Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

TU LÀ GÌ?

Kính chào chư đồng đạo! Rất vui được quý vị đến thăm.
- Chúng tôi cũng rất vui khi gặp được đàn anh để học hỏi giáo lý thâm mật của Đức Thầy.
- Nghe tiếng nói“đàn anh” làm cho ốc ác nổi lên. Đây không dám. Tôi trông anh còn lớn tuổi hơn tôi.
- Có thể là vậy, nhưng nhiều tuổi đời ít tuổi đạo như tôi, chờ cho vợ com đùm đề tiêu hao sức lực, nhạy bén không còn mới hướng về đạo, xét chẳng hay ho gì lắm đâu mà xưng cho lớn tuổi.
- Dạ, thưa anh, khiêm nhượng là đức tính tốt nhưng nếu khiêm nhượng quá làm cho người đối diện cảm thấy e ngại. E ngại là tự nhiên có thế thủ trong khi ở phương diện trao đổi là mong có sự cởi mở; thủ nó đi ngược với cởi mở đồng thời còn mất thời gian nhiều mà kết quả cho sự hiểu lòng nhau không được bao nhiêu.
- Tôi hiểu, chịu hay không là quyền của chú em, kể chú như đàn anh là quyền của chúng tôi. Nhưng tôi nói không lầm, các em cháu thấy đó, giải thích như thế đúng là đàn anh rồi còn gì.
- Nói không lại thôi tôi chịu thua. Chịu thua không có nghĩa là tôi đồng ý sự gán ghép của anh về tôi là đúng. Chúng ta cho qua chuyện nầy đi nhá! Tôi biết mục đích của quý vị đến đây không phải để đối khẩu với nhau về ý nghĩa của sự khiêm nhượng phải không?
- Đúng vậy.
Vậy đây xin mời quý vị đi vào nội dung của cuộc gặp gở nhá!
- Được, vậy tôi hỏi: Đức Thầy viết bài “Trong việc tu thân xử kỷ” có đoạn như sau “ Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng: “Các người hãy thờ lạy ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình.”Đặc biệt ở đây tôi muốn hỏi đệ đoạn “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình” thôi. Rút lại thành hai câu, 1: Phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống. 2: Tìm kiếm chân tánh của mình.
Phận sự con người: Phận sự tức chuyện đó hay công việc đó là của mình. Ví dụ đối với cha mẹ già yếu sức mạnh không còn, con trai hay gái tuổi trẻ phải có phận sự gánh vác những nặng nề, nhọc nhằn; phận làm trai đối với đất nước đang lâm nguy bởi giặc ngoại, hoặc những tín đồ trong tôn giáo có phận sự bảo vệ đạo và làm cho đạo phát triển khắp nhơn loại đại đồng. Đây cũng là ước mơ của Đức Thầy tôn kính:
“biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng,
Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”
“ước mơ thế giới lân Hòa Hảo
Nhà Phật con Tiên hé miệng cười”
“mảng chờ trông bá tánh thảnh thơi,
Khắp bốn biên liên dây Hòa Hảo”.
Phận sự cũng làm công việc như bổn phận nhưng nhẹ hơn vì phận sự là làm việc con người phải làm, còn bổn phận thì cũng làm nhưng có tính trách nhiệm với bề trên, ví dụ: Bổn phận con đối với cha mẹ, học trò đối với Thầy…sẵn đây tôi xin nhắc một đoạn văn Đức Thầy dùng từ “Bổn Phận” ở một vị trí người tu theo đạo phật phải làm.
“ Nên BỔN PHẬN của chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền đạo đức đặng cái tinh thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ-đại của Đức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội vởi kẻ đời sau vậy”.
Làm gì trong kiếp sống: Con người được sanh sống ở cõi trần ai nầy chịu bốn ơn trọng phải có phận sự đáp đền: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào và Nhơn Loại.
Sắp ân tổ tiên cha mẹ đứng đầu trong bốn ân vì con người sanh ra trước rồi mới có tất cả sau. Đặt vào hai tiếng bổn phận hay phận sự tức thọ ân thì phải báo ân. Bốn ân nầy tôi nghĩ quý vị đã thông thạo nên đây xin miễn bàn. Xét trên cơ bản thực hành ta thấy Ân tổ tiên cha mẹ, Ân tam bảo, Ân đồng bào nhơn loại đã vượt trội Ân Đất nước. Thấy Trung Cộng cướp Hoàng Sa, Trường Sa, đưa vào Việt Nam những công ty xí nghiệp mang tính độc hại như công ty Formosa là sự kiện điển hình, dân chúng rất đau lòng khi biết Trung Cộng có ý đồ bành trướng ở Việt Nam nhưng nếu dân ta kéo biểu tình chống đối Trung Cộng thì bnước chủ nhà bắt phạt hoặc tù đày, riết rồi dân cũng ngại đụng với kẻ quyền lực, ít có người ngó ngàn quốc gia đại sự. May mắn là người tín đồ PGHH chúng ta đã thực hành mạnh mẻ về ân đồng bào và nhân loại, trải rộng tình thương PGHH đến với xã hội, những người bị hoàn cảnh đất nước về luật pháp làm ăn không được khiến nên nghèo đói, bệnh tật. Cứu nước không cho thì lo cứu dân. Những năm gần đây bảo tổ xảy ra triền miên ở dãy đất miền Trung, dân chúng nơi ấy lầm than đói khổ, người tín đồ có mang trong lòng cái ân đồng bào nhân loại, đóng góp công của vào công tác từ thiện với đồng bào mình. Những việc làm ấy đã trả lời một phần của câu hỏi “con người phải làm gì trong kiếp sống”.
Tìm kiếm chân-tánh mình: Chân tánh là tánh chân thật, hay gọi là thật tánh đối lại với giả tánh. Đây là tạm mượn vật để ví dụ cho ra lẽ chớ tánh chân thật là tánh như như bất động trước lục dục thất tình, danh lợi tình, tham sân si … tánh như như không có tướng lớn tướng nhỏ, dài ngắn, được mất, hơn thua, nó bất tăng bất giảm bất cấu bất tịnh, đồng nghĩa với Phật tánh hay Như Lai tánh. Tất cả những nhà tu hành cầu Vô Thượng Bồ Đề hay Niết Bàn Diệu Tâm đều phải tìm kiếm chân tánh nầy.
“Chân tánh của mình” ở đâu, và tại sao dụng công tìm kiếm? Nếu nói “của mình” đáng lẽ nó phải hiện hửu như đồ trong nhà, nắm trong tay, còn phải ra công tìm kiếm gì chứ? Đã nói nó “như như bất động” thì nó không có cái tướng ở đâu, nói ở nơi nầy, nơi kia, nơi nọ, dài ngắn, tốt xấu, được mất… đều là giặc phá hại nhưng chân tánh không bị ảnh hưởng bởi giặc phá mà mất hay suy giảm năng lực.
Nói tìm kiếm Chân Tánh, ta thử đặt câu hỏi: nếu bảo rằng chân tánh là thật tánh, như như mất động, có mất sao mà tìm? Chỗ ta lý luận được, chân tánh không bị ai lấy mất và cũng không đi đâu, nhưng thực tế thì chân tánh không hiện hửu, dịêu dụng, nên nói nó mất, đi tìm là phải thôi. Chân tánh còn nguyên không mất nhưng sao nó không hiện hửu như như trước sắc thinh hương vị xúc pháp, danh lợi tình, tham sân si …?
Hãy nói chân tánh là Phật Tánh cho nhiều người biết dễ bàn. Kinh Phật nói “nhứt thiết chúng sanh giai hửu Phật tánh” (tất cả chúng sanh đều có Phật tánh). Từ cái nhìn đúng đắn đó Đức Phật thuyết tiếp “nhứt thiết chúng sanh bất thành Phật quả, ngã thệ bất thành Phật” (Nếu chúng sanh không thành Phật, ta thề không thành Phật). Như vậy đủ biết Phật tánh trong chúng sanh và Phật tánh của Đức Phật khả năng như nhau, không vì ở Đức Phật nó hơn, với chúng sanh nó kém. Đức Phật sáng suốt vì Phật tánh của Đức Phật không còn bị vô minh bao phủ như bầu trời không mây thì mặt trời sáng tỏ, chúng sanh có quá nhiều lớp vô minh che phủ Phật tánh không phản diện ta nói nó tối mà sự thật thì nó vẫn sáng. Quý vị và tôi thử đốt hai ngọn đèn dung lượng bằng nhau, ta lấy vải phủ kín một ngọn đèn, không còn chút sáng ra ngoài và ngọn đèn kia không bị phủ, thấy rằng đèn không bị phủ sáng quá còn đèn bị phủ cảnh quang đen hắc phải không? Như vậy quý vị nói nó tắt sao? Nó không tắt, nhưng muốn cho nó phản diện ánh sáng thì phải gở bỏ tấm vải phủ kín sẽ thấy hai ngọn đèn sáng bằng nhau.
Qua sự dẫn dụ trên, trở lại lời dạy của Đức Thầy, “tìm kiếm chân tánh” là vẹt phá vô minh, hết vô minh chân tánh hiện ngay.
31/5/2017


Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

HAI BÉ LƯỢM BỌC, LON

Bóng ngả về chiều, phía trước dinh thờ bà Lê thị Kim Định, nhờ hàng cây to ven vành biển buông tàn che phủ cả sân rộng, du khách hành trình đường xa thấm mệt ngồi quanh lại sân mát chuyện trò, cười cợt rộn ràng lên. Gió biển lất phất và tiếng rì rào trên cành lá cao bóng mát, tiếng lách tách của sóng nước đẩy ập vào ghềnh đá, xa trông những chiếc thuyền tí teo lúc ngoi lên khi hụp mất bởi những con sóng bạc đầu cồn kềnh nhồi nhảy tung tăng. Du khách ngồi nhìn ra biển nghe lòng thương thương muốn muốn, họ rủ nhau xuống tắm biển, phần đông đồng ý và họ kêu nhau thực hành ngay kẻo càng về chiều Trời phủ lạnh tắm không vui lâu.
Một số phụ nữ trong đoàn, lúc mọi người vây trên sân chuyện trò, khơi dậy niềm vui những điểm đi qua thì quý vị đã đi mượn nhờ nhà khách của Dinh bày ra dùng bửa, trong khi một số người nam chuẩn bị vào cuộc thì phía hậu cần cho hay: cơm canh dọn ra xong, xin ý kiến với mọi người hãy chờ sau khi ăn xong sẽ tắm nha ! Thế nầy thì lở bộ mất rồi, một vài người nam sốt sắn chuyện tắm biển đã cởi trần mặc quần đùi cũng phải mặc đồ trở lại, vì hậu cần mà ra lệnh đâu ai dám không nghe.
Đoàn tham quan, so lượng khách nữ nam tương đối nhưng phía nữ có bốn người sợ biển mênh mông không dám tắm, dầu những bạn nài nỉ: tắm biển thường, ngăn ngừa được một số chứng bệnh, kể điển hình là bệnh bứu cổ. Đã sợ biển mênh mông, có thuyết phục cỡ nào bốn vị ấy cũng không nghe. Dưới biển, tiếng người cười nói dậy lên, tiếng kêu ơi ới của những người chơi trò cút bắt hòa với sóng nước tạt văng sè sè… tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn, náo nhiệt, ồn ào như phiên chợ sáng.

Trong khi người ta ăn uống, tắm biển vui chơi thì trên bờ có hai bé trai vẻ rất là tội nghiệp, không để ý đến ai. Có một cặp tình nhân người ngoại quốc, mũi cao mắt đục, tóc vàng, họ tắm chút thì lên bờ dẫn nhau đi theo vành biển để thưởng thức cái nắng chiều của Trời Đất Việt Nam còn độ gây gây. Đoàn tham quan đang tắm, có lẽ không thường gặp người ngoại quốc nắm tay đi một cách tình tứ, họ ngưng lại các hoạt động bơi lội cút bắt, cả đến lặng thinh những tiếng cười, chú mục vào hai người ấy. Hai bé trai trên bờ hết sức là vô tình vô cảm với những chuyện xảy ra quanh mình, hai bé, đứa quảy một chiếc bao đi lượm bọc, óng lon bia, nước ngọt của khách tham quan vất bỏ bừa bải. Có những óng lon không nằm trên mặt phẳng, lăn vào cỏ rậm hoặc rớt xuống ghềnh đá sâu âm u; các em chung lòn xuống vực sâu hoặc lách mình qua kẻ đá tìm đồ của người ta bỏ. Mỗi đứa cũng chỉ khoảng chục lon thế mà chúng rất mừng. Trong bốn người phụ nữ không tắm biển, có một cô trẻ tuổi hơn thấy hai bé trai lượm lon, bọc tuổi cỡ con mình, lòng cảm nghe thương thương: mới bây lớn mà dải dầu như vậy, cô đi lại chỗ hai cháu, nhìn rõ mặt mày, nói thầm: hai thằng nhỏ cũng ngộ người đấy chứ! Cô chào hai cháu và đưa tay chỉ vào cháu lớn hỏi:
- Cháu mấy tuổi?
- Dạ thưa cô, con năm nay 10  tuổi ạ.
- Còn cháu kia, mấy tuổi?
- Dạ con 9 tuổi.
- Cháu 10 tuổi học lớp mấy rồi?
- Dạ con học hết lớp ba đã nghỉ học.
- Còn cháu nầy thì sao?
- Dạ con đang học lớp ba.
- Hai đứa là anh em ruột hay gì?
- Thưa cô không phải ạ.
- Cháu học lớp ba sao bổng nhiên nghỉ học?
- Dạ, nhà con nghèo mồ côi cha từ lúc nhỏ.
- Cha chết sớm sao?
- Dạ không, cha bỏ mẹ con đi theo một người đàn bà khác, biệt tích không về. Mẹ vất vả với nghề bán bánh cam nuôi con ăn học mà tiền học phí giờ đóng rất là cao. Con thấy mẹ dường đã quá sức chịu đựng nên nghỉ học, trước nhất mẹ không phải lo đóng tiền trường vào năm lớp bốn. Tuổi con chưa làm mướn được thì đi mót bọc lượm lon, mỗi ngày một ít tiền phụ vào để mẹ con giảm bớt nhọc nhằn.

Người phụ nữ nghe bé trai 12 tuổi kể chuyện nhà, tâm hồn xao xuyến nước mắt muốn rịnh ra nhưng cô cầm lòng ém đi dòng lệ chảy để hỏi tiếp bé trai 10 tuổi:
- Còn cháu 10 tuổi nầy thì sao, hoàn cảnh có tốt hơn bạn không?
- Dạ thưa cô, ba mẹ con còn đủ nhưng mẹ bệnh hoạn liên miên, một mình ba kiếm tiền bằng sức lao động không đủ cho mẹ uống thuốc, con cũng định học hết năm nay là biết đọc biết viết, sẽ nghĩ để ba không bị đặt vào cảnh khó xử khi con lên lớp bốn với số học phí làm điêu đứng.
Người phụ nữ không biết lòng nghĩ gì… dòng nước mắt bị đè nén đã bật ràn rụa ra. Sợ ba người bạn kia nhìn thấy cười mình dễ hay xao xuyến lòng như vậy, cô kêu hai bé trai tiếp tục đi lượm lon bọc và cô hứa lượm giùm. Cô dắt hai bé đi xa xa, khuất tầm mắt mọi người vui chơi với biển, cô lượm được bốn lon chia đều hai đứa qua lời dặn dò:
- Hai cháu đều trong hoàn cảnh khó khăn thật đáng thương, Mình nghèo nhưng hãy sống ở đời cho tốt thì hoàn cảnh khó của mình có thể đổi thay dữ ra lành. Hai cháu nên thường niệm câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬTđược chứ!
- Dạ con cũng Niệm nhưng lâu lâu…
- Tốt quá, xét ra, trong hoàn cảnh của các cháu phải thường niệm chớ đừng để lâu lâu mới niệm. Cô hồi còn nhỏ cũng khổ nhưng không đến đổi như hai cháu hiện giờ, cô nhờ Niệm Phật thường xuyên dần dần xua được cái quá khứ không may. Cô nghĩ những lúc đau khổ hãy nên niệm Phật và vang vái Phật hộ độ: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT nguyện Đức Phật từ bi thương xót chúng sanh. Khổ nhiều các cháu nên niệm Phật nhiều. Nhưng khi đã niệm Phật phải đừng làm tội mới có hiệu quả: Không trộm cắp, chưởi mắng, đánh nhau, với Ông Bà Cha Mẹ phải luôn hiếu kính, cô bác lớn tuổi hơn mình muốn nói chuyện gì phải xưng hô lễ phép. Hành xử được những điều ấy thì Phật trên cao nghe thấy hết điều phải mình làm, mình niệm Phật cầu cứu, Ngài sẽ cứu ngay thôi. Đang nghèo thiếu, cầu Đức Phật cứu không có nghĩa nhờ Phật giúp cho mình giàu phất lên, mà nhờ thường xuyên niệm Phật làm lành, từ từ đời sống mình sẽ chuyển dữ về lành, chuyển tâm phàm thành tâm Phật, nghiệp ác không đeo đuổi con người sẽ bớt khổ, làm ăn may mắn, có thể đổi đời nghèo mạt nầy không chừng.
Nói xong, người phụ nữ giàu lòng thương hại ấy đưa hai lòng bàn tay mình chụp lên đầu hai bé như chuyền sự thương yêu, nói khẽ: Mới có bây lớn tuổi, cái tuổi đáng lẽ chỉ lo học hành và vui chơi thì lại sớm lăn lóc vào đời để tìm cái ăn.
Đoàn tham quan tối về nhà trọ, vì đi chơi một ngày đầu thẳng thét, trông ai cũng mệt mỏi nên trưởng đoàn có cuộc sinh hoạt ngắn cho chương trình ngày mai, xong gọi nhau đi ngủ sớm. Người phụ nữ giàu lòng thương người nói trên bị ám ảnh bởi hai bé trai mót bọc, thất học sớm. Chuyện ba đi kiếm người đàn bà khác hay mẹ bị đau ốm thê lương, cô nghĩ, chỉ là một phần của câu chuyện bé thôi học. Chương trình giáo dục học đường mà thu học phí quá cao, nhà nghèo người ta cũng rán bươi quào cho con đi học để nữa có công thành danh toại, cắt đứt cái vòng lẩn quẩn nghèo nàn, lạc hậu ấy đi; nhưng hoàn cảnh nhà nghèo đâu dễ kiếm đồng tiền cho con học suốt. Ở thôn quê tỷ lệ hơn năm mười phần trăm các em học hết cấp một hoặc cấp hai rồi nghỉ cũng vì học phí cao, mà đời sống thôn dã chủ yếu hành nghề trồng trọt, ruộng vườn, có năm cũng thất bát lổ lả. Xưa thời Việt Nam Cộng Hòa, học sinh chỉ ra tiền mua sách vở là cùng không bắt đóng tiền học phí, trong nhà nhiều anh em, quyển sách của người anh hay chị mua học năm trước thì năm sau người em đến tuổi vào trường còn có thể học sách của anh chị mình. Bây giờ, hễ em nào vào trường là phải mua sách mới, bởi mỗi năm chương trình giáo dục học đường cứ cho sửa sách giáo khoa làm điên đảo phụ huynh của các học sinh nghèo…
Cô ấy đã ngủ.

27/5/2017

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

LUÂN HỒI

Luân-hồi là từ ngữ trong Phật học, diễn tả sự sanh và tử của mọi chủng loại, bất cứ ở đâu và sự chuyển kiếp sau khi chết đầu thai vào chủng loại nào, người hay thú, tội hay phước đều do cái nhân của mình gây mà nên quả chứ không phải Phật Trời ép buộc. Ta trồng hạt ớt nữa sanh ra cây và quả ớt, trồng hạt cam nữa sanh ra cây trái cam, hưởng ngọt hay cay là do chính ta không có liên quan đến Trời Phật mà giận trách hay khen tặng các Ngài.
Từ Điển Phật học giải thích Luân là bánh xe, Hồi là trở lại. Thuyết luân hồi là giáo lý có tầm quan trọng nhắc chừng những tội lỗi chúng sanh làm nên (nhân)phải chuyển kiếp đầu thai vào các loài thấp hèn (quả) là điều kiện tất yếu để dựng nên một xã hội công bằng và vui đẹp. Qua hình tượng biểu trưng bánh xe, cái vòng tròn định mệnh ấy cứ đi và lộn lại lẩn quẩn trong sáu đường. Đức Tôn Sư Phật Giáo Hòa Hảo có lời khuyên nhân sanh, ai khôn thì hãy tìm đường ra khỏi vòng quay luân hồi chuyển kiếp:
“Gây ra lắm nợ phong trần
Luân hồi sáu nẽo không lần bước ra”.
Trong bánh xe luân hồi thì thời gian của nó không phải là đường thẳng từ quá khứ đến tương lai vô chung mà là một vòng tròn không có đầu mối như ta thấy hình thể bánh xe. Sự chuyển kiếp, chủng loại người trở lại người hay trở lại bằng hình thú hoặc thú trở lại người… tất cả đều do cái nhân sanh ra cái quả mà chính ta đã hành động. Khi đã hành động trồng hạt ớt mà nữa sau chối bỏ hưởng cay là không thể; hành động trồng hạt cam dẩu không mơ ước được ăn ngọt thì ngọt cũng đến với mình.
Luân hồi của nhà Phật đưa ra với đồ biểu áp dụng trong sáu đường: Đường về Trời, Người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta ở chủng loại người lấy đây mà luận:
Nếu người được chuyển kiếp lên Trời (cũng gọi là cõi Tiên) sau khi bỏ xác thì người đó trước phải tu cho có nhiều phước đức, như Đức Thầy nói: “Phước nhiều Tiên cảnh lên rày”. Ngoài việc đem tiền của bố thí hoặc đem sức ra thí, sửa thân tâm cho được hiền đức, trong sạch, sau khi mạng chung cũng được thác sanh về cõi Trời để hưởng phước báu:
“Hửu phần thì cũng hửu duyên,
Sửa tâm hiền đức cõi Tiên cũng về”.
Người trở lại làm người thì trong cuộc sống người biết thương người, giúp đỡ và thiện cảm, ăn ở có đạo đức đúng theo đạo làm người. Đức Thầy có câu:
“Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh
Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người”.
Bằng như, sống với thân người mà hành động có hơi cầm thú, ác quỷ, để mất một kiếp người, theo nghiệp mà đi trả quả, khó có cơ hội sanh trở lại nhân gian.
Người chuyển kiếp thành A tu la; bình sanh họ cũng biết tu hành, gần thiện xa ác và mong sự tu đến nơi rốt ráo nhưng tánh tình còn quá nóng nảy, gặp điều trái ý nhịn không được, bản tính cống cao ngã mạng, bàn luận là muốn thắng. Tính khí nầy phần nhiều phạm vào ý nghiệp và khẩu nghiệp, đó làm nhân, nên Đức Thầy khuyên người tu “Chớ nóng nảy sân si hư việc”.
Người rơi xuống địa ngục. Địa ngục là nơi hành tội những chúng sanh khi ở dương gian làm ác, chết xuống đây để chịu xử phạt nặng nề. Đời ai cũng có ít nhiều tội lỗi, người có lập trường chuyên tu mà đôi khi hơ hỏng cũng vướng tội thì đừng nói là người không chuyên, họ phạm tội đến cỡ nào cũng không hay biết. Nhờ chuyên tu khi lỡ phạm liền biết ăn năng sám hối, làm phước thiện để bù đấp lại những chỗ mình làm lở khuyết ít ấy. Người không biết tu hành là gì, làm tội vẩy đầy chẳng chút ăn năng hối lỗi. Nếu những chuyện phạm tội mà đem kê khai một cách trung thực, tính tỷ lệ hơn năm mươi phần trăm làm ác, chết đi xuống chứ không có cửa đi lên. Bởi không tin nhân quả, sống với cách mạnh được yếu thua, chẳng hay làm phước thiện có thiện đâu bù trừ, tức thì bị quỷ xứ còng trói dẫn tới địa ngục hành hình. Đức Thầy có câu:
“Tuy lưới Trời thưa rộng thinh-thinh,
Chớ chẳng lọt những người hung-ác.
Khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác,
Quỷ vô-thường dắt xuống Diêm-Đình.
Sổ sách kia tội phước đinh-ninh,
Phạt với thưởng hai đường tỏ rõ.”
Người chết đi rơi vào đường ngạ quỷ, vì sống trên dương gian keo kiệt, bỏn xẻn. Thật ra keo kiệt bỏn xẻn là không mở hồ bao bố thí cho ai, điều nầy cũng không phải là tội. Nhưng, từ chỗ bỏn xẻn keo kiệt, quí trọng tiền bạc, của cải… thường hay lợi dụng gạt gẩm người khác làm cho mình hưởng, mướn làm công nhiều trả tiền ít hoặc đợi ai gặp hoàn cảnh khó khăn thì cho vay cắt cổ. Chừng đến ngày kỳ hẹn, con nợ không có trả phải bị chủ nợ xiết nhà xiết của hoặc bắt làm tôi tớ. Gieo nhân nầy chết thành quỷ đói với thân hình đầu bụng to tướng mà cần cổ quá nhỏ, ăn uống rất khó khăn nên thường bị đói khát. Ông Thanh Sĩ diễn tả nhân sanh Ngạ Quỷ như sau:
“Xưa có một người giàu tột bực
Nhưng trong lòng sâu mọt nhỏ nhoi,
Của mình một điếu không lòi,
Của người chút đỉnh cũng moi móc về.
Bắt tôi tớ nặng nề công việc,
Nhưng lương tiền keo kiệt không cho,
Tiền bao nhiêu cũng bỏ kho,
Ai nghèo mặc kệ không lo giúp  giùm”…
Hay là:
“Xưa kia có đại phú gia
Giàu sang hơn cả người ta trong vùng,
Đong ra chỉ có một thùng,
Lấy vào một giạ mà lòng chưa ưng.
Cho vay thì bắt thế chưng,
vốn lời trả thiếu tịch khuâng gia tài.”
Người chết đi theo nghiệp đầu thai làm súc sanh (thú vật) vì khi sống trên dương gian mang thân người nhưng hành động không có tình người, xem mạng người như súc vật, thích mạ lị, chưởi mắng, đánh đập. Hở ra là dùng bạo lực chứ không nói lý lẽ. Trong sự ăn dùng hằng ngày, giết sinh vật làm miếng ăn, ăn ít giết nhiều bày ra để có mà lựa ngon chê dở, dư là đổ bỏ lấy oai nhà giàu. Phí sinh mạng, tội chất chồng là nhân, phải làm súc sanh để trả quả.
Trên con đường luân hồi như đã nói, ngược lại địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh có thể chuyển kiếp lên ba cõi trên: Trời, người, A tu la, nếu ở cõi khổ mà hồi tâm tỉnh ngộ, bỏ ác tùng thiện hết kiếp sẽ được siêu lên.

Nói đủ ra, đạo Phật có mười đường kể có Tứ Thánh và Lục Phàm, Tứ Thánh tức bốn quả chứng Thánh: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn; Lục Phàm gồm có: Thiên, Nhân, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Lục phàm còn luân hồi, Tứ Thánh là bậc đắc đạo giải thoát khỏi vòng sanh tử nên không chịu luân hồi.
Ta thấy đó, luân hồi vì còn sanh tử, phải bị trói trăn trong sáu đường khổ, khổ ít hay nhiều do ở Tiên hay ở dưới trần gian hoặc ba nẽo thấp nhất. Mỗi khi ta thấy người sống đời sung sướng thì bảo rằng người ấy sướng như Tiên, nhưng Tiên lòng phàm chưa dứt thì cũng dễ bị đọa phàm, người hoặc thú. Muốn khỏi luân hồi, chúng sanh ở sáu nẽo, nẽo nào cũng tu nhơn tích đức, cầu vô thượng Bồ Đề hay chuyên niệm Phật cầu vãng sanh tịnh độ thì chỉ một kiếp là khỏi như Đức Thầy dạy những câu sau đây:

“Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên Niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,
Dù Tiên Phàm ma, quỷ, súc sanh,
Chứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”
Ông Thanh Sĩ cũng giải thích rằng, sanh được thân người là quí, nhưng nếu chịu đem thân đây mà tu hành cầu thoát luân hồi sanh tử sẽ cao quí hơn, nhược bằng không tu, để mất thân người, chưa biết kiếp sau sanh ra thân gì khác thì tiếc uổng một kiếp người nầy vậy:
“Một khi để kiếp qua rồi,
Muốn tìm trở lại làm người khó thay.
Làm người được lả may muôn thuở ,
Cũng nhờ do xưa có nghiệp lành,
Bây giờ nếu biết tu hành,
Tất nhiên người sẽ trở thành Phật Tiên.”
Bàn xét như trên, còn luân hồi là còn muôn ngàn thống khổ. Được thân người đẹp đẽ, quyền quí cao sang, ăn mặc bảnh bao lên xe xuống ngựa tưởng vậy là tốt mà tự hào và vui hưởng. Nhưng những điều ta cho là tốt đẹp mà nhiều người mong muốn đó, Đức Thầy cho là những thứ cám dỗ, nếu ai khôn ngoan hãy tìm cách chạy thoát sự cám dỗ đó ngay:
“Nơi cõi tạm sông sầu bể khổ,
Làn ngựa xe cám dỗ tao nhân,
Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẽo khôn lần bước ra.”
23/5/2017



Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

ANH TU PHÁP MÔN NÀO?
(LÀ CÂU HỎI CỦA MỘT KHÁCH VÃNG LAI.)
xem để vui mắt thôi không dính đến bài viết

Cách mấy ngày qua trong số khách đến thăm tôi có hai lão tướng trên thất thập cổ lai, một anh mặc bộ bà ba đen nhăn nheo, bợt màu, còn anh kia quần tây áo sơ mi trắng nhuộm màu sương gió, qua tiếp chuyện, tôi kính cả hai có nội dung đạo đức khá lắm. Một anh ở tuổi 73 và anh kia 71. Đầu tiên anh ở tuổi 71 hỏi tôi tu pháp môn nào. Nhìn dáng điệu hiền lương của anh tôi biết đây là câu hỏi để gởi gấm tâm tình, tìm điểm đồng thuận cho có sự đồng cảm thâm giao làm ấm áp buổi gặp gở những bạn già. Văn từ của câu hỏi ở độ phân hai nhưng giọng hỏi nhẹ nhàng, biểu lộ trái tim hoan hỉ và ngời sáng. Giọng hỏi không với vẻ mắc mỏ, biết là vậy nhưng tôi rất ngại trả lời, nếu tôi nói đúng sự thật là tu theo pháp môn Tịnh Độ mà hai anh lại là người tu thiền tông thì sự bàn luận chuyện trò e mất đi những cảm hứng, tươi mát.
Thường thì nhà đạo mình mặc theo truyền thống áo vãi Bà Ba trông đẹp lão nhưng anh lại mặc quần Tây áo sơ mi, khiến tôi hơi nghi gặp mấy Ông đạo phá tướng. Mình nói thật lòng, không cạnh tranh đúng sai nhưng mấy ổng mà chịu ăn thua kiểu chơi “mặc kê”, mình thua non đi cho xong chuyện. Nghĩ vậy tôi đáp chung chung:
-Thưa anh, tôi làm lành niệm Phật, niệm Phật làm lành.
- Vậy, anh tu pháp môn Tịnh độ! _ anh ta gạn kỷ
- Dà, tôi thuở nhỏ ít học, vốn hiểu biết không sâu rộng mà nghiên cứu các pháp môn khác trong Phật Giáo, cam lòng mong muốn niệm Phật nhiều nhiều.
- Ngoài lý do kể trên, Anh có thể cho chúng tôi biết hơn thế nữa, vì sao anh tu pháp môn niệm Phật không?
- Dạ Được, nhưng tôi có một yêu cầu trước khi trả lời câu hỏi của các anh, được chứ?
- Đồng ý.
- Khi tôi trả lời, dầu trái ý cũng không buồn giận.
- Sao mà lo quá đi! Tôi có điểm đồng thuận với anh, chắc không có chuyện đó xảy ra. Đừng suy nghĩ nhiều cho không khí của cuộc giao lưu nặng nề thêm.
- Tôi tu pháp môn Niệm Phật bởi hai lý do: Lý do thứ nhứt: rất đơn giản, vì tôi đã quy y đạo Phật. Đối với người tín đồ PGHH, nói quy y theo đạo Phật tức làm lễ quy y trước ngôi thờ Tam Bảo trong nhà; ngôi Tam Bảo trong đó có Phật Bảo. Là Phật tử, quy y Phật mà không niệm Phật thì dù có nói ra một tạ lý thuyết… không xứng đáng là người quy y Phật, bởi không niệm lễ kính Phật thì Phật Bảo ở đâu? Còn ai xứng đáng hơn cho mình niệm? “Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng” sao? Là niệm cái “vọng niệm chúng sanh” sao? Chỗ quy y mà không niệm còn chỗ không quy y lại niệm. Niệm như vậy là không đúng với người quy y Phật Giáo.
Nếu trần gian nầy không có đạo Phật với pho giáo lý dạy về bình đẳng thì xã hội loạn lên những tranh giành, cao thấp, nếu không có giáo lý dạy Từ, Bi, Hỉ, Xã, người ta thiếu sự thương yêu, tha thứ, ban ân bố đức thì bể đời đầy nước mắt, cảnh chết chóc kinh hoàng. Chính Đức Phật đã nói lên những giáo thuyết bình đẳng, từ bi cho ta xây dựng một cuộc sống tốt, có trí huệ, có thương yêu và sự tha thứ để chúng ta hội nhập cộng đồng dân sinh tìm những ngọt ngào trong vị đắng ở cõi đời nầy, thế không đáng cho ta niệm danh hiệu của Ngài sao?.
Người tu, đáng lẽ phải niệm Phật nhiều hơn niệm Pháp vì niệm Phật sâu xa đi vào chánh niệm, lòng mình chỉ có Phật không có bất cứ gì khác, trạng thái nhập chánh niệm là đúng mục tiêu của Tịnh Độ Tông đề ra trong khi niệm Pháp thuộc về tư duy làm con người thông thái, hiểu biết sâu sắc, nói chuyện hay ho nhưng tư duy không đưa người đến chỗ giải thoát. Tóm lại, niệm Pháp để nghiên cứu học hỏi, giữ chánh tư duy còn Niệm Phật để chiếu kiến tánh bản lai “Tự tánh Di Đà, duy tânm tịnh độ”. Niệm Phật để biết ơn Phật, đồng thời là một cách tu tìm Phật trong tâm mình. Thưa anh, tôi vì hiểu như vậy, đấy chính là lý do khiến tôi tu pháp môn Tịnh Độ.
Lý do thứ nhì: Tôi là một tín đồ PGHH, đã nguyện quy y thì phải hành y lời Đức Thầy dạy; cho dù giáo lý giải thoát chúng sanh của Ngài không riêng chỉ một pháp môn Tịnh Độ. Ngài dạy các pháp môn của tiến trình Phật Giáo, những gì gọi là thành công của đạo Phật đều được Ngài đem ra phổ hóa. Xưa đạo Phật có nhiều tông phái, theo sự nghiên cứu của tôi, ngày nay Đức Thầy dùng khế cơ nhắc nhỡ giáo lý tựu trung của ba tông phái: Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Pháp Tướng Tông; mỗi tông phái của đạo Phật đều có bộ môn giáo lý cương lĩnh, như Thiền Tông do tổ sư Bồ Đề Đạt Ma ấn chứng thiền tâm từ tổ tổ chân truyền, đến đời Ngài lập thành tông phái, Ngài nêu cao tông chỉ, giáo lý là vô tự kinh. Ngài đi từ Ấn Độ sang Trung Quốc tuyên bố với học chúng chỉ 16 chữ “ Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”. Tịnh Độ Tông căn cứ vào Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ làm giáo lý căn bản. Pháp Tướng Tông, dạy về Duy thức, lục căn: nhãn nhỉ tỉ thiệt thân ý là sáu thức. Thức thứ sáu thuộc về ý căn, thức nầy hoạt động liên tục, nếu không có thức thứ bảy mạt na thức kìm thì thức thứ tám A Lại Da sẽ là kho chứa cho nhiều chủng tử thiện ác mà ác có thể nhiều hơn.
Dạy về Thiền Tông Đức Thầy viết “Thiền định đặt làm thể” trong khi dùng pháp môn thiền định làm thức lệ tu và tu pháp môn nầy đúng cách sẽ đạt được trí huệ vẹt hết vô minh thành Phật tại thế như Đức Phật Thích Ca khi xưa vậy “… Ngoài kiếp phù-du của trần-thế, có cái gì không di không dịch vĩnh-viễn trường-tồn. Nếu ta lấy sự thiền-định mà phá tan màn u-minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả-báo luân-hồi”.
Lý thuyết là như thế, nhưng để đạt đến mục tiêu dùng thiền định đi vào Phật quả, Đức Thầy kêu gọi hành giả tu thiền định phải vào chánh định:
“Giữ tấm lòng bất động như-như,
Cho hồn-linh yên-lặng an-cư,
Thì mới được huờn-nguyên phản-bổn.”
Dạy về Tịnh Độ Tông Ngài viết:
“Tìm Cực-Lạc đây rành đường ngõ,
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu”
“Đức Di Đà Truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Lãnh lệnh lâm phàm, Ngài kêu gọi tu pháp môn Tịnh Độ:
“Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh-Độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vât,
Dù Tiên, Phàm ma quỷ, súc sanh,
Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành,
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây-Phương hồi-hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.
Còn về Pháp Tướng Tông: Ngài dạy tu làm sao sáu căn không nhiễm sáu trần:
“Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
ợn trí đạo đuổi ra khỏi xác.
Dứt được nó ấy là giải thoát,
Thì xác trần mới khỏi đọa đày”.
Nhìn qua ba tông phải của đạo Phật được Đức Thầy đặt vào giáo lý PGHH để truyền bá thì thế mạnh của tông Tịnh Độ là hơn cả. Ở cái thế ưu tiên một, vì Đức Thầy là Phật từ cõi nước Cực Lạc lâm phàm, lãnh lệnh của Đức Phật Giáo Chủ cõi Cực Lạc sang đây qua những câu:

Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”
Bởi đó, Ngài tỏ rõ thái đvà xưng danh một nhà dẫn dắt tài tình “Tìm Cực Lạc đây rành đường ngõ”. Đi theo người rành đường về Cực Lạc lại được Phật từ cõi Cực Lạc qua dắt đi, đó là lý do chính xác khiến tôi phải tu pháp môn Tịnh Độ, cầu nguyện lực của Đức Phật Di Đà vãng sanh cảnh giới Tây Phương.
Xin cám ơn sự phân tách của anh. Giờ Trời đã về chiều, chắc chúng tôi còn có duyên gặp lại anh nhiều lần nữa.
Xin cám ơn và chúc tu hành tinh tấn.
19/5/2017