Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

NGHI VẤN 4
BUỔI HỌC 8
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ÁC TÀ DÂM (tiếp theo)
Hỏi: “Ngàn việc dữ tà dâm đứng trước”. Dữ đồng nghĩa với ác. Đọc qua Kinh Sách nhà Phật như “Thập ác” thì ác sát sanh đứng đầu, tà dâm ở hàng thứ ba; trong “Ngũ Thường” của Thánh Nhân hay “Ngũ Giới” của nhà Phật thì sát sanh cũng ở hạng trên hết của các thứ ác. Ta thấy như thế thì tà dâm nhẹ hơn, luôn hai điểm trích nêu đều đứng hàng thứ ba. Nay nói tà dâm là ác đứng đầu hết ngàn việc ác thật tôi không hiểu, mong có sự giải đáp.
Đáp: Câu thắc mắc của đồng đạo vừa nêu rất cần thiết cho việc khai thác những tiềm ẩn trong đề tài. Nhưng nghi vấn nầy có quá nhiều lập luận; so sánh vị trí của ác sát sanh với ác tà dâm. Cái gọi là quá nhiều lập luận vì căn cứ vào kinh sách mà bảo rằng tà dâm là ác đứng đầu trong các tội ác là mới mẻ, ý lạ.
Kính thưa quý vị! Giống như một đề tài thuyết trình giáo lý, để săn sóc cho đề thuyết được chu đáo sức thu húc thì đề thuyết phải được bảo trọng tính chất chuyên môn và chuyên biệt làm sáng tỏ vấn đề. Chúng ta là con nhà Phật Giáo, qua học Phật chúng ta cũng biết các pháp đều do nhân duyên mà sanh. Khi Đức Phật thuyết qua thời kinh nào thì thời kinh ấy được chính Đức Phật cho là cao siêu nhứt. Ví dụ như Đức Phật thuyết về Kinh Di Đà Ngài nói Kinh Nầy là vua của các Kinh, tới thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Ngài bảo Kinh nầy là mẹ đẻ ra các Đức Phật, Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn cũng được Đức Phật cho là cao siêu hàng đầu: Trong nước biển dầu ở đâu cũng cùng một chất mặn, Đạo của Như Lai đem dạy bất cứ nơi đâu cũng một mục đích giải thoát mà thôi. Nếu sự học Phật của chúng ta không thông thì hay xảy ra những cuộc so đo đi đến thắc mắc về nhân ngã, pháp ngã, hiện tại làm bế tắc sự giải thoát trong kiếp sanh tồn.
Rốt cuộc kinh pháp nào mới ở vị trí hàng đầu?
Như tôi nói với quý vị lúc nảy: Phật Pháp là phương tiện cho chúng sanh tu học, nhờ vào cái phương tiện ấy mà mỗi người chọn phương tiện nào phù hợp tự cứu mình. Kinh Sách nhà Phật có câu: “Phật Pháp bất định Pháp” tùy duyên Phật thuyết pháp và cũng tùy duyên chúng sanh chọn pháp. Ta không nên tạo thêm sự mắc mớ mà hãy để suôn đường. Trong khi ta tu pháp Tịnh Độ, người khác tu Thiền Tông, phận ta ta biết, phận người khác người khác làm. Hai pháp khác nhau nhưng hai pháp đều là lời của Phật dạy, tự nó không mắc mớ, mắc mớ là do chúng ta không thông tâm. Hãy đi vào pháp tu bằng tấm lòng trong sạch. Đi ! đừng giậm chân tại chỗ mà nói pháp thiền pháp tịnh đâu cao đâu thấp. Phật pháp vì nhân duyên mà có thì người học đạo phải biết tùy duyên đặng quên đi những tranh cãi. Đừng ở Pháp Môn Tịnh Độ niệm Phật A Di Đà mà nói rằng pháp nầy là vua của các pháp rồi cho pháp nào không phải là pháp tịnh độ là dở hơn thấp hơn. Đừng dựa ở các pháp đều không của Kinh Bát Nhã rồi thì đi kiếm độ ăn thua, mặc kê các pháp có. Đức Thầy dạy:
“Chúng sanh mê nên đem pháp thuyết,
Giải thoát rồi pháp bất khả dùng”.
Giống như trong kinh Duyên Giác Phật tỷ dụ: Ngón tay chỉ mặt trăng, chiếc bè qua sông, tiếng gỏ bảng của Thầy giáo… Ngón tay chỉ mặt trăng sự giải thích của vấn đề là: Nói mặt trăng mà không biết mặt trăng ở đâu, muốn tìm mặt trăng là phải theo hướng ngón tay chỉ mặt trăng, nhìn hướng ngón tay chỉ chớ không phải nhìn ngón tay chỉ; nếu nhìn miết ngón tay thôi thì nhìn cho đến hết đời cũng không thấy mặt trăng. Ngón tay là phương tiện, khi tìm thấy mặt trăng thì ngón tay phương tiện hết xài, tự hóa không. Học sinh ồn ào trong lớp, Thầy giáo gỏ bảng làm nên tiếng ồn còn hơn tiếng ồn của học sinh, nhưng nhờ có tiếng gỏ bảng mới dẹp các tiếng ồn của học sinh. Khi học sinh bị tiếng gỏ bảng của Thầy giáo mà im phăng phắt thì Ông Thầy giáo phải biết dừng ngay, thôi gỏ bảng; nếu ông vẫn tiếp tục gỏ bảng vì giận lâu mấy đứa học trò hoặc vì vì đó thì chính Ông mới là kẻ làm ồn trong lớp chứ không phải học sinh.
Tóm lại, Phật pháp là phương tiện để chúng sanh tùy duyên chọn tu hành. Khi ngộ đạo, giải thoát thì phương tiện tự mất, như qua được bên kia bờ giác ngạn là thuyền bè không cần nữa. Đức Phật thuyết về Thập Ác cũng là pháp phương tiện để chúng sanh bỏ ác tùng thiện, pháp sát sanh đứng đầu hàng cũng là pháp phượng tiện để độ những chúng sanh hiếu sát. Mục đích là độ kẻ hiếu sát thì ác sát sanh sắp đứng hàng đầu là lẽ đương nhiên. Ác Tà Dâm ở hạng thứ thấp vì ở đây Tà Dâm chưa nhằm lúc đặt nặng vấn đề điều trị, chưa nhằm lúc coi trọng như mục đích.
Tôi nói chưa nhằm lúc bởi vì đề thuyết đang coi trọng ác sát sanh, ác sát sanh sở dỉ được coi trọng là vì Đức Phật đang đặt vấn đề trị bệnh kẻ hiếu sát mà chỗ khác, ác tà dâm xuất hiện một cách gớm ghiết hơn, câu “Dâm tâm bất trừ trần lao bất khả xuất” hoặc như hai câu đối sau đây làm rõ nghĩa hơn “Ái bất trọng bất sanh Ta bà, Niệm Bất nhứt bất sanh Tịnh Độ”. Hỏi chứ ai tu mà không hướng đến giải thoát sanh tử trong một kiếp? Nhưng dâm tâm đã đẩy mình vào vòng quay luân hồi không phải đã quá ác rồi sao? Không phải là hàng đầu của các tội ác sao? Còn nữa, câu “ái bất trọng bất sanh Ta bà” nếu không nặng lòng về ái dục chắc chắn khi chết đi không đầu thai trở lại thọ thân tứ đại chịu khổ, chẳng phải nói về tà dâm quá mức ác rồi sao?
Phật nói “Ái Dục” hay “Dâm Tâm” pháp nầy cao hơn về tà dâm gấp bội, vì Tà Dâm nằm trong khuôn phép gia đình đặt trước hôn nhơn, quan hệ tình dục trong hôn nhơn là được phép, ngoài hôn nhơn là không được phép. Ái dục hay dâm tâm nó bay cao khỏi tà dâm rất xa. Trong ý thức và sự tu hành nó không nói tà hay chánh nữa, nếu trong tâm vẫn còn động đậy bởi dâm dục là cõi hồng trần cho dù có tu lắm lắm cũng đừng hồng thoát khỏi. Ái dục hay dâm tâm là cái ác tà dâm không lộ hình tướng sự thật về thân thể. Đức Thầy cũng dạy cao hơn “… Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…, cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thoát ly ra được. Ấy về phần tà.” Trong đây có “nghĩa vợ tình chồng” cũng bị coi là tà không cần phải giải thích quan hệ trong hôn nhơn hay ngoài hôn nhơn về tình dục.
Đức Thầy thuyết Ác Tà Dâm đứng đầu ngàn việc ác cũng là pháp phương tiện để đánh đổ thói quen dục vọng mê cuồng, lên án tà dâm là tai hại nhất, để cho bất cứ ai tu muốn thoát khỏi sanh tử chẳng những không được tà dâm mà phải không dâm tâm hay ái dục. Qua thực tế, Ngài nói về tà dâm trong một đề tài tà dâm, nêu cao ác tà dâm thuộc thứ dữ đáng sợ là sự nêu cao đúng cách. Chúng ta lấy tấm gương xưa chiếu lại, Vua trị vì quốc gia dân tộc mà đắm say sắc dục, tà dâm thì mất nước, mất dân; quan đắm sắc, tà dâm thì quan mất chức, vợ chồng mà một hay hai người tà dâm là mất hạnh phúc hôn nhơn, tan nhà nát cửa. Đây chỉ nói phần hư hại sự nghiệp chưa động tới vì tà dâm mà người ta tình địch, giết hại lẩn nhau. Đức Thầy luận về ác tà dâm, giải thích tội ác của chúng xã hội thời xưa hay thời nay đều có xảy ra đúng sự thật, coi ác tà dâm đứng đầu ngàn việc dữ rất là chính xác.
30/1/2016.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét