Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

(VI) “ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN VÀ VUA QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ” (phần tiếp theo)

CHƯƠNG BA

1.CƯ SĨ SRIPOLIEU GIẢI THÍCH SAI LẦM TƯ TƯỞNG CỦA MÌNH QUA QUYỂN KIM CỔ KỲ QUAN:

Cư sĩ Sripolieu viết:
“Ta hãy nghiên cứu những đoạn kinh sau đây để có thể tìm được Bà Ngọc Hân Công Chúa ẩn cư và mất ở vùng cù lao sông Cửu Long.
Bà Ngọc Hân Công Chúa cùng con thơ vào mai danh ẩn tích, làm ruộng rẫy ở vùng cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu. Hai mẹ con Bà đã từng lên điện ông Cấm lánh nạn và tu hành rất lâu. Sau đó Phật Thầy ra mở đạo ở làng Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, Sa Đéc. Ta hãy nghe tâm sự của Bà qua đoạn thơ sau:
Dụng chi bạc lộn với chì,
Vàng trao dạ ngọc tu trì mới nên
Cửa thiền khó mở hai bên
Việc này cần mẫn chẳng nên cũng THUẦN
Việc này lập Ý mới NHUẦN
Lòng không cần mẫn chẳng THUẦN phải hư.
(trang 163)
THUẦN và Ý là hai từ trong tước hiệu. NHƯ (Nhu) Ý TRANG THUẦN (Thận) TRINH NHẤT VÕ HOÀNG HẬU của bà Ngọc Hân Công Chúa.

Đoạn thơ trên chứng tỏ rằng Bà đã tu hành khi vào miền Nam. Ta hãy đọc tiếp tâm sự của Bà:

Vượn kia bao nỡ lìa cành
Chim kia bao nỡ bỏ đành rừng non
Ai TỪNG MẸ CHẲNG THƯƠNG CON
Lá lay vì bởi thẹn non khác lòng
Đeo chi cổ chuỗi, tay vòng
Nam mô không biết trong lòng một câu
Chẳng lo đào giếng cho sâu
Của mình nó lại lo âu cho mình
Hướng nhan chi kẻ vô tình
Phật không dụng sự sắc hình dân ôi
CHỢ lớn sao nỡ hết vôi
Làm người không CHÚA làm tôi sao bằng
Chúa ơi sao chúa không rằng
Để cho các nước lăng quằng hại dân
Phật ơi sao Phật chưa phân
Trời ơi sao nỡ để dân điêu tàn
Dân ơi chẳng sợ cơ hàn
Hiển vang chi đó, chen đàng đua tranh
(trang 164)

“Lươn kia còn nhớt còn tanh
TANH CHI CÓ MỠ CÙNG DANH BÉO BÙI
Nói ra trong dạ sụt sùi
Thân này chi khỏi trái mùi trên cây
Nay mà trôi nổi ĐẾN ĐÂY
Việc xưa chi khác việc nay chút nào
QUÁN TRUNG ít kẻ ra vào
Tai nghe phường phố như TÀU hưng binh”

Chữ QUÁN còn đọc là QUAN.
Ta kết hai chữ CHỢ (lớn), TÀU (hưng binh) thành chợ CÁI TÀU (THƯỢNG), xã Mỹ An Hưng. CHÚA+QUÁN TRUNG: vua QUANG TRUNG.
“Lươn kia còn nhớt còn tanh
Tanh chi có mỡ cũng danh béo bùi”
Ám chỉ Gia Long thành công với câu:
“Đeo chi cổ chuỗi tay vòng”
“Chẳng lo đào giếng cho sâu
Của mình nó lại lo âu cho mình”
Rất có thể ám chỉ chuỗi vòng và những tài liệu của Bà Ngọc Hân đã bí mật chôn giấu ở một cái giếng sâu nào đó ở gần Mộ Bà. (trang 165)
Bà Ngọc Hân đã âm thầm đau khổ nuôi con thơ thành người. Sau con bà trở thành một vị Phật, có ảnh hưởng sâu rộng khắp miền Tây Nam Việt.
Cuối cuộc đời Bà đã yên nghỉ tại rạch Cái Nai, cách thị xã Long Xuyên khoảng 5 Km, qua phà An Hòa đi về Cái Tàu Thượng. Ta hãy đọc đoạn chỉ dẫn của tác giả KIM CỔ KỲ QUAN:
Củi ướt không cháy thảm sầu
Cây khô MỤC phứt, đứt đầu đồng NAI
Việc mình né nạnh cho ai
So đàn đánh gậy, con NAI vào rừng
(trang 166)

Đi đâu cũng phải có chừng
E khi bờ bụi, BIỂN rừng đợi trông
Nói chuyện nói cũng MẮC công
Tai nghe cho biết phải không cho tường
Hoang lâm cây cỏ mịt đường
Có chi không biết dạ tường ĐÔNG quan
Vải ĐEN sợ CHỈ cũng ĐEN
Nhặt rơi không biết, chê khen CÁI màu
Đầu đuôi chưa rõ đuôi đầu
Thảm cho Tây quốc bán CẦU LONG XUYÊN
ÔNG MẬT ĐÓNG CỬA TÒA PHIÊN
HAI TÒA CHƯA BIẾT SẦU RIÊNG TÒA NÀO
ĐI XÓM NGƯỜI MỚI GHÉ VÀO
Có ai biết kiếm anh hào mà hay
Có ai trồng chuối tưởng CÂY
Đặt rơi xuống đất khoanh tay trông buồng
Chỉ tơ rối rắm trong cuồn 
Rối thời gỡ rối dạ buồn cơ thâm
Buồn đời tuổi chẳng đặng trăm
Dầu hai thứ tóc không tâm làm lành
BA MƯƠI MỘT PHÚT GÃY NHÀNH
MIỆNG THỜI THẮNG MÃNG, KHÔNG ĐÀNH TU THÂN
(trang 167)

E là quan cựu dân TÂN
Dân TÂN QUAN cựu không phân chánh tà
Vô phần sanh sự bất HÒA
Lao ngao chen cửa ÁN TÒA LẠY TÂY
Dại chi chẳng biết vạy ngay
Vô tòa QUAN chúng hành THÂY vui mừng
Đặng kiện về nói tưng bừng
Đêm nằm chiêm nghiệm nhớ chừng mưu GIAN
Trong lòng trăn trở chẳng AN
Âm mưu nhiều việc tính toan hoành hành
Chúng ta chú ý những từ: CẦU, NAI, CÁI, CÂY, LONG XUYÊN. Ta kết hợp lại thành CẦU CÁI NAI Ở LONG XUYÊN.
Với các từ: TÂN, AN, HÒA, GIAN (GIANG). Riêng chữ TÂN có nghĩa là mới, còn có nghĩa là bến ghe (phà) AN HÒA Ở AN GIANG LONG XUYÊN.
Chữ: MẮC, MỤC, QUAN (QUANG) ám chỉ NGUYỄN QUAN MỤC.
Chữ THÂY ám chỉ HÀI CỐT BÀ NGỌC HÂN.
Chữ ĐỒNG+ĐEN+CHỈ+ĐUÔI+ĐẦU: ám chỉ bí danh người sẽ chỉ rõ “đuôi đầu”.
Các câu:
“Có ai trồng chuối tưởng cây
Đặt rơi xuống đất khoanh tay trông buồng”
(trang 168)
Buồng chuối ám chỉ Phật Thầy.
Cây chuối ám chỉ Bà Ngọc Hân.
Hai câu hàm ý người ta chỉ biết có Phật Thầy mà quên mẹ là một vị Công Chúa, một vị Hoàng Hậu.
Hai Câu:
“E là quan cựu dân tân
Dân tân quan cựu không phân chánh tà”
Hàm ý mẹ con Bà Ngọc Hân là dân mới vào định cư tại đây, hương chức địa phương thời cũ.
Hai câu:
“Ba mươi một phút gãy nhành
Miệng thời thắng mãng, không đành tu thân”
Bà Ngọc Hân công chúa sanh năm 1770 (có sách ghi năm 1771), lúc Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân năm 1801, lúc đó bà vừa được 30 tuổi. Bà đã hủy hoại nhan sắc diễm kiều của mình để qua mặt Nguyễn Ánh và quan quân của kẻ thù.
Đoạn thơ trên chứng minh Bà và con trà trộn với những người dân từ miền ngoài vào khai hoang vùng cù lao. Bà làm ruộng và tu hành tại giữ vùng Cái Tàu Thượng và phà An Hòa thị xã Long Xuyên. Sau đó bà mất và mai táng ở rạch Cái Nai. Cách phà An Hòa 6km, cách chợ Cái Tàu Thượng cũng 6km (trang169).
Chứng minh thêm Mộ Bà Ngọc Hân và mộ vua Quang Trung ở đâu, tác giả KIM CỔ KỲ QUAN viết:
“Thương người không nói CHỖ NÀO
Nghe đâu cười nói ào ào vô mưu
Làm người tâm tánh bất ưu
Bất tri họa phước, tri mưu chi người
Đụng đâu cười nói, nói cười
MẮT thời tối bịt lòng người bất nhân
Bất tri hậu hữu nghĩa nhân
Bất tri thiên địa, bất phân chánh tà
Tu không biết đạo Di Đà
Tu không biết lẽ chánh tà tu chi
Lại xưng mình biết một khi
TRƯỜNG AN diễn thí, xưa ghi mấy trò
ANH HÙNG thất chí mới phò
Kết vi bằng hữu, dạ dò cạn sâu
Không biết VIỆC NÀO, ĐÂU ĐÂU
Khoe rằng mình giỏi khó âu thuận HÒA
Biết thời ra trị nước nhà
TRI TIỀN TRI HẬU THƯỢNG HÒA HẠ AN
Không biết mà nói dọc ngang
Ỷ mình hậu cận mưu toan tóm quyền
Lỗi trước nhiều nỗi ưu phiền
TRƯỜNG AN vô tự ký tiền long ngôn
(trang 170)
Người khôn e hậu chẳng khôn
Cải tà qui chánh cả môn bất hòa”
Ta chú ý các từ:
Chỗ nào, đâu đâu: ngầm ám chỉ điểm Mộ Bà Ngọc Hân. Tiền, Hậu: sông Tiền và Sông Hậu.
Trường An, anh hùng, cạn sâu: ám chỉ mộ của vu Quang Trung chôn cất sâu ở phường Trường An (Huế). (trang 171)
Các câu:
“Ỷ mình hậu cận mưu toan tóm quyền
Lỗi trước nhiều nỗi ưu phiền
TRƯỜNG AN vô tự, ký tiền long ngôn”
Hàm ý Thái Sư BÙI ĐỨC TUYÊN lộng quyền chiếm chùa Thiền Lâm làm dinh Thái Sư (phường Trường An bây giờ), ngầm tiêu diệt trung thần của vua  Quang Trung, như Trần Văn Kỳ, Võ Văn Dũng… Tạo nên sự chia rẽ nội bộ để đi đến việc suy tàn của triều đại Tây Sơn.
Toàn bộ đoạn thơ trên đã ngầm chỉ rõ hai địa điểm mai táng Bà Ngọc Hân và vua Quang Trung. Bà được mai táng gần phà An Hòa, và vua Quang Trung được chôn sâu ở vùng gò thuộc phường Trường An (Huế) bây giờ.
Kết luận, ta khẳng định Bà Ngọc Hân và con của Bà đã vào vùng cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu mai danh ẩn tích quanh quẩn giữa phà An Hòa và Cái Tàu Thượng. Sau đó Bà mất và mai táng ở rạch Cái Nai. Ta tham cứu thêm những đoạn kinh ngắn trích dẫn sau đây củng cố luận chứng nầy và kết luận nơi sống chết của Bà Ngọc Hân công chúa:
Xét trong lục tỉnh Nam Kỳ
Phật trời ngồi chốn cung ly AN HÒA
….
Hữu tình nhi ngộ tế tân AN HÒA
….
ĐỒNG NAI đá lửa rạng ngời
Vận hưng trời cũng đổi dời về đây
….
Miễn sao cho được tích tồn ĐỒNG NAI
….
Gặp hội đó Tiên Phật thảnh thơi
Người lành cũng được một nơi AN HÒA
Đất ĐỒNG NAI đèn đỏ một nhà
Độ trong bá tánh thượng HÒA hạ AN
Từ: AN HÒA còn ám chỉ An Hòa Tự Phú Tân.
ĐỒNG NAI: ám chỉ Đồng Cái Nai, hay rạch Cái Nai, chớ không phải tỉnh Đồng Nai (trang 173).

2. ĐÍNH CHÍNH:

Chúng tôi xin nói rằng: quyển KIM CỔ KỲ QUAN ông Ba ( Nguyễn Văn Thới) viết theo lối sấm ký, không quan tâm đến văn phạm như những tác phẩm của các văn nhân khác, nên khó giải thích đúng với ý sâu kín của ông Ba. Nhưng dù sao chúng ta cũng phải tùy theo vị trí của các từ ngữ mà giải thích cho hợp lý phần nào. Nếu cho rằng loại văn sấm ký bất chấp văn phạm, rồi mỗi người tự giải thích theo ý tưởng của mình như cư sĩ Sripolieu đã giải, là điều sai lạc, không thể tin đúng được.
Giả sử chúng tôi theo phương pháp của cư sĩ Sripolieu giải thích theo ý tưởng của mình mà cho rằng:
Vị anh hùng kháng pháp ở đồng Bảy Thưa có ẩn tên họ trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba mà tìm tên họ nhân vật ấy:
“Tam thinh thay đổi người vô số
Tận thế đại điềm ĐỨC CỐ lai”
(Tiềng Giang trang 733)
“Ố ái ái ố tại lòng
QUẢN bao bao QUẢN giữa dòng hải đông”
(Thừa Nhàn trang 535)
“Húy họ Di như húy ông bà,
Lo TRẦN lo nguyễn lo đà quá lo”
(Kiển Tiên trang 815)
“VĂN tùng u lệ sự chăng,
Tự bất sải tăng VĂN đóng cửa”
(Cáo Thị trang 192)
“Tôi lo bề thắng thối phận tôi
Đường THÀNH bại than ôi ai biết”
(Tiềng Giang trang 736)
Đọc mấy câu thơ trên, chúng ta thấy rõ danh từ: “ĐỨC CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH” trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN ông Ba đã viết.
Muốn thấy được tên họ vị anh hùng kháng Pháp “Hỏa hồng nhật tảo oanh thiên địa, Kiếm bạc Kiên Giang khắp quỷ thần” có tên trong KIM CỔ KỲ QUAN không? Chúng ta đọc thêm:
“NGUYỄN phủ trần hai họ can trường
Vi nhơn đạo thọ trường vĩnh hảo”
(Kiển Tiên Trang 749)
     “Quân tử mưu đạo bất mưu thực
Cám thương người TRUNG TRỰC thuở xưa”
(Kiển Tiên trang 759)
Chúng ta thấy danh từ “NGUYỄN TRUNG TRỰC” đã hiện rõ trong tác phẩm KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba.
Muốn biết được nhà thơ đáng kính thời Lê mạt có tên trong quyển KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba hay không? Chúng ta đọc tiếp:
     “Song song tỏ ngọn đèn hường
Cầu mai cứu NGUYỄN tỏ tường kiến an”
(Thừa Nhàn trang 496)

      “DU nan nan thị nan hồn
Thân thấy tại thế khổ tại tạm quê”
(Tiên Giang trang 696)
Thì ra danh từ NGUYỄN DU trong KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba đã có ghi sẵn tự bao giờ.

Và muốn biết nhà văn cận đại đạt giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1966 có tên trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba hay không? Chúng ta đọc thêm:
      “Từ tôi hốt hỏa hành hung,
NGUYỄN gia đã mẫu chí trung lâm tà”
(Tiền Giang trang 661)
     “Ứng Khoa thi lấy chi làm dấu,
Đặng bản về tranh đấu VĂN chương”
(Cáo Thị trang 198)
   “Quân phế quốc HẦU tất phế đầu,
Công danh sớm đục tối đầu quản bao”
(Kim Cổ Kỳ Quan trang43)
Chúng ta thấy danh từ NGUYỄN VĂN HẦU ông Ba đã có ghi trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN hơn một trăm năm về trước.
Qua những câu sấm ký, chúng ta đã thấy ông Ba có ghi rõ tên: ĐỨC CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH, NGUYỄN TRUNG TRỰC, NGUYỄN VĂN HẦU trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN. Giờ đây để biết rõ bốn nhân vật ấy mất tại đâu, chúng ta hãy mở KIM CỔ KỲ QUAN xem tiếp:(Cáo Thị trang 225)
 “Bất húy TỬ dầu TỬ TẠI trời,
Tham sanh dầu sống đời này làm chi”
(KIM CỔ KỲ QUAN trang 24)
“Một RẠCH hai vàm là không rảnh
Kìa nơi sơn lãnh thảnh thơi hơn”
(Bổn tuồng trang 375)
“Bửu CÁI đây hớn hở vui cười
Quy cõi thọ số mười đề hiệu”

“Việc nầy nè mạnh cho ai,
So đòn đánh gậy con NAI vào rừng”
(Tiền Giang trang 693)
“Qua Gia Định mua mắm mấy hồi,
Đêm về long ẤP người ngồi bán cân”
(KIM CỔ KỲ QUAN trang 57)
“Bính thình AN trị Đing Tỵ hung,
Phản khắc nịnh trung hung kiết lỵ,
Mậu Thình bất trị Kỷ Tỵ BÌNH”
(Cáo Thị trang 225)
“Trên cha dốc tóm thâu Nam Bắc,
Dưới con nguyền XÃ tắc bảo yên”
(Tiền Giang trang 725)
“Trời Ngài khiến hậu phú tiền bần
Nam bang Tần quốc thánh thần HỘI AN”
(KIM CỔ KỲ QUAN trang 24)
“nha môn việc mãng bất bình
HUYỆN di việc mãng thế tình bất suy”
(Thừa Nhàn trang 404)
“Nói vạy lại nói việc ngay
Nói CHỢ nói xóm tới đây nói rừng”
(Thừa Nhàn trang 404)
“việc đâu phải nói việc đâu
MỚI là mới nói cũng lâu bấy chầy”
(Bổn Tuồng trang 476)
“Nghĩa quân thần hà hữu vô ưu
AN GIANG TỈNH thiên  vu tán ngã”
(Tiền Giang trang 727)
Qua những câu thơ vừa đọc, trích trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba, chúng ta thấy hiện rõ các danh từ: “ĐỨC CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH – NGUYỄN TRUNG TRỰC – NGUYỄN DU – NGUYỄN VĂN HẦU TỬ TẠI RẠCH CÁI NAI, ẤP AN BÌNH, XÃ HỘI AN, HUYỆN CHỢ MỚI, TỈNH ANH GIANG”
Trên đây chúng tôi dẫn theo phương pháp tìm ẩn danh trong bộ KIM CỔ KỲ QUAN của ông Ba, như cư sĩ Sripolieu đã giả thích, thử hỏi bốn nhân vật ấy có phải tử tại rạch Cái Nai, ấp An Bình, xã Hộ An, Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hay không?! Điều này chắc ai cũng khẳng định là không !
Như vậy phương pháp tìm tên họ, giải thích của cư sĩ Sripolieu ở đây là điều cưỡng lý theo tư tưởng vô tình hay cố ý của cư sĩ. Nó trái với lẽ chân thật cùng sai quy tắc văn chương và cũng không thể cho rằng trong bộ Kim Cổ Kỳ Quan của ông Ba có tiên tri về việc phi lý nầy!

3.PHẬT THẦY TÂY AN KHÔNG PHẢI CON NGUYỄN HUỆ VÀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA KHÔNG CÓ TỴ NẠN VÀ MỒ MẢ Ở CÁI NAI:

Theo các tài liệu lịch sử công nhận:
Khi Phật Thầy khai lý lịch tại đình làng Tòng Sơn, trước mặt chánh quyền sở tại của nhà Nguyễn, có ông Đoàn Văn Điểu và Đoàn Văn Viên (anh chú bác) là nhân chứng sự thật về vụ khai báo nầy. Nếu chánh quyền xét lại lời khai gian dối, thì làm sao Phật Thầy được yên thân. Vì vụ án truy nã dòng dõi Tây Sơn rất nghiêm trọng, chánh quyền không thể bỏ qua.
Phật Thầy trị bệnh độ đời không bao lâu, chánh quyền tỉnh An Giang cho lệnh bắt Phật Thầy về tỉnh. Đương nhiên họ phải điều tra rất kỹ, nhứt là Phật Thầy không liên quan đến vụ án Tây Sơn, nên chánh quyền tỉnh mới dám đệ sớ về triều đình bảo lãnh Phật Thầy là bậc chơn tu và được trả tự do cho Ngài về Tây An Tự trị bệnh độ đời.
Ngay thời gian đó, Phật Thầy thực hiện chương trình “lập giáo” thu nhận tín đồ và bức trần Đỏ được tôn thờ các nơi cơ sở đạo cùng ở tư gia tín đồ. Nếu Phật Thầy có liên quan đến chủ nghĩa Tây Sơn (cờ đỏ) thì Ngài đâu có cho tín đồ trần thiết màu đỏ trên bàn Phật để nguy hiểm cho tính mạng của Ngài và tai hại chung cho toàn thể tín đồ!
Căn cứ theo tài liệu các văn nhân, nhất là của giáo sư Trịnh Vân Thanh, thì sau khi lên ngôi Hoàng Đế năm Mậu Thân (1788), đặt niên hiệu Quang Trung, đóng đô ở Thuận Hóa; Nguyễn Huệ tiến binh ra Bắc đánh quân nhà Thanh chiếm lại thành Thăng Long, đại thắng quân Thanh ở trận Đống Đa, tướng giặc Tôn Sĩ Nghị bại trận rút quân về nước. Nắm được thời thế, Nguyễn Huệ một mặt lo củng cố chủ lực, một mặt đòi lại Lưỡng Quảng tạo cớ đánh Thanh. Nhưng chẳng mai Nguyễn Huệ bị bệnh, mệnh chung vào đêm 29 tháng 9 năm Nhâm Tý (1792).
Còn Phật Thầy Tây An đản sinh vào giờ Ngọ ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807), tức Sau khi Nguyễn Huệ mất 15 năm. Như thế người đã vùi xương nơi lòng đất lạnh 15 năm rồi mà phải chịu trách nhiệm làm cha một đứa bé sơ sinh! Biện lý cuộc nào dẫn chứng và tòa án nào buộc tội đương sự quái lạ như vậy??
Chúng tôi xin đính chánh vấn đề nầy:
Theo các tài liệu lịch sử và bộ từ điển của giáo sư Trịnh Vân Thanh, thì “Công Chúa Ngọc Hân ( 1770-1830), là con gái út của vua Lê Hiến Tôn (1740-1786). Năm Bính Ngọ (1786) lấy chồng tức là vợ của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và được phong làm Bắc Cung Hoàng Hậu.
Năm Nhân Tý (1972) Nguyễn Huệ mất, tính ra bà ở với chồng được 7 năm, sanh được 1 trai 1 gái.
Nhà Tây Sơn đổ, bà cùng hai con lẩn lút ở tỉnh Quảng Nam, được ít lâu có người điềm chỉ chỗ bà ở cho vua nhà Nguyễn, bà và hai con bị bắt và bị giết.”
Ngoài các tài liệu lịch sử ra, bộ “Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển” của giáo sư trịnh Vân Thanh, một bộ từ điển đủ đầy uy tín, được giới trí thức, văn nhân, học giả… công nhận và tín dụng, không một ai phản đối, nên đáng tin hơn.
Hôm nay nếu  có một nhân văn nào bài bác tài liệu nầy, chẳng khác chi người ngậm khối phun ra mong che ánh mặt trời, tức không thể được. Cư sĩ Sripolieu nói Phật Thầy Tây An là con của vua Quang Trung Nguyễn Huệ và Ngọc Hân Công Chúa vào miền Nam tỵ nạn rồi chết, mồ mả tại rạch Cái Nai, đây là một luận thuyết vô cùng phi lý!
                                                                
                                                                       Bình Nguyên
(Còn tiếp)






















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét