Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

(IV) “ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN VÀ VUA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ” (phần tiếp theo)

11. PHẬT THẦY LẬP ĐẠO ĐỂ MƯU VỆ TỬ TÔN:
Cư sĩ Sripolieu:
“Gian nan dấu tỏ để bày
Nam mô Bồ Tát đạo Thầy di ngôn.
Đạo Thầy mưu vệ tử tôn,
Biết nghe lời Phật sống khôn thác càng.
(tập 1 trang 37)
Nội dung hàm ý đạo Phật Thầy Tây An là đạo phu thê để sanh con đẻ cháu nối dõi tông đường, cùng hàm ẩn Tây An là người con trai thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Ngài như con chim không còn nhành đậu, như người mất giang san, đành phải mượn áo tu sĩ mà dạy đạo quốc vương thủy thổ để mưu vệ tử tôn của dòng dõi mình” (tập 1 trang 78)
Theo cư sĩ Sripolieu Đức Phật Thầy gặp phải trường hợp bất đắc dĩ nên mới mượn áo tu sĩ dạy đạo Bửu Sơn Kỳ Hương để bảo vệ cho con cháu dòng dõi của Ngài khỏi bị diệt vong do nhà Nguyễn truy nã.
Cư sĩ Sripolieu đưa lý tưởng từ bi cao thượng của Đức Phật Thầy vào nước bí của một thế cờ đen tối trên lịch sử! Bởi lẽ:
Xưa nay các vị nguyên thủ quốc gia để bảo vệ chung cho cả đồng bào dân tộc. Các vị giáo chủ lập đạo để tế độ chung cho vạn vật sanh linh, đó là chánh nghĩa, chánh đạo, trái lại là mị dân, tà giáo. Cư sĩ cho rằng Phật Thầy mượn áo tu sĩ dạy đạo để bảo vệ dòng dõi con cháu của Ngài! Có phải cư sĩ đánh giá Phật Thầy là hạng mị dân, tà giáo chăng?
Lại nữa, nếu nói Phật Thầy dạy đạo với dụng ý bảo vệ con cháu của Ngài. Thử hỏi con cháu của Ngài là ai? Vào khoảng năm 1945 địa vị nhà Nguyễn đã bị lung lay, nhiều nơi sống ngoài vòng kiểm soát của nhà Nguyễn, nhất là miền Bắc không còn bị nhà Nguyễn nắm chủ quyền. Đến năm 1954 Pháp ký hiệp định giơ neo rút quân về nước, nhà Nguyễn hoàn toàn sụp đổ. Rồi tính ra đến nay (1998) non nữa thế kỷ rồi, sao con cháu của Phật Thầy vẫn bặt vô âm tín? Và cũng không thấy sử sách nào nói đến? Rất đỗi loài thảo mộc vô tri, như cỏ cú bị tảng đá nặng đè, khi giở tảng đá còn mọc lên. Hà huống chi loài người? nhất là hạng quý nhân tài trí đã qua hồi tai nạn lại chẳng biết cất cánh bay cao tìm về tổ cũ hay sao? Nếu chỉ ông Đoàn văn Điểu và Đoàn Văn Viên thì không hợp lý. Vì khi Phật Thầy khai lý lịch tại đình thần làng Tòng Sơn thì hai vị nầy đã hợp lệ trước chánh quyền địa phương của nhà Nguyễn rồi! cần chi phải dạy đạo để mưu vệ tử tôn, tức vì chuyện cá nhân không phải chánh đạo thì danh thể và tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Ngài đã bị định luật tự nhiên của thời đại đào thải lâu rồi, đâu còn tồn tại sáng tỏa đến hôm nay!  
Chúng ta lắng nghe học giả Lê Văn Siêu nói về Đức Phật Thầy trong một tờ Nguyệt San năm 1966:
“Một đồng bằng phì nhiêu có dân cư trù mật như miền Hậu Giang. Nếu không nhờ có giáo lý “Học Phật Tu Nhân” của Đức Phật Thầy hóa độ, tức sẽ biến đám dân tứ chiếng quần cư này thành một nơi điếm đàng trụy lạc bởi cái sức trù phú và sung mãn của nó”. Và chúng ta hãy tìm hiểu thêm về thơ văn của Đức Phật Thầy:
“Riêng chiếm non bồng một cảnh tiên
Tu trì phép đạo khác màu thiền
Nước kinh rửa sạch lòng trần tục
Phù Phật dành dưng kẻ thiện duyên
Sáu ngã quỷ tăng nhiều chỉ bảo
Ba đường tội phước khắp răn truyền
Từ bi đã có lòng siêu độ
Biển khổ sông mê thấy những phiền
***
Đức sánh trùm che bậc thánh hiền
Đạo mầu nghĩa nhiệm tấm lòng chuyên
Lánh nơi thiềng thị tình đời trải
Gặp lúc thái bình giấc ngủ yên
Lăng líu tiếng chim kêu náo nức
Rõ ràng hoa nội trổ tiên thiên
Trân trân danh lợi cười ai mến
Riêng chiếm non bồng một cảnh tiên.”
(Thập Thủ Liên Hoàn)
Và:
“Màu thiền đắc ý Cũng màu
Còn hơn chen chúc công hầu vương khanh”
(Giác Mê)
Văn thơ là để giãi bày tâm trạng của tác giả. Đọc kỷ vần thơ trên, chúng ta thấy tâm trạng Phật Thầy là bậc ung dung tự tại giải thoát, chớ không phải tâm trạng một người đang sống trong hoàn cảnh đau thương vong quốc. Thế nên, nếu kết luận Phật Thầy là con của vua Quang Trung là sai !
Về bốn câu thơ của ông Ba nói trong Kim Cổ Kỳ Quan:
“Gian nan dấu tỏ để bày
Nam mô Bồ Tát đạo Thầy di ngôn
Đạo thầy mưu vệ tử tôn
Biết nghe lời dạy sống khôn thác càng”
Đại ý ông Ba nói:
Mô Phật, xin bày tỏ nguyên nhân gian nan của đạo Thầy cho bá tánh được biết: Bởi đạo Thầy là đạo của dân tộc, đặt nặng Tứ Ân. Nên khi tổ quốc bị ngoại xâm giày xéo, ngoài cương vị tín đồ nhà Phật còn có trách nhiệm công dân phải bảo vệ nền độc lập quốc gia, mưu cầu cuộc sống cho con Hồng cháu Lạc khỏi ách nô lệ của ngoại bang. Đây là phương hướng đạo thầy đã vạch. Người tín đồ lúc sống phải khôn ngoan, làm dân quan đất Việt, quyết không làm người dân bị trị; khi thác nguyện làm quỷ thần nước Việt và càng linh thiêng hơn nữa!
Tử tôn là con cháu, con cháu ở đây có ý nghĩa rộng lớn là chỉ cho nòi giống Tiên Rồng, con Hồng cháu Lạc chớ nào phải chỉ riêng cho con cháu trong một tộc gia đình! Hơn nữa, bậc lãnh đạo tinh thần chung cho hàng vạn người lại đặt nặng riêng con cháu mình, ai kính trọng cho? Sao cư sĩ Sripolieu lại nghĩ chi chuyện cạn hẹp như thế?
Dựa vào những điểm chính yếu nói trên, chúng ta có thể nói: lập luận của cư sĩ Sripolieu cho rằng Đức Phật Thầy mượn áo tu sĩ dạy đạo quốc vương thủy thổ vì mưu lợi cá nhân của Ngài, lập luận đó không đúng với tư tưởng từ bi của Phật Thầy và là điều vu khống, bôi nhọ thanh danh một vị hoạt Phật. luận lý này đứng trước đòn cân công lí của tòa án quốc gia và ánh sáng Phật giáo phải bị bác bỏ.

12.CƯ SĨ SRIPOLIEU NHẬN LẦM HAI CÂU LIỄN NƠI BÀN THỜ QUAN PHỦ BỈNH:

Cư sĩ viết:
“Bên cạnh bàn thờ Cửu Huyền, có một bàn thờ nhỏ, trên vách có treo một cái khung kiếng, trong là một tờ hồng đơn viết bằng chữ Hán. Ta đọc từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, khung giấy được ghi như sau:


                                   ĐƯỜNG LÊ HOÀNG


 (Trái)                                                                               (Phải)

  LÊ                             LÊ                 HOÀNG                        HOÀNG     PHỦ                                                                                    ĐƯỜNG
  CHI                          PHỦ               PHỦ                             PHÚC
  PHÁI                                                                                   HUỆ
  KHẢI                        VỊ                  CHI                              DO
  HẬU                                                                                    ÂN              NHÂN                                                                               TRẠCH
 
Tạm giải thích:
HOÀNG LÊ ĐƯỜNG: tổ đường hai họ Hoàng và Lê.
HOÀNG PHỦ CHI VỊ: bàn thờ ông bà thuộc Lê phủ (tập 1, trang 176, 177)
HOÀNG ĐƯỜNG PHÚC HUỆ DO ÂN TRẠCH: Phúc và Huệ của họ Hoàng do ân trạch tổ tiên dung tưới (do người trước gom nhóm).
LÊ PHỦ CHI PHÁI KHẢI HẬU NHÂN: Phái họ Lê giải bày cho hậu nhân được biết.
Hiểu theo nghĩa đen, nơi đây là tổ đường của hai họ Hoàng Lê. Chúng ta nên nhớ Phật Thầy Tây An tên là ĐOÀN MINH HUYÊN, thì chi phái họ Đoàn, phải thờ Đoàn Phủ Chi Vị mới đúng.
Còn mẹ của Phật Thầy là họ Lê, tín Đồ Bửu Sơn Kỳ Hương ai cũng rõ điều này.
Chùa của mẹ, sao Phật Thầy lại không thờ họ Đoàn mà lại thờ họ Hoàng? Nếu tin ý chúng ta sẽ thấy điểm mâu thuẫn này. Sự thật, Phật Thầy hay mẹ Phật Thầy đã mượn hai họ Hoàng và Lê để đánh lừa quan chức triều Nguyễn. Ta nên hiểu rộng hơn, đó là nơi thờ họ LÊ thuộc Hoàng tộc tức HOÀNG LÊ (như  HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ). Ta chú ý chữ Chư và Vị kết hợp lại họ Hoàng và Lê tức ám chỉ cho họ Hoàng (trang 178)
Câu bên phải:
“HOÀNG ĐƯỜNG PHÚC HUỆ DO ÂN TRẠCH” phải hiểu là. Phúc (Hồ Phi Phúc cha của Nguyễn Huệ). Nguyễn Huệ thuộc Hoàng tộc vẫn còn được Chúa Tiên (Bà Ngọc Hân) thờ phượng.
Câu bên trái:
“LÊ PHỦ CHI PHÁI KHẢI HẬU NHÂN” phải hiểu: Đây là chi phái của họ Hoàng Lê quí tộc giải bày cho người đười sau biết rõ.
Đó là dấu tích bí mật được giải bài khéo léo cho chúng ta biết được Mẹ Phật Thầy chính là Chúa Tiên dòng Hoàng Lê đã thờ phụng vua Quang Trung nơi đây…” (trích quyển Phật Thầy Tây An của cư sĩ Sripolieu, tập 1, trang 178)
Chúng tôi xin đính chánh và tường thuật lại nguồn gốc bàn thờ và hai câu liễn này:
Mùa xuân năm 1972 nhận thấy tường rào xung quanh ngôi mộ Phật Mẫu bị hư sụp nên Ban Quản Tự Mộ Bà(1) mới tổ chức tu sửa lại cho chắc đẹp hơn. Thời gian ấy, trong thân nhân ông quan phủ Bỉnh(2) xin cúng hiến cho chùa một số đất ruộng (trên một mẫu, tại vàm Cái Nai), và xin gởi bàn thờ quan phủ vào trong chùa. Hai câu liễn ấy cũng do thân nhân ông quan phủ ghi chép về họ Hoàng và họ Lê là hai họ của ông và bà phủ Bỉnh. Được vài năm sau, cháu ông phủ Bỉnh là ông Lê Văn Ấn xin phần đất đó lại để bán cho tá canh(3). Ban Quản Tự sẵng sàng hoàn trả số đất ấy lại.
Chính vì lý do đó, hôm nay cư sĩ Sripolieu nhận lầm hai câu liễn trên bàn thờ ông phủ Bỉnh và bàn giải về việc tộc họ Phật Thầy là họ Lê, họ Hoàng và bà Chúa Tiên, vua Quang Trung v.v…
Thật ra hai câu liễn này chỉ có ý nghĩa trong phạm vi ông bà phủ Bỉnh, chớ không có liên quan gì đến tộc họ Phật Thầy và Phật Mẫu chi cả. nếu năm 1972 không có việc hiến đất, không có ai đem bàn thờ ông phủ Bỉnh và hai câu liễn vào chùa Mộ Bà để thờ thì cư sĩ Sripolieu lấy gì mà ghi chép, bàn giải về tộc họ Phật Thầy và Bà Ngọc Hân công chúa?
Chúng tôi rất tiếc, cư sĩ Sripolieu đã tìm đến Mộ Bà ghi chép tài liệu, sao không quan tâm nhận xét kỹ vị trí bàn thờ có đôi liễn này vẫn đặt sau hậu đường, bên cạnh bàn thờ Cửu Huyền và bàn thờ những vị trụ trì. Vị trí ấy kém phần tôn kính hơn các bàn thờ trong phạm vi chùa. Xem đó, chúng ta thử nghĩ: luật đạo có cho phép nhà chùa sắp xếp nghi thức thờ phượng những vị tôn kính có liên quan đến Đức Phật Thầy, nhất là thân mẫu của Ngài nơi vị trí thấp kém như thế chăng?
Vả lại, thân mẫu Đức Phật Thầy là một bậc có hàng vạn tín đồ, trong đó biết bao người am tường nghi lễ, thâm sâu Nho giáo, uyên bác Phật học và khoa học đều cúi đầu lễ bái. Nếu nhà chùa đặt bàn thờ Phật Mẫu nơi vị trí kém phần tôn kính hơn các bàn thờ trong chùa thì phải bị tất cả mọi người phản đối lâu rồi! Nếu họ không phản đối, tức cái bàn thờ có đôi liễn kia họ đã xem thường. Đã xem thường thì đâu có phải bàn thờ Phật Mẫu như cư sĩ Sripolieu đã dày công dàn dựng.
Chúng tôi xin nói thẳng rằng: cư sĩ Sripolieu lấy chứng tích hai câu liễn nơi bàn thờ quan phủ Bỉnh để đóng góp tài liệu lịch sử Đức Phật Thầy là điều sai lầm đáng tiếc. Lương tâm nhà cầm bút không thể cho phép chúng ta hời hợt, đem chuyện phi lý lập thành tiểu sử một vị giáo tổ Bửu Sơn Kỳ Hương và xây đắp nền văn hóa cho tổ quốc mà các anh hùng liệt sĩ đã phải đổ xương máu quá nhiều trong công cuộc bảo vệ dãy đất hình chữ S thân yêu này!
Và xin đề nghị thêm với cư sĩ Sripolieu, nên tự xét lại trình độ nghiên cứu của mình. Chỉ có mấy câu liễn và bàn thờ ông quan phủ Bỉnh là chuyện thực tế, dễ hiểu, gần đây (1972) cư sĩ còn nhận xét sai lầm, chưa tìm ra mối manh sự thật thì những gì xa hơn, ẩn trắc hơn về Bửu Sơn Kỳ Hương  làm sao cư sĩ thấy biết đúng được?
Chú Thích:
(1)           Ban quản tự lúc đó gồm có quý ông: Đặng Văn Vận, Đặng Văn Chính, Huỳnh Văn Đấu, Nguyễn Văn Chìa, Võ Văn Chuẩn và Võ Văn Đon.
(2)           Quan phủ Lê Văn Bỉnh, gốc người ở Cái Tàu Thượng (An Giang), làm quan phủ cho thời Pháp thuộc.
(3)           Tá canh: đó là hai ông Lê Văn Lòng, Võ Văn Thứ (ở tại vàm Cái Nai, Hội An, An Giang)
                                                     
      Bình Nguyên

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét