Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018


 ÔNG PHẠM THIỀU VÀ ĐỨC THẦY

Lễ đản sanh Đức Thầy năm nay, 25 tháng 11 Mậu Tuất 2018, để cung nghinh đại lễ, những điều có liên quan mà đặc biệt là sự liên quan mang ý nghĩa tôn giáo và chính trị của Đức Thầy, tôi xin trình bày, gởi đến chư đồng đạo vì sự nghiệp PGHH.
Chuyện Đức Thầy công bố thành lập đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội ngày 21 tháng 9 – 1946, tin bay rất nhanh, chỉ trong vòng 10 ngày sau, 1 tháng 10 – 1946, chánh trị gia Phạm Thiều có biệt hiệu là Trường Phong mời Đức Thầy tham chánh. Vốn biết Đức Thầy trẻ tuổi mà tài đức, thế lực quần chúng đông, có thể gánh vác việc sơn hà đuổi quân chinh phạt Pháp nhưng sao Ngài lãnh đạm thờ ơ đứng nhìn nước non bị bọn xâm lăng dày xéo, cứ như ngủ vùi không hay biết.

Sự thật thì Đức Thầy không bao giờ lãnh đạm thờ ơ với nước non, có điều Ngài không tham chánh, chánh trị triển vọng đi đến vai trò chánh quyền, làm chủ một đất nước như nhiều cáo già chánh trị khác theo đuổi. Nhiều nhà làm chính trị, khi họ quan tâm vai trò làm chủ một đất nước, cạnh tranh với các đối thủ, phe nhóm, không qua tính công bằng, họ sát phạt, trừ khử các phe nhóm không cùng chí hướng làm cho nhân tài của quốc gia bị hao mòn. Trong bài “Đồng Đảng tương tàn” Đức Thầy tỏ ý khuyên thôi đi cái chuyện nồi da xáo thịt:
“…Đương cơn quyền lợi đắm say,
Anh hùng chí sĩ râu mày thế ư ?
Đường muôn dặm lời thư một khúc,
Giờ giặc đà tá túc nhà ta,
Ai ra nâng đỡ san hà,
Ai ra cứu vớt nước nhà lâm nguy ?
Phát xít sẽ tầm truy tàn sát,
Không đảng nào mà thoát tai ương.
Nghĩ càng bực tức đau thương,
Giết nhau để lợi cho phường xâm lăng.”
Hãy xem qua cuộc đối thoại Ông Pạm Thiều mời Đức Thầy tham chánh:
Mưa gió thâu canh mãi dập-dồn,
Âm-u tràn ngập cả càn-khôn.
Hỡi ai thức ngủ trong đêm ấy,
Có thấu tai chăng tiếng quốc-hồn?
Đức Thầy đáp lời ông:
Những nỗi đau thương mãi dập-dồn,
Càng nhiều luân-lạc lại càng khôn.
Lặng nhìn thế sự nào ai ngủ!
Chờ dịp vung tay dậy quốc-hồn.
Nghe nói “ Lặng nhìn thế sự, chờ dịp vung tay” là biết Đức Thầy không ưng thuận sự mời mọc khiến ông nầy nghĩ ngợi lung tung về vấn đề thương tích, chứng tích dĩ vãng, ông dùng từ xoáy vào tim:
Sao còn khắc khoải nhớ hiềm xưa?
Trang sử chùi đi những vết nhơ.
Gìn giữ tim son không chút bợn,
Mặc tòa dư-luận hiểu hay chưa?
Ai nghĩ mà coi ! Mời người ta tham chánh đứng về phía mình, sợ bị từ chối, dùng lời buột tội trước để ép, nếu không cùng ông thì gắn cho cái tội ích kỷ, bảo thủ, “nhớ hiềm xưa”mà không chịu chung tay góp sức. Kêu Đức Thầy, vì chuyện quốc gia đại sự thì hãy “chùi đi những vết nhơ” của thời quá khứ… Ngài trả lời với ông rằng:
Từ-bi đâu vướng mối hiềm xưa,
Nhưng vẫn lọc lừa bạn sạch nhơ.
Nếu quả tri âm tri ngộ có,
Thì là hiệp lực, hiểu hay chưa?
Thật tuyệt vời, đã mang trong lòng hai chữ từ-bi đâu được phép thù ai. Hiện tại cũng không thì đừng nói chi chuyện giữ thù hiềm nhau của thời quá khứ. Nhưng không thể để cho ai đó có cơ hội lợi dụng lòng từ bi của mình ủng hộ lên ngôi chủ, quyền hành trong tay, suy nghĩ đến lợi ích cá nhân, biến quốc gia của tổ tiên, của toàn dân thành vật sở hửu của riêng phe nhóm, hại nước hại dân. Phải lọc lừa lòng dạ của những người rao bán mô hình chính trị, nếu họ sạch thì cùng nhau công việc, còn nhơ, đây xin miễn. Thấy chuyện bàn bạc, quanh quẩn phí thời gian, sau cùng ông Phạm Thiều đặt thẳng vào vấn đề:
“Chẳng khoác cà-sa chẳng chiến-bào,
Về đây tham chánh mới là cao.
Non sông chờ đợi người minh-triết,
Chớ để danh thơm chỉ Võ-Hầu.
Đành chịu mất lòng chính khách, Đức Thầy trả lời là không cùng ông tham chánh với những điều tồn động làm mất đi quan điểm hợp tác: “Nếu phải hai bên đồng hiệp trí, kẻ gây thãm kịch phải qui-hàng – mà sao chánh sách bắt dân đày, vẫn còn áp dụng vì phe đảng”. Hợp tác làm sao được! kẻ gây thãm kịch với tín đồ PGHH chưa được pháp luật khắc chế và còn cái “chánh sách bắt dân đày” của họ nữa. Mình dùng chủ nghĩa vì nước vì dân, không nề hà khó nhọc trong khi cứu nước cứu dân. Bài “Quyết Rưt Cà Sa” đã nói rõ điều ấy:
“Anh hùng đâu sá cảnh gian lao,
Chiến trận giao phong rưới máu đào.
Miễn đặng bảo tồn non nước cũ,
Giữ an tánh mạng cả đồng bào.”
Còn họ, chánh sách “bắt dân đày” cứ được nâng niu cường tráng, chờ thời cơ nên đã bỏ bê công việc đuổi quân xâm lược, lo chiến đấu giành quyền với các đối thủ chánh trị khác. Nếu mô hình chính trị của họ được sự ủng hộ của các phe nhóm dẫn đến thành công, giành được chánh quyền trong tay sẽ có hại cho sự phát triển của quốc gia dân tộc. Đã vậy lại rủ ren mình, thôi thì trả lời dứt khoác là hơn:
Thà ở trong quân mặc chiến bào,
Ngày qua sẽ biết thấp hay cao.
Nào ai đem sánh mình minh-triết,
Mà dám lăm-le mộng Võ-Hầu.
Do câu “mà sao chánh sách bắt dân đày, vẫn còn áp dụng vì phe đảng” ta biết ngay là nền chánh trị của ông khách đến mời cộng tác, không dẫn tới sự tốt đẹp cho nước cho dân.
Xưa Khổng Tử cùng với các đồ đệ đi qua triền núi Thái Sơn, xảy tiếng khóc nức nở của người phụ nữ từ phía rừng xa vẳng lại. Khổng Tử nghe giọng khóc thê thãm ấy, lòng xót xa, không thể giả bộ vô tình đi qua cho im chuyện. Muốn biết người phụ nữ kia vì sao mà khóc thê lương đến vậy, bèn xai Tử Lộ theo hướng âm thanh ấy mà tìm. Tử Lộ đi một chóc rồi về bẩm báo: Bạch Thầy, có người đàn bà vùi đầu khóc lóc bên nấm mồ mới. Khổng Tử nghe nói liền thân hành đến hỏi: Cớ sao giọng khóc của bà thê lương ảm đạm đến thế? Người phụ nữ nầy đáp: Cha tôi chết vì bị cọp xé, chồng tôi cũng chết vì cọp, mới đây, đứa con yêu quí của tôi cũng bị cọp bắt ăn nốt. Khổng Tức lý nói như quát: Sao không chịu bỏ đây mà đi? bà ấy đáp: Vì nơi đây không có chánh trị hà khắc. Khổng Tử nghe thế liền kêu các đệ tử dạy rằng: Các con có nghe bà ấy nói không? “Vì nơi đây không có chánh trị hà khắc”. Như vậy, ý bà nói chánh trị hà khắc gian ác hơn cả Cọp ăn thịt người.
Nếu không đem kiểm chứng ắc có người cho rằng chuyện dẫn trên không thể nào có được. Xin khoan những ý nghĩ phản bác, hãy nhìn thẳng vào Việt Nam ta đi ! sau 30 tháng 4 năm 1975, không phải khá đông những đồng bào mình đã vì, bị nền chánh trị hà khắc mà bỏ trốn ra nước ngoài đó sao? Trong suốt chiều dài lịch sử quốc gia, ngay cả những lúc đất nước chiến tranh khốc liệt, chết chóc khôn lường, đáng lẽ là phải lưu vong để tránh họa xác thân, thế mà nhân dân ta không bỏ nước ra đi ! Huống nay nước nhà độc lập, thống nhất ba miền Nam, Trung, Bắc trở lại một dãy giang san kéo dài của tổ tiên, thì nên ở để hưởng cảnh thái bình an lạc... Sự trốn chạy nền chánh trị hà khắc, nhiều người đã chết dần dưới biển hoặc bỏ xác trong rừng hoang. Tin đồn những tên hải tặc cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, hoặc những cơn sóng biển dữ dằn đã nhận chìm tàu, húc người xuống đáy sông sâu đáng lẽ là roi chừa chừa cho những ai mộng mơ chạy trốn nền chánh trị hà khắc.
Người vượt biên, nếu không may sẽ có hai ba cái lở: Lở bị hải tặc cướp của giết người, lở bị sóng biển nhận chìm và còn một cái lở đáng thương hại nữa: lở bị công an biên phòng bắt lại đẩy vào tù với tội danh vượt biên trái phép hay phản quốc cũng đành chịu đánh đổi số phận của mình coi có may mắn không. Người ta chấp nhận sự xui rủi tiếp tục trốn đi.
Xem đó, nghe thấy tin nhiều người vượt biên đã phải trả giá sự sống chết, kẻ đi sau tuy có hơi sợ nhưng sự ám ảnh mất tự do của nền chánh trị hà khắc là vấn đề cần phải giải quyết nhanh chóng, bất chấp sự hiểm nguy, nếu may mắn đến bờ tự do, không thì thà chết nhanh hơn chết lần mòn trong nền “chánh trị hà khắc”.
Sau cùng, Đức Thầy không nhận lời mời của ông Phạm Thiều.
31/12/2018


Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018


TRÍCH TẬP
TÌM DẤU CHÂN XƯA và CHUYỆN BÊN THẦY
Đã đọc biết về chuyện “Sấu Thần” của Ông Vương Kim, con Sấu có 5 dò đề cập trong “Đời Thượng Nguơn”, từ nơi con Sấu có 5 dò sau nầy người ta còn gọi con Sấu ấy là 5 Chèo. Nhưng viết quyển Sấm Giảng “Khuyên Người Đời Tu Niệm” Đức Thầy không gọi tên 5 Chèo hay Sấu Thần mà nói chung chung là “Nghiệt Thú”. Tên Ông 5 Chèo hay Sấu Thần, tưởng đã phát sinh từ Bửu Sơn Kỳ Hương với tích Ông Đình Tây nuôi Sấu và Phật Giáo Hòa Hảo vén màn huyền diệu:
“Chừng ấy nổi dậy phong ba,
Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục tùng,
Bá gia mới biết người khùng là ai.”
Thế nhưng mới đây tôi may mắn đọc được quyển sách mỏng, nhàn đề: “ Tìm Dấu Người Xưa và Chuyên Bên Thầy” của tác giả Thanh Tâm, mới hay sự tích Sấu Thần nói trên là lời tiên tri trong Sấm Trạng Trình, và là câu chuyện Đức Thầy nói với Ông Hương Quản Diệp. Tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.
                               SẤU THẦN
Một buổi sáng đẹp trời, ánh sáng ban mai tỏa xuống sưởi ấm vạn vật, sau một đêm tối lạnh lùng. Đức Thầy đi xe đạp từ Tổ Đình xuống đường hồ. Đức Thầy ghé nhà ông Bảy, rủ đi Mỹ Hội Đông.
Ông Bảy mời Đức Thầy dùng cơm, Đức Thầy bảo dùng cơm rồi nên Thầy ngồi chờ. Đức Thầy hỏi:
-         Hương Quản có cuốn Sấm Trạng Trình không? Đưa cho Thầy mượn.
Ông Bảy mở tủ lấy quyển Sấm Trạng Trình cung kính đưa cho Thầy.
Sau khi dùng cơm xong, ông Bảy dắt xe ra thì Đức Thầy kêu ông bảo:
-         Trong Sấm Trạng Trình có câu:
“Thủy trầm nhỉ bất kinh
Ký mã xu dương tẩu”.
Hương quản có hiểu không?
Ông Bảy liền thưa:
-         Bạch Thầy! Sấm Trạng Trình khó hiểu quá! Nhờ Thầy giải nghĩa hai câu Sấm đó?
Đức Thầy xếp quyển sách lại rồi giảng giải:
-         “Thủy trầm nhỉ bất kinh” là con sấu Thần trầm mình dưới sông. Khi có tiếng Sẩm nổ thấu vào tai khiến giật mình thức giất. Sấu chuyển mình làm sụp đất rồi trườn lên bắt người ta ăn thịt. Mỗi lần ăn 500 người, máu đỏ cả sông.
“Ký mã xu dương tẩu” là người tuổi mùi thâu phục con sấu Thần và nó biến thành con long mã. Người đó cỡi nó bay đi cứu an bá tánh.
Đức Thầy đưa quyển Sấm Trạng lại cho ông Bảy. Sau đó Đức Thầy và Ông Bảy lên đường. Đi một đoạn đường xa mới đến bến đò qua sông Vàm Nao.
Xuống đò sang Mỹ Hội Đông, ông Bảy ngắm nhìn cảnh vật. Con sông Vàm Nao vào tháng giêng nước chảy êm đềm. Mấy đám lục bình rải rác trôi theo dòng. Ông Bảy nhớ lại lời Đức Thầy đã nói mà thấy khiếp sợ con Sấu Thần đang nằm ngủ dưới đáy sông. Có điều nó chỉ ăn thịt những người hung ác, như lời Đức Thầy cho biết:
“Con sông nước chảy vòng cầu,
Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha.
Chừng ấy nổi dậy phong ba,
Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục tùng,
Bá gia mới biết người khùng là ai.”
25/12/2018

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018


LỄ TANG ÔNG TRƯƠNG LONG

Ông Trương Kim Long, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nguyên quán xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (rạch Cái Tàu Thường xuôi vào ước độ hai ngàn mét). Trong giới đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo PGHH thường gọi tên ông là Bảy Long và người ta hay nhắc nhở nhau nghe về những chuyện ông tánh tình cương trực, thẳng thắng và bạo miệng. Khi bị đàn áp quyền tự do tôn giáo ông dám trực diện ăn to nói lớn trước công an, không chỉ là việc của riêng mình, nghe tin đồng đạo ở đâu bị đàn áp là lòng như lửa đốt muốn nhảy vào can thiệp. Bởi thế, phía nhà cầm quyền quan tâm rình rập đánh động điều nọ điều kia không để ông yên, lâu lâu thì gởi giấy mời ông đến văn phòng công an để điều tra xét hỏi những mối liên quan với đồng đạo có tiếng tăm trong làng đấu tranh quyền tự do tôn giáo, hoặc buột tội nầy, gài tội nọ cho ông sợ đặng chừa chừa. Nhiều lần bị gài tội lợi dụng quyền tự do tôn giáo nhà cầm quyền phát lệnh xử phạt hành chánh và cũng lắm lần ông bị đánh mang nội thương, dù sau những lần bị đánh, thân nhân của ông cũng chở ông đi thang thuốc, nhưng tuổi ngày già thêm, sức khõe như bị xuống cấp đáng ngại, vài năm trở lại đây ông bị bệnh hoạn triền miên.
Nhớ lại chuyện của ông, cách độ bốn hay năm năm lại đây thôi, một buổi chiều tôi công phu xong, ước khoảng 8 giờ tối, tôi định lật mấy quyển tự điển tra một ít từ chưa thông thoán bổng bên ngoài có tiếng gỏ cửa, tôi vội lại nhưng ngại không dám mở e có chuyện không lành. Vì chưa xác định tiếng của nên tôi chần chờ. Lại nghe kêu nữa bằng cái giọng yếu ớt, tôi hỏi ai kêu hãy nói rõ họ tên hoặc mục đích đến đây giờ nầy là gì.
Dạ tôi là Bảy Long đến cùng Năm Mãnh.
Tuy lạc giọng, yếu ớt nhưng tôi chắc là hai vị ấy. Vừa mở cửa, nhờ ánh sáng từ bóng đèn trong nhà phản chiếu, tôi hốt hoản khi nhìn thấy hai ông Trương Kim Long, Tô văn Mãnh mặt sưng và tươm máu trên tráng vết thương nứt nẻ mà thời gian chưa kịp xóa nhòa dấu tích. Tôi hỏi gì sao bị thương thế nầy? Tô văn Mãnh nói: chúng tôi đi đám cúng giỗ ở nhà chú Út Trung, vì đường xa phải đi trước một buổi chiều cho kịp sáng mai dự đám, nghe thuyết trình giáo lý PGHH. Chiều đến, chúng tôi thấy công an xã Phước Hưng bày trận, phối hợp với cảnh sát giao thông, tớp thì xông vào chận bắt người, tớp khác lại bắt xe, hai chúng tôi đứng gần đó thấy phát tức hết chịu được, buộc miệng la lên: Công an sao lại đàn áp tôn giáo, nhà nước của mấy chú đã đề trong hiến Pháp cho nhân dân có quyền tự do tôn giáo. Trên cho mà dưới bắt, các chú làm vậy là vi phạm pháp luật; đâu thể có cái kiểu người đại diện cho pháp luật lại phạm luật với những công dân bình thường trong khi yêu cầu của họ chỉ là đi dự đám giỗ và nghe thuyết giảng đạo lý.

Không để nói nhiều, chúng hai ba tên vẻ mặt hầm hầm xông tới đánh anh em tôi đến nông nổi nầy.
Cho dù có gặp  khó khăn về tự do tôn giáo, ông Bảy Long cương quyết không chùng bước thi triển lòng gan dạ sắt bảo vệ tự do tôn giáo. Những lúc gặp rắc rối bởi cường quyền ông thường đọc bài “Hiến Thân Sãi Khó” của Đức Thầy để tự an ủi lòng:
”Phận tớ xác phàm tớ sẽ dưng,
Cúng dường cho Phật, Phật đành ưng.
Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng.”
Hôm ông bị đánh thương tích nặng phải nghỉ đêm ở nhà tôi, sáng lại tôi đi mua Trật Đả Hoàn về cho nhị vị anh hùng nầy dùng để chế ngự, khắc phục hậu quả nội thương. Mặc dầu lưng ngực còn đau nhói khi phải nói chuyện nhưng Ông Trương Kim Long vẫn muốn tâm sự với tôi, ông đọc lên hai câu giảng của Đức Thầy “ Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên, phận môn đệ phải lo vun quén” rồi tự mình dẫn giải: Tình cảnh của đạo Thầy hiện nay đã quá mức truân chuyên, mặc kệ nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đề trong bộ luật có tự do tôn giáo cho nhân dân, ta hãy nhìn hành động của họ sẽ tốt hơn không nhìn mà chỉ tin lời họ nói. Tự do tôn giáo cái kiểu gì mà đương  quyền ra lệnh tịch thu hết các cơ sở của tôn giáo, giáo lý bị cắt xén, chức sắc trong đạo không được tín đồ bầu chọn, họ đưa đảng viên hoặc những người có thân thế với nhà nước vào các chức vụ điều hành, đề ra cái gọi là giáo lý viên mới được đi giảng thuyết, ai không phải là giáo lý viên thì cứ mà im miệng cho.
Đại cuộc dựng bảng Tổ Đình PGHH hai lần, lần đầu vào ngày mùng 9 tháng 11 không thành công, cách mười hôm sau, 19 tháng 11 năm Kỷ Mão 1999 tái dựng bảng Tổ Đình, Ông Trương Kim Long đến cùng chư đồng đạo kề vai sát cánh công việc, tất cả đều bị công an huyện Phú Tân tấn công đánh phá, nhiều vị bị thương tích không được đem đi cứu chửa, Ông Trương Kim Long bị đánh khá nặng đòn, thở hổn hển…  những tín đồ ưu tú vì sự nghiệp PGHH đòi hỏi và bảo vệ cương vị Tổ Đình, hôm đó, đều bị cường quyền đưa hết vào nhà giam.

Trương Kim Long và chư huynh đệ làm phản ảnh trung thực cái gọi là tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam nên được tổ chức PHONG TRÀO YỂM TRỢ TỰ DO TÔN GIÁO và NHÂN QUYỀN tặng giải thưởng, vinh danh người có công “đã góp sức cùng đồng bào trong cuộc bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam”.
Bệnh chứng nội thương không trị khỏi, lâu ngày trở nên trầm trọng. Ngày mùng năm tháng mười một năm Mậu Tuất – 11 tháng 12, 2018 Trương Kim Long từ giả cõi đời hưởng thọ 63 tuổi. Gia quyến hợp cùng bà con láng diềng và chư đồng đạo, nhứt là những chiến hửu đã cùng ông đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, đồng đến thắp nhang nguyện cầu các đấng thiêng liêng tiếp dẫn vong linh ông về miền Phật cảnh. Trong khoảng thời gian cử hành tang lễ, người hướng dẫn chương trình có phát sơ về công trạng, sự nghiệp vì đạo vì Thầy của ông, đặc biệt có hai điếu văn, một của người thiếu niên ước chừng chưa đầy hai mươi tuổi, Nguyễn năn Nhựt và một nữa của cụ Nguyễn văn Địch (sáu Địch) người chủ sự hai lần dựng bảng Tổ Đình hồi năm 1999. Cả hai bài điếu văn ai nghe qua đều ngậm ngùi thương cảm.
13/12/2018

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018


QUY ĐẦU PHẬT PHÁP
Nhân dịp cuộc hợp bàn công tác từ thiện đã qua và sắp tới, tìm giải pháp thích nghi cho công tác đạt hiệu quả đối với môn sở trường mà nhóm đang năng nổ. Đội từ thiện đây đều là tín đồ PGHH có hướng tâm về việc tu hành, mong ước ngày chung cuộc “Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc” đúng như lời dạy của Đức Thầy, vì thế, đội đưa ra ý kiến trong khi cứu an bá tánh, thanh sạch xã hội, làm từ thiện nhưng lòng phải tha thiết, khắn khích về học Phật, Phật Pháp cứu độ chúng sanh mà mỗi tín đồ đi làm từ thiện đều là chúng sinh cần phải đánh thức sự cứu độ trước hết. Sau phiên hợp được kết thúc bằng hẹn ngày khởi công cất nhà tình nghĩa cho bà con nghèo, có người hỏi tôi qua hai câu giảng của Đức Thầy như sau:
“Tu cho rõ mối huyền thâm
Quy đầu Phật Pháp khỏi lâm tai nàn”.
Đọc chứng minh hai câu trong Sám Giảng nhưng anh ta không dừng lại, thêm lý luận: Không phải tôi kém đức tin về PGHH hay Đức Thầy, nhưng thực tế vẫn còn có nhiều người “quy đầu Phật Pháp” khá nhiều năm mà tai nàn vẫn đến làm khổ hoài là sao?
Thay vì trả lời ngay, tôi hỏi lại:
Bạn cho biết một cách cụ thể hơn về tai nàn của người quy đầu Phật Pháp chưa đạt hiệu quả ấy được chứ?
Dạ được, ví dụ, hồi chưa quy đầu Phật Pháp láng diềng không ai dám hé môi khinh khi, nặng nhẹ, nay bị họ hiếp đáp đủ điều, đôi khi dùng lời bất nhã, oan ức khó chịu. Hồi chưa quy đầu Phật Pháp, vợ con trong nhà tôn trọng anh ta là ngôi chủ, xai hay dạy điều gì không ai dám cải mà bây giờ bị đối xử như tớ không bằng. Hồi chưa quy đầu Phật Pháp, tiền sinh hoạt có mức ổn định, giờ thì thiếu hụt thêm vợ bệnh, con hư mà công việc làm ăn đụng đâu lổ đó…Anh nghĩ, sau khi quy đầu Phật Pháp thì cả gia đình giống như bị nhiều cuộc tra tấn khủng hoảng. Những đều cụ thể vừa nêu, thật sự ta thấy bất lợi cho người quy đầu Phật Pháp, nó hoàn toàn phản nghĩa với điều báo trước “khỏi lâm tai nàn”.
Tôi trình bày:
Theo tôi biết, trong chúng ta đây chưa ai lâm vào hoàn cảnh khó sử như câu nghi vấn của bạn đạo vừa nêu ra; nó ở một gia đình nào đó mà bạn có lòng thương tưởng. Ta thấy ta ở hiện tại mà không thấy được cái tiền duyên của ta đã làm điều gì? Ta thảy một nắm muối vào nồi canh của mình mà ta không hay, khi dùng canh, nó mặn đến không chịu nổi, ăn không được, tức mình cằn nhằn vu vơ ai đó chớ không xét cái tiền duyên chính ta đã thảy nắm muối vào nồi, tự ngược đãi lấy mình mà trách ai làm mặn nồi canh là đúng sao?
Mặc khác của “Lâm tai nàn” mà ta không đành lòng, đã học đạo rồi thì xin lý giải tính nhân quả của nó và tin tưởng vào đó trong khi làm bất cứ việc gì đều nhớ thiện nhân sẽ có thiện quả, ác nhân sanh ác quả, để lúc nào trên tay cũng cầm thiện chứ không cầm ác, theo phải bỏ quấy. Kinh Minh Thánh có câu: “Chủng hoa hoàn đắc hoa, chủng đậu hoàn đắc đậu (Trồng dưa thì hưởng dưa trồng đậu ắt hưởng đậu) Đức Thầy cũng bảo: “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy” và Ngài nói trong sự quyết định:
“ Luật nhơn quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay
Cứ bền chí có ngày thông thả.”
Ở vào hoàn cảnh của những người đã quy đầu Phật Pháp chưa hưởng được phúc phần bởi chứng minh cụ thể nói trên, xin đừng đem lòng nghi kỵ về nhân quả không rõ ràng. Do tiền duyên chúng ta ăn ở tệ bạc hơn gấp mấy lần những điều mà ta phải trả hiện nay, nếu không nhờ quy đầu Phật Pháp sự trả quả của ta sẽ thê thảm hơn nhiều, đó không phải do quy đầu Phật Pháp mà sự trả quả của ta đã được giảm nhẹ hình thức đó sao? Nếu không nhờ quy đầu Phật Pháp ta sẽ bị trả quả bằng chung đủ số những vì ta đã vay ở tiền kiếp. Nếu không nhờ Quy Đầu Phật Pháp kiếp nầy ta tiếp tục lún sâu vào tội lỗi nữa, để không chỉ kiếp nầy mà là kiếp kiếp bị trầm luân khổ khổ. Biết được vậy cố gẳng trả thì nợ sẽ hết nhanh. Một điều quan trọng là trong thời gian trả nợ, chỉ trả thôi chứ không gây thêm nợ mới, nhứt quyết không gây.
Trong khi ta trách “quy đầu Phật Pháp” lâu rồi mà tai nàn không khỏi như Đức Thầy nói. Trách, nhưng ta có kiểm chứng chính mình về hành trạng quy đầu Phật Pháp của ta chưa? Kiểm chứng để thấy phần nội dung sự phát tâm tu hành của ta là gì? Ta thật sự quy đầu Phật Pháp bằng đem thế chấp thân mạng mình vào hành trạng khơi dậy tính Phật còn tiềm ẩn trong màn vô minh hay quy đầu Phật Pháp chỉ là câu nói suôn mà thiện không làm, phước không tích và tâm hồn mờ mờ ám ám trong lục dục thất tình??? Phải kiểm chứng chứ! Kiểm chứng để có ra một sự thật về ta như thế nào đối với việc quy đầu Phật Pháp. Nếu quy đầu Phật Pháp bằng hình thức lập ba ngôi thờ trong nhà mà chay không ăn, giới không giữ, cúng nguyện bửa có bửa không là đủ để nói đã quy đầu Phật Pháp rồi sao? Chuyện bước đầu vào đạo dễ dàng, nhẹ nhàng như vậy làm còn không xong, quy y không làm y, quy y để chứng tỏ mình có đạo nhưng không hành đạo lấy đâu ra điều tốt mà bảo “khỏi lâm tai nàn”???
Đức Thầy viết thi phẩm “Thức Tỉnh Một Nữ Tín Đồ Ở Bạc Liêu” tôi xin đọc trích hai đoạn, đoạn đầu và đoạn cuối cho quý vị nghe để làm rõ ý nghĩa của sự quy đầu Phật Pháp là thế nào:
“Trót đã quy y giữa Phật đài,
Nguyện rằng đệ tử dứt trần ai.  
Mong nhờ đuốc huệ soi đường tối,
Chớ nhiễm nghiệp phiền chớ đắm say.

Cuộc trần, ôi quá khổ !
Trường đỏ đen là chỗ nhuốc nhơ.
Biết bao người vì nó phải bơ vơ,
Sự nghiệp hết gia đình tan nát.
Sớm tỉnh ngộ lên đường giải thoát,
Lánh xa trường đổ bác chớ chen chân.
Nếu lở cơ mua tảo bán tần
Thân trí cực, nợ lần khan chẳng dứt.
Chi cho bằng:
Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời.”
Hãy kiểm chứng từ khi “Nguyện trước Phật đài… đệ tử dứt trần ai” có hành động đúng lời nguyện chưa? Cuộc trần là khổ cứ chen vô khổ mà sống cho khổ giật tơi bời rồi mếu máo với Phật, cầu xin Phật tha thứ. Xin tha thứ, nhưng quy y không làm y, ở đó mà cầu Phật tha thứ hoài sao? Thà chịu kiếp xin ăn chứ không chịu tự làm để có mà ăn sao?
Tóm lại câu “Quy đầu Phật Pháp khỏi lâm tai nàn” là lời nhủ khuyên bá tánh hướng thiện làm lành để từ đây giải hết quả căn, sống cuộc đời mới, hưởng phước, nhưng phải thực hành theo lời Phật dạy “Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”.
Dầu tôi biết, trong chúng ta đây không ai mắc phải trường hợp của câu nghi vấn nói trên, không có sự phật lòng là đương nhiên, hỏi giùm cho người khác, tôi mong rằng người nào đó đúng đối tượng thì nên kiểm điểm, nghiên cứu để cho tình trạng quy đầu Phật Pháp, khỏi lâm tai nàn là sự thật.
08/12/2018