Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

CHÙA TÒNG SƠN VÀ ĐỨC PHẬT THẦY
(KỸ NIỆM LỄ VIÊN TỊCH 12,8 NĂM 2017)

Cứ mỗi lần đến viếng chùa Tòng Sơn, cảm tưởng về Đức Phật Thầy Tây An dậy lên trong lòng tôi sự tôn kính; nhưng cũng có điều làm tôi khó chịu khi nghiên cứu cuộc đời đầy hào quang của Ngài gần như mai một ở phần thân thế. Tôi tiếc lắm! Viết lên trang sử nào nhà làm sử cũng phải kê ra hai phần chính: Thân Thế và Sự Nghiệp. Như ta biết, sự nghiệp của Đức Phật Thầy Tây An lớn trùm cả miền Tây Nam nước Việt với những chứng tích đã đi vào lịch sử, đến đổi triều đình vua Thiệu Trị cũng phải công nhận sự nổi bật của một Thầy tu chơn chánh mang nhiều lợi ích cho dân cho nước.
Sự nghiệp của Ngài lớn lao bấy nhiêu thì thân thế của Ngài thật là nghèo nàn, nhạt nhẻo, gượng gạo, nói chẳng ra lời. Lịch sử không ghi cha mẹ Ngài là ai, ở làng nào, lúc nhỏ học hành ra sao đến lúc thành nhân theo đuổi mục đích là gì?... Tất cả đều không có. Giống như Ngài từ trên Trời Cao xuống thế vào mùa nước lên năm 1849, cây da trốc gốc ngả xuống ngăn ngang dòng nước khiến ghe xuồng không qua được, Ngài cùng với nhân dân trong làng Tòng Sơn kéo cây da đổ ngả ấy lên bờ một cách nhẹ nhàng chỉ bằng sợi chỉ, trả lại sự lưu thông cho bà con. Dân làng biết chuyện kính Ngài là ân nhân, cho Ngài ở lại trong đình Tòng Sơn. Sáng nào Ngài cũng dậy sớm trước khi Trời sáng, quét lá Da làm củi nấu nước uống. Đình Thần xưa mái lợp bằng lá tranh, vật rất bén lửa, dầu ông khách ở trong đình là ân nhân đã tiếp kéo cây Da lên bờ cho dòng nước lưu thông ghe xuồng qua lại nhưng dẩu sao cũng là người xa lạ, chưa rõ lý lịch nếu như vì nấu nước mà đình sanh ra hỏa hoạn thì sao? Người ta dùng lời lẽ như muốn đuổi khéo ông đi. Ông đồng ý ra khỏi đình và điều ông nên làm là không để lại dân làng đây ý nghĩ bất hảo với người xa lạ như ông, yêu cầu thực hiện văn bản chiêu khai lý lịch, Ngài họ Đoàn tên Minh Huyên. Nghe tên họ của người khách lạ, xét giờ trong làng còn có hai ông họ Đoàn: Đoàn văn Điểu, Đoàn văn Viên, hương chức liền cho mời hai ông nầy đến tìm hiểu coi may ra có liên quan trong gia tộc. Chừng ni mới biết, hai ông Đoàn văn Điểu, Đoàn văn Viên với Đoàn Minh Huyên là anh em chú bác đã thất lạc lúc còn nhỏ.
Thân thế vắn tắt như vậy khiến cho những kẻ quá vô duyên mà kể điển hình như Scripolieu chẳng hạn, lợi dụng chỗ khuyết điểm về thân thế của ông Đoàn Minh Huyên các nhà viết sử tạm thời chưa tìm ra được, ông xuyên tạc chính sử bằng soạn ra tác phẩm“THÂN THẾ PHẬT THẦY TÂY AN VÀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA QUA KIM CỔ KỲ QUAN” giải thích kỳ hoặc vào những câu Sấm Giảng của Ông Nguyễn Văn Thới, như sau:
“Củi ước không cháy thảm sầu,
Cây khô MỤC phứt, đứt đầu đồng Nai
Việc mình né nạnh cho ai
So đàn đánh gậy, con Nai vào rừng.
Nói chuyện nói cũng Mắc công…
Có chi không biết dạ tường Đồng quan…
Nhặt rơi không biết, che khen Cái màu…
Thảm cho Tây quốc bán Cầu Long Xuyên
E là quan cựu dân Tân
Dân Tân Quan cựu không phân chánh tà …
Đất Đồng Nai đèn đỏ một nhà,
Độ trong bá tánh thượng Hòa hạ An”.
Trích ra những câu có chữ như vậy tự mình phán quyết: “Những từ Cầu, Nai, Cái, Long Xuyên. Ta kết hợp lại thành Cầu Cái Nai Long Xuyên, chữ Mắc, Mục, Quan (Quang) là ám chỉ Nguyễn Quang Mục. Đồng Nai: ám chỉ là đồng Cái Nai, hay rạch Cái Nai.”
Trong nguyên tác các chữ trích dẫn trên là chữ thường không phải địa danh, tên riêng, ai mà viết hoa? Nhưng Scripolieu muốn cho những nơi ấy thành địa danh, tên riêng, tự ý viết hoa, kéo câu chữ từ bên đông kết hợp với câu chữ bên Tây thành Nguyễn Quang Mục, con trai của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân để nói rằng sau khi thành Phú Xuân tan rả, Ngọc Hân công chúa cùng con là Nguyễn Quang Mục tẩu trốn vào Nam thay tên đổi họ là Đoàn Minh Huyên cho mất tung tích để không bị quấy rầy mà tu hành đắc đạo và Mộ Phật Mẩu ở rạch Cái Nai chính là mộ phần của Ngọc Hân Công Chúa.
Có thể ông Scripolieu giỏi biện luận khiến giả thành thiệt nhưng không qua được con mắt của lịch sử. Vua Quang Trung băng hà năm 1792, Đoàn Minh Huyên ngày tháng năm sanh được khắc lên bia mộ rằm tháng 10, Đinh Mão 1807. Tính từ năm 1792 cho đến năm Đinh Mão 1807 như vậy Nguyễn Huệ chết đi đúng 15 năm sau Đoàn Minh Huyên mới được sanh ra thế mà cha con được sao? Hay ông Scripolieu tưởng tín đồ BSKH – PGHH khù khờ nói sao cũng tin?
Họ quá là thất lễ với Phật Thầy Tây An đồng thời cũng không hiểu vì về tu chứng của giáo lý nhà Phật, phạm hai điều cấm kỵ: Một nói bà Ngọc Hân công chúa sắm soạn cho con làm Phật và hô biến cho Đoàn Minh Huyên là nhà tu bất đắc dĩ, phải giấu tông tích giả dạng tu hành để tránh sự truy đuổi của Nguyễn Ánh. Người ta chơn thật tu hành, lòng tha thiết mà triệu người chưa chắc có một người thành Phật, đắc Tổ huống là tu kiểu bất đắc dĩ… ông dẫn giảng “Kim Cổ Kỳ Quan”của Ông Ba luận giải cong quẹo không chút ngượng miệng.
Những kẻ vô duyên nói trên sử dụng kẻ hở của nhà làm sử, tự đẩy vua Quang Trung Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa vô làm cha mẹ, ngông cuồng mượn giảng luận của Ông Ba Nguyễn văn Thới, xâu một chữ ở đầu non một chữ dưới chân núi kết lại theo ý riêng để biện luận hùng hồn rằng, mộ Phật Mẫu ở Cái Nay chính là mộ của Ngọc Hân Công Chúa và Đoàn Minh Huyên là thái tử Nguyễn Quang Mục đã thai tên đổi họ đi cùng mẹ vào nam tránh sự săn lùng của Gia Long Nguyễn Ánh.
Đã chiêu khai lý lịch trước khi đi, như mây đen bị gió mạnh đẩy bay, bầu trời quang đảng cho ông Đoàn Minh Huyên gặp lại hai người anh em chú bác,  chứng tỏ người khách lạ có gốc gác tốt. Dở lẽ ra, người ta yêu cầu ông Đoàn Minh Huyên ở lại nhưng ông già ấy vẫn là ông già cô đơn với gia tộc họ hàng, lên đường làng qua làng độ bệnh cho bà con, giảng dạy cơ huyền đạo lý. Sau nầy, qua nhiều thử thách của quan chức của tỉnh An Giang: bắt bớ, khó khăn hoặc dùng đòn thử thách để xem thiệt giả và đức hạnh, qua đó Ngài luôn luôn chứng tỏ thái độ một chơn sư minh triết. Quan tổng đốc tỉnh An Giang kính phục, báo lên triều đình; từ được lệnh triều đình cho ông Đoàn Minh Huyên tu hành hợp pháp, dân chúng làng Tòng Sơn sau nầy dựng lên ngôi chùa lấy tên làng đặt tên chùa để thờ ông, bảo vệ cây da di tích. Từ đó mãi mãi về sau bá tánh gần xa đến kính viếng chùa là viếng luôn câu chuyện một ông già, cứ mỗi ngày, vào lúc trời chưa trở sáng, dậy thức quét lá Da làm củi nấu nước uống ấm lòng người cô độc lại là bậc thực tài thực đức có sứ mạng độ đời.
Sơ khai, không rõ chùa Tòng Sơn được dựng lên từ năm nào nhưng tới chừng trùng tu lại ngôi chùa là năm 1963.

Chúng tôi đến chùa Tòng Sơn lần nầy lựa không phải ngày rằm hay lễ hội vì thế thưa thớt người, trước sân rộng chỉ có vài người khách. Chỗ cây Da di tích là khoảng rộng, người ta có kê quanh đó nhiều băng đá cho khách ngồi chiêm ngưởng dấu dết xưa. Dưới bống cây Da mát diệu chúng tôi ngắm nhìn bổng một vị trong chùa ra mời chúng tôi vào nhà khách dùng nước. Tôi trả lời, cám ơn sự quan tâm của nhà chùa, hãy để chúng tôi vào chánh điện lễ bái Phật xong, chuyện dùng nước để thông thả đi nhá.

Ngày thường hoặc cũng có thể chúng tôi đến nhằm giờ ít khách, trong chánh điện vắng vẻ, cảnh già lam thanh tịnh bao trùm, lễ bái không phải chen người như những ngày rằm lớn hoặc lễ hội. Vang vái xong thay vì phải đi liền ra hậu đường như đã hứa, tình cờ, mắt tôi đập vào mấy bức tranh cảnh vẽ trên tường chùa, phựt lên cái chuyện, hơn một trăm năm mươi năm qua đã đi vào lịch sử bổng nhiên hiện lại trước mắt. Cây Da to đổ ngả xuống dòng kênh năm 1849 dân chúng làng Tòng Sơn tập trung kéo, họ hì hục suốt buổi không đem cây Da lên bờ được. Rất đông thanh niên sức lực mệt mỏi bỏ về, còn lại một số ít chưa kịp tan hàng bổng có ông già xuất hiện, cùng với số thanh niên ít oi còn lại, ông cho cột dây chỉ trên ngọn cây Da mà dây chỉ lại là sức mạnh vô biên, giựt dây một cái thì cây Da dưới kênh bay vụt lên bờ.
Trời ngã về chiều chùa Tòng Sơn vắng khách vãng lai, cũng đến lúc chúng tôi gọi nhau ra về.
30/9/2017


Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

MUỐN TU ĐỪNG NỆ MAU LÂU

Phần đông người vừa phát tâm tu hành là nghĩ đến chuyện thành Phật hay được Phật cứu về cõi Phật, từ đó mà mong chờ sự kết quả. Nhưng thời gian mong ngóng ấy cứ bị trôi qua, trôi qua, hết tháng năm nầy dẫn tới tháng năm khác, từ tuổi xuân xanh cho đến tuổi bạc đầu sao chưa thấy gì hết. Chưa thấy có dấu hiệu thành Phật hay vãng sanh về cõi Phật. Qua đoạn đường dài ấy đối diện với sự cô đơn tróng vắng, các vị thiêng liêng không đến rờ đầu ban phước khuyến khích tinh thần mà lòng cũng không có hương vị, dư vị, đạo đức tâm linh phát sáng niềm tin. Vì thế lâu ngày niềm tin vơi dần không còn sức phấn đấu theo đuổi sự tu hành đi tới mục đích. Bởi đó Đức Thầy khuyên:
“Chữ tu hãy rán miệt-mài,
Đừng kể vắn dài đừng nệ mau lâu”
Và câu:
“Mặc ai tranh luận đấu tài,
Khuyên dân hãy rán miệt mài chữ tu”.
Hai câu có chữ miệt mài dẫn trên được trích trong Sám Giảng Quyển Ba của Đức Thầy. Ta đọc thấy danh từ “Miệt Mài” hiện lên rõ rệt vai trò chủ động để nói rằng người tu mà thiếu chủ động sẽ bị nhiều sự lôi cuốn, cám dỗ mất tu. Như chiếc xe đang chạy giữa chừng, chưa tới mục tiêu đã bị các thú vui hồng trần ve vản tấp vào lề, chán nản trên đường dài gian nan, ở lại vui thú vui thế tục.
Ta thử tìm hiểu ý nghĩa thù thắng của từ ngữ miệt mài là gì và vị trí của nó trong mỗi câu.
Miệt Mài: là nói về sự đắm mình, say mê vào công việc, ví dụ: miệt mài nghiên cứu, về cách giám sát một công trình hay chương trình gì đó. Khi người ta đã ở vào trạng thái miệt mài, họ không rảnh rang thích ứng với bất cứ sự vui chơi nào khác nhứt là sự vui chơi làm xao lảng công trình nghiên cứu của họ. Sự say mê ấy, có khi quên cả thời gian, quên ngủ, không hay tới giờ dùng bửa. Ở đây Đức Thầy nói “miệt mài chữ tu” tức chú tâm vào việc tu hành, không thích ứng với việc nghiên cứu ngoài lề hay cuộc vui chơi nào khác làm sụt lùi hành trình tu niệm. Khi đã nhập tâm tu như vậy, lòng còn tróng đâu bỏ ngỏ cho sự hớ hênh và chính vì sự nhập tâm tu, hòa vui say mê công việc tự nó đánh mất thời gian tính. Không có thời gian tính là trong người không bị chướng bởi khổ khó nữa và cũng không có đường dài nào khiến lòng sanh chán nản. Bình tâm bình tâm, đi qua đi qua…
Xét hai câu có từ MIỆT MÀI nói trên, mỗi câu ở vào vị thế riêng làm chủ lập trường tự lực. Người học phật PGHH nên tìm hiểu đúng nghĩa để có quyết định đúng nghĩa trong thực hành
1 “ Chữ tu hãy rán miệt mài, đừng kể vắn dài đừng nệ mau lâu” thì  MIỆT MÀI ở đây nói lên sự chủ động vượt thời gian, tức thời gian bị bỏ lại sau lưng, nó không hiện diện sự lôi cuốn về ngày tháng lâu mau. Như chúng ta học biết, có nhiều vị trong tòng lâm Phật Tích được coi là tấm gương sáng kiên trì sự tu hành, theo đuổi mục đích đi sâu vào thế giới tâm linh của Thiền Tông Hay Tịnh Độ Tông, họ gần như sống bất cần đời với những chuyện uy quyền, giàu nghèo, cũng không nghĩ đến danh vọng; ăn uống đạm bạc, mặc ở qua loa, ai đem chuyện lại mà nói chừng nào đời tiêu diệt hay Sấm nổ cũng không để ý, chỉ châu đáo vào lời dạy của Đức Thầy “MIỆT MÀI CHỮ TU”.

Xưa có một vị thiền sư ẩn tu trên núi chuyên sâu vào thiền định, bổng có tục khách lạc đến am tranh, thấy nơi vắng vẻ trang nghiêm, bốn bề hoang vắng, không biết lòng đà ảnh hưởng sự thanh tịnh bao trùm mà thích ý hay nổi sợ sệt hiện đến, ông hỏi thiền sư ấy một câu: Xin thưa, đã bao lâu năm Ngài tu hành ở đây? Thay vì vị thiền sư đếm tính mình ở đây nay nữa là mấy mươi năm, ông trả lời với tục khách: Chỉ biết ngày tháng nầy, không rành xuân thu trước.
Ngày tháng nầy là chỉ cho hiện tại, xuân thu trước là nói chuyện quá khứ đã đi qua. Quá khứ đã đi qua thời gian xa chưa đến, người tu hãy MIỆT MÀI sự tu hành, tắm mát cái giây phút hiện tiền thực chất của chính mình, thực chất ấy là tu được với tâm trí không lấm lem trần tục và lúc nào cũng tỉnh lặng, sáng suốt. Thời gian tu lâu hay mới tu không bàn đến; đường lên đỉnh cao của chân lý siêu việt quan trọng là leo lên tới đỉnh chứ không phải ở chỗ tu lâu hay mới tu. Ý nghĩa còn thâm sâu hơn về việc tượng trưng đánh mất thời gian vắn dài, mau lâu, để chú tâm vào chuyện tu hành, Đức Thầy dạy tu cho bà Kỷ Giỏi như sau:
“Rày đã tu thân lánh bụi hồng,
Dạ đừng suy-nghĩ chuyện minh-mông.
Để tâm yên-tĩnh tầm chơn-lý,
Phổ-cứu nhơn-sanh khắp đại-đồng”.
Ý nghĩa quá rõ, đã tự đem thân mình đi “lánh bụi hồng” thì đâu cho phép lòng “nghĩ chuyện minh-mông”, vì nghĩ chuyện minh-mông là tâm trí lộn sộn, đâu có được “yên tĩnh tầm chơn lý, cứu mình còn chưa được đâu có chuyện “phổ cứu nhơn sanh khắp đại đồng.
2 “Mặc ai tranh luận đấu tài, khuyên dân hãy rán miệt mài chữ tu”. Rõ ràng, miệt mài nào cũng là miệt mài trong sự tu hành, nhưng vì đối cảnh ở mỗi vị trí nên sự miệt mài mang trách nhiệm khác nhau. Miệt mài của mục hai nầy không đối cảnh qua thời gian lâu mau, dài vắn mà đối trước vấn đề “tranh luận đấu tài”. Ở đây chúng ta không bàn luận, tranh luận, đấu tài cao thấp ở lĩnh vực chiến tranh, chiến trường theo tiêu hướng quốc gia, sự tính hơn tính thua về tri thức Phật Học cũng làm nên cuộc tranh luận đấu tài. Như chúng ta biết, trong làng đạo có người miệng thì hô hào hòa bình, hòa hợp, nói ra là “thương yêu nhau như con một cha” nhưng cũng để xảy ra nhiều cuộc tranh luận nhá lửa xanh lửa đỏ. Người nầy tự cao mình có tài thuyết trình giáo lý hay, ăn nói giỏi, viết lách hay, tài tổ chức những tổ chức xã hội từ thiện… tự hào về lãnh vực thuyết trình nên có thể vì một lý do nào đó sẽ không ưa được người thuyết trình khác. Gặp nhau chào hỏi, làm màu tay bắt mặt mừng nhưng có ai đưa ra đề tài bàn luận đạo pháp thì hai cái tài tự phong dễ đi đến tranh luận, cải cọ, từ đó mới có vụ phê bình, chỉ trích qua lại, chia phe lập nhóm phá tan sự đoàn kết trong đạo mà Đức Huỳnh Giáo Chủ luôn kêu gọi tín đồ sum vầy gắn bó:
“Chớ chia rẻ hãy đồng tâm lực,
Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.
Chấn hưng Phật Giáo học đường,
Dưới trên hòa thuận chọn đường quy nguyên.”
“Cả kêu lớn nhỏ quày vìa,
Trên hòa dưới thuận chớ lìa chớ phân.”
Lời kêu gọi thống thiết nêu trên chỉ có với người “miệt mài chữ tu” mới đối với đời lấy tình thương làm trọng, đồng đạo với nhau, đặt địa vị tôn giáo lên trên mọi thứ danh vọng, quyền lợi riêng tư và trong khi MIỆT MÀI CHỮ TU lo bảo bọc đường tu để được tu tiến, vững chắc, người ta sẽ mặc ai (không màng đến) sự chỉ trích, phê bình mà chịu ngưng tu để đối lại sự sai phạm của người chọc mình. Giá như sự đối lại làm cho kẻ quấy nhiểu kia im miệng thì lợi lộc gì chứ ? thắng chỉ lấy lại cái danh mà mất đi công quả “Miệt mài chữ tu” thì sự thắng kia bù lại có đủ đâu? Đức Thầy là bậc tôn sư khai sáng đạo nhưng Ngài cho biết, nếu có ai chỉ trích, bêu tiếng xấu cho Ngài thì Ngài cũng cam chịu chứ không phân bua như những câu sau đây:
“Ai có nói ta là người quấy
Ta cũng cam bụng chịu tiếng lời”.
Từ đó, Ngài khuyên nhủ thiện tín:
“Dầu ai có cười ta khờ khật
Cũng đừng phiền xao lãng chơn tâm.”
“Đừng ham tranh đấu thiệt hơn,
Tu niệm chớ sờn uổng lắm dân ôi.”
Tóm lại: qua phân tích trên, hai câu có chữ miệt mài: “chữ tu hãy rán miệt mài” hay “miệt mài chữ tu” đều để bảo đảm, bảo quản tốt cho sự tu hành trước những hoàn cảnh ngược đãi có thể xảy ra. Ngược đãi ấy là thời gian làm bào mòn cái DŨNG đến hết sức kiên nhẫn, chiến sĩ Như Lai không còn giữ được chiến tuyến, ngả chết với đám giặc phiền não. Miệt mài chữ tu là lật ngược tình thế, tự mình cương quyết đứng lên vượt khỏi những chướng ngại, khó khăn về thời gian tu lâu mau, vượt khỏi những chướng ngại khó khăn về tranh luận giỏi dở hơn thua cao thấp, trên đường dọn sạch những thứ chướng sẽ dễ dàng tiến đến mục tiêu phía trước.
25/9/2017


Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

SỬA ĐỔI VÀ BUÔNG XẢ

Nghe báo tin cụ bà đồng đạo Võ thị Kiếu là từ mẩu của nữ tu Nguyễn Thị Huê (bảy huê)  vùng Thánh Địa Hòa Hảo từ trần sáng ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu 2017, thọ 80 tuổi. Nhằm hôm trong người tôi có bệnh, không đến được nhà đám để cùng chư đồng đạo thiết lễ đưa tiểng vong linh người vừa “thoát chốn mê đồ vãng sanh miền Cực Lạc” (lời Đức Thầy).
Nhớ cách nay khoảng hai mươi ngày cô bảy có nhắn lời mời tôi đến để nghe cô trình bày về người mẹ bệnh hoạn của cô như sau:
Mẹ của tôi bệnh đã lâu, con cháu trong nhà chăm sóc cũng khá chu đáo từ việc đi tìm thầy hay, dược giỏi, đến sự ăn, mặc, ở, luôn được anh chị em chúng tôi phục vụ tốt nhưng bệnh tình của mẹ tôi mỗi lúc trở nên trầm trọng. Chúng tôi chở mẹ đi nhập viện, bác sĩ chuyên khoa khám định bệnh của mẹ tôi rằng: bà mang chứng ung thư. Nghe mắc ung thư, chúng tôi biết bệnh nầy sẽ dẫn đến tử vong nhưng giấu không cho mẹ biết bà đã mang trong người chứng bệnh ngặt nghèo nầy để bà không lo sợ và chúng tôi thường cầu nguyện trong tâm, khuyên bà Niệm Phật.
Suốt thời gian dài kéo theo sự bệnh hoạn, thân thể đau nhức làm bà khó tính, dễ hay giận hờn. Khuyên bà niệm Phật nhưng nghĩ đâu phải lúc nào cũng khuyên hoài, e khi nhớ khi quên nên chúng tôi mở máy niệm Phật để ủng hộ bà về mặt tinh thần, bà không chịu nghe máy niệm Phật, đây là điều tôi không thể tưởng tượng đã xảy ra với mẹ mình. Tôi tự đặt câu hỏi: Mẹ mình kém duyên với Phật như vậy sao? Hoặc mẹ đánh giá khả năng mình tự niệm Phật được, không cần nhắc nhở? Xét cho thấu đáo qua hành trạng của mẹ đối với việc tu hành thì bà chưa có biểu hiện tốt khả năng tự niệm. Điều nầy khiến chúng tôi rất lo ngại cho sự ra đi của bà. Đã không chịu nghe máy niệm Phật để nương vào sự nghiệp Phật, lại nương sự nghiệp thế gian, bà hằng lo cho các con, mong muốn các con ai cũng làm ăn kiếm nhiều tiền, trở nên hào phú.

Nhưng, không biết vì sao, độ khoảng nửa tháng lại đây mẹ tôi tự nhiên thay đổi tánh tình, hiền hậu, dễ dãi và tha thứ, mặt mày sáng sủa vui tươi. Bà không còn nhắc đến các con qua sự lo lắng giàu nghèo. Hồi đó con cho tiền thì bà dành dụm, đợi đứa nào gặp lúc thắc ngặt thì bà giải cứu, còn giờ có tiền bà không dành cho con nữa, gặp ai nghèo khổ là cho. Nhớ hôm mở đĩa chú Bảy Thiện thuyết trình qua đề tài mở lòng thương đồng bào trong vùng lũ lụt, chú bảy cầm nón đi xin tiền bà con đồng đạo trong đoàn cứu trợ, mẹ tôi rất cảm động, bà quên là mình đang xem video, móc túi lấy ra năm chục ngàn đồng kêu chị em chúng tôi cho giùm chú bảy Thiện (trong phim). Thay đổi từ khó ra dễ, từ sự thương yêu con cháu ra sự thương yêu cộng đồng, bà còn thay đổi một điều khiến chị em chúng tôi mừng vô hạng: mẹ chúng tôi thích niệm Phật và chịu nghe máy niệm Phật nhưng bà có một yêu cầu là hãy cho bà nghe máy nào niệm Phật suốt không có ngâm giảng chứng minh. Nói tóm lại, sự thay đổi của mẹ tôi nhanh và dứt khoác khiến tôi có cảm nhận mẹ tôi bây giờ như một người khác, tâm tính đổi mới hoàn toàn, những đổi mới đều phù hạp với tinh thần Phật Giáo.
Hôm cô Bảy Huê kể chuyện về sự thay đổi của mẹ, có cô Út Nhỏ ngồi nghe suốt, cô nầy là người thân cận với gia đình cô Bảy, cũng xác định lời cô bảy kể về sự thay đổi của mẹ là có thật.
Cô bảy trình bày xong hỏi tôi có nhận xét gì về sự thay đổi của thân mẩu cô. Tôi nói:
Đây là dấu hiệu tốt với tâm trạng của một hành giả hoàn tất khóa trình tu học trước khi từ biệt cõi đời; thay đổi để ứng hợp và hiện hữu khả năng “Lánh Ta Bà cõi thế đua chen” sanh sang Cực Lạc, như Đức Thầy nói “Mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc, hưởng công niệm Phật rất yên lành”. Tình trạng nầy tôi nghĩ chắc không lâu nữa từ mẩu của cô sẽ mãn phúc. Nói để chuẩn bị tâm lý, tránh sự xúc động không cần có khi mẩu thân ra đi một chuyến không về.
Liền hôm đó, cô mời tôi đến bên chỗ mẩu thân cô nói đôi lời khuyến khích. Tôi thấy cụ bà nằm trên võng, có vị nữ tu theo bảo hộ, tôi liền hỏi chào bà và bà cũng chào tôi bằng cái gật nhẹ. Tôi khuyên bà kiên trì niệm Phật, nếu niệm Phật nhập tâm, sanh ra công đức có thể nhờ đó mà ác nghiệp được trừ, dứt quả căn tiêu tan bệnh chướng, khõe mạnh trở lại. Mặt khác, nếu túc duyên sống đời đã hết, nhờ có nhứt tâm niệm Phật chừng lâm chung sẽ có Đức Phật A Di Đà đến rước về cõi Cực Lạc của Ngài.
Giải lý Niệm Phật có hai điều lợi xong, tôi liền hỏi bà sợ chết không, gương mặt bà hiện lên vẻ tươi cười, đầy tự tin, đáp: Tôi không sợ chết. Trả lời xong bà giải thích: Sợ chết tức còn ham sống cõi trần ai, niệm Phật dễ gì đạt trạng thái nhứt tâm bất loạn. Thế nên tôi không sợ chết và đang hành động buông bỏ tất cả để sự niệm Phật không bị quấy rầy…
Nghe chuyện về sự thay đổi, buông xã của cụ bà tôi thật tâm đắc và cảm kính người hành giả đã vượt qua thử thách, thách thức, đến với an lạc tâm hồn. Đi trên đường thành Phật hay vãng sanh về cõi Phật nếu không chịu buông xả những lạc thú dục vọng trong chốn hồng trần, không chịu thay đổi từ trược qua thanh, phàm chất ra thánh chất, nghiệp chướng đeo đắm nặng nề đâu có cánh bay về Cực Lạc. Đức Thầy dạy “Niệm Phật thì phải diệt lòng tà” hay “ Niệm Phật là để trừ vọng niệm chúng sanh”. Nói, tôi niệm Phật nhiều lắm mà lòng tà không chịu diệt, niệm chúng sanh chưa đành lòng buông xả, Đức Phật A Di Đà chờ nghe chúng sanh kêu thì rước nhưng đến lúc lâm chung lòng tà với vọng niệm chúng sanh có để yên cho ta niệm cầu cứu Đức Phật đâu? Thế nên, hành giả trên đường sang Tịnh Độ cần hành pháp buông xả, thay đổi dần từ phàm chất ra thánh chất thì cửa vãng sanh mở rộng mà chướng ngại quanh ta cũng không còn, ta tự do mời Phật tiếp dẫn sang Cực Lạc.
Sự thay đổi, buông xả là vấn đề rất quan trọng đối với người tu nhắm đến đỉnh cao của pháp môn Tịnh Độ, và điều nầy được Đức Thầy xác định rõ ràng:
“Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”
Do đây, dựa vào câu chuyện có thật nói trên tôi mạo muội viết thành bài, xin chia sẻ với các đạo hửu hành giả có trọng tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Để kết luận bài viết nầy tôi xin trích đăng lời dạy của Đức Thầy làm cơ sở chứng minh việc buông xả đối với người tu là rất cần thiết:
“Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
Đồng bay về Cực Lạc một đàng.
Thì thân Thầy hết phải gian nan,
Đâu có chịu mang câu nhạo báng”.
Người cư sĩ tại gia cuộc sống có sở hửu nhà cửa, ruộng vườn, xe cô, kêu buông xả những chuyện lớn lao nầy là không dễ. Thôi thì trước hơn hết ta hãy buông xả những chuyện nhỏ nhặc cho quen đi đã, chẳng hạn như tranh luận, hơn thua, giận hờn, thương ghét, phải quấy, tốt xấu… những thứ nầy quanh quẩn bên ta gây phiền phức không điều nầy thì việc nọ, xả được nó tất dư thời giờ, sự tu hành mỗi lúc trở nên kiên cố cho mình niệm Phật nhiều hơn.
21/9/2017



Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

VÌ THẦY

Tiếng hay chữ “Thầy” dùng đây là gọi tắt, đáng lẽ nên dùng hai chữ Đức Thầy mới đúng để không bị nhầm lẩn qua các vị Thầy như Sư Thầy, Thầy Giáo, Thầy dạy nghề chẳng hạn, nhưng một số không ít trong đồng đạo chúng ta lúc tâm tình hay khi bàn chuyện có liên quan đến Đức Thầy mà muốn nói cho gọn thì hay dùng từ Thầy mình: Thầy mình dạy, Thầy mình vì thương chúng sanh mà chịu khổ, Thầy ơi cứu con… Thật ra, tiếng kêu “Thầy Mình” nghe hết sức là gần gủi, thân thương, đầy vẻ thông cảm. Câu vì Thầy vì đạo chúng ta thường dùng là kiểu gọi tắt cho gọn lại cũng không mất ý nghĩa tôn kính.
Thế nào là vì Thầy?
Tôi thấy có vài ý nên bàn bàn bạc:
1. Vì ta đã thương Thầy. Điều nầy rất dễ thấy, ở đời khi người ta thương người nào thì hết lòng vì người đó mà làm việc, giúp đở hoặc hy sinh tiền của, sanh mạng mình vì người mình thương. Đối trước trường hợp của Đức Thầy sự thương yêu đặc biệt hơn nhiều so với các sự thương yêu khác. Lúc Ngài chưa vắng mặt, số tín đồ may mắn được sống gần gủi với Ngài hoặc ở xa mà lòng thầm kính, hay nói: Vì Thầy con sẽ liều chết để bảo vệ hoặc vì Thầy có vào dầu sôi lửa bổng con cũng không sợ.
2. Vì Thầy bằng nghe lời dạy của Đức Thầy gắng công tu tập. Sám Giảng có câu:
“Ai mà ta dạy chẳng gìn
Thì sau đừng trách mất tình yêu thương”
Và câu:
“Rán nghe lời dạy của Thầy,
Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra.”
Những câu trích dẫn trên có giá trị như tiếng lệnh phải nghe lời còn ý nghĩa của sự dạy dỗ bao gồm trong Sám Giảng Thi Văn giáo lý chính tay Ngài viết. Ngoài ra, còn vô số những câu chuyện có chứng cứ từ các đạo lão tiền bối mục kích  cuộc tiếp chuyện giữa Đức Thầy với tín đồ hoặc với những người ngoài đạo, tường thuật lời dạy của Đức Thầy qua truyền khẩu mà đoàn hậu tấn kế thừa sự nghiệp PGHH đủ tài liệu để viết “Chuyện Bên Thầy”.
Hôm nay chúng ta bàn luận chuyện “Vì Thầy” qua lời dạy của Đức Thầy được lưu trong quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH. Bài gởi cho hai ông TRẦN VĂN SOÁI và ông NGUYỄN GIÁC NGỘ có nội dung phát lệnh Án Binh Bất Động, ngày nay còn giữ được thủ bút của Đức Thầy, bài văn lệnh ấy như sau:
“Ông TRẦN VĂN SOÁI
Và Ông NGUYỄN GIÁC NGỘ
Tôi vừa hiệp hội với Bửu-Vinh, bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều tra; trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.
Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ.
Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỷ lưỡng rồi về sau.
Phải triệt để tuân lệnh.
Ngày 16-4-47;9 giờ 15 đêm
Ký tên: S ”
Người tín đồ PGHH từ trước đến nay, hầu hết đều tin Đức Thầy bị kẻ gian mưu hại là có thật, Bửu Vinh ám hại Đức Thầy cũng là chuyện có thật, các vị tướng lãnh và binh sĩ thuộc quân đội PGHH khi nghe tin Đức Thầy bị kẻ gian mưu sát không thành đều muốn kéo quân đến bao vây tiêu diệt phe nhóm ác ôn nầy nhưng hai vị tướng lãnh đã tiếp nhận văn lệnh của Đức Thầy “Cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ … phải triệt để tuân lệnh”. Nhận được văn lệnh, cho dù có nóng giận mấy cũng đè lòng, lớn gan cở nào cũng không dám trái lệnh Đức Thầy kéo binh đi tiêu diệt kẻ ác, bỏ qua sự trả thù cho phe nhóm Bửu Vinh đi lại thong dong.
Tiền nhân ta sống cùng thời nên đã mắt thấy tai nghe về biến cố Đốc Vàng, trong tay đủ binh lực nếu xua quân đi đánh trả thù thì ăn gọn ghẻ. Tiếng đồn tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt) hễ tấn công đâu là địch bỏ chạy đó, quân lính ông rược giặc như đuổi bắt đàn gà, sức mạnh quân sự như vậy mà Đức Thầy ra lệnh “Cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân tại chỗ… phải triệt để tuân lệnh” là không dám làm trái. Xét trả thù là không hay nên Ông, Cha, Chú của chúng ta nghe lời Thầy bỏ qua không trả thù. Ta là kẻ hậu sanh cũng nên noi theo gương trước mà làm.
Giờ chúng ta xét qua vài khía cạnh khác, chung quanh sự vắng mặt của Đức Thầy. Tín đồ PGHH ai cũng hiểu Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm, thần thông quảng đại, đi dạo lục châu thử lòng bá tánh phải “khi già lúc lại trẻ thơ, giả gái không chồng đi bán cau tươi, giả bận áo màu ai cũng dòm xem, giả chị bán chè dạo khắp các nơi…” có nhiều cách để vắng mặt sao lại chọn chách vắng mặt trong âm mưu mưu sát của Bửu Vinh? Ông Mười Tỷ một trong số bốn người theo hầu Đức Thầy, từ chiến trường Đốc Vàng được thoát chết trở về thuật lại, trong cuộc họp giữa Bửu Vinh và Đức Thầy đã đến hồi quyết liệt, chỉ cần một cú đấm tay lên bàn làm lệnh thì những tay súng bên ngoài có khả năng thiện xạ nhắm ngay Đức Thầy mà bóp cò, phía sau chỗ Đức Thầy ngồi vách phên xụp đổ mà Đức Thầy không hề hớn gì, Ngài viết văn lệnh gởi cho hai ông như đã nói trước. Trong khi hổn chiến, bốn tên cận vệ của Đức Thầy bị tám tên lính của Bửu Vinh chia ra hai người kè một người đánh xáp lá cà làm ba tên cận vệ của Đức Thầy chết ngay trong vòng chiến, Ông Mười Tỷ vì có võ công cao, né được đòn thù, phóng mình ra bờ giậu trước, dùng súng my tray vết chọi lại mấy phát rồi cũng rút đi trong đêm.
Chuyện rõ ràng như vậy nhưng viết văn lệnh gởi cho hai tướng lãnh Trần văn Soái và Nguyễn Giác Ngộ thì hoàn toàn ngược lại “Tôi vừa hội hiệp với Bửu Vinh, bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết”, như vậy Ông Bửu Vinh cùng là nạn nhân như Đức Thầy, tên mưu sát là ai khác chớ không phải Bửu Vinh.
Sự kiện trên như bài toán đố Đức Thầy đã ra đề hồi 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi 1947 cho đến sau 30-4-1975 người ta mới đáp án được bài toán cực khó nầy. Nếu lúc xưa Đức Thầy không ra văn lệnh “Cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu” để các tướng lãnh binh sĩ thuộc quân đội PGHH kéo đi trả thù thì việc gì sẽ xảy ra cho sự an nguy của tín đồ PGHH sau 30-4-1975 ? Còn nữa, Đức Thầy biết trước sau nầy chủ nghĩa cộng sản sẽ thống nhứt đất nước, phô trương sức mạnh vũ lực nhưng họ vốn vô thần và Ngài giải thích về phái vô thần như sau:
“Phái vô-thần-luận thường cho rằng thân xác tức là con người. Thân còn tức người còn, thân mất tức người mất. Không có Thánh, Thần, Trời, Phật, không có quả báo luân hồi; cũng không có tội, có phước, có vía, có hồn. Đời là thân xác con người, sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thế nên biết bao mánh khóe gian hùng, bao nhiêu ngón điêu-ngoa xảo-trá, bao nhiêu tàn bạo ngược ngang đều được đem ra dùng cả thảy.”
sợ e người tín đồ thấy oai vũ của chủ nghĩa vô thần rồi ngả theo, đối với Đức Thầy, muốn vắng mặt có thiếu gì cách sao lại phải chọn cách vắng mặt bằng chịu thọ nạn trong bàn tay của Bửu Vinh? Tới đây thì ta biết: Vì để chận đứng phái vô thần xâm nhập PGHH Đức Thầy phải làm như thế.
Ta là tín đồ của tôn giáo đạo Phật, tin tưởng có quả báo luân hồi thì không thể nghiện ngập cái học thuyết “sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua” và cũng không thể dùng “Mánh khóe gian hùng, điêu ngoa xảo trá, tàn bạo ngược ngang” với ai được. Người tín đồ chân chính hãy giữ đạo, chờ Thầy, đừng hám danh hám lợi bị cái thuyết vô thần làm mê hoặc.
17/9/2017


Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

NHẬN LẦM MỘT CHÚT CỰC NHỌC SUỐT NGÀY

Nhớ hôm tôi được nhà đồng đạo ở xã Vĩnh Hanh mời đám giỗ, bổng dưng tôi quá dễ dải hứa liền. Sao gọi là dễ dải? Khoảng ba năm lại đây ảnh hưởng một chút hoàn cảnh gia đình không thuận lợi tôi rất ít đi đám giỗ, vùng địa phương lân cận hay cả trong làng nhà tôi còn lãnh đạm lời mời; không biết gì sao xứ Vĩnh Hanh cách xa tôi lắm mà mời tới là tôi nhận đi. Phải chăng vì “hửu duyên thiên lý năng tương ngộ”? Nếu nói như vậy, những nhà mời mình không đi đã vô duyên với mình hết sao?
Cách nay non một tháng có người quen mua tặng tôi đôi dép mới, sự thật thì tôi không quan tâm đến tặng phẩm nầy bởi tôi có dép và rất an tâm trong khi mang đôi dép cũ kỷ của mình, nên có lâu trong nhà mà quên không xài, nay nhớ lại tôi lôi đôi dép mới ra khỏi bọc định mang nó đi đám giỗ kẻo có người động lòng với đôi dép cũ rách của tôi mua cho nữa là nguy.
Lấy cọng kẻm nướng lên lửa đỏ, đâm thủng trên hai quay dép xỏ dây cột làm dấu. Việc nầy là thói quen cảm nhiễm của 8 năm đi tù bởi đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, bị nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kết tội “tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa”. Thời điểm ấy mỗi buồng giam có bốn, năm, mươi tù nhân hoặc hơn thế nữa, nếu không cột dép làm dấu mỗi người mỗi cách thì dễ hay lộn dép của người khác, nhứt là mỗi sáng mở cửa ra sân điểm danh một cách gấp gáp.
Vừa đến nhà đám sợ có muộn màng quá đi không, tôi lôi máy điện thoại ra bấm xem đồng hồ, hơn 9 giờ, móc thời gian nầy không sớm cũng không quá muộn. Khách tham dự đến đông, chủ lễ gia hai lần đến bên tôi yêu cầu tôi thuyết một đề tài, lần nào tôi cũng trả lời mình đã già rồi không còn có khả năng thích ứng công tác Phật sự lớn lao nầy.

Dùng tiệc giỗ xong khách lần lược ra về. Đợi khách về thưa chỗ tôi cũng xin lễ kiếu chủ gia. Đến chỗ để dép, rảo mắt tìm đôi dép mình cột dấu không thấy đâu. Tôi âm thầm tìm các bến để dép coi có ai gấp gáp mang tới mang lui để lộn chỗ. Cho dầu tôi âm thầm nhưng chủ nhà tinh mắt họ cũng rảo kiếm tiếp tôi. Nghĩ đã mất, tôi nói: chắc ai mang lộn, không sao đâu, ngồi trên xe cho nó chạy chứ có đi bộ đâu mà lo! Nói rồi tôi đến chỗ để xe dẫn xe ra, chưa kịp thót lên yên, chủ nhà cầm lại cho tôi một đôi dép, nói rằng: Ngồi trên xe nhưng cũng phải mang dép coi mới được. Tôi bảo: mình chạy xe dù qua là mất húc, ai thấy mình chân trần đâu mà được với không được. Nhưng anh cố nài: Đây là đôi dép tôi mua dư để trong nhà và tôi rất vui nếu như được anh nhận mang đôi dép nầy. Bị chủ gia nài nỉ tôi cầm lòng không được phải nhận sự bố thí giữa chừng.
Thường thì tôi tập có thói quen lên xe là niệm Phật suốt tuyến, nay lúc lên xe tôi còn nhớ thói quen ấy nhưng niệm không được bao lâu thì tâm trí tôi ngả về chuyện mất đôi dép, bây giờ là niệm dép, dép, dép… cũng có lúc tôi sực tỉnh, hay mình đi lạc đề mà sức mạnh của chuyện mất dép cứ bườn tới, thắng không dừng, cắt không đứt, bứt không rời, nhưng tôi cũng cố gắng thắng, cắt, bứt. Nhờ giành giựt mà câu niệm Phật thỉnh thoảng có chen vào nhưng không lấy được vị thế chủ tình hình, thoáng qua liền mất. Hư hại vậy chưa vừa, tôi còn trách ân nhân mua cho tôi đôi dép mới, để bây giờ gặp rối.
Về tới sân, mắt tôi mở to lên nhìn ngay cánh cửa vào nhà không có đôi dép cũ là giật mình, lòng sanh nghi… tôi mở nhanh ổ khóa vào trong chỗ soạn dép mới ban sáng, thấy hai chiếc dép dựng thẳng dưới chân tường với hai cái khoen cột dấu bằng vải thung xanh làm tôi mắc cười ênh: Đôi dép còn trong nhà mà dám nghi người ta mang lộn. Tội lỗi, tội lỗi! Tôi cảm thẹn vì ý nghĩ thiếu cân nhắc tôi đã làm điều sai trái với chủ nhà đám, đi đã không mang dép tốt mà chừng về đòi kiếm dép tốt mang về làm chủ nhà ái nái vì cảm thấy mình thiếu trách nhiệm với khách mời.
Giờ phải đi trả dép và nói lời xin lỗi nhà đám để lương tâm không cắn rứt, nhưng trời đang phát nắng đúng đỉnh đầu, phần mới về tới, cái trớn mệt mỏi đã làm ê ẩm mình mẩy, cần một chút nghỉ ngơi nhưng tôi dặn lòng, chỉ nằm nghỉ giây lác cho lấy lại sức khõe rồi đi, có trễ về muộn chút cũng không sao, nhứt định phải giải quyết xong sự vướng bận về đôi dép, ngay hôm nay.
Như mọi khi, nằm nghĩ là niệm Phật, nhưng tôi không thể tập trung tư tưởng niệm Phật giữ chánh niệm mà khơi dậy chánh tư duy, bởi trong lòng tôi có cái ấn tượng lỗi lầm: đồ vật của mình còn nguyên hiện trong nhà mình mà một phút sơ hở ngộ nhận là bị mất, đi kiếm đâu đâu làm xáo trộn không gian yên tĩnh của người khác, cũng xáo trộn thời gian yên tịnh của mình.
Tôi có cảm nhận sâu sắc, nhà tu hành mong đắc ngộ Phật Tánh, Phật tánh ấy luôn ở trong tâm, nhưng vì sống trong vô minh không thấy được Phật Tánh nên tưởng rằng không, cũng có người bảo, Phật trong tâm đã bị ngoại cảnh cướp đi nên từ đó không ngại khẩn mời Phật bên ngoài. Phật bên ngoài có thể hộ độ cho ta bằng những phương pháp nặng tính giáo dục để ta trở nên người có giáo dục tốt về học Phật mà hành động bức phá vô minh để Phật tánh hiển lộ, chứ cầu khẩn không có nghĩa nhờ Phật ngoài vào thay thế vị trí Phật chính mình.
Phật trong tâm không bao giờ mất hay bị ai lấy mất, vẫn ở chỗ như như bất động, giống như mặt Trời là định tinh, lúc nào cũng chiếu sáng khắp thế gian, không có vụ ngày tối đêm sáng, ta thấy có ngày tối đêm sáng không phải do mặt Trời mà do hành tinh ta đang ở, luôn hoạt động xoay vòng, ngày thì có mặt Trời chiếu sáng nhưng có lúc không chiếu sáng không phải mặt trời hư mất hoặc bệnh hoạn không có khả năng phát sáng mà do bầu trời có nhiều lớp mây che. Vén ngút mây mù ánh sáng mặt trời sẽ phản chiếu tỏ rõ.
Phật trong tâm! Ai cũng thường nói như thế, nhưng trong sự tu hành người ta lại không mấy quan thiết Phật trong tâm hơn cầu Phật bên ngoài. Tại sao thế? Bởi thiếu tự tin mình có khả năng bức phá vô minh nên hành động cầu Phật độ nhiều hơn là tự độ. Đáng lý ra, Phật trong tâm không hiển lộ tính sáng suốt, thanh tịnh thì phải làm sao cho sáng suốt thanh tịnh ta lại tìm sự sáng suốt thanh tịnh trong Kinh sách hoặc những cuộc tranh biện… Sự hiện diện đôi dép của mình còn ở trong nhà mình mà tôi lại quá khờ khạo cho rằng dép mất, khuấy động lên sự tìm kiếm vô ích làm tôi hết sức là mắc cở. Cái điều làm cho tôi khó chịu hơn hết là đôi dép còn ở trong nhà mà tôi lại tư tưởng nó đã ra đi rồi cố đuổi theo tư tưởng dép mất để bắt bống chứ mãi mãi không có đôi dép bị mất. Người ta suy tưởng về Phật, Chân Lý, suy nghĩ cũng chỉ là cái bống của Phật và chân lý, có ngàn đời đi bắt bống chân lý, Phật, chẳng ích lợi gì cho việc giải thoát sanh tử khổ ải. Cái ta cần là Phật hiện hửu chớ không phải cái bống Phật trong tư duy.
Phật hiện hửu là, nếu ai chung sống với TỪ BI HỈ XÃ, với TÂM THANH TỊNH CÁC DUYÊN SỰ ĐỜI, là chỗ mà Đức Thầy bảo “Muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm”. Tôi dùng từ “chung sống” tức nói, cùng với TỪ BI HỈ XÃ, TÂM THANH TỊNH CÁC DUYÊN SỰ ĐỜI LÀ MỘT THỂ, không có chủ thể hay khách thể, không có đối tượng nghiên cứu và người nghiên cứu. Vậy hãy chung sống với TỪ BI HỈ XÃ đừng ở ngoài TỪ BI HỈ XÃ mà nói về TỪ BI HỈ XÃ, đừng biến TỪ BI HỈ XÃ mãi mãi chỉ là đối tượng nghiên cứu.
Tôi mắc cở cho sự lục lạo kiếm tìm đôi dép và nghi oan ai đó đã mang lộn dép mình trong khi dép của tôi còn nguyên vẹn tại nhà, tình trạng hiếm hoi nầy đã đưa tôi đến một cánh cửa không cửa khiến tôi cảm nhận có vũ điệu ngạo nghễ và kỳ bí khích lòng, sanh chợt tỉnh.
Cảm nhận về Phật trong tâm không mất, tôi xua được bống đen nặng nề bay khỏi lòng, đi trả dép không bị tự ái làm xáo trộn trên đường đi, tôi lấy lại thói quen niệm Phật khi lên xe, cũng không thấy vất vả với việc đường xa, trời chiều, về muộn. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT được sử dụng đúng pháp như Đức Thầy dạy “Hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh. Cho đến khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình dục còn đâu mà nảy sanh ra được?” Thường thì ta hay có tư tưởng không đâu và Đức Thầy cũng nói lên điều đó “ Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng…” Những tư tưởng không đâu cần có Niệm Phật nhập tâm sẽ làm ta quên tất cả những suy nghĩ không đâu đó.

13/9/2017

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

MUỐN THOÁT KHỔ

Chúng ta đang gặp khổ gì mà đòi thoát khổ?
Thông thường khổ đến với con người từ những nguyên nhân: nghèo, thiếu, thua, kém và bệnh tật, là những điều khổ mà ai ai cũng thấy biết và nó có tính nhạy cảm nhứt hành hạ lương tâm con người nếu bị nó trồng vào cổ.
Nhà nghèo rách, chủ nhân của nó cơm áo qua loa, cuộc sống quá thiếu thốn về vật chất như vậy kêu khổ là phải rồi. Đời văn vật, người không đến đổi nghèo đói mà thiếu mua sắm dọn đẹp nội thất, thấy nhà người ta dọn đẹp hơn nhà mình muốn mà không được cũng kêu khổ rồi đi mượn nợ, vay tiền hay mua trả góp, tới hẹn kỳ giao ước chủ nợ tới đòi không có trả, bị họ nặng lời nặng tiếng hoặc trình làng, làm mất danh dự cũng than khổ. Làm ăn tính toán thua người ta, họ đồng nghiệp, đồng hành với mình, họ đi tới thành đạt mà mình thì thua lổ ập đến, khổ dài dài. Học hành kém, nhan sắc kém mà lại kém tài, không mấy ai quan tâm, sống cô đơn, cô độc, tự ty mặc cảm trằn trọc suốt, sự khổ bị ám ảnh không buông, khổ! khổ!...
Người nghèo ham giàu mà giàu đến họ cho là sướng, mặt mày tươi rói không có những nét khổ. Người thiếu cần đủ mà có đủ những ước muốn tức nhiên họ cho như vậy là sung sướng. Người làm ăn thua thất, cờ bạc thua, sắm dọn thua, danh dự địa vị thua, việc người ta làm được, tới mình thì hỏng; bất ngờ gặp cơ may, hơn chớ không thua, lời không lổ nữa, cảm thấy rất là sung sướng, cho như vậy là hết khổ. Người học hành kém, nhan sắc kém còn kém cả tài năng, muốn ngẩng đầu lên cao mà lại ở biệt mù dưới thấp, nay may mắn sự học biết được nâng, nhan sắc có người khen là đẹp, tríu mến, ve vản làm thân thể hưng phấn lên lại có tài đẩy trôi công việc bị ứ động, rất sung sướng, họ cho như vậy là hết khổ.
Từ những nguyên nhân khổ nói trên người ta tìm mọi cách để tránh khổ trước mắt bằng làm cho mình được giàu sang đầy đủ… trong khi đó nhiều thứ dục vọng nảy sinh, lòng đà chứa chấp tánh tham làm ích kỷ, muốn có những điều mình muốn không phải vận dụng đầu óc khả năng làm việc chân chính mà bằng mưu sâu kế độc sang đạt của người. Đức Thầy có câu:
“Thấy của người thèm khô nước miếng
Tính làm sao lường gạt lấy đi,
Sẵn túi tham bất cứ chuyện gì,
Dầu xấu tốt cũng là dồn chứa.”
Ta nhìn đời xem! Đâu phải người giàu sang đẹp đẽ, đầy đủ vật chất là không khổ. Đi hỏi mấy ông nhà giàu, quyền uy thế lực nhất nước, những đệ nhứt hoa khôi… coi họ sống như vậy mà còn khổ đến không? Làm chủ một đất nước giàu sang tột bực nhưng không chịu an hưởng những gì có được, giàu muốn giàu thêm, quyền uy muốn quyền uy thêm, đi chinh phục nước láng diềng, các nước kém võ trang binh bị cho giặc dậy cùng trời cuối đất, dân chúng kêu than vậy mà ông vui sướng. Ông không hay rằng sự lo âu của ông qua âm mưu phá hại người có việc làm chân chính, thành đạt chân chính là ông đã tự kéo cái khổ vào thân để lúc nào cũng lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Phật dạy ham muốn là khổ, được cũng khổ, không được cũng khổ. Được khổ theo được, không khổ theo không. Trước mắt ta, nghèo khổ, đói khổ, bệnh tật khổ, làm ăn thua lổ khổ… ta không thể phủ nhận, nhưng cảnh khổ của những điều kể trên ta cho là thiết thực và quan trọng cần phải giải quyết cấp bách, nó vốn chỉ là nhánh nhóc lon con, còn cội nguồn phát sinh khổ não ta nên đọc những câu sau đây thì sẽ biết:
“Khuyên chúng sanh khuya sớm chuyên cần,
Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ,
Sanh với tử từ kim chí cổ,
Sanh với già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm tứ khổ nên Ngài tầm đạo.”
“Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ”. Bởi từ có cái thân bị đọa hồng trần hành sự theo nhân quả mới sanh ra vô vàn sự khổ não khác. Tấm thân ta đây do đất, nước, lửa, khí, tạo thành thì có bốn cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Không nói giàu hay nghèo, đẹp xấu, ngu trí vì vì hễ bệnh là khổ, ông nhà giàu, người xinh đẹp vẫn phải gặp cái điều họ không muốn đó là: già, bệnh, chết. Đụng đến ba thứ khổ nầy thì nghèo khổ, thua kém khổ đúng là chuyện nhánh nhọc lon con, là bọt nước, mây bay còn già, bệnh, chết dẫn vào luân hồi mới là khổ gốc, đừng nói là ông nhà giàu hay người quyền uy nhất nước thoát được khổ nầy.
Để thoát khỏi nguồn cội của các sự khổ nói trên, Đức Thầy dạy cách thiết thực nhứt “Cứu khổ Nam Mô vô lượng phước”. Vậy đã có phương pháp bằng niệm Nam Mô thì vô lượng phước báu trang nghiêm thanh tịnh đã tẩy hết các sự khổ của kiếp trần tục nầy. Chữ Nam Mô là danh từ Phật học, có nghĩa là cung kính, mà cung kính các vị có vô lượng công Đức, do đó thường được áp dụng đứng hàng đầu của các câu niệm về các đấng từ bi, các Đức Phật, Bồ Tát, ví dụ: Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát… Không nghe thấy ai đặt từ Nam Mô trước một danh hiệu tà thần ma quái nào. Ta niệm Phật nào cũng là Phật từ bi cứu khổ cứu nạn nhưng sự cứu khổ của cội nguồn sanh lão bệnh tử là Nam Mô với vị Phật có pháp môn, vị Phật ấy chính là Đức A Di Đà Phật như chính trong kinh A Di Đà ghi rõ.
Đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ cõi Tây Phương cách chốn hồng trần mù mịt nầy tới mười muôn ức Phật độ; Ngài thệ Nguyện rằng nếu có một chúng sanh nào niệm danh hiệu của ta đến nhứt tâm bất loạn thì chừng chúng sanh ấy lâm chung sẽ được độ thoát về cõi Tây Phương. Sám Giảng Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng có nhiều câu nói lên sự thật vinh hạnh nầy:
“Ở Tây Phương chư Phật ngóng trông
Chờ bá tánh rủ nhau niệm Phật”
“Ao Sen báo Tây Phương đua nở,
Chờ chúng sanh Niệm Phật chí tâm”
“A Di Đà nhìn xem khắp cõi,
Đặng trông chờ mong mỏi chúng sanh,
Hiện hào quang ngũ sắc hiền lành,
Đặng tìm kiếm những người hiền đức.”
Đức Thầy cũng đang ở chốn Tây Phương, tu đạt đến chỗ như Ngài nói trong bài Thay Lời Tựa “muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần đặng chịu cảnh chê khen”. Vì “thương bách tín tới hồi tai họa” mà lâm phàm độ thế, đồng thời được Đức Phật A Di Đà ban sắc lệnh dạy đạo qua pháp môn Niệm Phật như Ngài đã nói:
“Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Vậy nên, câu “Cứu khổ Nam Mô vô lượng phước” tức cứu bằng vào câu niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, đạt đến nhất tâm bất loạn thì hiện tại dứt các khổ nghiệp, chừng lâm chung vãng sanh Cực Lạc. Nơi đây chấm dứt mọi khổ đau, vì thế Đức Thầy khuyên tu giải khổ thì chỉ có đắc đạo hoặc về Cực Lạc mới xong như Sám Giảng đã ghi:
“Khuyên chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu,
Về Cực Lạc mới là hết khổ.”
Hành thâm pháp môn niệm Phật thì mọi tội chướng không còn, các khổ đau chấm dứt. Trên đời có cái khổ nào hơn lúc bị tù đày. Cổ nhân đánh giá sự khổ ấy qua so sánh “Nhứt nhựt lao tù thiên thu tại ngoại”( một ngày trong tù dài bằng ngàn năm ở ngoài) thế nhưng xưa có hai vợ chồng người kia ở tù mà không thấy khổ, biến nhà tù làm nơi tịnh thất ngày đêm hầu Phật không còn thấy khổ đau là gì nữa. Hai vị tù chung thân ấy là đức vua Tần Bà Sa La, vua của nước Ma Kiệt Đà thành vương xá, và hoàng hậu là bà Vi Đề Hy. Vua và hoàng hậu bị con là A Xà Thế soán vị lên ngôi, bắt đày phụ vương vào ngục kín; hoàng hậu Vi Đề Hy thương cảm lén mang đồ ăn thức uống cho chồng đã bị A Xà Thế bắt gặp đày vào tù nữa. Thuở Sĩ Đạt Ta xuất gia đi tu có qua nước Ma Kiệt Đà, thành Vương Xá, vua Tần Bà Sa La ân cần mời khách, kính trọng người biết lập chí tu hành. Sau nầy Sĩ Đạt Ta đắc đạo, hiệu Phật Thích Ca, vua Tần Bà Sa La có cúng dường cho Phật Thích Ca khoảng đất rộng, lập tịnh xá để độ chúng, tịnh xá ấy có tên là Trúc Lâm. Nhờ nhân duyên đó, khi vua và hoàng hậu bị đày đi tù, lúc đầu ngày đêm buồn bả, giận con ngổ nghịch, sau đó Phật Thích Ca hóa hiện đến thăm, dạy ông bà thôi buồn giận, lo tỉnh tâm tỉnh trí tu hành, Ngài khuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật siêng suốt thì sẽ khỏi khổ. Vua và hoàng hậu nghe lời Phật dạy, chuyên tu, sau đó vua đắc quả A Na Hàm mới băng hà, còn hoàng hậu Vi Đề Hy ngay lúc lâm chung được vãng sanh Tịnh Độ.
Dùng phương pháp cứu khổ bằng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT siêng suốt, cụm từ “Nam Mô vô lượng phước” nhờ công phu tu tập, niệm Phật nhập tâm, sanh ra vô lượng phước báu trang nghiêm thanh tịnh, cho dù hành giả trước giờ có trùng trùng sự khổ bao vây, chúng cũng sẽ tự tháo chạy đi thôi.

09/9/2017

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

MẸ HIỀN CON THẢO

Việt Nam ta rất giàu lễ nghĩa về cội nguồn nên cho ra đời những câu tục ngữ, ca dao mặn mà thâm ân:
“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng” hoặc:
“công cha như núi Thái-Sơn
Nghĩa mẹ như nước trên nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Được ung đúc kỷ lưỡng bởi ca da tục ngữ nước nhà, những tiền nhân có công sanh thành dưỡng dục được con cháu nhớ ơn, chọn ngày kỹ niệm hằng năm để được nhắc nhở tấm gương. Ngoài ngày kỹ niệm về gia tộc người ta biết dựa vào sự tích Lễ Vu Lan Bồn của đạo Phật phát xuất từ tấm gương đại hiếu của Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ là Bà Thanh Đề thoát khỏi sự hành phạt của cõi địa ngục a tỳ siêu sanh lên Tiên cảnh để cứu cha mẹ mình.
Mùa Vu Lan năm 2017 nầy, tôi không nói về chuyện xưa tích cũ mà bàn bạc cùng bà con quê hương mình về tình mẩu tử đời nay, để nói lên ý nghĩa Vu Lan trong đạo Phật đối với cha mẹ còn sống và nhất là lúc bệnh hoạn, rất cần có sự chăm sóc của con cháu.
Xin kính tặng bài viết nầy cho những bà mẹ hiền và những người con hiếu thảo, sống qua tình mẩu tử thiêng liêng. Con thấy mẹ đau nhức, nghe tiếng mẹ rên mà cõi lòng tan nát, mẹ thương con với cảnh nghèo, thiếu tiền thang thuốc, nghiếng răng chịu đau không than van để lòng con yên ổn. Họ vì thương mà chịu quá nhiều ấm ức …
++ () ++
Gần một tháng qua bà Lan bị căn bệnh giày vò, trong người ba thứ thuốc: Tây, Nam, Bắc đưa vô đều đều mà bệnh không chửa khỏi. Biết trong mình gặp bệnh ngặt mà gia cảnh lại nghèo, nén lòng buồn thương cho số phận không may. Sanh một đứa con trai chưa đầy ba tháng thì cha nó vội vàng theo ông theo bà vùi chôn dưới lòng đất lạnh. Con mồ côi cha lúc ba tháng tuổi, mà bà gặp thêm bất hạnh đời làm dâu, không được các anh chồng thương cảm bảo bộc, che chở lại còn bị các ông ấy quấy rầy, họ là những anh đã lập gia đình ra riêng mà bụng dạ tham lam quá đổi đã gây nhiều chuyện sóng gió trong nhà cha mẹ… bà Lan đành phải rời khỏi nhà chồng, mua gánh bán bưng nuôi con, cho học đến hết năm lớp năm, cậu bé bị các bạn trong lớp chộ là đồ không cha, nhiều lần bị chộ cậu nhịn được nhưng có hôm thì cậu không nhịn nổi, cậu đánh và còn lượm gạch chọi tét thịt kẻ thù. Bị thầy cô bắt tội hành hung bạn, buộc chịu kỷ luật và làm tờ cam kết không tái phạm. Cậu không chấp nhận viết cam kết, từ đó bỏ học.
Lớn lên trong cảnh nghèo, học hành không tới đâu nên trong tay không nghề nghiệp, làm mướn: giảy cỏ, cuốc đất, khiêng vác. Cậu rất thương mẹ, luôn luôn là người con có hiếu. Lúc cậu lên 20 tuổi, mẹ định lo việc trăm năm cho cậu, cậu nói là cậu chưa thích chuyện đó…

Trong những ngày mới bệnh, bà biết triệu chứng ngặt nghèo nhưng âm thầm chịu đựng và dặn lòng: đau nhức cở nào cũng không rênh la để đứa con trai duy nhứt của bà không quá đau lòng vì thương mẹ. Mấy ngày qua bệnh trong người bà phát tác mạnh, sức chịu đựng không còn bà rênh ri rí liên tục. Lập _ cậu học trò nói trên_ nghe mẹ rênh nhiều biết trong mình mẹ giờ đau đớn lắm. Thương mẹ cõi lòng anh tan nát, hai lần chỡ mẹ đi bệnh viện huyện, tỉnh, lần nào khám tiêm thuốc thì thấy có kết quả rõ ràng nhưng khi xuất viện về nhà vài hôm thì đau nhức trở lại và dường sức công phá mạnh hơn. Bà con trong xóm thương tình ý kiến nên đưa mẹ đi nhập viện ở thành phố Sài Gòn, họ giải thích rằng: Các Y Bác Sĩ ở đó giỏi hơn, khám tới bệnh và thuốc men cũng đầy đủ.
Ý kiến của bà con là đúng nhưng anh chưa biết tìm đâu được tiền đưa mẹ nhanh ra Sài Gòn. Anh nhớ mình có ông bác nhà giàu muốn đến nhờ ông ấy giúp mà suy đi nghĩ lại thấy không nên, bỏ qua chuyện nhờ nhỏi nầy. Sau một tuần thấy bệnh mẹ lại tái phát, anh biết là chỗ không dễ mượn mà phải đi coi có may ra, bấm gan đến nhà ông bác ruột hỏi mượn tiền chỡ mẹ đi thành phố, bác nói rằng: con của bác đậu đại học ra chưa có chỗ làm, bác dành tiền để đi mua chỗ cho con, không giúp được.
Trong cơn thắc ngặt hết cách giải quyết, anh hận mình quá nóng nảy: phải hồi nhỏ nhịn được mấy thằng bạn nghịch ngợm trong trường, học hành tới nơi tới chốn thì bây giờ có việc làm tốt, lở thiếu thì còn cái danh dự của người có học vị mượn nhờ sẽ dễ hơn cái thằng vừa nghèo vừa dốt như mình. Chỗ tin cậy và là ruột thịt với anh mà mượn tiền không được khiến anh hết hy vọng đi hỏi mượn ai nữa, sực nhớ trong Sám Giảng có câu:
“Rủi ốm đau bởi tại căn tiền,
Hoặc hiện kiếp làm điều bạo ác.
Phải ăn năng phước điền tạo tác,
Lo thuốc thang khẩn vái Phật Trời.
Nguyền sửa lòng ắt Phật giúp đời,
Xuống phước rộng từ bi hỷ xả.”
Lập thắp hương lên ba ngôi thờ, trình nguyện Cửu Huyền Thất Tổ, Đức Phật, Đức Thầy độ cho mẹ sớm hết quả căn, tiêu tan tật bệnh.

Ông Trình _ người cùng xóm, Lập kêu bằng chú, nghe mẹ kể ông chú nầy hồi đó là bạn thân với ba _ đến thăm bệnh mẹ anh, thấy anh cúng không nhằm giờ trong đạo dạy, liền hỏi:
- Cháu cúng nguyện gì giờ nầy?
- Thưa chú, mẹ cháu bệnh lâu và trông chừng đã đến lúc trầm trọng. Cháu tuân theo giáo lý PGHH, cầu nguyện các đấng từ bi giúp mẹ.
- Ừ, cháu làm vậy rất tốt. Nghe tin cháu mấy lần chở mẹ đi bệnh viện, bệnh tình không đở hơn sao?
- Dạ, Mấy lúc gần đây bệnh đệm thêm, đau nhức khó chịu, uống thuốc mà nhức vẫn nhức. Cháu nhớ lời Đức Thầy dạy, suy ra, đối với những bệnh lâu như trường hợp của mẹ cháu ắt không phải chứng thông thường mà thuốc men vô là khỏi: bệnh liên quan đến nghiệp quả thì phải nguyện Phật tháo gở. Nghĩ mẹ cháu có thể như vậy nên cháu thắp hương cầu nguyện nhờ ơn Đức Phật Đức Thầy “dùng huyền diệu của tiên gia độ bệnh” mẹ.
- Chị đây phước đức mới có được người con biết đạo, phụng dưỡng mẹ đúng phép tắc.
- Cám ơn lời khích lệ của chú.
- Cầu nguyện các đấng từ bi gia hộ đối với người có tín ngưỡng tôn giáo là đúng, nhưng phải tận nhân lực đưa bệnh nhân điều trị, hoặc tìm Thầy hay đến chửa trị. Theo chú xét cháu nên đưa mẹ lên Sài Gòn nhập viện, chứ không thể cầu nguyện giao thân cho Phật được. vì cháu và mẹ, theo như chú biết, chưa đủ trình độ để làm việc phi thường ấy.
- Dạ cháu…
- Ý cháu muốn nói đã chỡ mẹ đi bệnh viện hai lần là đủ sao? Cháu đừng tưởng bác sĩ thì đâu cũng vậy, đất nước ta có hai miền Nam Bắc, Sài Gòn là trung tâm y tế cho miền Nam. Bác sĩ giỏi trong toàn miền được điều về trung tâm y tế phục vụ tốt sức khõe cho dân cư thành phố đông đúc nầy. Mẹ cháu đã hai lần đi bệnh viện huyện, tỉnh, lúc trong bệnh viện thì giảm rõ rệt, về nhà vài hôm sau trở chứng y như trước, chứng tỏ bác sĩ ở địa phương thiếu trình độ chuyên môn, khám không tới bệnh, trị kiểu giải chài. Nói rốt lại, bệnh của mẹ cháu, chú tin tưởng nếu ra được nhà thương Sài Gòn thì sẽ khỏi.
- Thưa chú, cháu cũng muốn, nhưng nhà cháu giờ đã hết tiền rồi.
Sau tiếng thở than bất cẩn, Lập hiện sắc buồn, cúi mặt vào lòng. Ông Trình thấy mình hơi tàn nhẫn lở lời khơi dậy niềm đau cho đứa con hiếu thảo nhưng đã hết cách, ông vả lả:
- Thôi cháu đừng buồn, chị và cháu ở hiền thì chắc sẽ gặp lành thôi. Tin chú đi!
Câu “ Ở hiền thì sẽ gặp lành, tin chú đi” Lập nghe rất là ngọt ngào, nhưng anh tin đây chỉ là lời an ủi làm dịu bớt sự căng thẳng của tiếng thở than không tiền, nhưng Ông Trình dám tin mình có thể cho cậu con trai hiếu thảo nầy gặp lành là sự thật, nên nói xong ông quay vội về nhà ngay lúc bà Mai vợ của ông chảy tóc, vì tóc của bà tốt dài, cầm lược vuốt thẳng tay từ trong ót ra phía sau một cách khó khăn, thấy có cơ hội, ông Trình giành cây lược trong tay vợ, chảy giùm, bà Mai cười nói:
- Sao hôm nay ông tốt với tôi như vậy?
- Không phải tôi đã làm cái việc trước đây tôi đã từng làm cho mình sao?
- Nhưng đã 10 năm qua anh không làm chuyện nầy với em nữa.
- Mình đã có nhiều con cái thì lo sự nghiệp, với lại mỗi lúc thêm già còn hưng phấn gì việc âu yếm chảy tóc cho vợ.
- Nếu vậy thời gian đi ngược lại hay hôm nay anh có vấn đề?
- Sự thật tôi muốn bàn với mẹ con Đào.
- Em biết ngay! anh nay chảy tóc cho em là có dụng ý riêng.
- Cũng tốt cho cả chúng ta thôi.
- Anh nói đi!
- Anh Lâm cha của thằng Lập xưa là bạn chí cốt với tôi, tình nghĩa bạn bè đối nhau như chén nước đầy. Tiếc vì anh ấy chết sớm để lại đứa con mới ba tháng tuổi là thằng Lập bây giờ đó, lớn lên trong sự nghèo nàn, nay Chị Lan lại bị bệnh không có tiền đi nằm viện, mong mình hãy cho anh có cơ hội giúp đỡ gia đình bạn bè, được không mình?
Bà Mai rất coi trọng danh dự của chồng và ông Trình lúc nào cũng đàng hoàn với vợ con, với xóm chòm cô bác, đáng được vợ con coi trọng. Nghe câu“cho anh có cơ hội giúp đỡ gia đình bạn bè” ngọt ngào quá! nhất là tiếng xưng “Anh” đã mất hơn mười năm qua nay mới nghe lại. Bà rất cảm động những lời van xin của chồng muốn làm việc nghĩa với bạn bè, lòng thì chịu nhưng chưa có hướng giải quyết, bà nói:
- Như ông cũng biết chúng ta thỏa thuận rằm lớn tới đây cúng chùa hai mươi triệu đồng, không thể chi thêm khoản tiền khác.
- Đồng ý không thể chi thêm, có thể mình chuyển số tiền cúng chùa qua trị bệnh cho chị Lan?
- Mình hứa cúng chùa, làm vậy có được không?
- Tôi xét là được. Nói đến sự sống của chùa chiền bây giờ về ăn xài là không thiếu, chỉ thiếu cái xây cất phô trương ra thêm thôi. Còn đi cúng chùa tức là cúng Phật, Phật thương chúng sanh, vì chúng sanh mà lâm phàm cứu độ. Ngài không muốn có bất kỳ một chúng sanh nào khổ nên lúc nào cũng hóa hiện cứu khổ ban vui. Sự cứu khổ ban vui cho chúng sanh là trách nhiệm của các vị Phật, nếu có một chúng sanh nào tiếp làm công việc của Phật làm, nghĩa là, cứu khổ ban vui thì Phật cũng sẽ khen thôi.
- Chị Lan thuở nhỏ cũng là bạn chơi thân với em, chị ấy hiền đến khờ khạu ra, cũng chính vì chị quá hiền làm em tức giận bỏ liều chị ấy. Hiền thì đáng khen nhưng cũng phải giữ lại quyền lợi chính đáng.
- Mẹ con Đào nói gì tôi không hiểu?
- Chị ấy có chồng, còn ở ăn chung gia đình, cha mẹ chồng chia cho hai mươi công ruộng. Làm dâu khoảng hai năm trong nhà, sanh con còn nhỏ thì chồng đã chết sớm. Dựa vào đất cho chưa cắt lập sổ chứng khoán ruộng đất, phía bên chồng có mấy ông anh tham lam bàn bạc lấy đất lại. Từ đó chị bị đối sử như người ăn kẻ ở, rầy mắng liên miên, sau chịu không nổi chị mới ôm con ra đi.
- Thôi, chuyện nầy bỏ qua cho đỡ phiền phức, không khéo có rò rỉ lọt đến tai mấy ông bác xấu bụng của cháu Lập thì sanh chuyện lôi thôi không đáng. Anh hỏi mẹ con Đào nè! có đồng ý giúp chị Lan trị bệnh như giải pháp anh vừa nêu không ?
Bà Mai cười nói:
- Người em giúp là anh.
- Cho chị Lan, cháu Lập, chứ sao là tôi được !
- Chẳng phải lúc nảy anh xin em cho anh có cơ hội là gì!
- Ừ … thì…
- Anh mới chảy tóc cho em, em dám không nghe sao ?
- Vậy chiều nay tôi đến báo tin mừng cho thằng Lập và kêu nó sửa soạn, mai vợ chồng mình đem tiền qua an ủi khuyến khích chị Lan nha!
- Em tuân lệnh ông xã.
05/9/2017