Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

CÚNG GIỖ VÀ CÚNG THƯỜNG
Nhớ hôm đi dự dám cúng tuần giáp năm cho tu sĩ Trương Văn Vện tôi mới cảm nhận được giá trị đạo đức của vị tu sĩ lớn tuổi nầy qua sự ái mộ của đồng đạo bà con cô bác gần xa. Nhứt là giới trẻ trong đạo đã trọng Ông như cây to bóng mát trong làng. Nhìn hạnh cách của các em cháu, những đứa đã qua sự giáo dục uốn nắn của Ông tôi cũng cảm nghe lòng thân mến.

Con người ai cũng phải một lần chết, nhưng người có đạo đức thâm niên xem sự chết đi như người ta thay đổi cho mình bộ quần áo mới, vui chớ không buồn, mừng chớ không sợ. Không tu niệm nói đến cái chết thì rất sợ, một: không đành lòng lìa bỏ thế gian với những người thân yêu và tài sản, hai: cảnh dữ hiện đến. Người tu Niệm biết thân nầy là giả thân, quyến thuộc do nhân duyên, nghiệp duyên đời trước kết thành, còn duyên thì ở hết duyên đi, không bận. Hằng ngày cầu khẩn Phật Trời và hành thiện không hành ác, nghiệp duyên đời trước roi lại thì mở chớ không buộc, làm thiện có thiện hạnh sẽ ứng phước báu trang nghiêm được thấy Phật, Bồ Tát mà sanh tâm hoan hỷ, đến lúc bỏ cái giả và những thứ nghiệp duyên đeo đắm là tự do tự tại. Nhà giàu mà thay cũ đổi mới đồ mặc thì cái mới mua bao giờ cũng là hàng đẹp, hàng hiệu, chất lượng, từ I Sô chín ngàn lẻ hai lấy lên, cực kỳ tốt đẹp.
Trên đời hễ người ví cái đẹp thì đẹp như Tiên, nhưng Ông huynh ta đổi áo Tiên thì chắc là không có. Bình sanh Ông tu xin được mặc Liên Hoa bên ao sen báo cõi Tây Phương thôi.
Nếu tính tuần giáp năm thì tuổi Ông lên đến thất thập, trên dưới năm mươi năm tu liền lạc, giữ hạnh độc thân để dễ tu và khuyên tu người khác, lòng mong đến lúc lâm chung sẽ vãng sanh Tịnh Độ. Đoàn hậu tấn của Ông kính Ông là rất phải lẽ vì những điều Ông tu và khuyên tu đã hiện hữu dấu hiệu “Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc”. Nay Ông không còn ở thế nhưng sự ảnh hưởng của cây to bóng mát Ông trồng trong làng vẫn còn tàng che mát dịu để người ta gợi nhớ về Ông mà vui lây cái vui của người đi mặc áo Sen qua thế giới bên kia.

Rất đông khách liên tục cầu nguyện. Tôi mới đến không chen vào vị trí sắp hàng ngay được, cho dù tôi có gắp về cũng không thể. Hậu duệ của lão tu sĩ mời tôi vào ngồi bàn trà nước mà bàn nào cũng không có ghế tróng. Bàn tôi định chen ngồi đã chật chỗ mà lại thiếu ghế, thấy vậy một đồng đạo trẻ đứng lên nhường ghế mời tôi ngồi và chú ta đi tìm ghế khác. Được ổn định chỗ ngồi có người hỏi tôi:
- Thưa chú tư! Trong bài “Báo Hiếu Đạo Nhà” của Đức Thầy có hai câu “Cháu con báo hiếu theo nhà Phật, Cha mẹ qua đời thủ lễ chay”. Nếu báo hiếu theo nhà Phật là Ông Bà cha mẹ quá vãng thì tới kỳ cúng giỗ phải cúng chay. Còn theo Sám Giảng Quyển Ba Đức Thầy dạy “Giường linh đơm quảy mới là, có chi cúng nấy vậy mà dân ôi”. Có chi cúng nấy, phải chăng là kẻ cúng chay người cúng mặn đều được chứ gì? Hai đoạn cháu vừa trích đọc đều là của Đức Thầy dạy mà một chỗ chay mặn đều được, còn một chỗ lại phải cúng chay tuyệt đối. Cháu xin được hiểu biết qua ý của chú ạ ?
- Câu hỏi đã hay mà còn là chính xác nữa! Xét thấy hai đoạn mà cháu trích đọc hành sự đã đứng khác chỗ, là hai vấn đề: một ở vị trí cúng giỗ, mỗi năm chỉ một lần và hai: ở vị trí cúng cơm hàng ngày. Theo như chúng ta biết, cúng giỗ là lễ hội gia tộc, quý quyến bà con họ hàng bên nội bên ngoại và bà con láng diềng, họ đến tham dự lễ giỗ với ý nghĩa kỹ niệm mà con cháu phải có trách nhiệm, bổn phận làm hiếu sự các vị tiền bối đại ơn đại đức của mình. Trên đời có nhiều cách báo hiếu từ gốc các đạo Phật, Thánh, Tiên, Thần nhưng Đức Thầy chọn cho môn đồ của Ngài cách báo hiếu theo nhà Phật. Như quý vị đây biết, Đạo Phật có gương hiếu hạnh của Đại Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ là bà Thanh Đề. Mẹ Ông hồi sanh tiền tạo nghiệp chướng mang trọng tội, chết đọa vào A Tỳ Địa Ngục làm thân Ngạ Quỷ. Mục Liên dùng thần thông xuống nơi mẹ chịu cực hình, thấy mẩu thân bị hành tội mà lòng đau như cắt, trở về bạch Phật chỉ cách cứu mẹ. Nhân rằm tháng bảy chư tăng đã mãn khóa An Cư Kiết Hạ, sau 3 tháng ở nơi vắng vẻ tịnh tu, tấm lòng trong sạch, Đức Phật dạy Ông Mục Kiền Liên hãy đến thỉnh cầu chư tăng có nhập khóa hạ nói trên làm lễ độ siêu cho mẹ Ông. Mục Liên y theo lời Phật dạy, dâng chay phẩm cúng dường chư tăng, khẩn cầu các vị chú nguyện kinh siêu độ mà dưới cõi địa ngục A Tỳ mẹ của Ông thoát kiếp Ngạ Quỷ sanh lên thiên giới. Để nhắc lại tích xưa, chứng minh “Báo hiếu theo nhà Phật” là rõ ràng, Đức Thầy có câu:
“Mục Liên cứu mẹ bằng nay
Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi”.
Chỗ nói “có chi cúng nấy” là áp dụng cho ngày thường, cúng cơm hằng bửa trên bàn thờ Cửu Huyền (Giường Linh). Tín đồ PGHH có hai mức tu, dùng chay kỳ tu và dùng chay trường tu. Chay kỳ, tối thiểu mỗi tháng phải dùng bốn ngày chay vào những ngày mười bốn rằm, hăm chín ba mươi, tháng không có ba mười thì dùng ngày mùng một, như  câu: “Chay bốn bửa ấy là quy tắc”, còn chay trường tu thì nhiều câu lắm, chẳng hạn như:
“Tương với muối cháo rau đạm bạc
Nghèo lương hiền biết Niệm Di Đà”
“ Tương dưa giữ phận cho tròn”
Hoặc:
“Đồ lao buốn lánh sớm nghe ta,
Bố thí, trì chay, giữ giới mà”.
Do đó câu “có chi cúng nấy” người dùng chay soạn thức ăn chay nên phải cúng chay Ông Bà cha mẹ quá vãng độ chay, người dùng mặn soạn thức ăn mặn, soạn thức ăn mặn tất nhiên là cúng mặn…
Thưa chú ! Dựa theo luật nhân quả “Sát một dao đền một dao, giết một mạng đền một mạng” của Kinh Đại Thừa Kim Cang nói, Đức Thầy cũng bảo rằng “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy” không thể trồng nhân nầy mà quả ra thứ khác. Đức Thầy có câu:
“Luật nhơn quả thiệt là cao viễn
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.
Nếu con cháu ăn cúng vật sát sanh hằng bửa cho Ông Bà Cha mẹ thì ai lãnh tội nầy, con cháu hay những người quá cố?
Em trai! Đi sâu vào chuyện nầy có thể sanh phiền phức với những đồng đạo dùng chay kỳ, nên câu hỏi tội hay không và ai tội ai không tội xin cho qua đi nhá, được không? Với lại, trong đạo, Đức Thầy cho phép môn đồ dùng chay kỳ, các tiền bối của chúng ta xưa cũng làm như vậy, chữ nghĩa rành rành đó và lời cân nhắc kỷ lưỡng “có chi cúng nấy” thì ta không nên buột tội cho nhau. Với lại qua vấn đề cúng kiến, Đức Thầy dụng ý rất rõ “ Mỗi khi ăn cơm với mấm muối chi cũng vậy đều nguyện vái Cửu Huyền Thất Tổ, Ông Bà cha mẹ quá vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo”. Nói như thế là có ý: ăn món “ chi cũng vậy” là để tỏ lòng hiếu thảo chứ ai thấy có mất miếng thịt, miếng Tàu Hủ nào. Chúng ta nghe lời Đức Thầy về sự “Tỏ lòng hiếu thảo”, nó thuộc tấm lòng thì đừng nên đem vật chất ra mà mổ xẻ dễ sanh bất hòa nội bộ.
-         Sợ nói thẳng mất lòng thì thôi vậy. Còn như cháu xin chú cho một lời khuyên những đồng đạo cứ chấp chặc cái “qui tắc” bốn ngày chay mãi để về sự có chi cúng nấy mà cúng mặn suốt cho Ông bà Cha Mẹ thì chú nói với họ thế nào?
Nếu có thể nói được thì tôi sẽ nói: những người con có lòng hiếu thảo với cha mẹ mình nên dùng chay, cúng cơm chay hằng bửa để trong việc ăn uống Cha Mẹ không phạm thêm tội. Sống vì lo nuôi con mà tu chưa tròn đạo hạnh vãng sanh Tây Phương. Khi song thân chết trong cảnh nghèo nàn bất hạnh mà con thì chỉ được cái lo chơi bời ăn bám sức lao động của cha mẹ già, bị cô bác xóm làng nguyền rủa mới sực tỉnh hối hận tự trách mình: ước vì cha mẹ sống lại để cô cậu trả hiếu. Với những cháu con ăn năng như thế, thôi giờ hãy cho đấng sanh thành hóa cố có cơ hội tu phần hồn như Đức Thầy bảo “Xác tuy mất hồn thiêng chẳng mất” hãy dùng chay cầu nguyện và cúng chay để cho Ông bà từ rày trong ăn có tu … Tôi xin khuyên rằng nếu không từ chay kỳ vượt lên chay trường theo thông lệ tự nhiên phù hợp với câu “Đường đạo đức bước đi từ nấc” của Đức Thầy để được cúng chay hằng bửa cho Ông Bà Cha Mẹ quá vãng, tốt nhứt, làm ra tiền đặng mà mua cúng thì phải đồng tiền trong sạch, từ những nghề nghiệp chơn chánh, không phải tiền do trộm cướp sát nhơn, cờ bạc, nuôi điếm bán Á Phiện, buôn rượu, tiêu thụ đồ gian, lừa đảo… làm có đồng tiền không thiện mua đồ dâng cúng lên Ông Bà Cha Mẹ thì tội nghiệp quá đi.

31/8/2016

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

RẤT BUỒN BÁ TÁNH


Kính thưa chư quý đồng đạo! Hôm qua tôi mở quyển Sấm Giảng Giáo Lý, lần tìm bài “Dăn Dò Bổn Đạo” mò mẩm xem Đức Thầy có ẩn ý vì trong những lời lẽ dặn dò bổn đạo trước khi Ngài vắng mặt. Tôi đọc đến câu “Rất buồn bá tánh biết bao” liền giật mình. Nói như thế không phải từ trước đến nay tôi chưa đọc bài nầy; đọc lắm lần nhưng chưa có cái cảm giác, cảm xúc mạnh đến đổi như lần nầy. Lấy thẻ ngăn dấu gắp đôi quyển Sấm Giảng lại. Tôi tự nhủ: Bá tánh là trăm họ trong đó có mình. Tôi cảm thẹn và đặt ra câu hỏi Tại sao Đức Thầy buồn Bá Tánh? Suy nghĩ một lúc chưa có câu trả lời, mở quyển Sấm Giảng ra đọc tiếp “Nạn nguy sắp đến mà ngao du hoài”. Thì ra, buồn bá tánh vì nạn nguy sắp đến không lo mà tránh, cứ tính chuyện đi chơi (ngao du).
Căn cứ vào sự kiện “buồn bá tánh”, ta nên tìm hiểu nạn nguy sắp đến hình thể của nó là gì? Tôi thấy có ba cái nguy lớn: chiến tranh, Thiên tai và nghèo đói là điều đáng đem ra bàn bạc.
Nạn nguy của Chiến Tranh: theo tài liệu chúng tôi biết được từ “Bách Khoa Toàn Thư mở wikipedia” cuộc chiến tranh thế giới lần hai, cũng gọi là đệ nhị thế chiến, một số nhà chuyên môn theo dõi cho rằng cuộc chiến bắt đầu từ lúc quân đội Đức khởi binh xâm lược nước Ba Lan ngày 1 tháng 9 năm 1939, một số khác tính ra thì nói sớm hơn, họ căn cứ vào ngày quân Nhựt xâm chiếm Trung Quốc 7 tháng 7 năm 1937.
Đức Thầy là bậc cổ Phật lâm phàm khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, trong vòng nửa năm con Mèo còn lại Ngài viết bốn quyển Sám Giảng làm giáo lý dạy tu; quyển tư với tựa đề GIÁC MÊ TÂM KỆ là quyển cuối trong năm khai sáng đạo. Đức Thầy viết Sấm Giảng quyển Nhứt với tựa đề “KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM  Ngài chỉ đề năm sáng tác chứ không đề ngày tháng, nhưng khi sáng tác quyển Nhì “KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG Đức Thầy đề ngày 12 tháng 9 năm 1939 thì biết, lúc sáng tác quyển Nhứt tất nhiên trước đó. Nếu căn cứ theo Bách Khoa Toàn Thư đưa ra sự kiện quân Đức xâm chiếm nước Ba Lan ngày 1 tháng 9 năm 1939 là khởi đầu cuộc chiến thì sáng tác quyển Nhứt phải trước đó, bởi tiên tri không thể đến sau sự việc.
Trong Sấm Giảng quyển Nhứt Đức Thầy tiên tri đệ nhị thế chiến sắp diễn ra bằng những câu:
“Mèo kêu bá tánh lao xao,
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉnh ghê.
Con ngựa lại đá con dê
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
Khỉ kia cũng bị xáo xào
Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng”.
Tiên tri năm khởi ra chiến tranh là năm Mèo 1939 đi qua năm con Rồng, con Rắn, con Ngựa, con Dê, con Khỉ, để đi đến chấm dứt là năm con Gà “canh khuya gà gáy” 1945 mới ngưng là hoàn toàn đúng.
Đức thầy nói “Nạn nguy sắp đến” chúng ta tìm tất cả những nguy nan thì đâu có nguy nan nào cao hơn về nguy nan chiến tranh. Hai bên lâm chiến thì mạnh được yếu thua nhưng nhân dân vô tội mà bom đạn lại vô tình kết thúc cuộc đời họ. Con người có nhiều cách chết nhưng chết về chiến tranh là gớm ghiếc nhứt. Tuy bài Dặn Dò Bổn Đạo Đức Thầy viết vào tháng hai năm canh thìn, sau khởi đầu cuộc đệ nhị thế chiến 1939 nhưng sự chết chóc thảm thê chỉ ở các nước ngoài còn Việt Nam bây giờ thì quân Pháp làm chủ tình hình. Những vị anh hùng dân tộc Việt có nổi lên đánh Pháp cũng là lẻ tẻ, sự chết chóc chưa đến đổi phải than là nạn nguy. Nhựt xâm chiếm Trung Quốc ngày 7 tháng 7- 1937 máu nhuộm đầy đất. Đức Thầy nói về sự sát hại đó:
“Chú Lùn Nhựt Bổn hùng hào
Chẳng thương sanh mạng quân Tàu dạy ngu”
chắc chắn diễn cảnh ấy sẽ đi tới Việt Nam nên Đức Thầy mới tiên tri là nạn nguy sắp đến. Rõ ràng năm 1945 Nhựt đảo chánh Pháp tại Việt Nam, sự chết chóc của cuộc đảo chánh xảy ra với những kẻ khác giống dòng mới thiệt là rùng rợn. Hai tên ngoại quốc đã làm giặc với nhau trong nhà mình thì nước chủ nhà sẽ lãnh đủ sự hư nát, còn gì nữa mà không gọi là nạn nguy sắp đến.
Nạn nguy vì nghèo Đói: Đất nước có chiến tranh nhứt là ngoại xâm, các mô hình kinh tế bị ảnh hưởng súng đạn khó làm ra sản phẩm. Việt nam ta được thiên nhiên ưu đải, có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, Theo lời Đức Thầy nước ta khi ấy lâm vào cảnh nghèo lụn vì bị quân Pháp phá hoại
“Hỡi Đồng Bào! Hỡi Đồng Bào!
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc
Ngày lại ngày siết chặc giống nòi.
Lật qua các báo mà coi,
Thấy con số chết xem mòi kinh nguy.
Cũng tại vì Tây-Vi bày kế,
Phá hoại nền kinh tế nước ta.
Làm cho điên đảo sơn-hà
Làm cho điêu-đứng con nhà Lạc-Long”
Miền bắc họ cho nhổ lúa trồng Bô cung ứng quân nhu. Cũng trong bài “khuyến nông” Đức Thầy viết rõ thực trạng đó:
“Giờ đây xem lại mùa màng,
Năm rồi miền Bắc tan-hoang còn gì.
Chỉ có xứ Nam Kỳ béo bở,
Cơ hội nầy bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền chủ phu nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang”.
Miền Nam ta được trồng lúa, nhưng Pháp bị lực lượng đồng minh vây hãm, cô lập, nông dân trồng lúa trúng mùa bán ra không được riết dân phải bỏ ruộng. Đến khi Nhựt đảo chánh Pháp Đức Thầy có dịp đi khuyến nông, kêu gọi nông dân “nắm tay trở lại cánh đồng”.
Nạn nguy bởi thiên tai: Tức Ách Trời. Đức Thầy nói “Ách Trời nạn nước thình lình”. Mưa nắng sái mùa, sái tiết, sanh ra dịch bệnh, mùa màng thất bát, khi khô hạn thì khô đến nứt nẻ đất, lúc thì bảo tố nước ở đâu cuồn cuộn dâng lên, cuốn mất tài sản và người.
Kính thưa chư đồng đạo! Tôi vừa trình bài sơ lược về “Nạn Nguy Sắp Đến” của thời kỳ đệ nhị thế chiến đã qua. Xét lại tình hình trong nước hiện nay:
Về Chiến Tranh: Trung Quốc luôn là nổi ám ảnh thê lương của nhân dân Việt Nam về lãnh hải và lãnh thổ. Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm. Họ tự biết mình làm vậy là vi phạm luật pháp quốc tế nên đã tự động đem quân, tàu chiến ra biểu dương sức mạnh trên biển đảo, xâm chiếm biển đảo của Việt Nam cũng làm ảnh hưởng lớn đường tàu quốc tế. Nhiều nước thấy vậy cũng đem quân, tàu chiến túa ra ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc về biển đông. Trời chuyển thì ắc có mưa, chưa biết lúc nào Việt Nam xảy ra chiến tranh. Bên cạnh hành động khiêu chiến, Trung Quốc chẳng những biểu dương sức mạnh quân sự mà còn đẩy những mô hình kinh tế độc hại qua Việt Nam như trường hợp khai thác Bauxite ở vùng Tây Nguyên và công ty Formosa nhà máy thép, chất thảy công nghiệp đã gây độc hại bốn tỉnh miền Trung và rải rát những vùng lân cận.
Về Nghèo Đói: Việt Nam ta từ xưa nguồn kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; cái nước lúa gạo tại nhà, nghèo thì có chứ làm sao đói được. Thế nhưng, Đức Thầy báo trước lý do nghèo đói là do nước ngoài gây nên:
“Nghèo với đói từ đây sẽ biết,
Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài.
Nên bá gia hãy rán miệt mài,
Dầu rách rưới cũng mau cần kiệm.”
Kinh tế nông nghiệp phát triển có chừng mực mà hàng ngoại bang bố thiết (nhập khẩu) hoài hoài những đồ xa xí. Nhà tiền không dư cũng học đòi se sua sắm dọn, hoặc đi đây đi đó vui chơi, ruộng lời không đủ mua sắm trưng dọn, theo tôi biết rất nhiều rất nhiều nông dân giấy chứng khoáng ruộng đất không có trong nhà, thế chấp ngân hàng để lấy ba trăm triệu, năm trăm triệu… con nợ nó dần dần lên mà sắm dọn thì cứ sắm dọn, đi chơi cứ đi. Tiền xài từ ruộng, nếu thời tiết khắc nghiệt quá ruộng bị thất mùa, thu nhập không cao, đã thiếu vốn làm mùa lại mà vợ chồng con cái trong nhà chơi sang, hễ thấy hàng gì mới đẹp là mua, đi vay vốn cộng thêm tiền se sua sắm dọn “ hàng ngoại bang” thành một đống nợ, trớt thêm một mùa vụ nữa sẽ kêu bán đất, bán nhà.
Về Thiên Tai: Nhưng dẩu sao đất còn làm ruộng được cũng đỡ hơn. Đồng bằng sông Cửu Long là dựa lúa cho cả nước mà vừa rồi đã bị thời tiết đe dọa, những tỉnh ven biển bị nước mặn dâng lên bức tử đồng ruộng, vườn cây ăn trái, khiến nhiều hộ nông dân đối mặt với nghèo thiếu bao vây đóng cửa nhà đi xa làm mướn, chịu cảnh tha phương cầu thực đợi chừng nào nước ngọt về đẩy mặn ra biển thì mới trở lại ruộng đồng.
Hiện giờ nhằm mùa mưa, lũ trên nguồn đưa xuống, các kênh rạch nước mặn đã bị đẩy ra biển, chừng hết mùa mưa chưa biết năm tới ra sao trong khi trái đất gần như vài năm trở lại đây nhiệt độ mỗi năm đều tăng. Nhiệt độ tăng thì trùng trùng núi tuyết ở miền Bắc Cực phải tan chảy đùa xuống biển khiến nước biển bị nén dâng lên đồng ruộng. Các báo đài đưa tin miền Tây dựa lúa có mười một tỉnh mà hết chín tỉnh đồng ruộng bị mặn xâm nhập. Chưa biết chừng hết mùa mưa sang năm tới thế nào.
Tình trạng nhiệt độ trái đất tăng, thời tiết đáng sợ, con người cảm thấy khó chịu, dễ sanh bệnh cộng với sự ô nhiểm bởi chất độc thảy ra từ công kỹ nghệ, từ những tụ điểm chặt phá cây rừng, khai thác tài nguyên dưới lòng đất, khiến quả địa cầu cằn cổi nhanh, hết sinh tố thì độc tố lấn hiếp hòa vào không khí mà sự hít thở của ta không còn trong lành. Bây giờ nhiều người không bệnh, đi xe xẩy đó mà chừng chết là chết ngang.
Tóm lại: Những nạn nguy kể trên từ chiến tranh đến thiên tai, bệnh tật, nghèo đói là “sắp đến” Đức Thầy lo sợ cho bá gia bá tánh không thể sống yên mà bá tánh đâu hay cứ se sua với đời, vui chơi đây đó, Ngài rất buồn cho họ.
Để tránh được những nạn nguy sắp đến ấy, Đức Thầy dạy:
“Khuyên đừng xài phí xa-hoa
Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu.
Bớt ngao du, trưng dọn se sua thì bớt hao số tiền lảng phí, dư ra giúp đời, cứu người trong cơn hoạn nạn, khổ khó; còn có thời giờ tu học Phật Pháp, gieo nhân tốt không hưởng quả xấu, Đức Thầy chắc chắn sẽ không lo buồn.
Thưa chú tư! Sự báo trước của Đức Thầy về “Nạn nguy sắp đến” thì cháu tin, nhưng đáng lẽ phải chạy đi đâu trốn khỏi cảnh khói lưa binh đao, nghèo đói bởi chiến tranh sao lại “Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu” mà giải quyết được nạn nguy?
Thưa chư đồng đạo, cuộc gặp gở của chúng ta xem chừng đã hết giờ, ở mà giải đáp thắc mắc nầy nữa là lâu lắm. Xin thông cảm để dịp sau nhá.
28/8/2016


Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Bàn về CHẤN-HƯNG PHẬT-GIÁO

Kính chào chư quý đồng đạo! Hôm nay chúng ta bàn luận về cụm từ “Chấn Hương Phật Giáo”. Quý vị còn nhớ không nào! cụm từ nầy trong hai câu kết của đoạn văn bốn câu mà cách đây vài tuần ta đã hẹn để dịp khác. Nay chính là dịp khác đã nói đó.
“Chấn-hưng Phật-Giáo học-đường,
Dưới trên hòa-thuận chọn đường qui-nguyên”.
Chắc không cần nói xuất xứ thì quý vị cũng biết hai câu ấy trích trong bài nào. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu nhá.
Chấn-Hưng: Chấn: chỉnh đốn lại, ví dụ: Chỉnh đốn lại lời nói, việc làm để người và công việc trở nên tốt đẹp. Hưng: Phất lên, phát triển lên, hưng thạnh, thạnh vượng. Chấn Hưng là chỉnh đốn lại công việc cho đúng với lập trình, mô hình đề ra và làm phát triển PGHH một cách thật sự. Ví dụ truyền bá giáo lý mà lập trình đề ra như vậy có đúng không? Không đúng là chỗ nào? Phải biết chính xác để sửa hư thành nên. Nếu đúng thì sao không hưng thịnh, phát huy đến đỉnh điểm? Nếu lập trình đề ra là đúng thì sự thật của vấn đề không phát triển tầm vóc truyền bá không lỗi ở lập trình mà lỗi ở thiếu nhân sự tốt, thiếu người có khả năng chuyên môn nên lời nói hành động của người truyền bá không được để vào lòng người hâm mộ. Điều người hâm mộ cần, giảng thuyết hay ho là một lẽ nhưng vị giảng viên phải không để lộ sự sơ hở về hạnh cách: Chấn hưng mình trước khi chấn hưng Phật Giáo. Ta cứ đi nói: Mình có trách nhiệm chấn hưng Phật Giáo nhưng không có trách nhiệm bản thân, kết quả của lời nói chấn hưng chưa cụ thể ngẩn cao, hưng thạnh.
Phật Giáo: Đạo Phật, Phật giáo ra đời hồi thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên Cơ Đốc Giáo, vị khai sáng đạo Phật dưới cõi trần này là một con người bằng xương bằng thịt do cha mẹ sanh ra có tên là Sĩ Đạt Ta, đi tu thành chánh quả hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật. Lúc chưa tu đắc đạo, Ngài là một người như bao nhiêu con người cũng sinh hoạt bình thường, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn uống ngủ nghỉ, có điều xuất thân của Ngài hơn chúng ta, Ngài là Thái Tử, ăn thì cao lương mỹ vị, hàng mặc toàn gấm vóc lụa là; ta ăn thường, mặc áo vải thô sơ. Nhưng không vì quyền quí sang trọng mà Ngài được thành Phật, và cũng không phải vì quyền quí sang trọng mà không thành Phật. Đâu lỗi do ta ít học lại nghèo nữa, áo vải che thân thì mãi mãi là chúng sanh. Ta nghèo, ít học nhưng chưa chắc đã nghèo hơn cái nghèo của tên tiều phu Huệ Năng và sự học vấn của Ngài chẳng được chữ nào, Kinh Kệ mang đầy bụng mà không biết chữ để viết Kệ trình lên Tổ, phải nhờ đồng môn viết giùm. Dựa vào nghề lên rừng đốn củi gánh về bán ra kiếm sống mà vẫn đắc được tâm Phật, địa vị Tổ Sư, một trong sáu đời Tổ của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc. Đức Thầy có đoạn khen Sư Huệ Năng:
“Đức Lục Tổ ít ai dám sánh,
Người dốt mà nói pháp quá rành.
Lựa làm chi cao chữ học hành,
Biết tỏ ngộ ấy là gặp đạo”.
Tu chỉ để tỏ ngộ bổn tâm chiếu kiến Phật Tánh của chính mình, chỗ đó không có giàu nghèo, sang hèn, thông minh hay dốt nát. Sĩ Đạt Ta tu thành chánh quả thấy rõ trong tâm của mỗi chúng sanh đều có tánh Phật như Ngài, nếu tu như Ngài tu thì sẽ thành Phật ngay hiện kiếp nên Ngài nói “ Nhứt thiết chúng sanh giai hửu Phật Tánh (Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh) và câu “Nhứt thiết chúng sanh bất thành Phật quả ngã thệ bất thành Phật” (Nếu có một chúng sanh nào (tu) không thành Phật ta thề là không thành Phật).
Đắc đạo xong Ngài đi thuyết pháp độ chúng như trong Sám Giảng Đức Huỳnh Giáo Chủ có câu:
…”Ấy mới vừa đắc đạo hoàn-toàn
Và lần bước phô-trương độ chúng.
Ngài bèn xét ở trong Phật-Chủng,
Các chúng-sanh đều có như ta,
Bị vô-minh vọng-tưởng vạy-tà,
Nên quay lộn Tà-Bà cõi khổ”
Khởi đầu cuộc “Độ Chúng” Ngài đến dạy năm anh em Kiều Trần Như tu tức khắc chứng quả A La Hán. Ngài có năm thời kỳ thuyết pháp: Thời thuyết Hoa Nghiêm, thời thuyết Tứ A Hàm, thời thuyết đại thừa, thời thuyết phương đẳng đại thừa sau cùng là thời Pháp Hoa và Niết Bàn. Ngài có Chánh Pháp Nhản tàng Niết Bàn Diệu Tâm truyền từ Tổ thứ nhứt là Ông Ma Ha Ca Diếp dẫn tới tổ thứ hai mươi tám của nước Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma, rồi Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma ôm Chánh Pháp sang Tàu truyền thêm năm đời, cộng là 33 vị Tổ.
Ngoài sự truyền thừa chánh pháp nhản tàng Niết Bàn điệu tâm từ nơi Đức Phật, sau nầy các nhà tu hành đã liễu ngộ đại pháp, dùng phương tiện độ chúng các Ngài đã dựng lên trong đạo Phật kể cả thảy mười tông phái. Mỗi tông phái đều có Tông Sư và học thuyết làm bộ môn giáo lý cương lĩnh cho tông phái mình, ví dụ như Câu Xá Tông có Câu Xá Luận, Thành Thật Tông có Thành Thật luận, Pháp Tướng Tông có Duy Thức Luận…
Học Đường: Trường học. Đã là “Phật giáo học đường”  thì trường dạy nầy là dạy đạo Phật. Khi nghe Sư Thầy hay những huynh trưởng thuyết pháp, thuyết trình giáo lý đạo Phật cũng gọi là học đạo, tuy nhiên học đạo qua các bài thuyết ở nơi công cộng chỉ bổ ích cho người học ở mức độ đề tài, còn trường học thì đi từ căn bản. Đức Thầy kêu gọi môn đồ mở chương trình Phật Giáo Học Đường là muốn tín đồ PGHH phải đi từ căn bản đó học hiểu đạo Phật.
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt xưa có thượng tọa Thích Thiện Hoa viện trưởng Viện Hóa Đạo mở trường dạy đạo, có cả thảy mười hai lớp, chương trình giáo khoa cho từng lớp và năm học. Sau nầy tài liệu học trong lớp có in thành tập đề tựa là “Phật Học Phổ Thông” ban rải rộng.
Phật Giáo Hòa Hảo tính từ năm khai sáng 1939 đến 1975 tuổi đạo chưa thành lão bối, nhưng nghĩ lúc Đức Thầy bị đày vào nhà thương Chợ Quán mà còn để tâm lo tương lai của đạo, viết lời kêu gọi môn đồ chấn hưng Phật Giáo học đường (mở trường dạy đạo Phật) sau nầy mới có bốn lớp dạy đạo ngắn hạng: Lớp Đạo Pháp Khai Tâm, Lớp Sơ Cấp, Lớp Sơ Cấp Bổ Túc, Lớp Tu Nghiệp. Hằng năm rất nhiều địa phương vùng có đông dân cư PGHH hay tổ chức mở khóa, tùy theo dân trí mà yêu cầu dạy lớp Đạo Pháp Khai Tâm hay lớp Sơ Cấp hoặc Sơ Cấp Bổ Túc… dầu tuổi đạo còn non trẻ nhưng Phật học đường của PGHH hoạt động khá hưng thịnh, mầu mở.
Ngoài ra, chương trình Phật Giáo Học Đường còn được giảng dạy giáo lý PGHH ở những trường trung học Tư Thục, Bán Công như ở quận Chợ Mới thì có trường Kinh Dương Ông Bùi Văn Ưởng dạy, tư thục An Giang trường Nguyễn Bá Trung Ông Nguyễn Văn Đon dạy, trường trung học bán công ở xã Hội An (chợ Cái Tàu Thượng) Ông Cao Hoàng Huơi dạy, trường trung học bán công Cái Dầu (Thị Đam), trường trung học bán công Thánh Địa Hòa Hảo …
Dưới Trên Hòa Thuận: Ý nói, về chỗ đứng (địa vị) lớn nhỏ, cao thấp nên sống hòa thuận với nhau, trên nói dưới nghe, dưới nói trên lắng nghe, chị ngả em nâng, hòa thuận để hợp tác thành công những điều ích lợi chung cho nền đạo. Trong một gia đình mà dưới trên hòa thuận thì tốt chị tốt em, cha mẹ danh dự, công việc cho dù lớn lao mà đồng lòng là hiệp sức gánh vác chuyện lớn cũng thành nhỏ, không đồng lòng, người nầy làm người kia không làm mà còn chỉ trích, chê bai, chuyện nhỏ cũng không xong.
Công tác đạo sự là công tác lớn, đạo bao gồm cả thế gian, cần phải “dưới trên hòa thuận” mới làm nổi việc lớn. Ta vì sự ích lợi cộng đồng mà truyền bá đạo Phật, ích lợi của bản thân nếu không dẹp được thì cũng phải hạ bớt ngọn cái tâm tính hẹp hòi riêng tư của mình để hòa nhập dòng chảy chung với chư đồng đạo làm công tác. Thuyền ra sông lúc đầy sóng gió, trên một con thuyền mà Ông chèo lái Ông chèo mủi không thuận nhau, người chèo Nam, kẻ bơi Bắc suốt như vậy thì ghe tới đâu?
Chọn Đường: Đường đời vạn nẽo, Phật Pháp là phương tiện Pháp nên Phật thuyết rất nhiều pháp để tùy trình độ chúng sanh chọn dùng đúng pháp, đi đúng đường. Đường nào cũng về Phật thì khi đã chọn đường nào hãy đi miết con đường đó, đừng có ham hố quá nhiều đường (pháp) nhảy qua nhảy lại lung tung làm cho hành trình chậm mất. Đức Thầy có câu:
“Đức Phật Tổ nào đâu hẹp lượng,
Chịu nhọc nhành mới rõ Đạo-Đề.
Thấy một đàng thẳng-bẳng mà mê,
Ôi chừng đó mới là mầu-nhiệm”.
Qui-Nguyên: về nguồn xưa. Nguồn xưa của đạo Phật không trọng về hình thức, âm thanh sắc tướng, đúng như lời Phật thuyết:
“Nhược dỉ sắc kiến ngã, dỉ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như-Lai”
(nếu dùng sắc tướng, âm thanh cầu Phật,
 người nầy theo đạo tà, rốt không được Phật đâu).
Đức Thầy vâng lệnh Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni lâm phàm độ thế như câu “ Đền Linh-Khứu sơn trung chịu mạng”, nên trong việc chấn hưng Phật giáo, về thờ cúng Ngài kêu gọi mọi người “nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào-nháng bề ngoài”; còn về giáo lý để tín đồ tu học Ngài nói:
“Đạo vô-vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích  Ca ngày trước”.
“ Đạo Thích Ca nhiều nổi cao sâu,
Hãy tìm kiếm cái không mới có”.
Tóm kết đại ý: Phật giáo đang lạc mất đi tính nguyên thỉ, đạo vô vi của Phật nay đã tạo ra quá nhiều hình tướng, hành giả thì chấp lý bỏ sự, giới đức không nhường. Do đó Đức Thầy kêu gọi môn đồ phải “Chấn Hưng Phật Giáo” lại cho đúng cội nguồn xưa. Nhìn hiện tại thì thấy phần đông các nhà tu học, có hơi khôn lên một chút liền bảo thủ không chịu hòa nhập với cái khôn của vị khác tạo nên sức mạnh cho tiến trình truyền bá đạo Phật, có vị lo tu cho riêng mình, chết ai nấy chịu; các chức sắc hoạt động tôn giáo tâm tư phân tán bởi những cái vẻ bề ngoài rồi mạnh ai nấy bảo thủ khiến nên trong một tôn giáo mà chia nhiều tổ chức, phe nhóm, làm suy yếu tinh thần đoàn kết của PGHH. Dưới trên không hòa thuận còn có sức mạnh đâu nữa mà Phật Giáo tỏ rạng như xưa. Để làm được điều nầy thì những người trong tôn giáo đạo Phật phải “ Dưới trên hòa-thận, đồng một tấm lòng mới làm nổi công cuộc lớn lao nầy.

25/8/2016

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

QUYỂN SẤM GIẢNG
Quyển Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ nầy của Ban Trị Sự Trung Ương GH.PGHH hải ngoại.

Trời chiều dịu nắng nóng, tôi ra sân hóng gió tìm ít không khí trong lành hơn là ngồi trước cái quạt máy “tranh quyền tạo hóa nồng thay lạnh”. Giống tôi đi đâu xa lâu về, nhìn cây Bồ Đề phát lạ, giươn tàng che bít những chậu mai sần sù, và những cọng hoa Lan treo lòng thòng dưới những tàng lá Bồ Đề rậm mát. Tiếng ngâm nga giọng giảng văng vẳng của một cô nông dân làm cỏ rẩy cận bên, giọng đọc nghe cũng hay hay mà trật chữ lắm, khiến tôi nhớ chuyện xa xưa:

Sau cái ngày gọi là giải phóng đất nước, PGHH lâm vào cảnh bi đát nhất, bị quân giải phóng cột buột các vị lãnh đạo Giáo hội phải từ bỏ sinh hoạt tôn giáo, các cơ sở tôn giáo bị tịch thu và giáo lý phải đem nạp cho họ. Mất hết rồi … tôn giáo mà không có giáo lý lấy đâu cho tín đồ tu học?
Thời kỳ đen tối nhất là kẻ quyền lực đã bắt buộc Giáo Lý PGHH của Đức Thầy là văn hóa đồi trụy, kêu nhà ai có phải đem giao nạp bằng trì hoãn, giấu đút khi bị bắt là không có quyền khiếu nại về sau. Phần đông đồng đạo ta quá sợ đã đem giao, một số thà đốt chớ không nạp, còn lại một số ít khác không giao không đốt, để bó kín trong nhiều lớp mủ hoặc dồn nén trong thùng đại liên 50 (thùng không) đào đất chôn cất. Sau nầy giông gió qua luồng người ta moi đất đem lên xem một cách cẩn thận, kín đáo, hễ có nghe tin rụt rịt thì moi đất chôn lại, đậy củi đậy rơm hoặc trồng trọt gì trên dấu đất mới đào, phi tang dấu vết. Có người đem chôn kín quá lâu, sợ không dám lấy lên coi, chừng sau nầy moi lên mới hay bị mối ăn mất chữ quá nhiều.
Từ khi ban Quân Quản ra lệnh giải tán Ban trị sự Giáo hội PGHH các cấp và tịch thu các cơ sở, giáo sản của đạo; qua thời gian dài theo dõi không thấy tín đồ PGHH sinh hoạt hội nhóm họ an tâm về tình hình an ninh đối với tôn giáo bản địa nầy. Dựa vào thời cơ tróng hở, huynh đệ ta lén lút gặp nhau trau đổi sự tu học mới hay rằng: rất nhiều đồng đạo bây giờ không có quyển Sám Giảng Giáo Lý để tu học, nghiên cứu, bởi trước kia họ quá sợ đã đem nạp hoặc đốt bỏ. Từ sự thật điêu tàn đó thúc đẩy một số tín đồ gan dạ moi đất đem lên một quyển SÁM GIẢNG THI VĂN GIÁO LÝ TOÀN BỘ lén lút đến nhà in. Trước năm 1975 Ban Trị Sự Trung Ương có tổ chức mướn nhà in để y bảng kẽm cho riêng quyển Giảng toàn bộ, mỗi lần tái bản không phải sắp chữ lại. Sau 30 tháng 4 năm 1975 các cơ sở in ấn của thời Việt Nam Cộng Hòa đều bị tịch thu, giải tán các nhân sự, nay muốn in là việc làm lén và phải làm trở lại từ đầu. Vì thế phải mang quyển SÁM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ nhờ sắp chữ in đúng theo đó. Số lượng in không nhiều, in từ từ nhiều đợt để tiện cho việc cấp phát không bị tồn động trong nhà kẻo lúc xui xẻo bị xét, không có vật chứng không bị cột buộc tội tình. In những lần đầu vận chuyễn trót lọt, cấp phát cho bà con khao khát quyễn giáo lý, ta thấy sự vui mừng của họ lắm lắm… Một tổ chức làm được chư đồng đạo các nơi coi theo đó mà làm, sanh thêm nhiều tổ chức in ấn lén, có lẽ sự bảo mật không tốt, rò rỉ thông tin tới tai mắt chánh quyền cách mạng, nên sau nầy nhiều đợt bị bắt phạt hành chánh hoặc đi tù.
Nhớ chuyện quý huynh đệ làm, tôi lại mường tượng quý vị lúc đi tìm mối in, in chui họ đòi giá cước cao, và lúc bị tịch thu quý vị chìu lòn năn nỉ gì cũng không được phải nạp phạt trước đi tù sau… là hình bống đẹp soi gương kim cổ, đúng với lời dạy:
“Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên
Phận môn đệ phải lo vun quén.
Tầm sức nhỏ còn làm nên kén
Người không lo có thẹn hay chăng?”
Thời điểm đó dân tình mình nghèo lắm, đất nước mới giàu đây thì lại nghèo xụp như từ trên cao rơi xuống hố thẵm, sự sinh hoạt đời sống nhân dân nằm trong khuôn khổ “Hút thuốc bằng giấy vò, gội đầu bằng nước tro” vậy mà đồng đạo ta chắc mót để hùn tiền in lén Sám Giảng Giáo Lý của Đức Thầy, thật là những tấm gương đáng trân trọng. Tôi cho đó là công trình to tác, là những người đại ân đại nghĩa đối với tín đồ PGHH sau nầy.
Tuy không đem so gương Trần Huyền Trang đi Đông Độ thỉnh kinh, nhưng trong lúc PGHH đã bị nhà nước mới lên ngôi xóa sổ, tịch thu giáo lý, phần đông các chức sắc bị đưa đi tù giam, tù học tập cải tạo. Cảnh khó khổ đã diễn ra trước mắt, và mức hình phạt nặng nề đối với những ai lén lút hoạt động tôn giáo thế mà vẫn còn có những tín đồ lòng gan dạ sắt đi in Sám Giảng cấp phát cho đồng đạo, thiệt không biết sợ tù.
Nay đã qua rồi thời kỳ đen tối đó, và chư đồng đạo dường như không ai nhắc nhớ gì đối với những người đội vác Kinh Giảng PGHH trèo đèo lội suối bí mật gởi đến những đồng đạo chưa có hoặc có nhưng đã giao cho chánh quyền cách mạng thiêu hủy ngay sau cái gọi là giải phóng đất nước. Tưởng cũng nên nhắc lại khúc quanh lịch sử đó cho em cháu trẻ tuổi sau nầy biết để thực hiện câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng”. Giờ có những em cháu trong nhà quá thừa thảy những quyển Sám Giảng Thi Văn bìa mềm bìa cứng, quyển khổ thường quyển khổ rộng trong khi đời Ông Cha, Chú Bác của các em cháu rất vất vả trong việc bảo vệ món gia bảo nầy trước những bàn tay quyền lực đã muốn tiêu diệt đạo PGHH.
Hồi thời Đệ nhị Cộng Hòa nhân dân xài Thẻ Căn Cước thì qua tới chánh quyền cách mạng họ không cho dùng, bấy giờ cũng chưa có giấy chứng minh nhân dân, người dân của chánh quyền cách mạng chỉ xài cái thẻ cử tri mà thắt chặt an ninh mạnh như súng. Ai lỡ đi tha phương cầu thực không về nhận phiếu cử tri coi như không có phép đi đường, đụng chuyện họ có thể bị nghi tàng quân tàng hình gì cũng được. Trong thẻ cử tri trước là ghi tên họ, năm sanh, nơi thường trú, tôn giáo. Nhiều người không dám khai thiệt tôn giáo của mình là PGHH, đề tôn giáo: Không, nghe đau như Kiến Nhọt cắn.
Nhớ khoảng năm 1978 tôi đi lấy thuốc Nam trên núi Cô Tô chung với đoàn Cái Dầu Thị Đam, bị chánh quyền xã Cô Tô bắt lùa đi cả hai mươi người về cơ quan. Một người bên phía chánh quyền cách mạng hỏi: Ai là người cầm đầu đi lấy thuốc? Nghe tiếng “Cầm Đầu” Bà con đồng đạo sợ quá nói thiệt Huynh bảy là trưởng đoàn chớ không lập lại tiếng cầm đầu. Năm đó Huynh Bảy độ tuổi ba mươi, tu độc thân, thuộc dạng khá giả từ trước, nhà có hai chiếc xe khách dạng lớn, nhờ đó huynh dễ tạo tiền mới làm đầu tàu cho bà con hùng hập đi lấy thuốc núi độ bệnh bà con. Chánh quyền hỏi tên tuổi, chỗ ở, tôn giáo, điểm nào người nói người ghi liền theo đến phần tôn giáo là không liền được. Hỏi Huynh tôn giáo giáo nào huynh trả lời là ĐẠO. Hỏi đạo gì huynh đáp là TÔN GIÁO. Suốt nửa giờ làm việc, có bị hầm hét cỡ nào huynh cũng chỉ trả lời lòng vòng: Tôn giáo là đạo, đạo là tôn giáo không dám nói tôn giáo PGHH.
Những chuyện làm khơi lại vết đau thương của thời dĩ vãng tôi không muốn nhắc, nhưng ở khúc quanh lịch sử của tôn giáo đã có những con người đại ân đại đức vun đấp nền đại đạo đang thiếu sinh lực cho bật lên sức mạnh Phù Đổng, bất chấp sự gian nguy, tù tội. Họ đã làm nên một tấm gương tốt thì ta phải treo gương họ cho mọi người nhìn ngắm, học đòi. Một cuồn phim có kẻ tốt người xấu người ta chỉ muốn nhìn mặt kẻ tốt thôi nhưng kẻ xấu cũng bị hiện trong phim và, những ai gây ác cảm với PGHH sẽ bừng mắt lên mà hiểu rằng: PGHH là một tôn giáo đã được Đức Thầy đề ra lập trình đi giữa lòng lịch sử dân tộc, sẽ được dân tộc chỡ che nuôi dưỡng; đạo không thể mất và cũng không bị đồng hóa bởi ý đồ đen tối của những kẻ mượn đạo tạo đời.
Bạn đọc có nghi ngờ tôi câu “Đi trong lòng lịch sử dân tộc” không ? Hãy vào xem PGHH thì bạn sẽ thấy lời tôi nói là đúng. Chỉ nơi lễ quy y Tam Bảo Đức Thầy đề tựa là “Bài nguyện trước bàn thờ Phật” mời các vị chứng minh gồm có “Phật Tổ Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư vị Sơn Thần, Chư Vị năm Non Bảy Núi cảm ứng chứng minh” Tình Phật không có biên cương lãnh thổ quốc gia, chúng sanh gồm vạn loại không giới hạn chủng loại nào, hai tiêu điểm nầy ta để riêng qua. Tính từ Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chự Vị Sơn Thần, Chư Vị Năm Non Bảy Núi đều là những anh linh công thần nước Việt, không có Ông Tây Ông Tàu nào lộn vô danh sách chư quan cựu thần nước Việt. Công Thần nước Việt chứng minh cho người Việt quy y Tam Bảo, gọi PGHH đi giữa lòng lịch sử dân tộc, không phải đã quá đúng rồi sao ?
Điều chính yếu mà tôi muốn nói là các em cháu trẻ tuổi trong PGHH, hãy nên trân trọng quyển Sấm Giảng Giáo Lý mình đang cầm trên tay, bởi có sự hy sinh một phần sức khõe của Ông, Cha, Chú, Bác bảo vệ gia bảo tồn tại đến ngày nay. Các em cháu rán nên học cho nhớ nhiều thuộc nhiều, đem thực hành vào đời sống tu tâm dưỡng tánh.
10/8/2016


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Bàn về HỌC PHẬT TU NHÂN

Mới đây, trong một cuộc tiếp chuyện qua sự thăm viếng tình cờ, tôi gặp một số đồng đạo cũng đến thăm viếng như tôi nhưng không nhiều lắm. Cho đây là sự may mắn, có người ra đề hỏi tôi về cụm từ “Học Phật Tu Nhân”:
- Học Phật sao không tu phật một thể mà lại Tu Nhân?
Thay vì trả lời, tôi hỏi:
- Theo chú em, Tu Nhân tức tu đạo Nhân Luân phải không?
- Dạ phải.
- Do nhận định như vậy nên đăm ra thắc mắc.
- Nếu không phải vậy, xin cho biết qua ý chú ?
- Giải thích từ ngữ thì có thể dễ bị hiểu lầm, nhưng chẳng phải mỗi chúng ta cũng đã tu Phật ngay trên chỗ học Phật rồi còn gì?
- Cháu không hiểu.
- Xin lỗi cho tôi hỏi câu nầy, mà quý vị cũng đừng phiền giận mới được nhá! Hứa không?
Nghe cột buộc nặng nề, chú em có vẻ lúng túng chưa kịp nói năng gì về chuyện hứa hay không hứa, người đồng hành đáp thay:
- Đáng lẽ thì tôi chạy Ông anh. Mới gặp nhau chưa kịp làm quen thì đã buộc. Nhưng chuyện chưa chi mà chạy là nhát. Tôi hứa được chứ? quyết không phiền giận.
- Mình thương nhau không hết cột buộc gì chớ, chẳng qua là e dè trước câu hỏi đã có xảy ra chuyện không vui.
- Có chuyện đó sao? Nhưng tôi hễ đã hứa là chắc cú đó Ông anh.
Thấy hạnh cách và giọng nói vui vui, tôi nghĩ là chú ta không đến nổi tự ái mà giận hờn khi bị một câu va chạm mạnh, tôi hỏi:
- Hằng ngày quý vị có cúng nguyện hai thời và Niệm Phật không?
- Dạ có.
Nghe tiếng “Dạ có” thật suôn không có thái độ phản ứng vì hết thì tôi rất mừng coi như là suôn chuyện. Nhớ mấy hôm trước có người hỏi câu nầy với cái anh cũng là đồng đạo thuộc dạng đạo cậm, quy y chớ rất ít cúng nguyện, đốt nhang xá quơ quơ cặm lên lư hương là xong cử, nói chuyện Phật Pháp thì lựa những thứ cao trên mây xanh chứ nói thấp hơn là không chịu, bị một câu hỏi dễ ơi là dễ mà cảm thấy mình quá quê, sượn không thèm trả lời để cho giận phừng lửa tới con mắt đỏ quét, cự phá lên cả cái đám cúng tuần.
Tự ái vậy cũng đúng, Tín đồ PGHH với hai thời cúng lạy là cửa vào đạo, không cúng nguyện chỉ mới là quy y miệng chứ chưa vào nhà đạo, chưa thấm thía được câu “ Quy y thì phải làm y, Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời” hỏi mấy người đó khác nào đâm ngang hông chỏi cạnh sườn họ thì làm sao họ chịu được.
Thấy chắc ăn, tôi nói:

- Hằng ngày đều cúng nguyện với Phật và niệm Phật mà bảo là tu theo đạo nhân luân sao? Đạo nhân luân có dạy thế bao giờ?
Nghe câu hỏi của tôi vấn chủ liết qua liết lại bạn đồng hành, như rủ nhau ưng thuận:
- Ừ há ! Không ngờ, mình nói Tu Nhân mà hoàn toàn là tu Phật. Chuyện nầy là sao chứ ?
- Quý vị đều đã tu Phật qua mỗi ngày không hay đó thôi. Nguyện trước ngôi thờ Phật những lời “Con xin cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật đạo” phải không? đồng thời còn niệm Phật khi nhớ, không phải tự mình tu Phật nhiều sao?
- Giờ thì tôi đã hiểu. Nhưng sao Đức Thầy dùng từ có vẻ như hai thứ đem trộn lộn.
Nghe nói dễ mắc cười , dùng pháp mà “ Trộn Lộn” gì chớ!
- Không trộn lộn tý nào đâu _  tôi nói _và nếu như có trộn lộn, đó do Đức Thầy muốn bộ não chúng ta luôn luôn hoạt động tốt qua tư duy để nhận xét, lọc lựa.
- Xin chú giải thích.
- Theo tôi, có ba giải đáp cho thắc mắc nầy:
1/ Người ta thường dùng hai chữ học hành đi cùng là ý nói vắn tắt học nghề nào là hành nghề đó. Ví có một anh học nghề thợ mộc rành hơn các môn học khác, chừng nữa anh ta làm nghề gì?
- Dạ nghề mộc ạ.
- Vậy học Phật là tu Phật, ý nghĩa quá chắc chắn và chính xác!
- Nhưng sao Đức Thầy dạy học Phật mà tu nhân?
- Xin đừng thêm thắc, Không có chữ “mà” trong đó đâu chú em ! Thêm chữ MÀ thì học Phật để tu nhân là đúng, nghĩa chắc chắn rồi. Ở đây không có chữ MÀ thì không là để tu nhân cho việc học Phật đâu! Không bắt buộc học Phật để tu nhân thì đừng nên gượng ép. Do đó ta có thể học Phật rồi tu Phật luôn một thể là đúng lý, không ai cản. Trong bài “Lời Khuyên Bổn Đạo” (sau), có đoạn dạy về việc quy y như vầy: “Vậy quy y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta phải làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày”. Không phải ta đã đọc bài quy y mỗi ngày hai lần trước bàn thờ Phật đó sao? Vậy có nghĩa là ta được quyền làm theo lời Phật dạy, tức là tu Phật chứ còn gì nữa.
Quý vị nói Đức Thầy dạy dùng từ trộn lộn là không đúng. Ngài dạy tạo cho ta những tư duy tốt để tự tín đồ tháo gở những vướn mắc, Đức Thầy có câu:
“Lời truyền sấm như bài toán đố,
Ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ”.
Đức Thầy ra đề còn đáp số của bài toán đố là phần của chúng ta.
2/ Ý nghĩa của sự Học Phật trong Tu Nhân như chúng ta đều biết, cụm từ Học Phật Tu Nhân đứng sau liền cụm từ Tại Gia cư sĩ là để hiện rõ quan điểm Sự học Phật tu nhân nầy dành cho hàng cư sĩ tại gia. Đức Thầy đặt để (họ) “ Họ chưa đủ điều kiện xuất gia” bởi vì còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, bè bạn… chính sự nặng nợ ấy thiếu hiểu về học Phật trong sự tu hiền. Do đó, nay muốn tu thì phải dạy cho họ Học Phật trước cái đã, chừng học Phật thuộc rồi tự ênh tu không cần ai kêu, biểu.
Tu nhân theo sau học Phật là có hai biểu ý:
1. Học Phật mà tu nhân thì nhân nầy được áp dụng là nguyên nhân, hạt giống (lựa giống mà gieo). Tùy theo cái nhân gieo sâu hay cạn, niệm Phật nhiều, ít, thành tâm không thành tâm… để có một kết quả cho cái nhân tu, tu nhân của mình.
2. Tu từ nhân đạo đi lên Phật đạo( nhân đạo hay đạo nhân) là nói tréo nhau chứ chung ý nghĩa. Đạo Nhân của Đức Thầy dạy khác hơn đạo nhân của Đức Khổng Tử. Ngài Khổng Tử dạy đạo nhân bằng: Trai có Ngũ Luân, Tam Cang, Ngũ Thường; gái có Tam Tùng, Tứ Đức. Nay Đức Thầy dạy đạo nhân không phải đi theo lệ xưa của Khổng Tử vì đạo của Ngài Khai Sáng với danh xưng là PHẬT GIÁO HÒA HẢO chớ không phải KHỔNG GIÁO HÒA HẢO, nên dạy tu nhân đạo bằng “ Muốn làm tròn nhân đạo phải giữ vẹn tứ ân nhưng trước hết phải tránh Tam Nghiệm và Trừ Thập Ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ”. “Nợ” ở đây là cái tội để phải chịu quả báo của cái nhân bất lành mà luân hồi thọ thân trả nợ.
Đạo Khổng không chú trọng giải thoát sanh tử, không bàn đến việc luân hồi trả quả. Sống cho tốt đời, có trách nhiệm với non sông tổ quốc, vua tôi, Thầy trò, vợ chồng, cha con, bè bạn… ổn định quốc gia xã hội chừng chết rồi thôi. Đạo Phật nhìn thấu triệt nguyên căn có nhân quả báo ứng, không phải chết là hết mà chết cái thân nầy luân hồi thọ sanh thân khác để trả quả. Thế nên trong khi dạy tu nhân đạo Ngài kêu giữ vẹn tứ ân nhưng trước hết phải tránh tâm nghiệp và chừa thập ác. Như vậy chẳng phải tạm thời dẹp Tứ Ân qua một bên để thực thi cho bằng được cái gọi là “trước hết phải tránh tâm nghiệp và chừa thập ác” đó sao? Vì phạm tam nghiệp và thập ác thì phải đào thai trả quả, mà Đức Thầy dạy đạo là mong muốn cả thảy chúng sanh “ chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
3/ Tu với mọi người. Học Phật tu Phật xem qua là đúng lý nhưng sự tu Phật ấy không phải đem tu trong cửa thiền môn, những nơi thanh vắng, núi rừng cây cỏ hay cái thế giới mà trong đó chỉ có nhà tu với nhà tu cùng sống với tinh thần Lục Hòa. Nhân là người, tu nhân là tu với mọi người sống quanh mình. Như vậy tu Nhân không nhứt thiết là đạo Nhân Luân mà là tu Phật đạo nhưng không phải tu nó trong chùa, tu trước Phật tượng, Phật cốt, mà tu Phật ở nhà đời, với con người. Hơn nữa ở Đạo Khổng Thánh đâu có tu chùa, nào biết tại gia cư sĩ là gì, tại gia cư sĩ là danh từ nhà Phật, học đạo Phật mà tu nhân thì tu nhân chính thức là nhân tu của tiến trình Phật Giáo.
- Nhưng dẩu sao thì con người cũng phải tu theo đạo nhân luân _ chú ấy nói _ đạo dạy sự ăn ở của vua và tôi, chồng và vợ, cha con, thầy trò, bè bạn mà ai cũng phải…?
- Đúng _ tôi đáp _ Nhưng đó là đương nhiên trong sự qua lại của kiếp con người. Dầu không nói tiếng “Đạo” người ta vẫn làm việc đó. Việc ta quy y là quy y theo Phật, Pháp, Tăng để lo “Tu hiền theo Phật Đạo” như Đức Thầy xác định:
“Sách có chữ thâm ân dục báo,
Phận làm người hiếu thảo noi gương.
Ấy chẳng qua là đạo Luân Thường,
Chớ Phật Thích lìa quê ngàn dậm.”
Chắc quý vị cũng đã hiểu được ba chữ “ấy chẳng qua” đứng ở vị trí nào trong câu rồi chứ ?
Xin cám ơn cách trả lời mới mẻ.
22/8/2016


Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

TỪ LI CÒN NHỚ
Hồi đó, đã lâu rồi tôi muốn kiếm chỗ yên tịnh để tu mà chưa có dịp may đưa đến. Theo tôi nghĩ, tuổi trẻ muốn tu giữ hạnh độc thân mà lại gần đời, nhiều điều cám dỗ sợ có hơ hỏng… mất tu. Định lên núi Cấm mà quý cụ bảo núi Cấm là núi linh, lên ở đó việc xả trược thì sao, tội lỗi lắm!
"Nhớ hồi năm trước tuổi thơ ngây
bổng chốc mà già đã đến đây( dẫn thơ Nguyễn Khuyến)

Năm 1972 tôi ra hòn Phú Quốc dự lễ khánh thành Đọc Giảng Đường Phật Giáo Hòa Hảo ở vùng xã An Thới; coi như là có dịp nên chừng xong việc trở về tôi không về lại quê nhà mà lên thuyền giong qua hòn Sơn Rái ở tu. Nếu tôi nhớ không lầm, hồi nầy tên làng của Hòn là xã Lại Sơn. Trước xa có Ông Lê văn Khuyên, (Bác Hai Khuyên) ra đây tu. Ông chọn trên vùng núi cao, âm u, rừng cây chen trong đá, thế giới của các chú Khỉ, Sóc, Nhen… ngoài những tên thợ rừng những người đi săn đặt bẩy khó ai đến được chỗ nầy; sống chung với con khỉ đột trong hang động nên bác có biệt danh là Ông Hai Dồ Khỉ. Bà con huynh đệ từ đất liền ra tìm, hỏi tên bác n Khuyên không ai biết, phải gọi là Ông Hai Dồ Khỉ thì người ta mới biết mà chỉ cho. Thời chúng tôi ra hòn Sơn thì Bác Hai đã bị bệnh sốt nặng, về đất liền lâu rồi.
Nhờ có quý chú, huynh ở trước, sự đến sau của tôi đỡ vất vả về việc lo kiếm chỗ tu. Chúng tôi gọi là cất cốc. Ở đây cất nhà là khó chứ cất cốc tu làm không mấy hồi là xong, dễ như chơi. Vốn là rừng nguyên sinh, cây dùng cho các thứ: Cột, Kèo, Đòn tay, thuông ruông mặc sức mà lựa. Lợp nhà bằng lá Tranh, vách dừng bằng tàu lá Đủng Đỉnh, giường nằm, lựa cây Đủng Đỉnh già chẻ tách ra như vạc Tre. Vạc Đủng Đỉnh, nằm không trải chiếu lâu sẽ lên nước, tấm vạc nổi màu hồng lên, rất là đẹp. Các cái có tiền mua đin, dây chì, không thì tất cả đều cột bằng dây xanh, loại dây nầy rất chắc, chúng tôi còn lấy làm dây cột đu, giăng võng. Cất nguyên cái Cốc không tốn một đồng bạc.
Chỗ ở của tôi, tính lọt lòng, ngang một mét rưởi, dài hai mét, tốn bộ vạc nằm một mét, còn nửa mét thì để đi tới đi lui, quần áo có vài bộ máng trên vách dừng nẹp lá Đủng Đỉnh, nấu ăn dưới gốc bộng Cây Da.
Cơm  mỗi ngày dùng một bửa, đồ ăn toàn là của núi rừng, cây chuối rừng nấu canh chua dùng là tuyệt, nếu dùng dao mà sắt mỏng như mấy bà thợ sắt ghém là không ngon đâu, lột bỏ hết các bẹ lấy lỏi bẻ khúc nấu canh chua là số vách,  không thì luộc cũng ngon vậy. Củ hủ Đủng Đỉnh ngon hơn, ở đây phải nói là rừng Đủng Đỉnh nhưng ăn nó là vất vả về việc chặt lột nên lâu lâu mới làm siêng một lần hoặc có khách từ đất liền ra thăm thì mới đem giới thiệu cái món đặc sản nầy.
Cất cốc xong tu mới chừng hai tháng, hôm nọ có một hiền huynh, cốc gần bên đi với hai vị nữa đến thăm, trong số ba vị có một chú tiểu khoảng 10 tuổi đi với Ông anh từ đất liền ra viếng cảnh. Chúng tôi ngồi đàm đạo trên một bộ vạc Đủng Đỉnh phía trước vách nhà, cận dốc hẩm, bổng hiền huynh phát hiện ra điều gì, gặn cổ kêu lên: Cọp tới! Chạy! Huynh lùa hết chúng tôi vào nhà, tự tay đóng kín các cửa rồi thì ra lệnh: Trong thời gian cửa bị đóng kín đừng ai nói chuyện, ho hen. Tôi nghĩ đây dù là cận vách rừng, nhưng phía sau lưng, bên phải bên trái đều có người cất cốc ở tu, đây đó đã dọn quang đảng hết rồi đâu còn um tùm nữa cho Cọp giấu mình. Trước mặt cốc tôi là vách đứng không lẽ Cọp dám leo lên đường khó khăn nầy giữa ban ngày. Nhưng bị sức kéo đùa huy hiếp của Huynh, tôi chỉ biết nghe lệnh chứ không được phép hỏi han.
Đã vào hết bên trong mà huynh tôi chưa an tâm vấn đề Cọp bắt, huynh mở hé cửa một cách cẩn thận xem Cọp đến chưa rồi huynh đùa các đôi dép vào trong. Tôi thấy việc cẩn thận của huynh mà tức lý nói thầm: giọng nầy thì đâu phải giấu Cọp, vì Cọp có thèm ăn dép đâu mất công giấu. Đây là chuyện lạ chưa từng có. Cài chặc các cửa xong tôi nghe văng vẳng giọng nói của hai người thanh thiếu nữ, bây giờ thì tôi mới hiểu ra Cọp là gì. Lúc đầu nghe hục hử tiếng được tiếng mất, dần dần tới, chừng rõ tiếng thì đã sát bên vách, nhẹ giọng: Quý Thầy Ơi! Quý Thầy ơi quý Thầy! Mặc cho ngoài Kêu ở trong huynh tôi ra dấu ngón tay đậy miệng. Kêu quý Thầy mãi không nghe tiếng trả lời, không thấy quý Thầy mở cửa, một cô nói: Lạ thiệt, mình nghe giọng nói của quý Thầy văng vẳng trên đây, mới đó mà biệt đâu nhanh chứ?
Hai người thanh nữ cứ ở đó thắc mắc chứ không chịu về, đi tới đi lui xào xạc trên những chiếc lá Da khô, còn chúng tôi trong nầy như muốn nín thở, bốn người bó mình trên một tấm vạc Đủng Đỉnh ngang một mét dài hai mét. Đụng trận bí đường, bây giờ phải ra mặt chớ hai cô chờ cái kiểu nầy thì người ở trong cũng phát tê liệt mình mẩy. Phải làm giọng như nảy giờ lo tịnh tọa. Tôi thấy việc nầy không đúng nhưng ý Ông huynh, nếu không giả đò như vậy té ra mình trốn người ta sao. Huynh tôi mở cửa ra cùng với tiếng chào hỏi vui vẻ:
- Xin chào nhị vị!
- Dạ con xin chào quý Thầy.
- Chúng tôi bận việc tịnh tu để nhị vị ở chờ lâu…
- Dạ không có gì. Chúng con nay lên thăm rẩy dưới đây một chút, thấy có hai trái Dưa Gan chín tốt, với một ít thức ăn khác, xin dâng để quý Thầy dùng.
- Rất cám ơn tấm lòng của nhị vị thí chủ, đường dốc núi khó khăn mà đến được đây để giúp, quí hóa thay! Có điều, đây chúng tôi sống tập thể, tài sản có là của chung nhưng theo quy định tập thể đề ra những người tu ở am cốc nhỏ như chúng tôi không được phép nhận của thiện tín cúng thí, có hai vị hiền thúc bên kia, ở đó am cốc rộng rải tập thể mới cho nhận. Thế nên chúng tôi không dám làm trái nội qui, Xin cám ơn lòng tốt của nhị vị và mong nhị vị hiểu cho, Nam Mô A Di Đà Phật.
Nhớ lại lúc nói Cọp tới và Ông huynh kêu hết chúng tôi vào cốc, chú tiểu nói trên tưởng là Cọp thiệt đến ăn thịt, trông thái độ nó sợ quýnh quáng, cái mặt tái ngắt, chừng nghe có giọng nói của hai người thanh nữ đi lẩn quẩn phía ngoài nó hết sợ, mặt hồng tươi lại.
Mấy hôm sau khách của huynh về đất liền, lúc vắng người tôi đến hỏi Huynh:
- Tôi ở nương mới chừng hai tháng không biết tập thể đây có ra nội qui như vậy chưa mà cái chuyện hôm kia huynh nói như thuộc lòng?
- Chưa.
- Thế sao huynh dám mượn tiếng tập thể bảo vậy?
- Tôi sẽ đem chuyện của hôm kia mà đề nghị sau.
- Vậy thôi đễ chừng tập thể đồng ý hãy nói.
- Chờ sao được! Lỡ gặp rối thì phải gở rối ngay còn ở chờ khi nào nữa? Đây là tiền đề và tôi hy vọng sẽ thành tiền lệ cho người tu trẻ tuổi bớt ra sóng gió. Mai mốt tôi đề nghị và lời đề nghị của tôi sẽ có sức thuyết phục. Chúng ta ở tu đây là trên núi rừng quá vắng vẻ mà mỗi Ông đạo mỗi cái cốc, khoảng cách xa xa, bất thần quý nữ đến cho đồ cho đạc trong chỗ vắng vẻ thế nầy… khiến tôi rất sợ cái kiểu “Chơi dao có ngày đứt tay”. Không nghe hai cô bửa hổm nói có miếng rẩy dưới đây một chút sao. Đẩy qua chú bác, vì quý vị nay già rồi, còn nguyện vẹn là đã qua nhiều ải mỹ nhân, chúng ta non trẻ quá, ở đây nói về trương cở huynh đệ thì tôi là người lớn nhứt cũng chỉ hăm lăm tuổi thôi, từ độ tuổi của chúng ta mà đi một cách nhẹ nhàng tới được tuổi các chú bác còn quá là dài. Giá vì nội quy có làm khó khăn cho các nữ thí chủ trẻ tuổi muốn biếu tặng riêng, nhưng những tặng phẩm không giúp được ta dày công thêm sự “Lạc Đạo An Bần” có khi còn làm xao xuyến tâm hồn nữa là khác. Hãy đẩy những tặng phẩm riêng tư đó đến các chú bác như kho chứa rồi các vị tùy hỷ cấp cho chúng ta sẽ tốt hơn. Nếu chịu tu theo lời dạy của Đức Thầy “Hãy tìm giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo, an bần, xả thân tu tỉnh” có thiếu thốn chút đỉnh vật chất nghĩ còn ngon hơn no đủ mà sanh tâm thương mến riêng tư, trần thế buột ràng làm nguội lạnh sự tu, e có thể bỏ cuộc giữa chừng như chính mắt ta thấy, tai ta nghe, có biết bao nhiêu người bỏ cuộc thi triển lòng gan dạ sắt trước sự bất nhiễm.
Ở trong xứ, tôi thấy nam nữ tu độc thân sao mà gần gủi quá, họ săn sóc cho nhau từ việc nhỏ: Bệnh hoạn, vá may… Nhiều vị nói nghe rất là mạnh mẽ mà qua lại nhiều lần tâm tình cởi mở, cõi lòng tróng hở hồi nào không hay, giặc tràn vào làm người chiến sĩ Như Lai mất khả năng chiến đấu, giơ tay đầu hàng. Đi được một khúc qua bờ giác rồi cũng quày thuyền trở lại bến sông mê. Đọc lời dặn dò của Ông Thanh Sĩ “Ngăn gió trần cho lặng sóng tâm” tôi ra đây quyết làm công việc đó. Đối sử với người khác phái có hơi khắc khe, mang tiếng là khó tánh, hãy gượng mà Nam Mô A Di Đà Phật cho qua, riết cũng quen, cõi lòng không còn ái náy, tu hành nhập tâm…
Cách giải bày của đại huynh tôi, làm cho sự thắc mắc trong tôi được sáng tỏ, tôi thầm cám ơn Trời Đất, Phật Tổ Phật Thầy và Đức Thầy khiến cho tôi ra tu đây gặp Ông Huynh hướng dẫn cách bảo vệ lập trường tu độc thân bình an trên đường về Phật quốc. Đúng như huynh nói, lời đề nghị quý tu sĩ trẻ tuổi ở những am cốc nhỏ không được phép nhận của tín thí như đã trình bày trước, được tập thể chấp nhận.
Có điều tôi không chịu Ông huynh mình dùng từ “ Cọp ”. Chuyện mình tu, mình có quyền bảo vệ lập trường tu độc thân, người khác phái đến giúp đỡ hay hỏi han công chuyện chưa chắc đã có tà ý mà mình đối sử với họ như gặp tà là không nên. Từ chối tiếp cận với riêng phái, giữ khoảng cách tốt như vậy là được rồi, đâu đến đổi phải dùng lời mất lòng.

19/8/2016