Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015



TRUYỀN BÁ PHẬT PHÁP:

TRONG KHU VỰC NÔNG NGHIỆP

            Nông dân Hòa Hảo trên đồng ruộng huyện Châu Thành, An Giang.
Truyền bá đạo pháp thời nay người ta coi trọng trí thức, học vị, đòi hỏi sự thông minh khoa bản hơn là chất lượng đạo đức trong con người của nhà truyền bá. Người ta xầm xì một chức sắc trong ngành truyền bá ăn học không tới đâu. Nếu miễn so đo học vị thì ít ra người có chuyên trách trong ngành truyền bá cũng phải thông thạo đôi điều cần thiết như dàn dựng được đề tài thẳng thóm, mạch lạc, sáng sủa, có văn phong, trình bài Phật học có tính khoa học thực tế hơn là chỉ thuần thục về tín ngưỡng. Chúng ta chưa nghe thấy có Ông đạo nào, gốc nông dân chất phát, thật thà đã khuyến tu được một nhà trí thức có học vị tương đối, dầu nhà trí thức ấy có nhiều thứ tội chướng mà ông đạo gốc nông dân với hạnh cách vượt tư cách đời thường của Ông ta, ngoại trừ các vị trên trước.
Đạo Phật Giáo Hòa Hảo phát sinh trên vùng nông nghiệp, tín đồ phần đông là nông dân, chân chất thật thà; không cần thiết phải tốn thì giờ ngồi nghe lý luận suông vào những chuyện không đâu hay tính cách mơ hồ, bản tính nông dân nói gì thì quạch tẹt còn chất lượng trong lời nói là ở chỗ có đem ra thực hành được hay không với điều mình nói, hay mình nghe nói. Vị thuyết trình viên hay giỏi cở nào trong đề tài chữ hiếu mà người ta đã thấy biết ông bất hiếu với cha mẹ của ông thì người ta sẽ không kính ông cho dù Ông có tốt nghiệp đại học. Những vì ông thuyết là đúng, rất đúng nhưng bị ảnh hưởng lây cái không đúng của ông khiến nên buổi nói chuyện của ông kém hiệu quả. Ông Giảng Viên thuyết về đề tài Bố Thí, không chỉ là Bố Thí thường để hưởng phước báu hữu lậu mà còn giảng về Bố Thí Ba La Mật phước báu vô lậu, nhưng nếu người ta thấy biết Ông thích gom vào chớ không thích cho ra, lỡ ai làm hư một chút đồ dùng hay công việc của Ông là Ông tiếc, cằn nhằn mãi thì bài thuyết pháp, sự thông biện cũng bị ảnh hưởng hành động của ông mà kém hiệu quả. Đi khuyên người ta tu hạnh nhẫn nhục mà ngay bản thân mình có chịu nhẫn nhục ai đâu. Dạy dạo để người ta hiểu nghĩa mà hành theo chớ không phải để cho người ta kiếm đường biện luận về việc tu đặng đở gạt cho lúc lười tu. Luận của đạo Phật là chỉ rõ con đường về Phật, hành giả bước theo sự rõ ràng để hiện thực qua đời sống chớ biện luận đương nhiên không phải là đi theo, Sám Giảng có câu như để mỉa mai hạng người học biết nhiều điều tu mà không tu:
“ Nhiều người kinh sử lảu thông
Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê”
Hoặc :
“ Thiên cơ số mạng biết tri
Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi”.
Thôi thà thông ít cũng được đừng đợi tới “lảu thông”cho Sở Tri Chướng tăng vọt chẳng chịu sửa tánh tu tâm là gì.
             Nông dân Hòa Hảo đang nhổ cỏ huyện Thanh Bình, Đồng Tháp
Đất nông nghiệp sinh tính nông dân, nhiều bà con trong đạo đi mở đất mới ở các nơi. Miền Tây xưa là vùng lâm địa, nhân dân trong vùng duyên may đọc được giảng kệ của Đức Thầy, quá cảm thông ông Phật xuống chốn trần gian làm Cư Sĩ Canh Điền để khuyên đời tu niệm, chứ phải dạy tu là đi chùa đi núi tu còn khó. Cày cuốc mà tu cũng được, giống như cơm đem tới miệng, không phải đi đâu mới có cơm, không phải đi đâu tu Phật mới chứng; Phật chứng là chỗ “Cũng chuyên tu hành”. Ở đâu chuyên tu mà chẳng được.
Không làm gì hết để được chuyên tu xét không lợi ích hơn người có làm mà có chuyên tu, vì nếu lo nghề cày cuốc, dư ra bố thí giúp đời không thì cũng đủ sống bớt đi gánh nặng cho bá gia thiện tín, còn chuyên tu thì ở đâu cũng bằng nhau thôi.
Vấn Đề truyền bá ở các Tôn Giáo, Giáo Hội, xưa nay người ta chọn những ai  có sở học chuyên môn trong lĩnh vực. Phật Giáo chọn cỡ Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni; Công Giáo truyền đạo qua các vị Linh Mục trong Nhà Thờ; Đạo Tinh Lành có các Mục Sư, đều là những vị chuyên nghiệp có tầm cở trong Tôn Giáo. Phật Giáo Hòa Hảo có Ban Phổ Thông Giáo Lý chuyên trách về truyền bá nhưng không hạn chế những sinh hoạt giáo lý của chư đồng đạo không có trong ngành Phổ Thông Giáo Lý. Giới Điều trong đạo cũng như qui điều của giáo hội không căng thẳng trách nhiệm cho một người hay một nhóm người có danh phận chức vị.
Bởi đạo với chủ trương tu tại gia thì bổn phận với đạo với Thầy Tổ ai cũng như ai, chức Ông phổ thông có nằm trên Trung Ương nhưng Ông cũng là Cư Sĩ Tại Gia Học Phật Tu Nhân, tu chung một lớp tu cúng lạy hai thời mỗi ngày và niệm Phật lúc đi đứng nằm ngồi, Học Phật cũng chung sách chung trường qua quyển Sám Giảng Thi Văn toàn bộ, không có bậc tu là Sa Di, Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng. Ở Hòa Hảo, trừ những cuộc Lễ Lớn thuyết trình giáo lý thì có hội trường và bụt giảng, thường thì nói chuyện về đạo pháp có khi cũng lên đến trăm người tham dự mà không có diễn đàn chính thức cho diễn giả. Lọt vô những trại ruộng, cấy lúa cũng thuyết trình giáo lý, cắt lúa cũng thuyết trình giáo lý, hạnh cách cũng thuyết trình giáo lý. Họ không có chuyên môn ở lĩnh vực thuyết giảng, nhưng hạnh cách của họ đã nói chuyện hằng ngày khiến người chung quanh mến phục hơn những ai nói quyên thiên mà thiếu hạnh cách. Vì thế, cải thiện người đời một cách vô tư của họ làm qua tính nông dân kết quả cũng không phải ít đâu.
Anh hai Công tín đồ PGHH đến từ khu 3 huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp, vì gia cảnh nghèo không ruộng phải đi mở đất lâm ở gần biên thùy Miên Việt thuộc huyện Tri Tôn tỉnh An Giang. Công việc mở lâm rất vất vả nhưng nhờ tu được nên mặt mày vui tươi. Nghèo thiếu, lúc nào cũng tiền khô cháy túi không dám mướn ai làm phụ, hai vợ chồng với đứa con trai lớn đã nghỉ học sớm, trường kỳ đốt đất cào cỏ. Có lần trong bửa cơm trưa tại đồng do chị Thấm vợ anh Công nấu sớm mang theo. Ba người xúm xích trên bờ ruộng dùng cơm, Anh Công nói với vợ và đứa con trai 19 tuổi của mình:
- Làm việc nhọc nhằn thế nầy hai mẹ con có niệm Phật được không?
Chị Thấm nhìn chồng nhìn con:
- Lo cho Mình với thằng Trân, em thì khõe thôi. Không sao đâu.
Sao chỉ lo cho tôi với thằng Trân mà không có Mình trong đó được! Bộ tính rút đơn thôi việc hả?
- Ngu sao thôi việc cho xuống địa ngục để chỉ hai cha con Mình lên Tây Phương. Tại em thấy Mình vất vả nhiều hơn, em thương hai cha con của mình mà nói thế.
- Vất vả là sức lực, tay chân chứ tu niệm Phật trong tâm mà vất vả gì. Sớm giờ cào ủ tôi cũng Niệm Phật chứ bỏ bê đâu. Trân sao con, có ổn không?
- Dạ ổn cha à!

 Hết giờ lao động là tới giờ cúng nguyện, đọc Sám Giảng Giáo Lý, sách vở nói về đạo pháp, hỗ trợ chánh kiến, chánh tâm cho việc tu hành nối tiếp.
Khai phá lâm địa có nhiều người, họ từ bảy phương tám hướng gì tới, đủ dạng đủ hạng người nhưng phần nhiều là gia bần trí đoản, sống ít có tình nghĩa, thô lổ, gian xảo rượu chè cờ bạc, hay đánh cải nhau. Nguyên xóm phá lâm có gia đình anh hai Công là im ấm nhất. Có chị xóm trong đi chợ về mắc mưa ghé đụt nhà anh Công, chị ta đem chuyện nhà mình ra than thở với chị Thấm: chị có phước nên gặp được ông chồng hiền, biết lo làm ăn, thương vợ thương con. Chồng tôi trông sức lực hơn anh nhà chị nhiều nhưng biếng nhác, ngày ra đồng không bao nhiêu, ảnh có cái bệnh nắng nóng lưng nhiều không chịu, nghỉ đả đời có mát trời mới làm, chiều xuống chút là nhảy ra kéo cá, bắt ốc đặng về  cụng ly, bửa tối nào cũng say sỉn chưởi bới làm mấy nhà chung quanh cúng Phật không yên…
Có một bà lão trong xóm phá lâm bị thằng cháu nội… cha nó ra đồng suốt còn nó mới 17 tuổi đã “Học Quậy”, nay 20 tuổi thành tên quậy chuyên nghiệp, môn nào cũng có: Uống rượu, cờ bạc, cắp giật, đánh nhau…thứ nào như nó muốn “ làm sếp”, mà thật sự tài nghệ của nó giờ đáng là sếp của khu vực phá lâm nầy. Bà lão đến khen cháu Trân hiền lành hiếu thuận, bà có đứa cháu gái năm nay 22 tuổi chị ruột của sếp quậy, ước muốn được Trân làm cháu rễ…
Có một người đàn ông trẻ từ xóm trong dẫn chiếc xe đạp xẹp bánh ra ngang, anh hai Công đang chuốc cán len đào đất đã bị ông hàng xóm mượn xeo đất gảy hôm qua, kêu người đàn ông trẻ:
Chú dẫn xe ơi! Đây tôi có ống bơm chú ghé tôi bơm giùm.
Người đàn ông trẻ dừng dẫn nhưng không cho xe vào ngõ, đứng giữa đường anh nói:
- Xe tôi bị gai đâm ruột không phải để lâu xì hơi mà bơm hơi. Cám ơn anh!
- Xì ruột thì đây cũng có cách làm cho ruột không xì. Chú mau dẫn xe vô đây.
Xóm vắng vùng xa nhà cửa thưa thớt, đất mới khai vài năm ruộng chưa trúng mùa, nợ nần kêu réo nên nhà cửa cất sơ sài, chiều qua có ngọn gió mạnh thổi bay nóc một ngôi nhà, hai căn hộ khác xiêu vẹo. Dứt mưa thì trời đã hoàn hôn, nhà nhà lên đèn thảm thương những căn hộ bị thiên tai, anh hai Công mang chiếc đèn pin đi nghe ngóng tình hình trong xóm phá lâm, dừng lại ngôi nhà bị tóc mái, cảm động khi thấy một bà lão cỡ tuổi mẹ mình ngồi cặp cái lu to trốn gió, rung rẩy, mấy cháu nhỏ khóc khiếp. Người đàn ông loay quay tìm những món đồ bị gió cuống. Thấy tình thế xót ruột, anh hai Công trở vội về nhà kêu thằng con trai, bảo mẹ nó đem ra tấm mủ lớn, hai cha con mang đến ngôi nhà bị tóc mái, bắt hai cái thang, cha một đầu con một đầu, Ông chủ nhà thấy vậy lo đoạn giữa tiếp đưa lên mái nhà kéo từ bên nầy choàng qua bên kia, niệc dây thật kỹ. sáng lại, anh dậy sớm cúng Phật xong, ngoài đường chưa tỏ, còn năm mười phút cho anh tính ra cách lợp nhanh căn nhà bị tóc mái. Anh biết ông chủ nhà hết phương lo, lúa còn lâu lắm mới đến thu hoạch, chưa biết trúng thất thể nào. Đất mới mở phèn nhiều mùa rồi lổ hơi, thêm một khoảng nợ…
Có đứa bé gái nửa đêm đau chứng ngặt ngèo, người trong xóm đến kêu anh tiếp. Nghe tiếng báo bệnh là anh giục ngồi dậy, rửa tỉnh đôi mắt, anh vội vàng đến nhà có bệnh, thấy bé gái đau trợn trắng con mắt, cả nhà kêu khóc lu bù, vùng xa thành xa chợ, đường xá khó đi, nửa đêm mà bệnh cái kiểu nầy may ra có Phật cứu mới kịp. Anh an ủi thân nhân bé gái, giữ yên lặng niệm liên tiếp câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT cho anh tìm thuốc. Nói như ra lệnh, mọi người nghe anh giữ im niệm Phật. Nhà chỉ thờ một lư hương, thờ ai đâu chớ không thờ Phật, có tượng Ông Địa bụng to ngồi chần dần ra. Bàn thờ không có nước cúng, anh phải ra lu nước uống, múc một phần ba chén nước vào đưa lên trán nguyện thầm: Cảnh nghèo khổ của nhà bé gái, phần thì xa chợ, xa lương y, nửa đêm phát bệnh dữ nếu không nhờ Đức Phật Đức Thầy cứu an chắc không qua khỏi đêm nay. Nguyện vái với Phật xong anh kêu người nhà đem ra cái muỗn nhỏ, vạch miệng bé gái mà đổ nước Cam Lồ. Thuốc vào miệng, bé gái trợn trắng con mắt dữ hơn, thân nhân trong nhà tóa lên khóc. Anh Hai Công đưa bàn tay ra lệnh, thì mọi người đều im miệng, niệm Phật, Anh Công cũng nhíp tâm niệm Phật, khoảng mười phút sau bé gái xem mòi dễ chịu hơn, mắt hết trợn trắng. Sáng lại bé gái tuồng như khõe hẳng, không còn chút bệnh hoạn gì , chỉ yếu hơi thôi. Từ đó người ta đồn đải Anh Công được ơn trên cho linh dược.
Sống lâu mới biết lòng nhau, tu thiệt hay tu giả bộ lâu ngày người ta cũng biết. Qua sức chịu đựng của cả nhà anh Công, cũng như tấm lòng độ lượng  thương người của cả nhà anh là sự thật ai cũng biết. Anh Công dần dần chiếm được cảm tình của hầu hết trong cộng đồng phá lâm, nếu có bị hỏi ra từng hộ gia đình không nhiều thì ít, vật chất hoặc tinh thần, căn hộ nào cũng có chịu ơn nhà anh. Khi đã hiểu lòng của ông bà cư sĩ PGHH, cộng đồng phá lâm rất quý kính cho nhà anh là cái “ bống mát”giữa sức nóng nắng của mùa hè, là chỗ dựa tinh thần, là ngôi trường học đạo cho trong xóm.
Anh Công không có trong ngành Ban Phổ Thông Giáo Giáo Lý, không qua trường lớp đào tạo, không có chuyên môn về thuyết giảng; anh chỉ là một tín đồ bình thường theo lời Thầy dạy “ Sốt sắng lo làm ăn và lo tu hành chơn chất”, đi kiếm đất làm ruộng để lo ăn tu, thực hiện đời “ cư sĩ canh điền, lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành”. Đến làm ruộng chớ không phải đến để truyền bá, nhưng cả nhà anh có quyết tâm hành đạo, đứa con út của anh mới 8 tuổi, học lớp 2 nhà trường, ăn chay ngon miệng thấy mà thương, tối sáng nào nó cũng cúng lạy, niệm Phật mà thông minh lạ ra! khôn khéo trước tuổi, nó cũng làm ảnh hưởng một số bạn bè nhí trong lớp ăn chay cúng lạy theo. Nhờ có quyết tâm hành đạo trong khi “ Sốt sắng lo làm ăn” nên hạnh cách cả nhà anh cao khiết. “Năm tháng không phiền lòng về chuyện của ai, cũng không để cho ai phiền lòng về chuyện của mình” đó là câu nói mà anh Công thường nhắc nhở với vợ con. Nhà anh, vách trước vách sau, vách buồng vách bếp, hông phải hông trái chỗ nào cũng chỉ ghi một câu thôi “Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.”
Không phải là Giảng Viên truyền bá Phật Pháp, không có chức vụ gì trong Ban Phổ Thông Giáo Lý, nhưng kết quả anh đạt được trong truyền bá, thu phục cả một cộng đồng phá lâm từ bảy phương tám hướng tới, đội quân Ô HỢP sau còn lại một màu trong vắt: màu tu.

5 giờ sáng 01/01/2015.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét