Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI
ĐI QUANH ĐI TẮT
Gặp gở nhau để nói về một chuyến đi chung, người ta hay bàn bạc chuyện đi quanh đi tắt thì có câu dè chừng “ Đi quanh một khắc đi tắt một ngày”. Câu nói hoàn toàn nghịch lý nhưng trải bao đời nó vẫn tồn tại mãi với thời gian để gặp chúng tôi.
Mới đây chúng tôi rủ nhau viếng núi. Quy ước đi và về trong ngày thì núi Cấm là không thể, chỉ có núi Bà Đội Om phân chia thời gian là hợp nhứt. Đã chắc ăn như vậy thì thôi, cứ theo lệ mà đi. Trong đoàn có Nguyễn Vũ Tâm thường gọi là Tâm Nhà Cháy còn tính già tính non dẫn đoàn đi tắt cho dư thời giờ có cơ hội sinh hoạt đạo đức lâu hơn. Từ nhà Cô Năm Huệ ở trục lộ Tri Tôn và Châu Đốc, dưới chân núi Bà Đội Om hướng đông bắc, cách đường chính lên núi không quá ba cây số. Đoàn đi xe nhà, nếu chạy đến đó gởi mà vào núi mất khoảng năm phút dành cho những xe chạy chậm. Từ đó lên tới điểm điện “Thần Kim Qui” tốn một giờ trèo núi nữa là tới ngay, dư nhiều thời giờ cho mặc sức mà vui, tỏ bày đạo pháp khuyên tu.
Đàng nầy, Tâm nhà Cháy dẫn đoàn đi tắt, lúc 8 giờ sáng từ nhà Cô Năm Huệ xuất phát, băng ngang ruộng khô, thông thả một chút thì đến chân núi đụng rừng, luồn lách gai quàu trầy da đổ máu lắm người, leo trèo hết tảng đá nầy đến tảng đá khác để kiếm đường. Kiếm gì thì trước mắt cũng rừng bốn mặt bao vây. Bống Trời nghiêng ngả hai giờ chiều mới đến được nơi mơ ước: Điện Thần Kim Qui.
Chỗ mơ ước mà chừng tới cũng phải chịu lấy con mắt ngó rồi bái bay chứ không ở được, bụng gào đói, đây có đãi cơm từ thiện mà không dám ở dùng. Giờ giất như giục giả khách đăng trình mau mau xuống núi đặng về nhà cho kịp trước khi Trời tối.
NHỚ HÔM ĐI TẮT

Tìm đường ra mà mỗi lúc lạc sâu vô rừng. Tôi biết Tâm Nhà Cháy bây giờ rất lo ngại nên hễ đến chỗ rắc rối, lùm dây chằn chịt uể oải không đi được, ngồi nghỉ thì Tâm Nhà Cháy ngồi xa một mình hoặc cảm thấy khó chịu nữa thì đi dọn dò đường đã rồi trở lại dụ dỗ: Gần tới rồi, quý đồng đạo rán lên! Nghe gần tưởng là thiệt ai cũng mừng, chen rừng đi  tiếp mãi chẳng thấy tới, nhè đâu là “Gần Giả Bộ”. Đá chồng kê cao, ai có sức lên trước, thòng dây hay cây cho những người còn ở phía dưới đu lên. Cái chỗ rất lo sợ đáng lẽ buồn lắm mà nín cười không được, làm ầm vang cả một gốc rừng. Sợ để cười lâu lảng tâm, tôi khuyên mọi người hãy nhớ niệm Phật còn giải thích thêm rằng niệm Phật trong trường hợp nầy là đúng sách vở.
Mệt rả người, phần lớn là do khát nước. Nước đá đem theo một thùng to to mà vượt qua mấy trận chui khe, đu dây nước trong thùng sạch bách. Trong thùng giờ còn là đá cục, chia nhau cắn ăn. Có người nuốc cục đá xem chẳng nhằm nhò gì với cơn khác đến ngứa cổ, vì nước đá xuống bụng có đã thèm chút nào đâu, ngậm lâu ở miệng mới thông từ từ xuống cần cổ. Xin thêm một viên tí tí, ai đã qua kinh nghiệm thì lần nầy không dám nuốc; không dám không có nghĩa là sợ mắc cổ…
Đi xa nữa, thấy có cái hầm to và sâu, dấu đất mới đào, bênh cạnh có đống cây tề bằng và một thùng nước lọc, chừng như đống cây tề bằng ấy là cả một sườn nhà hẹn ngày cất và cái hầm to sâu là người ta đào kiếm mạch nước ngầm hoặc chờ sẵn nữa chứa nước mưa. Không thấy chủ nhân cho mình hỏi thăm đây là đâu gần hay xa nữa mới tới điện Thần Kim Qui; tuy vậy cũng mừng ít ra là có dấu chân người.
Đang khát nước mà gặp đây có cái thùng nước lọc, thiệt là “bần cùng sanh đạo tặc” dễ dàng. Nghèo đói sanh trộm cắp là chuyện thường, đây khát thôi mà cũng khiến mình ăn trộm được. Không cần hỏi ai, đâu phải như ngày nào học “Của rơi không thèm lượm” giữ hạnh cứng khừ. Của đây có chủ chứ rơi gì mà để hơ hỏng là đoàn mình lượm tuốt. Chắc nước từ thùng của người ta qua thùng mình, phát hiện màu nước xanh rì là ngán ngẩm nhưng có ai đó nói: không sao đâu, màu nước xanh là chủ nhân để lá Dứa vô làm nước thuốc uống ngừa bệnh. Khát tới nước nầy, tôi thấy không ai sợ chết mà bảo giùm một tiếng thôi đi. Dầu vậy tôi khuyên đoàn hãy dùng nhín nhín, đặng khi chủ nhân có đến bất chừng cũng còn nước cho người ta sinh hoạt chứ uống cạn là mất lòng, người ta nổi nóng chưởi bới, đồn ra thì chuyến tham quan hành hương của mình còn có ý nghĩa gì chứ? Dù chừa nước cho chủ nhân, chúng ta cũng nên để lại một số tiền cột vô cái thùng, trước là tạ tội với chủ nhân vì mình lấy ngang không hỏi, sau nhờ chủ nhân dùng tiền nầy mua thêm thùng nước khác.
Theo lời khuyên của tôi, trước lúc rời khỏi đây tôi đi vòng lại cái thùng nước lọc định cột tiền vào đó thì có một cô ra tay trước tôi, tưởng vậy đã đủ bù, tôi thôi thì có một cô khác nhét thêm tiền trong dây cột. Tôi thật vui vẻ…
NHỚ HÔM BÊN THÙNG NƯỚC LỌC

Xa trông thấy thùng nước lọc, mừng mà đi riết tới, nghĩ bụng thế nào cũng có người cho mình hỏi thăm đây là đâu và bao giờ thì mới tới Điện Thần Kim Qui. Lạ lùng thay! Chỉ có cái thùng nước chứ chẳng ai thèm ở, hỏi ai đây?
Mọi người đang khát, thấy có cái thùng nước là ham, bu quanh chờ uống. Tôi không hài lòng cho việc xài nước không được chủ cho phép, nhưng nước bây giờ đắt như thuốc để trị cái bệnh khát lâu không nỡ lấy giới luật ra ngăn cấm. Để khuyên nhủ xa xa về việc phạm phải nầy tôi liền kể một câu chuyện.
Thuở xưa, lúc Đức Thích Ca mâu Ni còn tại thế, có hai vị Tỳ Kheo từ miền xa đến viếng Ngài. Hai vị trải qua nhiều chặn đường rừng buội rất vất vả, khát nước đến khô rát cổ (Trường hợp chúng ta hôm nay cũng gần giống vậy). Bổng gặp cái hầm nước trong veo nhưng trên mặt nước có con vật chết. Bấy giờ hai nhà Sư hai tâm trạng: một sư nghĩ rằng, ta từ xa do lòng kính Phật mà không ngại khổ khó vấn thân đến, mất nhiều ngày mà chưa gặp Phật, nếu nay không dùng nước nầy là chết mất, thế là suốt kiếp không thấy Phật sao? Thôi hãy dùng vào cho sống mà gặp Phật để không uổng công lặn lội vậy. Sư kia nghĩ rằng: Ta học Pháp của Phật để nương vào đó tu hành. Nếu ta dùng nước có con vật chết tất dính vào tội sát sanh. Uống một bát nước không thấy gì trong đó Đức Phật còn dạy phải niệm chú trước khi uống nước, huống nay đã thấy rành rành ra mà dám uống cho mang tội nặng sao. Pháp của Phật dạy đầy đủ không nghe lời, đi tìm Phật làm gì chứ??? Nghĩ thế sư không dùng nước, kiệt sức đi thêm không được, ở đó mà chết. Vị sư uống nước có thịt chúng sinh đủ sức đi tới chỗ Phật. Sư bạch Phật chuyện xảy ra trên đường. Phật nói: Thầy Tỳ Kheo kia đã đến với Như Lai trước hơn Ông.
Kính thưa chư đồng đạo nghe qua chuyện trên ta nhận xét, Đức Phật dạy chúng sanh tu, giới luật là căn bản. Ta thấy câu nghi vấn từ trong lòng của vị sư “Pháp của Phật dạy đầy đủ không nghe lời, đi tìm Phật làm gì chứ ?”còn Đức Phật thì bảo với Ông sư phạm giới rằng “Thầy Tỳ Kheo kia đã đến với Như Lai trước hơn Ông” đều để ca ngợi giới luật. Kinh Phạm Võng dạy “Giới minh như nhựt nguyệt diệc như anh lạc châu, vi trần bồ tát chúng, do thị thành chánh giác” (giới luật sáng như mặt Trời mặt Trăng, cũng như hạt châu Anh Lạc, Bồ Tát đông như vi trần đều nhờ giữ giới mà thành).
Mườn tượng chuyện trên, Đức Thầy trước khi xa vắng tín đồ đã viết thành kinh văn:
“Từ nay cách biệt xa ngàn,
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.
Giữa chừng đàn nỡ đứt dây,
Chưa vui buổi hiệp bổng Thầy lại xa.”
Ngài đi, sợ tín đồ lơ là việc tu học, đã dặn dò bổn đạo:
“ Ít lâu ta cũng trở về,
Khuyên cùng bổn đạo chớ hề lợt phai.
E chừng trở lại sẽ bị mất mát nhiều, Đức Thầy dặn:
“Ta dù có cách thôn hương,
Vạn dân cứ chữ hiền lương mà làm”.
Kính thưa quý vị! Từ “Phụ Thầy” có ẩn dụ hai ý:
Một là bỏ đạo, hai là không nghe lời của Thầy mà hành đạo đúng nghĩa. Xét ra hạng một, việc bỏ đạo Thầy chỉ rơi rớt một vài trường hợp, không đáng kể; hạng hai, không bỏ đạo nhưng không siêng nghe lời dạy của Thầy là đa số. Tôi dùng từ “không siêng” để nói rằng không phải không nghe mà vì không siêng nên lúc nghe lúc không. Nghe không phải dùng vào việc nghe tiếng, âm thanh mà nghe bằng cách vâng lời dạy. Đức Thầy có câu:
“ Ai mà ta dạy chẳng gìn,
Thì sau đừng trách mất tình yêu thương”.
Chúng ta đọc câu:
“Ít lâu ta cũng trở về,
Khuyên cùng bổn đạo chớ hề lợt phai”.
Nghe thế mà trông mãi, nhưng ta có làm bảng kê khai để kiểm chứng rằng trình độ Học Phật Tu Nhân đã đi đến đâu chưa? Học không thuộc bài mà mong tới ngày chấm điểm sao? Hãy mang tâm sự của nhà sư giữ giới kia đi “Pháp của Phật dạy đầy đủ không nghe lời, đi tìm Phật làm gì chứ???”. Theo tôi nghĩ Đức Thầy chậm trở lại chấm thi vì rõ thí sinh của Ngài phần nhiều chưa học thuộc bài, có mau mau mà trở lại  lớp học không mấy người đậu là uổng công dạy dổ, đành phải neo thêm thời gian. Theo lý đó, muốn Đức Thầy sớm trở lại thì lo mà học hành cho thuộc. Chẳng phải Đức Thầy đã nói như vầy sao?:
“Chờ con đây đủ nghĩa nhân,
Ra tay tế độ dắt lần về ngôi”.
Kính thưa quý vị ! chúng ta ngồi nghĩ đã lâu, chưa biết đây là đâu, xét hành trình còn vượt nhiều đoạn khó. Xin tạm ngưng chuyện trò để chúng ta lên đường nhá.
27/1/2016







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét