NGHI VẤN 2
BUỔI HỌC 7
ÁC SÁT SANH GIỮA CHAY VÀ MẶN
Hỏi: Đạo Phật gọi tiếng “Chúng
sinh” là gọi chung các loài động vật và bất động vật; ăn chay nếu
không sát sanh các động vật như Cá
Tôm, Vịt, Gà, Heo, Chó, Bò… thì cũng sát sanh các loài thực vật như
rau, củ, trái… Đàng nào cũng sát sanh, Xin Ông giảng viên cho ý kiến
về điều nầy?
Đáp: Sự so sánh của đồng đạo vừa
nhóm lên nghe hơi quá đáng; nhưng nội dung cũng rất có lý.
Thưa, đã bảo quá đáng mà lại có
lý nữa là sao?
Quá đáng vì đem áp dụng sự sát
sanh Tôm Cá , Gà Vịt… để nuôi thân sống so
với sự sát sanh của người dùng rau quả củ… có sự khác biệt quá xa.
Tôi chỉ nói là sự khác biệt của hai bình viện chớ không nói sát
phạt cây cỏ vì sự sống còn là tội hay không. Đức Thầy có câu:
“Cỏ cùng cây điểu thú chim muông,
Nhơn với vật hườn lai bổn tánh”.
Quý vị tính! Nếu thấy người ta nầy
ngắt một cọng rau với người ta kia ngắt đầu một con cá, tâm lý như
thế nào? Ngắt một cọng rau xem là bình thường mà cắt đầu mổ bụng
con cá thì lòng có hơi xót phải không? Gặp những sinh vật lớn như
gà, vị, heo, chó, bò bị giết ăn thì sự xót sẽ nhiều hơn. Căn cứ
vào đó mà biết có sự nặng nhẹ của khi mình dùng động vật hay thực
vật. Chúng ta là người tu hành theo Phật Đạo, hiểu sâu nhân quả là
đòn cân công lý không trừ nể một ai nên rất sợ hưởng quả xấu. Nhân
tốt nào cũng muốn gieo, nhân xấu nào cũng muốn bỏ, vì nó là thứ
nợ nần đến lúc bị thưa kiện lôi ra chồng đống hồ sơ phạm tội làm
chướng ngại cho thủ tục xuất cảnh về cõi Tây Phương mà bấy lâu ta
mong muốn, khiến thủ tục xuất cảnh bị loại bỏ. Ông Thanh Sĩ nói:
”Mỗi việc ác mỗi tờ giấy nợ,
Thân nay chưa thì đợ thân sau.
Vay bao thì phải trả bao” .
Đức Thầy khi dạy chúng sanh tránh
xa mười điều ác Ngài kết luận bằng dẫn dụ “Muốn làm giàu phải tránh
đừng cho thiếu nợ”. Bàn về ác sát sanh thì nợ ở đây gọi là nợ
mạng. Chỉ vì nuôi sống cái thân giả tạm mà gây nợ mạng cá, tôm, bò,
heo, vịt, gà là vay quá nhiều nợ. Ta có biện lý rằng: ăn đủ dinh
dưỡng cho có sức khõe đặng tu thì những sinh vật bị ta sát hại
chúng cũng muốn đủ dinh dưỡng thêm sức khõe để kéo dài sự sống. Phe
có sức mạnh hay yếu đều muốn sống khõe ai có quyền phân phối hay sử
dụng quyền lực bắt kẻ kia phải chết cho sự sống của người nầy?
Đừng tưởng tượng dễ dàng như vậy, bắt thú vật chết để bồi bổ sức
khõe cho mình là không hợp với đạo Phật từ bi, chưa nói là nhân quả.
Vay to thì trả nặng, nợ nó đòi chịu không nổi ngay khi mãm kiếp hồng
trần, thủ tục xuất cảnh về Tây Phương chưa xong bởi một đống chủ nợ
bu đòi, đau quên Niệm Phật, thay vì mộng về cõi Tây Phương chắc phải
đào thai qua một kiếp khác để trả.
Học đạo Phật Giáo Hòa Hảo chúng
ta hay dựa vào câu “ Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp”mà nghĩ rằng:
cho dầu có ăn mạng cũng không sao vì ta đây tu Niệm Di Đà thì còn đâu
là nghiệp chướng, mở rộng con đường về cõi Phật thong dong mà đi theo
Phật chẳng có sự rắc rối nào. Do trước không tu hay ít tu nên đã gây
ra cái quá khứ không lành. Tu là đi từ hiện tại đến tương lai, bởi
quá khứ đã lỡ làng gây ác, giờ giác ngộ sự đời tu tâm dưỡng tánh
là quyết lòng lo trả nợ củ chớ không sanh nợ mới, chắc chắn như vậy
thì nợ sẽ được trả xong trong một kiếp, chừng lâm chung theo Phật
chẳng còn chủ nợ nào lại quấy rầy làm mất lộ đồ về Cực Lạc. Dựa
vào câu niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp mà hành động không đúng
nghĩa sẽ gặp tai hại.
Tại gia cư sĩ hằng ngày tiếp qua
nhiều công việc, cái tâm duyên theo cảnh bận bịu nên sự tu không được
bao nhiêu. Tu ít mà phạm sát sanh kiểu nặng là suốt kiếp trả không
hết nợ ác phải theo vòng quay luân hồi trở lại. Nếu nói là chuyên
tu, quyết một kiếp thành Phật hay vãng sanh về cõi Phật mà hành giả
còn ăn mạng thì là hy vọng mong manh rất khó đạt sở nguyện. Bởi khi
người ta chuyên tu là nhắm mục tiêu Niết Bàn đi tới, họ “Lạc Đạo An
Bần” thì đâu thể cái gì làm họ tham sống sợ chết mà phải ăn mạng
cho bổ dưỡng. Thích bổ dưỡng xác thân chứng tỏ gần đời hơn gần đạo,
niệm đời hơn là niệm đạo. Đời thắng thế là đời dẫn, lúc từ giả
cõi hồng trần mà còn niệm theo đời bảo sao Phật không đến rước đi, còn
bảo dùng rau quả cũng mang tội sát sanh thì tội ấy rất nhẹ như
thiếu một chút nợ dễ trả, cầm bằng người có chút lỗi lầm chưa đến
đổi chịu trách nhiệm hành sự ôm gói vài tù.
Sự so sánh có lý là gì? Đức
Phật không muốn bất cứ ai, nhất là người quy Phật tu hành phải biết,
sát sanh là trọng tội và làm mất hạnh cách nhà tu. Để khắc phục
ác Sát sanh trong đời sống, Kinh điển nhà Phật kêu gọi “Sa Di bất
trảm thảo” Sa Di là vị mới xuất gia tu Phật, cấp thấp, thế mà phải
chịu huấn luyện cái ác sát sanh từ đó. Nói một cách dứt khoát vào tu Phật Đạo là phải trường chay
giữ giới đến cả cây cỏ cũng không được vô duyên vô cớ sát hại. Làm
vậy để dần dần thuần phục tánh hiền lương.
Kinh Phật cũng có nêu cao danh dự
của một chơn tăng đặt là Thảo Hệ Tỳ Kheo. Nhà sư tu hạnh cách hơn
người trong sạch Danh Lợi Tình, tiền bạc sắc đẹp chẳng làm đá động
lòng vàng; tu như vậy, được thiện tín gần xa nể nang kính bái như
ruộng phước để bá tánh gieo trồng. Ưu đãi về đồ mặc, người ta mua sắm
cho sư một bộ y đắc giá. Phật tử cúng dường thì phải nhận cho lòng
thanh thảng. Hôm đi hành cước xuyên qua núi rừng bấy giờ có một bọn
cướp làm ăn thất bại chui rút về sào huyệt với cái bộ dạng không
còn chút oai anh chị, chợt thấy nhà sư với chiếc y vàng lóng lánh,
bọn cướp quyết định lột lấy y nhà sư đem bán ít ra anh em cũng có
một bửa ăn đỡ lòng. Lột y xong một tên cướp định xuống tay để trừ
hậu họa thì một tên cướp khác chận tay anh ta và nói: Không cần làm
vậy, hãy đem trói Ông ấy vào buội cỏ thì Ông ấy sẽ không giãy giụa
để đi báo quan, chừng có người phát hiện, Ông được cứu và họ có đi
báo quan giùm thì mình cũng đã cao bay xa chạy rồi.
Thật vậy, Sư bị buội cỏ trói tay
đứng nghiêm một chỗ suốt. Những cọng cỏ làm dây trói là hình thức
chứ chẳng có chút sức mạnh nào, chỉ cần sư dun tay một cái là giựt
bứt dây ra nhưng sợ động tay làm đau mình cây cỏ mà không dám. Đúng
là hôm sau dân phát hiện gở dây cỏ trói, sư mới được tự do.
Sa Di bất trảm thảo hay Thảo Hệ
Tỳ Kheo cũng là những lời trong giáo lý từ bi của nhà Phật dạy
tránh sát tới cả cây cỏ. Xét ra cây cỏ bị sát phạt mà có tội thì
tính chất phạm tội rất nhỏ nhẹ, nó là loài vô tình nhưng hữu hình
ta còn thấy được. Bứt một cây cỏ, ngắt một cọng rau ra nó chảy mủ,
để một chút là héo, lâu nữa là khô chết đi. Chứng tỏ rau cỏ cũng có
sự sống. Đến như chén nước ta thấy chỉ toàn là nước chẳng có gì
khác nhưng Phật nói trong đó có tám vạn bốn ngàn con vi trùng, dầu
không thấy nhưng ta đâu dám không tin:
“Phật quan nhứt bát thủy,
Bát vạn tứ thiên trùng.
Nhược bất trì thử chú,
Như thực chúng sanh nhục”.
Đức Thầy dịch:
(Phật thấy chén nước có trùng,
Bốn ngàn tám vạn muốn dùng cho tinh.
Nếu không tri chú niệm kinh,
Khác nào ăn thịt chúng sinh hằng
hà.)
Đức Phật cảnh báo các người tu
hành phải biết điều đó mà cẩn thận để không có sự ăn thịt chúng
sanh. Chỉ cảnh báo chứ không cấm uống nước bởi không uống nước là
chết đời. Cảnh báo cho trực nhớ kịp lúc để làm gì trong khi mình
uống nước, là “trì chú niệm Kinh”. Như vậy, mỗi lần uống nước là
mỗi lần trì chú niệm kinh để không mang tội “ăn thịt chúng sanh”.
Dạ, “trì chú” là sao xin giải rõ?
Ở PGHH toàn một hạng tại gia cư
sĩ, Đức Thầy không dạy chính thức câu nào là câu chú dùng ngay trong
việc uống nước, nhưng chúng ta ai có đọc qua kinh Phật, là điều Đức
Thầy đã khuyến khích các môn nhơn “Rút trong các luật các kinh, tùy
lòng không ép làm in giảng nầy” thì biết rằng câu niệm lục tự Di Đà
là đại thần chú, đại minh chú, nói rõ niệm Phật tức là trì chú
hạng cao “đại thần chú”. Bởi lẽ đó, Ông Ba Nguyễn văn Thới có câu:
“Ăn cơm niệm Phật ăn vào,
Uống nước niệm Phật chỗ nào cũng
tu.”
Tóm lại: giết chết sự sống là
có tội dù là sự sống của các loài sinh vật nhỏ nhen. Giết lớn là
tội lớn, giết nhỏ là tội nhỏ, tội lớn khó đền, tội nhỏ dễ tha,
nhưng phải trụ tâm vào chỗ tu hành ăn lành, ở lành thì sự dễ tha
mới được tha.
09/01/2016
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét