Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

CẦN TỰ DO

Thấy con Chim nhỏ dễ thương, nó bay đây bay đó vui chơi làm ta thích, mổ mổ nhánh lá cây, hót tiếng trầm bổng ngọt ngào như giọng hát mừng xuân. Nó vui làm ta vui lây nhưng thương quá, cũng có lúc ta hơi quá đáng, thấy nó mổ mổ bươi kiếm mà tưởng rằng nó đói và tiếng hót như tiếng kêu than đói tội nghiệp! Sợ nó đói, ta bắt thẩy nó vô chiếc lồng túm húm, đem cho nó một vùa gạo lúa và một lon nước sạch, để từ rày, chuyện ăn uống chim khỏi mắc bay tìm kiếm nơi đâu. Có ăn uống đầy đủ nhưng mất tự do, cái mà ai ai cũng cần.
Ta làm như vậy mà nói thương Chim chưa chắc đã đúng. Khi con người bị ràng buột mới biết sống tự do là điều cần thiết nhứt. Có người bảo: Không có tự do ở đó ăn vàng cũng không ham. Thế nhưng vẫn còn rơi rớt ít người chịu khổ vì ham ăn vàng, họ người có học đàng hoàn mà hành động như người vô học để được ở trong chiếc lồng mà ăn vàng cho thiên hạ cười chê, uổng kiếp !
Một quốc gia không có tự do dân chủ thì nhân dân trong nước đứng lên đòi tự do dân chủ, có tôn giáo mà không được tự do tôn giáo, các chức sắc tín đồ tôn giáo cũng phải kêu đòi. Trong kiếp sống con người hay các loài động vật khác, đâu đâu cũng muốn có tự do. Xin đừng bắt nhốt quan niệm sống của người ta trong lồng túm húm mà bảo cái lồng ấy tự do là quá ngược ngạo. Loài chim, Trời sanh ra cho nó bay lại nhốt không cho bay, nó ở trên cây cao mà bắt đè đầu nó xuống thấp còn nói thương nó là thiếu chứng thực. Thương Chim ta hãy để chim bay tự do, còn sợ nó đói tìm mồi không được thì ta hãy để thức ăn, nước uống ngoài chiếc lồng cho nó tự do bay đến ăn và bay đi.

Người tu độc thân chưa bị cột trói trong chiếc lồng Phu Thê tự do như con chim muốn bay đâu thì bay, nhưng nếu chưa nằm trong chiếc lồng Phu Thê mà để tâm ham thích chuyện ấy không sớm thì muộn cũng vào lồng. Ý thức ban đầu đã gợi lên lòng ta lập trường tu độc thân để gánh vác đạo pháp. Có lập trường thì nên bảo vệ lập trường để có tự do theo đuổi mục đích. Ta chỉ một thân ta thôi thì mọi việc ta tự làm chủ bản thân và tự giải quyết những khúc mắc trên đường đạo không bị ai tranh cản. Không vào phu thê là một lẽ, lòng phải ráo quảnh những ý tưởng tình dục là một lẽ khác, chỉ có Phật và Pháp của Phật là rất đáng để cho ta nương tựa, đề cao. Đã đem thân tu hành sao không nương tựa Phật Pháp mà nương tựa tình dục? Thảo nào Đức Thầy chẳng đặt ra câu hỏi:
“ Đã từng dựa kẻ nâu sồng
Cớ sao tâm trí còn tòng ngoại duyên”?
Có tu niệm Phật nhưng đầu óc không nương tựa Phật thì chắc chắn sẽ không về với Phật mà nương tựa tình dục thì nữa sau đắc đạo vợ chồng. Chim ơi là Chim! Hãy bay cao bay cao! Tung Cánh Chim Bằng:

Phiêu phiêu bay bổng chín từng mây,
Xòe cánh trùm che cả đất nầy.
Chọn lấy lòng Từ xây tổ ấm,
Lựa tâm bình đẳng cất xum vầy.
Nhà ma hay ỷ mình gian ác,
Cửa Phật nhu hòa đó với đây;
Chim đã bay cao đừng ngó xuống,
Vấn vương trần thế đếch ra Thầy.

Thầy tu phải đánh cuộc du phương,
Chẳng cớ để ma nó cúng dường.
Bay được cứ  bay lên nữa, nữa,
Đừng tu như thể giữ Vò Tương.
Ta Bà còn kẻ đang chìm đắm,
Tịnh Độ chưa về quyết dẫn đường;
Ở thế tung bay trên việc thế,
Lo gì chẳng Phật chốn Tây Phương.
Tục ngữ Á Rạp có câu “ Hôn nhơn như cái đồn bị vây, những người ở ngoài muốn vào trong còn những người ở trong thì muốn ra khỏi đó”. Hôn nhơn do tác nghiệp của đời trước mà đường tình duyên có khi hòa thuận yêu thương, có khi bất hòa vợ chồng thường hay sanh giặc, muốn tu tại gia cư sĩ cũng không được. Có những người tu độc thân lâu tưởng yên, ai vè lòng có kẻ hở, tình yêu đã chui vào kẻ hở đó không hay, nó làm chủ tình hình ra quyết định “Tu Quốc Vương” như Kim Cổ Kỳ Quan Ông Nguyễn văn Thới nói “ Tu quốc vương có vợ có chồng, sanh con đẻ cháu nối giồng Nam Bang”. Tính như vậy là tu xuống cấp, vì ta nguyện “Tu hành theo Phật Đạo”. PGHH là đạo Phật, ta đã cầu các vị từ Phật Tổ Phật Thầy cho đến Quan Thượng Đẳng Đại Thần, chư quan cựu thần… chứng minh cho mình quy y là quy y tu hiền theo Phật đạo. Trong bài nguyện quy y trước bàn thờ Phật ta đọc suốt đâu thấy câu nguyện tu quốc vương. Tại vì tu hành bê bối muốn có hôn nhơn, mượn câu tu quốc vương của Ông Ba điền vào cho đỡ thẹn.
Một số người tu độc thân bị té vào hôn nhơn, chịu cảnh “Đồn bị vây”, và hôn nhơn thì không mấy hạnh phúc, thấy những người ở ngoài đi lại tự do thì tiếc lắm mà đâu dễ thoát ra được. Cổ nhân bảo “Nhơn phiền ư thê tử, thê tử thậm ư lao ngục, lao ngục vi tán tích chi kỳ, thê tử vô viễn ly chi niệm”. Diễn lý: Người đau sầu vì cảnh vợ chồng sống không vừa lòng thuận ý thường hay cải vả to tiếng, con cái nói không nghe, ví như kẻ bị đày trong lao ngục, nhưng lao ngục còn có ngày phóng thích tù nhơn mà vợ chồng con cái nó cột buột là nhà tù mãi mãi, mãn phần chớ không mãn án, nó “ vô viễn ly chi niệm”.
Làm cha mẹ có con đến tuổi thành nhân muốn lo cho con nên duyên nên phận nhưng con cái không ham điều đó, chỉ ham tu thôi, thích sống đơn thân, không bị ràng buộc thì cha mẹ cũng đừng ham bồng cháu nội cháu ngoại mà ép con vào hôn sự, chưa chắc bồng cháu là hạnh phúc đâu. Trên đời biết bao nhiêu gia đình sống hòa hợp mà chừng có dâu hay có rể thì gia đình trở nên xào xáo lung tung, vướng vào khẩu nghiệp lưởng thiệt, ỷ ngôn,  ác khẩu, vọng ngữ ào ào.
Tôi nói đề tài “ Cần Tự Do” là nói riêng với chư huynh đệ tu độc thân mình nhá. Quý vị cũng biết, người được coi là Chiến Sĩ Anh Dũng, không phải được khen “Anh Dũng” thì liều chết lấy tiếng. Những chiến sĩ có bản lĩnh chiến trường, vị chỉ huy của họ muốn họ sống mãi để giúp đỡ đơn vị chủ lực mạnh thêm mạnh, chứ được khen mà vỗ ngực xưng danh, đứng dõng lưng trước tên, đạn ít bửa là giặc nó bắn chết ngắt cuộc đời, làm cho đấng chỉ huy tỏ lời than tiếc. Chẳng phải Đức Thầy đã than tiếc đó sao:
“Nước non đang thiếu anh tài
Tử thần vội cướp đưa ngay chầu Trời”.
Người tu, ta nguyện làm chiến Sĩ của Như Lai đánh giặc phiền não, Ngài không muốn cho chiến sĩ của Ngài chết ở chiến trường tình dục. Ngài phán quyết chung cho các chiến sĩ “ Dâm tâm bất trừ, trần lao bất khả xuất”, chỉ trong lòng suy nghĩ (dâm tâm) về chuyện ấy thôi còn vậy huống chi người chiến sĩ đã đi đến thành tựu hôn nhơn thì cái chết mà “Trần lao bất khả xuất” quá rõ ràng. Đức Thầy cũng cùng ý đó nên đã cảnh báo môn đồ “Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…, cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát ly ra được”.
Ta nghe câu “không thể nào thoát ly ra được” thì phải sợ mà tránh xa lực húc của nó. Đơn giản thôi, đừng gần lực húc thì có đâu cho mà húc. Đạo Phật ngày xưa rất nghiêm giới luật, nam nữ đâu có tu chung hay làm phật sự, từ thiện chung. Từ nguyên thỉ, đạo Phật có Tăng không có Ni, Di Mẩu của Phật Sĩ Đạt Ta đến trước Ngài khẩn cầu lắm mới được; nhưng phải ở riêng tu riêng. Ngày nay xa Phật, tới chỗ tu, đã là đạo tràng hay Niệm Phật Đường rồi mà cũng còn nam nữ lộn sộn. Sao không tổ chức đạo tràng nữ đạo tràng nam để phái nào tu theo phái đó? Nam Nữ trẻ tuổi mà gần gủi tu chung nhiều, e có ngày sẽ xảy ra chiến trận xáp lá cà. Tôi nói “ e” là khiêm nhượng như chưa có, nhưng thật sự thì đã có và có rất nhiều trận đánh xáp lá cà, chư huynh đệ biết mà !
Nghe lời Thầy dạy khi Ngài đã tỏ bày tâm sự với Ông ký Lục Ngọ:
“Đem thân mà rứt nợ trần
Nợ trần đâu khéo chần ngần chung ra.
Nhìn đời lụy muốn ứa xa
Thế gian đui tối nửa ma nửa người.
Muốn reo vang một tiếng cười,
Nhưng lòng chẳng nỡ khi người mê si.
Đâu thông pháp luật, Từ Bi,
Gán cho Tăng Sĩ làm chi sự đời.”
Đức Thầy đến ngụ nhà Ông Ký Giỏi là bị đến bởi quyền quyết định của quân Pháp. Ông Ký có cô con gái xinh xắn đã hứa tác hợp lương duyên cho con trai Ông Ký Lục Ngọ. Chờ ngày đám cưới bổng đâu vị tiểu thư nầy đổi ý từ hôn, nên Đức Thầy bị bên đàng trai nghi là làm cản trở cuộc hôn nhơn. Trong bài đề tựa là “Cảm Tác” có câu “Đem thân mà rứt nợ trần, nợ trần đâu khéo chần ngần chung ra… Gán cho Tăng-Sĩ làm chi sự đời”. Ngài thị hiện “rứt nợ trần” cho chính Ngài, đồng thời còn treo gương rứt nợ trần cho bước tiền đồ Phật Giáo. Ngài là vị Giáo Chủ một tôn giáo, có hàng vạn triệu người thương kính mà chuyện có chút vậy chẳng dính vào đâu còn bị phía nhà Ông Ký Lục Ngọ đàm tiếu xa gần, huống chi chúng ta là môn nhơn tín đồ không có sự thương kính đến vạn triệu như Ngài mà nam nữ đến gần nhau vì thích thì thị phi đến cỡ nào nữa?
Quý huynh đệ ơi! dang nắng dầm mưa, ra sương gió nhiều dễ hay bệnh lắm. Cái gì làm cho tâm ta dễ hay sanh bệnh thì ta biết rồi. Biết những món ăn uống đó là đồ độc địa thì thôi đừng ăn là tốt hơn. Xin đừng nói cứ ăn cho đả miệng rồi uống thuốc giã độc; đi rong cho đã rồi ít bửa về tịnh tu lấy lại. Uống thuốc giã độc tất nhiên là có độc vào mình, đáng lý ra ta phải làm cách nào cho thuốc độc không vào mình để không tốn thuốc; tịnh tu đâu phải dễ mà nói đi rong cho đã ít bửa về tịnh tu lấy lại? Nói chuyện bằng chơi! Nếu ngày nào chất độc cắm sâu vào lục phủ ngũ tạng, nó phá banh các tạng thì thuốc giã độc sẽ không còn tác dụng nữa đâu. Đừng tin tưởng thuốc giã độc là thần dược. Thay vì giã độc ta cố gắng ngăn ngừa không cho độc vào mình sẽ chắc ăn hơn.
Như Chim Đại Bàng bay cao bay cao, xin đừng ngó xuống, đừng quay đầu nhìn  lại cho vấn vương trần thế; ở thế mà TỰ DO, tung bay trên việc thế mới chính là Chiến sĩ của Đức Như Lai.
29/7/2016





Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

NIỆM PHẬT CẦU VÃNG SANH
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay chúng ta bàn qua đề tài Niệm Phật theo tôn ý của Đức Thầy, có hai hướng Niệm Phật như sau:
1, Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ
2, Niệm Phật bản lai, hiển lộ Phật tánh, đắc Phật của chính hành giả.
Ra đề như vậy nhưng thời giờ của buổi nói chuyện có hạng, e chúng ta phải thiếu nợ cách niệm Phật thứ nhì cho một dịp may khác.
Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ.
Từ khi Đức Phật Thích Ca đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề Ngài giới thiệu cõi nước Cực Lạc (cũng gọi là Cõi Tịnh-Độ hay Tây Phương) tính nay đã trải qua gần ba ngàn năm mà pháp môn cầu vãng sanh vẫn còn tồn tại và phát triển tốt. Bởi sự ưu việt của pháp môn phù hạp căn cơ chúng sanh mà sau Đức Phật nhập Niết Bàn chư tổ chư sư tiếp tục ra đời hưng truyền pháp môn niệm Phật với vô số người vãng sanh Phật quốc. Dưới đây là câu chuyện điển hình:
Ấn Quang Đại Sư người Trung Quốc chuyên lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Sức Niệm Phật chí thành của Đại Sư đã cảm ứng lên Đức Phật A Di Đà nên biết trước ngày quá vãng. Là đại sư trong chùa Ngài làm hoàn tất thủ tục truyền thừa người kế vị đâu cho xong đó để dân chúng tin không nói là chết bất đắc kỳ tử. Ngài cho mời tăng chúng đến Linh Nham Tự, có mặt đầy đủ tăng chúng đại sư truyền thừa Hòa Thượng Diệu Chơn kế nhiệm trụ trì. Hòa thượng Diệu Chơn và cả tăng chúng y lời. Ngày kia, mùng 4 tháng 11 năm dân quốc thứ 29, đại sư phát bệnh cảm thường, bệnh không cản trở việc sư tinh tấn niệm Phật. Sắp đến giờ Phật rước sư kêu đệ tử đem nước lại cho sư rửa tay. Rửa sạch sẽ sư nói: Phật A Di Đà Đã Đến rước, chào mọi người tôi đi. Nói xong Sư bước thông thả lại bồ đoàn ngồi kiết già chấp tay niệm lục tự Di Đà an nhiên thị tịch, thọ 80 tuổi.
Kể từ Đức Phật, chư tổ chư sư cho đến ngày nay dù đã vô số người niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, khoảng cách quá xa từ cõi Ta Bà về Tây Phương Phật, không gian rộng lớn mười muôn ức Phật Độ đáng lẽ phải thu ngắn cho hành giả dễ đến mà chưa có sự thu ngắn nào. May mắn thay! Cuối buổi hạ ngươn đời nhiều cặn bã lại có một cổ Phật lâm phàm xét căn cơ chúng sanh phải than “Người tâm trí tối đen, đời lắm ma vương khuấy rối”. Người và đời như vậy chỉ có phương pháp niệm Phật mới có thể cứu họ. Ngài đưa ra phương cách Niệm Phật cầu vãng sanh về Phật Quốc mà nhiều học giả cho đấy là “con đường tu tắt” như sau:
“Lòng thương chúng thuyết phương tịnh-độ
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành
Chuyện niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật
Dầu Tiêm Phàm Ma quỷ sức sanh,
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp tây phương hồi hướng
 thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
Bởi “người tâm trí tối đen”, chỉ rõ ràng e còn lắm kẻ nghi ngờ nên Ngài đành thố lộ thân phận là ai, từ đâu đến:
“ Tìm Cực Lạc đây rành dường ngỏ
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu”.
“ Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
“ Có người tu niệm đáng thương,
Điên mới chỉ đường Tịnh Độ vãng sanh”
Những câu trích dẫn trên có những từ ngữ: rành đường, chỉ đường, sắc lệnh, dạy niệm Phật … đã quá đủ để ta tin Đức Thầy từ bên cõi Cực Lạc lâm phàm:
“ Bồng Lai điên dại có ngôi
Tây-Phương Cực-Lạc khùng ngồi tòa sen”.
Niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh phải đi cùng ba yếu tố Tín, Nguyện, Hạnh đầy đủ. Đội ba chủ lực nầy ở các kinh sách Phật Học thuộc Tịnh Độ Tông và những vị giảng viên có bàn qua nhiều chắc ai cũng hiểu nên đây miễn phần chi tiết. Chúng ta đi vào thực hành với ba điều quan trọng:
1, Khởi tâm chận đứng các vọng niệm
2, Thường niệm Phật
3, Lòng khát niệm Phật.
- Thế nào là khởi tâm chận đứng các vọng niệm?
Lúc chưa tu hay chưa tu pháp môn niệm Phật thì vọng niệm trong ta chồng đống, như nhà bỏ hoang đầy rác bẩn. Chận đứng tức thời kỳ đầu sửa sang dọn dẹp thứ tự, nhà có chủ lại. Ví dụ theo đạo thì phải chận đứng dòng đời, chận đứng những thói quen bị cám dỗ, thói hư tật xấu. Người ta niệm Phật không được yên, không lâu bền phần lớn cũng vì hấp tấp vội vàng chưa có sửa sang dọn dẹp thứ tự đâu đó; nói nhập thất một tuần niệm Phật mà vài bửa là vọng niệm đẩy ra rìa. Ví như ta có thẻ nhớ, lúc còn đời ta thu toàn là nhạc, vọng cổ, cải lương; vào đạo, những thứ nầy ta coi là đồ ăn hại không xài nữa. Không xài mà để đó coi chừng có ngày tâm tu còn kẻ hở len lén mở nhạc, bệnh cũ tái phát là nguy to, hết cứu. Hồi còn đời thẻ nhớ chép nhạc, cải lương, nay theo đạo rồi thì đáng lẽ phải cho có thẻ nhớ Kệ Kinh, Niệm Phật. Muốn chép kệ kinh niệm phật vào thẻ nhớ nhưng thẻ nhớ ấy đã chứa đầy dữ liệu làm sao mà chép vô nữa được, phải xóa hết các dữ liệu nhạc cải lương cho trống phộc, coppy Niệm Phật Kinh Kệ,  pass vào thì thẻ nhớ toàn là kinh kệ niệm Phật, mở ra không còn cải lương cải liếc vọng cổ vọng kiết vì nữa cho mà mê nhiễm, Nam Mô A Di Đà Phật thẳng đường.
- Thế nào là thường niệm Phật?
Muốn được niệm Phật đến trạng thái nhất tâm bất loạn không phải từ chỗ ngoài đời sôi nổi vọng niệm gào thét ầm ì nhảy vào tu niệm một chút là đạt nhất tâm đâu! Đã tu niệm lâu, tương chao tàu hủ đầy người đến giây phút quyết định vãng sanh mà niệm còn không nhất tâm lựa là tu kiểu cà lơ phất phơ mà được. Muốn nhất tâm bất loạn thì trước phải thường niệm, niệm một niệm Phật là bỏ bớt một vọng ra, thu ngắn đoạn đường Tây phương lại, càng Niệm Phật là càng thu ngắn, ngắn, ngắn… để lúc “mãn kiếp hồng trần” không tìm đâu xa, bước một bước tới cõi Cự Lạc. Rất là nhẹ nhàng:
“Nhứt cú Di Đà vô biệt Niệm
Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương”
Mỗi ngày sắp xếp có mấy cử tịnh tọa thì đâu hết thời giờ trong ngày, ta còn phải làm lụng, ăn uống, ngủ nghỉ… Không phải mấy cử tịnh tọa là xong mà phải tịnh trong đi, đứng, nằm, niệm phật tiếp tục trong ba oai nghi còn lại. Ăn cơm là ăn bằng miệng chớ đâu phải bằng tâm thì hãy niệm Phật bằng tâm ngay lúc ăn cơm cũng được, đi đâu thì di chuyển bằng chân, tâm không bị động phạm tới thì hãy cho nó niệm Phật trong lúc đi vậy, nằm nghỉ hay chờ ngủ giờ phút rảnh rang đó hãy niệm Phật cho đến chừng ngủ thì ngủ. Nếu không niệm Phật trong lúc rảnh rang ấy thì vọng niệm đến kè, nghĩ ngợi lung tung trước khi ngủ, cái trớn ấy mà thức vậy thì cũng suy nghĩ lung tung nữa thôi. Để vọng tâm náo loạn như vậy lâu, tới cữ ngồi tịnh tọa khó mà giải quyết yên ổn đám giặc loạn lúc nào cũng ở cập kè. Ta phải thường niệm hơn nữa để lấp bớt những khoảng cách không có tịnh tọa, khoảng cách ấy thường là những sinh hoạt, chặt củi nấu cơm, lau nhà quét dọn hay công việc đồng án, hãng xưởng… Hãy niệm Phật trong các khoảng tróng đó để cái trớn niệm Phật có hoài riết sẽ thuần.
Đừng bảo rằng thường niệm phật như vậy còn giờ đâu để làm, có gì mà ăn? Quý đồng đạo ơi! Làm ăn đi lại bằng tay chân còn niệm Phật là sử dụng cái tâm, hai thứ đâu cản trở nhau, tại ta không kiên quyết mà đổ thừa chớ sự thật rõ như ban ngày, nếu không niệm Phật thì sẽ niệm thứ khác, niệm thứ khác trong khi làm lụng sao ta không đổ thừa do vọng niệm những thứ khác đó mà làm việc không được ???
Có khi vọng niệm thét gào, đương làm ăn đó bỏ đi chơi cờ bạc, mầng không kịp thây kệ, bỏ đi để nghe đài sổ con số gì, làm công sở mà nhớ … bạn tình, làm không đạt… không lâu bị đuổi việc. Những điều nói trên là bằng chứng trước mắt, cũng vì vọng niệm bên ngoài trong khi làm khiến cho mất việc, tan nhà nát cửa sao ta không đổ thừa vì vọng niệm quá mà nghèo đói lại đổ thừa thường niệm Phật là sao? Người thường niệm Phật thì không giàu nhưng chắc chắn sẽ đủ ăn đủ sống. Tuy làm ít mà không dính vào tứ đổ tường, chơi bời thứ nầy thứ nọ thì đâu hao tiền, làm lai rai cũng dư ăn mà tu không sợ nghèo đói.
Có ai không niệm Phật và cũng không niệm gì khác được không? Trừ những bậc tu hành phát huệ làm chủ được mình vào chánh định mới “Bất động như như”. Chúng ta không sánh với các bậc ơn trên đó được, trình độ tu tập của ta đang ở mức thấp, sùng chánh truất tà còn chưa xong, lòng đục ngầu những ác và các thứ dục vọng thì ta phải thường niệm Phật nếu không là niệm ma chen vào cắt đứt chính niệm hoài hoài, việc nhất tâm bất loạn khó thể thành đạt.
Ta đừng để mắc bẫy vọng niệm. Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ là phải tập cho thường niệm rồi mới thuần niệm, không có thường niệm sẽ không có thuần niệm và như thế không có nhất tâm bất loạn cho mà trông.
Thế nào là khát niệm Phật?
Quý vị có ai bị khát nước lâu mà không có nước uống chưa? Hãy suy nghĩ đến điều đó. Khi con người đã quá đói ăn khát uống lúc nào cũng nhớ đến ăn uống. Tấm thân tứ đại lúc nào cũng bị rược đến chỗ tử, mỗi ngày đã qua là mỗi ngày gần đến cái chết một bước. Khổ như vậy là đủ biết, chịu tử một lần nầy thôi không sanh lên cho có tử nữa đâu. Niệm Phật để “Về Cực Lạc mới là hết khổ. Vậy hãy thèm khát niệm Phật để lúc nào cũng nhớ niệm như người đói cơm khát nước lúc nào cũng nhớ đến ăn uống. Người niệm Phật có khoảng cách, thưa rỉnh xa mới nhớ Phật một vài câu tại vì không khát niệm, thực hành thì mỗi lúc nhớ Phật sâu vào, sâu tới bên trong chỗ chỉ có nhớ niệm Phật chớ không còn nhớ gì khác, sẽ đi đến nhất tâm bất loạn.
Hãy tập cho tâm nhạy bén về sự niệm Phật, nhạy để khi vừa mất niệm Phật là hay, mất Phật trong tâm quá lâu mới hay là không nhạy. Trong khi không có Phật thì niệm ma chen vào, gặp nó mà chặt cái một không đứt là dao không bén, là trí huệ lô cal. Khát niệm Phật, hễ hay câu niệm Phật mất là tìm lại liền, hay đứt là nối lại liền, hay rớt là chụp lại liền. Đừng bao giờ thấy mất để mất thêm, hay đứt để đứt thêm, hay rớt để rớt thêm. Hãy cương quyết như thế mà hành động lâu ngày câu niệm sẽ bớt mất, bớt đứt, bớt rớt; trụ tâm một buổi không mất, không đứt, không rớt câu niệm Phật, dần dần vào nhứt tâm bất loạn, giữ như vậy chừng thọ mạng mình hết, vãng sanh tịnh độ là chắc chắn.
Kính chúc quý vị tinh tấn niệm Phật thường.
MAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
26/7/2016




Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

MẶC AI

Rất là thông thả, thoải mái khi đọc qua lời dạy của Đức Thầy “ Lòng hiền giữ vẹn sớm chiều, xem kinh niệm Phật mỹ miều mặc ai”… “mặc ai” coi như phủi hết các sự đời, thanh nhàn biết bao!
Những lúc quá tính toán, suy nghĩ chuyện làm ăn, chuyện giàu nghèo, đẹp xấu, thương ghét… bị đắm chìm trong muôn ngàn cái khổ đến ăn không ngon, ngủ không yên, thân hình tìu tụy mà ai đã thức tỉnh nhớ câu “Lòng hiền giữ vẹn sớm chiều, xem kinh niệm Phật mỹ miều mặc ai”, đọc một lần là thấy sự trằn trọc được xoa diệu, mà đọc lại nhiều lần cọng với suy nghĩ sẽ tỉnh hẳng ra nhẹ bổng bồng bông sự đắm chìm, nổi lên trên bể khổ cuộc đời.
Những từ ngữ chứa đựng trong hai câu giảng nói trên cần nên tìm hiểu để làm sáng nghĩa tựa đề “ Mặc Ai”
Lòng Hiền: Theo sự hiểu biết của tôi, nó khác hơn những câu có chữ “ hiền” như hiền nhơn hay người hiền rất nhiều trong Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ. Nói về người hiền, hiền nhơn là ta thấy người đó có đạo đức, hiền lành, không se sua, cạnh tranh hơn thua; đoán cái vẻ bề ngoài ấy ta cho là người hiền cũng phải, nhưng để ổn định cuộc sống an lạc cho chính bản thân người hiền đó thì bên trong của họ là tấm lòng cũng phải hiền nữa mới được. Có những lúc cái thân vẫn làm đạo mà tâm không có chút đạo nào. Người bề ngoài thấy hiền nhưng lòng không hiền. Đã qua rồi nhiều câu Đức Thầy khuyên làm hiền nhơn, mà đây, Ngài dùng “lòng Hiền” tức gạn kỷ cái hiền phải ở trong tâm nữa thì sự tu hành mới đạt kết quả tốt.
Nhan Hồi là đệ tử của Khổng Tử học hiểu thông minh, nhanh nhẹn ứng dụng, biết Vua của nước Vệ tàn ác với dân, nghĩ rằng sự thông minh của Ông có thể thuyết phục Vua Vệ, thưa với Thầy để Ông đến làm công tác ích lợi đó. Khổng Tử nói: muốn thì ta cho nhưng ta e ngươi đi không có kết quả. Nghe nói như vậy Nhan Hồi lòng buồn bực vì Thầy không tin vào khả năng của mình. Thấy vẻ không vui của người học trò Khổng Tử nói: Trước muốn đến đó hãy về trai giới vài ngày rồi hãy làm. Nhan Hồi đáp rằng: Cuộc sống con nghèo nên từ trước đến giờ không uống rượu, không ăn những đồ tanh hôi thì đã trai giới rồi còn gì. Khổng Tử nói: đó chỉ là trai giới cửa miệng thôi, phải trai giới trong lòng nữa mới được. Nhan Hồi hỏi: Trai Giới trong lòng là gì ạ? Khổng Tử đáp: Trước hết ngươi hãy quên đi sự khéo léo của ngươi, những thứ mà ngươi tự đắc hay ho thì lòng ngươi tróng trải, sáng suốt, mới cảm ứng đến người khác. Nếu làm được như thế quỷ thần cũng sẽ cảm ứng nói chi là con người.
Giữ Vẹn: Giữ: để cất và bảo quản, nói có lý có sự đời và đạo, về sự, ví dụ như bảo quản của cải, tài sản, sự nghiệp; về lý: bảo quản ý thức ban đầu. Ý thức ban đầu là gì? Người mới phát tâm tu, quyết tu cho được vãng sanh hay đắc đạo nhưng nếu ý thức ban đầu đó không được nuôi dưỡng tốt, để phát sinh nhiều nghịch cảnh mà không hay, lâu ngày hết sức phấn đấu đánh rơi ý thức ban đầu, chấp nối qua ý thức khác; đường thẳng thành đường công, thêm ngả rẻ. Tu đáng lẽ tu lên, chấp nối không phải để nâng cấp mà lại hạ cấp. Vẹn: Đủ, tròn đầy, vẹn toàn. Giữ Vẹn tức gìn giữ chu toàn không còn có chỗ nào sai sót, mất mát của cải hay sự tu hành.
Sớm Chiều: Sớm cũng có nghĩa như sáng, buổi sáng buổi chiều. Mỗi ngày có hai buổi sớm chiều, vậy nói sớm chiều là nói trọn cả ngày, rồi thì mỗi ngày tiếp nối giữ cho được lòng hiền. Còn nữa, người tín đồ PGHH có hai thời công phu cúng nguyện mỗi ngày sáng và chiều như những câu:
“ Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu,
Thì sẽ được tòa chương dựa kế”
Và:
“Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,
Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”.
Có công phu cúng nguyện mỗi ngày hai thời và khi cúng nguyện phải giữ cho được lòng hiền, thiết tha riết sẽ phủi sạch được lợi danh:
“ Sớm chiều phủi sạch lợi danh,
Tầm nơi chánh giác cõi thanh được về”.
Xem Kinh: Xem, đọc hay xem cùng một ý nghĩa. Kinh: Lời của Phật thuyết ra, các đệ tử của Ngài ghi lại đề tựa là Kinh. Thời Đức Phật Thích Ca trụ thế, nước Ấn Độ chưa có tạo chữ để viết, thành ra Đức Phật chỉ thuyết pháp chứ không có tự tay viết dạy. Sau Đức Phật nhập Niết Bàn, chư Tăng đệ tử đương thời mới triệu tập một phiên hợp để nhắc nhớ cho nhau những lời Phật thuyết và thuyết ở đâu. Sau nầy Ấn Độ có tạo chữ, các đệ tử mới viết thành Kinh. Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng ta gọi Ngài là Đức Thầy bởi vì Ngài là Ông Thầy dạy đạo cho chúng ta chứ Ngài là cổ Phật lâm phàm, như câu “ Thiên Trước tòa sen có chỗ ngồi” giống như Chư Tăng Ni gọi Đức Thật Thích Ca là Đức Từ Phụ vậy. Đức Thầy là Phật lâm phàm dạy đạo thì lời dạy của Ngài cũng gọi là Kinh được. Với lại, chữ “Sám Giảng” mà Ngài dùng, chữ Sám theo từ điển cũng có nghĩa là Kinh của Thầy Tu học. Như thế, người tín đồ PGHH xem Kinh Phật xưa là một lẽ mà xem Sám Giảng của Đức Thầy cũng gọi là xem kinh Phật, bởi Đức Thầy là Phật. Tưởng cũng nên bàn thêm rằng, Đức Thầy lâm phàm tại Việt Nam, sự dạy đạo nhắm vào tại gia cư sĩ nên những từ ngữ Phật Học từ gốc Phạn, Hán cần nên Việt Hóa cho người Việt dễ hiểu. Thay vì chữ Kinh Đức Thầy viết là Giảng. Hơn nữa chữ Kinh vốn không phải tựa đề do Đức Phật viết mà là chư tăng viết, Đức Thầy là Phật lâm phàm tự tay viết dạy đặt tựa là Sám Giảng tức là Kinh Giảng, từ nầy rất gần gủi chúng ta: Giảng viên, giảng huấn, giảng sư, giảng đạo, giảng bài… nghe là biết liền.
Niệm Phật: Phật có hằng hà sa số, dầu Đức Thầy không chỉ niệm Danh hiệu Phật nào trong hằng hà sa số Phật nhưng ta biết Ngài dạy niệm Danh hiệu Đức Phật A Di Đà, vì các Đức Phật chỉ có Đức Phật A Di Đà phát 48 lời thệ nguyện độ những chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài. Thêm vào đó, Đức Thầy ở nơi “Thiên Trước tòa sen có chỗ ngồi, xuống trần chẳng dụng chốn cao ngôi”, lâm phàm dạy đạo lãnh sứ mạng từ Đức Phật A Di Đà như Ngài nói:
“Đức Di Đà truyền mở đạo lành
Bở vì Ngài thương sót chúng sanh
Ra sắc lịnh bảo ta truyền dạy”.
Hoặc:
“A Di Đà nhìn xem khắp cõi
Đặng trông chờ mong mỏi chúng sanh.
Hiện hào quang ngũ sắc hiền lành,
Đặng tìm kiếm những người hiền đức.”
Do đó, dầu không được Đức Thầy dạy niệm danh hiệu Phật nào, nhưng tín đồ thì phải đọc qua Sám Giảng giáo lý sẽ hiểu biết câu “Lời truyền Sám như bài toán đố, ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ” ta đáp số ngay bài toán đố đó.
Mỹ Miều: Dáng vẻ đẹp bên ngoài. Nghĩa rộng, nói những người vui theo cảnh đời, chuộng đẹp ham sang, mót bòn danh lợi. Đức Thầy có câu:
“ Vinh hoa dường thể Cúc Mai,
Cuối mùa tàn rụi lâu dài đặng đâu”
Và câu:
“ Ta Bà thật cảnh ưu phiền,
Duyên trần cấu kết oan khiên báo đền.
Thiều quang thắm thoát dường tên,
Mắc vòng sanh tử có bền được đâu
Chi bằng theo học đạo mầu
Sớm qua khổ hải theo hầu Phật Tiên.
Tham chi giả tạm của tiền
Như chim vào lưới xích xiềng trói thân”
Mặc Ai: Không cần, không thích, mặc kệ ai chuộng đẹp ham sang, mặc kệ ai có lời lẽ khen chê, nói thương nói ghét. Ôi ! các thứ đồ ưu phiền, nợ oan khiên, kệ nó, phần ta cứ lo học đạo mầu, niệm Phật, xem kinh thôi.
Đời người ngắn ngủi, trẻ đó lay quay lại già rồi tử đó. Thấy rõ đây là chốn trần gian giả tạm, cái thân ta yêu quí vô cùng mà cũng giả thì còn có cái gì trong thế gian không giả chứ ? Sống trong mê, nhận giả làm thiệt thì khổ đau chồng chất suốt đời. Đức Phật chỉ nơi thoát mê khổ bằng vào kiên quyết tu hành. Muốn tu trước thể hiện tư cách đạo sự, phát tấm lòng hiền lương nhơn đức thao diễn suốt sớm chiều: cúng nguyện, xem kinh, niệm Phật; mặc kệ ai làm gì làm, mặc kệ ai treo sắc khoe hương, mặc ai câu nhử vinh hoa phú quí, còn ta cứ mà:
“chấp tay niệm Phật Di Đà,
lòng ta ta biết, ai mà mặc ai”.
“mặc ai tranh luận đấu tài,
Khuyên dân hãy rán miệt mài chữ tu”

23/7/2016

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

“LÚC NẦY THẾ GIỚI BI AI”
(Lời của Đức Thầy)
Trong dịp trò chuyện chung với chư đồng đạo, có người đặt câu hỏi với tôi rằng: Đức Thầy nói“ Lúc nầy thế giới bi ai, Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm”. Xin chú cho biết suy nghĩ của chú về hai câu giảng nầy, những điểm quan trọng là cụm từ “Thế Giới Bi Ai” ?
Nghe hỏi phát hồi hợp lên. Xưa giờ tôi rất ngại nói về thiên cơ thời cuộc. Gặp vầy tính làm sao đây! Nếu ở chỗ cá nhân thì tôi sẽ từ chối bằng hai tiếng “không biết” là rồi; mà đây có đông người thích vậy… tôi hỏi gặn lại xem, nếu vấn chủ biết ý… có tha được thì tha:
hình hồi đệ nhị thế chiến

- Muốn bàn về thời cuộc sao?
- Dạ, trong Sấm Giảng của Đức Thầy mà chú.
- Nói về suy nghĩ của tôi, khi bàn đến câu có thời cuộc là phải dài dòng chứ không đơn giản, quý vị nghĩ thế nào, cho qua hay bàn tới?
- Dạ thưa chú bàn tới đi ạ! Dài dòng mà ý nghĩa rõ ràng cũng nên chứ.
- Nơi đây cũng ổn?
- Dạ, rất ổn.
Nghe vấn chủ nói như vậy tôi nghĩ là hết cách, đành chịu thôi. Tôi hỏi:
- Vậy phải giải thích từ ngữ?
- Dạ đúng.
Lúc Nầy: Nếu chận đứng được thời gian thì lúc nầy  chỉ vào năm 1939, là năm Đức Thầy lâm phàm khai sáng đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO và cũng là năm Ngài sáng tác Quyển Nhứt Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm. Tác Phẩm nầy Đức Thầy viết ra trước đệ nhị thế chiến, kể rõ chuyến đi DẠO LỤC CHÂU nhằm tiên tri tai nàn sắp đến, Khuyên chúng sanh hãy rán tu hành để được sống còn qua khỏi cảnh khói lửa binh đao:
“Thấy đời ly-loạn bất an,
Khắp trong các nước nhộn nhàng đao binh”.
“Khắp trong các nước thầy nằm bằng non.
Cha thì chẳng thấy mặt con,
Vợ thì chồng chẳng được còn tại gia”.
Và câu:
“Khắp thế giới binh lương cụ túc,
Quyết tranh-giành quyền-lợi xé-xâu nhau.
Thấy nhơn-sanh tuôn giọt máu đào,
Lòng bác-ái động tình rơi nước mắt.
Tiềng ai-bi thở-than véo-vắt,
Khắp Đông, Tây, Nam, Bắc chịu ưu-sầu”.
Hoặc như:
“Liếc nhìn thế-giới can-qua,
Ngàn muôn binh tướng xua ra chiến-trường.
Dốc lòng tranh bá đồ vương,
Đeo câu danh-lợi lấp đường nghĩa-nhân.
Gieo điều tàn-khốc cho dân,
Khiến lòng Tăng-Sĩ bâng-khuâng lo-lường”.
Theo “Bách Khoa Toàn Thư mở WiKipedia” thì cuộc đệ nhị thế chiến khởi ra lan tràn từ “ Đại Tây Dương, Châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương và phần lớn của Đông Á và Đông Nam Á” có khoảng 70 triệu người chết. Cuộc chiến kết thúc tại Châu Âu khi quân Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5, 1945. Lúc đó Nhựt vẫn còn tiếp diễn chiến tranh ở Châu Á cho đến ngày 2 tháng 9, 1945 quân Nhựt mới chịu đầu hàng.
Còn theo Đức Thầy, lời tòa soạn của báo Quần Chúng 14-11-1946 đăng bài ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ TUYÊN BỐ như sau:
“ Tháng tám năm 1945, Phát-Xít Nhựt đầu hàng không điều-kiện. Tin ấy bay ra làm cho tất cả dân-chúng Việt-Nam, từ nhà lãnh-đạo cách-mạng cho đến đại-chúng cần-lao, mọi người đều nhận thấy một ánh-sáng của quê-hương chói dậy. Giờ thiêng-liêng của lịch-sử đã đến; sự hoạt-động bí-mật nhường chỗ cho sự hoạt-động công-khai”.
Nhưng nếu từ ngữ lúc nầy  không bị chận đứng bởi thời gian của năm xuất xứ thì nó được quyền hoạt động qua các móc thời gian từ hiện tại đến tương lai. Giờ đây ta nói lúc nầy,  mai ta cũng nói lúc nầy,  nhưng sự việc trong lúc nầy của hôm nay chưa chắc đã giống lúc nầy của hôm qua hay ngày mai và mai nữa. Giống hay không thì danh từ vẫn được tồn tại với danh xưng như ta đã nghe câu chuyện tiếu lâm “ Mai ăn khỏi trả tiền”, làm khổ cho cái anh nhà quê nọ, thấy bảng đề “Mai ăn khỏi trả tiền” anh mang bụng đói về nhà chờ mai đến ăn bù. Dùng đả đời, đứng dậy đi thì chủ quán ra tính tiền, anh không trả còn biện hộ: Hôm qua tôi đến thấy bảng đề mai ăn khỏi trả tiền kia mà! Chủ quán bảo: ừ, thì mai ăn mới khỏi trả còn nay anh ăn thì phải trả. Thế nầy thì làm sao có được ngày mai đó cho mình ăn khỏi tốn tiền. Nhìn trên bảng đề phát tức… Lúc nầy cũng tồn tại tương tợ như vậy thôi.
xem máy bay lừ chiếc trên hàng không mẩu hạm

Thế Giới: là cả hoàn cầu các sinh vật đang sống, chia ra Năm Châu: Âu Châu, Á Châu, Mỹ Châu, Úc Châu, Phi Châu, bao gồm các quốc gia. Người ta nói Dịch Bệnh trên thế giới, tin tức, thời sự thế giới, chiến tranh thế giới. Nếu nói Thế Giới của năm sáng tác 1939 Đức Thầy tiên tri đệ nhị thế chiến khởi đầu từ năm nào và năm chấm dứt cuộc chiến tranh chết chóc khốc liệt dã man vào năm nào, rất rõ ràng:
“ Mèo kêu bá tánh lao-xao
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉnh ghê
Con Ngựa là đá con Dê
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian-lao
Khỉ kia cũng bị xáo-xào
Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng”.
Lực lượng đồng minh Nga, Tàu, Anh, Mỹ đánh trục Phát Xít Nhựt, Đức, Ý “ Người ta đã thấy đúng trăm phần trăm từ khởi đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (Mèo kêu, 1939) cho đến khi hai quả bom nguyên tử của Đồng Minh bỏ xuống nước Nhựt để chấm dứt cuộc chiến ( Gà gáy, 1945), không sai một mảy.”(trích “Khải Ngôn” về Sấm Giảng Giáo Lý của Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương 1965).
Nước Nhựt bị đồng minh cho ăn hai quả bom đã đầu hàng vô điều kiện, trục Phát Xít thua tan rả đúng vào “canh khuya Gà gáy” tức năm con gà “máu đào mới ngưng”.
Bi Ai: Bi: lòng thương. Nếu ở vào vị trí của Đức Thầy, Bi là một trong bốn đại Đức của Phật, nhìn thấy chúng sanh chịu nhiều điều tai khổ mà đau lòng. Ai: yêu mến cảm động. Bi Ai: với huệ nhản của cổ Phật lâm phàm đã biết được thế giới sắp đi tới chiến tranh nhân sanh điêu linh thống khổ khiến lòng Ngài thương xót.
Chuyện xưa khổ đã vậy rồi, nay ta thử tìm hiểu lúc nầy  của 2016 hiện giờ. Không phải qua rồi đệ nhị thế chiến mà thế giới được bình an đâu. Tôi nghĩ điều nầy quý vị đây phần đông đã biết, bởi ít có nhà nào giờ không sắm Telivision để theo dõi tin tức, thời sự nóng hổi trên thế giới; vô số đại họa bởi chiến tranh, bịnh dịch, thiên tai, khủng bố, rất nhiều rất nhiều không thể kể hết. Ta chỉ nói một phần về Châu Á thôi là ốc nổi da gà. Hiện nay tình hình Biển Đông dậy sóng, từ những nước siêu cường đến các quốc gia nhược tiểu rất lo ngại có xảy ra chiến tranh bởi lòng ham muốn quá gian tham của tên giặc khổng lồ mà các quốc gia có ảnh hưởng biển đông dù là nhược tiểu cũng phải vùng vẫy trước sự tham lam của tên giặc khổng lồ nầy. Năm trước Trung Quốc ngang nhiên đem đặt giàn khoan trên dãy Hoàng Sa thuộc vùng Trời Biển của Việt Nam; hành động xâm lấn ấy Trời không dung, chuẩn bị cho đẩy bão cấp mạnh lùa tới hướng giàn khoan. Nhận tin từ đài Khí Tượng Thủy Văn thì quân hiếu chiến Trung Quốc sợ khiếp phải rút giàn khoan mà chạy trốn chết. Sau, bão đi qua họ không trở lại bài bản củ mà tạo tác cái gọi là “Đảo Nhân Tạo”. Việc nầy sẽ làm cản trở sự lưu thông cho các quốc gia hợp tác trên trường mậu dịch thưỡng mãi, những quốc gia có liên quan vùng biển đông như Phi, Nhựt, In Đô, Việt Nam… đã lên tiếng phản đối sự bành trướng của Trung Quốc. Những nước phương tây như Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu đã can thiệp thái độ của tên giặc khổng lồ nầy. Mới đây ngày 12 tháng 7, 2016 theo đơn kiện Trung Quốc của nước Philippines, tòa trọng tài của Liên Hiệp Quốc ( PCA ) ở La haye ( Hà Lan) đã xét xử tên giặc bành trướng thua kiện, phải rút quân ra khỏi vùng Trời Biển của nước Phi. Trung quốc luôn cho rằng đó là những cáo buộc và phản bác cách xử án của tòa trọng tài.
Từ trước tới nay Trung Quốc ỷ đông mạnh luôn có thái độ đe dọa những quốc gia vừa và nhỏ trong vùng, họ tăng cường hạm đội, tàu chiến, máy bay trên vùng biển đông cho thấy mà sợ; Hoa Kỳ và Nhựt … đã đáp lại sự hâm dọa biểu dương lực lượng chiến đấu của Trung Quốc cũng kéo tới những hạm đội, tàu chiến, máy bay…
Tàu chiến Hoa Kỳ vào biển đông

Vắn Dài: đã tự lộ rõ nghĩa, nếu ta muốn giải thích thêm cho vui là nói gần với xa. Ở đây, chẳng nói Vắn Dài là dụng ý: Hễ thấy khổ sắp đến trước mắt mà tu thì đừng có lý luận cao thấp gần xa, như Đức Thầy có câu:
“Chữ tu hãy rán miệt-mài,
Đừng kể vắn dài đừng nệ mau lâu.”
Phật Nọ Tức Tâm: Nọ: là nói đây, kia, Nầy Nọ, nọ kia; Phật ở đây nói hay Phật ở kia (Nọ) nói, cũng “tức tâm tức Phật”. Tu để đắc quả hay tìm Phật đừng nên tìm đâu khác ngoài tâm mình.
Tóm kết: Lúc nầy  thế giởi sắp mở ngòi chiến tranh (đệ nhị thế chiến), chiến tranh thì dân chúng phải chịu lầm than, Phật (Đức Thầy) thấy xót thương, thức tỉnh nhân sanh tìm đường tu niệm:
 “ Đến chừng đó bốn phương có giặc,
Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.
Vậy sớm mau kiếm chữ Ma-Ha,
Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa.”
 “Lúc nầy thế giới” của 1939, cảnh chết chóc Bi Ai của ngọn lửa chiến tranh đã nằm trong lịch sử cho ta đọc biết, nghĩ suy. Nếu “ Lúc Nầy Thế Giới” của năm 2016, Biển Đông châm ngòi chiến tranh, những nước siêu cường và phe phái cánh tả cánh hửu cùng vào trận, cảnh chết chóc “ Bi Ai” bởi những bên lâm chiến đều sử dụng vũ khí tối tân, sức công phá và chất độc từ nguyên tử thảy ra, hơi ngạc sẽ làm chết người gớm ghiếc hơn miểng bơm miểng đạn của chiến tranh thời xưa. Đức Thầy dạy tránh khổ qua sự tu hành:
“ Biết khôn tìm kiếm Ma-Ha
Một câu Lục-Tự nhà nhà bình-an”.
Sự suy nghĩ của tôi về hai câu giảng nói trên chỉ có vậy thôi, vừa lòng hay không mong đồng đạo vấn chủ thông cảm. Nhưng có điều khi tôi đã giải thích về sự khổ của chiến tranh gây nên, thì đây xin khuyên đồng đạo mình chuẩn bị NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT đi là vừa.
20/7/2016




Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

 MINH VƯƠNG VÀ HỘI LONG HOA

Quý vị bàn bạc qua những câu có danh từ “Minh Vương” mà nói rằng sau nầy Đức Thầy sẽ là vị vua sáng suốt đó. Tôi nghĩ quý vị bàn vậy không đúng đâu. Học qua giáo lý PGHH ta biết Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm như những câu sau đây:
“Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống hồng trần,
Ấy vì thương trăm họ vạn dân,
Nên chẳng kể tấm thân lao khổ”
Và câu:
“Thiên Trước tòa sen có chỗ ngồi,
Xuống trần chẳng dụng chốn cao ngôi”.
Lâm phàm dạy đạo mà chúng sanh đa bệnh, trình độ không đồng, Đức Thầy phải “ tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam, trên thì nói Phật Pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư Vị với Trăm Quan”. Do tùy trình độ, Ngài nói pháp Thượng, Trung, Hạ hướng họ đến 3 mục tiêu:
1 Dạy phương pháp tu đắc đạo.
2 Dạy phương pháp tu vãng sanh Tịnh Độ.
3 Hướng chúng sanh đến Hội Long Hoa.
Thế trần tạm giả, mộng huyễn, không thể so với cõi Phật như như bất động và Đức Phật là bậc đại giác ngộ “Muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm” như người đã ra khỏi giấc chiêm bao mới hay những thứ mình có được trong lúc chiêm bao đều không thật, tỉnh giất là hết. Có nhà thơ nào đó nói:
“Giất Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.
Minh vương cho dù là một vì vua chơn chánh, sáng suốt Trời đã đưa xuống cai trị trần gian mà người Tàu thường gọi là Thiên Tử, Đức Thầy có câu “Minh Vương sửa trị mới yên ngôi trời”. Nhưng cõi Trời còn nằm trong lục đạo luân hồi, chưa giải thoát sanh tử, cõi Trời là chỗ ở của chư Tiên, chẳng phải chúng ta đã thường nghe câu “Tiên bị đọa” đó sao? Trên Trời ở hết kiếp Tiên thì bị đọa xuống trần gian, luân hồi sanh tử. Giáo lý nhà Phật có đưa ra thuyết Tam Thiên, cũng gọi Tam Thế Giới: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Theo Phật Học Từ Điển, Cõi sắc giới chư Thiên Tiên phải không có lòng dâm dục, mà còn ở trong vật chất, còn mang hình thể. Vô sắc Giới là cõi Trời cao hơn, không còn hình sắc, vật chất, thân thể, cung điện quốc độ. Duy còn giữ cái tâm thức trụ trong thiền định. Hai tầng nầy hết dục, không còn ai xuống cõi trần gian, chỉ có tầng Trời Dục Giới, hạng cao, chư Thiên Tiên trong Lục Dục Thiên: Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, Tô Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hòa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên. Chư Thiên Tiên ở trong sáu cảnh ấy hưởng đủ mọi khoái lạc về Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc. Ấy nhờ hồi ở nhơn gian có tu phước đức làm lành, bố thí, trì giới và thi hành thập thiện. Do đó mà có lệ Minh Vương hay Thiên Tử xuống trần. Đức Thầy cho biết Ngài từ đâu đến “Thiên Trước tòa Sen có chỗ ngồi” và đã “Lóng sạch phàm tâm”, ham vì cái chức Minh Vương mà nói lấy được cho Ngài chứ? Trong bài “Tặng Thi Sĩ Việt Châu” Đức Thầy nói rõ:
“Tăng Sĩ quyết chùa am bế cửa
Tuốt gươm vằng lên ngựa xông pha
Đền xong nợ nước thù nhà
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô”.
Giờ chúng ta trở lại 3 tiêu hướng và chi tiết từng tiêu hướng, sứ mạng độ đời của Đức Thầy:
1 Dạy tu đắc đạo.
Đức Thầy khuyến khích môn nhơn “Rán tu đắc đạo cứu Cửu Huyền”, hoặc “Đắc đạo rồi cứu vớt tổ tông” thì đủ rõ ý nghĩa: Phật dạy tu thành Phật. Tu cách nào được đắc đạo, Ngài dạy:
“Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ.
Ta yêu chúng viết ra giảng kệ,
Khuyên Tăng Đồ cùng các Tín Đồ,
Nghe cạn lời chớ có mờ hồ
Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo”.
“Ngoài kiếp phù du của trần thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh viễn trường tồn. Nếu lấy sự thiền định mà phá tan màn u minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi. Và khi ta dùng sự chánh định dẹp bỏ hết các sự phiền não rầu buồn, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẽo tà, tâm ta chẳng còn xao đông, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyết hết sự phàm trần, lần bước đi đến cõi giải thoát”.
“Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”.
“Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật.
Đường đạo đức bước đi từ nấc,
Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình.
Phải bền lòng chặt nẽo sắt đinh,
Rán kiếm chữ bất sanh bất diệt”.
Những câu tôi vừa trích dẫn quý vị nghe hoàn toàn với ý nghĩa đắc đạo, giải thoát phải không?
2 Dạy phương pháp tu vãng sanh Tịnh Độ.
Bằng vào niệm lục tự Di Đà trong tứ oai nghi “đi đứng nằm ngồi rán niệm chớ quên không đợi gì thời khắc” và niệm thì phải nhứt tâm, chỉ có một tâm, niệm Phật là niệm Phật, không niệm gì khác:
“Ao sen báo Tây Phương đua nở
Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm”.
3 Hướng chúng sanh đến Hội Long Hoa.
Căn cứ theo hai bộ kinh Đức Phật thuyết: Di Lặc Thượng Sanh và Di Lặc Hạ Sanh. Di Lặc Thượng Sanh do Ông Ưu Ba Ly hỏi Đức Phật thuyết rằng: Còn mười ba năm nữa, Ông A Dật Đa (Di Lặc) tịch diệt, sanh lên cõi Trời Đâu Suất làm Bồ Tát. Kinh Di Lặc Hạ Sanh do Xá Lợi Phất hỏi, Đức Phật thuyết rằng: Sau nầy Bồ Tát Di Lặc tới nhân duyên độ thế Ngài sẽ rời cung Trời Đâu Suất lâm phàm xuống cõi thế gian tọa thiền thành Phật. Mở Hội Long Hoa với ba kỳ thuyết pháp độ được 283 ức người.
Như vậy, Bồ Tát Di Lặc sẽ là Phật vị lai.
Chẳng hiểu sao Đức Thầy dạy “Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo, Chỉ một kiếp Tay Phương hồi hướng, thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi” lại còn hối thúc tín đồ “Mau chân bước đến Long Hoa Hội, Chầu Phật hòa vui cõi đại đồng”?
Theo thiển ý của tôi Đức Thầy lâm phàm độ chúng không ngoài mục tiêu giải thoát chúng sanh ra khỏi sáu nẽo luân hồi mờ mịt, nhưng Ngài “Tùy cơ cảm của tín nữ thiện nam”, chúng sanh nào có túc duyên sâu với Đức Phật Di Đà nguyện vãng sanh Tịnh Độ, tu niệm đến thâm nhập Tánh Phật, nhứt tâm bất loạn, sẽ theo hạnh nguyện mà về nơi an dưỡng. Chúng sanh không có duyên sâu với vị Phật giáo chủ cõi Tây Phương ấy, mà có duyên với Đức Phật Di Lặc vị lai, tín thành tu niệm sẽ được sanh sang bên ấy. Đức Thầy đã chỉ đường về Hội Long Hoa bằng đặt điều kiện trước khi vào tịnh tọa niệm Phật hiệu giáo chủ cõi Tây Phương:
“Mắt nhìn trần đỏ Niệm Di Đà
Nguyện vái thân nầy khỏi đọa sa
Muôn đạo hồng quang oai Đức Phật
Soi đường minh thiện đến Long Hoa”.
(bài trên đây Đức Thầy viết ra để cho anh em tín đồ nguyện trước khi niệm Phật)
Nói về bản thể Phật nào cũng như Phật nào đều có tứ vô lượng tâm, Tam thân, tứ trí, lục thông… nói về hình thể thì Long Hoa Hội quốc độ không thể sánh với cõi Cực Lạc quốc độ nhưng nếu chúng sanh nào tu niệm chưa đủ đắc đạo hay vãng sanh Tịnh Độ mà có duyên về Long Hoa Hội nghe ba tràng thuyết Pháp sẽ bù đủ hạnh tu đắc đạo. Do đó, chúng sanh nào không theo đường tu đắc đạo, không theo đường tu vãng sanh thì Đức Thầy hướng tất cả về Hội Long Hoa, “làm dân Phật Quốc, hưởng sự thái bình mà kiến diện bậc chân sư, tu hành mau đắc quả”
Không ít người nhận xét giáo lý PGHH một cách hời hợt, cho rằng Đức Thầy không dạy tu đắc đạo hoặc nói thời kỳ nầy không có Minh Vương chứng giám tu không thể đắc đạo. Nói như vậy là đi quá xa giáo lý nhà Phật. Ngày nào mà đạo Phật không còn dùng “Tâm tức Phật, Phật tức Tâm” và Đức Thầy bỏ câu “Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm” thì hãy nói chờ có minh vương chứng giám cũng được. Tâm tức Phật, Phật tức tâm mà bảo Minh Vương chứng là chứng chỗ nào? Nói thời kỳ lại còn xa nữa vì Phật trong tâm không có thời kỳ. Thời kỳ có Phật là Phật ngoài, Phật dạy đạo, Phật đã thành, còn chúng sanh đang tu là Phật sẽ thành, Phật đang tu là Phật còn nằm trong tâm, chưa có hiển lộ Phật tướng lấy đâu nói thời kỳ? Ngay bây giờ nếu thực hành câu “Nếu ta lấy sự thiền định mà phá tan màn u minh che phủ” và “lóng sạch phàm tâm” mà không phát quang chứng đạo thì hãy nói là thời kỳ. Đàng nầy ta không dùng thiền định, hoặc dùng mà không phá tan màn u minh, “lóng sạch phàm tâm” là tại ta sao đổ thừa thời kỳ không có Minh Vương? Nếu có Minh Vương mà ta tu không phá tan màn u minh, không  lóng sạch phàm tâm Minh Vương có cho ta được những điều ta làm không được sao? Bằng như ta dùng thiền định phá tan màn u minh che phủ, lóng sạch phàm tâm đợi gì có Minh Vương mới cho đắc thành đạo quả. Tiền sử Đạo Phật, từ Đức Phật Tổ, chư tổ chư sư lên rừng tu suốt mà đắc đạo, có nghe Minh Vương nào chứng giám. Phụ thân của Sĩ Đạt Ta là vua hiền Thánh, Hoàng Hậu Ma Da tâu lên vua thương dân “ Lòng yêu dân ví như con đỏ, Tội giảm tha đói giúp cơm tiền, Cứu dân nghèo trong lúc đảo điên, Lấy đức rộng bủa trong bá tánh” Vua hứa làm theo lời yêu cầu của hoàng hậu, đúng là bậc Minh Vương, chẳng những không ký cho con đắc đạo, còn không muốn cho con đi tu mà con của Ngài, Sĩ Đạt Ta vẫn đi tu và vẫn tu hành đắc đạo, hiệu là Thích ca Mâu Ni.
Tóm lại, Đức Thầy là Phật “Thiên Trước tòa sen có chỗ ngồi”, đừng ai suy nghĩ bắt Ngài làm vua. Ngài lâm phàm dạy đạo là đạo Phật, có sắc lịnh “Sắc của A Di và Phật Tổ”. Phật dạy đạo Phật cho chúng sanh tu thành Phật là lẽ đương nhiên; Phật không dạy tu thành Phật mới là chuyện lạ! Hềm vì trong chúng sanh cặn bã từ Thượng Nguơn, Trung Nguơn rớt dần xuống Hạ Nguơn, căn tánh đại thừa ít ỏi, không thể độ tận chúng sanh theo bản nguyện “Bể trầm luân khô cạn sáu đàng, Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”, đành phải mở rộng phương pháp dẫn dắt kẻ sơ cơ đi từ từ đồng thành Phật đạo.
17/7/2016





Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

NHỚ BÁC HAI THO
LÊ VĂN PHÚ TỰ THO
KÍNH DÂNG LÊN HƯƠNG LINH BÁC LÒNG BIẾT ƠN

Lúc tôi biết bác thì bác là trưởng ban Phổ Thông Giáo Lý tỉnh Châu Đốc sau nầy trong đạo đề cữ bác kiêm nhiệm thêm chức cố vấn Hội Đồng Trị Sự Trung Ương giáo hội PGHH. Nhà bác trong cầu vàm kinh xáng Vịnh Tre độ khoảng năm ba trăm mét phía dưới nước, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Trước năm 1975 tôi có đến nhà bác vài lần với Tu Sĩ Trần Quang Quận, Lý văn Cưng.
ĐẠO THỜI XƯA

Bác là tay thuyết giảng cự phách trong số thuyết trình viên đương thời, văn nói không rườm, ngôn phong tỏ rõ. Những tỉnh miền Tây Nam nước Việt có tín đồ PGHH bác đi thuyết trình giáo lý gần như giáp dấu. Chuyên môn của Ông là giải đáp nghi vấn của những đồng đạo đã rút ra từ quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ. Giáo lý PGHH như mọi người đều biết nhiều sắc thái tráng lệ; trong đó có văn từ Phật Học, Hán Học, Tây Học, rất nhiều điển tích gồm nội điển và ngoại điển, kim cổ, Đông Tây. Một pho giáo lý rộng như vậy mà ai hỏi tới đâu Ông trả lời liền theo đó một cách trôi chảy và dễ hiểu, kết luận dụng ý của Đức Thầy dùng điển tích một cách rõ ràng.
Ông còn cái hay tuyệt vời mà trong thời gian đó chưa có vị thuyết trình viên nào đạt được. Vấn chủ đưa ra câu hỏi, những câu ngắt khúc tạo sự mơ hồ hoặc sai chữ ví dụ như chữ tâm đạo và tầm đạo  thì Ông sửa ngay cho đúng rồi mới giảng thuyết sau. Thêm một đặc biệt nữa khi vấn chủ trích đặt câu không có nói xuất xứ trong bài nào thì Ông nói xuất xứ giùm để đồng đạo khác hiểu câu đó trong bài nào và ngày tháng năm Đức Thầy sáng tác. Những câu trích hỏi ngang xương có thể làm cho Giảng văn của Thầy tối nghĩa thì Ông đọc ngược trước vài câu và sau vài câu  nối liền mạch văn cho rõ dụng ý của Đức Thầy.
Ngày nay hàng con cháu đã cố học những đặc điểm kỳ tích của Ông, cũng bằng xuất xứ và đọc ngược đọc xuôi có thể được nhưng độ nhạy bén để trở thành nhà hùng biện, bác lãm nội ngoại điển, kim cổ Đông Tây, dường như trong đạo chưa có người thay thế.
nét truyền thống PGHH

Đi nhẵm dấu dãy đất Tây Nam, Ông cho nới dần sự hoạt động tôn giáo ra miền Đông và dãy Trung Phần để vùng xa xứ lạ biết về PGHH là đạo Phật Từ Bi, đồng thời giải trừ thuyết độc hại nói Hòa Hảo là Đạo ác, Đạo ăn thịt người như một số nhà đối địch tuyên truyền. Có lần tôi nghe bác hai kể chuyện: Dân chúng miền ngoài rất sợ Đạo Hòa Hảo, ở trong Nam mình thề thốt mà kêu súng đạn ăn là quá lắm nhưng ngoài đó thề súng đạn ăn là không mạnh đâu, thề Hòa Hảo ăn mới khiếp. Có lần bác đi xe đò, xe đang chạy, trên xe chủ và khách có tiếng cự cải về giá cả. Khách là một phụ nữ trông vẻ lam lủ lắm, xem biết là dạng nghèo khổ không có tiền trả đi suốt. Cô ta vét sạch túi có mấy bạc không đủ vé đi, nan nỉ chủ xe đến mỏi cả miệng mà Ông ta chẳng thương tình còn lại tính kỷ, dựa theo số tiền cô trả, đưa tới đây là đủ, đòi thả cô xuống giữa chừng cô la chói lói: Khúc vắng không nhà thả tôi xuống đây Hòa Hảo ăn thịt tôi thì sao?
Đi hoạt động tôn giáo miền ngoài Ông gọi là những chuyến công du Trung Phần. Lần đến tỉnh Tuy Hòa Phú Yên, quận Sông Cầu thuyết trình, trả lời nghi vấn rất lý lẽ PGHH làm vừa lòng khán thính giả, một số tuổi trẻ tâm phục đã rời bỏ quê hương thân thương với bao kỷ niệm thời thơ ấu, Ông Bà, Cha Mẹ, họ hàng; tính từ tỉnh Phú Yên đến THÁNH ĐỊA HÒA HẢO rất là xa mà vì thức ngộ được giáo lý họ vào Nam quy y tu học PGHH điển hình như các vị Lê thị Thu, Anh Tám Lân, Chị Năm Thơ, Anh Sáu Khởi…
hình nét đạo ngày xưa
Bác hai tài đức như vậy mà lúc nào nói năng cũng khiêm tốn, cho mình chẳng bằng ai. Ra Trung thuyết trình, dân xứ thấy Ông giảng giải thao thao người ta kính Ông là bậc nhân tài lỗi lạc về hùng biện thì Ông nói với họ rằng: vì tôi không giỏi mới đưa đi làm đạo xứ xa, ở trong Nam, tín đồ PGHH có rất nhiều rất nhiều người thông suốt hơn tôi. Trò chuyện với ai đều đem tình đối đãi nhau thân mật. Chưa bao giờ tôi thấy nghe hay nghe ai nói bác thể hiện kiểu cách “ta đây” dù đối với những người trí óc dưới mức bình thường. Tôi đã nhiều lần đi dự phiên bác giải đáp nghi vấn, bác nói khiêm nhượng mà tôi cho hơi quá đáng, đôi lúc tôi cảm thấy khó chịu. Ở đây đồng đạo bà con trình độ giáo lý rất thấp mà Ông nói ý, Quý đồng đạo đưa đề hỏi giống như người huấn luyện, kiểm soát khả năng thiếu điện mà “sạt điện” cho tôi. Khen người đặt câu nghi vấn hay ho, chất lượng về giáo lý là nạp năng lượng cho Ông thêm sáng kiến, sức mạnh tinh thần để làm tròn bổn phận với Thầy Tổ. Sau nầy tôi có đọc chuyện về Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát, đến đâu Ngài cũng kính mọi người với câu “Tôi không dám khinh các người vì các người sẽ thành Phật”. Nhờ vậy tôi mới cảm nhận rằng lời khiêm nhượng của bác hai là ý hay, từ đó cho dù có nghe bác nói đi nói lại bao nhiêu lần trong những phiên thuyết trình cái câu “sạt điện” tôi không còn khó chịu nữa. Thật đáng kính!
Đức Thầy có câu:
Nên cố gắng trau thân gìn đạo
Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành
Làm cho đời hiểu rõ thanh danh
 Công Đức Phật từ bi vô lượng.”
Bác hai đáng được làm tấm gương tốt, đoàn hậu tấn nên treo gương bác để thực hiện hai điều căn bản mà tối quan trọng của tôn giáo PGHH đề ra: TRAU THÂN HÀNH ĐẠO, TRUYỀN BÁ KINH LÀNH. Bác hai khiêm nhượng cho mình chẳng bằng ai nên không chỉ trích bê bai ai, đến đâu, ngồi đâu với tinh thần thoải mái, phụng sự đạo pháp.
Phàm con người trong cuộc sống, về sinh lý hay tâm lý, có điều thích, điều không thích, mà sống cứ hễ thích thì mừng rỡ, vuốt ve, không thích thì chê mạt, chỏi bản, khinh khi, miệng cầu nguyện bình yên mà tâm hay sanh giặc thế nầy thì thôi ... Giáo lý ví như nhà đại lý hạt giống, phải có nhiều chủng loại cung cấp cho nhiều loại đất và ý thích của các nhà trồng trọt. Có những món hàng mà nhà trồng trọt nầy háo thắng chê không làm thì người ta làm trúng tiền vô ào ào. Đã cái thân không làm gì hơn ai mà hở ra là chê. Xưng danh nhà trồng trọt giỏi mà nghèo suốt. Bạn nói trái khổ qua vị đắng dùng không được nhưng có nhiều người dùng được thì đừng có gì cái tính riêng tư của mình mà mặc cảm, ngứa ngái, với người dùng được vị đắng của khổ qua. Bạn thích dùng dưa leo, đậu đủa có ai nói gì bạn đâu? Người học đạo đừng vì thời giờ quá rảnh đem bàn những chuyện bông đùa không đâu, làm người đạo mà vô duyên với Phật Pháp, vô duyên với bạn đạo kéo dài, đạo sẽ không ổn, cây đạo hạnh còn thì còn nhưng có nguy cơ trơ cành trụi lá vì thiếu hấp thu tình đạo. Đường đời vạn nẽo mà người đi tìm chân lý để mất la bàn, đi trong ganh tỵ chê bai, mê nhiễm danh, lợi, tình, tiền … mà tưởng rằng đi trúng đường, đúng hướng, rốt cuộc là hướng nào? là đi về đâu?
Tại sao Đức Phật có tới 5 thời thuyết pháp và kinh văn thì đến 12 bộ? Tại sao Đức Thầy viết tới 6 quyển Giảng còn thêm những thi văn? Tại sao Đạo Phật có tới 10 tông phái? Đức Thầy đã giải đáp cho câu hỏi của chúng ta là “Tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam” thiện nam tín nữ đông người tất nhiên nhiều cơ cảm, lẽ đó mà có nhiều phương pháp, pháp môn, để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của từng vị. Sự tu của ta ta biết, người khác tu người khác tự biết, nếu có gặp nhau đàm đạo, chỗ học hỏi được thì nên học hỏi cho thêm sức hiểu biết, không học được thì thôi đi cái chuyện nói qua nói lại mích lòng. Không đi đánh trận hơn thua, mặt mày vui vẻ trông rất là đẹp, chịu vào trận hơn thua cái mặt đổ quạu lên, người thân trong nhà còn sợ không dám nhìn nét hung dữ, Phật trên cao nhìn thấy cũng bay tuôt về Tây Phương.
Bác hai khiêm nhượng cho mình chẳng bằng ai để không chỉ trích chê xấu người khác, đời không sanh sự thì không có sự sanh mà an tâm học hỏi nhờ đó bác có nhiều thời giờ dùng vào tu học, do tu học nên đức hạnh cao, hiểu rộng sâu về Phật Pháp. Chúng ta kính mến bác thì phải học ở bác những điều tốt bác làm. Hãy mở rộng lòng mình trong khi học tu và nghiên cứu PGHH, hãy mở rộng lòng mình để tiếp kiến những hảo ý về Học Phật Tu Nhân của đồng đạo chúng ta.
Bác hai đã ra đi thành người linh thiêng rồi, còn lại là chúng ta đây. Do sự linh thiêng của bác, nếu đoàn hậu tấn có người học sâu hiểu rộng về PGHH như bác, đem vốn liếng ấy toàn tâm toàn ý phục vụ PGHH và giữ gìn hạnh cách một người có đạo như lúc còn sinh thời bác làm, thì ở trên tầng cao kia… có thể chúng ta hiểu được, bác rất là vui.
14/7/2016