Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018


CHA MẸ HIỀN, CON HIẾU THẢO

Trưa nay đi công chuyện xong, tiện đường ghé thăm một đồng đạo ít khi gặp nhau nhưng mỗi khi chuyện trò rất là thân mật. Lúc tôi đến ông chủ nhà đang nói chuyện điện thoại, bà chủ thay chồng mở lời hỏi han thân thiện thì tiếp theo đó ông chủ xoay về hướng tôi gật đầu chào, tay chỉ cái ghế, cúi mình mời tôi ngồi trong khi tai vẫn tiếp tục nghe điện thoại. Khoảng hơn một phút sau đó cuộc điện thoại kết thúc với câu dặn dò lớn tiếng mà tôi nghe được: Nhà có khách chờ cha, chừng tối rảnh con gọi lại.
Thấy tôi đợi, chủ nhà ngại ngùng cười nói vả lả:
- Được chú đến thăm thật là diễm phúc nhưng xui cho cháu, không ngờ hai đứa con trong nhà gọi điện thoại giờ nầy làm bận không kịp chào đón. Thành thật xin lỗi chú.
- Không sao, tôi cũng tình cờ tới thôi mà. Ở vào thời đại công nghệ thông tin, điện thoại qua lại với nhau là chuyện bình thường, tôi đến không có lời mời, chỉ là tiện đường ghé thăm nhằm lúc chú bận việc. Là tự đến chú không trách là may, chủ nhà chậm tiếp một chút thì đành chịu, nói lỗi phải làm gì cho không khí nặng nề thêm.
- Dạ
- Hai trẻ trong nhà đi đâu mà gọi điện thoại về vậy?
- Thưa chú, chị em chúng nó vào làm việc cho một công ty ở tỉnh Bình Dương. Hễ khi rảnh việc chúng thường gọi điện về hỏi thăm sức khõe tôi và mẹ nó.
- Con cái biết quí yêu cha mẹ vậy tốt lắm.
- Chú nghĩ coi, cháu nay mới 48 tuổi, sức khõe và thân thể còn tráng kiện thế này mà chúng cứ nhắc chừng cháu: Giữ gìn sức khõe, nhà đủ ăn thì thôi, đừng ham giàu sang mà lao động quá sức hao mòn tuổi thọ. Nó kêu cháu, sức khõe còn lại hãy đem cống hiến cho đời, tham gia các công tác từ thiện, hoặc đi núi, đi chùa bái Phật cầu Pháp nó sẽ gởi tiền hỗ trợ. Nó bảo rằng, có phước thân là có thọ thân chứ không phải nhiều tiền ăn uống đầy đủ mới sống lâu đâu.
- Cháu trẻ nhà nói đúng quá rồi còn gì !
- Chú cũng nghĩ làm phước thân là có thọ thân sao?
- Phải.
- Người ta bảo, những nhà giàu ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng sẽ được sống lâu không phải sao?
- Phải chỉ một phần thôi, vì trong những nhà giàu mà ta thấy cũng có  người chết hồi còn non trẻ, những nhà nghèo mạt rệp, ăn uống rất là bần tiện, cần no bụng chứ tiền đâu nghĩ đến chuyện bổ dưỡng, họ cũng sống khuây khuây đến trăm tuổi già đó thôi. Xin chúc mừng chú thím có được cái đáng được. Theo thuyết Nhân Quả của nhà Phật, người có đời sống an lành, con hiếu thảo như vậy là do kiếp trước có vun trồng cội phúc nên đời nầy hưởng quả. Ở cái tuổi 48 vẫn còn khả năng lao động dài dài nhưng vì trẻ trong nhà nầy biết yêu quý bậc sanh thành ép lẹ lẹ nghỉ hưu non là tốt phước cho bậc làm cha làm mẹ, nhưng kinh tế gia đình thế nào, có ổn không?
- Dạ, nhà có tổng cộng bốn người, sống quây quần trong chục công đất ruộng, theo lời Đức Thầy dạy:
“Xin đừng xài phí sa hoa
Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”
Và:
Xin đừng đeo đắm lợi danh
Bỏ trôi đạo đức hư danh dạy truyền”.
Nhờ cam tâm tình nguyện học hạnh theo giáo lý cuộc sống không thiếu. Huống nay hai đứa con đi làm ăn xa, khỏi tốn hai miệng ăn, nhà còn có hai người mà hưởng 10 công ruộng là quá đầy đủ. Đã vậy chúng vẫn gởi tiền cung cấp hằng tháng cho cháu có dịp đóng góp việc từ thiện. Nói thiệt, với sức khõe của cháu mà chăm sóc 10 công ruộng thì hết sức là nhàn nhả thế mà chúng nó còn ép cháu cho người ta mướn đất. sự thật thì chúng nó khuyên cháu như vậy cũng phải vì Đức Thầy dạy, chẳng những không xài phí sa hoa mà còn thêm ăn cần ở kiệm nữa. Tiền cho mướn đất xài còn không hết, hễ có yêu cầu gì thêm thì chúng lập tức gởi tiền về.
- Nghe chú nói tôi thật lòng khen cháu trẻ nhà nầy quí yêu cha mẹ, quí yêu đạo đức, xã hội từ thiện. Nghe thấy sự tốt phước của nhà chú tôi cảm lòng thương, tội nghiệp cho nhiều gia đình bất hạnh, cha mẹ già đến lố tuổi nghỉ hưu mà chưa hưởng được chút phúc báo nào của con cái, phải vất vả để kiếm miếng ăn bởi trẻ trong nhà của họ xem thường công ơn sanh thành dưỡng dục, nó không coi gia đình như một tổ ấm mà xem là nơi ăn gởi nằm nhờ, chúng chủ yếu là lo săn sóc bản thân đẹp đẽ với những cuộc vui thích còn nơi ăn gởi nằm nhờ cả đến cơm ăn áo mặc cứ luôn làm cái gánh nặng trên vai cha mẹ hoặc anh em khác. Đi chơi cho đả tới bửa về nhà ăn, đôi khi còn mang cái hũ rượu về nhà hoành hành không ai chịu nổi. Hãy coi những người già yếu đi xin hay mót bọc hoặc lội bán vé số tối ngày, trong số họ, chỉ một ít người bị rơi vào hoàn cảnh đơn độc không thân nhân hoặc có nhưng thân nhân của họ quen thói sa đọa hư hèn, tự lo cho mình còn chưa được đừng nói là lo cho cha mẹ. Nói ra rất là tội nghiệp những ông bà già nghèo khổ vì bị con hại, trước kia nhà họ tuy không giàu sang phú quí hơn ai nhưng cái ăn cái mặc là không thiếu, có tài sản ruộng đất đã bị đứa con mê cờ bạc, chơi bời đàng điếm… gây nợ nần phải bán lần lần tài sản, ruộng đất, trả nợ thay con cho nó khỏi vào tù hoặc tránh bị đòn của những chủ nợ thuộc dạng anh chị chuyên sử lý những biện pháp xã hội đen đối với những con nợ trong nhà còn có khả năng trả. Nhìn những người bất hạnh ấy mà so thì chú thím đây thật là sung sướng, hạnh phúc, có con hiếu thảo. Tuổi còn sức lao động mà con kêu giữ gìn sức khõe, đừng tính chuyện làm giàu cho bản thân mình, hãy lo làm giàu đức hạnh, tình thương, đối với những người không may mắn. Hai trẻ làm việc trong công ty mỗi tháng chăm tiền đều đều cho cha mẹ đi cúng chùa làm công tác từ thiện. Đúng là cha mẹ hiền sanh con hiếu thảo.
Việt Nam ta, sau 30 tháng 4 năm 1975, dân ùn ùn bỏ nước đi tìm tự do trên nhiều quốc gia nằm phía bên nầy bên kia bờ đại dương, qua thời kỳ hoạn nạn, ổn định đời sống làm ăn có tiền gởi về cho những người thân còn ở Việt Nam. Nhờ đồng tiền của các nước tự do cao gấp ngàn lần so với tiền có hình ông Hồ ở Việt Nam; của người ta có một trăm đồng  (100) mà đổi ra tiền có hình ông Hồ là hơn hai triệu, nếu cũng tính đếm từ một trăm đồng đến con số hai triệu thì mỏi cả tay miệng mới xong. Những gia đình có thân nhân là Việt Kiều ở các nước tự do nói trên, khi nhận tiền nước ngoài gởi hoặc thân nhân tự mang về liền cho cất nhà cao cửa rộng, đổi mới cuộc sống vậy cũng tốt, nhưng một số hãnh diện phát lên sa hoa phung phí, ăn chơi sa đọa, không đếm sỉa đến lúc khốn khổ của mình trước kia mà biết thương người nghèo hèn cơ cực. Thật sự thì nhà chú thím đây không so nổi với mấy nhà có thân nhân nước ngoài và hai đứa con của ông bà chỉ là đi làm mướn cho công ty tại Việt Nam, lương không nhiều và với đồng tiền rẻ mạt nói trên, chú cũng vận dụng làm ích lợi cho đời. Tôi thật hoan nghênh hai trẻ nhà có thiện tâm và bái phục cách ăn cần ở kiệm của chú, sử dụng đồng tiền đúng hướng xã hội từ thiện.
01/4/2018

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018


QUÊ TÔI CẦN MỘT CÂY CẦU

“Khuyên những kẻ giàu sang có của
Hãy mở lòng thương sót dân nghèo”
Lời của Đức Thầy
“Quê tôi cần một cây cầu” là tiếng nói thổn thức của những người dân làng quê được chọn làm đề tài. Sáu năm về trước tại một nơi xa xôi của tỉnh Kiên Giang dân tình nghèo khổ có con kênh mà không bắt nổi cây cầu nối liền hai bờ cảm cách, một điều trông xót xa hơn là ngày qua ngày người ta thấy các em học sinh đến trường phải qua lại trên chiếc bè được kết bởi nhiều cái thùng mủ thả trên mặt nước, chiếc bè đưa rước các em qua sông mỗi chuyến đi không nhiều, chỉ hơn vài đứa trên đó là cùng. Các em học sinh chăm ngoan không muốn để Thầy Cô giáo quở trách là lười biếng, vô kỷ luật, phụ huynh học sinh phải đương đầu với nổi khó khăn của con em là đôn đốc chúng tốn thời gian nhiều hơn các học sinh ở những ngôi trường lành mạnh khác, phải đi sớm để tránh gặp rắc rối mắc kẹt bè vào lớp muộn. Nhiều năm qua như vậy, hôm nọ có những người khách lạ qua đường, tình cờ chứng kiến cái cảnh học sinh đến trường đã vất vả mà không an toàn, lòng dâng lên niềm thương cảm, xúc động bồi hồi, nảy sinh ra óc sáng tạo cách thay chiếc bè cho học sinh đến trường không gặp sự rắc rối nào về thời giờ vào lớp.
Chợt nhớ Ông Bà xưa thường hay dạy con cháu, trong các việc làm phước, tu kiều bồi lộ được coi là công quả đứng hàng đầu. Nghĩ thông, những người khách tha phương ấy, sau chuyến du hành đường xa về, đã đem chuyện các em học sinh phăng bè qua kênh đến trường, thỏ thẻ một ít người có tinh thần xã hội từ thiện và được các vị đồng cảm kéo thêm bạn bè vào cuộc, kêu gọi sự ủng hộ vì học sinh. Kết quả đã đem đến cho học sinh vùng sâu nầy một chiếc cầu váng. Cái cảnh nghèo đáng sợ là cầu không có lan can vịn níu. Ban tổ chức cất cầu đơn giản đến cỡ vậy, vì số tiền quyên góp không nhiều.
Qua thời gian 5 năm, cây cầu đã xuống cấp, đáng lẽ phải được cất mới lại năm rồi 2017 mà thiếu nhân duyên kéo tới năm nay 2018, chiếc cầu đã xuống cấp trầm trọng, người ta đi trên cầu cảm nhận không an toàn, tưởng đến độ tai hại sẽ xảy ra. Không thể trì hoãn được nữa, dân làng và các phụ huynh học sinh yêu cầu các nhà từ thiện bố thí cho chiếc cầu khác và dự tính lần nầy cất lại lên đó cây cầu chất lượng hơn. Hội từ thiện cho đổi mới hình thức từ cầu gổ qua cầu bê tông.

Từ thiện cần sự nổ lực của nhiều bàn tay kết hợp tốt. Nhà ai cũng có cuộc sống riêng tư về tiền bạc và công sức bảo quản sự sống còn của mình. Giúp đời là thể hiện sự chia sẻ một ít trong cuộc sống riêng tư đó. Mỗi người một ít, nếu chỉ vài người đóng góp một ít không đủ thực hiện công cuộc từ thiện lớn lao nên cần nhiều đóng góp, mỗi người chia sẻ một ít đó trở thành số nhiều, đáp ứng yêu cầu cần thiết cho công tác từ thiện, tu kiều bồi lộ. Đức Thầy lâm phàm dạy đạo mục tiêu chính là hướng chúng sanh đến cứu cánh sanh tử, mãn kiếp hồng trần thác sanh về cõi Phật hay thành Phật qua pháp môn Thiền Định như Ngài đã nói “Nếu ta lấy sự thiền định mà phá tan màn u minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi”. Nhưng chúng sanh đa dạng trình độ giác ngộ không đồng, khả năng chuyên sâu pháp môn tu chứng “Nghiệp sạch tình không” chưa thể hiện tốt, do vì nghiệp không sạch thì hãy lo mà dắt dìu cái tình cái nghiệp tránh đi những mê đắm và tội lỗi; thay vì vấn thân vào tình đời hãy đem thân phục vụ cho tình đạo, thay vì bị cột trói trong sự thương yêu một người thì thương yêu thoải mái lên nhiều người. Tôi dùng từ “thoải mái” để nói rằng mối tình không bị cột buộc bởi ích kỷ và tư lợi, chẳng phải ta đã đọc thấy Đức Thầy thổ lộ tình yêu của Ngài cao thượng quá sao:
“Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẩn chúng sanh.”
Thế gian muôn điều cám dỗ, sức cám dỗ có khi mãnh liệt và nó không ngoại trừ những vị tu hành chuyên sâu pháp môn cứu cánh, nên khi nói về tình thì khó mà đạt được “tình không”, không đạt được tình không thì đương nhiên tình nằm trong hổn độn: đục trong, tốt xấu, phải quấy… tráo trở khôn lường. Nếu để đục, xấu, quấy… tấn công làm chủ tình hình chúng nó sẽ áp chiến đẩy trong, tốt, phải… mất dạng. Vậy nên, khi chưa đạt được “tình không” thì hãy tu chỉnh lại cái tình tha nhân cao thượng, biết thương yêu và nghĩ đến nổi thống khổ của người khác, giúp đỡ, cứu vớt người khác vượt qua những khó khăn, bù bổ bất hạnh. Bởi đó Đức Thầy chẳng những kêu mỗi người làm phước mà còn dạy rủ nhau làm phước như những câu:
“Việc nhà quý bạn đã xong,
Hiệp nhau là phước rõ lòng hiền nhơn”.

Nhờ rủ nhau, đông bà con làm phước kết quả nhanh hơn. Thế gian nầy, nhiều người sống đời bất hạnh, từng bị khổ đau làm khóc đứng than ngồi, nhờ đông bà con là phước thiện mà những kẻ khóc đứng than ngồi đã lau khô dòng nước mắt và nụ cười nở lại trên môi.
Trong nghiệp có hai phần thiện và ác, khi nghiệp chưa sạch tức thiện ác lẩn lộn thì ta nên tránh ác hành thiện, khi nào việc tránh ác hành thiện được hoàn chỉnh, thiện siêng suốt trong tâm, một bước “Lóng nguồn chơn” nữa là xong:
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho.”
Vậy, làm từ thiện cũng là một cách tu đi từ gần đến xa, từ thấp lên cao để đạt đến cảnh giới nội tâm của cái gọi là “nghiệp sạch tình không” hay “Lóng nguồn chơn”. Muốn đạt được Nghiệp sạch tình không hay lóng nguồn chơn đang ngự trên cao kia, ta đứng ở dưới đất nhìn lên với đầy lòng ngưỡng mộ mà từ chỗ đứng không chịu đi, leo, trèo lên từng bước rốt không được gì. Thương người để chuyển hóa thù ghét, làm từ thiện để chuyển hóa việc ác…
28/3/2018

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018


TẬP TU
“Chữ Tập Đề nay đà mở cửa
Để đem vào khuôn khổ người hiền.
Rán cực lòng một bước đầu tiên
Thì mới được làm nên Phật Thánh”
(Lời Đức Thầy)

Tam Tự Kinh có câu “Nhơn chi sơ tánh bản thiện”( người mới sanh ra tánh vốn thiện). Thiện có nghĩa là hiền lành, ngược với hung dữ. Có tánh hiền lành nhưng kiếp trước chưa dứt vọng tưởng thế gian nên phải trở lại (luân hồi) làm người trong cõi thế. Do đó, muốn thoát luân hồi sanh tử chỉ trông vào tánh thiện ban sơ thôi là chưa đủ. Luân hồi do mê nhiễm mà vào đường ấy, ta có thân là có sự mê nhiễm theo cùng. Không mê nhiễm dứt khoác không mang thân tứ đại, trường hợp Đức Thầy mang thân tứ đại không vì đi theo định nghiệp luân hồi mà là lâm phàm độ chúng. Làm lành và tâm tánh mê muội là hai chuyện khác nhau, không thể chỉ có hiền lành thôi là vãng sanh Tịnh Độ. Lục Tổ Đàn Kinh Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy chúng đệ tử “ Các người lo làm việc phước lành không cầu ra khỏi biển khổ sanh tử, trong khi tánh mình mê muội thì phước nào cứu đặng”.
Theo câu “Nhơn chi sơ tánh bản thiện” dẫn trên, ta biết rằng con người ai mới sanh ra cũng có tánh thiện dầu sau nầy lớn lên họ là tên đại gian ác. Do vậy, khi phát tâm quy đầu Phật Pháp tánh thiện ấy phát khởi trước và mạnh mẽ hơn, là tu phước. Tu phước nếu không được đánh thức mình trước mọi vật dục thế gian cám dổ, có làm lành nhiều mà tâm đầy mê muội thì lúc giả biệt cõi hồng trần không thấy con đường siêu lên chỉ có một nẽo đọa xuống. Đức Thầy viết Sám Giảng Quyển Tư “Giác Mê Tâm Kệ”, đoạn khởi đầu Ngài dùng lời lẽ hay ho của sách thánh hiền ra khuyên dạy, ai có đọc hay nghe người khác đọc đều cho rằng hữu lý:
“Sách Thánh Đạo ghi trong Tam Tự
Người mới sanh tánh thiện Trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh.”
Rõ ràng quá, sanh ra vốn thiện, mỗi lúc lớn lên va chạm với cuộc sống mà sanh cảm nhiễm ham muốn nên bị nào danh, nào lợi, nào tình cám dổ cái tánh bản thiện lúc ban sơ khiến nó bị vùi lấp trong những yêu cầu nầy, đỏi hỏi nọ kia không ngừng, hết yêu cầu nầy đến yêu cầu khác hết đòi hỏi điều nầy đến đòi hỏi điều kia, cái tánh thiện lúc cha mẹ sanh ra không còn bảo quản được nói chi đến chuyện thoát mê khai ngộ xa vời. Ta tu là mong muốn, lần nầy giả biệt cõi hồng trần là một đi không trở lại “thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử”.
Quy y vào đạo có thêm sự tu hành đúng pháp, đến lúc cởi bỏ huyễn thân mặc thân thân Kim Cang Bất Hoại hoặc “Mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc”. Từ sự nhắc nhở “Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh” nên người quy y vào đạo để tu là tự tạo môi trường thích hợp cho sự tập tu không bị lợi danh hoặc những điều trần tục khác làm chướng ngại. đường dầu xa nhưng hành trình không dừng, xa cũng thành gần. vì thế Đức Thầy có lời khuyên:

“Xa nơi tranh đấu lợi danh
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”
Chữa “Xa” trong những câu tôi vừa trích dẫn có mang hai ý nghĩa như sau:
1, Xa những chỗ lợi danh, người vì lợi danh, tranh đấu.
2, Không xa chỗ lợi danh và người vì lợi danh, tranh đấu, ở ngay chỗ có danh, có lợi, người tranh đấu vì danh lợi cũng được, cốt làm sao cho thân tâm của hành giả đừng bị cảm nhiễm chất độc Danh, Lợi, Tình: Xa tức lòng không vướng mắc.
Nói về sự, xa nơi tranh đấu lợi danh là con đường yên ổn mà Sĩ Đạt Ta đã khai thông lộ đồ nầy trước nhất, nay trải gần ba ngàn năm mà nói đến sự tu hành theo đạo Phật người ta vẫn còn áp dụng lộ đồ chứng tích nầy một cách mạnh mẽ. Đạo Phật nói: Phật ở tự tâm mỗi người thay vì đi đâu tìm Phật thì hãy tìm trong chính mình. Đó là nói theo “lý”, muốn đạt rốt ráo và thực tế phải đi từ “sự” vào. Lễ bái Phật, tụng kinh gõ mõ… ai không biết đó là sự. Chẳng phải Đức Phật đã nói như vầy sao “ Nhược dỉ sắc kiến ngã, dỉ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”.
Nói đến chữ tu là tập tu, nếu ham muốn chuyện thế gian, bất cứ những gì trong thế gian đều là giả, cái thân ta đây ta cho là quan trọng nhất mà giả thì còn cái gì trong thế gian nầy không giả chứ? Tríu mến các cái giả là không thể đến với thiệt. Người có thói quen cờ bạc, rượu chè, đàng điếm, những thứ trụy lạc thấp hèn nầy đã phiếu giễu đầy trong xóm đã làm ta ghiền nặng, ban sơ bảo bỏ ghiền mà cứ mắt thấy tai nghe nó phiếu giễu hoài hoài thôi ghiền làm sao được. Ở chỗ trụy lạc bỏ trụy lạc không được thì tìm cách đi xa để bỏ, bề nào, hễ bỏ được là tốt đừng chấp việc bỏ thói quen ghiền nhiễm tại chỗ hay đi xa. Nếu không có chuyện đi xa của Sĩ Đạt Ta“ Thừa đêm khuya lén trốn vào rừng, Lìa cha già vợ đẹp con cưng, Thân chẳng sá xông pha bờ buội”(lời Đức Thầy) làm gì có sự chói chan của đạo Phật trên cõi trần gian cát bụi nầy.
Khó khăn của vấn đề cầu vãng sanh Cực Lạc là gì? Lục tự trì tâm là phương pháp đúng đắn nhứt, nhưng trên đường hướng thượng xảy ra những chướng ngại quên niệm Phật thì sao? Lúc bình thường giữ Phật trong tâm còn khó huống chi gặp chuyện bất ngờ như tai họa lật xe, chìm tàu, bệnh tật hay đối trước cái chết thì Phật có còn trong tâm hay đã đứt mất từ lâu. Bất kỳ diễn ra chết lành hay chết dữ mà nhớ niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật rước, bằng ngược lại “… Kịp đến khi tử thần gõ cửa, số vô thường đã tới, sanh ra muôn ngàn kinh hãi , thần trí hôn mê rất tríu mến cõi đời, cửa nhà con vợ mà không làm sao sống được nữa, nên lúc ấy kẻ phùng mang, trợn mắt, người chắt lưỡi, nghiến răng, lăn lộn giật mình, kêu than thảm thiết. Xét coi lúc ấy khổ sở là dường nào”. Chết mà diễn ra trường hợp nêu trên, cho dù lúc bình thường niệm Phật nhiều mà tới lúc ăn thua lại không niệm được thì chỉ có thua thôi. Do vậy, tập tu để được thuần tu, tập niệm cho thuần niệm, chết lành hay chết dữ mà có niệm Phật là ăn chứ không thua.
Chuyến đi cứu trợ bà con Việt Kiều Cam Pu Chia vừa qua, tôi may mắn được ngồi đàng trước chung dãy với tài xế, không biết chú ấy lúc ở nhà giữ vững công phu đến độ nào nhưng khi lái xe có được hạnh cách tôi cho là rất thuyết phục lòng tin, có lẽ đối với chú, Phật là tất cả cuộc đời nên chú nhạy nhớ Phật. Có khi xe cởi lên đường ổ gà, tiếng niệm Phật từ miệng chú cùng lúc với tiếng nện rầm rầm nhảy cựng đầu xe, có khi tiếng niệm Phật sau liền lúc xụp ổ gà và đôi lần chú niệm xong một câu Lục Tự thì bánh xe mới càn qua hang lổ. Điều tôi nói hạnh cách rất thuyết phục lòng tin vì, như chúng ta đều biết sự chết chóc xảy ra cho dù chết lành không bị lật xe, chìm tàu, súng đạn, cứ nằm trên giường bệnh mà chết đi biết đâu lúc đó xảy ra như điều Đức Thầy báo trước:
“Gần hấp hối tâm thần xao xác
Trí vẩn vơ kinh sợ vô cùng”.
“Tâm thần xao xác” hay “kinh sợ vô cùng” là biểu hiện hành trạng không nhớ Phật thì chết sẽ không theo đường Phật đến cõi Tây Phương.
24/3/2018

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018


ĐẠO TÂM, ĐẠO HIỆU

Trong một cuộc gặp gở tình cờ, có người hỏi tôi: Đi đâu tôi cũng nghe quý huynh, chú nói nhiều về Đạo Tâm, khuyến khích nhau thực dụng hữu hiệu nhưng tôi chưa hiểu chính xác Đạo Tâm là gì và đối ngược với Đạo Tâm là thế nào?
Tôi đáp: Tôi không có chuyên môn nghiệp vụ trả lời nghi vấn nhưng nếu câu hỏi như muốn trao đổi để cùng hiểu biết với bàn đồng hành, không gây khó dễ thì tôi xin phép gởi dòng tâm sự:
ĐẠO TÂM: là đạo đức được nuôi sống trong tâm, không chú trọng hình thức bên ngoài. Vì thế các vị đạo tâm ít khi đòi hỏi chỗ ở được thế nầy thế khác, ăn mặc thế nọ thế kia. Thời giờ công phu là hướng nội tuyệt đối, dầu sự hướng nội có bửa bị thất thoát bởi một sở hở nào đó mà phiền não chen vào. Nhờ chuyên chú hướng nội nên hễ lúc nào hay phiền não chen vào phát hiện không quá muộn. Người có đạo tâm không đem thời giờ quy nạp vào những chuyện không đâu vô bổ cho tiến trình giác ngộ. Chuyện không đâu tôi nói không phải mỗi thứ đổ trúc lên những điều vấn vương trần tục mà còn làm trong sạch cửa thiền những tranh cải, cao thấp, dù là Phật Pháp, nếu không làm sáng tỏ đạo tâm đều là vô bổ cho bản thân hành giả, cố duy trì tài năng và giành cái đúng về mình đều là hình thức mà ở lập trường chuyên tu ta không muốn có sự thành công nầy. Người theo đuổi tiêu hướng tu hành của Đạo Phật nhứt là Phật Giáo Hòa Hảo hẳng sẽ thấy một bài dạy với nội dung sâu sắc mang đến cho mỗi hành giả:
“Hãy rán tu tâm dưỡng tánh lành,
Đừng cho mà nghiệp vọng tâm sanh.
Quay về cội phúc đường chân đạo,
Phật Pháp thiền na dốc thực hành.”

Mỹ cảm của đạo Phật là thắc chặc sự chung thủy cứu độ chúng sanh, khi ta đã học hạnh từ, bi, hỉ, xả thì phải lập hạnh từ bi hỉ xả và luôn thăm dò trình độ từ bi hỉ xả của mình xem sự lập hạnh của ta có đúng bài bản chưa. Ví như Hành giả của pháp môn Niệm Phật lúc lập hạnh giúp đời, ở gần thế sự ta có còn niệm tưởng Phật nữa không? Ta niệm cái gì nhiều? Đồng ý là đi làm từ thiện niệm Phật không nhiều như lúc ta ở trong cử khóa công phu, tịnh thất. Đồng ý đây không có nghĩa là dựa vào công tác từ thiện giúp đời ta không giữ chặc chịa đạo tâm nhưng ít ra cũng trụ trong chánh pháp, chánh tư duy mà làm việc, đạo tâm còn đó trong Bát Chánh Đạo hơn là để mặc tình cho tà tâm vọng tưởng lu bu.
ĐẠO HIỆU: trái lại, chú trọng vẻ bề ngoài. Làm việc vì hay hoặc ơn ích cho đời muốn nhiều người biết mình có công, tích cực với việc làm xã hội từ thiện, thậm chí đối với điều Phật dạy cách tu hành, tịnh tọa ngày mấy cử mỗi cử mấy giờ cũng đem khoe với người khác cho họ biết cái đạo hiệu của mình là vậy đó, tiếng tăm nổi bật.
Người có đạo, chuyên tu phải dựa vào đạo đức bản thân phát huy tinh thần xã hội từ thiện hay truyền bá Phật pháp cải thiện lòng người, làm từ thiện cũng là một cách tu vượt lên trên chỗ khó tu. Không nên dựa vào danh dự cá nhân của mình hay của người thân mình và muốn đạt thành tích mà bất chấp giới luật. Hành giả bị tổn hại tinh thần mà nói vì lợi ích của đạo có thể là sự tính toán sai. Hạng Đạo Hiệu nầy Đức Thầy PGHH đã viết lời cảnh tỉnh:
“Chớ giả dối mà mang sắc áo,
Mượn Bồ-Đề chuỗi hột lòe người.
Làm cho dân khinh dể ngạo cười,
Tội lỗi ấy luật nào dung thứ.
Tu con ham chay to đám bự,
Đặng thế gian dưng cúng bạc tiền.
Dối rằng lo tu bổ chùa chiền,
Mà làm của xài riêng cho thỏa.
Bảo làm sao dân không sa ngả,
Nghe lời rù tông nọ phái kia…”
Xưa có một vị quan thanh liêm tên là Tây Môn Báo hết lòng phò vua giúp nước ông được vua Văn Hầu nước Ngụy sai đi làm quan đất Nghiệp. Tây Môn Báo lấy sự liêm chính trị dân nên được dân quí kính, nhưng trong hoàng cung quan tả hữu hầu cận vua, muốn Ông Báo biết điều một chút, lo lót để giữ chức. Nhưng vị quan thanh liêm nầy không làm được điều đó nên đã tới tai nhà vua nhiều điều bất lợi chốn quan trường. Ông bị vua cắt chức và đòi trả lại ấn tín. Bấy giờ Tây Môn Báo biết rõ sự tình tâu lên vua rằng:Thần trước đây chưa thông phép làm quan, nay trong chóc lác đã học được. xin bệ hạ cho phục chức thần hứa sẽ trị dân làm vừa lòng bệ hạ, nếu chẳng được y lời hứa thần chịu tội gia hình. Vua n Hầu chuẩn y giao ấn tín lại cho Tây Môn Báo. Ông quan nầy thử không thanh liêm một lần cho biết: ép dân, đánh thuế cao, dân tình oán than, cho rằng mới về triều trở lại thì ông đã đổi tánh, không thương dân nữa. Có tiền ông đem lo lót quan hầu nhà vua, quan hầu được tiền tự khắc tâu lên vua rằng Tây Môn Báo giờ giỏi việc trị dân. Vua rất mừng triệu ông đến ban thưởng. Ở trước vua nghe lời khen ngợi về mình ông cảm thấy thật hổ thẹn, không thể nhịn được nữa, nói với vua: Tâu bệ hạ, ngày trước thần hết lòng vì nước vì bệ hạ mà trị dân một cách công bằng, liêm chính, thu phục nhân tâm giúp cho bệ hạ giữ vững ngai vàng thì bệ hạ bắt tội cắt chức thần, kêu giao lại ấn tín. Nay thần trị dân không vì vua vì nước mà vì quan hầu của bệ hạ, đút tiền lo lót cho hắn thì hắn bẩm báo thần lập được nhiều thành tích, bệ hạ kêu khen thưởng. Làm việc quan không vì dân vì nước mà vì chỗ mua quan bán chức thôi để Báo tôi từ chức cho xong. Nói xong ông trình giao lại ấn tín.
Qua câu chuyện trên một người vì nước vì dân không vì danh lợi đối với mình hay người thân mình mà làm việc, ngay đến ông vua người làm chủ một đất nước làm sai cũng phải cải sửa. Đất nước muôn đời của dân tộc còn làm chủ một đất nước thì chỉ có thời gian dài ngắn cũng sẽ giao quyền làm chủ cho người khác. Khi lên nhận chức chủ một đất nước từ người tiền nhiệm thì đất nước rất phú cường, nhân dân an cư lạc nghiệp mà khi trả thì trả một đất nước nghèo nàn lạc hậu nhứt vùng. Tây Môn Báo tâm vì nước vì vua làm việc hết sức mình ngưỡng mong đất nước thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, hành động không vì lợi ích của bản thân hay của quan chức khác làm hiệu thương nước để rồi hành động gây tổn hại cho dân nước. Bất cứ ai, hễ phạm luật pháp là gây tổn hại ít nhiều sự phát triển của đất nước. Trong một quốc gia tự hào là văn minh, hùng mạnh mà chỉ có vua và quan chức giàu sang sung sướng còn dân thì nghèo sát gốc nống, sống cực khổ như trâu bò… dân chúng oán than, khi quốc gia hữu sự dấy động can qua, dân hết tin tưởng vai trò làm chủ đất nước của vua, ghét không ra sức, chỉ còn vua quan mấy người ra giành bom đạn với quân dị chủng xâm lăng.
Người quy y vào đạo không phải để chứng minh mình có đạo mà theo đạo là để tu hành, cải ác tùng thiện, sùng chánh truất tà, bỏ tối ra sáng. Học tập điều nầy như nhận một lệnh truyền bất khả xâm phạm, không có bất kỳ lý do nào làm ác theo tà mà tự hào là vì đạo, vì Thầy. Không vì lợi ích của một người hay một số ít người quen thân tự nới giãn giới luật của đạo để dược cùng họ vui vầy trong khi ta biết rõ ràng giữa ta và họ không cùng một tiêu hướng.
Tóm lại: Đạo tâm là đạo phát sinh từ trong tâm, khi trong tâm có đạo, làm việc vì lợi ích của tha nhân chính là lúc công quả cho nhà thiền. Đạo Hiệu: chỉ thể hiện đạo đức bên ngoài, thích hình tướng, nhản hiệu, vì hình tướng, nhản hiệu mà làm việc ích lợi với tha nhân. Đạo Tâm không phải mặc nhiên chống bán hình tướng mà hành động việc gì không bị hình tướng làm mê hoặc.
19/3/2018

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018


TỦI CUỘC HÔN NHƠN BÀY TRƯỚC PHẬT

Có người hỏi tôi, Đức Thầy viết “Tủi cuộc hôn nhơn bày trước Phật” có nghĩa là gì? Tôi trả lời: xin cho nói thêm một ít về xuất xứ có liên quan mới chảy gở được vấn đề tiềm ẩn trong câu. Bài nầy là một trong hai bài BUỒN và TỦI sau bài “Cảm Tác” viết tại Bạc Liêu cùng ngày với bài Cảm Tác 29 tháng 6 năm Nhâm Ngũ 1942. Nhờ Ngài viết hai bài cùng ngày với bài Cảm Tác chúng ta không khó hiểu bài “Tủi” với câu “Tủi cuộc hôn nhơn bày trước Phật”. Do sự liên quan trên dưới ta phải bàn xuyên qua bài “Cảm Tác” với câu “Đem thân mà rứt nợ trần, nợ trần đâu khéo chần ngần chun ra” mới rõ thấu được câu chuyện “tủi cuộc hôn nhơn bày trước Phật” là thế nào.
Vào ngày tháng đầu mùa hạ 1940 quân chinh phạt Pháp buộc Đức Thầy phải sống lưu cư để chận đứng sự ảnh hưởng của Ngài đối với nhân dân tín đồ. Năm 1941 – 1942 chúng đưa Đức Thầy về tỉnh Bạc Liêu, nhà ông bà Ký Giỏi. Ông Bà Ký có cô con gái đã hứa hôn cho con trai ông Ký Lục Ngọ, khi Đức Thầy bị đày đến nhà ông Ký Giỏi thì không lâu sau đó cô con gái của Ông Ký xin hủy ước cuộc hôn nhơn nói trên. Như chúng ta biết, Đức Thầy là một thanh niên tuấn tú, được quần chúng ngưỡng mộ, phủ phục nghe lời như nghe lệnh, ra khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo chưa đầy một năm mà trong tay có đông đảo tín đồ đến khoảng triệu người. Tài hoa danh dự như vậy bị khiến xui ở nhờ nhà có vị tiểu thư đài cát mà vị tiểu thư ấy sắp về làm dâu làm vợ trong một gia đinh môn đăng hộ đối. Đức Thầy bị bên phía nhà đàng trai nghi ngờ làm cản trở cuộc thành thân của đôi uyên ương nầy. Bởi chuyện xảy ra như thế Đức Thầy viết bài “Cảm Tác” để thức tỉnh phía đàng trai rằng:
“Đem thân mà rứt nợ trần
Nợ trần đâu khéo chần ngần chun ra”
Đồng thời Ngài nói qua giáo lý giải thoát để bên nhà ấy biết rằng:
“Sa môn chí những tín đồ
Mai vong cản mối tựa hồ gớm ghê.”
Người tu hành từ tín đồ cho đến bậc Tăng Sư phải hằng lo Kinh Kệ, trau giồi hạnh cách hoa sen gần bùn chẳng bị bùn làm nhơ uế. Hôn nhơn là sự say đắm thế gian trong khi người chân tu say đắm về Tây Phương Cực Lạc đâu có lý nào suy nghĩ về hôn nhơn của mình hay của của ai nữa. Đã như vậy thì không được phép làm mai hay cản mối. Huống chi Đức Thầy là cổ Phật lâm Phàm như Ngài đã thổ lộ “ Lòng mê si đã diệt, sự vị kỷ đã tan… muôn ngày vô sự lóng sạch phàm tâm”. Dạy đạo nhằm mục đích đưa nhân sanh thoát khỏi sông mê biển khổ mà dâm tâm, ái dục chính là biển khổ sông mê nặng nề nhứt, chở nó như ghe chở khẳm lé đé nước, rất dễ bị chìm. Có lần Ngài khuyên mọi người ghi nhớ trong lòng “Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…; cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát ly ra được. Ấy về phần tà”. Kinh Phật cũng dạy “Dâm tâm bất trừ trần lao bất khả xuất (trong tâm không trừ được lòng dâm dục có chết đi cũng trở lại cõi hồng trần).

Đức Thầy là Phật trên cõi Phật lâm phàm cứu độ nhân sanh, Ngài không còn bất cứ sự vướng bận nào trong cõi thế gian, chuyên dạy đạo giải thoát cho đời khỏi vòng sanh tử trong một kiếp. Muốn học đạo giải thoát điều cần yếu là con người không bị trói buộc ngay trong hiện tại về ăn, mặc, ở, hoặc lún túng bởi danh, lợi, tình phủ chụp đâu có chuyện làm mai hay cản mối. Ngài đến cõi nhân gian, đem cái thân “rứt nợ trần” của mình dạy chúng sanh rứt nợ trần như Ngài thì đâu lý nào nợ trần ở đâu trong mình chun ra.
“Lìa quê tách bước xa ngàn
Gia đình chẳng đoái còn màng chi ai”.
Bài “Cảm Tác” là một tiếng chuông to ngân vang đánh thức những ai ngủ vùi trong mộng:
“Nện vang một tiếng chuông linh
Cho người trong mộng biện minh lẽ nào.”
Đã nện tiếng chuông linh vang dội rồi mà e người quá mê không thức được, buộc lòng Ngài cất tiếng than qua một bài thơ tiếp theo:
TỦI
“Tủi sầu Phật Giáo ở non Tần,
Tủi phận môn đồ quá tối tân.
Tủi cuộc hôn nhơn bày trước Phật,
Tủi cơ nghiệp báo phế nguồn ân.
Tủi thay ai tạo trò vô lý,
Tủi bấy lấp nguồn đạo hữu chân.
Tủi hổ trông nhìn người dối thế,
Tủi duyên ác cảm đắm hồng trần.”
Bày thơ tám câu có ba câu cho chúng ta ghi nhớ “Tủi cuộc hôn nhơn bày trước Phật _ Tủi thay ai tạo trò vô lý _ Tủi duyên ác cảm đắm hồng trần” lý giải rất khắn khít phá nghi ngờ.
Người tu còn trong mê đắm bởi vấn vươn thất tình lục dục, nghĩa vợ tình chồng ghì níu chằn chịt bàn chuyện hôn nhơn cũng đành đi, đàng nầy, Đức Phật là đấng giải thoát các hệ lụy thế gian “lóng sạch phàm tâm” lâu rồi, vậy mà người ta đặt điều, buộc hôn nhơn đến với Ngài Bày trước Phật” mới thiệt là: “Tủi thay ai tạo trò vô lý” trò vô lý nầy làm hại “Lấp đường đạo hữu chân”.
Xưa, lúc Đức Thích Ca còn tại thế, có ông Duy Ma Cật là Bồ Tát lâm phàm trong hàng cư sĩ, ông ấy muốn độ các Thầy Tỳ Kheo gần gủi Phật chưa đạt đến cảnh giới thượng thừa siêu việt, bèn giả bệnh cho các vị ấy đến thăm để có cơ hội pháp thí. Đức Phật biết thế nên sai các đệ tử của Ngài đến thăm sẵn đó học giáo lý bất khả tư nghì. Các đệ tử Phật cùng ông Duy Ma Cật bàn về pháp môn không hai, các thiên nữ cảm kính pháp hay nên đã rải hoa Trời cúng dường các vị trong pháp hội. Thấy trên hư không hoa rơi dính mình, ông Xá Lợi Phất đã lấy tay phủi hoa rớt xuống. Nhưng cánh hoa nầy rớt xuống thì cánh hoa khác vướng lên, ông Xá Lợi Phất cứ lo mà phủi mãi. Bấy giờ có vị Thiên Nữ hiện ra hỏi: Sao nhân giả phủi hoa? Xá Lợi Phất đáp: vì hoa nầy không như pháp nên phải phủi. Thiên nữ nói: Nhân giả đừng nghĩ như thế, hoa nầy chính là như pháp, do vì nhân giả không như pháp nên mới  thấy hoa nầy không như Pháp. Nhân giả hãy nhìn xem đi! Hoa rải xuống chung trong pháp hội, nhưng trên thân các vị Bồ Tát thì không hoa nào dính mắc, bởi lòng của các vị ấy hết kiết sử, chỉ có nhân giả bị vậy mà thôi.
Kiết hay Kết: là mối thắt buộc con người còn trong mê, Sử: Sai khiến. Kiết Sử tức vừa buộc vừa sai khiến.
Tóm lại, Đức Thầy cất tiếng than “Tủi cuộc hôn nhơn bày trước Phật” bởi có người nghi Ngài cản trở cuộc hôn nhơn của vị tiểu thư và cậu công tử của hai nhà môn đăng hộ đối, quyền quí cao sang. Bên cạnh đó Ngài tỏ cho chúng sanh biết rằng: Một vị Phật từ cõi Phật lâm phàm không còn chút gì mê đắm hồng trần, đem chuyện nợ duyên mà nghĩ quấy về Ngài, dù trong sự nghĩ quấy ấy làm mai hay cản mối đều không phù hợp, vì Phật đã mãi mãi xa lìa những đối đải phải quấy, tốt xấu của thế gian.
15/3/2018

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018


MANG TÂM SỰ VỀ NHÀ

Chuyến cứu trợ bà con Việt Kiều Cam Pu Chia ở tỉnh Tây Ninh vừa qua vào ngày 4 tháng 3 - 2018 lưu lại trong lòng tôi những ưu tư rai rức về cảnh khổ của những người tha phương cầu thực trở về cố quốc mà sự bất hạnh đã dồn họ vào con đường không có lối thoát. Thật ra nói về cuộc sống, những hồi ức không hay thì nên xả bỏ cho tâm hồn thanh thản đón nhận tương lai tốt đẹp đang chờ, nhưng hồi ức đã vào ký ức muốn bỏ cũng không phải dễ trừ phi ai đó ra tay giải quyết những điều bất hạnh trở thanh hân hạnh cho Việt Kiều nói trên nhẹ bớt sự khổ. Ký ức mà tôi muốn đề cập đến là những sinh hoạt rất cần thiết phải có ở mỗi con người và gia đinh của họ. Thiếu nhà ở đàng hoàn, thiếu cơm gạo, tiền xài quý bà con đây bất lực vì không có giấy chứng minh nhân dân là công dân Việt Nam không thể vào công ty, nhà máy, xí nghiệp làm mướn cho ai được, tạm thời sống nhờ hảo tâm của mọi người mà chờ chánh quyền khai ân cho nhập cư, để tự mình cố gắng giương lên, qua nhiều năm tháng mới mong chảy gở xúc sự nghèo đói. Nhưng nếu họ không được nhập cư thì không thể có an cư lạc nghiệp, muốn cố gắng giương lên chảy gở xúc sự nghèo đói, gặp phải trăm cái khó.

Kế bên sự nghèo đói thì vấn đề vệ sinh của họ là điều quan trọng không kém. Tôi thấy bà con ở đây một số hộ xài nước sinh hoạt trong nhà không có lu hay thùng chứa, họ gói tròn tấm mủ hình thể giống cái lu, làm sườn vòng ngoài cho kìm cứng, trông rất là bần, tội nghiệp quá! Một số khác có lu thùng chứa nhưng đồ dùng không gọn gàng sạch sẽ theo đúng nhu cầu. Nước đâu để quý bà con bất hạnh nầy dùng là một câu hỏi mở màn cho bao câu hỏi kế tiếp. Cái chỗ ở túm húm còn chưa yên với ông bà chủ đất hay đến đòi, nhà không hộ khẩu làm gì có chuyện chủ nhà máy tốt bụng cấp nước sạch cho dùng. Vậy họ lấy nước dùng từ đâu? Dưới sông ư? Các người có thiện tâm tự hỏi đi! họ lấy nước ở đâu?
Rảo qua nhiều nhà chòi hỏi thăm sức khõe bà con, chợt nghe trong mình mắc tiểu, tôi đi kiếm chỗ nhưng ngó đâu cũng thấy người ta, dòm chỗ nào cũng tróng lỏng. Hết cách, tôi đành ra sông bãi cát lài… đáng sợ thiệt! thấy trong cỏ hay ngoài đất tróng những đống phân người cũ mới khít nhau, ghê quá tôi định nhanh ra hối đoàn đi về sớm nhưng nghĩ lại công chuyện tìm hiểu chưa vào đâu bỏ cuộc là không đành. Ở thêm lâu mà nín tiểu, hỏi kỷ sức chịu đựng trong người còn được bao lâu. Biết là không còn có khả năng nín lâu được, thôi thì rán sổ tiểu cho xong để tâm tư không bị hối thúc. Tôi vén cao óng quần dài, chen dép thật kỷ vượt qua hàng hàng lớp lớp, có khi phải nhón gót đặng tránh dính, ngồi xuống trong cỏ cho khuất và ngước mặt lên Trời để tránh đỡ cái mùi muốn ói chết.
Tiểu xong tôi trở lại thăm và hỏi chuyện tiếp tục ở những chòi khác. Vừa chứng kiến cái cảnh phân người nằm bầy bầy muốn ụa khi nảy, tôi đành phải đặt câu hỏi không liên quan đến cơm gạo bạc tiền mà hỏi về chuyện đi tiêu của quý bà con đây, một người trả lời rằng: Ai mắc đi tiêu, người lớn bơi xuồng ra sông xa xả xuống, còn trẻ em và những người già yếu coi chỗ nào được thì ỉa thí lên.
Tôi nghĩ, đời sống không được bảo quản vệ sinh tốt con người dễ sanh bệnh và khi có người bệnh rất dễ lây lan qua người khác nhứt là chỗ đông dân cư ở vùng ẩm thấp như đây. Tôi thấy được một số tấm ảnh chụp ở đây vào mùa nước lên… dơ dái đáng sợ. Ôi! Sinh mạng bà con nghèo nầy giờ rất rẻ, khi phát bệnh tiền đâu đi bác sĩ, nhập viện hoặc tìm thầy hay dược giỏi cứu bệnh nan y. Ta giúp bà con mình an toàn một phần nào về vệ sinh, ngoài sự gánh bớt cái khổ cho họ ta còn có thể cản được những mầm móng bệnh và sự lây bệnh qua người khác. Thấy cái lu nước xài còn chưa có, gói mủ làm lu chứa thì khỏi hỏi ta cũng biết lấy nước xài từ đâu? Bãi sông phẩn nằm bầy bầy lớp lớp, dưới nước thì có người bơi xuồng ra ỉa thí xuống… nước xài… Cao Sanh ơi! Xin các Đức Ngài khiến tấm lòng thương dân của chánh quyền địa phương, sớm hoàn tất thủ tục nhập cư cho bà con được chỗ ở yên ổn, hoặc khiến chánh quyền địa phương dễ hơn một chút, cho các tổ chức từ thiện đến tận nơi họ ở, phát quà, hỏi thăm, an ủi khuyến khích họ mà cuộc sống bớt cô đơn, để họ biết rằng, bên họ còn có chúng ta là chánh quyền, là đồng bào tương thân tương trợ nghĩa cử từ thiện đối với họ, chia sẻ nỗi bất hạnh của họ. Từ đó họ an tâm sống hết đời còn lại của mình bằng niềm vui trong lòng lịch sử dân tộc, tạm sống qua ngày, chờ chánh quyền hoàn tất thủ tục nhập cư. Có giấy chứng minh nhân dân người ta tự đi làm kiếm sống. Thêm nữa Cao Sanh ơi! khiến tấm lòng của các mạnh thường quân, những nhà giàu sang phú quí giúp cho bà con Việt Kiều Cam Pu Chia về Tây Ninh cuộc sống tốt hơn, chung tay chung sức với 3 điều cần làm gấp:

1, Phát thí thùng hay lu chứa nước cho bà con nghèo sinh hoạt những công việc cần nước hằng ngày.
2, Khoan cho bà con một hoặc hai cái giếng nước để họ lấy nước sạch dưới lòng đất mà dùng.
3, Giúp bà con hai dãy nhà cầu vệ sinh để tránh đi tình trạng ô uế phân người nằm bầy bầy dưới bãi sông.
Ba điều quan trọng nêu trên tôi biết là không dễ làm bởi bà con nghèo chưa hợp pháp về chỗ ở, chủ đất có thể xua đuổi bất cứ lúc nào thì đất ở đâu cho mà khoan giếng, cất cầu? Nhưng đời, mười người chắc sẽ có một hai người thiện, nếu có ai đứng ra vận động thương thuyết số ít người thiện trong ác có cơ hội tăng lên. Các nhà tôn giáo đi vận động tình thương và sự tu học đâu phải vận động qua một lần rồi thôi, phải kiên nhẫn tới khuyên hoài hoài. Các nguyên thủ quốc gia vận động cho chiến tranh trở thành hòa bình không phải đi chỉ một lần thôi là đạt kết quả. Thấy sức tàn phá của chiến tranh và sự ích lợi của nền hòa bình, đi vào hiệp hội có khi bỏ ra hằng chục năm liền tốn biết bao nhiêu là tiền bạc, công sức để đổi lấy hòa bình mà chưa đạt kết quả người ta cũng quyết không bỏ cuộc.
Chúng ta vì đời, làm việc thiện phải có thiện tâm thiện chí. Thiện tâm để trong khi làm việc thiện là làm hết mình, không bị danh, lợi, tình sai khiến. Thiện chí để không thối bước trước những nghịch cảnh như đụng chuyện khó khăn, vượt khó đi qua đi qua. Làm từ thiện mà có thiện tâm thiện chí tôi tin tưởng Trời, Phật, Thánh, Thần sẽ ủng hộ. Vì vậy, trong khi làm việc thiện hãy nhớ rằng bên ta luôn có các Ngài, nguyện các Ngài chứng dám, hộ độ.
Cuối dòng tâm sự mang về nhà, tôi xin trích đăng một đoạn trong Sám Giảng của Đức Thầy nhằm kêu gọi những thiện tâm:
“Khuyên những kẻ giàu sang có của,
Hãy mở lòng thương xót dân nghèo.
Cảnh vinh hoa lại quá cheo leo,
Nhà giàu có mang nhiều tai ách.”
“Kẻ nghèo khó hụt tiền thiếu gạo
Mở lòng nhơn tiếp rước mới là”.
“Hiếm những kẻ không nhà không đất,
Mà sang giàu chẳng xót thương giùm.
Có lỡ lầm chưởi mắng um sùm
Thêm đánh đập khác nào con vật.”
10/3/2018

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018


CHUYẾN CỨU TRỢ VIỆT KIỀU CAM PU CHIA

Hàng cứu trợ mua sắm đủ số cho lên xe, các thành viên trong đoàn từ thiện đã hội đủ, sáng sớm ngày 4 tháng 3 - 2018 nhằm 17 tháng giêng năm Mậu Tuất, Trời chưa kịp sáng chúng tôi hổi hả lên xe thẳng ra tỉnh Tây Ninh, nơi có rất đông đồng bào nghèo khổ. Xưa cũng vì lẽ sinh tồn họ phải tha phương cầu thực bên nước láng diềng Cam Pu Chia bằng nghề hạ bạc quanh vùng Biển Hồ, giờ nghề hạ bạc ở đó khó khăn kiếm không đủ sống phải hồi hương về cố quốc. Nhưng không may, chưa được nhà nước đồng bào mình công nhận quyền công dân thực sự. Chưa hưởng quyền công dân thì không có giấy chứng minh nhân dân, muốn đi làm mướn kiếm sống không có giấy tùy thân ai mà dám mướn, đói ngồi chờ hột cơm từ thiện cũng đành chịu.
Những tháng năm sống xa tổ quốc trên một nước láng diềng nghèo nàn lạc hậu, khổ khổ chồng chất ngập đầu, nay đến lúc phải về lại quê cha đất tổ tưởng được sung sướng hơn chút ai dè bị chằng níu bởi thủ tục hành chánh về nhập cư. Trong khi người tha phương cầu thực quay về cố quốc đang yêu cầu, van xin chánh quyền địa phương cho nhập cư thì các nơi qua tình đồng bào chủng loại, bà con mình đang thiếu thốn, đói rách, cô đơn, chở hàng đến cứu trợ. Đoàn chúng tôi là một trong số các nơi đến giúp tài vật của ít lòng nhiều cho quý vị bất hạnh ấy thêm một chút sức sống vượt qua giai đoạn khó khăn.
xe đang chạy trên tuyến đường dài gần ba trăm cây số lòng chúng tôi dấy động lên niềm vui mừng và lo ngại, vui mừng vì trong chóc nữa đây sẽ gặp những người mình để tâm lo lắng suốt cả tuần qua và trao quà tình thương cho họ. Lo ngại vì, nếu những người mình để tâm thương mến lại quá nhiều đem so với số quà có hạng là ba trăm phần thì sao? Người ta đói đồng đói, khổ đồng khổ mà mình phát quà kẻ có người không thì thật là tội nghiệp cho người không có, họ cũng là những người mình để lòng thương, trằn trọc suốt mấy đêm liền…
Tôi nhớ chuyện xưa, Việt Nam ta lúc ấy một nhà hai họ, huynh đệ tương tàn chiến tranh đẩm máu, 30- 4- 1975 xảy ra biến cố chánh trị, biến cố nầy dẫn đến thống nhứt đất nước, máu huynh đệ không còn chảy trên chiến trường là điều rất mừng nhưng đổi lại nhân dân miền Nam phải chịu nghèo đói bởi những trận nhà nước cho kiểm kê tài sản, còn ruộng đồng ở trịt một chút nói là xâm canh, ruộng bị mất. Như vậy mà năm đó, nếu tôi nhớ không lầm là năm 1978 Trời cho mưa lũ tràn về làm chìm ngập ruộng lúa, nhà cửa hư hao nặng dẫn đến sự đói khổ tận cùng, nhiều nhà ăn độn khoai lang, khoai mì, có một số không ít nhà xắt chuối cây trộn với một ít gạo nấu nhừ trông như nồi cháo cho heo ăn. Nhớ lại cảnh nghèo đói của những năm đó tôi bắt rùn mình, mong là Việt Kiều Cam Pu Chia hồi hương về cố thổ đừng ai gặp trường hợp đói khổ kiểu đó.
Chúng tôi hứa trước sẽ phát quà cho quý đồng bào nghèo từ Cam Pu Chia về lúc 10 giờ sáng ngày 4 tháng 3, địa điểm phát quà tại nhà thờ Suối Dây nhưng vì đường xa gặp khó nên đoàn đến trễ hẹn gần giờ đồng hồ, tội nghiệp cho bà con nghèo ở đợi lâu chúng tôi thật ngại. Được sự giúp đỡ chân tình của quý linh mục trong nhà thờ, cuộc phát quà diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng.

Phát ba trăm suất quà xong nhìn lại đồng hồ thiếu chút nữa là 12 giờ trưa, bụng có hơi đói nhưng vì muốn thị xác chỗ ở của đồng bào mình từ Cam Pu Chia về xem việc ăn ở của họ thế nào, chúng tôi đồng ý mang bụng đói tham quan xong mới đi tìm quán cơm chay. Đến nơi chúng tôi thấy, có hai khu mỗi khu cách nhau vài trăm mét và khu nào thì cũng chen nghẹt chòi và người. Theo thông tin của bà con đây cho biết, có khoảng 1300 hộ (một ngàn ba trăm hộ) và họ che chòi cao xát liền nhau dưới vùng đất trủng thấp, xa trông giống dính chùm cặp theo mé sông Sài Gòn, vùng Dầu Tiếng. Có nhiều chiếc chòi con con mà ở chen trong đó tới hai hộ, nhìn chiếc chòi nào cũng thấy thảm thê. Tình cảnh nầy khiến tôi chợt nhớ tiếng than thở của Đức Thầy trong bài “ Kệ Dân Của Người Khùng”:
“Thương hại bấy lê dân đứt ruột
Thảm vợ con đói rách đùm đeo
Gẫm chữ nghèo thường mắc chữ eo…”
Có những chiếc chòi chỉ là cái chõng, bốn góc chõi bốn cây rồi bên trên che tấm mủ vậy mà ở tới ba hay bốn người. Thoáng nhìn bên kia, một chiếc chòi nhỏ tệ, ước chừng bằng cái miếu thờ ông tà đối với những người mê tín vùng thôn quê hay che ở ranh đất vắng vẻ, chỗ nằm thay vì lót ván phẳng mặt họ chỉ để đòn hào bằng cổ tay mà cây cách cây thưa rỉnh, nằm xuống đó ngủ như nằm trên đống đất cày, nó cấn dãy bẹ sườn thế mà một đôi uyên ương trẻ chịu nằm ngủ trên đống cây chỏi bẹ sườn hơn hai năm rồi và hôm nay hai bạn ấy đi bán vé số. Dạo kế bên tôi có chú em tên Thích, em rủ tôi trèo lên ngôi nhà vắng chủ ấy chụp một kiểu hình kỹ niệm. Tôi đồng ý, ngồi chờ máy đến chụp một bôi hình mà đau nhớm đít mấy lần.

Đàng kia quý cô trong đoàn, vì có chuẩn bị bánh kẹo mang theo cho các bé thơ, quý vị kêu tập trung các em nhỏ lại phát, làm tiếng vui cười vang lên ầm ỉ. Thấy vậy tôi riết lại xem để hưởng ứng chương trình vui với trẻ. Đến nơi để mắt qua bên phải, tôi gặp một đàn ông lớn tuổi dáng vẻ khá phong trần núp bống nắng dưới căn chòi xem các bé vui cười với những bịt kẹo bánh trên tay. Tôi tới chào ông ta:
Chào anh! Anh rời vùng Biển Hồ Cam Pu Chia về lại với quê hương Việt Nam bao lâu rồi ạ?
Dạ, hơn một năm.
Thế anh có được chánh quyền địa phương cho nhập cư chưa?
Dạ chưa.
Chánh quyền địa phương có giúp đỡ về đời sống của bà con không?
Dạ có, nhưng không nhiều, phải nhờ thêm các tổ chức từ thiện, tôn giáo và các nhà mạnh thường quân.
Chúng tôi là đoàn từ thiện PGHH đến phát quà cứu trợ, mới nảy anh có nhận được quà không?
Dạ được. Rất cám ơn quý ông.
Tôi rảo tìm những chòi có người già và tôi tự động trèo lên chòi chào hỏi đôi câu: Xin chào quý bà con mình, chúng tôi là đoàn đi công tác từ thiện, vừa phát xong ba trăm phần quà cho bà con từ Cam Pu Chia về, lúc nảy quý vị đây có nhận được quà của chúng tôi không ạ ?
Dạ không.
Thật tiếc! nhưng khuyên bà con mình đừng buồn vì giờ bà con mình về đây rất đông, không thể có một đoàn từ thiện đến phát hết số đông của bà con trong một lần. Xin lỗi quý bà con mình nhá! Tôi biết quý vị Linh Mục ở nhà thờ Suối Dây điều phối sự phát phiếu cho các hộ nghèo rất kỷ lưởng không để thiếu sự công bằng; bà con nhiều mà quà ít, đợt quà nầy không được đợt sau sẽ được.
Cuộc hỏi chuyện của tôi, trong đoàn cũng có năm ba người đi theo đứng ở dưới, có một cháu nữ nghe câu chuyện đau lòng vói tay đưa lên tôi tờ giấy bạc một trăm ngàn đồng, nhờ chuyển đến tay một bà già nói là không nhận được quà trong đợt nầy. Thấy vậy, tôi dầu túi tiền nhẹ hỏng cũng phải móc ra tờ năm chục ngàn cộng tác.
Bây giờ đã ngán, dặn lòng có đến hỏi chuyện ở chòi nào, đừng hỏi người ta có lãnh được quà hay không… thương tình mấy đi cũng không còn tiền đâu mà cho nữa, rối !
Có được chuyến công tác từ thiện tốt đẹp nầy đều nhờ vào sự đóng góp của nhiều người. Đầu tiên tôi muốn nói là các vị mạnh thường quân ủng hộ tài vật và tôi không quên một mạnh thường quân ẩn danh đã tài trợ rất nhiều cho chuyến công tác từ thiện lần nầy, kế nữa là các thiện nguyện viên đã sốt sắn với công việc đặt mua hàng, tính toán kỷ mặt hàng nào phù hợp cho sự cứu trợ, người nghèo cần những gì và chuyển hàng lên xe. Xin chân thành cám tất cả quý vị.
06/3/2018

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018


THẦN HỘ PHÁP

Tín đồ nhà Phật hoặc những ai có niềm tin bất khả xâm phạm về các đấng vô hình phù hộ, bản thân xảy ra điều không lành hoặc về tín ngưỡng, những chuyện xui xẻo như bị kẻ ác phá hại chùa chiền am thất hoặc hành hung những vị tu hành chẳng hạn, người ta nghĩ rằng vị Thần Hộ Pháp, cũng có khi gọi là Đức Hộ Pháp sẽ bảo trì che chở tín ngưỡng của tín đồ, người lương thiện.
Thường thì ta thấy trong mỗi chùa có thượng lên ngôi thờ Thần Hộ Pháp, nhủ ý giám sát những người có hành động như ma quỷ đến quấy phá chùa, hoặc kẻ ác vô lễ với các ngôi thờ tôn nghiêm. Người ta cho tạc tượng hoặc hình vẽ vị Thần Hộ Pháp hình thể như một võ tướng, có khi tay cầm gươm, có khi cầm chày Kim Cang với tư thế sẵn sàng, nếu có ác ma đến chùa phá Phật hại Tăng thì Thần đây xông ra bảo vệ.
Có người hỏi tôi: Xin cho biết tôn danh của Thần Hộ Pháp để phòng khi gặp kẻ phá chùa hại đạo, hung hiếp kẻ tu hành kêu thẳng tôn danh quí tánh của vị ấy cứu ngay cho kịp. Tôi trả lời là chưa tìm thấy quyển Kinh Sách nào đặt nhiệm tên của vị Thần Hộ Pháp mà Hộ Pháp là một hình thức biểu trưng những người nặng nợ với đạo, bảo vệ chánh pháp tồn tại mãi mãi ở thế gian cho đến khi cõi hồng trần nầy không còn chúng sanh nào luân hồi nữa. Tất cả những người tu Phật đều có vai trò Hộ Pháp. Trước khi đắc đạo, Đức Phật còn là một nhà tu thì đã tự Hộ Pháp chánh, cho pháp chánh thường trụ trong lòng để tẩy độc những tà pháp. Sau khi Đức Phật đắc đạo Ngài liền chuyển pháp luân xuống chốn nhân gian độ đời như Đức Huỳnh Giáo Chủ nói:
“Thương quá sức bắt cuồng tâm não
Quyết cứu người dùng đạo phổ thông.”
“Thương quá sức nên ta bịn rịn,
Quyết độ đời cho đến chung thân.
Nếu thế gian còn chốn mê tân,
Thì ta chẳng an vui Cực Lạc.”
Người ta nghe được giáo pháp lòng sanh kính trọng phát nguyện quy y. Trong Kinh Niết Bàn Phật cũng dạy:
“ Thuở xưa ta nhờ nhân duyên Hộ Pháp mà nay thành tựu đặng cái thân Kim Cang nầy, thường trụ chẳng hoại…”
Đức Phật đi từ quá khứ xuyên qua hiện tại đến vị lai lúc nào cũng là Hộ Pháp, chúng sanh nhờ Pháp của Phật quy y tu hành, lòng luôn kính trọng bảo vệ chánh Pháp. Sự kính trọng, Hộ Pháp tạm kể có hai dạng: Đối nội và đối ngoại.
Đối ngoại: a, Hộ Pháp là truyền bá rộng khắp lời của Phật thuyết ra  để nhân sanh có cơ hội tích phước tùng thiện, theo sáng bỏ tối, làm điều chơn chánh, tẩy rửa muội mê… b, Che chở, ngăn cản, đối trị những kẻ ác ôn, tà sư ngoại đạo có hành động xâm hại giáo hội, tín ngưỡng tôn giáo như phá chùa, hành xử lổ mảng đối với các vị tu hành, mỉa mai bày bác giáo lý tôn giáo. Điều nầy thường hay xảy ra ở những quốc gia bị kẻ ngoại địch xâm lăng thống trị, hoặc chánh quyền của dân nhưng nền chánh trị độc tài, không ưa tôn giáo… khiến các vị Hộ Pháp quá nhiều vất vả.
Đối nội: Hộ Pháp là hành giả đối với chính mình. Cách Hộ Pháp thiết yếu hữu hiệu nhứt là, Phật đã trao giáo Pháp, giáo điều đến ta thì ta bảo vệ hành sử đúng theo. Đức Phật dạy rất nhiều Pháp để chúng sanh tùy tâm tính mà chọn lựa vừa lòng. Nhiều Pháp như thế nhưng chung quy cũng gom về một nền tảng Giới, Định, Huệ. Nếu người tu hành không tôn giới luật làm trọng sẽ không dễ được Định, không có Định mãi mãi không phát Huệ và như thế chính mình là người không Hộ Pháp. Đạo không có người hành đạo mà chỉ lo bảo vệ đạo khi có kẻ khác quấy rầy. Bảo vệ đạo cho người khác tu nhưng không có người khác nào tu, chuyện như giữ đạo ngoài da mà ruột không có, chỉ phô trương cái vỏ bề ngoài rốt lại được gì. Hành giả không tự hộ Pháp bằng thực hành Giới, Định, Huệ thì những người Hộ Pháp ở dạng đối ngoại, các vị hy sinh bảo vệ sự bình an, giữ gìn giáo hội, chùa am… chẳng hóa ra mất ý nghĩa sao?

Ngoài kia đầy sóng gió người ta bỏ công làm rào cảng sóng gió cho ông đạo yên ổn lo tu mà ông không chịu tu, người ta quí trọng chùa, tôn giáo và giáo Pháp, có khi đụng chuyện phải hy sinh để bảo vệ chùa tôn giáo và giáo Pháp cho ông yên tịnh tu hành, chỉ cần ông Hộ Pháp bằng cách đừng để quên mất Phật Pháp trong lòng. Không đủ khả năng của người làm rào cảng sóng gió thì thôi đừng lo chống đối ai, việc đó để Thần Hộ Pháp đối ngoại có bản lĩnh, ông lo mà chống đối với giặc phiền não, những tên giặc làm cho ông không giữ giới, rối loạn tinh thần và mất đi sự sáng suốt. Nếu ông Hộ Pháp chỉ là học thuộc giáo lý nhiều, đi giảng thuyết mong người ta hành theo mà mình không hành theo lời Phật dạy, với thái độ nghịch lý đó, chỉ giảng thuyết thôi mà tự đề cao mình là người truyền bá, Hộ Pháp sao? Người ta nghe xong ngộ được lý, hành theo để từ giáo lý đạt đến chân lý, mà ta chỉ đứng ở cuối ranh giới giáo lý không bước qua chân lý, là chờ vòng quay luân hồi đến dẫn đi sao ?
Cất chùa là khó bởi sự tốn hao tiền của công sức, nhưng chùa vốn có hình tướng, vật chất, dù khó khăn thiện tín vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ. Cất được chùa rồi, kiếm một người xứng đáng lên làm chủ chùa là chuyện khó. Ăn cơm chùa, mặc áo nhà chùa thì mỗi mỗi hành động, tư tưởng, ngôn ngữ phải hạnh cách đạo đức.
Hôm nay gặp gở nhau, huynh đệ chúng ta đều là người kính trọng Phật Pháp, muốn bảo vệ điều ta hiểu về Phật Pháp đem san sẽ người khác hiểu và khuyến khích họ tu, căn bản đi từ Giới, Định, Huệ. Nhưng ta không tu thì vấn đề tôn kính Phật Pháp của ta tuy không nói là vô nghĩa, nhưng sự ích lợi ở độ giữa chừng. Lộ trình dẫn tới mục tiêu ta đi mới giữa chừng ngừng lại chờ chết, hết một kiếp, kiếp sau đi lại từ đầu… có lẽ chúng ta cũng vì nhiều kiếp đi mới giữa chừng ngừng lại chờ chết để giờ hội tụ lên kiếp chót nầy (Kiếp chót của chu kỳ lý Tam Nguơn) nếu lần nầy không đi tới mục tiêu mà dừng lại giữa chừng như những kiếp qua, kiếp sau sanh lên Đời Thường Nguơn tái diễn một chu kỳ mới phải mất hơn mười ngàn năm nữa mới đầu thai lên được như Đức Thầy dạy:
“Chớ mong Yến Thử ẩm hà
Mười ngàn năm lẻ cửa nhà đâu con.”
Biên soạn tác phẩm “Đời Thượng Nguơn” ông Vương Kim đã nghiên cứu qua nhiều quyển Sấm Truyền, xác định đời Thượng Ngươn sống tuổi dư muôn. Nếu vậy lần chót nầy ta không đi thẳng đến mục tiêu mà ngưng nghỉ giữa chừng đợi chết đến như hồi lần thì phải chịu chờ tới hơn mười ngàn năm nữa mới đầu thai lên cõi nhân gian thượng nguơn.
Tóm lại, mỗi đồng đạo chúng ta đều có tinh thần và bổn phận phải Hộ Pháp, gìn giữ giáo pháp, giáo hội, chùa am cho khách thiền môn thuận duyên an nhàn tu niệm là một điều hay rất đáng trân trọng, khuyến khích; nhưng giữ yên sóng gió cho người ta tu mà mình không tu thì rất là thiệt thòi. Hộ pháp bằng không cho mất sở hửu vật chất của giáo hội mà mất đi đạo tâm Giới, Định, Huệ trong mỗi hành giả thì rất là tiếc lắm.
02/3/2018