Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018


TUẦN TỨ THẤT ĐỒNG ĐẠO
ĐẶNG VĂN MƯỜI

Đặng văn Mười cởi bỏ huyễn thân sau vài hôm tôi mới hay. Muộn màng rồi, thôi thì dặn lòng tới cúng tuần đi cũng được. Nhưng tới tuần lại không nhớ, tuần nào nhớ thì kẹt việc hoặc nhằm bửa mưa to nhớ cũng như không. Từ tôi ra phải chịu một hai khoảng lầy lội mới tới đường bờ kinh xáng, bánh xe bị bùn chèn cứng không chịu lăn tròn, nó đòi lếch, lếch… làm tôi phát sợ mà thôi đi cho xong. Tuần thất nầy tôi nhớ, cũng không bận việc chi, màu Trời nắng tốt; được ba phải, xét không còn lý do gì vắng mặt cuộc cúng tuần nầy.
Căn nhà nhỏ của Đặng văn Mười nằm ngoài vườn sau, chỗ chật hẹp không đủ sức chứa bà con đồng đạo từ các nơi đến dự lễ cúng tuần, các cháu của Mười tổ chức lễ tuần cho chú mình ở ngôi nhà lớn, sân rộng. Bàn cầu nguyện đặt trước sân nhà, đề nay là tuần thất thứ 4, có rất nhiều người gần xa đến tham dự.

Đặng văn Mười, tên thường gọi là Mười Nheo (Xin miễn nói về nguyên quán), Phát tâm tu lúc còn ở tuổi vị thành niên, trước năm 1975 đang cấp sách đến trường với học trình trung học. Đã phát tâm tu, tình trạng song học trường đời lẫn trường đạo như bị quá nhiều áp lực, vì duyên sâu với Phật Pháp, để không bị áp lực nữa bé Mười nghỉ học trường đời chuyên sâu vào trường đạo. Lớn lên đến tuổi thành nhân, giờ không còn là bé Mười ngày xưa nữa, đã đủ tư cách một ông đạo, tự quyết sống độc thân nêu cao hạnh cách đạo đức bản thân, hoằng dương chánh Pháp của Đức Thầy. Sau đó nghe tin ban Tu Huấn trung ương giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo mở Tu Viện, đặt vị trí ở “Kim Cổ Tự” (Phủ Thờ Ông Ba) cho các tu sinh có lập trường độc thân vào đây với chương trình tu học dài hạn, rèn luyện cứng cỏi hạnh đức, nữa sau đem sự hiểu biết của mình cống hiến cho lợi ích tôn giáo, giáo hội. Đạo Mười đến ghi tên vào Tu Viện nói trên, ở tu học cho đến ngày 30-4- 1975, đất nước xảy ra biến cố chánh trị làm thay ngôi đổi chủ, ông chủ mới nầy, nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chấp nhận sự có mặt của các tôn giáo trong xây dựng xã hội, kiến thiết quốc gia. Tu Viện bổng chóc bị giải tán, đạo Mười trở về quê sống chung nhà với mẹ và người chị ruột cũng là nữ tu độc thân. Sau nhiều năm im ẩn chánh quyền địa phương lơ dòm ngó đối với tín đồ PGHH, đạo Mười lén ra cất chòi nhỏ phía sau vườn nhà ở riêng tu, trồng sâm chút đỉnh bán kiếm sống qua ngày. 
Ngay sau ngày 30-4-1975 Các ban trị sự giáo hội PGHH bị cấm hoạt động, các cơ sở thông tin về PGHH như sách vở, báo chí, tạp chí “Đuốc Từ Bi” là cơ quan ngôn luận của giáo hội PGHH, chương trình truyền thông đại chúng “Tiếng Từ Bi” hằng tuần phát lên tầng sóng đài Phát thanh Ba Xuyên, Sài Gòn đã bị triệt diệt, ngay cả quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo lý cũng buộc phải giao nạp nhà nước, ai không chịu giao nạp thì phải dấu kín, hoặc đào đất mà chôn. Về phương diện học Phật bên ngoài hoàn toàn bị bế tắt, đạo Mười nghĩ cách mở chương trình thu thanh toàn bộ quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý, lén lút sang phát cho bà con đồng đạo có tấm lòng hâm mộ Đạo Pháp, các vị vặn máy vừa đủ nghe để ôn nhuần giáo lý tu tỉnh tại nhà.

Thuở ấy tôi là một đọc giảng viên có giọng đọc làm đệ Mười thích ý, đạo ấy mời tôi đọc thâu băng không phải một lần mà nhiều lần bởi băng và máy thu băng ra đời sau tốt hơn đời trước, theo thị hiếu của người hâm mộ, chủ nhà băng muốn tồn tại thì phải đổi mới hình thức bỏ trước lấy sau. Là đọc giảng viên thường được ghi âm, khi chúng tôi vào chương trình, đạo Mười vì quan tâm việc truyền bá chánh pháp cần đọc đúng chánh văn nên luôn luôn ở cận chúng tôi, lật quyển Sám Giảng Thi Văn trước mắt để dò theo, hễ nghe đọc trật chữ là kêu dừng lại, đọc lạc giọng hay giọng không suôn cũng phát tay kêu sửa. Sau nầy tôi đọc cho nhiều chỗ yêu cầu lấy băng làm gốc mà so sánh thì dàn băng gốc của đệ Mười vượt hẳng các chủ băng gốc khác về kỹ thuật âm thanh và phát âm đúng. Ngoài ra, đệ Mười còn đi một khóa tù giam vì tội in ấn lén quyển Sám Giảng Giáo Lý. Theo nhận xét của tôi, đệ Mười là người có công rất lớn trong việc “truyền bá Kinh Lành” PGHH ở giai đoạn đầu lịch sử của sau biến cố 1975.
Nhân dịp tham dự lễ tuần tôi muốn tìm hiểu trước khi lâm chung đạo Mười có dặn dò hay biểu hiện gì đáng ghi nhớ không. Một đồng đạo thuộc thân nhân người quá cố trả lời:
Ông Út bệnh lâu ngày, trường hợp chở đi bệnh viện điều trị đã thường xảy ra khi con bệnh hành xác tột độ, nằm viện cho y bác sĩ theo dõi ít hôm hoặc một hai tuần bệnh ngặt sẽ qua khỏi thì về, trừ lần nầy. Buổi sáng ngày 19 tháng 3 Mậu Tuất Ông Út còn rất tỉnh dặn dò chúng tôi chỗ Ông để chìa khóa tủ, hãy nói với cháu Thảo, khi bật khóa tủ ra sẽ thấy trong đó có hai xấp tiền để riêng, một là tiền dành làm ngôi Tam Bảo, hai là tiền riêng của tôi. Tiền làm ngôi Tam Bảo là nguồn vốn của nhiều bà con đồng đạo đóng góp hàng tháng, hãy tiếp tục thay tôi sử dụng khoản tiền nầy theo đúng mục đích, còn tiền riêng của tôi thì cháu Thảo và các cháu tùy hỷ sử dụng. Đã tỉnh táo dặn dò như vậy đâu ngờ chiều lại Ông Út lâm chung.
Theo tôi, dầu đạo Mười không nói ra chừng nào mình cởi bỏ huyển thân, nhưng đến lúc sắp lìa bỏ cõi đời mà còn có sự bình tỉnh, dặn dò hai khoản tiền công và tiền tư để làm trong sạch bản thân trước khi ra đi, chính là sự báo trước.
01/6/2018

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018


ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG
ĐẠO LÀ VỐN THIỆT CÁI ĐÀNG,
TA RA SỨC DỌN CHO TOÀN CHÚNG SANH
(Lời Đức Thầy)
Xưa nay người ta hay phân biệt giữa đạo và đời để thấy rõ ràng việc làm của hai bên và đạt đến mục tiêu của hai bên đó là gì. Đời là chốn đua tranh theo đường lợi danh phú quý, đạo tìm yên ổn, thanh tịnh những vật chất vinh hoa. Người đạo sống nhờ vật chất nhưng không vì sống nhờ mà đồng ý cho vật chất sử dụng quyền lực xui khiến làm náo loạn sự yên ổn tâm hồn. Sống trong đua tranh có thể dẫn đến oán thù giết hại, nói là đi tìm hạnh phúc mà để sanh ra mắc mớ, oán thù, nghi kỵ… thì hạnh phúc đó chỉ là cái bánh vẽ thôi. Yên ổn thanh tịnh làm tan biến oán thù và mọi cấu nhiễm. Khi trạng thái nầy chưa thị hiện làm tan biến mọi cấu nhiễm nhưng nếu hành giả ngưỡng mộ hạnh tu thanh tịnh, tìm sống với cảnh thanh tịnh quen dần, sự thanh tịnh ấy sẽ chuyền vào não, dẫn vào tâm.
Tôi nói: tìm sống với cảnh thanh tịnh không có dụng ý đề cập hành giả phải vào rừng, lên non ẩn cư yên ổn là yên ổn, cảnh thanh tịnh là thanh tịnh. Bằng vào chúng ta ngưỡng mộ hạnh tu thanh tịnh mà tiếp tục công phu, giữ vững lập trường hiếu tịnh, khi lập trường hiếu tịnh thuần thục, sau nầy bất cứ ở đâu khi lòng đã có thanh tịnh là thanh tịnh, nếu lòng không thanh tịnh cho dù vào rừng, lên non, tìm thanh tịnh trong cảnh tịnh hay quỳ trước Phật đài chỉ làm náo loạn lên những cô đơn buồn tẻ, có lợi cho quân phiền não nổi dậy lấp đường cản lối.
Dõi theo dòng lịch sử của đạo Phật Đức Thầy cảnh nhắc:
“Từ ngàn xưa Phật Pháp gài then,
Nên ít kẻ tu hành đắc đạo”.
Nguyên nhân dẫn đến “Phật Pháp gài then” là vì trên đường cầu tiến, chúng sanh cách Phật, xa Tổ, trong lúc gặp gian truân rắc rối bởi quân nổi dậy phiền não tự mình không gở rối được làm cho sự rắc rối bị tồn động, dâng cao. Đã không tiến còn lùi bước, chết đến không về cõi Phật mà vào vòng quay của sáu nẽo luân hồi. Bởi sự rắc rối trên đường về cõi Phật, Đức Thầy cho biết sứ mạng lâm phàm của Ngài qua câu:
Đạo là vốn thiệt cái đàng,
Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh”.
Đàng: là tiếng đọc tranh ra của “đường”: Con đường, con đàng; chúng sanh, chúng sinh… Cái con đàng mà chư Phật chư Tổ đi vào cõi Phật hay thành Phật, các Ngài nhập Niết Bàn không trụ thế lâu hơn để dẫn dắt hành giả trực tiếp ở những tình thế đối đầu với quân phiền não loạn tặc, dầu trước khi nhập Niết Bàn Phật có để lại Kinh Pháp giáo lý, các chúng đệ tử nương theo đó tu hành. Nhưng trớ trêu, từ ngày “Phật Pháp gài then” đạo không theo hướng thâm nhập tâm mà tạo nên quá nhiều hình thức, âm thanh sắc tướng. Đường vào tâm, vào Phật chỉ còn ở sách vở, ngôn từ.
Theo sự hiểu biết của tôi, ý nghĩa của câu “Đạo là vốn thiệt cái đàng” đã xác định tính độc lập vị trí. “Thiệt” là những gì có sẵn, không cần tìm kiếm hay ra công dọn dẹp mới thấy. “Ta ra sức dọn”, đã có THIỆT sao còn ra sức dọn nữa chi?
Nói “Dọn Đàng” ta hiểu ngay con đàng nầy vì một nguyên nhân nào đó đã bị bít lấp. Xưa nay người ta giải thích chữ ĐẠO, có mênh mông tới đâu cũng vỏn vẹn trong hai điều căn bản: Đạo là con đường, Đạo là chân lý tuyệt đối. Đức Thầy dùng tiêu đề nầy qua nghĩa thứ nhất, là con đường dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi biển khổ sanh tử.
Đạo là con đường, theo tôi có hai tiêu hướng 1: Đối với tự thân của hành giả, 2: Mang ý nghĩa tôn giáo.
1- Đạo, nói theo nghĩa của người hành giả là tự quyết bản thân về sự tu tâm dưỡng tánh, có tự quyết mới tạo động lực mạnh vượt qua khó khăn chồng chéo, chảy gở những đam mê, diệt trừ dục vọng để không bị chúng lôi cuốn mất chánh tâm, chánh niệm về Phật Pháp, mất phương hướng Tịnh Độ, Niết Bàn. Người đạo mà để mất chánh tâm chánh niệm về Phật Pháp, mất phương hướng Tịnh Độ Niết Bàn, kết quả giống như người không tu, không đạo, hết kiếp bị đẩy vào vòng quay luân hồi. Tiền kiếp có làm điều phước thiện được sanh lên cõi Thiên, Nhân, không thì rớt xuống ba cõi dưới chịu vô vàn khổ não.
2- Đạo mang ý nghĩa tôn giáo: Ai quy y vào đạo được gọi là tín đồ, tín đồ trong đạo gọi là đồng đạo. Cùng tín ngưỡng có trách nhiệm, bổn phận đẩy mạnh công tác giáo sự làm tài sản tinh thần cho mọi nhân sinh dù nhân sinh đó không cùng đạo với mình. Không cùng tín ngưỡng tôn giáo nhưng mọi tầng lớp nhân sanh cùng nhau tình thương và lẽ phải mà tôn giáo nào cũng có. Gặp một người rơi vào tình cảnh đáng thương thì tôn giáo nào cũng dạy nên thương những người đáng được thương đó mà không cần truy nguyên nguồn cội tôn giáo của họ là gì. Với những người chưa có tín ngưỡng tôn giáo nào, ta muốn họ theo về tôn giáo của ta đương nhiên ta có quyền hợp pháp đó nhưng mong muốn của ta dựa theo lẽ phải và đạo đức bản thân chứ không phải là dụ dỗ, ép buộc.
Truyền bá giáo lý là trách nhiệm, bổn phận phải có của người tín đồ:
“Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
Công đức Phật từ bi vô lượng.”
Đức Thầy giải thích rõ ràng hơn về trách nhiệm bổn phận qua một đoạn văn sau đây:
“Tổ-tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm-mầu, lòng quảng-ái của Phật đối với chúng-sanh, đã kính trọng sung-bái Ngài, đã hành-động đúng theo khuôn-khổ Ngài đã dạy và đã vun-trồng bồi-đắp cho nền đạo được phát-triển thêm ra, xây-dựng một tòa lầu-đài Đạo-hạnh vô-thượng vô-song, roi truyền mãi mãi với hậu-thế.
Nên bổn-phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền-nhân hầu làm cho trí-huệ minh-mẫn đặng đi đến con đường giải-thoát, dẫn-dắt giùm kẻ sa-cơ và nhứt là phải tiếp-tục khai-thông nên Đạo-đức đặng cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Như thế mới chẳng phụ công-trình vĩ-đại của Đức Phật và của tiền-nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.”
Tiếp-tục khai-thông nên Đạo-đức đặng cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Ta học rõ ràng như vậy, và kêu gọi cùng nhau làm bổn phận, đoàn kết vui vẻ để đem cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Đạo mang ý nghĩa tôn giáo rất cần sự đoàn kết nội bộ mà Đức Thầy kêu gọi “Chớ chia rẻ… Hiệp cùng nhau…, như đồng đạo chúng ta đây muốn kêu gọi người khác chớ chia rẻ… hiệp cùng nhau… mình làm đầu tàu gương mẫu thì phải có thiện chí thực hiện chớ chia rẻ… hiệp cùng nhau… Đừng có ra công kêu chớ chia rẻ, gióng trống khua chiêng cho dữ để người khác làm mà mình không làm, trên con đường đi đến hiệp cùng nhau… chỗ người ta làm xong còn chỗ mình thì luôn bế tắt, đạo đức trong lòng cũng tắt.
Làm đạo, tuy không cùng quan điểm không hợp tác để có chung việc nhưng tư tưởng cũng đừng để phân ly tạo nên phe phái chống nhau. Mỗi người có thể an nhiên làm theo quan điểm của mình và không vì bảo vệ quan điểm mà thấy ai hành động khác với quan điểm của mình thì chê bai, đả kích, bêu xấu. Ta làm phát triển tôn giáo theo cách của mình, người khác cũng làm phát triển tôn giáo theo cách của họ. Đôi khi ta có thói quen chê bai người khác mà người khác nầy hơn ta gắp mấy lần về ảnh hưởng quần chúng, họ có thực lực thật đấy, do bản ngả cố chấp của ta không chấp nhận sự thật về ta để cho lòng ganh tỵ bộc phát, cải vả thô lổ làm trò cười cho khách qua đường. Đôi khi ta rất nhức đầu nhức óc về tính khí căng thẳng sự hơn thua, cao thấp... Ta hoạt động tôn giáo ở mô hình từ thiện, đạo tràng hay tịnh thất thì ta cũng là người tu diệt vọng tìm chơn, gặp chơn không kính thỉnh, thấy vọng không trừ trừng mà nói đi hoạt động tôn giáo là lợi ích sao?
Lợi ích của tôn giáo dựa trên sự lợi ích của người tu, vì tôn giáo là để khuyến tu những người chưa tu. Bởi đó, hãy đặt vai trò tôn giáo, lợi ích của tôn giáo làm ích lợi nhân dân, phù hợp với lợi ích chân chính của nhân dân. Thấy được lợi ích nhất là lợi ích về mặt tinh thần, từ đó nhân dân mới trở thành người tu được. Khi nhân dân gặp cảnh người đạo với nhau giận hờn, thốt ra những lời lẽ khó nghe, bươi móc, chống báng, chỉ trích, giành giựt chút mồi danh, lợi, tình… xét không còn là ích lợi của nhân dân nữa, có khuyến tu họ, không phải dễ dàng gì.
Hãy vì đạo, vì Thầy Tổ mình làm tốt công tác “truyền bá Kinh lành”, bỏ qua những bất đồng về nhận thức, quan điểm, để hai bên còn có đủ sức đánh giặc phiền não tiến đến mục tiêu. Tai hại của tôn giáo không chỉ dựa vào nhận thức của ta về người nọ người kia làm sai mà trong đó có ta nữa, nếu ta dám nhìn thẳng nhìn thật vào vấn đề trì trệ của tôn giáo, khi chỉ trích, đả kích chính ta là vật cản cho sự phát triển tôn giáo mà ta đã đẩy trút cho người khác. Tôn giáo có nhiều người tu được sẽ hay hơn nhiều người nói được mà không tu. Muốn mình cao hơn người khác thì phải điều dưỡng, ăn uống tẩm bổ thế nào đó, chặt hạ người cao cho thấp lùn hơn mình là cuộc cạnh tranh sái phép, không mang tính công bằng.
Tóm lại, “Đạo là con đường” một: của hành giả đến mục tiêu cứu cánh nhưng trên tuyến đường ấy hơ hỏng sẽ bị lũ giặc phiền não xông ra chận lối, hành giả phải cố gắng hơn để cuộc diện không có hơ hỏng, và vì cố gắng, lở có hơ hỏng thì sự hơ hỏng đó không kéo dài. Kẻ gian vào nhà trộm đồ, chủ nhà hơ hỏng một chút là mất một chút, dễ dàng bồi bổ lại những gì đã mất, chứ hơ hỏng lâu, thời gian kéo dài, trộm sẽ guộn sạch đồ trong nhà. Hai: Con đường phát triển tôn giáo (đạo) rất cần sự đoàn kết của các tín đồ trong đạo. đoàn kết mới tạo nên sức mạnh, gặp khó khăn nào tôn giáo cũng vượt qua, đem ánh sáng giác ngộ đến mọi người.
27/5/2018


Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018


LỄ CÚNG ÔNG BA NGUYỄN VĂN THỚI
thiệp mời lễ cúng Ông Ba trước năm 1975

Ông Ba là vị tu đắc trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nơi thờ Ông trước năm 1975 là ngôi chùa có tên là “Kim Cổ Tự”, từ khi nhà nước xã hội chủ nghĩa lên quyền đã cải tự thành gia “Phủ Thờ”. Ông Ba là tác giả của quyển KIM CỔ KỲ QUAN, tác phẩm nầy mang nội dung vừa là Sấm Cơ vừa là giáo lý đượm mùi thiện vị:
“Đi đâu cho khó nhiều đàng,
Kìa non Bửu Tự nọ ngàn Ma-Ha.
Kiểng nào kiểng chẳng có hoa
Non nào non chẳng có tòa thiên-thai”.
Những câu sau đây còn nhập tâm hơn:
“Bửa cháo rau đã an phận khó,
Còn hơn người bán chó treo dê.
Khát thời uống nước Tào-Khê,
Đói ăn Ma-Phạn tối về canh-tân.”
Lễ cúng Ông Ba năm nay mùng chín tháng tư năm Mậu-Tuất 2018 tôi không bàn về sử nghiệp của Ông, chỉ nói chung quanh quan cảnh ngày đại lễ. Cũng như mọi năm, cái cảnh đông người trước đường chùa cả trong sân chùa. Vào nơi trang nghiêm thờ phượng, thấy cảnh bà con nguyện vái liên tục, người đến sau và sau nữa không thể đợi được lớp người nguyện vái phía trước hành lễ xong, kẻ đứng người quì cứ mà lạy xá người lạy xá trước mặt mình. Xong việc nguyện vái khách tủa ra sân ra đường dạo cảnh, đâu đâu cũng cảnh người người qua lại, chào nhau vui vẻ, tay bắt mặt mừng hỏi han tâm sự, tinh thần phấn khởi, hứa hẹn gặp lại ở kỳ lễ sang năm…

Bên cạnh niềm vui ấy, đặc biệt, lễ cúng Ông Ba năm nay có nhiều tiếng khóc la thảm thiết, nguyền rủa kẻ gian bởi những vụ cướp giật công khai trong chốn đông người mà nạn nhân của vụ bị cướp giật nầy thường là phụ nữ trẻ, vì những vị nầy đi cúng lễ chùa mà sắm dọn lòe loẹt cho dây chuyền vàng phơi ra cổ, hay đem điện thoại cầm tay thứ đắc tiền ra ghẹo sang, nhởn nhơ quay phim, chụp hình, kẻ gian chỉ cần có cơ hội là túm ngay dây chuyền, điện thoại cho mặc sức ở đó mà khóc la, chưởi bới. Đâu phải bị giật mất của là thôi, nếu chủ sở hữu tiếc của cố giữ những hàng quí giá của mình làm cho vụ cướp giật của kẻ gian không suôn chuyện, kẻ cướp có thể cho vài thoi vô mặt siểng niểng, đau nhá lửa, sưng phù gò má, bầm nâu con mắt mới chịu buông của quí ấy ra: đã mất đồ còn thêm mang bệnh.
So với những năm qua, năm nay có nhiều vụ cướp giật rất là bài bản, kẻ cướp đánh người bị cướp đến độ kinh khủng mà không thấy mặt ông quan làng nào can thiệp sức tấn công của những tên gian tặc và tỏ một chút tình với nạn nhân bị cướp xâm hại. Nghe thấy vụ cướp giật xảy ra, kẻ gây tội đã bỏ chạy, người bị giật mất nữ trang còn oằn hoại với những vết sưng lói, bà con đi dự cúng lễ, phần đông đều tỏ lòng thương cảm người phụ nữ trẻ không may nhưng cũng có một ít người nói ra cái giọng cay đắng: Đi cúng chùa còn sắm dọn, khoe của, bị vậy cũng đáng, để thức tỉnh cho suốt cuộc đời không có lần sau.
Nói như vậy liệu có quá đáng không! Trời sanh người ta là phái đẹp, còn trong lúc trẻ đã nguyện ước đi chùa vái lạy cầu phước là quí rồi, chỉ là cầu phước thôi chứ không cầu tu đắc đạo nên đừng buộc họ phải giữ hạnh cách một nữ tu, họ cần tô điểm những điều gợi sắc để tự hào về vẻ đẹp Trời ban. Vàng đeo tay, trồng cổ… người ta gọi là nữ trang, dầu vàng ở trên mình của nam nhân cũng không gọi là nam trang. Vậy nữ trang là đồ dành trang bị thêm sắc đẹp người phụ nữ, phụ nữ trẻ dáng xinh xinh sắm nữ trang để làm đẹp mà bắt buộc họ không khoác lên thân mới là chuyện lạ. Tuy vậy đến chỗ đông người lại là vùng mất kiểm soát mà ta đeo nữ trang để làm duyên hương sắc, nếu bị cướp giật, xâm hại thân thể như những trường hợp xảy ra trong hai ngày qua, thì chuyện đeo nữ trang làm đẹp với chuyện mất của còn bị xâm hại thân thể ta chọn bên nào?
Đã bị cướp giật ngoài sân, ngoài đường, Sáng nay mùng 9 ngày chánh cúng Ông Ba, những tên cướp giật gan thật là gan, dám vô giật trong chỗ các ngôi thờ, một người phụ nữ trẻ đi cập kè cúng nguyện với chồng, nguyện vái xong trong khi cô lạy tạ ơn trên thì cọng dây chuyền không nằm yên trên ngực, nó lòng thòng xuống, kẻ gian hờ sẵn chụp giật dây chuyền khá tài tình rồi biến mất, làm cái ông phu quân theo gác gian giùm cho vợ cũng chịu thua, không cản kịp.
Đừng tin chánh quyền giữ an ninh tốt đối với những tên cướp giật cho mình vui chơi khoe của, hãy cẩn thận và đề phòng tai vạ để không gặp phiền phức trong khoảng thời gian ta đi dự lễ cúng Ông Ba hay những nơi tương tự khác hơn là khi bị tai vạ mong chờ chánh quyền đến đuổi vạ cho ta. Trọn năm mới cúng lễ Ông Ba một lần, biết cái chỗ đông người, không chắc về mặt an ninh thì thôi nhịn trang xuất một buổi một ngày cũng không nhiều nhặn gì đâu mà nhịn không nổi, còn hơn là đeo nó để khi vái lạy nghe lòng hồi hợp bất an, liết mắt qua lại khi thấy có kẻ lạ đến gần.
23/5/2018

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018


TIỄN NGƯỜI VỀ CÕI THỌ
“Người” tôi nói là đồng đạo Lê thị Chuyền, nguyên quán xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Sau nhiều năm tháng bị con bệnh dày vò, kém ăn mất ngủ, thân hình gầy héo, nhưng lòng kính Phật, trọng Pháp không chút nào thay đổi, đến giờ phút cuối của cuộc đời có điểm báo được Phật rước.
Phát tâm tu vào năm 1973 lúc đó 21 tuổi, giữ hạnh độc thân, tinh thần mạnh mẽ, xin phép cha mẹ cho cất nhà nhỏ ( am cốc ) ra đó ở riêng dễ dàng tu niệm. Xuất thân từ một gia đình có ăn, cha mẹ và các anh chị trong nhà cũng là người có tâm hồn hướng thiện nên việc xin cất nhà nhỏ ở riêng không gặp trở ngại nào, những người thân hứa sẽ bảo quản đầy đủ về ăn, mặc, ở, để cho cô con, em, yêu quí không bận làm lụn kiếm sống như những vị tu tự lực cánh sinh khác. Đã tự nguyện chuyên tu thì phải tu cho trọn nên lòng nêu cao hạnh lạc đạo an bần, không mua sắm xài phí sa hoa, mỗi ngày một bửa cơm rau đạm bạc để có nhiều thời giờ dồn vào việc tu tâm dưỡng tánh. Tu hành tiến bộ, bổng 30 tháng 4 năm 1975 biến cố chính trị xảy đến làm cuộc diện quốc gia thay ngôi đổi chủ, kéo theo sự xui rủi không ngờ, giáo hội PGHH bị cấm hoạt động, các cơ sở tôn giáo cũng như quyễn Sám Giảng Thi Văn Giáo lý hay sách vở nói về đạo PGHH phải giao cho nhà nước. Nếu không tình nguyện đem giao nộp chừng cán bộ nhà nước đến nhà lục xét bắt gặp chẳng những tịch thu mà còn bị xử phạt đích đáng và khi chịu xử phạt thì văn bản thường đề là “không có quyền khiếu nại về sau”. Những chức sắc trong guồng máy giáo hội lần lược vào tù, học tập cải tạo, những vị tu độc thân nơi am cốc bị đuổi tận, làm cho rất nhiều vị phải trở về nhà cha mẹ là lý do dẫn đến hoàn tục. Đồng đạo Chuyền là một trong số nhiều người nói trên. Tuy lập gia thất sống cùng chồng nhưng hai ông bà cam kết với nhau là trường chay suốt kiếp, chỉ thua một việc có vợ có chồng, ngoài ra chặc chịa công phu sớm chiều theo tôn chỉ của đạo.
Đến năm 1999 nhà nước Việt Nam bị công ước quốc tế về tự do tôn giáo cáo buộc là quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo của tín đồ một cách trầm trọng. Tổ chức nầy thông báo các quốc gia thành viên gây sức ép cả hai mặc ngoại giao và kinh tế nên nhà nước Việt Nam cam kết sửa sai, đổi mới chánh sách. Từ đó ký phép cho đạo PGHH hoạt động trong vòng tròn pháp luật. Vừa hé một chút tự do tôn giáo thì thấy đạo nhà ánh lên những nét rạng rỡ, sinh hoạt sum vầy, đồng đạo Chuyền tiếc mình không được trở lại như xưa cùng huynh đệ cô bác gánh vác công việc đạo sự. Tuy là tiếc nhưng không cúi đầu thua cuộc, sự tiếc uổng ấy đã tạo cho chị quyết tâm hơn: ở trong đời tục vượt xa sự cám dỗ của thế tục. Nhà có nhiều ruộng đất, thuộc dạng khá giả nhưng chị vẫn luôn luôn giữ hạnh lạc đạo an bần, chẳng những không xài phí sa hoa mà ngay cả những bửa cơm hằng ngày các thành viên trong gia đình muốn dùng gì tùy thích nhưng riêng chị thì không cần, ăn sao no bụng là được. Chị rất thương người nghèo đói, không xài phí sa hoa tất nhiên là dư tiền, dành tiền ấy đem giúp đở những người bất hạnh, nghèo đói bệnh tật.
Do hạnh cách đạo đức bản thân nên Lê thị Chuyền có được 3 điều may mắn:

1-    Khi hạ quyết tâm tìm lại ước muốn cũ, bù đắp lỡ lầm của thời quá khứ sẽ không khó nối lại lộ đồ giải thoát đã bị đứt. Sự tu tập của lúc xưa, tiêu hướng giải thoát đã ăn sâu vào tiềm thức, hành giả không tiếp tục hành trình nhưng ý căn còn tríu mến đạo pháp, ngưỡng mộ những người giữ vững lập trường độc thân làm niềm xưa sống lại. Lúc dở dang ý căn nằm chờ, sau nầy có đi lại theo đường xưa không phải đi từ đầu mà là tiếp tục nối lại chặn đường dài đã bị đứt khoảng.
2-    Mặc dù có chồng, sanh con nhưng chồng của chị cũng là người tu có hạnh cách tốt và con thì một mực hiếu thảo với cha mẹ, chồng con luôn luôn ủng hộ, sẵn sàng mọi lúc bất cứ đi đâu trị bệnh hoặc yêu cầu bất cứ việc phước thiện nào. Đã đưa đi điều trị tại một bệnh viện có tiếng ở Sài Gòn nhưng bệnh không thấy thuyên giảm mà dường hơi mỗi lúc trầm trọng thêm khiến hai người thân duy nhứt của chị có lần thỏ thẻ: Cha con tôi muốn làm phước thiện để hồi hướng phước đức cho mẹ nó sớm mau hết bệnh, mẹ nó nói đi, chúng tôi làm việc phước thiện nào mới đem lại lợi ích? Chị đáp: Hãy ưu tiên cho những vị tu độc thân nơi am cốc, kế đó là phóng sanh.
3-    Khi hay chị Lê thị Chuyền lâm trọng bệnh, đồng đạo xa gần hay tin đến thăm, nhà không ngớt khách ra vào. Thấy thần sắc của bệnh nhân có biểu hiện không xa nữa sẽ từ biệt cõi đời, đồng đạo đến thăm liền tổ chức, đặt trách ban hộ niệm ở niệm Phật liên tục hăm bốn trên hăm bốn giờ, cho đến 5 giờ 20 chiều ngày 16 tháng 3 năm Mậu Tuất 2018, đồng đạo Lê thị Chuyền cởi bỏ huyễn thân tứ đại lại thế gian ra đi một cách nhẹ nhàng giữa lúc mọi người đồng thanh, đồng sự, chấp tay trước ngực đọc bài tiếp dẫn Tây Phương.
Sự lâm chung của Lê thị Chuyền có hiệu chứng vãng sanh khiến hai vị đồng đạo thấy được điềm lành:
nữ đồng đạo nầy là Châu thị thu Nguyệt

1- Nữ đồng đạo Châu thị thu Nguyệt. Tôi gặp vị nầy ngay trong ngày tang lễ của Lê thị Chuyền qua sự giới thiệu của đứa con trai yêu quí của chị:
Xin hỏi, tôi muốn bàn chút chuyện với cô có được không?
Dạ được.
Nghe nói cô có thấy hào quang trên nóc nhà của chị Lê thị Chuyền ngay lúc chị ấy lâm chung phải không ạ?
Là ánh sáng lạ.
Xin mời cô kể đầu đuôi câu chuyện về điều mà cô cho là ánh sáng lạ đó được chứ ?
Vâng, tôi ở hộ niệm cho chị Tám đến trời ngả về chiều, chợt nhớ ngày nay có đám cúng tuần trong xóm, tôi liền tạm ra khỏi nhóm hộ niệm đi làm đạo sự nơi khác. Cầu nguyện xong, trên đường về, lướt qua kẻ tróng của hàng cây ven đường tôi thấy trên nóc nhà chị tám phát lên ánh sáng lạ, rực sáng. Lúc đó tôi cũng không hay chị tám hóa kiếp mà trách thằng Hoàng sao mắc đèn soi sáng quá cở lúc ban ngày. Trở lại nhóm hộ niệm để cùng anh chị em tiếp tục chương trình, chừng đó mới hay chị Lê thị Chuyền đã siêu hóa đúng ngay lúc tôi thấy vầng sáng lạ chói chan trên nóc nhà của chị. Không phải nói để biện hộ, xưa nay tu hành tôi thích những gì thực tế chứ lời đồn thôi là chưa được. Nay tôi chứng kiến thật sự chứ không phải nghe lời đồn. Trong niềm tin bao là của tôi, đồng đạo Lê thị Chuyền đã được vãng sanh Tịnh Độ.
người ngồi nhìn óng kính là Nguyễn thị Bi

2- Nguyễn thị Bi, năm nay tròn 70 tuổi, nhân dịp cúng tuần nhị thất cho đồng đạo hóa cố Lê thị Chuyền, tôi xin tiếp chuyện với chị, chị đồng ý lời yêu cầu của tôi:
- Thưa, có phải chị là người may mắn được chứng kiến vầng ánh sáng trên nóc nhà của đồng đạo Lê thị Chuyền ngay lúc đồng đạo nầy lâm chung không ạ?
- Dạ phải.
- Vậy chị hoan hỉ kể cho nghe toàn bộ về câu chuyện ấy được chứ ?
- Dạ được. Tôi ở cách nhà Lê thị Chuyền không xa, đoạn đường cong như chữ “V” chúng tôi ở hai đầu trên chữ V ấy, vì thế trông nhau rất rõ. Chiều ngày 16 tháng 3 Mậu Tuất tôi thấy trên nóc nhà của Lê thị Chuyền chụm lại một vầng ánh sáng nhiều màu lấp lánh, vẻ sáng đẹp chưa từng thấy. Lòng hân hoan, tôi kêu đứa cháu nội 18 tuổi mà chỉ tay lại nhà đồng đạo Chuyền, nó vừa thấy là kêu lên: Bà nội! Phật đến rước bà Tám vãng sanh rồi đó! Nghe nói mừng quá, ốc át tôi nổi rần rần lên, tôi muốn báo cho nhiều người hay để chiêm ngưỡng điềm lành còn đang hiện hữu nầy, liền vụt đi như chạy mà mắt cứ không rời vầng ánh sáng nên đã vấp chân té một lần, rồi hai lần mà ánh sáng vẫn còn chiếu diệu. Tôi tìm đến nhà hai vị nữ đồng đạo nầy( trong hình hai người cùng ngồi với Nguyễn thị Bi) thì vầng ánh sáng ấy không còn nữa, tiếc thay! Ba chúng tôi liền đến nhà Lê thị Chuyền mới hay tin đồng đạo nầy lâm chung đúng ngay lúc trên nóc nhà có vầng sáng hội tụ óng ánh những màu sắc nói trên.
Nói xong câu chuyện, chị Nguyễn thị Bi xin kể lại giất mơ để tăng thêm niềm tin cho những hành giả thiết tha cầu nguyện lực Di Đà: cách nay khoảng ba tháng tôi chiêm bao thấy Phật Bà Quan Âm thần thông diệu dụng từ trên không trung xẹt xuống nhà Lê thị Chuyền, chừng bay trở lên tôi thấy có đồng đạo Chuyền theo sau với đạo phục màu dà, ngồi sắp bằng chấp hay bàn tay trước ngực cũng bay lừng lừng lên cho đến khi huốt tầm mắt tôi mới giật mình thức dậy. Trong lúc đồng đạo Chuyền đang lâm trọng bệnh kéo dài thời gian, điềm chiêm bao nầy, đối với tôi mà nói, có thể là sự báo trước rằng không xa nữa Lê thị Chuyền sẽ được vãng sanh Tịnh Độ.
16/5/2018


Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018


CHUYỆN TRONG MỘT ĐÁM GIỖ
Tôi đi dự đám giỗ vùng xa, những hộ nông dân theo tín ngưỡng Phật Giáo Hòa Hảo tính ra cũng khá nhưng chỉ là tín đồ trên phương diện hình thức tôn giáo chứ sinh hoạt về giáo sự hay đạo theo như chủ lễ gia cảm nhận là quá ít oi. Khách tham dự tuy không đông nhưng bầu không khí rất rộn ràng và ấm áp đã làm nổi bật ý nghĩa ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ của một nhà trong đạo ở cái xứ hiu quạnh nầy. Đồng đạo địa phương chỉ vài người trông họ rất là mới mẻ, có lẽ do đó, chủ lễ gia muốn nâng cao tầm vóc học Phật cho bà con trong làng mình nên mời khách thiền môn từ xa đến, đầu tiên mở chương trình đọc phóng thanh Sám Giảng Giáo Lý PGHH kế đó là hội thảo, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm của hành giả với hành giả. Tôi đến đúng lúc nghe vị đọc giảng viên đọc Sám Giảng Quyển Ba, phớt qua hai câu làm lòng tôi xao xuyến:
“Ở cho cha mẹ ngợi khen
Gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm.”
Không nói quý vị cũng biết, hồi còn trẻ tôi là một đọc giảng viên có khá đông người hâm mộ ghi âm mà Sám Giảng quyển ba đã được những thính giả yêu cầu tôi đọc ghi vào băng nhựa nhiều đến không biết bao nhiêu lần mà kể, nhưng tôi chưa có chút mỹ cảm nào về hai câu vừa nói, chợt lần nầy. Thích quá, tôi chưa kịp nói lên cảm nhận của mình thì trong bàn tròn một nam đồng đạo nhanh hơn tôi nói lên mỹ cẩm đó trước tôi:
Quý vị vừa nghe hai câu “Ở cho cha mẹ ngợi khen, gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm” nếu ta thực hành câu hai, hễ gặp ai lâm nạn là giúp không cần so đo người lâm nạn kia quen hay lạ, là người mình thương hay ghét. Làm được điều nầy dần dần trở thành thứ khả năng tríu mến, một khi đã có khả năng thì lúc đối trước “người lâm nạn”nó tự nhiên rất nhạy cảm trong việc “đua chen giúp giùm”, chừng ấy người lạ thành quen, người ta ghét sẽ thành người ta thương để bể đời vơi đi dòng nước mắt, nụ cười nở lại trên môi.
Nghe lời phát biểu với giọng ngọt ngào nêu trên, phần đông người đồng ý, vui vẻ, chỉ có một bạn không bằng lòng, ông ta nói:
- Lâm nạn bởi vụ gì còn được chứ như gặp tai nạn giao thông mà mình rớ vô cứu khổ nếu không cẩn thận phước đâu không thấy gặp họa ấp xuống, có khi bị đánh hoặc đẩy người cứu nạn vô tù.
Nghe qua lời phát biểu như chỏi bản khiến không khí hội trường sinh động hơn. Những tưởng câu “Gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm” đáng được là một ánh đuốc treo cao làm sáng tình người không ngờ bị anh kia làm sượn trớn. Có một đồng đạo hỏi:
- Xin được nghe lời giải thích của anh về câu: Người làm thiện, Phước đâu không thấy, gặp họa ập xuống là sao?
Nghe câu hỏi có giọng điệu không mấy nhẹ nhàng vị khách bị vấn có vẻ hơi ngại nên liếc mắt qua vị vấn chủ rồi ung dung đáp:
- Quý vị chắc cũng nghe trên đài hoặc đọc báo, internet _ người e dè trả lời _ nhiều vụ tai nạn giao thông, người bị tai nạn ngất xỉu, khách qua đường thấy vậy đở lên chở vào bệnh viện bị thân nhân của thương nhân nghi là người đã gây ra tai nạn cho thân nhân mình, trút giận lên người kẻ vô tội bằng những cú đấm đá còn báo quan bắt đi tù. Cứ coi chuyện cứu nạn bị đánh hay bị bắt nhốt vài giờ là chuyện nhỏ cũng được, nhưng có một vị Linh Mục đã vì cứu người tai nạn giao thông bị nghi là thủ phạm gây ra tai nạn, nhất thời nóng giận đánh một thoi, vị ân nhân cứu mạng nói trên chết tại chỗ. Đó không phải điều chúng ta quan tâm sao?
- Phải, tôi đã nghe những chuyện như vậy nhưng tính ra trăm chuyện mới gặp một chuyện xui rủi bị người nhà của thương nhân nóng tính, lổ mảng, nhạy cảm nhất thời khiến người làm thiện chịu đau hay bị nhốt lầm nhanh chóng sẽ được minh oan. Ta tu có thiện tâm trong mình, mình nầy đi tới đâu gặp chuyện cứu người là thiện tâm thúc đẩy phải cứu. Trừ phi ta không có thiện tâm hoặc thiện tâm chút chút thì hay so đo lời lổ, nếu tánh Từ Bi ngự trị trong lòng gặp chuyện cứu người là cứu đâu sợ gặp sự xui rủi của kẻ sai lầm nóng tính, lổ mảng mà bỏ qua cơ hội giúp đở cho một trăm người cần thiết sự thi ơn của mình sao? Đức Thầy có câu:
“Dầu cho gặp lắm hùm beo,
Từ-bi vẫn niệm quyết leo khỏi rừng.
Đâu nản chí mà ngừng việc phải…”
Hoặc câu:
“Dầu cho ai phá rối đức tin
Ta cũng cứ một đường đi tới.”
Sau lời biện giải của đồng đạo nầy, đồng đạo e dè kia không phản ứng dầu biết rằng ý tưởng sợ rủi ro của mình đã bị lung lay. Tôi nghĩ sự im lặng của bạn e dè coi như đề tài được chảy gở suôn trên mặt nhưng tâm lý vẫn còn ám ảnh cứu hay không cứu người lâm nạn trong trường hợp gặp phải sự nóng tính, hồ đồ… Tôi nói không phải để an ủi, xoa dịu cho qua chuyện của hai người không chung tư tưởng: làm thiện sợ họa và làm thiện không sợ họa mà trình bày quan điểm chính tôi:
- Ý nghĩ làm thiện lắm khi mang họa là chuyện đã có xảy ra, ta không thể phủ nhận anh bạn cho ta  thông tin chính xác về việc có ai đó cứu người lâm nạn bị coi là kẻ đã gây ra tội lỗi đáng bị ăn đòn. Nhưng ta đã mang trong người dòng máu Từ-Bi của Phật, có chuyện để mình trải nghiệm là cơ hội tốt cho mình hoàn thành công hạnh đâu lý nào ngại ngùng bỏ trôi công việc đáng làm. Dầu gấp gáp nhưng ta cẩn thận vẫn được, hãy hô lên cho bà con làm chứng và cùng với bà con chung sức cứu người, như vậy có thể hạn chế thấp nhứt cho sự rủi ro mà ta luôn ngại. Tìm cách ngăn chận tai bay họa gởi đến từ những kẻ nóng nảy, đa nghi, chuẩn bị đủ như vậy mà làm thiện lở gặp họa vào thân chỉ còn cách tin theo nhơn quả trả vay. Chuyện gì hễ vào trong guồng máy nhân quả thì phải chịu, cố tránh cũng không khỏi, bởi thế Đức Thầy có dạy:
“Luật nhân quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bền chí có ngày thông thả.”
Trừ khi ta không tin cứu người là việc làm thẳng ngay thì thôi vậy. Sự tu nhơn tích đức là một cách để trả khoản nợ mình vay từ kiếp trước hay kiếp nầy. Cần dụng công tu tỉnh và làm thiện sự mà sợ khó không làm, khoản nợ mình vay đã đến hạn kỳ phải trả mà lánh né, trì quởn không trả thì lúc lâm chung, giả biệt cõi đời các chủ nợ đến đòi dồn dập, gây khó làm thân thể đau nhức, hôn mê khó mà chủ tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Thiếu nợ, sớm hay muộn cũng phải trả không thì kiếp sau sanh lên bị trả với khoản lời lãi nhiều hơn. Chịu trả trong lúc ta còn sức khõe, tâm trí tỉnh táo sáng suốt sẽ hay hơn trả trong lúc tuổi già sắp chết, sức lực không còn, thần trí hôn mê, các chủ nợ đến đòi trong lúc mình mê thì cứ thế mê thêm, không nhớ niệm Phật, đường về Tây Phương bít lối, nẽo ác hiện ra.
Xét vào tình cảnh của vị Linh Mục mà huynh đệ đem chứng minh khi nảy, nói cho cùng, đời ai cũng phải một lần chết. ví dụ có ai đó không tin nhơn quả báo ứng gieo nhân lành để hưởng quả lành, trồng giống ác sẽ gặt lấy quả ác, nhưng chết trong chuyện cứu người là cái chết có ý nghĩa cho đời sống, rất xứng đáng hơn chết vì tranh giành, xâu xé danh lợi hoặc chờ già chết nằm trên giường bệnh, không một chút công lao với đời.
Sau cùng, điều tôi muốn nói với quý đồng đạo đây, chúng ta dùng từ “lâm nạn” không nên đóng khung vào tai nạn giao thông, lâm nạn có nghĩa là mắc nạn: nghèo đói, giặc giả, xảy ra bệnh tật… đều là trường hợp mắc nạn, cần phải cứu.
12/5/2018

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018


CON MÈO TỘI NGHIỆP CỦA TÔI
Hôm đó, tuy tôi không nhớ chắc là ngày nào nhưng cách nay không xa lắm chỉ độ khoảng trên dưới hai mươi ngày thôi. Theo thường lệ 4 giờ sáng tôi lên đèn thắp hương nguyện vái, xảy nghe tiếng mèo con kêu ngao ngao trong nhà phía bên hông chỗ để lộn xộn những đồ đạc vật dụng. Tiếng kêu không phải một lần mà nhiều lần đủ cho tôi xác định tiếng mèo con kêu trong nhà mình là có thật. Tôi kìm lòng đọc bài cúng nguyện không để lạc lỏng nhưng vẫn bị tiếng ngao ngao bới lên cắt đứt chính niệm, đứt nối… lắm lần đứt nối mới xong thời khóa. 
Công phu xong tôi lại chỗ có tiếng mèo con kêu hồi nảy. Chỗ để đồ đạc vật dụng không có treo đèn, xài ké ánh sáng từ bóng đèn trong buồng chiếu ra nên cả một vùng lờ mờ. Tôi đi lấy cái đèn pin rọi tìm, ngóng hoài không nghe kêu để trông con mèo dáng vẻ thế nào. Đợi không được thì thôi không đợi nữa, bỏ qua chuyện nầy, coi như nghe lầm tưởng lộn cho xong. Tôi lại bàn viết, vừa đeo kính vào, ngòi bút chưa cầm lên tay thì tiếng ngao, ngao… tái động, muốn bỏ qua nhưng tiếng mèo con kêu nghe quá xót ruột, như tiếng trẻ con kêu mẹ, viết gì được mà viết, tôi nói thầm trong bụng: Mầy phiền phức tao quá rồi nghen, hỡi nhóc con!
Như trẻ con khóc đòi mẹ, nhưng tôi thắc mắc không hiểu vì sao nó lại ở trong nhà mình được? tối ngủ đã đóng cửa trước cửa sau, cửa sổ, chỉ tróng ở dãy lưới b40, lổ lưới rộng có thể mèo con chui vào được, nhưng hàng lưới b40 giăng dài cách nền hơn một thước làm mặt khạy cho gió thoán vào nhà, chỉ có chim mới bay vô được chứ mèo con chưa dứt sửa mẹ, đâu có khả năng phóng cao cở vậy, phải ai đó tiếp tay cho mèo con chui qua lổ lưới b40 vào nhà tôi. Không lẽ ai đó muốn cho mình nuôi mèo sao?
Nghĩ ra, một số nhà nuôi mèo bắt chuột người ta nói nuôi mèo cái mới giỏi săn mồi chứ thứ mèo đực không được đâu, nó biếng nhác lắm còn thêm hay bỏ nhà đi lâu lâu mới về. Nhưng mèo cái thì phải sanh con, thường mỗi lần sanh là hai, ba, bốn đứa, nếu không ai hỏi xin về nuôi chủ nhà phải đem bỏ cho nó thành mèo hoang, bằng không làm vậy trong nhà nuôi riết nhiều lên bầy bầy. Người ta đem bỏ nó lúc nó biết ăn khoảng năm đến mười ngày.
Đi xa nghe tiếng mèo con kêu, lại gần nó câm lặng, không biết nó ở đâu. Qua ngày sau bất ngờ để cho tôi thấy nó chung vô đống cây sắt làm giàn che mỗi khi nhà có đám. Giàn che tới ba căn thành ra đống sắt cao chùng ngụn, chỉ dựa vào sức mình mà đem hết ra để bắt mèo con thì quá là mệt mỏi, nhưng gặp mình nó trốn chứng tỏ nó sợ mình lắm, nếu mình cố tình lục lạo để bắt e nó sợ mà chết khiếp. Ngày thứ hai tôi biết mèo con đói lắm đã xa mẹ trong lúc còn bú mà chịu đựng dứt sửa ngang còn bị đày đi chỗ khác thì thị là tội nghiệp, coi chừng chết thúi trong nhà mình. Tôi nghĩ phải nó chịu ra ngoài và gần gủi với mình thì tôi sẽ quậy sửa nó uống, cho ăn bánh tây có kem sửa chắc là nó thích. Đến ngày thứ ba mèo con mới chính thức ra ngoài, đi lăn quăng tệ hơn người say rượu, mấy bước thì lại té ngả. Giờ chừng như nó không sợ tôi nữa, đánh chết cũng không sợ vì nó quá kiệt sức, có muốn chạy cũng không được. Mèo con quá ốm, mình nó bày hết bộ xương ra, tôi quậy sữa độ âm ấm cho nó uống, một chút sau tôi bóp trộn bánh tây có kem sữa cho nó ăn, ngày sau tôi cho ăn cơm, chỉ là cơm trắng không chan gì hết thế nó vẫn ăn ngon miệng.
Mấy bửa sau mèo con đã chịu làm quen thân với tôi, tôi ngồi đọc sách hay viết bài nó lại cụng đầu vô chân tôi mà ủi lia lịa, dễ thương quá! Có hôm múc cơm trắng cho nó ăn tôi nói: Thấy mầy tao tội nghiệp, mới bây lớn đã bị bắt xa mẹ, mầy không kén ăn là tao thích. Nhưng mầy tới đây làm tao khó sử. Nhà tao có hai chị em tao thôi, nhưng chị tao không thấy đường từ lúc lên ba tuổi, năm nay chị ấy 76 tuổi rồi, nghe cha mẹ tao lúc còn sống kể, khi chị tao lên ba tuổi đã bị đau ban trái chịu mù suốt kiếp. Tội nghiệp chị ấy lắm, nhóc mầy ăn ỉa tùm lum chị tao mù không thấy đâu mà tránh, có bửa đạp cứt của mầy, chị đi nhón chân tìm nước rửa, có khi chị cầm chổi quét nhà, quét dính cứt của mầy chị ấy đâu hay quét ra thêm… tao thương mầy thì mầy cũng thương tao và chị tao nữa, ngoan lên nha nhóc con, chừng mắc ỉa ra vườn mà ỉa. Chị tôi cũng vậy, mỗi lần cho mèo con ăn là dạy, mười lần không lỏi một: Ỉa ra ngoài đồng ỉa nha! không thì tao đem mầy cho người ta đó.
Sáng nay tôi uống trà với vài người khách trước sân, uống trà có bánh, mèo con nghe hơi bánh nó lại đưa đầu vô nhủi nhủi dưới chân tôi, tôi biết nó làm như vầy là kiểu cách đòi ăn đó. Tôi bẻ bánh nhỏ ra để xuống nền trán xi măng, nước ăn của nó sung lắm, tôi mừng vì không còn lo nó chết đói nữa. Tiệc trà giải tán, khách ra về, tôi sẵn đây thử sức mèo con, đưa lòng thòng cọng dây, se cho đầu cọng dây lăn quăng trước mặt mèo con, nó phản ứng rất nhanh, chứng tỏ là sức khõe tốt lại. Thế nhưng khoảng ba giờ sau một người đi rẩy ngang qua hô lên: Bác tư ơi con mèo của bác không ổn rồi, dường như nó đang giẫy chết. nghe kêu tôi liền ra xem, thấy con mèo con tội nghiệp của tôi nằm không yên, lăn lộn dưới gầm bàn thạch trước sân, hai cái chân sau của nó duổi thẳng ra và rung rẩy còn hai chân trước thì ngo ngoe, cào cấu, đầu mặt uốn éo, giẫy giụa. Tôi biết nó đau nhức khó chịu lắm mà không biết làm sao giúp, liền đó tôi đọc “Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tâm thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi cứu độ con mèo của con A DI ĐÀ PHẬT”. Mắt tôi nhìn mọi động thái khó chịu của con mèo, miệng nhẩm đọc liên tục bài cầu Phật cứu độ nói trên. Với hiện tượng nầy tôi tính mèo con không sống được bao lâu, sẽ chết nhanh đây thôi, hãy thí một chút công hộ niệm cho đến khi nó chết. Nhưng Trời bắt đầu gió mạnh, kéo theo những hạt mưa đùa ồ ạc tới, tôi vụt đứng dậy nhanh ra sau hè lấy mâm thiết cũ bỏ đậy cái cà ràng, rồi lại lấy đồ phơi, ôm củi khá lâu làm mình tôi cũng bị ước, chừng vô được trong nhà thì mưa to gió mạnh càng thêm. Nhà tôi nhiều chỗ dột, mưa nhỏ giọt xuống làm ước nhiều chỗ trong nhà, tôi đi lấy thau, thùng để hứng những chỗ dột đâu đó rồi lại lau khô những chỗ bị nước ướt. Làm việc lây quây hơn giờ đồng hồ, ngoài Trời ngưng mưa cũng không nhớ gì về con mèo, đi giặt nuồi lau, vắt sạch nước những vẻ lau đem ra phơi tôi mới chợt nhớ, lại coi thì con mèo đã chết cứng đơ rồi. Thương mèo con bất hạnh, đã không được mẹ chăm sóc âu yếm lúc còn bé. Tôi tự trách mình phải chi hồi nảy mình đem nó vô nhà trước khi đi đậy cái cà ràng, ôm củi, lấy quần áo phơi … đã bệnh mà còn dầm mưa suốt làm sao chịu nổi.
Tôi niệm bài tiếp dẫn vong linh rồi đi lấy len đào lổ chôn cô mèo con xấu số, hạ huyệt tôi cũng đọc bài tiếp dẫn Tây Phương.
07/5/2018

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018


DỰ MỘT LỄ TANG
Hôm nay 17 tháng 3 năm Mậu Tuất 2018 tôi được mời đi dự buổi lễ an táng cho nữ đồng đạo Lê Thị Chuyền. Chủ gia lên lịch 2 giờ chiều là cử hành tang lễ. Tôi đến đây lúc 9 giờ sáng, thân nhân trong nhà nghĩ tôi là người quen lâu nên mấy lược yêu cầu tôi viết tiểu sử người quá cố nhưng tôi đều từ chối. Mãi đến gần 11 giờ trưa, có một người gặp tôi nhắc qua về hạnh cách của đồng đạo Lê thị Chuyền và yêu cầu tôi viết tiểu sử, người ấy nhấn mạnh rằng: nếu không thì thiệt thòi lắm. Nghe lời mời thiết tha và sự phân tách có cơ sở tôi không sao cưởng lại sức cương quyết của vị nầy nên chấp nhận yêu cầu. Viết khoảng một giờ đồng hồ là xong bản nháp với nét chữ thật dối khó đọc, tôi tranh thủ đến tiệm máy vi tính, để không bị phiền phức về những nét chữ dối khó biết tôi ý kiến là để tôi đọc, cứ lo mà bấm phím. Đánh máy xong liền in ra một bản. Hoàn tất đem văn bản về nhà lễ vào lúc 1 giờ chiều. Thời gian còn một tiếng đồng hồ nữa, tôi ngồi nói chuyện với một số đồng đạo thì người có trách nhiệm hướng dẫn chương trình đến mời tôi ra ngoài có chút chuyện, tôi liền theo ra chỗ ít ồn ào, chú ấy nói: Qua nhiều ý kiến của đồng đạo, họ bàn không nên độc bài tiểu sử của đồng đạo Lê thị Chuyền do ông viết, mong ông thông cảm.
Tôi thấy tiếc cho cái công của mình, đeo đuổi suốt hai giờ đồng hồ bị bỏ ngang, vô nghĩa. Tiếc nhưng cũng đè lòng cho câu chuyện đi qua. Ai có ngờ đâu, chừng bắt đầu vào lễ người hướng dẫn chương trình thốt lời kính thưa chánh quyền thì tôi hiểu ngay nguyên nhân bài viết của tôi bị loại. xong lễ an táng, tôi lại cửa lấy cái túi đựng áo cúng ra về, nhiều đồng đạo đứng ở mép cửa chận tôi lại hỏi nóng:
Chúng tôi hờm nghe đọc bài viết của anh về tiểu sử của chị Lê thị Chuyền, công việc đã hứa trước mà cuối cùng không có là sao vậy?
Tôi đáp:
Vị hướng dẫn chương trình kêu nói với tôi rằng: Nhiều đồng đạo không hài lòng về bài viết của tôi nên ban tổ chức xin miễn cho đọc. Nghe qua có người thắc mắc:
Thế trong đó anh viết điều gì mà người ta không chịu?
Tôi trả lời:
Nói về tiểu sử thì phải có hai phần chính: Thân thế và sự nghiệp. Tôi bảo rằng đồng đạo Lê thị Chuyền phát tâm tu hồi năm 1973, lúc đó 21 tuổi. Vì muốn tu tiến đồng đạo Chuyền xin phép song thân ra cất nhà nhỏ ở riêng để sự công phu dễ dàng theo ý muốn. sống đời độc thân mỗi ngày một bửa cơm rau đạm bạc. Không bận lo giàu nghèo, cũng không bị kế sinh nhai chi phối, vị nầy dồn hết thời gian vào sự niệm Phật, xem giảng kệ của Đức Phật, Đức Thầy nhờ thế mà hành đạo tinh tấn, có nhiều hạnh cách tốt về việc tu tâm dưỡng tánh.
Tu hành ngon lành như vậy, bổng 30 tháng 4 năm 1975 một nhà nước mới ra đời, đạo và tín đồ PGHH không còn duyên may họat động, tín đồ không được sự giúp đở, nương cậy của giáo hội mà tiến thân, tinh thần cầu tiến bị giảm xúc, sự thật ấy đã dẫn đồng đạo Chuyền đến lạc lỏng ngả ra đời, có chồng sanh con. Cho đến năm 1999 nhà nước đổi mới chính sách, ký phép cho đạo PGHH được hoạt động. Trông vào các sinh hoạt đạo sự của sau 1999 thấy mà ham nhưng tiếc mình giờ đã có chồng có con không được tự do sinh hoạt đạo sự như thuở độc thân. Tuy vậy đồng đạo Chuyền quyết tâm bù đấp những lỡ lầm trong thời quá khứ nên cố gắng vượt lên mức cao tứ thời hành đạo. Lúc đó cất nhà trong đất ruộng, giữa trưa hè trời nắng chan chan, mồ hôi ước đẩm nhưng đồng đạo vẫn duy trì công phu mỗi ngày. Nhà có nhiều ruộng đất, đời sống dư giả nhưng đồng đạo Chuyền không dựa trên sự giàu có mà thay đổi ước lệ cũ, ăn mặc đạm bạc thô sơ, dư tiền thì đem tiền đi bố thí.
Khi cầm bút viết về giai đoạn có tính lịch sử nầy, tôi đã chủ tâm nhúng nhường lắm rồi. Như quý vị biết, nhà nước rõ ràng, sau 30 tháng 4 năm 1975 đã ra lệnh triệt tiêu tôn giáo mà tôi chỉ dùng từ nhẹ nhàng: tín đồ PGHH thiếu duyên may đã không được sinh hoạt đạo sự qua hệ thống giáo hội. Nói vậy là tôi đã nhường hết sức nhường còn gì sợ mà không dám cho đọc chứ? Có đúng là “Thiếu duyên may” trong những bàn tay đầy quyền lực không?
Đồng đạo Chuyền thật sự có té ngả rồi đứng lên một chách nhanh chóng, mạnh mẽ, nếu không trình bày sự mắc mớ của năm 1975 với nguyên nhân của nó thì làm sao thấy được sự mạnh mẽ và cách hành đạo cương quyết làm nổi bật ý nghĩa phục thiện lỡ lầm của vị nầy.
Tôi trình bày xong, nghe qua ai cũng tiếc, một tiểu sử đáng được thắp sáng đã bị bỏ tối bởi người hướng dẫn chương trình kéo mời chánh quyền vào cuộc làm cơ hội loại bỏ hợp lý bài viết về tiểu sử của đồng đạo Lê thị Chuyền.
Dưới đây tôi cho đăng tiểu sử đồng đạo Lê thị Chuyền với hình thức chụp ảnh lại một bài viết. Vì sợ không kịp giờ vào lễ, người đánh máy báo xong tôi vội vàng cho in ra, không kiểm lỗi câu, lỗi ý, lỗi chính tả, mong bạn đọc thông cảm. Dụng ý của tôi là chứng minh những vì tôi viết là sự thật, không nói chánh quyền triệt tiêu tôn giáo mà vì tôn giáo và tín đồ PGHH “thiếu duyên may” mới không được tự do hành đạo và sinh hoạt đạo sự, nhẹ nhàng như vậy sao lại sợ mất lòng.








                     03/5/2018