Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

HỒI ỨC VỀ MỘT LỄ ĐẠO
Lễ kỷ niệm ngày khai sáng PGHH năm nay, 18 tháng 5  Bính Thân 2016, mấy cháu chụp về cho tôi một số hình cài trong thẻ nhớ, trong đó có một tấm hình khiến tôi nhớ lại một lễ xưa mà thương về dĩ vãng. Tấm hình tôi nói, trên cổ Hoa Đăng Xa có triển lãm nhắc tích Phật Thích Ca ngồi tham thiền dưới cội cây Tát Bát La (bồ đề) đắc đạo, có mấy cô Thiên Ma Ba Từng đến ỏng ẹo trước Phật, quyến rủ cho Ngài động tâm nhan sắc mất chánh định, tiêu tan thần thông để hào quang không còn xông lên mấy từng Trời cao làm cho cung điện uy nghi của cõi Trời thứ sáu chấn động như muốn xụp đổ. 
xem Phật ngồi thiền định kìa

Tạo hình thì có ý nhưng không có lý, không biết vì ban tổ chức Hoa Đăng Xa làm nét Phật sử lấy lệ hay vì huấn luyện mà những vai diễn không nghe lời? Vai diễn của mấy cô Thiên Ma Ba Từng xem cũng tạm được chứ đúng ra thì hơi “Ma Quỉ” thêm một chút nữa mới đúng sách vở, hai nữ Thiên Ma vừa đánh đàn vừa hát múa trước Phật với phục sức tróng hở, phản ảnh được nét độc đáo của bản nhà nghề. Theo sử liệu, Đức Phật ngồi thiền định dưới cộ Bồ Đề vẻ uy nghi bất động mặc cho Ma Quỉ múa men gợi lòng trần tục. Đức Phật đã nhập vào chánh định thì lòng trần tục đâu còn cho mà gợi thương gợi nhớ. Nhưng vai Phật ngồi thiền định trên Hoa Đăng Xa không phải vậy, tệ thật là tệ! Làm vẻ Phật, ít ra phải rạng rỡ nét thoát tục với bộ tịnh tọa kiết già, bàn tay chồng lên bàn hay kiểu bắt Ấn Tam Muội, đôi mắt khép bớt ngay tầm sóng mũi, đàng nầy, Phật ngồi thiền định gì mà con mắt mở trau tráu, đầu mặt láo liên, không thẳng lưng mà tay dường thể cầm cái gì… vật chất; té ra hình Ông Phật nhiễm chớ không phải thanh tịnh bất động.

Lâu lắm rồi, nó không xưa như chuyện “Ngàn lẻ một đêm”, lúc tôi còn là một em trai, sốngđời thích ca hát, bạn bè thân mến bảo tôi có giọng hát truyền cảm và mời tôi đi hát tân nhạc, cổ nhạc một số đám cưới, đám hỏi… Sau nầy vào đạo tôi không còn tập tụ hát xướng gì nữa, tôi trở thành đọc giảng viên được rất đông thính giả yêu chuộng.
Độ khoảng 1970 lễ kỷ niệm ngày khai sáng đạo, năm đó ban trị sự (BTS) và toàn thể tín đồ PGHH xã Kiến An hùng hập tổ chức lễ rất qui mô, một xã mà hai thứ hình triển lãm nổi bật là khá lắm đấy! Hoa Đăng Xa (dâng cộ đèn) Hoa Đăng Thoàn (tàu bè Thủy Lục) diễn hành cùng lúc lớp trên bờ lớp dưới sông. Bè Thủy Lục biểu diễn từ lòng rạch Ông Chưởng đến sông lớn Thánh Địa Hòa Hảo, Hoa Đăng Xa, các BTS xã ấp trong vùng tổng Định Hòa có tổ chức Hoa Đăng Xa thì cho đồng loạt giễu hành khắp Cù Lao Ông Chưởng.
Dâng cộ đèn và bè thủy lục hoạt động lúc trời đêm thì sắc màu lộng lẫy. Bè thủy lục ở các tỉnh quận xa phải tốn nhiều ngày mới đến được Thánh Địa giễu hành trên một khúc sông rộng và dài từ xã Phú An đến xuống hết đuôi cồn Doi Nàng Éc. Suốt khúc sông dài rộng ấy, đêm về dân chúng của hai bên bờ sông tủa ra xem nó như một rừng đèn xanh đỏ tím vàng di động, khi thì phẳng lặng khi thì gục gặt lắc lư, lô nhô những điển xẹt pháo, những trái Si Nhô bung dù trên không sáng ánh. Lúc Trời không sóng gió những chiếc xuồng cui, xuồng Tam Bản, ghe cà dom nho nhỏ, có chiếc chèo tay có chiếc gắn máy đuôi tôm chạy vọt ra quan sát từng chiếc khắp vùng có tàu bè thủy lục hoạt động. Trong rừng đèn ấy người ta thấy vui mắt với những tranh hình triển lãm rất nhiều sự tích: Sự tích Thầy trò Trần Huyền Trang (Tam Tạng) đi thỉnh Kinh, sự tích Phật Thích Ca thành đạo, sự tích Phật nhập Niết Bàn, sự tích Bà Hoàng Hậu Ma Da trổ sanh thái tử Sĩ Đạt Ta ở vườn Lộc Uyển và rất nhiều rất nhiều những tranh ảnh nghệ thuật mang tính truyền bá giáo lý PGHH; những câu trong Sám Giảng Thi Văn giáo lý có tượng hình thì được đem dùng, ví dụ: “Biết làm sao lên lưng Bạch Hạc, Bay cả Trời tỏ ý từ bi” hay là “Cây Ngô Đồng hứng vẻ đượm sương, cho chim Phụng mặc tình xòe múa”, hoặc là “Năm Mèo kỷ mão rõ ràng, khắp trong trần hạ nhộn nhàng xiết chi” và “Thuyền Bát Nhã tay cầm tay lái, Quyết đưa người khỏi bến sông mê”… thì người ta khéo tay vẽ hay thúc hình cây Ngô Đồng, Con Bạch Hạc, con Mèo, Thuyền Bát Nhã thật là đẹp lộng lẫy.
Tổ Đình và An Hòa Tự là vùng trung tâm, Hồi nầy gọi là Thánh Địa Hòa Hảo, có vào thủ tục hành chánh nhưng không mang tên xã ví dụ như xã Hưng Nhơn, xã Phú An,… thay vì xã Hòa Hảo thì là Thánh Địa Hòa Hảo.
Cũng có những chiếc bè thủy lục hoạt động lưa thưa ngoài khu vực nhạy cảm cho bà con các địa phương không đến được Thánh Địa Hòa Hảo ghi nhận trong lòng một lễ đạo rạng rỡ kỳ tích.
Thánh Địa Hòa Hảo từ nhánh Sông Tiền, chảy cua qua sông Vàm Nao hòa vào Sông Hậu, rộng vậy mà tới mùa lễ đạo lại hẹp té ra. Bà con những tỉnh vùng xa đi ghe tàu đến dự lễ đậu lớp lớp và nối đuôi nhau cả chục chiếc bung xa ngoài sông rộng. Những chiếc ghe tàu đến sau đâu được đậu gần bờ cho lên xuống dễ dàng. Muốn lên bờ xem lễ phải đi chuyền trên những chiếc ghe tàu đậu trước, chẳng chủ ghe tàu nào khó dễ về việc người ta đi chuyền trên ghe mình, có muôi thì đi trên muôi, gặp những chiếc ghe treo cà rèm bằng lá lợp nhà hay bằng vải mềm nhủng hoặc phủ một tấm platic đâu đi trên đó được, phải chun lòn dưới lòng ghe khỏi cần hỏi chủ, đồ đạc của ai kệ ai có người ở giữ ghe hay không mình đi thì cứ đi. Không có chuyện tham lam trộm cắp, nghĩ người vì mộ đạo mà vượt đường xa tới đây, muốn có việc làm phước thiện để chứng tỏ tấm lòng với Thầy Tổ ai nỡ nào làm chuyện ác nhơn mất đức. Với lại hồi đó, thời đệ nhị Cộng Hòa các tôn giáo hoạt động có tư cách pháp nhân thật sự, chánh quyền và quân đội, cảnh sát, những người thuộc tín đồ PGHH được nghĩ phép, về dự lễ họ tự thấy có trách nhiệm giữ an ninh, quyết liệt với tội phạm giựt giọc và không can thiệp vào những sinh hoạt tôn giáo, nên tình hình an ninh rất tốt mà lễ tôn giáo thì chánh quyền chẳng ai đến làm động làm rầy. Những người trong hàng ngũ quân nhân cảnh sát được về nghỉ phép, họ đến dự lễ còn giúp cho lễ tưng bừng thêm tưng bừng, lộng lẫy thêm lộng lẫy, họ mang từ tiền tuyến về những trái Si Nhô (trái sáng tay) dộng xuống đất hay đầu gối kêu cái xẹt là thót lên cao tủa ra ánh sáng có dù che, bốn chữ Phật Giáo Hòa Hảo rành rạnh trên không, trông rất đẹp và kỳ diệu biết bao!
Trở lại vấn đề, trong hai hướng sinh hoạt những ngày đại lễ của ban tổ chức, tôi chọn đi theo đoàn Hoa Đăng xa, dâng cộ đèn phóng thanh Sám Giảng. Trên chiếc Hoa Đăng Xa của tôi đi có triển lãm hình sự tích Bồ Tát Tất Đạt Đa lâm phàm tay chỉ thiên tay chỉ địa mà rằng “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Ngồi trên xe cộ đèn ngó phớt qua hình tượng, tôi đinh ninh là hình giả do nghệ nhân khéo tay gói ghém mà linh động giống thiệt. Lúc nầy khoảng mười giờ đêm bổng trên vuông hình tay chỉ thiên tay chỉ địa bật lên tiếng nói của một bé gái: Con mắc đái lắm! Tôi giật mình chới với tưởng như bức tượng gổ nói được tiếng người. Ba mẹ của bé gái đều có đi trên xe dâng cộ đèn kề miệng vào tai bé nói nhỏ với cháu vì vì tôi không nghe. Nếu tôi nhớ không lầm xe tới kinh cầu mươn Ấp Sử, mé kinh tương đối vắng vẻ, cha của bé mở dây buột tay chỉ thiên tay chỉ địa ẳm cháu xuống cho đi tiểu tôi mới nhìn rõ cháu chỉ chừng bốn hay năm tuổi mà thôi, cháu có gương mặt sáng và hiện nét hiền, dễ dạy, dễ thương. Tiểu xong, ba mẹ cháu vận động xoa bóp tay chân cho cháu đũ thông thả rồi đưa lên xe buột dây diễn hành tiếp.
Đứa bé gái năm xưa có sự huấn luyện của cha mẹ nên đống vai diễn thật tốt, tôi ở trên xe mà còn lầm tưởng hình giả ai dè là thiệt, hình không day qua ngó lại, đóng vai Phật lâm phàm tay chỉ thiên tay chỉ địa y hệt. Nếu không diễn thì thôi bằng diễn thì diễn cho tới để khán giả nhìn hình triển lãm gợi cảm đúng như Phật Sử mà đánh thức đầu ốc những kẻ làm ma phá đạo và nhà tu hành thì phải chuẩn mực, nghiêm trang, tịnh tọa thì thẳng lưng, mắt khép một nửa, bất động trước những thứ cám dỗ, nhứt là cám dỗ về sắc dục.
Dầu viễn không đúng trong Phật sử, nhưng được chọn đóng vai Phật là có phước lớn. Tôi xin chân thành cám ơn ban tổ chức Hoa Đăng Xa có triển lãm hình Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề đã gợi nhớ cho tôi một ít hương vị mùa lễ xa xưa.
29/6/2016



Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

BÀN VỀ TU VÀ CHẾT
 “Phải rán tu đặng mà chết, chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu.”
Lời của Đức Thầy
Kính chào quý vị! Hôm nay chúng ta bàn đề tài TU VÀ CHẾT nhá!

Phần đồng người cho rằng tu để thoát ra khỏi vòng sống chết như Đức Thầy có câu “Tử thần kia đâu dám dắt hồn, thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử”, nhưng bài có tựa là “Tư Tưởng” Ngài dạy dường thể khác hơn “Phải rán tu đặng mà chết, chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu” nói câu không hứa hẹn gì về đắc đạo, vãng sanh mà ai tu cũng mong đợi. Sự bất nhứt nầy nghĩa là sao?
Một vị nào đó nói rất đúng “Tu nhơn tích đức già đời cũng chết, hung ác bạo tàn tới số cũng không còn”. Có tu hay không tu đều chết bởi vì người có tu hay không tu đều mang thân tứ đại như nhau, có sanh có tử là tự nhiên. Sanh là gốc, tử là ngọn; nếu không có gốc cây sẽ không có ngọn cây. Thân ta đây là thân sanh mượn của: Đất, Nước, Lửa, Khí hiệp thành, không tu để tìm thân Kim Cang bất hoại hoặc Liên Hoa hóa thân hết kiếp chết đi sẽ theo những thiện ác ta làm mà đầu thai thọ thân khác cũng của Đất, Nước, Lửa, Khí rồi tới thời hạn cũng chết nữa, chết nữa ... Người tu hành đúng lời Phật dạy đến đắc đạo hay vãng sanh Cực Lạc, nếu cần dùng thần thông trụ thế lâu để độ chúng có lúc cũng phải bỏ xác thì chỉ một lần tử nầy thôi sẽ không còn chịu khổ tử thêm lần nào nữa đâu. Đức Thầy có câu:
“ Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
Thân mượn thì tới hạn kỳ phải trả; trả đây để vãng sanh Tây Phương hay trả để đi theo bánh xe luân hồi thêm một kiếp khổ khác? Điều nầy do người có tu hay không tu, hoặc tu ít tu nhiều; tu hết mình hay tu cái kiểu cà lơ phất phơ cho vô phong trào chứ không nặng lòng về việc trau tâm sửa tánh, Phật Tánh hay Ma tánh. Đức Thầy viết bài đề là “Thay lời tựa” ta thường gọi là bài Sứ Mạng của Đức Thầy có đoạn:
“ Trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm, lòng mê si đã diệt, sự dị kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt. Những tiền kiếp dầu sống cũng là dân quan đất Việt, dầu thác cũng quỉ thần đất Việt chớ bao lìa. Những kiếp gần đây, may mắn gặp minh sư cơ truyền Phật Pháp, gội nhuần ân Đức Phật, lòng đà quảng đại từ bi”.
Cứ như đoạn trích dẫn trên Đức Thầy đã tự sự nhiều kiếp lên lên xuống dưới chốn hồng trần, có khi làm dân quan đất Việt có khi làm quỉ thần đất Việt, những kiếp gần đây may mắn gặp được minh sư cơ truyền diệu pháp mà tu hành đến chốn “Lòng mê si đã diệt, sự dị kỷ đã tan” và tận hưởng “muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần để chịu cảnh chê khen?”
Đức Thầy đã “thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử, kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”. Thân hiện tại của Ngài con của Đức Ông Đức Bà chỉ là mượn xác, như những câu Ngài nói:
“Từ ngày mượn xác trần hồng đáo lai”
“xuống mượn xác từ năm Kỷ Mão”
“Hòa thôn hảo cảnh xứ chi ta”.
Xứ của Ngài là Vô Trụ Xứ Niết Bàn, là xứ cùng mười phương chư Phật như chính Ngài thố lộ “ Sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần đặng chịu cảnh chê khen?” đã chứng minh được điều xuống trần mượn xác là đúng. Chúng ta nên phân biệt giữa mượn xác và mượn thân tứ đại. Mượn của tứ đại là đi đầu thai trong vòng nghiệp quả, định luật của nhân gây ra quả, hễ con người gieo nhân xấu tất nhiên hưởng quả xấu, không muốn những sản phẩm của mình làm cũng không được. Còn mượn xác thì khác hơn và người mượn xác không bị chi phối bởi định luật nhân quả, họ có quyền lựa chọn xác nào và không bị khổ trong xác đó. Đức Thầy có câu:
“ Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê,
Chí toan gieo giống bồ đề,
Kiếm người lương thiện rước về Tây Phương”
Người mà “tâm lìa cõi mê” chẳng những được quyền lựa xác để mượn mà còn có quyền “Kiếm người lương thiện rước về Tây Phương” nữa. Khi hiện thân trên đời, khổ đau lớn nhứt của con người là dục vọng, sự ham muốn không ngừng. Ham muốn làm cho ta khổ tâm, lao đầu vào công việc để tiếp ứng cho những ham muốn là khổ xác. Chẳng thế, vì lao đầu vào vào công việc do dục vọng xai khiến thì hoàn toàn là những điều dẫn tới tội lỗi làm nguyên nhân cho sự luân chuyển báo đền qua kiếp khác, trùng trùng sự khổ nối tiếp, bao vây.

Giờ chúng ta trở lại phần đầu câu chuyện nhá! “Phải rán tu đặng mà chết, chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu”, quý vị sanh nghi “Phải rán tu đặng mà chết” chứ gì? Sao không tu để được đắc đạo, vãng sanh, tu để chết mà còn kêu “rán” nữa chứ?
Tôi xin hỏi quý vị nhá! có người nào vãng sanh Tây Phương mà đem nguyên cái xác dơ bẩn hôi thúi nầy theo luôn bên ấy không? Không có chứ gì? Phải chết bỏ xác mới về Cực Lạc được. Vậy nên câu khuyên thúc của Đức Thầy tôi vừa nêu trên là quá đúng đi chứ! Kiếp sống con người định luật đã ghi lên bảng tuổi thọ của ta rồi, ta không biết ta thọ được bao lâu mà trước mắt ta có vô số người chết trong đó có người chết già, có người còn rất trẻ; có người sanh ra vài tuổi thì chết, có người chết trong bào thai, có người sanh ra một chút rồi chết. Thế là cái chết diễn ra phức tạp, vô chừng đổi, định luật đã ghi lên bảng ta sống tới ngày tháng năm đó thôi nhưng ta không hay cứ tuông tiền ra tìm thầy hay dược giỏi tốn tiền cho đã rồi cũng chết theo số. Có người dời được tuổi thọ nhưng rất ít, như câu chuyện trong cửa thiền môn: một chơn tăng theo Thầy học đạo, tu niệm siêng năng, vị Thầy biết người đệ tử thọ mạng ngắn ngủi, cho về nhà làm hiếu sự với cha mẹ; trên đường về, chỉ vì cứu sống nguyên đàn kiếng cộng với tâm từ bi của Ông, chỉ còn tâm từ bi theo Ông làm việc cứu sống đàn Kiếng, không có tâm sợ chết và không suy nghĩ việc làm thánh thiện là tăng tuổi thọ, giành lại sự sống. Tất cả về sự chết là không, tất cả về sự ân ích là không, chính việc làm không trụ tâm sanh vô vàn công Đức mà tăng tuổi thọ, đến Thầy Ông còn phải giật mình khi thấy Ông trở lại Phật Đường.
Nhưng trong cái chết có sự giành lại sự sống còn sẽ bị rắc rối cho việc đầu thai kiếp tới, đừng nói là Phật cứu vãng sanh Tịnh Độ vì chính bản thân người giành lại sự sống trong lúc nên bỏ đi, chứng tỏ họ yêu mến cõi trần hơn cõi Tây Phương Tịnh Độ. Yêu trần chết trở lại trần là lẽ tất nhiên. Vì biết chúng sanh không hiểu được thọ mạng của mình sống bao lâu nên Đức Thầy khuyên rán tu cho kịp trước khi tử thần đến nhắm mắt là vãng sanh Tịnh Độ. Chu đáo như vậy cho người quyết một kiếp tu, chuẩn bị hành đạo xong, trước khi chết là hội đủ điều kiện vãng sanh, tâm tâm nối liền chánh niệm, chết, liền thay đổi tấm thân phàm tục thành thân Liên Hoa, hay Kim Cang bất hoại.
Có người hay khoe rằng mình thường niệm Phật và thường giữ chánh niệm. Vậy là hay quá rồi còn gì! thế nhưng bệnh sắp chết thì rất là sợ chết, không đành với số mạng ngắn ngủi, lòng hoảng loạn lên là sao? Người thường niệm Phật và thường giữ chánh niệm, chết là vãng sanh Tịnh Độ, sợ chết là sợ vãng sanh sao? Nói thường giữ chánh niệm mà ỷ hay, xao lảng tâm một chút thì chánh niệm bị mất, sắp chết là lúc cần chánh niệm hơn bao giờ hết thì chánh niệm đi đâu biệt tích, vọng niệm tràn vào làm chủ tình hình ham sống hơn là ham vãng sanh. Đây là điều mâu thuẫn mà chính hành giả tạo ra, một là tham đời hai là không tin mình sẽ được vãng sanh. Tham đời đến độ ghiền nhiễm nặng, sắp chết tới nơi cũng còn ghiền là trong tâm không có Phật. Còn về việc không tin mình, người đời mỗi khi thấy người ta khoe khoan mình hay giỏi, để trị cái bệnh hay múa máy họ nói “Cạn đìa mới biết Lóc Trê, còn ăn móng biết đâu Rô Sặc”. Cá Rô Cá Sặc người ta gọi là cá bổi, nó hay lên ngớp, ăn móng lủm chủm ghẹo lòng người ham, cái thứ bán không nhiều tiền, quan trọng là cá Lóc cá Trê mà công kỷ tác đến cạn đìa thấy không có mấy con là lổ nặng. Tu tới hồi kết cuộc ví như tác nước đến “cạn đìa”, chính sự không tin mình là điều tai hại nhất đối với người Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, tự biết khả năng tu của mình chưa đạt, nói trước chỉ là khoe tuồng giả thôi. “Chết đến mà chẳng có tu” thì quý vị thừa biết chết đây để đi về đâu rồi. Đức Thầy dạy đạo, điểm chính là con người ở thế gian phải được “mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc”. Ngài ước mong:
“Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
Đồng bay về Cực Lạc một đàng.
Thì thân Thầy hết phải gian nan,
Đâu có chịu mang câu nhạo báng”.
Tóm lại: Câu “phải rán tu đặng mà chết” không có nghĩa chết là hết để mình tiếc uổng công tu hành. Uổng là không tu hay ít tu làm mất một kiếp người khó được, Phật Pháp khó nghe trong khi kiếp người khó được mình đã được, Phật Pháp khó nghe mà mình được nghe, quí hóa vô cùng. Người chết có tu đúng chuẩn là chết được vãng sanh về An Lạc Quốc. Những người ỷ mình là đạo lâu năm mà tu cứ bị vọng niệm nó “ngắt khúc” cho mất chánh niệm, lại nhằm lúc tử thần đến réo đi thì nguy to lổ nặng một kiếp người. Không ai biết mình chừng nào chết thì rán tu cho kịp trước tử thần đến để “ Tử thần kia đâu dám dắt hồn”. Nếu không rán tu tức tu cầm chừng, vọng niệm xen vào, tu lúc có lúc không là không kịp, chừng “chết đến mà chẳng có tu” phải đầu thai kiếp khác, tiếp nối sự sống khổ của thân thể khác, chưa biết thân người hay thân thú vật.
26/6/2016



Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016


TÂM TƯ GẦN ĐẾN NGÀY ĐẠI LỄ
bàn nhắc nhớ về ngày đại lễ

Gần đến ngày đại lễ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo là mừng đạo thêm tuổi, người đạo thêm tuổi đạo, nhưng tôi cũng cảm nghe lòng lo sợ chuyện không may xảy ra như những năm về trước. Một số đông đồng đạo vì muốn cúng lễ theo truyền thống thì phía nhà nước bảo rằng làm như vậy là chống đối họ, lập tức cho công an đến bao vây, giải tán đám cúng và họ vẫn có quyền nói tự do tôn giáo là vậy. Phía tín đồ bảo vệ truyền thống không đồng ý sự can thiệp quá sâu vào PGHH quyết giữ lập trường của mình thì phía nhà nước ra tay trấn áp đánh đập, bắt đi tù.
Từ sau 30/4/1975 tín đồ bảo vệ lễ cúng truyền thống vẫn làm như cha chú anh mình từ nguyên thỉ đã bị quyền lực của cái gọi là giải phóng đất nước đàn áp dữ dội, lớp bị đánh lớp bị vào tù và cũng có những vị vì thấy mất tự do tôn giáo thà chết còn hơn điển hình như bà Nguyễn thị Thu, Ông Trần văn Út đã nguyện đem thân làm đuốc dẫn đường cho người sống. Đúng là có dẫn đường thật nên trải nhiều năm qua lớp đi tù, lớp chết mà mãi mãi vẫn còn tín đồ tiếp tục thực hiện hành lễ tôn giáo theo truyền thống. Nếu cứ thế nầy mãi thì tội ác càng lúc càng nhiều, khó có thể hóa giải và tín đồ cho dù có bị hành ác cỡ nào thì tôn giáo PGHH không thể bị diệt được.
Nhưng đau đớn cho tình đồng bào chủng tộc, huynh đệ một nhà mà người ta đâu có tranh giành quyền lực, không có ý định giành ngôi, người anh em nầy chỉ đòi hỏi quyền tự do tôn giáo của người ta thôi mà đối sử khó khăn với người ta chi vậy??? Sự đòi hỏi của người tín đồ không phải với yêu sách nhà nước cho cái nầy cái nọ mà hãy trả lại những vì thuộc về PGHH đã có trước năm 1975 mà nhà nước đã tịch thu. Hãy để sức mạnh đó bảo vệ giang san xả tắc khi giặc ngoại xâm lấn bờ cõi. Trong PGHH, thành phần đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tôi đoan chắc không người nào có tham vọng lên chánh quyền và nếu có rơi rớt chỉ một vài người lộn vào mượn đạo tạo đời, khi biết ra cũng không ai trong tín đồ ủng hộ. Đức Thầy có câu:
“Đừng ham làm chức nắc nia
Ngày sau như khóa không chì dân ôi!”
Để hỏi thử, ống “khóa không chìa” còn dùng vào đâu được mà sợ? Đức Thầy tỏ rõ thái độ vì đời vì đạo của Ngài để Ông thi sĩ Việt Châu biết Ngài ra giáo đạo độ đời không phải chờ có ngày thụ hưởng:
“ Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha;
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô.”
khách ghé thăm

Đức Thầy tỏ rõ tâm tình của đấng giác ngộ, dùng đạo cứu đời, trong khi quốc gia hữu sự cần phải “Chùa am bế cửa” để tham chánh, chừng nào nợ nước thù nhà đã được giải quyết thì trở lại cửa thiền. Những câu dẫn trên không có ý dạy ai nhưng tín đồ nhận biết tấm gương của Đức Thầy là ánh đuốc soi đường, phải đi theo ánh đuốc và như thế sự tham vọng về quyền chức quốc gia của những đồng đạo biến thái nầy sẽ không đi tới đâu; nhà nước đừng quá lo sợ sanh ra đề cao cảnh giác không nhằm, làm mất đi sự tương thân tương ái của nẽo đạo đường đời. Nợ nước thù nhà không phải nhắm vào đồng bào trong nước mà là kẻ ngoại nhân thống trị. Như chúng ta biết Đức Thầy tham chánh trong thời kỳ Pháp thuộc, Ngài cùng với các tổ chức ái quốc yêu dân kết thành mặt trận chống đoàn quân dị chủng. Lúc quân đội Nhựt đảo chánh Pháp, những tên Việt gian, bè lũ bán nước buôn dân hết còn sự che chỡ của mẩu quốc tất nhiên sẽ bị trả quả Đức Thầy còn ra lệnh không nên trả thù họ và Ngài viết bài “Lời riêng cho bổn đạo” từ Sài Gòn gởi về như sau:
không khí lễ tưng bừng

“ Tôi ở Sàigòn khi cuộc đảo chánh xảy ra, vẫn đoán biết sẽ có vài chuyện chẳng hay trong quần chúng, lập tức gởi thơ về khuyên giải mọi người, nhưng vì đường giao thông bất tiện mà thơ ấy đến rất chậm trễ, tôi lấy làm chẳng vui mà thấy một vài người trong đạo và ngoài đời nhận lấy cái danh từ của tôi mà làm một ít cử chỉ trả thù không có xứng đáng với tấm lòng đạo đức từ bi; trước kia chúng nó hà khắc ta, chúng nó đành; ngày nay ta hà khắc lại, sao đành. Vì lòng chúng nó đầy sự hung tàn, còn lòng ta lại đầy nhân ái !
Nên kể từ nay kẻ nào trong đạo còn làm điều gì không có mạng lịnh sẽ bị loại ra khỏi đạo và giao nhà đương cuộc xử một cách gắt gao.”
Trích chứng minh bao nhiêu đó cũng đũ biết người tín đồ PGHH không có mộng tranh bá đồ vương, không ham quyền chức, và không trả thù trả oán với người đồng bào chủng tộc. Xin ai đó đừng nghi ngờ mà suy bụng ta ra bụng người làm cho tình đồng bào càng thêm rời rạc, xã hội rối beng, nhân tâm phân tán.
Phà đưa đêm lễ

Kính thưa chư đồng đạo! Tôi lo sợ chuyện vậy, nên trong những ngày nầy huynh đệ đến chơi tôi khuyên rán mà cầu nguyện cho kỳ lễ năm nay, bà con đi dự lễ hay cúng lễ tại nhà đều được diễn ra suôn sẻ. Nguyện cầu Đức Thầy sớm trở lại dìu dắt tín đồ vượt qua thách thức của thời kỳ pháp nạn và thực hiện câu:“Một tay tá quốc an bang, Nước nhà vững đặt hớn đàng hiển vinh”để tín đồ tu hành đi đến:
“Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật,
Bụi hồng trần rứt sạch cửa không.
Chuông linh ngân tiếng đại đồng,
Ta Bà thế giới sắc không một màu”.
Đã qua ngày chánh cúng đại lễ, chưa nghe tin nơi nào, nhứt là những nơi được quan tâm là nhạy cảm …, không khí lễ đỡ ngột hơn những năm về trước. Tôi rất là mừng.
Sáng 19/5 – 23/6/ 2016





Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

NGUYỆN CẦU TRONG ĐÊM TRĂNG
Đêm nay rằm tháng 5 Bính Thân 2016, chỉ còn không đầy ba hôm nữa đến ngày Đại Lễ Khai Sáng Đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO lần thứ 78 (Tôi dùng theo lịch ta, sanh ra kể một). Bên án thư nghèo nhìn qua song cửa ánh trăm rằm rãi sáng mạ vàng làm tôi thích nôn. Buông viết ra sân. Mới đây mà trăng không phát sáng như lúc tôi ngồi bên án thư nhìn ra, làm tôi chợt nhớ lời Thầy:
“ Trăng còn khi tỏ khi lu,
Cho nên phận lão viễn du đổi dời”.
Tôi tự nghĩ như vầy còn lâu lắm Đức Thầy mới trở sao? Thì bầu Trời mây bay qua trăng sáng lại. Trăng rằm nầy theo tôi, nó không giống như những trăng rằm khác, trăng nay mang màu lễ đạo, có biểu cảm giáo lý thượng thừa, tôi chợt nghĩ Đức Thầy cũng như trăng trên cao kia ban phát ánh sáng cho trần gian, hàng triệu tín đồ: “đặng soi khắp cả dương trần, cho người trong tối đặng lằn điển quang”. Quá cảm xúc, tôi nhìn lên trăng mà nguyện vái với Đức Thầy:
Bạch Đức Thầy! Trước lúc xa vắng tín đồ, Thầy có hứa “ít lâu ta cũng trở về, khuyên cùng bổn đạo chớ hề lảng xao”. Tính từ năm 1947 đến nay 2016 đã bảy mươi năm, người người trông đợi, từng lớp cụ già không thể kéo dài tuổi thọ đợi đón rước Thầy về, họ cởi bỏ huyễn thân mà đi… Con cúi xin Đức Thầy sớm trở lại.
Kính Bạch Đức Thầy! Ngài nói “Thêm thời nầy thế kỷ hai mươi, cố xô sệp Thần (thánh) quyền cho hết. Hiện nay là thế kỷ 21, sự xô sệp Thần quyền còn bạo tợn hơn hồi ở thế kỷ trước. Tín đồ các tôn giáo nói chung, riêng PGHH bị nạn tai dồn dập bởi phái vô thần không tin Trời Phật chẳng kể luật nhân quả nghiêm minh. Con cúi xin Đức Thầy sớm trở lại dìu dắt chúng sanh thoát khỏi bàn tay của nòi giống phá đạo hại đời.
Kính Bạch Đức Thầy! Như Ngài nói:
“Sau nhằm buổi phong trào tân tấn
Đua chen theo vật chất văn minh
Nên ít người khảo xét kệ kinh
Được dắt chúng hửu tình thoát khổ”.
Nay phần đua chen vật chất văn minh rất là nhiều, chẳng biết có đến kỳ chữ “SAU” của Ngài nói hay chưa mà văn minh vật chất quá rộn rịp? Nó không chỉ rộn rịp ở chợ đời mà ngay trong cửa đạo, thậm chí người có tu hành lâu năm rất dày công khổ hạnh lạc đạo an bần cũng ứng lên đòi mua sắm cái nầy cái nọ, ăn xài xa xí. Hồi chưa sắm thì ghiền kiếm tiền, sắm được rồi thì ghiền của. Bị hai cái ghiền nó thúc còn giờ đâu mà khảo xét kệ Kinh? còn giờ đâu cho dắt chúng hữu tình thoát khổ? Cúi nguyện Đức Thầy dùng huyền diệu độ cho người tu ghiền đời thức tỉnh, không còn ám ảnh bởi vật chất, gội rửa tục trần, lấy lại niềm tin Phật, khảo xét kệ kinh mà tu đến rốt ráo.
Kính bạch Đức Thầy! Một số đồng đạo của con sau này, PGHH rõ nét từ ý thức hệ của Ông Cha nhưng họ làm khôn tập tành lai giống, ví dụ như người chết “tử thì táng”; Đức Thầy cũng đã dùng kiểu mẩu đi đưa đám tang Ông Năm Hiệu, đâu có vụ hoàn để lại niệm Phật tám tiếng đồng hồ mà giờ đây một số không ít tín đồ đã tổ chức như thế. Nếu có ai thắc mắc nói: Đức Thầy không có dạy điều nầy bạn đạo dựa vào đâu hành sự như thế? Họ trả lời là học ở chư tổ chư sư. Con nghĩ, quy y PGHH là phải thực hành theo lời dạy của Đức Thầy trước hết sau đó lồng vào chư tổ chư sư nếu như phù hợp tính căn bản giáo lý, cớ đâu có chuyện quy y với Ông nầy mà làm giống Ông khác? Cầu nguyện, hộ niệm Phật Di Đà cho bệnh nhân hành giả là muốn cho người nầy vững vàng tâm trí đầy đủ niềm tin được Phật rước sang Tịnh Độ. Con tin Đức Thầy nói không sai:
“Tìm Cực Lạc đầy rành đường ngõ”
Và:
“Đức Di Đà truyền mở đạo lành
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”
Một người rành đường về Cực Lạc, lại có sắc lệnh của Đức Phật A Di Đà sai đi công tác độ chúng mà không tin, rất uổng... Người ngoài đạo không tin Đức Thầy rành đường về Phật Quốc chẳng tiếc làm chi, kẻ ăn nằm trong đạo mà lại không tin mới là hại lớn cho PGHH. Con tin Đức Thầy có cách “Nhiệm mầu phổ độ âm thầm ai hay” như Ngài đã nói, cúi nguyện Đức Ngài dùng huyền nhiệm âm thầm độ họ.
Kính bạch Đức Thầy! Hiện nay trong vùng ảnh hưởng PGHH, việc hộ niệm cho người trước lúc lâm chung và sau khi lâm chung đã trở thành phong trào ăn sâu vào lòng quần chúng, con rất mừng nhưng bên cạnh sự việc cũng có chút lai căn, ví dụ lời Thầy dạy “ CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT” là nguyện ở bàn Phật đặt giữa nhà đọc bài … “Nhờ ơn Đức Phật từ bi cứu độ vong linh được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền Cực Lạc”. Ngoài bàn Phật đặt giữa nhà thì Đức Thầy dạy cách khác hơn “Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chắp tay niệm “ NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI TAM THẬP LỤC VẠN ỨC, NHỨT THẬP NHỨT VẠN CỮU THIÊN NGŨ BÁ ĐỒNG DANH ĐỒNG HIỆU ĐẠI TỪ ĐẠI BI TIẾP DẪN VONG LINH A DI ĐÀ PHẬT”. Nhưng có một số đồng đạo hành động theo kiểu “đón gió” bệnh nhân chưa chết thì đã đọc bài Tây Phương Tiếp Dẫn, còn sau khi chết họ lại làm ngược ngạo, thay vì đọc bài tiếp dẫn vong linh thì họ lại niệm lục tự Di Đà, cũng là học theo sách vở của người khác. Đức Thầy bảo “Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta” hoặc “Rán nghe lời dạy của Thầy, để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra”. Cúi nguyện Đức Thầy từ bi phóng quang thức tỉnh tín đồ nhẹ dạ cả tin trở lại “làm theo lời chỉ” của Ngài.
Kính bạch Đức Thầy! Ngài dạy đạo nhắm vào tại gia cư sĩ Học Phật tu nhân, không có chủ trương cất chùa ngoài nhà, mỗi nhà có ngôi Tam bảo thì mỗi nhà là mỗi ngôi chùa nhỏ, gần gủi nhất, muốn sám hối ăn năng thì khỏi phải tìm đâu xa, đốt hương đèn lên ngôi Tam Bảo nguyện vái hành trì không thua người đi tìm Phật ở chùa ngoài nhà. Nhưng gần đây trong đạo, người ta trương ra cất chùa, đằng nầy cất được đằng kia thấy vậy quyên tiền cất theo. Chùa nào cũng to tốn tiền sắm đất cất chùa lên đến hằng năm, mười tỷ đồng. Dân xứ miền Tầy giờ còn nhiều nhà nghèo lắm, vách dừng tróng lỏng cột chỏi ngả xiên mà gia chủ của nó mầng chạy gạo ăn hằng bửa tiền đâu dư cất mới căn nhà. Những người nghèo bất hạnh lại gặp lúc đau ốm thê lương, không có tiền đến bệnh viện chỉ cần một mươi hai mươi triệu là cứu được mạng người nhưng trong nhà hết cách, mong có ơn trên nào ghé mắt động lòng, nhưng người ta vô tình không cứu để dùng tiền vào việc cất chùa. Đức Thầy có dạy mà họ không nghe lời:
“ Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi,
Hãy giúp cho kẻ khó mới nhằm.
Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm,
Còn hơn đúc chuông đồng Phật Bự”.
Và:
“muốn cho dân hiểu đạo mầu,
Chớ đâu có muốn chùa lầu cho cao”.
Kính nguyện Đức Thầy dùng huyền diệu thức tỉnh những tín đồ đặng thời đặng thế phô trương cất chùa, hãy dùng đồng tiền quyên góp giúp đỡ cho những người lở đường đói rách tàn tật, những người nghèo khổ bơ vơ. Cúi xin Đức Thầy chứng minh.

vầng trăng tròn trịa hết mấy lần khi tỏ khi lu, ngoài Trời đầy sương, đã lạnh còn gặp gió, ước chừng ngồi một chút nữa là rét căm. Không chịu nổi tôi trở vào án thư mà suy nghĩ đến chuyện quý đồng đạo quyên tiền cất chùa nói là nhằm tuyên dương giáo Pháp PGHH. Hồi đó các Ông, cha, bác, chú đâu có cất chùa mà cũng tuyên dương giáo Pháp mạnh mẽ hơn giờ. Trong khi người ta đói đến quờ quạng mà còn lại nói pháp khiển trách, tại kiếp trước không tu vô duyên với Phật nên kiếp nầy nghèo khổ. Than Ôi! Giữa lúc cơn đói hoành hành người ta cần ăn no hơn là cần nghe pháp, cho ăn no là thể hiện tấm lòng thương người với họ, cái cảnh nhà dột cột xiêu, Phật Trời trên cao nhìn xuống còn động lòng thương hại, ai ra giúp đỡ họ là làm vừa lòng Trời Phật và đó cũng là cách truyền bá giáo lý hữu hiệu, là bài nói Pháp tuyệt vời về nẽo đạo từ bi. Đừng có lợi dụng đang lúc người ta đói, đem Phật pháp lại nhồi nhét, khó mà vô được, tôi nghĩ làm như lời dạy của Đức Thầy là chắc ăn hơn:
“ Giúp người đó khó nhu mì,
Dạy nó tâm trì niệm Phật làm ngay”
Câu trước đem thực hành trước, câu sau thực hành sau, đừng xài lộn câu trước thành sau câu sau thành trước để giống như người bệnh uống lộn thuốc.
Người nghèo không tu do vì phước mỏng nghiệp dầy, đâu có đương nhiên kêu họ nghe pháp là được, phải chăm sóc giùm cái nghèo của họ đi, chăm sóc một cách thật sự, để họ biết người có đạo đức tu hành là vậy đó, họ cảm phục thì nói họ sẽ nghe.
16/5 Bính Thân, nhằm 20/6/2016






Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

QUY Y PGHH
Hôm đi thám sát những tỉnh vùng bị nước mặn xâm nhập chúng tôi có ghé nghỉ đêm một nhà người mới quen ở xã Lưu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong nhà người quen không thấy thờ một tôn giáo nào, nhưng nói chuyện ra tôi đoán ngay là PGHH.
Nhà tổng cộng có bốn người ba nữ một nam. Chị tư sống độc thân làm gia trưởng tuổi tròm trèm bảy mươi, Nam là em trai út của chị tướng tá mặt mày trông rất ngộ, tánh tình niềm nở, vui vẻ hơn năm mươi tuổi cũng độc thân, hai người phụ nữ khoảng giữa một em gái kế chị gia trưởng và một cháu gái. Gia đình rất hòa thuận chị nói em nghe.
Chị tư gia trưởng và chị năm thỉnh thoảng có về Thánh Đại Hòa Hảo thăm viếng chùa Thầy “An Hòa Tự” và Tổ Đình. Họ Hòa Hảo như vậy nhưng sao trong nhà không có ngôi thờ còn chơn dung của Đức Thầy thì để trong tủ kín. Chẳng những không thờ PGHH mà cũng không thờ một tôn giáo nào khác; có chiếc tủ đặt giữa gian nhà trước nhưng trên treo tấm hình liệt sĩ là Ông cụ thân sinh của các chị, người Ba Tàu.
Tôi nhớ ra rồi, vùng đây lúc xưa Việt cộng đặc biệt, ảnh hưởng chủ trương tôn giáo không đã lâu đời nếu ai có tôn giáo thì để trong bụng chứ đâu mà dám; nhứt là PGHH, hó hé lên là họa đến ngay thôi. Dầu nay nhà nước có cho nhân dân tự do tôn giáo nhưng thói quen sợ sệt vẫn còn nên vô vi đến lạnh tanh trong nhà người có tín ngưỡng.
tổ chặt thuốc nam

Chiều xuống chúng tôi thả ra đường, đưa mắt nhìn xa xa, đây như thể cụm dân cư nhưng không phải dân cư theo quy hoạch của nhà nước hiện giờ mà dân cư từ thời Ông Cha. Một cụm nhà trông có vẻ khá lắm, nhà nào cũng xây tường, bóng láng. Cận nhà chị tư có một tổ chặt thuốc nam, người ta huy động một số bà con trong xóm nhất là phụ nữ rảnh việc hoặc biết sắp sếp công việc nhà cho có giờ tróng là đến chặt thuốc phơi khô cung cấp không phân biệt cho các phòng thuốc từ thiện. Tôi rất vui khi biết bà con ở đây có tâm lành.
Có lẽ chủ nhà báo tin chúng tôi đến và ở nghỉ đêm nên vừa tối trời một số bà con lần lược tới chào hỏi chúng tôi và yêu cầu cho họ được nghe giảng thuyết đạo pháp. Tôi biết mình không giỏi về giảng thuyết mà bị yêu cầu thì cũng gượng gạo coi có may ra…Vì thấy trong nhà không có thờ phượng tôn gióa nào tôi chọn đề thuyết quy y Phật Giáo Hòa Hảo.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính chào quý bà con! Lần đầu tiên chúng tôi mới có dịp đi xa đến đây, lạ cảnh lạ quê nhưng tình người quý vị đem đải chúng tôi là không lạ, rất đẹp. Được quý bà con đến thăm han hỏi và yêu cầu giảng đạo, tôi chắc quý vị nghe chúng tôi đến từ Thánh Địa Hòa Hảo và tưởng chừng chúng tôi hay ho lắm mới dám đi xa thuyết đạo. Sự thật thì không phải vậy, chúng tôi đi thám sát những tỉnh vùng trước đây có ruộng lúa mà giờ bị nước mặn xâm hại, nhất là những vùng có chứng kiến hai kỳ tích của Đức Thầy, đi Dạo Lục Châu và Khuyến Nông. Đi dạo Lục Châu, trong Sám Giảng Quyển Nhứt “Khuyên Người Đời Tu Niệm” có đoạn:
“Buồn trong lê thứ ủ ê
Sóc Trăng chợ ấy thuyền kề đến nơi.
Đến đâu thì cũng tả tơi,
Nói rõ việc đời sắp khổ sắp lao”.
Trong chuyến đi khuyến nông Đức Thầy có đến thuyết Pháp ở Sóc Trăng và Bãi Xào ngày 15/6 1945. Sự hâm mộ đạo pháp của quý bà con đây nếu có quý vị giảng viên chuyên môn đi trong đoàn thì hay lắm, chúng tôi không được vậy chỉ thay thế tạm thời, xin quý vị hiểu cho. Kính thưa quý bà con! Không biết quý bà con mình đây có là PGHH hay chưa, phải thì chuyện giải trình của tôi không ngỡ ngàn xa lạ, còn không phải mà quý vị đến nghe coi như tôi giới thiệu về PGHH cho quý vị nhá!
QUY Y PHẬT GIÁO HÒA HẢO
bà con đến nghe nói đạo đạo pháp

Quy Y: Hãy theo sự giải thích của Đức Thầy: Quy là về, mà về đâu? Về nơi cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu.
Vậy quy y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”.
Phật Giáo: Phật: đấng đại giác, Giáo: Dạy. Phật Giáo có ý nghĩa là Phật dạy đạo của Phật cho chúng sanh học tu để đắc Phật như Ngài.
Hòa Hảo: địa danh, nơi mang tên làng Hòa Hảo. Phật Giáo Hòa Hảo là đạo Phật được khai sáng tại làng Hòa Hảo.
Vừa qua tôi đã trích lời của Đức Thầy  nói về ý nghĩa của quy y thứ đến chúng ta đi vào chi tiết của sự quy y nhá!
Đạo PGHH dạy bổn đạo tu hành tại nhà pháp tu là Học Phật Tu Nhân. Mỗi nhà đều có ba ngôi thờ, giữa nhà hai ngôi thờ hai cấp trên dưới, cấp dưới thờ Cửu Huyền Thất Tổ, cấp trên thờ Tam Bảo, giữa sân nhà có ngôi thờ Thông Thiên. Đức Thầy dạy đạo gồm tam giáo quy nguyên nên ý nghĩa của ba ngôi thờ tượng trưng cho Tam Giáo. Ngôi thờ Cửu Huyền Thất Tổ tượng trưng cho Thánh Đạo, ngôi thờ Tam Bảo tượng trưng cho Phật Đạo và ngôi Thông Thiên tượng trưng cho Tiên Đạo. Đức Thầy có câu:
“Phật, Thánh, Tiên đông độ lướt sang,
Miền Nam Địa phân chia đẳng cấp”
Và:
“Kể từ rài vàng lộn với thau,
Phật, Tiên, Thánh cùng nhau xuống thế”
Về tổng thể PGHH là đạo Phật nên việc quy y Tam Bảo là chính. Tam Bảo tức ba ngôi báu: Đức Phật là Phật Bảo, những lời Ngài dạy ra là Pháp Bảo, những vị đại đệ tử của Ngài quyết tu, đem gương sáng và giáo pháp của Ngài truyền bá là hàng Tăng Bảo. Xưa lúc Đức Thầy giảng hóa độ chúng, vì đạo mới khai sáng lại nhằm thời kỳ Pháp thuộc nếu không lý lịch chặc chẽ e có kẻ giả vờ quy y vào đạo làm những điều không phải đạo sẽ bị trách nhiệm nặng nề, Ngài dạy cách quy y vào đạo là phải có hai người bổn đạo cũ đức hạnh dẫn dắt đến ban trị sự. Hiệp định Geneve 1954 đã buộc quân chinh phạt Pháp cút khỏi Việt Nam, sau này đến thời dệ nhứt đệ nhị Cộng Hòa an ninh tốt hơn người ta giảm bớt phần hình thức hai người bổn đạo cũ đức hạnh chứng minh bảo lãnh đến ban trị sự, cứ lập ba ngôi thờ mà quy y, trước khi quy y Tam Bảo họ phải qua trình lễ Cửu Huyền Thấy Tổ như sau:
BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ ÔNG BÀ
“Cúi kính dưng hương trước Cửu Huyền,
Cầu trên Thất Tổ chứng lòng thiềng.
Nay con tỉnh ngộ quy y phật
Chí dốc tu hiền tạo phước duyên”
Xong đứng dậy cấm hương rồi chấp tay đọc tiếp:
“… Tu cầu tông tổ siêu thăng Phật đài
Nguyện làm cho đẹp mặt mày,
Thoát nơi khổ hải liên đài được lên.
Mong nhờ đức cả bề trên,
Độ con yên ổn vững bền cội tu.”
“Cúi Kính… rày con xin giữ đạo hằng” thật là căn bản tuyệt vời, trước khi quy y Tam Bảo Đức Thầy dạy cho một lễ trình kính Cửu Huyền Thất Tổ, “nay con tỉnh ngộ quy y Phật, chí dốc tu hiền, cầu ơn trên Cửu Huyền Thất Tổ chứng cho tấm lòng của con, có được sự giúp đỡ che chỡ của các vị cho con vững bền cội tu con hứa sẽ tu cầu tông tổ siêu thăng Phật đài. Chỉ có lễ trình quy y nguyện chứng tấm lòng thiềng còn chắc ăn như vậy, thật là quá chân xác.
BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ PHẬT
Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (tam niệm)
Nam Mô Thập Phương Phật
Nam Mô Thập Phương Pháp
Nam Mô Thập Phương Tăng
Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư vị Sơn Thần, Chư vị Năm Non Bảy Núi cảm ứng chứng minh, nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo”.
Câu nguyện nầy kéo dài qua nhiều ngôi các bậc ơn trên, trước hết ta thấy có bốn chữ tiếng “Ta Bà Giáo Chủ” cần phải giải thích. Trong Sám Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Thầy ta đọc thấy nhiều câu hơn Đức Thầy dạy không có chữ tiếng Ta Bà Giáo Chủ điển hình như bài “CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT” Niệm ba lần câu “NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT” không có tiếng chữ Ta Bà Giáo Chủ. Đức Thầy viết bài “Khuyến Thiện” quyển năm và “Lời Nói Đầu” cho quyển sáu, chừng chấm hết cũng đề NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT thôi. Vậy ý nghĩa của Ta Bà Giáo Chủ ở đây là gì?
Qua sự nghiên cứu của tôi Niệm Bổn Sư Thích Ca không có Ta Bà Giáo Chủ là niệm để tu, cầu cứu cho mình hay cho tha nhân, có Ta Bà Giáo Chủ là câu niệm thỉnh Phật đến chứng Minh. Phật thì hằng hà sa số, nhưng Vị Phật tối cao và tối quan trọng trong lễ quy y Phải là Đức Phật Thích ca hiện đang là vị Giáo Chủ cõi Ta Bà. Một chúng sanh ở cõi Ta Bà, Nguyện vị Giáo Chủ cõi Ta Bà ở Phật vị trên các Phật vị đến chứng minh cho lễ quy y thì còn gì bằng. Đức Thầy dạy như thế để người phát tâm quy y tin tưởng chắc chắn thì chuyện tu hành mới tinh tấn. Cũng trong quyển Khuyến Thiện, khi Đức Thầy định “lược tả sách Kinh” của đạo Phật cũng nguyện câu có Ta Bà Giáo Chủ:

Nam mô Thích Ca Như Lai
Ta Bà Giáo Chủ xin Ngài Chứng Minh”.
Như vậy chữ tiếng Ta bà Giáo Chủ quá rõ nghĩa rồi phải không bà con? Địa vị chứng minh trên hết là Đức Bổn Sư Thích Ca cùng đi theo có Thập Phương Phật Thập Phương Pháp Thập Phương Tăng, Phật Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư Vị Sơn Thần, Chư Vị Năm Non Bảy Núi cảm ứng chứng minh… Một Lễ quy y cho tín đồ PGHH mà mời thỉnh các ơn trên cỡ vậy đến chứng minh lời nguyện tu hành theo Phật Đạo thì quá là chắc chắn.
Tóm kết: Người tín đồ PGHH mỗi nhà đều có ba ngôi thờ để tín đồ cúng nguyện hằng ngày. Mỗi lần cúng nguyện là mỗi lần tu: thân tu, khẩu tu, ý tu và nhắc nhở lời nguyện hứa với Cửu Huyền Thất Tổ “Nay con tỉnh ngộ quy y Phật” để mà “Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật Đài” sẽ tinh tấn thêm lên. Đối với ngôi thờ Tam Bảo, sự cúng nguyện hằng ngày của ta là nhắc nhớ không thể quên được, trong lễ quy y PGHH ta đã thỉnh mời các vị Phật Thánh Hiền Tăng đến chứng minh thì ta không thể thất tín, thất kính với các vị khi ta đã hứa “Cải hối ăn năng…tu hiền theo Phật đạo”.
Mỗi ngày hai thời nguyện vái các vị ơn trên chứng minh cho việc quy y tu hiền theo Phật đạo, tư duy nối liền về sự tu, tâm tâm cải hối ăn năng làm lành lánh dữ và khi sự cải hối ăn năng đến cao độ thì không còn phạm ác nữa; tu hiền theo Phật đạo là chắc chắn.
Kính thưa quý bà con! Đề tài Quy Y PGHH tôi vừa trình bày, nếu bà con nghe thấy phù hạp căn cơ thì xin mời Phát tâm quy y. Cần thì chúng tôi chép bài cúng nguyện của Đức Thầy dạy cho quý vị học thuộc.
Cúi nguyện chư Phật mười phương, Phật Tổ, Phật Thầy và Đức Thầy đồng lại hộ độ cho quý vị sức khõe an khang, sớm phát nguyện quy y, tu hành tinh tấn.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
17/6/2016




Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

HỎI CÁCH GIẢI QUYẾT

Có một đồng đạo cận xóm đến tôi tỏ chút việc đạo. Anh nói đứa cháu gái kêu anh bằng Ông nội sống chung nhà, bửa trước cháu đi cúng ở tịnh xá thỉnh về một tượng bồ tát Quán Thế Âm lúc nào anh không hay, chừng lệ cúng chiều anh đến bên các ngôi thờ lau quét và chuẩn bị hương nước thì gặp một bức tượng bồ tát, hỏi ra mới biết là đứa cháu gái nói trên. Anh biết mình là tín đồ PGHH mà làm như vậy là lỗi đạo Thầy. Chuyện xảy ra như thế đó anh hỏi tôi xin cho hướng giả quyết êm đẹp. Tôi nói:
- Anh có giải thích cho cháu nó nghe tại sao nhà của người tín đồ PGHH là không để thờ tượng cốt chứ?
- Dạ rồi, nhưng nó chưa chịu.
- Anh giải thích với cháu thế nào?
- Tôi đọc hết một đoạn dài trong bài “Cách thờ phượng hành lễ và sự ăn ở của một tín đồ PGHH”
“ Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình tượng. Đành rằng vì tôn kính đấng từ bi mới làm ra thờ phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không tạo thêm nữa. Làm thế chúng ta không có ý hủy báng sự phượng thờ của các chùa chiền. Cách thờ phượng ấy tùy theo điều kiện các sư mà chúng ta cũng có thể sùng ngưỡng đặng. Nhưng riêng về cư sĩ không nên tạo thêm nữa; nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nhoáng bề ngoài … ”
- Đọc như vậy tức đem lệnh của Đức Thầy ra cấm chứ không giải thích gì sao mà cấm.
- Theo hướng giả quyết của anh là sao?
- Cháu nội của anh đã là một thiếu nữ có học hành đàng hoàn nên dẫn lý để cháu nắm bắt. Chùa chiền tạo nhiều hình tượng là vì tôn kính các đấng Từ Bi mới làm ra để thờ phượng, đã trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ lợi dụng cơ hội “ đấp Phật bán buôn”. Chùa chiền không bao nhiêu, dẩu trong chùa cứ thích mua sắm những sản phẩm tượng Phật đủ cũng thôi, tại gia cư sĩ là khắp bá tánh nếu để mỗi nhà thỉnh tượng về thờ thì cách hưởng lợi của kẻ cơ hội giàu to. Đức Thầy khuyên tại gia cư sĩ không nên tạo hình tượng trong nhà nhưng chẳng làm mất đi ý nghĩa thờ kính Phật. Ngài cho phép tín đồ việc nầy “ cách thờ phượng  ấy tùy theo điều kiên các sư mà chúng ta cũng có thể sùng ngưỡng đặng”.
Do câu “vì tôn kính đấng Từ Bi mới làm ra thờ phượng Ngài”. Đọc qua ta thấy thờ Phật tượng trong chùa mới đủ nói là nơi tôn kính còn ở nhà thì không; vì Phật thờ trong chùa có cả một không gian rộng yên tịnh. Bước vào chánh điện ta thấy rõ nét nơi tôn nghiêm. Ở nhà không có một không gian rộng và riêng biệt để thờ Phật như vậy đâu. Nhà nào giống y như nhà nào, chính giữa nhà là bàn thờ Phật Ông Bà, hai bên có thể để chõng mùng, gác chiếu gối, bàn ghế ngồi hoặc dụng cụ đồ đạc các thứ chen chung trong một không gian náo nhiệt. Đức Thầy đã giáo điều cho tín đồ ba ngôi thờ vô vi, bàn Phật một tấm trần dà là màu hoại màu, chung hợp các màu sắc, mỗi ngôi thờ một lư hương cộng với nước lả bông hoa nếu có trong mỗi buổi cúng cầu.
Đối với chùa thì cư sĩ tại gia coi như sống trong cái nhà đời, chung đụng vợ chồng con cái mà đặt tượng Phật giữa những sinh hoạt tự do rất là khó coi. Phụ nữ nhà đời học đòi văn minh theo các nước phương tây, may mặc hở hang; nhằm lúc trời nóng nực phái nam có thể mặc quần đùi cởi trần tới lui chung trong không gian thờ phượng thì còn gì là vẻ trang nghiêm kính trong nữa! Chùa hay Tịnh Xá trong đó toàn là người tu, chùa ni hay chùa tăng, lúc nào các vị cũng y áo chỉnh tề, thân khẩu ý chỉnh tề để hầu Phật, chùa thanh tịnh mà người ở chùa cũng thanh tịnh… Tôi nghĩ điều nầy các tăng ni đều biết, ở nhà đời chỗ thờ phượng rất là lộn sộn các thứ không nên truyền bá tượng Phật nơi đó làm mất vẻ tôn kính. Hãy dạy pháp cho họ tu là hay hơn.
Một số ít đồng đạo ta, không tôn trọng đạo đức bản thân, theo đạo, chỉ cái việc cúng nguyện ngày hai thời giữ còn trật vuột, bỏ cữ mà có cái tính vui đâu chúc đó, đi đâu hễ nghe chùa tịnh xá nào phát thí hình cốt Phật là thỉnh, đem về nhà có chỗ đâu mà thờ phượng cho tốt, treo máng thí lên vách hay để trên đầu những chiếc tủ coi chơi chớ chẳng cúng kiến gì. Cúng thì phải có lư hương. Nếu thêm một lư hương nữa là sai tôn chỉ PGHH
Nếu tôn trọng Phật thì hãy để Phật ngự đúng vị trí của Ngài, còn lý tưởng nữa thì để Phật trong tâm đừng sắm bày tượng cốt cho Phật ở nhà đời, những nơi không sạch sẽ, kỷ lưỡng thì tội nghiệp Ngài lắm.
Trở lại việc đứa cháu nội của anh, nó lớn lên trong đạo PGHH mà không biết gì về PGHH, nhà có ngôi thờ Phật mà vì thiếu sinh hoạt giáo lý nên chưa được ảnh hưởng đạo gốc bởi đó mà hình thức thờ vô vi của PGHH cháu nó chưa có dịp được đạo pháp khai tâm. Người lớn trong nhà và trong đạo chịu một phần trách nhiệm là không mở rộng giáo dục học đường đến với các con em trẻ tuổi để nó không biết mà lở làng đem điều cấm kỵ về nhà. Đặt tượng Phật trên ngôi thờ tam bảo là lỗi đạo vô vi của Đức Thầy, tôt nhất là anh nên khuyến khích cháu gái nhận ở đâu xin hoàn chỗ củ.
Như tôi đã nói với anh cháu nó chưa chịu nhìn nhận việc làm của nó là sai do đó nó sẽ không chịu hoàn trả, tôi ép thì được nhưng chắc nó không phục việc tu hành và sự theo đạo của Ông nội.
Tỏ rõ thái độ đến vậy sao?
Dà, lúc tôi đọc chứng minh bài “Cách thờ phượng…” đến đoạn “Người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng. Hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi” nó bảo Đức Thầy cho phép “…cốt Phật trong nhà để vậy cũng được” sao Ông nội lại đối sử không được với con?
Anh trả lời ra sao với câu hỏi đó?
Còn trả lời làm sao được khi chữ in rành rạnh ra đó.
Không phải như vậy đâu anh! Đức Thầy khai sáng đạo PGHH 18/5/1939, người ta trước khi quy y với Đức Thầy thì trong nhà có sẵn tượng Phật; chỉ trường hợp người mới phát tâm vào đạo, Đức Thầy không ép phải bỏ tượng Phật có sẵn của họ nên Ngài nói “ để vậy cũng được”. Tính từ năm 1939 đến nay 2016 thời gian quá lâu là quá đủ để những tín đồ tại gia cư sĩ lần lần thỉnh tượng Phật về các chùa; những đồng đạo có căn bản giáo lý dường như tôi không thấy còn tượng Phật trong nhà người của các vị, người ta đã làm không các cái có thì nhà anh lại làm cho có các cái không. Anh quy y PGHH tôi cho là bốn mươi năm nay, lúc quy y trong nhà không có tượng Phật là chắc chắn vì anh đã đi từ ý thức hệ của Ông Bà Cha Mẹ, các vị đã làm không có tượng Phật trong nhà, nay cháu nội của anh thỉnh tượng Phật về nhà là của mới sắm về chớ đâu phải của đã có sẵn trước khi quy y PGHH đâu mà áp dụng câu “Người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng”. Cái chuyện của hổi sửa hồi xưa mà giờ đem áp dụng chẳng dính vào đâu.
Đức Thầy nói câu “nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nhoáng bề ngoài”. Hào nhoáng, như anh cũng biết nó màu mè, vẻ bóng loáng bề ngoài. Đức Thầy kêu sự thờ phượng, phải bỏ cái dáng vẻ bề ngoài ấy, vô vi không bị màu, cảnh chi phối, xúc tiến sự tu niệm cho Phật trở lại lòng.
Cám ơn anh đã giải thích hai ý hay cho tôi lượm lặc: một là tượng Phật thờ ở nhà đời là không trang nghiêm, thiếu sự kính trọng do đó mà ở nhà không nên để thờ tượng cốt Phật, hai là “Người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng” là chuyện của ngày xưa lúc Đức Thầy khai sáng đạo, nhà người quy y vào đạo đã có sẵn hình tượng Phật trong nhà Ngài cho phép “để vậy cũng đặng”. Nay từ chỗ không có thỉnh về cho có mà dựa theo xưa để vậy cũng đặng là không đúng. Tôi hứa sẽ đem ý hay nầy cải thiện sự nhận định sai lầm của cháu.

14/6/2016

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

BUỔI HỌC THỨ 15
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ HỌC TRONG BÁT CHÁNH:
LUẬN VỀ CHÁNH NGHIỆP

                                       NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Kính thưa chư quý đồng đạo! Buổi học hôm nay chúng ta học về Chánh Nghiệp. Đứng ở lập trường tại gia cư sĩ mà nói đề học nầy rất đụng chạm đến kinh tế gia đình; nhưng chúng ta thế gian là cõi khổ, quy y Phật Đạo là muốn chỉ còn một kiếp nầy thôi sẽ không chịu khổ sanh tử ở một kiếp khác. Vì vậy học chánh nghiệp để chúng ta một là chọn nghề nghiệp phù hợp cho sự tu hành, hai là trong nghề nghiệp nhưng mình cũng hạ quyết tâm tránh tội ác khi nó dính líu hoặc đến bất ngờ. Làm được điều không tội, chẳng nợ ần ai, lúc mãn kiếp hồng trần đi với câu niệm Phật về cõi Tây Phương. Mong tất cả cố gắng với đề học hôm nay.
PHẦN 1: HỌC CHÁNH VĂN:
Chánh nghiệp.- Việc làm chánh-đáng ngay thẳng.
Đối với kẻ xuất-gia đầu Phật, ngoài những lúc tham-thiền nhập-định, những khi trì tụng kinh hành, những khi đọc kinh viết sách, những lúc công-quả cho nhà Thiền, chẳng có việc chi có thể tạo thành ác-nghiệp cả.
Những kẻ tại-gia cư-sĩ, trái lại, còn cần phải lo kế sinh-nhai, mưu cuộc sống còn; kẻ buôn tảo bán tần, người việc nầy việc nọ, tóm lại cũng tại vì xác thân mà ra cả. Tuy nhiên dầu đời sống của họ có bị sự sinh-nhai chi-phối, song cái chi-phối ấy, khác hẳn với kẻ gian-tà đạo-tặc, chẳng có làm việc gì xao-trá bất nhân. Trong cuộc mưu cầu cho lẽ sống , họ cũng nguyện bỏ những nghề-nghiệp gây tai-hại cho con người: nuôi điếm, bán á-phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ, v.v…
Đành rằng những người buôn bán ấy không có ép buộc bạn hàng, song tại có họ làm các nghề-nghiệp ấy, con người mới bị hư-hỏng, trụy-lạc, hoang-đàng, trà-đình tửu-điếm… Họ là đồng lõa mà phạm-nhân là kẻ nghiện-ngập say-sưa.
Thế nên mục chánh-nghiệp răn-cấm chúng ta làm các nghề ấy.
Kẻ tại-gia cư-sĩ cũng chẳng sát-hại vô cớ các sanh-vật, hoặc không đánh đập chém đâm ai có thể gây ra những điều tội-lỗi.
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG:
Chánh Nghiệp: Hãy theo sự giải thích của Đức Thầy là hơn cả: Việc làm chánh-đáng ngay thẳng.
Xuất-gia đầu phật: Từ ngữ xuất-gia đã có giải thích những buổi học trước nay chúng ta không bàn, chỉ bàn qua từ “đầu Phật”. Đầu Phật tức cúi đầu nhận lời của phật mà tu hành. Hạng người xuất gia đầu Phật không muốn bận bịu việc thế gian để tiếp nối sự khổ của vòng luân hồi sanh tử, các vị rời bỏ gia đình phục mình trước cửa Phật (thiền môn) lãnh lời Phật dạy lo tu suốt kiếp.
Tham-thiền: Tham: nghiên cứu, suy xét; Thiền: tĩnh lự, tư duy kêu đủ chữ là thiền na, cũng là một trong sáu chiếc thuyền qua bờ giác của hạnh tu Bồ Bát. Vào thực hành gọi là thiền quán hay thiền định. Khi quán xét thì rõ ràng, chiếu soi, khi thiền định thì lắng đứng các vọng niệm để vào đại định, phát sáng trí huệ. Tham thiền có hai cách một là ngồi thiền (tọa thiền) hành giả lựa chỗ vừa ý, trước Phật đài hay những nơi yên tịnh, hoang vắng ngồi tréo chân lên, hay là hành thiền lòng áp dụng trong tứ oai nghi, như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói: “Đi cũng thiền, đứng cũng thiền, nói năng động tịnh thảy an nhiên.”
Nhập-định: Nhập: vào trong, định: chữ Phạn (Dhyana) tam muội, dịch là trạng thái định tâm, thanh sạch, vắng lặng, định đi sâu là trạng thái tịnh. Nhập định tức đi vào thiền định thâm sâu. Xưa các chơn sư mỗi khi nhập định thời gian rất lâu, đói no, nắng mưa gió rét đầy Trời không làm cho các Ngài bị động, như trường hợp của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma hoặc Sĩ Đạt Ta với sáu năm khổ hạnh thiền định dưới cội Bồ Đề.
Công-quả cho nhà Thiền: Công quả: công, việc đem đến ích lợi cho mọi người, gần gủi nhất là phước thiện, từ thiện, dùng vật chất như tiền gạo đồ ăn… để giúp đỡ những người bất hạnh thiếu thốn; chỉ dạy nghề nghiệp chánh đáng, dạy cách tu tâm dưỡng tánh. Tóm lại, công quả là nói những nhà có hảo tâm làm việc vì người mà không tính công. Nhà thiền: tức nhà Phật, nhà chùa. Công quả cho nhà thiền tức công quả trong chùa của hạng tu xuất gia vì ích lợi chúng sanh mà làm việc, tham thiền nhập định sẽ đi đến công viên quả mãn.
Tạo thành ác-nghiệp: Tạo thành: việc thiện hay ác không đương nhiên có chính do mình tạo. Người biết đạo thì tạo thiện không tạo ác, người không biết đạo thì vô tư việc thiện ác mà hành động chỉ vì mục đích danh lợi tiền quyền; ác nghiệp: làm ác kiếm tiền, giá như làm thuê, nay việc nầy mai việc khác khi thiện khi ác, nhưng đã chọn nghề ác ví dụ như nghề sát giết sinh vật đem bán nó đâu phải một ngày một bửa mà hàng họ luôn luôn. Tạo thành ác nghiệp: tức lấy ác nhân làm sự nghiệp thì là  nghiệp ác cứ mãi mãi.
Tại gia cư sĩ: Người ở tại nhà tu theo đạo Phật, không phải như hạng xuất gia chuyên lo kinh kệ, sự sống có phật tử tín thí. Hạng tu tai gia là tự lực cánh sinh, tự mình lo làm ăn tự mình tu hành. Người tại gia cư sĩ bận rộn như đã nói họ không có nhiều thời giờ tham thiền nhập định, trì tụng kinh hành hay đọc kinh viết sách; người tín đồ PGHH vâng lời Đức Thầy họ cố gắng ngày hai thời công phu nguyện vái Phật độ cho mình, tông tổ và tất cả chúng sinh, ngoài ra cũng chặc chịa tu theo tứ oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi đều tu, tu từ nhà ra tới ngoài đồng “Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà, Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc”.
Kế sanh-nhai: Kế  : sự tính toan, kế hoạch, tìm cách nào cho đạt; sanh: sự sống; Nhai: nghiền bằng răng. Kế sanh nhai tức tìm cách nào để sinh sống, sự nghiệp để mưu cuộc sống. Người cư sĩ phải chọn việc làm, nghề nghiệp phù hợp với người biết đạo, đừng vì ham lợi lộc, tiền bạc mà không chịu cân nhắc việc tội phước, giàu tiền cũng giàu luôn gian ác, không phù hợp với người tại gia cư sĩ học Phật tu nhân. Bởi vì dầu ở tại gia cư sĩ cũng được dạy pháp môn tu “mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc”. Theo Đức Thầy, dạy tín đồ tu tại gia không với ước vọng đời sống quá cao, chỉ bằng “miễn cho được ngày hai cơm tẻ, buổi bần hàn đặng có tu thân”. Do ước vọng không cao, vật chất không mắc mớ nhiều cho mình đem thân suốt ngày phụ vụ, đừng nói là chọn nghề ác để làm.
Mưu cuộc sống còn: Mưu là dùng kế, bàn tính cho tốt; cuộc sống còn tức sự hiện diện của ta đây; hồi nào còn đời không tu là khác, nay vào đạo tu thân, muốn nhẹ mình để đi nhanh về Phật thì đổi mới đời sống, việc ác không làm, điều thiện nên gieo. Đừng đặt lý do nghèo thiếu mà bất phân thiện ác. Nhân quả là cán công lý, nó vốn không có tình cảm thì đừng hồng mà biện minh lý do nghèo để được tha tội. Tóm lại, vì cuộc sống phải làm mới có sống nhưng không vì cuộc sống mà gây tội lỗi.
Buôn tảo bán tần: Câu nầy thường là áp dụng cho những ai có đời sống chật vật, thiếu thốn, mua đầu chợ bán cuối chợ. Tảo, Tần là hai loại rau mọc dưới nước, xưa những gia đình nghèo khổ đàn bà phải đi hái hai loại nầy về dùng hoặc đem bán kiếm tiền, do sự tích đó mà ngày nay những gia đình đời sống túng thiếu đàn bà đi mua gánh bán bưng thường được coi là lo tảo lo tần: Chạy tảo chạy tần mới được bấy nhiêu đó.
Cũng tại vì xác thân: Diễn ý từ những câu dẫn trên, sở dĩ con người lo “mưu cuộc sống còn, buôn tảo bán tần” cũng vì có xác thân nầy. Xác thân là vay mượn của tứ đại nên phải chịu sự chi phối của sanh lão bệnh tử. Có thể sanh với tử ta không bàn vì một đàng thuộc về quá khứ một đàng thuộc tương lai, lão và bệnh là hai món đang đeo đắm; già thì sức hoạt động không còn, đi đứng chậm chạp, có bửa ăn không ngon ngủ không yên thì phải lo làm sao chon ăn ngon ngủ yên không thì nhiều ngày sẽ sanh ra bệnh. Nhà đang túng thiếu mà gặp bệnh, bệnh ngoài da một vài bửa hết còn đỡ, gặp thứ bệnh vô sâu trong ngũ tạng, trục ra được thì cũng lắm tiền, đành phải chạy tảo chạy tần bài mưu tính kế để có tiền cung ứng cho xác thân đương lúc nó bệnh. ÔI Khổ! Vì thế Đức Phật Đức Thầy dạy người tu phải chọn nghề nghiệp ngay thẳng chánh đáng, có túng thiếu cũng giải quyết đói no trong một kiếp nầy thôi mà tu tâm dưỡng tánh. Hết kiếp, nghiệp ác không có thì không sanh trở lại để chịu quả báo, nhờ tu tâm dưỡng tánh mà gột rửa tâm phàm thành tâm Phật, tánh phàm thành tánh Phật thì chừng đó, nói theo Đức Thầy “Tử thần kia đâu dám dắt hồn, thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử” Ô hây !
Chi-phối: Chi: chia ra, chi tiền; Phối: kết hợp, phối hợp. Chi phối là từ cái nguyên vẹn bị ảnh hưởng hoàn cảnh bên ngoài làm xao động. Ví dụ một người từng được coi là “ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu” không se sua vật chất mà một lần gần gủi với người đua đòi vật chất giải thích vật chất là cái phương tiện để mình sống như may mặc đồ đắc tiền thì đồ chậm hư rách, ít tốn công may vá, mua xe thứ thiệt xài bền, nhà to cao mát mẻ… nghe cũng có lý. Từ đó tính “ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu” đã bị vật lời lẽ của người kia làm chi phối, nếu không sớm phát hiện chận dừng kịp  sự chi phối càng lúc lớn mạnh dẫn đến bỏ đạo thôi tu hoặc tu danh tu lợi tới chết chẳng được gì, uổng thay một kiếp.
Gian tà: Gian: giả dối, gian xảo, gian trá; Tà: công vạy, không chánh đáng ngay thẳng. Gian tà có thể một danh từ để chỉ cái xấu nhứt trên đời. Cho nên người học đạo tính xấu nhứt nầy phải từ bỏ, nếu không tu hành cũng chẳng đến đâu. Đức Thầy có câu:
“Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu”
Hoặc “ Gian tà hồn xác cũng tiêu”.
Đạo tặc: Trộm cắp, lấy của người làm của mình. Ở đây Đức Thầy dạy người tại gia cư sĩ dù có bị kế sanh nhai chi phối nhưng sự chi phối ấy khác với kẻ gian tà đạo tặc. Khác với kẻ gian tà đạo tặc tức không thể là kẻ gian tà đạo tặc, đừng hồng lợi dụng lúc nghèo thiếu mà hành động sai trái. Đức Thầy đưa kiểu mẩu của người cư sĩ tại gia để thực hành chánh nghiệp, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng nên vượt khó sử sự “khác với kẻ gian tà đạo tặc” .
Xảo-trá: Xảo: tánh không thật, nói hay hứa không đúng; trá: giả dối, phỉnh gạt: Xảo trá: khéo gian xảo để lấy lòng, làm cho người khác tin, trước mắt là nhờ cậy, sau chờ cơ hội để chiếm dụng.
Bất nhân: Danh từ nầy nên hiểu từ gần đến xa; bất nhân có thể hiểu là không có lòng thương người và bất nhân cũng có nghĩa cách ăn ở không còn là con người nữa. Sống trên đời đối với kẻ bất nhân quá đổi người ta nói: Ông ấy hành động không còn có tính người nữa.
Nguyện bỏ những nghề nghiệp gây tai hại: Tôi thấy cần nên bàn qua động từ “bỏ”. Bỏ có nghĩa là không lấy, không dùng; nhưng đi chung với nó: “từ bỏ”, hay “nguyện bỏ” mỗi sự đi chung có ý nghĩa khác. Từ bỏ mang ý nghĩa thức tỉnh ví dụ như hai món độc “Tửu nhiễm vào thân thể bất an, sắc mến nó ngày kia lao khổ” hiểu được là tự mình từ bỏ ngay. Nguyện bỏ phát thêm sức sức mạnh tinh thần, vì câu nguyện từ tận đáy lòng nó không phải là lời nói suôn hay nói chơi cho vui. Nguyện bỏ, đứng trước những điều khó bỏ nhờ vào sức nguyện vái của mình hằng ngày mà lòng thêm mạnh mẽ, ở vai vế làm chủ tình hình, do sự chặc dạ mà tà nghiệp có thể trở về với chánh nghiệp nhưng chánh nghiệp thì không theo ai, nó giữ nguyên. Nghề nghiệp tai hại cho con người có biết bao nhiêu là thứ, Đức Thầy kể điển hình một vài điều sau đây:
Nuôi điếm: tức nuôi dưỡng dân đàng điếm, đĩ thõa, câu nhữ khách làng chơi để kiếm tiền, sòng bạc thì ứng tiền, chứa chấp kẻ gian… Làm những điều bại hoại nền luân lý nước nhà.
Bán á-phiện: Thứ hại người cực mạnh về thể xác và tinh thần, đời nay gọi là Ma Túy, người bị dính vào thứ ghiền nầy thể xác dần dần tìu tụy, thần trí ngày ngày suy kém. Đến cơn ghiền mà thiếu tiền phải tạo tiền bằng mọi giá để có húc chít, trộm đồ… Tác hại mạnh như vậy nên Đức Thầy đặt ra “Điều Kiện Vào Đạo” không thu nhận tín đồ ghiền á phiện, muốn quy y vào đạo phải nguyện bỏ trước đâu đó xong rồi mới được cho phép quy y.
Buôn rượu: Bán rượu cho mọi người uống. Tác hại của sự uống rượu rất lớn, vì thế người trong đạo PGHH chẳng những không được uống rượu mà còn cấm cả sự bán rượu cho người khác uống. Nhà có một người chồng uống rượu say sưa quậy chịu không nỗi huống chi bán rượu mỗi ngày có tới hằng trăm ông chồng quậy ở nhà người khác. Nên người tín đồ PGHH khi đã quy y vào đạo, nếu có bán tạp hóa nên cữ bán rượu tuyệt đối.
Đầu cơ: Dự trữ vật chất hàng hóa; nhà kinh doanh trù tính những mặt hàng có lời nhiều mà hiện tại giá rẻ, ví dụ như lúa gạo, họ mua giành mua giựt tích trữ  thừa cơ hội thao túng thị trường bán ra giá rất đắc để thu lợi nhiều.
Cho vay cắt cổ: Cho vay lấy lời quá nặng. Có người ở vào hoàn cảnh không dư, làm vừa đủ sống, gia đình lại gặp người thân bệnh, vì muốn lo chạy chữa cho người thân mình hết bệnh phải đi vay hỏi. Trong lúc bệnh cần tiền nhanh đặng giải quyết, vay cao mấy cũng phải vay. Chừng người thân hết bệnh lo mầng mà trả nợ vay cao nầy, làm đến khờ người mới trả nổi. Biết vậy, nên người tín đồ PGHH Đức Thây khuyên đừng cho vay cắt cổ và có thể thực hành trong ba điều khuyên: 1 Có hỏi nới tay để giúp đời, 2 của dư cho mượn mới là, 3 hảo tâm bố thí ngọc tòa được lên.
Hư hỏng: Lấy nghĩa của chiếc máy bị hư hỏng, lúc đó không xài được. Người bị hư hỏng cũng thế, không xài được; chồng hư hỏng vợ không xài được ngược lại cũng thế, con hư hỏng cha mẹ xài không được, trò hư hỏng Thầy xài không được… Đức Thầy đưa ra những hư hỏng để làm điển hình như sau:
Trụy-lạc: Từ một con người tốt, danh vọng, lại sa ngã xuống chỗ thấp hèn, từ một con người có học đàng hoàn mà hành động như ngươi vô học. Tu là niệm thiện hành thiện, bao nhiêu năm thường hành mà phút chóc sa đọa vào những vui chơi trần tục mất trắng sự tu hành.
Hoang-đàng: Hoang: là không có chủ, con hoang là con không có cha mẹ, nhà hoang là nhà không ai ở, ruộng hoang là không có người gieo trồng; đàng: đường đi. Hoang đàng ý nói người rong chơi suốt, bỏ phế việc gia đình, xã hội mặc ai, vùi đầu vào những sự vui say không lý tưởng.
Trà-đình tửu-điếm: Trà đình: chỗ khách làng chơi, thưởng thức trà có nữ hầu; tửu điếm: uống rượu trong quán điếm, có mỹ nữ chuốc rượu. Trà đình tửu điếm là nơi ăn chơi sa đọa, dành cho những tay hào phóng  dư tiền.
Đồng-lõa: Đồng chịu trách nhiệm tội lỗi, ví dụ như người ăn trộm với kẻ tiêu thụ đồ gian, kẻ lấy trộm với người tiêu thụ có quan hệ mắc xích trong nghề kiếm tiền, nếu người lấy trộm mà không có mối tiêu thụ thì chưa chắc đã dám. Khi bị sa vào lưới pháp luật kẻ lấy trộm là chính, tiêu thụ đồ gian là tội đồng lõa.
Nghiện-ngập say-sưa: Ngiện ngập say sưa là ghiền nặng, ví dụ như nghiện ma túy, nghiện cờ bạc, nghiện uống rượu ... Nghiện ma túy tới cữ không có là không chịu nổi. Tôi thấy một anh nghiện tới cữ mà không có thuốc để húc chít, sanh bức rức trong mình, khó tính, quạu quọ thế mà đưa vô một mũi thuốc phiện là giải quyết sự bức rức, khó tính… ngay tại chỗ và tôi cũng đã chứng kiến một người nghiện rượu buồn dàu dàu nước miếng nước mồm tuôn lợp đợp, chỉ cần cho anh ta một ly rượu trắng không cần mồi màng, có thể tay anh run run không cầm được ly rượu, phải nhờ người tỉnh đút rượu trong miệng anh, nóc một ly khí thế sẽ trở lại.
Răn cấm: Từ những vụ nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ dẫn đến các sự trụy lạc, hoang đàng, trà đình tửu điếm… người tín đồ nhà Phật, PGHH, cấm không được phạm vào.
Sát-hại vô cớ các sanh-vật: Theo luật nhân quả hễ sát sanh là có tội không đợi có cớ hay không cớ, nhưng Đức Thầy dạy đạo Phật cho hàng cư sĩ, do trình độ giác ngộ thấp kém giữ giới không cao Đức Thầy đã cho ăn “chay bốn bửa ấy là qui tắc”. Do vậy giết sanh vật ngoài bửa ăn đều là sát sanh vô cớ.
KẾT LUẬN:
Chánh nghiệp là một trong Bát Chánh Đạo mà xưa kia Đức Phật Thích Ca đã thuyết cho các tăng đồ nhà Phật hiểu để trong việc lập thân hành đạo họ đi đúng đường. Đức Thầy viết luận về chánh nghiệp của Đức Phật để áp dụng cho hàng tại gia cư sĩ học Phật tu nhân không được hành nghề gian tà đạo tặc, xảo trá bất nhân; những nghề vì mình mà hại người. Nếu lở đã làm thì từ rày nguyện bỏ những nghề nghiệp gây hại con người ví dụ điển hình như : Nuôi điếm bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ. Thực hành đúng những lời dạy bảo trên, không có tội chướng cản ngăn trong khi mãn kiếp hồng trần sẽ đi tự do “sanh Lạc Quốc”.
PHẦN 3: ĐẶT NGHI VẤN:
- Hãy giải thích theo chánh văn của Đức Thầy: chánh nghiệp là gì ?
- Theo phép luận của Đức Thầy, hạng tu xuất gia “chẳng có việc chi có thể tạo thành ác nghiệp cả” chúng ta đọc đoạn nào để chứng minh điều ấy?
- Người cư sĩ tại gia đã chịu chật chội trong sinh hoạt đạo sự, tại sao Đức Thầy đặt biệt quan tâm họ về thực hành chánh nghiệp?
- Làm ra để ăn mà sống Đức Thầy kêu tránh những nghề nghiệp gì?
- Trước không tu, hành nghề không chánh đáng giờ hiểu đạo ta phải làm sao?
- Hãy giải thích về tội đồng lõa?
Kính chưa chư quý đồng đạo hiện diện! Buổi học thứ 15 đến đây hết giờ, mãn việc. Kính chúc quý vị thân tâm an lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
11/6/2016