Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC 8
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ HỌC ÁC ĐẠO TẶC VÀ TÀ DÂM
Buổi học 8 của nhóm học giáo lý PGHH qua hai tiêu đề: Ác Đạo tặc và Tà Dâm.
Chú giảng xong đến phần đặt nghi vấn những chỗ chưa rõ qua đề học, có nhiều câu hỏi đưa ra; thời giờ còn lại không nhiều tôi chỉ trình bài đại khái tại lớp cho kịp. Giờ tôi viết lại những vấn đáp kể trên mở rộng để làm tài liệu đọc thêm cho nhóm học giáo lý nhờ đó các học viên nâng sức ghi nhớ về nội dung của bài học.
Dầu viết không o ép bởi thời gian nhưng rất nhiều câu vấn đáp mà khung bài có hạng, tôi gạn lại những câu hỏi có khía cạnh giống nhau rút bớt số câu, đem khía cạnh câu hỏi của người nầy lắp ráp vế trả lời qua câu hỏi của vị khác. Miễn đề tên vấn chủ mà chắc chắn người trong cuộc sẽ hiểu được câu hỏi của ai và trả lời cho ai.
Về đạo tặc, hỏi:
Nếu nói “Bần cùng sanh đạo tăc” tức hễ nghèo mạt là có quyền trộm cướp sao?
Đáp: Nghe cách hỏi, tôi biết đồng đạo học viên chưa nghiệm kỷ câu Đức Thầy nói, tôi đọc ngắt đoạn quan trọng để tiếp ý quý vị nhá! đọc “Bần cùng sanh đạo tặc” liền ngưng là ngưng chưa đúng chỗ ngưng, câu ấy vẫn còn đi tiếp một mạch “là câu chữa mình”. Nếu ngưng như vậy té ra Đức Thầy đồng ý hễ ai nghèo là có quyền trộm cướp sao. Nầy nhá, Bần cùng sanh đạo tặc cần phải là câu chữa mình… “chữa” ở đây có nghĩa là bào chữa. Bào chữa cho ai? Thưa rằng cho tự thân bọn bất lương vô đạo, cho sự gian ác của chính họ gây mà đổ thừa vì hoàn cảnh nghèo thiếu mới làm chuyện nông nổi nầy. Việc bào chữa không đặt trên quan điểm luật pháp hay đạo đức mà là lời bào chữa hòng lừa đảo chạy tội. Chính bản thân họ làm chuyện bất lương, có bào chữa cỡ nào thì cũng là bất lương.
Câu bần cùng sanh đạo tặc, Đức Thầy ví để bọn bất lương vô đạo nói bào chữa đặng chạy tội, lẽ dĩ nhiên ai không phải hạng bất lương vô đạo thì không được áp dụng câu ấy trong đời sống. Quý vị suy ra việc của tên đạo tặc làm là cảm thấy khó chịu ngay: “chuyên lo giết người cướp của, đoạt giựt tài-sản lương-dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ-hôi, bao nhiêu dòng nước mắt mới làm ra được.” Những gia đình làm lụn vất vả, “cần lao kiệm tiếc” lắm mới có ăn có để mà vô cướp của người ta nếu không nói họ “là tội-nhân gây ra những tai-biến trong những gia-đình cần-lao kiệm-tiết, là nguyên nhân của sự nghèo sự khó, họ phá-hoại hạnh-phúc của con người” thì nói họ là gì? Mần quá sức sanh bệnh, mệt không dám nghỉ, ăn xài tiện tặn qua nhiều năm như vậy mới phất lên được chút giàu, xui rủi bị trộm cướp chỉ một đêm thôi của cải trong nhà bay sạch bách.
Tôi có một người bà con, năm đó 1970, cả vợ chồng dan lưng ra mần ba chục công đậu nành, suốt một mùa ngoài đồng mặt mày đen đúa, da tay da chân sầng sượng nổi u. Trúng đậu lại còn trúng giá, bán một trăm hai chục ngàn đồng. Năm 1970 số tiền như vậy là rất lớn. Để trong tủ chưa có hơi tiền thì phe cánh của cướp “Cua Vàng” đến giữa ban ngày kêu đưa hết số tiền một trăm hai chục ngàn đồng cho họ. Tiếng bán đậu số tiền lên cao như vậy nhưng thanh toán các khoản chi phí còn trong tủ non một trăm ngàn, rốt cũng phải đi mượn đưa đủ số cho cướp. Chúng đòi, ở mà kèn cựa lôi thôi, dẫn đến mất mạng không chừng.
Người bà con nầy lúc đó là lính ấp “nhân dân tự vệ” nhà có cây súng Ca Răng, bá súng dài thòn bắn tầm xa khoảng trăm thước còn độ chính xác trong khi hai tên Cua Vàng đi chiếc xe Hon Da ss 67 với hai cây cul, tầm bắn của cul hai mươi thước là kém chính xác, thế mà Ông lính Ca Răng chịu thua non hai cây cul cho nó lấy một trăm hai chục ngàn đồng đi tuốt luốc. Mất số tiền to, vợ chồng buồn bả khổ sầu như muốn chết đi. Có ai hiểu được nổi đau của người bị cướp nhứt là ở làng  quê, bòn mót từ đồng lâu ngày thì phút chốc bay đi. Giàu như một giất chiêm bao, có chưởi bới Cua Vàng cũng chửi thầm trong bụng chớ chửi tạn mặt nó biết được thì chẳng những chúng cướp tiền còn cướp luôn cái xác đem tặng viêm vương.
Nghèo thì dân ta đây nhiều người nghèo lắm nhưng không mấy kẻ hành nghề đạo tặc nuôi thân để mang tiếng “bất lương vô đạo”. Chính vì vô đạo nên không kìm chế bản thân trước các sự ham muốn sa hoa, sa đọa. Tiền mần vô không kịp cho sự ăn xài, mua sắm, mà dục vọng cứ được nước phát sinh; khát vọng lên cao ghiền không chịu nổi, đâu mà chờ tới tháng lãnh lương hay mần xong mùa vụ… “con ơi học lấy nghề cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”, tính chuyện “ăn liền”mới kịp cho khát vọng bừng cháy. Những người hành nghề đạo tặc họ cũng trong làng mình ra làm chuyện lén lút, ta thấy nhà họ đâu nghèo đến đổi mà nói là “bần cùng”để lấy cớ. Nhà họ sắm đủ những đồ cần thiết. Nhiều nhà nghèo gấp mấy lần họ mà vì người ta không chịu trở thành kẻ bất lương vô đạo và mỉa mai Ông cha nào đó dạy con tầm bậy “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”.
Ai mà không được sự giáo dục từ lúc nhỏ “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Ảnh hưởng nền giáo dục tốt từ gia đình đến học đường, nhưng ra trường đời khác hơn trường học, xã hội khác hơn gia đình, nếu bị nhiễm đục của thói sa hoa thì nền giáo dục học đường, gia đình bị đậy kín. Người không kìm chế lòng trước sự sa hoa thì từ sa hoa dẫn tới sa đọa là không xa nữa để đến bất lương vô đạo. Như thứ trưởng bộ công an Nguyễn quốc Huy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án tòa án nhân dân tối cao phải chịu ra vành móng ngựa với tổ chức Năm Cam một tên trùm xã hội đen nổi tiếng, ai bảo là không có nền giáo dục học đường?...đâu phải là kẻ bần cùng mà cũng sanh đạo tặc.
Đức Thầy khuyên thôi đạo tặc:
“Nay đước huệ từ bi đã rọi
Vào thâm tâm những kẻ gian phi.
Hãy tu thân chừa thói vô nghì,
Của phi nghĩa làm chi xong chuyện.
Luật nhơn quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bền chí có ngày thông thả”.
Hỏi: Bàn về Đạo Tặc, gọi “con sâu làm rầu nồi canh” là ý nghĩa gì?
Đáp: “Rầu” là nổi buồn phát lên từ trong lòng khi gặp chuyện không may. Lấy sự “nồi canh” được nấu chín, thức ăn toàn mua thứ đắc tiền, hoặc nói là những món ngon mình thích; sau cùng người ta phát hiện một con sâu chết rả thây trong nồi canh, bỏ thì tức, tiếc còn ăn vào là không dám, buồn rầu đứa nấu sao mà hơ hỏng đến vậy. Mượn sự nồi canh ngon bị con sâu chết trong canh mà hết ai xài, đổ bỏ, ví nói lên sự ảnh hưởng lớn lao của một gia đình, đông người đàng hoàn, chỉ một người không đàng hoàn, trộm cắp, tiếng dữ đồn ra, nhà ta là nhà trộm, xóm trộm, thiện dù nhiều mà bị ảnh hưởng bởi một hai kẻ ác, cộng đồng cũng sẽ bỏ tới lui thân mến. Bởi thế người ta chơi chung thường nhắc câu “một người làm xấu cả bọn mang nhơ, một người làm tốt cả bọn được nhờ” mà sống có chuẩn mực.
18/1/2016

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét