướng dẫn, may mắn cho quý vị là hôm nay, lễ quy y PGHH của quý vị, chúng tôi có tới gần chục người bổn đạo cũ hướng dẫn, chúc mừng quý vị!
(Xin ghi nhận công lao của đội cất cầu từ thiện, là tín đồ PGHH đến từ tỉnh An Giang, làm việc thí công, treo cao hạnh cách cho bà con vùng đây hâm mộ, phát nguyện quy y.)
29/8/2018

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018



PHỤ MẨU THÂM ÂN


Đối với cha mẹ, đừng nói là người có tôn giáo hay không tôn giáo nào mà kẻ có trách nhiệm còn người thì không một chút lương tâm với đấng sanh thành. Được lên kiếp người ai cũng do cha mẹ sanh ra nên đều có bổn phận đáp ơn dưỡng dục đâu đợi phải là người đạo đức tu hành mới làm hiếu sự.
Hằng năm vào ngày rằm tháng bảy lễ hội Vu Lan của Đạo Phật, Việt Nam ta dù người không có tín ngưỡng tôn giáo đạo Phật cũng hưởng ứng lễ hội báo hiếu dựa theo sự tích của đại Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi ngục A Tỳ và câu chuyện lúc Đức Phật Thích Ca còn tại thế thuyết Phụ Mẩu Báo Hiếu Ân Trọng Kinh, nói lên công ơn của cha mẹ không lấy gì sánh bằng: Ví như có người vai trái cõng cha vai phải cõng mẹ, ăn uống, tiêu tiểu trên vai mình mà đi quanh núi Tu Di cũng chưa đáp nổi thâm ân. Bởi thế Ca Dao Việt Nam cũng gượng gạo diễn tả tình nồng thắm khi nói về cha mẹ:
“Công cha như núi Tháo-Sơn
Nghĩa mẹ như nước trên nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Nhân lễ Vu Lan báo hiếu năm nay 2018, tôi xin gởi lời chào mừng, khen tặng những phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ trong nhà có con thảo, cháu hiền, chăm lo đấng sanh thành chu đáo; cũng xin chia xẻ nỗi đau bất hạnh của của những ông bà già yếu vì không may mắn được Trời ban hiếu tử, lại là đứa hoang chơi, vô trách nhiệm với đấng sanh thành. Lụm cụm lắm rồi mà vẫn còn lê gót phong sương tha phương cầu thực, quạnh hiu bên chiếc chòi tranh rách nát hay lăn lóc trên vỉa hè cầu xin sự tốt bụng của các thí chủ.
Phật nói có được thân người là quí “nhân thân nan đắc”, sự quí giá ấy mỗi ai cũng do cha mẹ sanh ra, dù sự ra đời của mình ở một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nào đó khiến cha mẹ không thể chăm sóc con đến lúc trưởng thành thì bổn phận làm con cũng không có quyền phê phán, chỉ trích, phụ bạc công ơn mang nặng đẻ đau. Cha mẹ sở dỉ không thể chăm sóc con khôn lớn vì ông bà đều ở vào một hoàn cảnh và hoàn cảnh cay nghiệt ấy bắt buộc phải đầu hàng định mệnh. Thông cảm là mở rộng con đường phía trước cho chính ta tiến thân để sự sống không bị tủi nhục, cô đơn. Tủi nhục vì ai ai đều gần gủi với cha mẹ sửi ấm lòng còn mình có cha mẹ đáng lẽ cũng được sửi ấm tình thương nhưng quá nặng sỉ diện, câu nệ hình thức, có cha mẹ đàng hoàn nhưng không nhận, không thân thương bởi vì cha mẹ đã nghèo hèn còn thêm thấp thỏi danh dự, để khi người ta chừng “lá rụng về cội” mà con người mình cũng có cội lại phụ bạc cội nguồn, rụng về đâu? Cho ai? Cô đơn vì, cho dù mình rất thành đạt về kinh tế “ham công danh quên chữ sanh thành, mến phú quí quên câu dưỡng dục” (lời Đức Thầy). Người thành đạt kinh tế, nghĩ rằng “có tiền mua Tiên cũng được”, Tiên là bậc ở cõi Trời mà nhân gian có tiền mua là được sao! Giá như, có tiền mua nhiều thứ tình thương nhưng không có tình thương nào cao thâm và vĩ đại như tình cha mẹ. Được các thứ tình thương trong xã hội muôn màu muôn vẻ nhưng thiếu tình cha sanh mẹ dưỡng không phải cuộc sống tất bật mà quá cô đơn sao?
Đối với Phụ Mẫu Thâm Ân Đức Thầy Phật Giáo Hòa Hảo dạy môn đồ có ba cách đền trả:
Cách thứ nhứt:
“Mẹ cha là kẻ trọng ân
Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già.
Ở cho biết nhượng biết tùy
Vui lòng cha mẹ vậy thì mới ngoan.”
Cách nhứ nhì: Cha mẹ qua đời không phải là hết công thôi việc, hằng ngày theo bửa ăn của mình hoặc trong những khi giỗ quảy đều cúng vái ông bà cha mẹ về dùng. Đức Thầy dạy “Mỗi khi ăn cơm với mắm muối vì cũng vậy đều nguyện vái Cửu-Huyền, Thất-Tổ, ông bà cha mẹ quá-vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo.” Sám Giảng Quyển Ba Đức Thầy có câu:
“Giường linh đơm quảy mới là
Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi”.
Cách thứ ba: “Rán tu cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân”(lời Đức Thầy).
Rằm tháng bảy ngày lễ hội Vu Lan báo hiếu 2018, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và chúc phúc những ông bà cha mẹ trong nhà có con thảo cháu hiền, những ông bà cha mẹ chẳng những không được con cháu quan tâm mà còn bị chúng ngược đãi, tôi mong ước một ngày không xa những nghịch sẽ trở thành hiếu tử.
25/8/2018


Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018


ĐỨC TỪ CỦA PHẬT
Kính chào chư đồng đạo đến thăm!
- Dạ, chào chú! Hôm nay ngoài chuyện thăm viếng ra chúng cháu có yêu cầu về Phật pháp được không ạ?
- Được, rất tốt! đáng trân trọng và khuyến khích. Vậy quý vị đặt câu yêu cầu của quý vị ra !
- Dạ thôi, cháu muốn chú hiểu trình độ của chúng cháu mà tự thuyết.
- Cũng được. Vậy tôi xin trình bày về ĐỨC TỪ trong bài CHƯ PHẬT CÓ BỐN ĐẠI ĐỨC nhá?
- Dạ,
- Tôi đọc nguyên văn để quý vị tiện đây theo dõi. “Đức Từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não.”
Phật đối với chúng sanh như mẹ với con: Ta sanh cách Phật sau xa, không biết tình thương của Ngài đối với chúng sanh nặng nhẹ cỡ nào, nhưng nhờ vào học Phật, thấy sách kinh của đạo Phật nguyên bản chữ Hán nói rằng “Phật ái chúng sanh như mẩu ái tử”, cũng với ý nghĩa đó Đức Thầy không dùng chữ Hán đồ lại mà dùng thuần Việt “Phật đối với chúng sanh như mẹ với con”. Trên đời, đâu có thứ tình nào bao la như tình mẹ thương con, Đức Từ của Phật có thể rộng rơn tình mẹ nhưng trong thế gian không có điều nào để so sánh cho vừa, bất đắc dỉ mới đem tình mẹ đối với con mà so ra lòng thương yêu của Phật đối với chúng sanh nó mênh mông như tình mẹ là cùng. Làm mẹ, bà nào rán lắm sanh mười, mười một đứa con, mẹ chỉ có tình thương bao la với những đứa con của mẹ thôi, những đứa con của các bà mẹ khác, dầu bà mẹ nầy có lòng nhơn đạo không hà hiếp, ghét bỏ con của các bà mẹ khác nhưng ân huệ, đối sử công bằng tình thương bao la như con của bà là không có đâu nhá. Đức Phật gọi tất cả muôn loài là chúng sanh, trong mỗi chúng sanh đều có đạo, tại vì thường hay niệm bất giác khiến vô minh che phủ, chúng sanh không còn thấy biết cái đạo căn gốc của mình để mà ăn ở theo phép người có đạo. Pháp Bửu Đàn Kinh nói: “Muôn loài đều có đạo, chớ sát hại loài nào. Lìa đạo mà tầm đạo, chung thân đạo khó vào”.
Giải thích danh từ “chúng sanh” là chỉ cho muôn loài “Phật đối với chúng sanh như mẹ với con” là nói Phật thương cả muôn loài chứ không phải chỉ có loài người chúng ta thôi. Câu chuyện Ông Trần văn Soái (năm Lửa) giũ mùng Đức Thầy, thấy có nhiều con rệp húc máu Ngài đến đổi no tròn mình, Ông Năm Lửa giết mấy con rệp ấy, không phải đã bị Đức Thầy quở trách là gì? Giờ ta không bàn chúng sanh ở muôn loài nữa mà bàn ở loài người thôi. Thế gian bây giờ ít nhứt cũng bảy tỷ người, bảy tỷ người nầy đều là chúng sanh của Phật, là con cưng của “Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử”. Tiền thân của Đức Phật Thích Ca là Bồ Tát Hộ Minh trên cõi Trời Đâu Suất lâm phàm và Đức Thầy PGHH từ cõi Phật xuống trần giáo độ bá tánh vạn dân như những câu sau đây:
“Cảnh Thiên-Trước thơm tho nồng nặc
Chẳng ở yên còn xuống hồng trân.
ấy vì thương trăm họ vạn dân
nên chẳng kể tấm thân lao khổ.”
Và câu:
“Thiên- Trước tòa sen có chỗ ngồi,
Xuống trần chẳng dụng chốn cao ngôi.”
Ngự trên tòa sen báu thấy chúng sanh nhận ngụy làm chơn, tưởng thân nầy, đất đai của cải nầy là thật, bo bo giữ thân giữ của, khi thân đến ngày tan rả “Hữu hình tất hoại” tiếc không muốn cho hoại, khóc lóc cầu sống… nên Phật lâm phàm thuyết nhiều pháp môn độ chúng mà bài học vỡ lòng là “Tứ Diệu Đế”, khổ đế đi đầu trong bốn đế. Khổ đế Phật thuyết rõ khổ là gì và nguyên nhân dẫn đến các sự khổ, sau cùng là phương pháp diệt khổ bằng sự tu hành theo lời Phật dạy
“Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”
Hay:
Khuyên chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu,
Về Cực Lạc mới là hết khổ.”
Hoặc bằng vào Thiền Định “Ngoài kiếp phù du của trần thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh viễn trường tồn. nếu ta lấy sự thiền-định mà phá tan màn u minh che phủ, thì sẽ thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi.”
Lúc nào cũng lo lắng đến: Cha mẹ dạy cho con cách sống tốt đẹp, lo làm ăn, đừng rượu chè cờ bạc, sống có tình người. Không nên gây gổ hiếp đáp ai sanh ra thù oán thì an nhàn, gây thù sợ bị trả thù lương tâm bất ổn, ăn không ngon, ngủ không yên. Dạy đủ điều tốt đẹp như vậy nhưng lòng luôn lo lắng vì sợ điều mình dạy nó không làm. Đang yên ổn tại nhà, nghe ở đâu có chuyện thua cờ bạc, say sỉn, đánh nhau… là nghĩ sợ cho con mình. Đức Phật cũng vậy, dạy chánh đạo là muốn chúng sanh học hành theo đó thành người cao quí, người hạnh phúc, người hết buồn rầu đau khổ, giải thoát tất cả những bận bịu thế gian, sẵn lòng về bên kia thế giới Phật Đà. Cũng không khác gì các bà mẹ dạy con làm tốt mà con không chịu nghe theo, làm điều xấu xa tội lỗi, tự hại bản thân mình.
Hết Lòng dìu dắt, dạy dỗ: Lo lắng nghĩ đến con hoài cũng không xong, đi thêm một bước nữa dìu dắt dạy dỗ. Dìu dắt là hưỡng dẫn, người đi trước, dẫn đường người đi sau. Dạy Dỗ: Dạy: chỉ bảo, nói cho người ta học hiểu; Dỗ: Khuyên lơn, dùng lời lý lẽ ngọt ngào cho người ta cảm động, hành động trực tiếp nối liền người qua người, giáo huấn thiết thực. Phật không chỉ nghe nói ở Tây Phương mà còn hiện diện một con người bằng xương bằng thịt trong cõi ta-bà tạm giả. Điều nầy cho ta thấy, Sĩ Đạt Ta tu hành đắc đạo hiệu Phật Thích Ca không phải bay tuốt về cõi Tây Phương an dưỡng để chốn hồng trần làm huyền sự hóa vấn đề đắc đạo giải thoát mà còn trụ thế thêm 49 năm nữa để giáo dộ chúng sanh. Sự giáo độ không phải chỉ thuyết pháp cho các đệ tử nghe mà còn sống hòa hợp, hòa đồng, với các đệ tử trên tinh thần bình đẳng và sử dụng Lục Hòa. Những gì Ngài dạy chúng Ngài đều thực hành cho họ thấy, kết quả trong khoảng thời gian trụ thế nhiều vị tỳ kheo được Ngài dìu dắt, dạy dỗ đã chứng quả A La Hán thoát vòng sanh tử luân hồi.
Kính thưa quý vị! Đức Từ của Phật dựa theo giảng luận của Đức Thầy, ta thấy ý nghĩa cao thâm sâu kính. Người tu học Phật Pháp cần nên hiểu rõ ràng và hành theo sự dìu dắt, dạy dỗ của Đức Phật, Đức Thầy, các thiện tri thức trong đạo. Tuy ta không dùng từ chúng sanh đối với mọi người nhưng học hạnh Phật thì nên nghe lời Phật dạy, làm theo điều Phật làm. Phải từ tâm với mọi người, giúp đở, lo nghĩ đến họ trong tình thương, dìu dắt, dạy dỗ họ vào đường lành. Làm lành tất không còn tội lỗi, hiện tại, khi mãn kiếp hồng trần sẽ theo Phật về cõi Phật, mãi mãi không đầu thai chốn nhân gian chịu khổ sanh tử nữa.
15/8/2018

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018


NIỆM PHẬT, SỬA MÌNH
Dựa theo câu “Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn” của Đức Thầy làm đề tài gặp gỡ chư quý vị.
Trong đạo Phật, niệm Phật là một phương pháp, pháp môn tu hành, niệm Nam Mô A Di Đà Phật thường thường thì Đức Phật A Di Đà có thường thường bên hành giả hộ độ che chở, vì Niệm Phật là tiếng kêu cứu thống thiết làm động lòng từ bi của chư Phật. Đức Huỳnh Giáo Chủ có câu:
”Chữ Lục-Tự trì tâm bất viễn
Thì lâm nguy có kẻ cứu mình.”
Bất viễn có nghĩa là không xa. Lục tự trì tâm tức Nam Mô A Di Đà Phật luôn giữ trong tâm, không để vắng niệm, lúc nào cũng có Phật trong đời sống, gặp cảnh chiến tranh bom rơi đạn tạc hay những nạn tai sắp xảy đến, trong lòng có Phật và niệm Nam Mô A Di Đà Phật, có các vị ơn trên gia hộ, ngọn lửa chiến tranh hay tai nạn sẽ vượt qua, không hại người niệm Phật, như Đức Thầy dạy:
“Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt
Thì nạn tai cũng thoát như không.”
Ngoài sự niệm cầu Phật cứu độ bình an nơi chốn hồng trần hay cho vãng sanh về cõi Phật, niệm Phật còn để khơi dậy Phật chính mình đã bị bỏ quên trong vô minh và tội lỗi. Phật của mình là Như Lai tánh trong mỗi người, diệu năng hành sự bốn đức Từ, Bi, Hỷ, Xả. Đức Thầy viết bài Chư Phật Có Bốn Đại Đức như sau:
“Chư Phật có bốn đại đức. Vậy ta niệm danh hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài. Bốn đại đức là:
1.- Đức Từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não.
2.- Đức Bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót vô cùng.
3.- Đức Hỉ: Thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bã.
4.- Đức Xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng còn vương víu chi với cuộc lợi danh, tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bào giờ sanh lòng luyến ái.
Vậy ta niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta có thể đắc được bốn đại đức ấy.”
Phần đông hành giả tu pháp môn niệm Phật, hướng đến nguyện ước được Phật cứu độ, còn niệm Phật để thực hiện bốn đức tính cao cả của Đức Phật trong chính mình thì quên làm, nên niệm Phật mà tâm tính vẫn khó khăn với người khác, gút mắc, bảo thủ, mê nhiễm…. Tôi biết một số bà con lớn tuổi, rảnh việc nhà, muốn trọn lòng về với đạo nhưng ngặt một điều, ở tu tại gia thì niệm Phật không vô, hay sanh nhiều thứ chướng, nghe ở đâu có mở khóa niệm Phật là đòi phải được đến đó tham dự. Dâu con trong nhà thấy cha mẹ đi nơi khác tập sự niệm Phật với người ta là mừng, nhờ thuận duyên hấp thụ niệm Phật được nhiều, hy vọng ông bà chuyển đổi tâm tính, chừng về nhà ăn ở dễ chịu với con cháu, láng diềng. Không ngờ kết quả chẳng ra gì, chỉ là điệp khúc đường xưa lối cũ, cha mẹ đi luôn bốn năm khóa niệm Phật rồi mà chừng về, cái nết khó, gút mắc, bảo thủ… không thấy giựt giảm chút nào, dâu con và bà con trong xóm mất hy vọng sự tu hành của cha mẹ mình.
Đối với dạng niệm cầu Phật độ chứ không nghĩ về tự độ, rất là thiếu xót khi chúng ta đọc qua lời dạy của Đức Thầy:
“Trau tâm luyện tánh cho minh,
Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn”.
Câu “sửa mình cho trơn”, xét thấy chữ “trơn” trong câu mang ý nghĩa đặc biệt hay, cần giải thích để hành sự đúng đắn. Theo tôi, TRƠN có hai nghĩa sau đây:
- Trơn là thật sạch, sạch hoàn toàn, sạch trơn: Anh không thấy nhà của tôi đã quét dọn sạch trơn đó sao!
- Trơn: ngược với nhám. Đi qua chỗ đông người hoặc nơi chật hẹp, người mình mẩy trơn tru dễ đi qua, bằng trên mình nhám nhúa, gai ngạnh tùm lum, chướng ngại không phải ai khác gây ra cho mình mà chính mình mang nó theo trên đường, để lúc nào cũng xảy ra chuyện mình hại mình.
Trơn, nếu hiểu theo ý nghĩa sạch trơn là không còn dính chút dơ hay bụi bặm nào. Chốn hồng trần là nơi tụ hội nhân quả từ kiếp trước, đã vì nhân quả đầu thai vào cõi nhân gian để giải quyết những ân oán. May nhờ nghe lời Phật dạy, muốn thoát khỏi luân hồi, đời nầy, kiếp nầy nguyện trả thôi chứ không vay lại. Nợ dầu thiếu nhiều, trả không vay lại trả riết sẽ hết nợ. Hãy xét lại mình đi! có sạch trơn được cái việc trả không vay lại chưa? Thấy chưa sạch trơn hãy cố gắng hơn nữa làm cho sạch trơn để tương lai sau không còn bị vào vòng quay của sáu nẽo luân hồi:
“Cảnh Tây thiên báu ngọc đài lầu,
Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng.
Kẻ hiền đức sau nầy được hưởng,
Phép thần linh của Đức Di Đà.
Lại được thêm thoát khỏi Ta Bà,
Khỏi luân chuyển trong vòng lục đạo.”
Trả không vay lại, theo tôi, hãy xem xét kỷ mình có bằng lòng nhàm chán cõi Ta Bà khổ nầy chưa? Trong cõi Ta Bà khổ có đầy đủ những thứ mồi câu, sức cám dỗ mãnh liệt của Danh, Lợi, Tình; Lục Dục, Thất Tình, bị câu nhử, lắm lúc làm hành giả quên đi hẹn ước với Phật, phải về gặp Phật nơi cõi Tây Phương. Nếu lúc mãn kiếp hồng trần, ra đi mà quên niệm Phật, việc sửa mình cũng chưa trơn là đi về đâu? Chuyện mãn kiếp hồng trần là có nhưng sanh Cực Lạc là không, rốt cũng vào vòng quay luân hồi nữa thôi.
Sau cùng tôi xin được trích lời dạy của Đức Thầy nhắc nhở với bà con mình:
“Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù,
Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng.
Nơi cửa Thánh, ôi ! người còn quạnh vắng,
Chốn nhà ma chen chúc quá thêm đông.
Tính từ khi ta bỏ nhà ma, vào cửa Thánh. Đã nói là vào cửa thánh lâu rồi mà chốn ao tù khổ khổ như biển cả sao lại cứ tríu mến mãi không chịu thoát chứ! Như vậy là không nhàm chán thế gian khổ khổ sanh tử, chỉ nói bằng cái miệng đặng đem đọ sức hiểu biết với người khác, nhận tiếng khen cho vui tai còn ao tù thì vẫn ở.
Tôi cũng xin được nhắc nhở với bà con mình thêm về tình hình đất nước hiện nay, nạn tại bởi mưa bão cả ba miền hơn bao giờ hết, hư hao tài sản, nhà cửa ruộng vườn và chết người, bị hại gắp mấy lần những năm trước. Bên cạnh những tai họa hãi hùng nầy, dấu hiệu chiến tranh như đã khơi dậy ở biển đông liên quan đến Việt Nam. Nhiều quốc gia đã đem tàu chiến, hàng không mẫu hạm chực sẵn, chuẩn bị vào cuộc. Nếu chiến tranh xảy ra bắt đầu từ Hoàng Sa, Trường Sa, hai hải đảo nầy thuộc giang sơn của Việt Nam mà Trung cộng đang xâm chiếm thì đồng bào ta khổ lắm. Hãy niệm Phật nhiều hơn để bản thân tránh họa kiếp “Hãy tin tưởng và cầu nguyện đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chúng”(lời Đức Thầy) nhiều hơn để đất nước Việt Nam không có thiên tai nạn ách, chiến tranh xâm lược của giặc Tàu. Lãnh đạo những quốc gia có ý đồ xâm lược Việt Nam hãy bỏ đi thứ mộng mị thôn tính, giữ trật tự thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.
11/8/2018

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018


MỘT CUỘC GẶP HAY

Có một anh nói với tôi về con trai của anh ấy tu Thiền chứ không tu Tịnh và anh không đồng ý con anh tu Thiền. Tôi hỏi:
- Anh có thể giải thích cụ thể hơn cháu nó hành đạo như thế nào được không ạ?
- Dạ được _ anh bảo _ nói về chỗ dụng công thì nó thật siêng năng, thường hay tịnh tọa.
- Ngồi tịnh thân như vậy cháu nó có niệm Phật không?
- Câu hỏi của anh, trước đây có đôi lần tôi hỏi nó nhưng lần nào nó cũng bảo là không niệm Phật. Tôi thắc mắc: không niệm Phật vậy con niệm gì khác chứ? Nó bảo là không niệm gì hết, để yên cho tâm định tịnh, và nó đọc lên lời dạy Đức Thầy để thuyết phục tôi về cách tu hành của nó là đúng “Định tâm thần như mặt nước hồ” và “Tâm bình tịnh được thì Phát huệ”. Dầu việc làm được chứng minh qua giáo lý của Đức Thầy nhưng lòng tôi cảm thấy lo lo.
- Anh giải thích rõ hơn về sự lo lắng của anh được chứ?
- Dong dài một chút không phiền chứ?
- Dạ được, nhất định rồi, không phiền.
- Định tịnh tâm là cách tu rốt ráo, bởi vị giáo chủ cõi ta bà nầy Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã tu Thiền Định dưới cây TÁT BÁT LA (bồ đề) đắc đạo thành Phật, chánh đẳng chánh giác, truyền thừa 33 đời tổ đều là yếu chỉ của pháp môn Thiền. Nói về sự nghiệp Phật Giáo thì pháp môn Thiền hay Thiền Tông  là một trong số mười tông phái có ưu thế hơn hết trên phương diện lịch sử. Dòng Tổ 33 đời khởi đầu từ Ngài Ma Ha Ca Diếp, chính vị nầy được Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni trao chánh pháp nhản tàng niết bạn diệu tâm làm tổ thứ nhất. Dòng chảy Thiền Tông đến đời thứ 28 là Ngài Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ cuối cùng của nước Ấn Độ, Ngài Đạt Ma mang Y Bát chân truyền từ Đức Phật sang Trung Quốc, truyền xuống năm đời nữa, đến Ngài Huệ Năng là tổ sư Thiền Tông thứ 33. Thư Tịch Phật Giáo ghi Huệ Năng Lục Tổ là tính từ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Tôi kể rõ như vậy để thấy tu Thiền hay Thiền Tông có sự kết nối giao duyên mật thiết của Đạo Phật từ sự kiện “Niêm Hoa Vi Tiếu” ở Linh Thứu Sơn. Ngày nay, nói đến tu Thiền, Đức Thầy PGHH cũng đã khắc ghi vào tâm não của môn đồ “Ngoài kiếp phù du của trần thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh viễn trường tồn. nếu lấy sự Thiền-định phá tan màn u-minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi.” Đọc nghe rõ ràng như vậy nhưng tu, tôi chọn pháp môn Tịnh Độ, pháp môn nầy dạy niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà cầu vãng sanh Cực Lạc ngay sau giờ phút lâm chung.
- Vì sao chọn tu khác hơn, không phải là Thiền-Định như anh đã hiểu và lý giải sự hay ho cao quí của pháp nầy?
- Lý do rất đơn giản. Đọc sử liệu từ đầu nguồn, sự thơm tho trong sạch của dòng nước trên đầu nguồn thế nào? Chúng ta ở dưới nguồn quá xa, dòng nước thanh lương qua nhiều móc thời gian không còn nguyên vẹn tính tinh khiết. Nhà tu của thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế hoặc của thời 33 vị Tổ sư so với các nhà tu trong thời hiện tại thế kỷ thứ hăm mốt nầy chênh lệch quá xa về hạnh cách, giới luật và sự buông xả các điều tục lụy. Tu Thiền là trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật, tự tu tự độ. Lấy đây để bàn, trong khi hành giả rất yếu kém về hạnh cách, giới luật và sự buông xả các điều tục lụy trong trần, biết mình sức lực tự độ không đủ thì hãy thôi đi cái sự ham hố “kiến tánh thành Phật” ngoài khả năng hiện có. Hãy chấp nhận cầu Phật độ bằng cách niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà sẽ tốt hơn.
Cái tâm lăng xăng đủ mọi thứ trong đời mà dằn xếp khát vọng cho nó đừng lăng xăng nữa khi tính tự giác không nhạy bén để hay sớm và chặt gọn chúng, hoặc có nhạy nhưng không bén, phát hiện tính lăng xăng mà chặt không đứt, bức không rời. Tự mình không thoát cứ để cho tính lăng xăng nghiền nát chứ không kêu cứu. Sự thật thì cũng không cần kêu Phật cứu, cứ niệm Nam Mô A Di Đà Phật nhiều nhiều đi, niệm nữa, niệm nữa đi thì tính lăng xăng thế sự sẽ biến mất, tâm trở nên Tịnh Định, chung kết cũng là Thiền vậy.

So với thời của Phật và chư đại tổ sư còn tại thế, trần gian lúc đó và trần gian của bây giờ khác nhau xa. Hành giả thối tâm phần lớn là do say mê vật chất, vinh hoa phú quí, mất quyền làm chủ bản thân dễ dẫn đến trụy lạc, sa đọa thấp hèn. Lâm vào tình cảnh như vậy, không chuyên niệm cầu Phật hộ độ, nói để tự mình mở trói những ràng buộc mà chưa thấy có hành động cụ thể nào để tự tin mình có khả năng giải thoát những trói buộc của thế gian. Chưa thấy có hành động cụ thể nào để tự tin mình có khả năng giải thoát những trói buộc của thế gian mà nói tin tin chỉ là tin bướng, nói càn, còn bản thân hành giả vùi sâu vào u mê và tội lỗi không có cơ hội cứu vãng nếu không nhờ Phật lực hộ độ. Đức Thầy trong bài “Thay Lời Tựa” có đoạn như vầy “ Thiên Tào đà xét định, khắp chúng sanh trong thế giới trong cái buổi hạ nguơn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật trời đà trị tội”. Vì say mê vật dục gây nhiều tội lỗi đủ biết không thể tự cứu ra khỏi sự say mê và tội lỗi, hỏi còn mắc cỡ gì mà không niệm Phật, cầu Phật cứu cho???
Điều chúng ta nên biết là mình đang sanh sống trong đời hạ nguơn mạt kiếp, theo chu kỳ của Lý Tam Nguơn thì hạ nguơn là nơi tích tụ những cặn bã. Đời nay, hễ thấy ai gian manh, đàng điếm, dối gạt, làm những điều bất chánh, bất nghĩa bất nhân, dạng những đó người ta hay miệt khinh là đồ cặn bã xã hội. Ta dù không gian manh, đàng điếm, dối gạt, làm những điều bất chánh với ai nhưng cặn bã xã hội cũng níu trì ta lắm lắm, chúng muốn làm ta đen đúa và tội lỗi thì ta nên gần gủi, sát lại Đức Phật hơn nữa, cho đến khi giữa ta và Phật không còn khoảng cách, niệm Phật nhiều hơn nữa, vì công năng niệm Phật sẽ làm ta tỉnh trí, mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách và thách thức của chúng.
- Anh cảm nhận pháp môn niệm Phật có công năng giải cứu người mê tỉnh trí nhưng con trai của anh cháu nó không nghĩ như anh, cháu có con đường của cháu, không cầu tha lực của Đức Phật… nhưng cháu nó vẫn đi con đường anh đi và đến chỗ anh muốn đến thì lý do gì anh có vẻ không hài lòng?
- Tôi làm cha đối với con trong nhà, quan tâm sự tu hành của nó nên xét về hạnh cách, giới luật, độ nhạy bén về đạo đức, sự buông bỏ, đều lệch bệch không bằng ai. Nói tu Thiền để  tự độ mà chẳng thấy nó độ được gì cho bản thân nó, còn quá ham sắc màu trần tục, bảo thủ vật chất, bảo thủ danh lợi, ham ăn sang, ở sang, diện sang; bệnh trầm trọng như vậy đâu thể dựa vào thế ngồi xếp bằng thẳng lưng mà nói là an tâm, định tâm, tỏ ngộ đạo mầu sao? Tâm bệnh quá trầm trọng hãy thiết tha niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, sẽ có được sự nhiệm mầu của Phật, khi tâm ta đã hướng trọn niềm tin về Phật sẽ không còn gì để ta tin hơn, nhớ hơn là tin Phật nhớ Phật, cũng có nghĩa không còn gì ngoài Phật để ta nhớ.
Nói tóm lại, tu Thiền là đi với đại lộ trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật, lúc Đức Phật tại thế dẫn đến thời kỳ chư đại tổ sư, pháp môn khởi nguyên nầy rất ưu việt, nhưng nay đời mạt pháp, căn tính con người không thanh lương như xưa, là lúc khó thể tự độ nên cầu Phật độ. Viết Sám Giảng Quyển Nhứt Khuyên Người Đời Tu Niệm, Đức Thầy đi dạo lục châu, nhắc lại sự kiện:
“Có người tu niệm đáng thương,
Điên mới chỉ đường Tịnh-Độ vãng sanh”.
07/8/2018


Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018


ĐỀ RA PHƯƠNG TRÌNH NIỆM PHẬT

Một trưa mùa hè đoàn hành hương chiêm bái leo lên dốc núi Bà Đội, ngang bên kia Thiên Cẩm Sơn. Núi nầy không cao mà trèo trong khi trời nắng nóng bức, leo một chút là mệt đừ đành ngồi nghỉ mấy chặn hành trình. Biết rằng đoàn đi và về chỉ trong ngày, chậm chạp mất nhiều thời gian nên chuyến đi không giáp điểm thì cũng đành chịu. Đoàn có hơn mười người chia làm ba hạng tuổi: Trẻ, sồn sồn, chín. Trẻ mạnh sức đi nhanh, sồn sồn theo kế đó còn mấy ông già chuối chín lệch bệch sau xa.
Tới điện Kim Qui, người tới trước dừng chờ lâu phía sau mới lên đủ đi tiếp. Mấy lão nghỉ chưa hết mệt, tuổi trẻ, tuổi sồn sồn, vẫn cứ hăng hái đòi lên đường nhanh đến đỉnh nhưng mấy ông già chuối chín tới đây đã giơ tay đầu hàng làm nhóm mạnh mất hứng không nỡ bỏ mấy lão ở lại, mình đi cho thích được sao.
Nơi đây có vài vị ở tu, trong đoàn tôi có ai tỏ ý xin ăn với quý vị đây không thì tôi không biết, vài vị tu ấy mời chúng tôi sang bên kia mấy gợp đá to to, nơi có kê một vuông ván lót như thể cái nhà sàn mà trên đầu không có mái che, ngụ ý để cho khách tham quan hành hương tạm nghỉ phục hồi sức khõe hãy đi tiếp. Chúng tôi tới, thấy trên vuông ván bày sẵn bánh và trái cây đặc sản của núi. Chúng tôi dùng những món nầy chưa hết thì món khác đến, mỗi người một tô mì gói. Ăn xong, huynh đệ trong đoàn vẫn sum hợp tại chỗ, nhớ lại chuyện mới nảy mấy lão giơ tay đầu hàng thì tuổi trẻ chắc sẽ không sấn bước, nhân cơ hội dừng lâu nầy tôi nghĩ nên nói gì đó khuyến nhau trên đường tu học, liền đề nghị lập một phương trình niệm Phật phù hợp với hoàn cảnh của người tại gia cư sĩ nghề nghiệp canh điền.
Kính thưa chư đồng đạo đi cùng tôi hôm nay! không mấy khi chúng ta được hạnh ngộ nhất là hữu duyên lắm khi chúng ta được mời ăn uống miễn phí trên chốn thâm sơn nầy. Vì hữu duyên giữa tôi và quý vị, giữa chúng ta với những thí chủ tốt bụng ở đây, xin quý vị cho phép tôi nói vài lời khuyến tu để khắc ghi kỹ niệm chuyến du sơn lần nầy:

Tình hình đất nước hiện nay tôi chắc ở đây nhiều vị đã biết, thiên tai địa ách kinh hoàn, bão tổ, vỡ đê gây chết người, miền tây nam thân yêu của chúng ta những vùng đầu nguồn bị ngập lục ruộng lúa diện rộng, hư hại mùa màng, dân đã sống khổ mà nhà nước ta còn đem đất cho Tàu cộng mướn ba vùng để làm ba đặc khu kinh tế, dân chúng trong nước liên tục xuống đường, còn ngoài biển đông lại có dấu hiệu chiến tranh. Nếu Việt Nam lâm vào cảnh bị chiến tranh xâm lược thì tai họa khó lường, rất cần những người có tấm lòng bác ái vị tha, tỉnh tâm sáng ý, khi nhân dân lâm vào cảnh thiên tai địa ách hay chiến tranh xâm lược xảy đến, bá tánh lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì hãy ra tay giúp đở. Muốn làm được việc vì tha nhân, trước hãy nên tu thân điều tâm cho thân và tâm hiệp nhứt sự trong sạch. Muốn đạt hiệu quả cao về thân tâm hiệp nhứt sự trong sạch tôi thấy cần tăng thời lượng công phu niệm Phật, vì niệm Phật nhiều sẽ thuần nhứt một màu thanh tịnh  tự phát huy tài năng, đức độ của mình để cứu độ người khác. Con thuyền mà vững vàng rồi, thuyền ra sông to, gặp sóng lớn cũng sẽ vượt qua, chắc mình mà việc cứu người cũng chắc. Tôi biết bà con huynh đệ chúng ta, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo gần như hết làng hết xóm mà nói qua sự tu hành, chỉ có hai thời cúng lạy mỗi ngày còn chưa nên thân, khi nào thích thì cúng không thích là thôi. Có nhà lập ba ngôi thờ rất khang trang, tươm tất, nhưng những cây chưn hương trên lư hương cũ mốc, chứng tỏ trên lư hương nhiều ngày không có thắp hương cúng nguyện, một số nhà khá hơn, ngày hai thời trên ba ngôi thờ đều có thắp hương nhưng không nguyện vái đúng bài bản PGHH, chỉ xá xá cắm nhang là xong buổi cúng. Tôi biết huynh đệ đồng đạo chúng ta đi đây đều là dạng thuần tu, cúng nguyện không bỏ cử, nhưng còn niệm Phật sau mỗi cử cúng nguyện xong thì sao, có hay không? Đức Thầy dạy “ Cúng xong muốn niệm Phật cũng được. Ngồi bán già thẳng lưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Hay niệm: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tâm thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật”. Lời dạy của Đức Thầy tôi vừa trích nêu chúng ta có thực hành sau mỗi thời cúng lạy chưa?
Khi tôi nói đến điều nhạy cảm nầy trong đoàn có người xin bày tỏ sự không đồng tình:
- Thưa chú, cháu xét qua lời dạy của Đức Thầy chú vừa trích nêu “Cúng xong muốn niệm Phật cũng được”. Khi đặt chữ “muốn” ở đây không đè nặng trên phương diện lệnh lạc, giáo điều mà là nhắc nhở sự tu là tự do muốn hay không muốn niệm Phật đều được đem áp dụng sau mỗi thời cúng bái. Thế chú đặt câu hỏi “Lời dạy nầy chúng ta có thực hành sau mỗi thời cúng lạy chưa?” như vậy giống như cưỡng bức người ta niệm Phật. Nếu đặt nặng vấn đề  không niệm Phật sau mỗi thời cúng lạy là thiếu thì sẽ không ổn đâu thưa chú?
- Lý giải của cháu về từ “MUỐN” trong câu “muốn niệm Phật cũng được”, ý nghĩa rất chính xác, rất mừng trong đoàn chúng ta đi đây có người sử dụng từ ngữ tinh như vậy. Nhưng cuộc diện hôm nay, bàn về đạo đức ở nơi sơn dã nầy nhằm mục đích khuyến tu mà trong đồng đạo chúng ta ai cũng có thể làm được điều nầy một cách minh bạch và hợp pháp. Khuyến tu người chưa tu, khuyến tu người đã tu nhưng chậm chạp hoặc lệch lộ đồ; ý nghĩa của sự khuyến tu đối với người đã tu nhưng chậm chạp, họ có thể chán nản không muốn niệm Phật sau khi cúng nguyện thì mình có quyền khuyên người đó muốn niệm Phật chẳng lẽ không được sao? Nếu ta cho cụm từ “Muốn niệm Phật cũng được” là phân hai, muốn niệm Phật cũng được, không muốn niệm Phật cũng được thì tôi ở chỗ phân hai mà đứng về phía muốn niệm Phật, vậy nên tôi được phép khuyến tu người khác muốn niệm Phật như mình chứ! Phải không? Hơn nữa, cũng trong đề mục “Niệm Phật” câu rốt hết Đức Thầy căn dặn môn đồ như sau: “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, SÁU CHỮ ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỒI, RÁN NIỆM CHỚ QUÊN KHÔNG ĐỢI GÌ THỜI KHẮC” chắc cháu thuộc câu nầy phải không ?
- Dạ, cháu hiểu rồi. Thành thật mong chú hoan hỉ, cám ơn chú nhiều, xin mời chú tiếp diễn đề tài dang dở.
- Như lúc nảy tôi nói: nhìn về tin tức thời sự quốc gia, xã hội, có những biểu hiện không lành, chúng ta nên tăng thời lượng Niệm Phật và cầu nguyện Phật phổ độ chúng sanh. Điều tôi muốn trình bày cùng quý vị là phần đông người cư sĩ tại gia học Phật tu nhân, sau khi cúng nguyện xong liền theo đó ít có người ngồi bán già thẳng lưng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Có thể vì ta mất tự chủ niệm Phật sau khi cúng nguyện để cho những chuyện không đâu làm rối trí; tự mình không khả năng ngồi niệm Phật trước sự ồn ào trong nhà, những âm thanh của máy hát đĩa, vô tuyến truyền hình… ta không cưỡng nổi tính đam mê khi nghe hát xem phim, việc đam mê phim ảnh đối với người tu Phật là điều cấm kỵ vì nó nằm trong Lục Căn, cấu nhiễm lục trần mà Đức Thầy dạy nên trừ bỏ:
“Sáu đường ấy ở trong tâm ý
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác.
Dứt được nó ấy là giải thoát
Thì xác trần mới khỏi đọa đày.”
Để không vi phạm vào điều cấm kỵ nói trên, cảm thấy sức mình chưa đủ mạnh, nên hợp tác với nhiều người có cùng quan điểm, chọn một nhà nào đó trong xóm tương đối ít ồn ào mà nhà ấy quản giáo tốt về con cái và chủ nhân của nó cũng thích niệm Phật sau mỗi thời cúng, tập trung niệm Phật. Tạo điều kiện cho đồng đạo trong xóm có cơ hội niệm Phật. Ta không cần tổ chức rình rang mời xứ nọ xứ kia, chỉ trong xóm mình thôi, yêu cầu mỗi xóm có mười người phát tâm đến niệm Phật đường mỗi ngày hai lần sau khi cúng nguyện tại nhà xong. Nếu nhóm mình niệm Phật đạt đến cảnh giới nội tâm sóng lặng gió yên, chảy gở những xúc sự của lục dục thất tình sẽ phản diện hạnh đức của hành giả đáng trân quí thì xóm cận bên và cận bên nữa, đã thấy được sự ích lợi của nhóm niệm Phật, sẽ tổ chức niệm Phật đường với hình thức khiêm nhượng như chúng ta thôi. Dần dần kéo thêm ảnh hưởng, các xóm làng thuộc trong đạo không cần phải đi đâu xa tham dự khóa niệm Phật, ở trong xóm đi một chút là tới chỗ, không hao tốn tiền đò, xăng xe và sự chia chác thời gian rảnh lâu mới đi dự khóa xa được. Niệm Phật trong xóm như niệm Phật tại chỗ lại là lúc hết giờ lao động, để không ai đổ thừa mắc việc nầy việc nọ. Rảnh rang mà thiếu đề cao cảnh giác thì cái ti vi trong nhà bật lên sẽ cướp mất sự tu hành của chúng ta. Nếu xóm nào cũng có niệm Phật đường, đồng đạo tập trung lại niệm Phật sau mỗi thời cúng lạy, vậy là người cư sĩ tại gia PGHH đã phát tâm tu, ai ai cũng biết ngồi bán già niệm Phật, đúng với câu Đức Thầy nguyện ước:
“Cầu cho già trẻ gái trai
Rủ nhau niệm Phật liên đài được lên.
Còn hiện tại thì:
“Tu cầu trăm họ hiền lương,
Đồng thinh niệm Phật tai ương chẳng còn.”
02/8/2018