Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018


KỶ NIỆM MƯỜI TÁM THÁNG NĂM
NGÀY ĐỨC THẦY KHAI SÁNG ĐẠO PHẬT GIÁO HÒA HẢO
hình nầy chụp sáng ngày 16 trước cổng Tổ-Đình PGHH

Ngược dòng thời gian 79 năm về trước, ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 – 18 tháng 5 năm Mậu Tuất 2018, miền Tây Nam nước Việt, nơi Thánh Địa Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, đem đến sự vui tươi cho nhân thế như chính Ngài viết bài “DẶN DÒ BỔN ĐẠO” có câu:
“Tháng năm mười tám rõ-ràng
Cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo”.
Miền Tây hồi ấy đa số dân làng là nông dân, bản chất hiền lành, phần đông người chưa theo đạo nào nhưng có đức tin các vì trên trước, cúng vái đủ trò. Hiền lành, có đức tin các vì trên trước mà không theo đạo chơn chánh để có tư tưởng chơn chánh dễ rớt vào mê tín dị đoan đi thành lệ, sanh nhiều thứ tội trong khi sát vật cúng tế. Người đang sống trong oán hận, tranh nhau hơn kém ba thứ: danh, lợi, tình làm điên đảo lòng, khiến cha con giận hờn, anh em ganh ghét, thù địch, bạn bè mới đó đã trở mặt; những tội chướng nầy chúng như mây mù sương khói chỉ cần nắng chiếu gió bay thì chúng tan đi. Giáo Pháp của Đức Thầy “ngọn gió thiền môn cuống bụi hồng” có khả năng làm người mê tỉnh lại những lầm lẩn, Đức Thầy dạy đạo cứu đời tưới yêu thương lên đống lửa thù hận, đem trí huệ làm ánh lên lòng người tăm tối, gở bớt trần duyên đeo lắm, thân tâm thơ thới nhẹ nhàng nên “cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo” là đáng phải tin.
Biết chiến tranh thế giới lần hai sắp xảy ra cho nhơn loại, ảnh hưởng của chiến tranh độc hại khôn lường dẫn đến sự chết chóc, nhà tan cửa nát, ruộng đồng bỏ hoang…, những điều khổ hãi sắp xảy đến cho nhân sanh, nói theo thế gian thì đây là cơ hội tốt, dựa vào cảnh khổ cận kề Đức Thầy “chẳng ngồi nơi ngôi-vị hưởng quả Bồ-Đề trường-thọ mà còn len-lỏi xuống chốn hồng-trần đặng chịu cảnh chê khen.” Lâm phàm độ chúng, lúc thuyết pháp khi viết Sám Kinh dạy đạo, khuyến tu. Tác phẩm Ngài viết trước hết có tựa đề “Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm” trong đây Ngài hay nhắc về sự khổ đặc biệt là khổ bởi chiến tranh bằng những câu sau đây:
“Mèo kêu bá tánh lao xao
Đến chừng Rồng, Rắn máu đào chỉn ghê.
Con Ngựa lại đá con Dê,
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
Khỉ kia cũng bị xáo-xào,
Canh khuya Gà gáy máu đào mới ngưng.”
Lời tiên tri của Đức Thầy khởi đầu cuộc đệ nhị thế chiến từ năm con Mèo “Mèo kêu” và chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới lần hai nầy vào năm con Gà “Canh khuya Gà gáy máu đào mới ngưng” quả đúng như vậy. Từ đó, niềm tin Ngài là cổ Phật lâm phàm đối với nhân sanh mỗi lúc thắt chặc hơn. Để không hoặc giảm nhẹ ảnh hưởng của chiến tranh thế giới tàn phá con người, mùa màng, nhà cửa, thì chỉ có con đường cải dữ về lành, tu nhơn tích đức:
“ Ai mà tu tỉnh chuyên cần,
Làm đường ngay thẳng có Thần độ cho”
Hoặc:
“Đến chừng đó bốn phương có giặc,
Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.
Vậy sớm mau kiếm chữ ma-ha,
Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa”.
Tu hành có “Thần độ cho” và “Phật cứu khỏi nơi khói lửa”, Thần độ, Phật cứu là quá an toàn. Nhưng một số người không tin sự nhiệm mầu của tôn giáo vì thế sự tu hành đối với họ là không cần thiết, họ thích làm những gì có ích lợi cho bản thân chẳng thèm suy nghĩ việc làm đó là tội hay phước. Họ hay gia đình họ lâm khổ dồn dập như bệnh ngặt, chết người, tai nạn… không với lý do chánh đáng, đủ biết là quả báo nhưng họ không tin nhân quả trả vay cho hành động vô đạo đức của mình mà hồi tâm tỉnh trí cải ác tùng thiện.
Nếu ai quan tâm về đời sống an cư lạc nghiệp và an ninh tốt sẽ thấy những tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Châu Đốc, Cần Thơ, Đồng Tháp… về mặt nhân tình và an ninh được coi là yên ổn nhất, đặc biệt là hai tỉnh lúc xưa Châu Đốc và An Giang, vì hai tỉnh nầy có sự gắn liền với THÁNH ĐỊA HÒA HẢO, tiếp thu Đạo Pháp PGHH sớm nhứt. An ninh và nhân tình gắn bó bởi giáo lý Học Phật Tu Nhân của PGHH nhanh cải thiện lòng người.
Trên đời đâu có cái khổ nào hơn khổ về nạn giặc giả, bằng chứng cho thấy, nước nhà trong thời kỳ chiến tranh, chiến tranh bởi quân xâm lược Pháp hay cuộc chiến tranh xấu xí: huynh đệ tương tàn, nơi nào có đông dân cư PGHH rất ít xảy ra chiến tranh bởi đạo nầy xuất phát từ giữa lòng lịch sử dân tộc, người học đạo biết quí yêu tình dân tộc nên không làm giặc cũng không cho có giặc về làng. Đã xử sự tốt về mặt an ninh người tín đồ còn phải chăm sóc đạo nghiệp của mình bằng sớm chiều “Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu” bằng sớm tối “Sớm tôi đi nằm y chánh pháp” và bằng đêm khuya nữa “Sớm khuya bá tánh cần chuyên”. Mỗi tín đồ thiết tha tu hành ngày đêm hôm sớm thường niệm tưởng Phật và khấn vái Phật độ chúng sanh, tất nhiên những điều xấu, nạn tai hay những thứ khổ khác sẽ biến mất.
Nếu tu thân hành thiện có lợi ích thì phải truyền thừa cho lợi ích thêm ra. Hãy nhìn người tín đồ PGHH hành thiện trên các mặt công tác xã hội: Cầu, đường, phòng thuốc nam, trại hòm, nấu phát cơm, cháo, nước sôi, trong những bệnh viện để  bệnh nhân và thân nhân của họ nhẹ tốn kém trong lúc đi nằm viện xa nhà, đặc biệt quan tâm dành ưu tiên cho những bà con nghèo thiếu ăn hoặc hư rách nhà cửa. Hằng năm vào mùa mưa, đồng bào miền Trung chịu nhiều trận bão kinh hoàng, nước ngập, nhà trôi, tài sản dành dụm bấy lâu phút chốc tan tành theo mây khói. Người tín đồ PGHH sông nước miền Tây học nằm lòng lời dạy của Đức Thầy: “Làm nhơn ái ắt tiêu bệnh tật” trái lại “Chẳng làm phước thiện họa e đến mình” nên khi nghe ở đâu lâm nạn, nghèo đói, rất cần sự giúp đở, dầu gặp khó khăn cũng vượt khó đem hàng cứu trợ ra tận miền Trung xa xăm, nơi bị bão lũ hoành hành, không phải một lần mà nhiều lần, cũng không chỉ một năm mà rất nhiều năm qua người tín đồ PGHH thường đi hành thiện như vậy.
Đồng bào ở những tỉnh miền Tây tấm lòng như đã kể, nhờ có đông dân cư PGHH tu thân hành thiện mà phước lai họa khứ: dời phước đến, đuổi họa đi, trong thời kỳ chiến tranh không xảy ra những trận ác liệt hại nhiều nhơn mạng và thiên tai địa ách độ thiệt hại không nhiều nên dân xứ đạo luôn được bình an.

Trước mùa lễ năm nay 18 tháng 5 Mậu Tuất 2018 mới chừng mười bốn, rằm thì không khí lễ đạo rộ lên tưng bừng. Vùng đất Thánh, các hoa đăng xa đã được khởi công từ nửa tháng trước nay đã hoàn thành các yếu mục, đang độ sẵn sàng, chỉ chờ đêm 17 là diễn hành mừng đại lễ. Tín đồ ở THÁNH ĐỊA HÒA HẢO chuẩn bị dựng lễ đài, cổng tam quan, qua ngày đêm 16, đèn dây nối dài trên đường, Các vùng lân cận Thánh Địa nhà nhà sửa sang dọn sạch từ trước sân ra đầu ngỏ, đường nhà ai cũng treo đèn sáng, đèn hoa, bóng chớp, quan cảnh vui nhộn. Sau 79 năm kể từ ngày có câu “tháng năm mười tám rõ ràng, cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo ”không phải truyền lại những dư âm của ngày xưa mà là hiện thực năm nào cũng như năm nào hễ đến Mười Tám Tháng Năm là cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo.
Ngày 17/5 Mậu-Tuất – 30/6/2018

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018


ĐOÀN KẾT THÊM SỨC MẠNH

Những ngày qua, ở đâu thì tôi không biết chứ vùng Kiến An, tổng Định Hòa trời mưa gió mỗi ngày, nhằm bửa, 24 giờ đồng hồ có khi mưa đến ba chập, trong mưa thường kéo theo luồn gió mạnh. Gió lúc thì suôn luồn, lúc vặt ngọn khiến nhà dột, vách phên bị mưa tạc xối xả, đám mưa nầy dột tạc vào nhà, váng sàn nhà lau chưa ráo thì trận mưa gió khác kéo tới, máy tol kêu ào ào, lập cập, rầm rầm.

Trong nhà có thượng lên ba ngôi thờ mà đốt nhang nguyện vái lần nào gió cũng thổi tắt một cây nhang ở ngôi thờ Thông Thiên. Vào khoảng thời gian tôi còn cúng nguyện hễ thấy tắt là đốt lại nhưng gió còn mạnh ngọn đốt lại cũng tắt nữa nên từ đó, nếu gặp giông to thổi tới biết là không thể thì tôi không uổng công tắt đốt cây nhang lắm lần. Nói đây là nói gió hơn mức thường một tý nhang bàn Thông Thiên cũng tắt. Tôi tưởng, cúng ba ngôi có một ngôi bị vậy thật là tiếc, không đành lòng.

Mới chiều hôm rồi, cúng xong hai ngôi thờ trong nhà, ra nguyện hương trước bàn Thông Thiên, cấm nhang lên lư hương đứng ngay thẳng chắp tay nguyện chưa hết bài Tây Phương ngũ nguyện cây nhang trên lư hương mới đó đã bị gió thổi tắt. Tôi cố quên chuyện tắt nhang để giữ chánh niệm của lời nguyện. xong buổi công phu tôi rút cây nhang tắt ra khỏi lư hương bàn Thông Thiên, cho hợp nhiều cây nhang tắt của những ngày qua, tổng cộng 8 cây, tôi đốt một lược và so bằng đầu các cây nhang đang cháy cấm lên lư hương bàn Thông Thiên thế mà chúng cháy đến tàn.

Có lẽ do nhiều đầu nhang bằng nhau cháy rực, mỗi chúng phát tủa ra hơi nóng tiếp cho độ cháy của nhau, nếu cây nhang ở đầu gió lạnh muốn tắt, chính nó một phần che án sức gió cho những cây nhang phía sau, vì vậy mà những cây nhang ở sau kia vẫn cháy tốt và khà được hơi nóng châm thêm sức nóng dễ cháy lại những cây nhang đầu gió. Nhờ sự hợp tác đứng chung của các cây nhang tất cả không bị gió thổi tắt.

Hiện nay tình hình quốc gia và tín ngưỡng tôn giáo bị xói mòn niềm tin bởi có quá nhiều tổ chức riêng rẻ, phe nhóm, một số không thích vào phe nhóm nào thì hành động lẻ loi, đơn độc; cá nhân thêm cá nhân, tổ chức thêm tổ chức, chùa thêm chùa, sống biệt lập với những cá nhân khác, tổ chức khác, chùa khác, mỗi chỗ sống cho mình một thế giới riêng, có đấu tranh hay cạnh tranh để thể hiện mục tiêu chính đáng cũng hướng về mình hơn là vì quốc gia, tôn giáo. Thay vì chống quân xâm lăng, những kẻ bán nước hại dân, họ lại chống những anh em cùng chiến tuyến với mình mà khác đơn vị, tổ chức tôn giáo hay chính trị. Nhân dân trong một quốc gia, sức mạnh của nhân dân là sức mạnh của quốc gia dân tộc, nếu nhân dân trong quốc gia chia năm xẻ bảy sức mạnh đâu còn để đẩy lùi quân xâm lược hay những kẻ ỷ quyền bán nước hai dân, chuyện mất nước không tránh khỏi. Cá nhân dám đương đầu đòi quyền tự do cho đất nước là gan dạ nhưng thiếu đoàn kết để cùng ai đó che chở, chống đở tiếp thêm sức mạnh thì… như một cây nhang và tám cây nhang đốt trước gió… đưa ra từng chiếc đủa, dù một trăm triệu chiếc cũng bị bẻ gảy, nhưng chung một bó đủa chừng một triệu chiếc thôi, chắc chắn sẽ được bảo toàn.

Việt Nam ta không phải đến bây giờ mới nhìn thấy mưu đồ cướp nước của Trung Cộng. Hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam Trung Cộng cũng đã tấn công chiếm rồi và đặt lên đó bảy hòn đảo nhân tạo, ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá trong vùng Trời biển của mình cũng bị tàu Trung Cộng rược đâm chìm thuyền, ở Vũng Án nhà máy Fomosa của Trung Cộng thảy độc, nhân dân bốn tỉnh và đất đai bị nhiễm độc nặng, cá dưới biển chết tuyệt chủng, mấy năm qua nhân dân trong vùng bị hại bởi chất thảy độc địa của nhà máy, chịu đói khổ chưa nguôi thì Trung Cộng dở thói tiến sâu hơn nữa cho mưu đồ cướp nước. Ỷ là đàn anh cộng sản với nhà nước Việt Nam họ đòi Việt Nam cho họ mướn đất 3 tỉnh 3 miền Nam Trung Bắc đặt 3 đặc khu kinh tế để khai thác tiềm năng kinh tế của Việt Nam chảy vào kinh tế Trung Cộng. Trước mối họa xâm lăng của Trung Cộng, để thoát khỏi chúng, nước nhà rất cần sự đoàn kết của toàn dân mới đầy đủ sức mạnh giữ an bờ cõi. Xưa trong thời Pháp thuộc Đức Thầy viết bài “Gọi Đoàn” để kêu gọi sự đoàn kết toàn dân, xin trích:

“Thương dân ruột tím gan bầm,
Rửa chưa xong hận còn căm mối hờn.
Nay chẳng lẽ ngồi đờn những bản,
Vong quốc ca cho bạn chung nghe.
Thôi thì ta hãy hiệp bè,
Cùng nhau đoàn kết đặng khoe sức hùng.
Khắp Bắc, Nam đùng đùng một trận,
ấy mới mong quốc vận phản hồi.
trước là dẹp lũ Tây bồi,
sau đưa quốc tặc qui hồi diêm cung.
Nếu nay chẳng vẫy vùng cương quyết,
Thì ắt là tiêu diệt giống nòi.
Muôn năm chịu kiếp tôi đòi,
Thân người như thế còn coi ra gì ?!”

Việt Nam ngày nay không còn chịu cảnh Tây bồi hay quốc tặc nhưng đáng sợ hơn là nhân dân hằng ngày phải chứng kiến Trung Cộng mỗi lúc bành trướng họa xâm lăng lên dãy non song gấm vóc của tổ tiên. Ba đặc khu kinh kế là chiếm lãnh ba miền đất nước, rồi còn nào là chương trình học đường của bộ quốc gia giáo dục cắt môn tiếng Anh thay vào đó là tiếng Tàu. Họ muốn gì đây?

Tôi xin lập lại những câu đáng ghi nhớ trong bài “Gọi Đoàn”, chỉ phải:

Khắp Bắc Nam đùng đùng một trận
Ấy mới mong quốc vận phản hồi…

Nếu nay chẳng vẫy vùng cương quyết,
Thì ắt là tiêu diệt giống nòi,
Muôn năm chịu kiếp tôi đòi
Thân người như thế còn coi ra gì ?!

Tình hình tôn giáo: Với PGHH hiện nay độ phát triển còn quá nhiều trì trệ, sự trì trệ nầy cũng do thiếu tinh thần đoàn kết mà ra. Khi tôn giáo bị tước mất quyền tự do tôn giáo, đưa PGHH ra ngoài vòng pháp luật, nhiều tín đồ cúng lạy ngày hai thời còn phải sợ chánh quyền phát hiện mình đi theo một tôn giáo ngoài vòng pháp luật không dám công khai hình thức đạo, đọc Sám Giảng trong tâm, tu hành lén lút. May thay, có những tín đồ lòng gan dạ sắt hiểu chuyện gì nên làm là làm, đứng ra đòi hỏi quyền tự do tôn giáo với nhà nước. Qua đòi hỏi cương quyết, nhà nước giảm hạ cường độ đàn áp, cho ra đời một ban đại diện PGHH và công nhận tính hợp pháp người đạo được đọc công khai quyển Sám Giảng giáo lý, đồng thời cho tín đồ làm lễ cúng hai ngày kỷ niệm: Ngày khai sáng đạo PGHH 18 tháng 5 và ngày lễ Đản Sanh Đức Thầy 25 tháng 11 âl hằng năm, theo pháp luật nhà nước quy định. Được chút ít tự do tôn giáo tín đồ rất là mừng, nhưng các đồng đạo đang kê vai trong việc đấu tranh thấy tự do tôn giáo trong sự vẽ vồng của pháp luật nhà nước xã hội chủ nghĩa còn quá nhiều hạng chế ví dụ như: tín đồ không được ứng cử bầu cử công khai vào giữ chức vụ trong bộ máy giáo hội, nhà nước đưa đảng viên hay những tín đồ thân cộng vào các chức vụ điều hành giáo hội, quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý nhà nước cắt bỏ phần Thi Văn chỉ cho ấn hành phần Sắm Giảng mà thôi … người tín đồ đòi hỏi với nhà nước những điều còn bị hạng chế là đòi hỏi đúng đắn, lở có bị bắt đánh đập hay vào tù thì một số đông đồng đạo khác, cho dù có hưởng chút tự do tôn giáo của những người bị đánh đập, tù đày đòi được, họ theo phía chánh quyền, chê bai, mạ lỵ, buộc tội đồng đạo mình. Trong đạo mà tinh thần đoàn kết không có thì đạo sẽ bị ép, một khi đạo bị xử ép người trong đạo cũng bị ép mất quyền tự do tôn giáo. Đức Thầy kêu gọi môn đồ:

“ Chớ chia rẻ phải đồng tâm lực
Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.
Chấn hưng Phật Giáo học đường,
Dưới trên hòa thuận chon đường quy nguyên.”

Chẳng những đồng tâm thôi mà còn đồng thêm sức lực, cái tâm suy nghĩ nếu không dùng lực để thực hiện những điều mình suy nghĩ kết cuộc như không.

Tôi dùng từ “lở có bị” chữ “Lở” không hiểu theo nghĩa phạm tội mà lở đây có nghĩa là lở-làng, xui rủi khi gặp chánh quyền, công an không thích những người hoạt động tôn giáo trong địa bàn họ, họ nâng quan điểm     biến người hoạt động tôn giáo vào khung hình phạt khác, chẳng hạng như: Gây rối công cộng, gây rối trự tự an ninh hoặc chống người thi hành công vụ… những tội không dính líu với bản thân của người đòi hỏi quyền tự do tôn giáo.

25/6/2018

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018


ĐỪNG TRÁCH TRỜI, HẬN NGƯỜI

Là tín đồ nhà Phật thì phải học Phật, trong học có môn học về nhân quả, phải tin tưởng luật nhân quả của Phật thuyết. Ai cũng nói là tin nhân quả nhưng cứ nhìn cách sống là biết ngay người nào chưa học hiểu và hành động rõ ràng về thuyết nhân quả của Phật Giáo.
Mỗi khi làm ăn thất bại, cuộc sống khó khăn, nhà ở không đàng hoàn vững chắc, ăn uống thiếu cao lương mỹ vị không đủ yêu cầu dinh dưỡng, cơ thể suy mòn thành bệnh, khi bệnh không có tiền trả viện phí, nằm nhà chờ chết hoặc đi vay nợ nữa sau phải trả vốn lẩn lời, tài sản tiêu hao. Buồn bực trách Trời Phật không công bằng, cho người giàu giàu lên phơi phới, người nghèo nghèo mãi không thôi, ganh tỵ với kẻ giàu sang, học cao, làm ăn giỏi và thông minh hơn mình, đôi lúc có ác cảm nặng nề với họ.
Chỉ vì cuộc sống khó khăn mà trách Trời, giận người trong khi Trời và người không động phạm gì đến chúng ta. Bị khó khăn về cuộc sống là do chúng ta làm ăn không giỏi, tính không tới, khi tính tới mà làm không tới thì có tính cũng bằng không. Đưa ra lý thuyết người ta nghe bắt ham mà bản thân của người thuyết cho người ta bắt ham làm chẳng việc nào xong. Ví dụ chúng ta sống nghề trồng trọt, nhiều người cũng hành nghề như mình nhưng ruộng người ta chăm bón tốt, lúa trúng, thu hoạch mỗi công mỗi tấn lúa lấy lên còn chúng ta chỉ chừng 30 giạ một công, có 6 trăm ký lúa so với 1000 ký, thua quá xa. Làm dở như vậy nghèo là phải chứ Trời không giúp ai nhiều, cũng không hại ai ít. Người bạn trồng trọt bên cạnh cũng không muốn cho ta thất thu hay hiếp ta việc nầy việc khác. Họ cũng muốn được vui khi thấy mặt môi ta có nở nụ cười. Việc làm dở của chúng ta là NHÂN từ nhân đó mới ra kết QUẢ giàu nghèo.
Người chăm sóc hoa màu kỷ lưỡng, thường hay ra đất cây trồng dòm ngó, nhờ thế lúa chỗ nào thiếu phân, đủ phân hay dư phân là biết và khi phát hiện những chỗ thiếu phân họ lập tức hành động cứu nguy ngay chứ không chần chờ. Thường thăm ruộng, cây lúa có bị sâu mò phá hại, chủ ruộng hay sớm sẽ trừ hại sớm không hư nhiều, chứ người chủ ruộng mà bỏ bê công việc chăm sóc, sâu mò cắn tan nát mới hay là lổ to. Khi thấy sâu mò hại lúa, người có chuyên môn nghề nghiệp biết loại sâu mò đó dùng thuốc nào mới tiêu diệt được chúng và xử lý thuốc cách nào mới được hiệu quả đúng như mong muốn, đánh một trận là xong ngay.
Làm chủ ruộng nếu không siêng năng chăm sóc thửa ruộng của mình, ít ra đồng và khi ra đồng, lúa nhiều chỗ thiếu phân không hay, cỏ lên như rừng cũng thây kệ nó, sâu mò đeo cắn tơi bời mới chạy đi mua thuốc trị, nếu chưa đạt nghề nghiệp chuyên môn mua thuốc cũng chưa chắc đúng hiệu và xử lý đúng cách, đánh một trận không xong, đi mua thêm thuốc đánh trận hai trận ba, đã hao tiền vốn, mất nhiều thời gian mà kết quả chỉ chừng như gượng gạo. Cây lúa sanh bệnh lâu hóa thành tật, còn sức đâu để cho nhiều bông trái, thu hoạch thất bác là phải thôi. Tại mình dở chứ tại Trời tại người đâu mà trách Trời giận người?
Bạn thấy đàng xóm, hễ trong nhà có thân nhân bệnh, bất cứ họ ở vai vế nào, Ông Bà, Cha Mẹ hay những trẻ con, búp bé, đều được mọi người cùng lo, không ngại tốn công sức, hao tiền cho việc tìm thầy hay, dược giỏi hoặc đưa đi điều trị ở những bệnh viện chuyên khoa. Nhà bạn không được diễm phúc đó, đôi khi vì bạn hay bậc sanh thành của bạn trong cuộc sống không quan tâm ai nhiều hơn bản thân mình, với cha mẹ thì thiếu bổn phận của người con hiếu thảo, với vợ con thì thiếu trách nhiệm làm chồng làm cha chính là cái nhân vô tình nữa sau sẽ gặp quả vô tình. Hồi đó mình lo cho cha mẹ, vợ con là “ lo hờ” thôi thì nay mình bệnh người ta lo hờ lại. Tại mình gieo nhân vô tình phải trả quả vô tình. Đừng thấy cả nhà người ta thương nhau mà mình cai cú khó chịu, tự ái tuyệt giao.
Người kia đi tới đâu cũng được bạn bè quan tâm, chào đón và xin được học hỏi mà mình không được vậy cảm thấy buồn lòng, cai cú khó chịu, họ chào người đi chung với mình nhưng không chào mình, nghĩ tới là tự ái phải không? Chỉ biết tự ái dồn dập cho sanh chuyện trong lòng, dây đang suôn cũng cố mà buộc cho thắc gút. Tôi nhớ lúc xưa có đọc bài thơ như vầy:
“Lưỡi cày để séc đã lâu
Thấy cuốc sáng sủa câu mâu phân bì.
Cuốc rằng: Anh trách cũng kỳ,
Tôi ra ngoài ruộng suốt ngày lao lung,
Thế nên tôi mới sáng trưng.”
Ngoài tính nhân quả hiện tại đôi khi chúng ta chịu ảnh hưởng nhân quả đời trước của mình đã phạm lỗi là nhân để kiếp nầy gặt hái cái quả bất lành đó. Tại sao ta học một bài ca hay nghe một câu chuyện bá sàm thuộc nhanh hơn là học Kinh Giảng của Phật trong khi đó cũng có những người chỉ nghe hay chính mình đọc Kinh Giảng một đôi lần là thuộc làu lòng? Phải chăng người đọc học Kinh Giảng thuộc chậm hơn học bài hát và câu chuyện bá sàm vì tính ca hát, bá sàm là môn sở trường của vấn đề học tập? Đối với họ, học Kinh Giảng chỉ là duyên hờ thôi đâu thể lấn chỗ, lấn sân sở trường. Muốn đọc học Kinh Giảng là môn sở trường phải chịu cực khóa bít chuyện học ca hát lại và mở rộng thời gian học Kinh Giảng: học trên bàn, học ngoài bàn thậm chí đi đâu hoặc vào đồng ruộng mầng cỏ, be bờ, bón phân, bơm nước… dò dẫm lại đoạn Kinh Giảng lúc mình học trên bàn, miệt mài như vậy thì não trạng sẽ thay đổi tối thành sáng, mê ra ngộ.
Mình tu người ta cũng tu, nhưng người ta tu trúng được cái gì mà mặt mày tỉnh táo, hoan hỉ… còn mình thì cứ ùng ục ùng ục chuyện thế gian cho mặt mày cao có, giận hờn, đôi khi đổ quạu lên tới đỉnh với những chuyện không đâu. Người tu mặt mày tỉnh táo, hoan hỷ nói trên, phải chăng vì họ dám dứt bỏ chuyện thế gian trên đường tu niệm. Họ sống trong mật thất của chánh Niệm, chánh tư duy. Ở trong hai điều chánh nầy không chấp nhận sự có mặt của tà tư vọng tưởng đến làm náo loạn hiện trường, hiện trường của các vị tu nầy là một màu phẳng lặng. Còn ta tu, ta luôn tự hào hơn các vị ấy, thậm chí chê bai các vị đáng yêu đáng kính ấy thế nầy thế nọ, thấp thỏi hơn ta. Ví như các vị ấy có thấp thỏi hơn ta thì ta nhẹ lời khuyên chứ không chê bai chỉ trích, hoặc để hỏng thẳng họ từ từ tiến lên, còn ta bây giờ đang đi trên đường về Phật, hãy hành động ngay các điều Phật dạy mà rửa sạch tấm lòng, cứ kéo chuyện thế gian theo hoài thì con đường về Phật mỗi lúc mỗi dài thêm, đi suốt kiếp cũng không tới. Có tu mà không có tỉnh, có niệm mà không giữ được chánh niệm, mỗi lần công phu như vậy là bị lép, đứng tại chỗ trên con đường người ta đang đi về cõi Tịnh Độ.
Cũng giống như những nhà nông nói trên, làm ruộng có kẻ trúng người thất phần lớn là do tay nghề cao thấp và siêng năng hay lười biếng. đồng là tu, người coi tôn giáo như chỗ ăn gởi nằm nhờ, lo cho cuộc sống no béo, không có trách nhiệm bản thân về việc tu học. Đức Thầy trong bài LUẬN VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO mục Chánh Mạng có nêu:
“… người ta tìm đủ phương-thế bổ dưỡng thân xác mình, làm cho trí huệ càng ngày càng thêm mờ ám, ngu đần, không còn lo lắng đến sự tiêu diệt.
Thế nên, hãy xa lánh những điều làm tinh-thần bị đen-tối; bỏ hết đài-các xa-hoa, thân mình tự-chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh; thiền định đặt làm thể, trí-tuệ đặt làm mạng, linh-hồn nhập liên-hoa, siêu-sanh vào cõi Niết-Bàn.”
Người tín đồ xem việc tu hành là tối quan trọng, ngoài việc gắng sức công phu mà thấy chậm tiến, có trách là trách mình không minh lòng sạch dạ “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách” để mà sách tấn hơn nữa, gột rửa trần tâm hơn nữa. Mê hay ngộ là việc của ta, tự mình giải quyết thoát mê khai ngộ chứ Phật Trời không giúp cũng không hại ai, các Ngài chỉ tỏ lời khuyên nhơn sanh hành thiện tránh ác, bỏ vọng theo chơn; lời khuyên như vậy kết cuộc thế nào là do chúng ta làm. Đức Thầy cảnh tỉnh:
“Mục Chánh-Mạng chúng sanh ơi hỡi,
Cho hồn-linh cai-quản châu-thân.
Lấy chơn-nhơn dẹp tánh phàm-trần,
Mới có thể mong về Cực-Lạc.”
Người tín đồ chuyên tu hay không chuyên kết quả khác nhiều, giống như nhà trồng trọt giỏi hay dở ra kết quả thất với trúng dẫn đến sự nghèo giàu. Tu mà siêng năng như ông chủ ruộng siêng năng, kết quả nhất định trúng mùa.
21/6/2018

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018


Lễ KHỞI CÔNG CẤT CẦU TÌNH THƯƠNG

sáng sớm ngày 29 tháng 4 năm Mậu Tuất – 12- 6- 2018 chúng tôi từ An Giang đi trên chiếc xe 16 chỗ ngồi thẳng đến địa điểm cất cầu từ thiện làm lễ khởi công. Để chuẩn bị cho lễ khởi công, chúng tôi sắm sẵn mọi thứ: một tấm băng treo trong đó có đặt tên cây cầu nầy là cầu TÌNH THƯƠNG và một bàn hương án có hoa, nhang, đèn, dâng lễ khấn nguyện các thần linh sở tại cho xin đất cất cầu. Quý vị đại diện của ba thành phần: Nhân dân địa phương, đội cất cầu từ thiện, và nhà quyên góp tài chánh đồng khấn vái:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật. Kính nguyện Đức Phật Thích Ca, Đức Phật A Di Đà từ bi cảm ứng chứng minh lễ khởi công cất cầu từ thiện của chúng con.
Kính nguyện các bậc vô hình trên trước làm chủ và bảo vệ đất đai sở tại, kính nguyện các anh linh tử sĩ tử vì Tổ Quốc ở lãnh địa miền xa nầy: Hôm nay 29 tháng 4 năm Mậu Tuất, đội bắt cầu từ thiện gồm những tín đồ PGHH đến từ tỉnh An Giang hợp cùng bà con cô bác địa phương ấp Mương Đào b, xã Vân Khánh, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang chung sức chung lòng bắt cầu từ thiện giúp đồng bào dân làng và các em học sinh đáng thương đi trên cầu nầy qua lại trường học an toàn. Chúng con xin được các Ngài cho phép khởi công và hộ độ đội bắt cầu từ thiện, bà con cô bác địa phương đã chung tay làm thiện sự nầy gặp điều may mắn và cây cầu sớm hoàn thành tốt. Xin kính bái các Ngài.

Làm lễ khởi công xong, một đồng đạo trong đội cất cầu từ thiện mời gom bà con ngồi lại nghe trình bày những điều cần thiết cho chương trình làm cầu gồm có những gì, nhất là đặt nặng vấn đề kêu gọi sức trẻ của bà con dân làng cộng tác, Ông nói: thưa quý bà con dân làng, đội cất cầu từ thiện của chúng tôi nếu có mặt đầy đủ chỉ chừng mười vị mà phần nhiều là u năm mươi, chúng tôi đãm trách về mặt kỷ thuật, ngoài ra mọi chuyện xin nhờ bà con đây giúp sức. Nhất là Cô Năm chủ nhà và Anh Ba chủ đất cho cất cầu từ thiện, nhị vị ở vai ban tổ chức tại địa phương, xin kêu gọi sự ủng hộ của sức trẻ trong thôn mình đến đây chung tay làm thiện sự với chúng tôi cho cây cầu của chúng ta sớm hoàn thành tốt.
Sau lời kêu gọi, để làm phấn khởi tinh thần của mọi người trong phiên họp, vị nầy giới thiệu một mạnh thường quân có đi cùng xe trong đoàn, hứa tài trợ cho cây cầu 150 ( một trăm năm chục bao xi măng) yêu cầu quý vị ủng hộ cho nhà tài trợ nầy một tràng pháo tay.
Tiếp theo, trong đội bắt cầu từ thiện có thêm một người nữa ý kiến, nội dung cũng đề cập đến sự cộng tác của trai trẻ trong làng là cần thiết: Kính nhờ Chị Năm, Chú Ba, vai ban tổ chức ở đây thông báo rộng cho sức trẻ trong thôn mình rằng, các thợ chúng tôi đến đây làm việc thí công, phải rạch ròi như vậy để họ biết mà giúp sức. Đây là kinh nghiệm của chúng tôi, tiếng nói của những người đã bắt qua rất nhiều cây cầu từ thiện, bị vài nơi vùng sâu vùng xa xem chúng tôi là những thầu thợ cất cầu mướn ăn tiền. Đối với bản thân chúng tôi chịu tiếng làm mướn cũng không sao, có sao là khi nghĩ chúng tôi là thợ thầu làm mướn dân làng không tiếp nên tôi đồ lại ý của người nói trước là đặt nặng vấn đề nầy, bởi vì có một số địa phương ở vùng xa chưa nắm bắt thông tin về tình thương bao la của người tín đồ PGHH qua những chương trình từ thiện cộng đồng. Ở đây cũng thuộc vùng sâu vùng xa nếu ban tổ chức không rộng thông báo trong dân làng, rất có thể xảy ra chuyện tương tợ khiến người ta hiểu lầm chúng tôi cất cầu mướn nên không ai phụ giúp, nhiều trai tráng ở nhà cận bên, hoặc trong xóm qua lại lấy mắt coi chơi thì lâu lắm mới rồi được cây cầu.
Lời phát biểu của anh bạn già trong đội cất cầu từ thiện rất ngọt ngào êm thắm, dễ thương quá đi! tội nghiệp các vị đã trải qua nhiều vất vả khi gặp lúc công việc hằng đống mà không đủ người làm, sự hiểu lầm ấy cần nên nói ra với ban tổ chức ở đây để quý vị cổ động dân làng chung tay làm thiện sự. Tiếp theo về phần phát biểu của tôi:
Cách vài tháng trước, theo lời yêu cầu của cô Trúc, một nữ tín đồ PGHH có thân nhân ở làng nầy, mời chúng tôi đến ấp Mương Đào B, xã Vân Khánh, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, xem xét địa hình để bắt cho bà con cây cầu từ thiện. Lúc ấy, nhìn qua cây cầu gỗ tạp, cũ kỷ, có nhiều chỗ hư, chấp vá, chắc không riêng vì tôi, ai trông đến cũng phải cảm động, xót xa lòng.
Thấy việc nên làm, chúng tôi vận động quyên góp các nhà hảo tâm tu nhơn hành thiện, cất cầu đắp lộ, được các vị ưu ái góp tiền phước đức đồng thời còn kêu gọi thân nhân bạn bè tham gia vận động lạc quyên chương mục từ thiện nầy. Xét công cuộc quyên góp tuy chưa đủ nhưng đã tạo được niềm tin sẽ đủ, thêm vào đó, xin cất cầu từ thiện là nổi trăn trở, sợ không may bởi gặp quá nhiều sự đòi hỏi về thủ tục, nhưng may mắn được chánh quyền địa phương cho phép. Đã có thuận lợi về hai mặt tôi rất mừng và gắp rút đề nghị đội cất cầu chọn ngày khởi công. Nên nay ngày 29 tháng tư năm Mậu Tuất nhằm 12 tháng 6 – 2018 chúng tôi hợp cùng với bà con địa phương mình chính thức làm lễ khởi công. Xin trình báo với mọi người để chúng ta cùng vui.
Đội cất cầu từ thiện phục vụ nơi đây là những tín đồ PGHH đến từ tỉnh An Giang, cất cầu từ thiện tức là làm việc không lấy tiền công, yêu cầu quý bà con mình nấu cơm chay cho ăn là được. Nhờ các thợ làm việc thí công, chúng ta chỉ tốn tiền mua vật tư xây dựng thôi, nếu mướn thợ thầu khoán số tiền có thể tăng lên gần gắp hai lần, kinh phí quá cao dầu ban vận động quyên góp có hạ quyết tâm cỡ nào cũng phải trì trệ thời gian lâu nữa mới có được cây cầu cho bà con dân làng mình qua lại. Vì thế, đội cất cầu từ thiện, trong khi làm bổn phận rất mong được bà con địa phương hợp tác chung tay làm thiện sự nầy.
Để đặt tên cho cây cầu, vì có sự kết hợp của nhiều tấm lòng nhơn ái: dân làng địa phương, đội bắt cầu từ thiện và các vị mạnh thường quân có chung chí hướng giúp đời, tôi xin đại diện đặt tên cho cây cầu của mình là cầu TÌNH THƯƠNG. Nào! Hãy ủng hộ cho tình thương của chúng ta một tràng pháo tay giòn như bắp nổ đi quý vị.
Cám ơn quý vị rất nhiều.
Theo như dự tính ban đầu của chúng tôi, cây cầu nầy rất đơn giản, ngang 2 thước, dài 44 thước, chỉ bắt ngang qua kênh lộ làng với hình thức suôn đuột. Thợ nghe nói tưởng là hai bên đầu cầu có nền trùm rộng nên đã ra bảng vẽ khép kín, 200.000.000 (hai trăm triệu tiền mua vật tư là đủ). Không lâu sau thợ cất cầu đi thị sát địa hình cho chắc chắn để tất cả đều nằm trong sự tính toán trước khi khởi công. Tai đây thợ thấy hai bên bờ kênh đều nằm ven cận lộ làng, đòi phải thêm mỗi bên cái mang cá cầu thì sự lưu thông của bà con qua lại tiện lợi và an toàn hơn, nhứt là người dùng phương tiện xe mô tô khi xuống lên dốc cầu. Bởi đó chi phí mua vật tư xây dựng cho cây cầu tăng lên. Chưa hết đâu, sáng nay trên xe, đồng đạo Kha, người chủ quản những dự án cất cầu từ thiện của đội nhà ngồi cận bên, ý kiến với tôi tăng chiều ngang cây cầu là hai thước rưởi. Nghe ý kiến thôi đã lùn bùn lổ tai, có hai thước chiều ngang mà tiền lo muốn run mình run mẩy còn chưa xong. Tôi nói với đồng đạo Kha: Phải nhứt định như vậy sao? Kha đáp: thưa chú, đây thuộc vùng sâu vùng xa, dân làng nghèo, hơn nữa coi bộ người ta chưa biết gì về PGHH chúng ta là người tín đồ trong đạo đến cất cầu từ thiện hãy vì sự mở rộng ảnh hưởng tôn giáo mình, cho họ cây cầu rộng rải, chất lượng để gieo duyên nhiều nhiều TÌNH HÒA HẢO với xứ sở nầy được không chú? Cháu biết là được nên cháu đã tự động viết băng treo.
Đã viết trên băng treo rồi còn hỏi được với không gì nữa! run mình thì run mình, nhưng tôi ăn ý câu nói của Đạo Kha: để cho bà con dân làng gieo duyên với PGHH, có run mình hơn chút nữa cũng rán chịu.
Xin gởi tin nầy đến quý bà con đồng đạo đã đóng góp kinh phí, đồng thời gợi lòng quý vị nào có tinh thần từ thiện về việc “tu kiều” được cơ hội giơ cao tay ngọc, thọc tay vàng… chúng tôi xin trân trọng gởi lời mời.
17/6/2018

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018


VẬN ĐỘNG CẤT CẦU TỪ THIỆN

Cách nay gần ba tháng, nhân dân ở vùng xa nghèo khó của tỉnh Kiên Giang nhờ chúng tôi quyên góp những nhà hảo tâm bố thí cho cây cầu kênh qua lộ làng, nhằm giúp đở bà con trong xóm và các cháu học sinh đến trường. Tôi có đi thị sát hiện trường viễn sứ nầy, nơi có chiếc cầu qua kênh bằng gổ tạp, thời gian chưa đầy 6 năm thọ mạng đã bị bào mòn đáng lo ngại, có thể dẫn đến sự không may nếu bà con dân làng còn tiếp tục qua lại trên cầu và chuyện gì có thể xảy ra… Tôi thử đi trên chiếc cầu ấy, đến nhịp giữa, chiếc cầu lắc đu đưa làm tôi phát sợ, tôi sụt mình xuống, khom lưng chống hai tay đi gần như con vật 4 chân. Cảm động nổi bất hạnh của bà con và các cháu học sinh ở xứ nghèo nầy, chúng tôi hứa vận động quyên góp. Liền đó tôi yêu cầu một vị nào trong địa phương nầy làm đơn xin phép với chánh quyền sở tại chứng cho cất cầu, để trên mặt pháp luật mình làm đúng bổn phận của một công dân. Chúng tôi về, vài hôm sau dân làng gọi điện báo tin mừng đã xin được phép cất cầu.
Theo bảng thiết kế ban đầu, chiếc cầu chiều dài 44 mét ngang 2 mét, tính ra tiền mua vật tư xây dựng là 200.000.000 (hai trăm triệu). Nghĩ rằng việc từ thiện lớn lao nầy cần có nhiều bàn tay đóng góp, tôi đi kêu gọi hảo tâm của các đồng đạo quen thân ủng hộ, mặt khác tôi chụp hình cây cầu, ngày 28/3/2018 tôi viết bài mang tựa đề “ Quê Tôi Cần Một Cây Cầu” tung lên trang blog Hòa Hảo Lê, face book Triết Lê. Thời gian vận động hơn một tháng, những chỗ quen thân, nhà có tiền mà cũng hay làm phước tôi hy vọng họ sẽ giúp nhưng kết cuộc không khá lắm. Những nơi tin tưởng đã khuyên qua hết chỉ mới vài chục triệu, điều nầy khiến tôi vừa lo sợ vừa chán nản. Chán nản thôi chứ bỏ cuộc thì tôi không dám, bởi một lời đã hứa với bà con nơi ấy thì thế nào cũng phải làm tròn lời hứa của mình. Nhưng chính sự chán nản ngấm ngầm đã làm tôi suy nghĩ một cách liều lĩnh: Tùy duyên đi cho đở bận lòng, quyên góp vài tháng không đủ thì sáu tháng, sáu tháng chưa đủ nữa thì một năm hoặc hơn một năm, đẩy đưa riết có ngày cũng đủ thôi.
Tính như vậy, bổng có đứa cháu đồng đạo đến thăm tôi, hỏi qua việc quyên góp tiền bắt cầu từ thiện nay đã tới đâu rồi, tôi trả lời: tiền mới chỉ một ít mà mấy chỗ thân tín đã quyên qua hết cả, không còn chỗ nào thân hơn nữa để kêu gọi hảo tâm. Biết là tôi chán nản cháu khuyên tôi bằng nhắc câu chuyện Ông Nội tôi, do bắt cầu làm phước mà khi giả biệt cõi đời có hiện điềm tốt. Nghe nhắc tôi chợt nhớ về Ông Nội, hỏi nhanh: Làm sao cháu biết được chuyện của Nội chú hả? cháu đáp: lúc bà ba còn sống con nghe bà kể ít nhứt là hai lần về chuyện nầy.
Đúng thế, lúc ông nội chết tôi chừng 7 tuổi là cùng. Chuyện ông nội bắt cầu thí ra sao tôi không gặp nhưng những truyền nhân trong xóm kể lại nhiều chuyện về ông nghe rất hấp dẫn. Ông nội ở giồng Ông Tỏ, ấp Kiến Bình, xã Kiến An, bà con trong vùng hồi nầy muốn đi chợ mua hay bán đồ thì chỉ có chợ Vàm Nao, xã Mỹ Hội Đông là gần nhứt. Thuở ấy dân làng nghèo chiếc xe đạp rất ít người sắm nổi, đầu trên xóm dưới chừng vài chiếc của mấy ông nhà giàu, nghèo đi đâu thường là lội bộ. Mùa nước lên chống xuồng tắt đường đồng, mùa khô nếu theo đường làng có sẵn, phải vồng lộ ngã tư Kiến Bình, rẻ ra đường kênh Ông sáu Nhựa mới quẹo về chợ Vàm Nao, chịu đánh một vòng cung mất mấy giờ đồng hồ. Mùa khô đi tắt đường đồng nhanh hơn nhiều, nhưng hồi đó, đìa bào mương rạch trong đồng lại nhiều, người ta sắm như vậy để dụ cá lại ở. Mỗi mùa nước lên, nước nổi linh binh vài tháng, cá ngoài sông theo nước vô đồng sanh con đẻ cái rồi nước giựt từ từ, một số cá khôn ngoan theo nước trở ra sông, những cá mê đồng không chịu ra, đồng dần dần cạn nước, biết không ổn các loài cá rút xuống đìa bào tưởng là lánh nạn yên thân, đâu ngờ chờ khô đồng người ta tác mương đìa bắt cá.
Theo đường ranh đất mà gặp cái mương, đìa nước chận ngang, lội qua ước nhẹp mình mẩy, Ông nội tôi hay đi bắt cầu chỗ vậy. Cầu hồi đó là cầu khỉ, dân làng nghèo, phần đông ở nhà tre nên nhà thường hay trồng tre để năm ba năm thì thay đổi xác nhà, ông nội cũng vậy. Nếu ra vườn nhà thấy có tre già một mình đốn rồi vác đi, không thì xin tre trong xóm. Những nhịp cầu tre qua một hoặc hai năm thấy có độ bở thì ông nội thay cây mới vào. Người ta thấy ông nội làm một mình vất vả hỏi ông sao mà chịu cực vậy thì ông trả lời: tu kiều bồi lộ kiếm phước cho mình, cho con cháu mình sao lại sợ cực chứ!
Lúc nội chết tôi tuy còn nhỏ, cái gì có thể quên, nhưng chuyện ông chết với hạnh cách đặc biệt tôi không thể quên được. Sau nầy lớn lên phát tâm tu tôi biết trân trọng thì chuyện ấy càng khắn khít trong lòng: Lúc ông nội bệnh nặng sắp giả từ dương thế, nằm thiêm thiếp trên chiếc chõng ở gian nhà trước, đầu day vô buồng nhà, chân duổi thẳng ra sân đường, các cô chú đã hội tụ đầy đủ, bổng ông nội kêu đở ông nằm quay đầu lại, kê cho mặt mắt ông nội hướng ngay ngôi thờ Tam Bảo, chơn dung Đức Thầy, ông gượng mở mắt nhìn ngôi thờ, đôi môi mấp mái Niệm Phật hay khấn thầm điều gì đó rồi khép mắt lại ra đi trong sự yên lặng.
Nhờ người cháu đồng đạo nầy nhắc lại chuyện xưa của ông nội tôi bắt cầu làm phước, khiến lòng tôi giựt dậy niềm tin bao lao sẽ cất được cây cầu một ngày gần đây thôi. Liền đó, cháu ủng hộ cất cầu 5.000.000. Dường như cháu là cái trớn đẩy tới, tôi nói với cháu ấy: vậy chú cũng đóng góp 5.000.000 mở hàng muộn nha. Sau việc nầy là duyên lành đưa tới, có cuốc điện thoại mời tôi đi dự tiệc, sự thật là mình không muốn tham gia chuyện ăn uống nầy nhưng đang làm công tác lạc quyên, đến chỗ như vậy biết đâu là dịp tốt. May mắn tôi gặp một Việt Kiều Mỹ nhơn đây tôi trình bày về việc quyên tiền cất cầu từ thiện, chú em Việt Kiều nầy xin được đóng góp năm trăm Mỹ Kim.
Liên tục mấy ngày sau và sau nữa có đồng đạo gọi điện thoại đến giúp năm triệu, mười triệu, hai mươi triệu và có người rất mạnh mẽ, là em trai của Việt kiều nói trên qua một cuốc điện thoại từ đảo Phú Quốc gọi về, hứa giúp cất cầu năm chục triệu. Trên tin nhắn messenger một phụ nữ từ Sài Gòn hỏi xin chia sẻ bài viết “Quê tôi cần một cây cầu” để có dịp khuyên bạn bè đóng góp. Tôi đồng ý và nói lời cám ơn người phụ nữ chưa từng quen biết nầy. Sau đó quyên không được nhiều tiền, qua một cuốc điện thoại với tôi, cô nói giọng ngượng nghịu là tiền giúp cất cầu từ thiện chỉ được một triệu thôi, và con gởi thêm cho chú một trăm ngàn để chú làm lệ phí, mong chú thông cảm đừng phụ lòng con.
Tôi nói trong bụng: Không mong chú thông cảm thì chú cũng thông cảm cháu ạ. Đối với tôi đóng góp một triệu đâu phải là ít mà cô ngại. Quí ở tấm lòng từ thiện, bởi thế từ bao giờ trong nhân gian có câu “của ít lòng nhiều” ăn thua là tấm lòng, dù năm ba mươi ngàn cũng là quí, mỗi người giúp một ít, nhiều người hiệp lại sẽ thành ra số nhiều, không phải ca dao Việt Nam bảo như vầy sao “ Một cây làm chẳng nên non, ba cây dụm lại nên hòn núi cao. Với Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Thầy kêu gọi môn đồ “Hiệp nhau làm phước rõ lòng hiền nhơn”, có làm phước, không những là tu kiều bồi lộ, bất cứ việc giúp đở nào cho người khác, ít nhiều gì, hễ đúng với mục đích từ thiện đều là làm “rõ lòng hiền nhơn” cả.

Tính đến ngày rằm tháng tư năm Mậu Tuất 2018 tổng kê các nguồn vận động quyên góp tài chính hiện có: 160.000.000 (một trăm sáu mươi triệu) chúng tôi liền kêu thợ khởi công. Toàn đội thợ cất cầu cũng làm từ thiện, hứa ngày 29 tháng 4 – 2018 sẽ bắt tay vào việc.
Thật vậy, hôm qua, đúng ngày 29 tháng 4 năm Mậu Tuất (nhằm 12 tháng 6- 2018) đội cất cầu từ thiện là những tín đồ PGHH đến từ tỉnh An Giang hợp cùng với bà con cô bác địa phương ấp Mương Đào B, xã Vân Khánh, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã chính thức làm lễ khởi công, động thổ.
13/6/2018

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018



NHẮC NHỞ PHẬN SỰ


Phận sự ở đây nói trong phạm vi đạo đức, tất nhiên người có phận sự phải chuyên lo hành đạo và làm việc có ích lợi cho đạo. Tín đồ PGHH có hai thời cúng lạy mỗi ngày là hai cữ công phu tu tập. Đức Thầy dạy:
“Sớm chiều bình đẳng chớ lơi
Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai.”
Và:
“Giúp người đói khó nhu mì
Dạy nó tu trì niệm Phật làm ngay”.
Phận sự của tín đồ, nếu đã quy y vào đạo mà không thủy chung với đạo bằng tự mình tu tâm dưỡng tánh, làm việc có ích cho đời, đem lòng mê danh, mê lợi, mê tình hay mê bất cứ gì khác, sa súc bỏ đi cử công phu, cũng không thiện sự với ai thì đáng được “nhắc nhở… phận sự” để không chìm đắm quá sâu trong cõi tạm, đắm đuối ngoi lên không nổi. Đức Thầy khuyên:
“ Bổn

đạo ôi! Hãy rán sửa mình.
Cuộc dạy đời ta lắm công trình,
Làm chẳng trọn uổng thay một kiếp”.
Một số tín đồ lười biếng công phu, bửa nào siêng thì cúng không siêng âm thầm thông qua, mầng cho cố sát chừng tới giờ cúng bái là than mệt, gượng cúng để chứng tỏ ta không kém đồng đạo nào, đọc bài nguyện cứ ngáp vắn ngáp dài mà giỏi nói chuyện trên mây xanh ngay khi mình bị chìm đắm trong nhà cửa, đất đai, tiền tài, danh vọng, cũng đọc lên lời dạy của Đức Thầy để biện hộ:
“Tu không cần lạy cần quỳ,
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.”
Và: “Còn sự lễ bái là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà làm.”
Người ta dựa vào từ “phụ thuộc” nắm chặc ở đó, quên nội dung chính của vấn đề “Nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà làm”. Như chúng ta biết, quyển Sám Giảng Thi Văn giáo lý PGHH gồm có hai phần: Giáo Lý và Giáo Điều. Thực hành hai buổi công phu mỗi ngày, giữ tám điều răn cấm thuộc về giáo điều còn lại hầu hết mang ý nghĩa giáo lý. Đối với người thường xem Kệ Giảng, có những bài, những câu rất ít khi đọc tới, huống chi những tín đồ còn quá nặng nợ với đời, chạy đôn chạy đáo kiếm danh, kiếm lợi, kiếm tình, mấy khi quởn việc, lật quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý ra xem. May là Đức Thầy sắp xếp cho giáo lý chứa đựng trong giáo điều để tín đồ học thuộc lòng mỗi ngày hai lần và đọc trong tư thế khấn nguyện chứ không buông lỏng như đọc giáo lý lúc đi, đứng nằm ngồi. Hai lần cúng nguyện là hai lần được “nhắc nhở”. Nhắc nhở gì đây? Nhắc nhở phận sự của người tín đồ khi đã nguyện hứa với Phật là “Cải hối ăn năng làm lành lánh dữ”.
Đặc biệt hơn, trong lời nguyện hứa với Phật, người tín đồ PGHH đều có kính thỉnh Phật Tổ, Phật Thầy quan thượng đẳng đại thần chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị năm non bảy núi cảm ứng chứng minh”. Vậy ta nguyện vái với Phật là từ nay “cải hối ăn năn làm lành lánh dữ” đều có các vị ấy chứng minh, đủ biết, muốn nhắc nhở tín đồ nhớ phận sự mà làm thì mỗi ngày phải cúng nguyện hai lần chứ không phải như đọc các bài giáo lý khác, bỏ cử hoặc lâu lâu mới đọc. Cúng nguyện mỗi ngày hai lần như hâm nóng hoài hoài về phận sự của mỗi hành giả là phải Cải hối ăn ngăng làm lành lánh dữ…tu hiền theo Phật đạo”. Nhờ có sự nhắc nhở mỗi ngày hai lần như vậy, sáng nầy ta đã nguyện vái “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật”, câu nguyện mới ràng ràng đây mà giờ gặp một người hiếp ta, làm điều xấu với ta đang lâm nạn, hắn rất cần có sự giúp đở của người khác, ta không vô tâm vô tình đến phải trở thành người vô nghĩa chỉ vì giận người lâm nạn nầy mấy bửa trước đã xúc phạm thân thể danh dự ta. Trong khi làm phận sự nguyện Phật độ chúng sanh ta đâu có thưa với Phật ngoại trừ kẻ xấu ác, hoặc những kẻ ta không thương không thích. Không có ngoại trừ tất nhiên ta nguyện Phật độ chúng sanh là độ họ, lời nguyện còn nóng hổi nếu ta ác cảm với họ nữa thì cái công ta mỗi ngày hai lần quỳ nguyện Phật Tổ Phật Thầy … cảm ứng chứng minh cho ta cải hối ăn năng làm lành lánh dữ chẳng hóa ra vô nghĩa hay sao?
Ngoài phận sự một tín đồ quy y ngôi Tam Bảo, ta cũng còn phận sự cháu con đối với Ngôi Cữu Huyền Thất Tổ, khi ta nguyện các vị chứng minh cho ta “ Nay con tỉnh ngộ quy y Phật, chí dốc tu hiền tạo phước duyên” thì Ông Ba Cha Mẹ quá cố rất là vui mừng, giống như lúc Ông Bà Cha Mẹ còn tại tiền, thấy con cháu hung hoang độc ác, tội lỗi chất chồng, đôi lúc phải ngồi tù, giờ ăn năng cải hối, mời cữu huyền thất tổ Ông Bà chứng giám. Thấy con cháu hoàn lương như vậy Ông Bà Cha Mẹ quá cố không vui mừng sao được?
Đến lược vui mừng thứ hai, tưởng con cháu hoàn lương cho cuộc đời của nó không gây tội ác với ai thì thôi, nó lại còn tiến xa hơn nữa, dám hứa với Tổ Tiên Ông Bà rằng “Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật Đài”. Quyết tu để trước cứu mình, sau độ siêu tông tổ. Không phải một lần hứa như vậy là thôi, phải mỗi ngày hai lần nhắc lại lời hứa cho “nhớ phận sự mà làm”, nếu không cúng nguyện mỗi ngày, quên được là quên luôn phận sự.
Nhân sinh có ba hạng: Thượng căn thượng trí, trung căn trung trí và hạ căn hạ trí. Dạng thượng với tâm địa sáng suốt, học ít biết nhiều, xem hay nghe nói sơ qua liền biết và khi đã biết rồi thì không quên: Tỉnh là không mê lại, hễ phát tâm tu là tu suốt. Dạng Trung đứng giữa thượng và hạ, tâm tánh phân hai, nếu ở gần bậc thượng ảnh hưởng theo thượng, ham tu học, sợ quả báo không dám nghĩ chuyện bất lương, chẳng may kết giao với người thấp thỏi, ngu độn, gần mực có ngày bị ảnh hưởng đen như mực. Dạng hạ căn hạ trí, con người không nhạy bén về nhận thức, hay làm chuyện hung ác để kiếm tiền, ai khuyến thiện không nghe, không tin nhân quả báo ứng, vô minh dày đặc, may mắn gặp bậc đại đức duyên sâu, lý sự diệu dụng mà cảm nhận đôi chút, vô minh liền có chỗ hở mà vùng vẫy thoát khỏi bống đen, từ đó, nếu được ở gần bậc thiện tri thức chắc chiu gầy dựng sự nghiệp trí huệ là đổi đời.
Xét ba dạng trên, ai nhìn sự thật sẽ thấy đời hạ nguơn rất ít có bậc thượng căn thượng trí, các vị ấy hễ giác ngộ sự đời theo đạo chuyên tu là mãi mãi không thối bước bỏ tu. Phần đông chúng ta thuộc hạng trung căn trung trí dễ bị ảnh hưởng cảnh “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Muốn sáng thì phải gần đèn, gần gủi bậc thiện tri thức, hoặc đọc học kinh giảng, sách vở nói về Phật Giáo để tâm tư nương tựa hoài hoài. Như tôi nói lúc nảy, Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý, lâu lâu mới mở ra đọc một lần, có câu suốt cả đời mình cũng chưa đọc tới, nhưng cúng nguyện theo tôn chỉ, giữ vững công phu của người tín đồ sáng đọc “Nay con nguyện cải hối ăn năng làm lành lánh dữ quy y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật Đạo”, chiều cũng vậy. Không phải đọc suôn kiểu trả lễ cho xong đặng suy nghĩ qua việc khác: làm dữ không hay, trái đạo không biết. Nói ăn năn cải hối phải biết lý giải, phân tích rõ các điều mình nguyện vái để nghiêm nhặc sống trong câu nguyện vái của mình.
09/6/2018

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018


ÍCH LỢI CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

Ngày nay sự cầu nguyện: cầu an hay cầu siêu phát lên rần rộ những vùng đông cư dân Phật Giáo Hòa Hảo, vì người ta tin tưởng có sự hộ trì của các đấng vô hình trên trước như Đức Phật, Đức Thầy khiến những nhà là tín đồ PGHH trước giờ thờ ơ với đạo không làm việc gì ích lợi để chứng tỏ mình một người có đạo cũng bắt đầu làm quen với việc sinh hoạt đạo sự nầy. Những tín đồ không cúng nguyện mỗi ngày, không gìn giới cấm ngay cả bốn ngày chay lạt mỗi tháng còn khi nhớ khi quên, thế nhưng, trong nhà có người thân lâm bệnh, xảy ra tai nạn hoặc chết chóc, thân nhân họ cũng vọng bàn Phật trước nhà, vang vái cầu ơn trên Phật Tổ, Phật Thầy cứu độ.
Không làm theo lời Phật dạy nhưng lòng đầy tin tưởng lời Phật dạy là đúng, để lúc nào cơ hội đến làm được thì làm. Tin tưởng vào sự nghiệp cứu đời của Đức Phật bằng đưa ra phương thức tự cứu cho mỗi hành giả, đã có tự cứu cộng thêm Phật cứu nữa chuyện tu hành sẽ thành công thôi. Giống như người làm ăn bằng vốn nhà mà được người khác giúp thêm vốn thì sự nghiệp dễ phát triển đến đỉnh điểm. Trái lại, người muốn phô trương thanh thế treo bày sự nghiệp nhà mình mà không có một chút vốn tích lũy, huy động vốn đều là tiền vay bạc hỏi, quá nhiều rủi ro rất khó mà thành công.
Những tín đồ vào đạo không cúng nguyện, giữ giới, hành thiện… như đã nói trên, bởi họ bị quá nhiều dục vọng lôi kéo không chống nổi nhưng niềm tin đối với đạo Phật là không mất, để có lúc trời quang mây tạnh, dục vọng hở ra một chút là niềm tin Phật sẽ bừng dậy trong lòng, tự cứu mình ra khỏi đam mê và tội lỗi. Từ đó duyên Phật môn mở cửa, sống chung nhà đạo với chư đồng đạo, có sự nương cậy, giúp đở lẩn nhau đồng tu đồng tiến, lúc cởi bỏ huyễn thân tứ đại trả về cát bụi để đến một thế giới trong nhiều thế giới, tỉnh tâm tìm lại lộ đồ sang Phật quốc, nhờ đồng đạo tiếp cứu và cầu Phật cứu cho mình qua thế giới Cực Lạc. Đồng đạo tiếp cứu bằng nhắc nhở niệm Phật để người sắp lâm chung đừng quên Phật lúc từ biệt cõi đời, hoặc người quá cố lâu nhờ oai lực của Phật mà nghe thấy có nhiều người đang hướng về mình niệm Phật, nguyện Phật cứu độ mình, tức khắc sẽ tỉnh tâm, tự làm hành giả trên đường về Phật quốc. Không quên Phật tức đã sống cùng Đức Phật, ai làm được điều ấy cũng sẽ theo Phật về cõi Tây Phương.
Như trên đã nói, những tín đồ thường không cúng nguyện, giữ giới theo tôn chỉ, họ bị lôi cuốn trong vòng đời mà còn tin sự nhiệm mầu của Phật, biết cầu Phật cứu độ khi gặp chuyện khó khăn, tai ách huống chi những tín đồ hàng ngày biết cúng lạy tu hành trường chay giữ giới mà không tin khả năng của Đức Phật độ tận chúng sanh sao? Một số tín đồ không tin đi cầu nguyện giúp người khác là có kết quả nên gàn cản khi thấy ai đi cầu nguyện cho người khác với lời lẽ không hay: Ông ấy, bà ấy không tu hành gì, cả đời làm ác mà nhờ người ta cầu thiện đến cho mình thật là vô lý, chỉ uổng công thôi.
Nói như thế thì lời dạy của Đức Thầy chẳng hóa ra vô nghĩa sao? “Bây giờ ta đã quy y đầu Phật, thì phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ”. Tôi vừa trích lời Đức Thầy dạy, Ngài không đề cập đến chuyện người nào đó có hành đạo hay không, thiện hay ác, ta dựa vào đâu để nói họ làm ác không cầu nguyện cho họ là phải chứ? Dựa vào đâu để nói họ không tu bị quả báo bệnh hay chết rán chịu? Bà Thanh Đề thân mẩu của Mục Kiền Liên làm ác hay làm thiện mà bị đọa tam đồ? Đức Phật dạy Mục Liên cách cứu mẹ bằng nhờ vào sức tu hành của chư tăng trong ngày tự tứ, Phật Giáo Hòa Hảo tu hạnh tại gia cư sĩ không có chư tăng mà có “anh chị em trong đạo” Đức Thầy dạy hãy nhờ “sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ” mà ta lại không tin để hành sự theo lời Đức Thầy dặn sao? Những người ăn nằm trong cửa Phật chẳng phải đã biết Đức Phật vì chúng sanh phạm tội nên lâm phàm cứu tội họ sao?
Theo tôi, nếu thực hành lời dạy của Đức Thầy “Đem sức khẩn vái của anh chị em trong đạo…” một việc làm có ba điều lợi ích lớn.
1-    Trước nhất là lợi ích về mặc tôn giáo. Quý vị có nghe thấy sự cầu nguyện cho người bệnh và người chết đã ăn sâu vào tình người, hòa nhập trong xã hội. Làm từ thiện ngày có ngày không, hoặc lâu lâu mới có một chuyện thiện để làm chứ nói đi cầu nguyện thì ngày nào như ngày nào cũng có, điều nầy đã làm phát triển, nâng cao vai trò của tín đồ lên tầng bậc người biết thương người. Tình cảnh hiện nay nếu đạo sự nầy không có hay bị bế tắt, nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, ai đói ai no mặc kệ, ai bệnh hay chết mặc kệ họ thì đạo nhà giờ ra sao?
2-    Lợi ích cho người hành giả “Đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ” người tham dự lễ cầu nguyện là thực hành câu đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cho người khác. Ai học Phật cũng đều biết mình có 3 nghiệp ác: Thân nghiệp, khấu nghiệp và ý nghiệp, hãy biến 3 nghiệp ác thành 3 nghiệp thiện. Tham gia các cuộc cầu nguyện không nhiều thì ít có ảnh hưởng tốt cho sự tu tập ác nghiệp thành thiện nghiệp. Thân quỳ nguyện thì ngay lúc đó thân không làm ác, tốt cho thân nghiệp; đi chung với người đạo làm việc đạo, ai cũng nói năng lời lẽ đàng hoàn mình cũng nhờ đó mà thưa thốt hạnh cách, đọc lên lời nguyện vái là tốt cho khẩu nghiệp; ý cầu vãng sanh hay hết bệnh là tốt cho ý nghiệp. Chủ lễ gia có đãi đằng trà bánh, ngồi chung trong bàn tròn là người đạo với nhau, thân không thể phát sinh thái độ hung đồ cường điệu thì thân không phạm ác, ngồi chung với người đạo có nói ra cũng chuyện đạo đức tu hành là miệng không phạm ác, chung lòng chung hướng cầu nguyện người ta là ý không phạm ác. Thân không phạm ác, miệng không nói ác, không gợi nhớ ác cảm với ai tất ý sẽ không nghĩ ác. Mọi người đều hòa nhập như vậy, ta là ai mà không hòa nhập để một mình nghĩ ác thôi sao?
3-    Lợi ích cho người quá cố, lâm chung. Cầu nguyện cho người quá cố hay vừa lâm chung, người sơ cơ học đạo, ít tu, tự mình không thể niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ bởi vô minh bao kín mà đường về Tây phương không thấy, để giúp họ (mà giúp họ tức giúp ta sau nầy) ta niệm Phật, nguyện Phật cứu độ vong linh họ, nhờ oai lực của Phật chuyển hóa mê tâm thành giác tâm để họ có ít nhiều tự mở sự bao kín của vô minh. Lúc sống không tin Phật tu hành, làm điều tội lỗi bị trả quả nếu không nhờ oai lực của Đức Phật chuyển hóa, khi bị trả quả chỉ biết giận giổi trách hờn nuôi lòng ghen tỵ với những ai có phước hơn mình, vô minh chẳng những không bị phá tan mà mỗi lúc tô đậm dày hơn không nghe tiếng niệm Phật cũng không thấy những ân nhân cầu Phật độ cho mình, chỉ cầu oai Đức Đức Phật là được:
“Từ bi oai lực nhiệm sâu
Độ con thoát chốn ưu sầu trần ai”.

Ta nguyện Phật cứu độ vong linh người “thoát chốn mê đồ vãng sanh Cực Lạc” bằng thành tâm, chánh tâm:
“Tây phương tuy ở cõi xa,
Thành tâm thì có Phật mà đáo lai”.
Nguyện Phật được thành tâm thì Phật phóng quang đến cứu. Ta nguyện mà Phật không phóng quang đến cứu đó không phải Phật không còn linh ứng mà do ta nguyện Phật không được thành tâm, chánh tâm. Đi nguyện cho có, hành động sơ sài rồi quen thói đổ thừa nghiệp Ông ấy Bà ấy quá nặng Phật không thể cứu nổi, mà không ngờ Phật không đến cứu là do ta thiếu thành tâm chánh tâm trong khi cầu Phật.
Xét ba điều ích lợi của sự cầu nguyện kể qua như trên, tôi không nói là có ai đó phản bác điều Đức Thầy dạy “phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ”. Trừ những vị tu hành chuyên sâu vào pháp môn, nội tâm an tịnh, hàng ngày như sống trong tịnh-thất, thiền-thất; những đồng đạo có cuộc sống bình thường còn gian díu, dính díu tình cảm, làm ăn, giàu nghèo, đẹp xấu… tinh thần đâu dễ yên trong đạo đức mà “Trừ xong ba nghiệp chướng…; như thế ta đã đi thêm được một bước trên con đường đạo hạnh.” Đi cùng với chư đồng đạo trước là cầu Phật độ sanh hay độ tử, sau là có cơ hội học hỏi đượm nhuần tình đạo. Ở nhà chưa chắc có việc thiện để làm, ba nghiệp chướng có thể quậy tưng bừng lên về cảnh chung đụng với vợ chồng, con cháu mà giải quyết ba chuyện ăn, mặc, ở. Khi đụng đến, đâu dễ gì quản lý nghiệp thân không phạm, nghiệp miệng không phạm, nghiệp ý không phạm. Đợi đến lúc xảy ra những phạm phải mà suy nghĩ lại thì chuyện cũng đã lở phạm rồi. Đi cùng với chư đồng đạo làm công tác Phật Sự chắc không có sự rủi ro nầy.
Đi cầu nguyện là một cách tu hay, tuy không đạt được đỉnh điểm của pháp môn cũng sẽ chảy gở những xúc sự.
05/6/2018