Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

BUỔI HỌC 9
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
QUA HAI ĐIỀU ÁC:
LƯỠNG THIỆT và Ỷ NGÔN
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính chào chư quý đồng đạo! Hôm nay chúng ta học hai trong bốn cái ác của phần khẩu nghiệp, tội lỗi do không kềm chế miệng lưỡi gây nên . Vừa qua ta học hai điều ác trong phần thân nghiệp, nhờ quý vị chuyên chú theo dõi nên đã nảy sinh nhiều câu hỏi hay ho, lấp bớt kẻ hở trong nghiên cứu và học hạnh. Tôi hy vọng buổi học hôm nay cũng thế, sinh động qua những chi tiết nhỏ của bài chánh văn hay khi chú giảng, chúng ta cùng thao thức đề tài, bắt đầu nhá!
PHẦN 1 : CHÁNH VĂN
LƯỠNG-THIỆT.- Đứng đầu các tội lỗi do miệng lưỡi gây ra, ác lưỡng-thiệt nầy đã làm duyên-cớ cho những sự hiểu lầm nhau, những sự cãi- vã, gây-gổ sanh oán sanh thù. Sự phải của người thì bớt, sự quấy của người thì thêm, cái lưỡi đã tạo những sự chia  rẻ, những cuộc phân-tranh, phá tan sự đoàn-kết, tình thân yêu giữa nhân-loại. Nó cũng là cội-nguồn của bao nhiêu bất hòa, hiềm-khích.
Để giải-trừ những tai-vạ ấy, phải giữ cho lời nói mình được thành-thật chánh-đáng, được vậy trong hương-đảng mới bớt rầy-rà, ngoài xã-hội không điều xích mích và mình cũng không còn chịu ác-cảm, tránh sự miệt-khinh của kẻ khác.
Ỷ NGÔN .- Nói đến tội nầy tức là nói đến những vụ chủ ỷ quyền nhiếc xài, quan ỷ thế mắng chưởi dân ngu. Kẻ giàu có thường ỷ tiền bạc xài-xỉ người nghèo, kẻ xảo-quyệt ỷ sự khôn-lanh nói những điều thất thiệt, kẻ học-thức ỷ sự khôn-ngoan dùng lời nói hạ-nhục người dốt-nát.
Hãy tránh những sự hiếp người như thế ấy, vì những kẻ dưới tay mình cũng có đầu óc, cũng biết nghĩ suy, nhưng tại họ bạc-phước vô phần nên phải chịu lụy mình vậy. Nếu họ có lỗi lầm hãy dạy dỗ họ, dùng những cam-ngôn mỹ-từ, những lời trang-nghiêm êm-dịu chỉ bảo, không khá bao-biếm mà mang điều tội-lỗi.”
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG
LƯỠNG-THIỆT: Lưỡng là hai, thiệt là cái lưỡi. Lưỡng thiệt tức nói người hai lưỡi. Vốn thật có người hai lưỡi sao? Một miệng thì một lưỡi thôi, nhưng Phật muốn nói về con người có tánh thích đâm thọc mà sanh sự bất hòa, nên gọi là hai lưỡi.
Duyên-cớ: Duyên là nguyên nhân, cớ là sự việc, sự cớ của nguyên nhân đó, ví dụ: Duyên-cớ gì hôm qua bạn không đến lớp học giáo lý? Hoặc nói, đương không vô duyên vô cớ mà bạn giận dữ với người ta.
Cãi-vã: Cãi là nói ngược lại vấn đề, ngược lại chuyện đang có, đã có, vã là một trợ từ làm cho mạnh nghĩa chữ trước. Cãi vã làm ồn rùm lên, tranh cãi ai giỏi thì hơn không cần lý lẽ.
Gây-gổ: Gây là cột buộc đối phương vào thế trận để bắt bẻ, gổ là trợ từ. Thông thường, gây gổ dùng cho những ai có tính tình nóng nảy, trịch ý một chút là nổi nóng, lấy cớ để xài xể người khác.
Phân tranh: Phân là chia rẻ ra. Ví dụ: Phân chia tài sản, hay phân biệt cao thấp, giàu nghèo; tranh là giành lấy, như giành lấy quyền lợi, giành lấy uy tín. Phân tranh đây do vì kẻ hai lưỡi đâm thọc mà nghi kỵ lẫn nhau nên mới xảy ra sự chia rẻ mà hai bên bên nào cũng muốn đề cao mình.
Đoàn-kết: (Thưa quý vị danh từ nầy cần phải được chú giảng rộng ra) Đoàn là hợp lại như đoàn tụ, hợp đoàn; kết là cấu lại với nhau, cấu kết. Danh từ nầy nói lên một sức mạnh của số đông. Để làm gắn bó trong sự đoàn kết người xưa đã khuyến khích nhau câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây dụm lại nên hòn núi cao”. Làm người, việc bảo vệ quốc gia trước ngoại xâm là trọng, viết bài “Tiếng chuông cảnh tỉnh” Đức Thầy kêu gọi sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh:
“Hỡi những kẻ có lòng yêu nước,
Nghe lời khuyên tỉnh được giất mê.
Anh em lớn nhỏ quày về,
Hiệp chung một khối chế hề phân ly.
Đả đảo bọn Nam Kỳ nô lệ,
Kiếp cúi lòn thế hệ qua rồi.
Lời vàng kêu gọi khắp nơi,
Anh em chiến sĩ nhớ lời ta khuyên”.
Một sáng tác khác dưới tựa đề “Gọi đoàn thanh niên” Ngài cũng kêu gọi đoàn kết:
“Vậy anh em hãy chung lưng lại,
Dùng sức mình đánh bại kẻ thù.
Tỏ ra khí phách trượng phu,
Vung long tuyền kiếm tận tru gian thần.”
Đó là đoàn kết qua vai trò quốc gia, đến như người đạo đức tu hành Đức Thầy cũng kêu gọi sự đoàn kết:
“Lòng trẻ thảo biết đoàn biết kết,
Phí xác phàm mê mệt đâu nài.
Băng rừng vẹt phá gốc gai,
Đưa người lương thiện đến ngay Niết-Bàn”.
Để thể hiện sự đoàn kết đó, Đức Thầy dạy:
“Tóm tắc, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức.”
Kính thưa quý vị! Đức Thầy kêu gọi sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh cho quốc gia và tín ngưỡng tôn giáo, nhưng bị kẻ hai lưỡi đâm chỗ nầy, thọc chỗ nọ làm cho hai bên hiểu lầm mà chia rẻ, mất đoàn kết.
Cội-nguồn: Cội là gốc, nguồn là mạch dẫn từ gốc. Cội nguồn cũng gọi là nguồn gốc, là nơi phát tích của vấn đề đặt ra. Tục ngữ Việt Nam có câu “Cây có cội, nước có nguồn: Trên cành cây có hoa lá xanh tươi tríu mắt cũng nhờ bên dưới có cội cây, nhu cầu nước ta dùng cũng có nơi phát tích. Nhưng sự phát tích ở đây là lưỡng thiệt làm cội nguồn sanh ra tội lỗi.
Hiềm-khích: Hiềm là nghi ngờ, không vừa ý; khích do chữ khiu khích, bài xích, mà ôm oán hận. Hiềm khích là đối kỵ nhau.
Tai-vạ: Tai là nạn ách, như tai ương; vạ, như là họa, từ đâu đến. Tai-vạ là nạn do bở tai bay họa gởi.
Hương-đảng: Hương là thôn xã, đảng là làng xóm. Hương đảng ý nói lên tình người trong xóm làng.
Ác cảm: Ác ngược lại với thiện, cảm là động lòng. Ác cảm tức làm người ta động lòng nghĩ ác.
Kết thúc phần ác Lưỡng Thiệt tôi xin kể một câu chuyện để thấy rõ tác hại của lưỡng thiệt là thế nào.
Xưa trong đời nhà Đường bên Tàu có một nhóm người anh hùng, triều đình tặng cho nó cái tên là “Thập bát phản vương”. Tần Thúc bảo cũng là vị anh hùng trong nhóm, ngày chúc thọ mẹ, Ông mời bạn bè đến tham dự. Trình giảo Kim muốn đi chúc thọ cụ bà ngặt trong tay không tiền thì lấy đâu mà làm quà tặng, bổng gặp  một Ông nhà giàu có đám tùy tùng vận chuyển hàng hóa. Trình Giảo Kim nghĩ nên đánh cướp chiếc xe chỡ hàng, bán lấy tiền mua vật gì ý nghĩa làm quà chúc thọ. Kim Ra sức đánh, rủi thay, Ông nhà giàu kia võ công cao cường, Giảo Kim đánh không lại, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Đến nhà Tần Thúc Bảo mới nhìn, thì ra Ông nhà giàu kia là Đơn Hùng Tính cũng đến dự lễ chúc thọ Tần Mẫu. Giảo Kim nhìn Đơn Hùng Tính phát nhột mắt, chữa thẹn bằng cách đâm thọc chơi. Lại La Thành thì đâm: Đơn Hùng Tính nói chú mầy còn nhỏ, nhờ có cha làm quan mà phách lối. La Thành nghe qua là phực giận nhưng nghĩ là huynh đệ nên đè nén sự giận dữ cho vui tiệc chúc thọ. Tới bên Đơn Hùng Tính là thọc ngang hông: La Thành nói anh giàu là do những việc làm bất chánh. Đơn Hùng Tính nghe qua cũng nóng rang rang đầu nhưng cố dằn lòng.
Thế từ đó hai nạn nhân của cái tội lưỡng thiệt bởi Giảo Kim cứ dè nhau mãi mà Giảo Kim càng lúc thúc vào những trách móc, khiến cho khoảng cách của tình bằng hữu mỗi lúc mỗi xa, hết cách cứu giãn, rốt cuộc Đơn Hùng Tính bị giết bởi La Thành.
Ỷ Ngôn: Ỷ là cậy thế, dựa vào; ngôn là lời nói. Ỷ ngôn tức nói ra những lời sỉ nhục cai đắng, xúc phạm đến danh dự của người khác, nhất là kẻ dưới tay mình.
Chủ Ỷ quyền: Ỷ vào quyền chức, địa vị chủ cả mà phát ngôn độc miệng với kẻ dưới.
Nhiếc xài: Mắng nhiếc xài xể người mình không ưa, không thích mà họ phạm quấy, hoặc những kẻ thấp thỏi dưới tay mình, nói ra những lời sỉ nhục, miệt khinh để chứng tỏ tư cách oai phong của bề trên.
Quan Ỷ thế: Ỷ vào thế lực làm quan, cao ngạo, hóng hách với dân hiền lương, khờ khạo, trông họ có lỡ lầm điều gì, nói ra như mắng chưởi.
Xảo-quyệt: Xảo là gian manh, xảo cũng còn cái nghĩa là khéo léo nhưng đi chung với quyệt thì ý nghĩa không thể là khéo léo được; Quyệt là dối trá. Hay nói theo Từ Điển Tiếng Việt của Xuân Huy “Xảo quyệt là dối trá, lừa lọc một cách quỷ quyệt, gian ngoan: Âm mưu xảo quyệt”
Thất thiệt: Thất là mất, thiệt là thật; thất thiệt tức mất đi sự thật. Ví dụ nói: Tin đồn thất thiệt, tin đồn nhảm. Ở đây nói do con người ỷ sự khôn lanh mà ra.
Kẻ học-thức ỷ sự khôn-ngoan: Kẻ học thức nói chung là người có trình độ học vấn, hiểu biết việc đời khá hơn người vô học hoặc ít học; ỷ sự khôn ngoan: có học không phải để sống trong đời với cuộc sống tốt, có ý nghĩa, mà sống vì ỷ sự khôn ngoan hiếp người.
Hạ nhục: Hạ là thấp xuống, hạ mình; nhục là chịu sự xấu hổ như bị sỉ nhục, lăng nhục, nhục hình. Hạ nhục tức làm hạ danh dự người ta xuống bằng thói ỷ ngôn.
Bạc-phước: Bạc, nói về thân phận thì mỏng manh, thấp thỏi nhỏ nhen, do đó mới có tiếng than là phận tôi bạc lắm, ăn uống đạm bạc; phước là sự tốt lành đến. Bạc phước tức nói không có phước để hưởng những điều tốt đẹp.
Cam ngôn: Cam: vị chua ngọt; ngôn là lời nói, ngôn từ. Cam ngôn tức dùng lời nói ngọt ngào.
Mỹ từ: Mỹ là đẹp, từ là chữ, ngôn ngữ. Mỹ từ tức dùng chữ hay lời nói ngọt ngào êm đẹp.
Lời trang-nghiêm: Trang nhã và nghiêm nghị, ý, Lời trang nghiêm là lời có chuẩn mực, điều độ, trong khi bàn chuyện hay chỉ dẫn không giỡn cợt, không quanh co.
Bao-Biếm: “Bao là khen, Biếm là chê” (Hán Việt Từ Điển). Ở đây trong bài có từ “không khá” đọc liền theo là “ không khá bao biếm” có nghĩa (đừng bao biếm) tức là không chê khen mà chỉ dùng lời trang nghiêm khuyên bảo.
Kính thưa quý vị! Để hiểu ác ỷ ngôn với sự tác hại của nó, tôi xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện người ỷ ngôn đã bị giết.
Người ỷ ngôn lại là ông vua, bị giết mới lạ!
Đời Đông Chu, vua của nước Tống bây giờ là Tống Mẩn Công, trong triều có một tướng tài giỏi tên là Nam Cung Trường Vạn. Nước Tề, vua Tề Hoàn Công có hiềm khích với nước Lổ muốn cử binh sang đánh, quan cận thần đưa kế: muốn đánh nước Lổ trước nên cầu viện binh của nước Tống. Vua Tề đồng ý cử sứ qua Tống. Tống Mẩn Công nhận lời, giúp quân sang đánh Lổ và chủ tướng của đoàn quân hùng hậu nầy là Nam Cung Trường Vạn.
Nước lổ nghe quân thám báo, có Nam Cung Trường Vạn trên trận, quan cận thần biết việc không lành, dâng kế không thể đối sức mà chỉ dùng mưu. Vua Lổ nghe theo y kế, truyền cho hai trăm quân mặc giả cọp tung đánh ban đêm với ánh đuốc lập lòe, các quân lính Tống tưởng là cọp thiệt nên sợ quá mà bỏ chạy. Nam Cung Trường Vạn không thể một mình đương đầu với một bầy hổ đành phải chạy theo. Kết cuộc Trường Vạn bị quân Lổ bắt, dẫn về làm tù bình…
Lâu sau hai nước Lổ và Tống giao hòa, Tổng Mẩn công mới nhân đây mà xin với Lổ cho Nam Cung Trường Vạn được tha về. Vua Tống Xin tha cho bầy tôi tưởng cái tình còn tốt, không ngờ, Vạn về, Tống Mẩn Công đùa một câu nhá lửa: Ngày xưa ta rất trọng ngươi, nhưng ra trận đã để thua còn bị bắt làm tù thì nay ta không còn trọng nữa. Câu ấy làm cho Vạn thẹn cứng mình.
Lần nọ vua bày yến tiệc, để giúp vui, Trường Vạn múa gươm, thực khách khen đáo để. Vua không hài lòng liền mở cuộc chơi cờ và nói với Trường Vạn rằng: ai thua, mỗi một bàn cờ phải uống một chén rượu to. Trường Vạn để thua một bàn đầu, bị phạt rượu say khước nhưng vẫn đòi đánh tiếp, thua luôn mấy ván nữa, bị uống rượu phạt say mèm  mà vẫn đòi chơi tiếp. Vua Tống thấy thế buông lời: Ngươi là tên tù, đòi chơi cờ với ta, không thể có cơ hội thắng đâu!
Hết buồn tới giận. Đương tiệc thì có lính vào bẩm báo: Nước Chu, Trang Vương vừa băng hà. Lệ phải sang điếu tang. Trường vạn xin được đi, Tống Mẩn Công nói rằng: Chỉ khi nào Tống ta không còn quan quân nào thì mới để tên tù nhà ngươi qua đó.
Giận hết kềm chế được nữa, Trường Vạn gôm trăm sức mạnh hốt đập cái bàn cờ lên đầu vua, Ông ấy chết tại chỗ.
Tóm kết: Hai cái ác do miệng lưỡi: Ác lưỡng thiệt làm cho thiên hạ bất hòa. Thiên hạ là nói chung, trong đó cũng có bà con thân thuộc, nếu vì lời nói của ta có tính đâm thọc làm cho người thân của mình bất hòa nhau thì mang tội phá tan sự đoàn kết trong quyến thuộc gia tộc, không còn xứng đáng là con cháu ngoan, với người không phải quyến thuộc, xa lạ mà mình đâm thọc cho bất hòa thì mình mang tội phá tan sự đoàn kết trong xóm làng, xã hội.
Ỷ Ngôn, nặng lời với ai là đồng lúc hại người, hại mình. Hại người vì bị mình đè lên danh dự của người ta, còn hại mình vì người ta chịu không nổi những cai cú nên tìm cách lánh xa, bằng không, ỷ ngôn của mình tạo lên sự phẩn nộ tột đĩnh họ sẽ giết chết mình. Thế nên hai điều ác nầy phải trừ tuyệt khi vào học đạo.
PHẦN 3: Đặt Câu Hỏi:
- Thế nào gọi là lưỡng thiệt? Hãy giải thích.
- Tác hại của sự lưỡng thiệt là gì?
- Để không còn lưỡng thiệt ta phải làm gì?
- Sao gọi là Ỷ Ngôn?
- Ỷ ngôn có cả thảy mấy vụ? Xin kể ra.
- Bằng cách nào trừ đi tội ác Ỷ Ngôn?
Kính thưa chư đồng đạo! Buổi học hôm nay đến đây xin tạm dừng, hẹn gặp lại quý vị ở kỳ học tới.
Nguyện cầu chư Phật mười phương và Oai linh Đức Thầy, phổ độ cho lớp học giáo Lý PGHH của chúng con, người người siêng năng, học hành chăm chỉ, đạt kết quả tốt.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
02/2/ 2016









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét