Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC 7
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
Sau phần chú giảng về ác Sát Sanh, chư đồng đạo học viên đưa ra một số câu hỏi, có được giải đáp ngay trong buổi học. Đây viết lại để làm bài đọc thêm.
Hỏi: Đức Thầy dạy bổn đạo mỗi tháng dùng bốn ngày chay mười bốn rằm hăm chín ba mươi; giữ chặc chịa bốn ngày chay là đủ thì những ngày tháng không dạy dùng chay là dùng mặn như vậy có bị phạm vào tội ác sát sanh không? Nếu trong qui tắc bốn ngày chay mà dùng mặn là có tội thì xin giải thích mười bốn rằm hăm chín ba mươi như thế nào mà dùng mặn là có tội còn những ngày khác dùng mặn là không tội? Còn nếu hễ dùng mặn là có tội, bất cứ ngày nào thì tại sao Đức Thầy không dạy tín đồ trường chay mà kêu dùng có bốn ngày nói trên thôi?
Kính thưa chư đồng đạo! Câu hỏi đặc sệt tính lý luận nên một lần hỏi trong đó có đưa ra nhiều câu hỏi, đây xin tóm lược ý chính của các vế hỏi:
1. Những ngày không dạy dùng chay tất nhiên là dùng mặn được, vậy dùng mặn có tội không?
2. Nếu dùng mặn trong những ngày không dạy dùng chay là không có tội thì Xin giải thích thế nào về những ngày dạy phải dùng chay mà dùng mặn là có tội còn những ngày khác là không?
3. Nếu dùng mặn bất cứ ngày giờ nào cũng có tội thì tại sao Đức Thầy không dạy dùng chay hết mà chỉ sử dụng có bốn ngày trong tháng thôi?
Đáp: Duyên dáng đẹp đẽ của giáo lý đạo Phật là lòng từ bi, chân chánh của giáo lý đạo Phật là Nhân Quả; duyên dáng là thể hiện sự tốt đẹp, còn Nhân Quả thể hiện sự tội phước.
1/ Người đạo biết tu mà không có lòng từ bi thương các người sống khổ là không hay đâu, dầu là sự khổ không do mình đưa đến cho họ cũng nên thương và lo lắng bảo bọc. Ông Thanh Sĩ nói
“Tình Đạo Phật nếu khô khan quá,
không thể sanh ra quả bồ đề”
Đức Thầy thì bảo, chúng sanh còn khổ đau dưới chốn hồng trần mà ngồi trên Tây Thiên hưởng quả Bồ Đề là không đành lòng:
“Chẳng ngồi yên nơi ngôi vị hưởng quả Bồ Đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần đặng chịu cảnh chê khen”.
Thấy ai đó bị khổ bởi người khác hoặc quả nghiệp đời trước, những con vật bị dính bẫy lưới, hay trước cảnh chúng bị phân thây có lúc ta cảm thấy thương hại đến đau lòng huống chi chính bản thân mình hại chúng, giết chúng để nuôi thân hay làm bành trướng sự sang giàu, danh lợi. Kinh Phật dạy: Phật có bốn đức tánh tên là Từ, Bi, Hỷ, Xã; để khen bốn đức ấy người ta còn dùng thuật ngữ hơn tôn là Tứ Vô Lượng Tâm. Ở đây chỉ nói hai trong bốn Đức, Đức Từ và Đức Bi thôi; luôn thể hiện hiền lành và ban thương vô lượng, không thể giết các sinh vật vì sự sống mình. Vậy dù không phải là ngày dùng chay theo khuôn phép tôn giáo, ta cũng không thể nói dùng mặn là được. Một người biết tu theo đạo Phật dầu không đem ra nói chuyện tội phước mà lòng không có từ bi thì được chỗ nào chứ?
Áp dụng nhân quả để sợ tội cầu phước và từ đó tạo sự công bằng trừ khử cái tệ nạn mạnh hiếp yếu. Giết sanh mạng để bồi bổ cho cơ thể mình hay nhiều sanh mạng để nâng cao sự nghiệp giàu sang phú quý là không công bằng vì theo lời Đức Thầy dạy “Thú vật cũng có linh hồn cũng có thể xác và cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân loại vậy”. Luật pháp công bằng nào cho ta có quyền sát hại mà không tội? Thế đó, hễ dùng mặn tức ăn mạng là có tội, bất cứ ngày giờ nào.
2/ Nếu dùng mặn trong những ngày không dạy dùng chay là không có tội thì Xin giải thích thế nào về những ngày dạy phải dùng chay mà dùng mặn là có tội còn những ngày khác là không?
Ngày giờ năm tháng ta gọi là do Trời đất thiên nhiên sắp đặt thì ngày  nào cũng là ngày của Trời Đất Thiên nhiên, sát sanh là có tội bất kể ngày nào. Theo tôi nghĩ: Đức Thầy dạy dùng bốn ngày chay mà chọn mười bốn rằm hăm chín ba mươi vì theo tuần quờn mà đặt lịch, mỗi tháng 30 ngày, hăm chín ba mươi là đánh dấu hết tháng để qua một tháng khác còn mười bốn rằm là nửa tháng. Cuối tháng để qua một tháng khác là phải dùng chay, nửa tháng dùng chay lên lịch cho dễ nhớ. Những ngày khác Đức Thầy chưa kêu gọi dùng chay, chưa kêu gọi dùng chay nhưng cũng đâu có kêu dùng mặn thì đừng nói là dùng mặn là không tội.
Ấn định ngày dùng chay tạo nên khuôn khổ cho người vào tu có chút chút thói quen dùng chay để nếu họ nói về đạo từ bi là không ngại miệng rồi lần lần đi lên chay trường chớ không phải ở giữ miết cái chay bốn ngày. Không phải Phật chọn bốn ngày chay là ngày của Phật mà tất cả là ngày của Phật, do Phật thấy nhân duyên chưa tới đối với hạng chúng sanh trình độ giác ngộ kém, chưa đủ khả năng tiếp nhận giáo lý cao hơn vượt qua chay bốn bửa quy tắc. Đức Thầy dạy đạo Phật đi đến mục tiêu giải thoát sanh tử, chấm dứt vào ra trong sáu nẽo luân hồi bằng phương pháp Niệm Phật cầu vãng sanh về cõi Phật hay khai mở Phật trong tâm tánh mình. Nếu biết lời Phật dạy “ Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh” thì đi đâu, ở đâu, lúc nào mà thể hiện trong chính mình sự sáng suốt và từ bi là ngay khi đó Phật hiện. Thế là ngày giờ nào, ở đâu, cũng có Phật tánh, sử dụng đúng thì Phật hiện, trí huệ sáng soi, sử dụng sai thì ma hiện, đời u ám.
3/ Nếu dùng mặn, bất cứ ngày nào cũng có tội sao Đức Thầy không dạy mỗi ngày đều dùng chay mà chỉ dạy bốn ngày thôi?
Đức Thầy khai sáng đạo PGHH nhằm mục đích canh tân giáo điều, nếu không vậy, đạo Phật đã có sẵn từ trước hà tất phải ra thêm. Xưa qua các thời kỳ giáo hội, Phật Giáo rất quan tâm và ưu đãi hạng xuất gia, tu chùa tu núi. Tu tại nhà coi như bị bỏ bê cho họ gần như mất tự chủ về mình có Phật tánh và có thể thành Phật. Chính vì quên tự chủ mà luôn xét thấy mình không thể tu thành Phật được, chỉ là cúng dường Tam Bảo, hầu hạ các tăng sư nghe pháp cầu phước, chia phước, chia công quả ở các vụ việc chay tăng. Đức Thầy không muốn tồn tại mãi sự bất hạnh của người tu tại gia; chúng sanh ai cũng có Phật Tánh thì dù họ là cư sĩ cũng phải dạy cho tu tìm kiếm Phật Tánh của mình khi nó bị che khuất hay bị trôi giạt lẩn lút trong những thứ chướng duyên. Muốn cho họ gần gủi Phật Pháp Tăng hơn là lâu lâu mới đi chùa một lần, người tín đồ PGHH tại nhà có đặt ngôi thờ Tam Bảo, mỗi nhà có thờ Tam Bảo thì mỗi nhà là mỗi ngôi chùa nhỏ, cư sĩ hằng ngày mà chịu tu cũng không mấy kém các tăng sư tu trong ngôi chùa lớn.
Tu niệm tại gia theo như Đức Thầy nói “Phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng, ủng hộ các sư như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát”. Từ chỗ tin mình tu sẽ thành đạt giải thoát mới bắt đầu giữ gìn giới luật, sửa tánh răn lòng. Giới luật của ít điều là Ngũ Giới đi liền theo Tam Quy. Trong Ngũ Giới lại là giới cấm sát sanh đứng đầu, sửa tánh phàm tục ra tánh từ bi, răn lòng từ sự làm ác, nói ác, nghĩ ác. Được như vậy lâu ngày thuận lợi từ chỗ chay quy tắc mới vượt lên khỏi quy tắc đến với trường chay sẽ đứng vững lập trường tu giải thoát tại nhà.
Chẳng phải chúng ta thường trích đọc câu có ý cao siêu “đường đạo đức bước đi từ nấc” sao! Xét qua câu có chữ “từ Nấc” tôi vừa đọc, dụng ý như một gạch nối, một đường chuyền nhưng gạch nối đường chuyền trên tầng cao diệu lý:
“Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật.
Đường đạo đức bước đi từ nấc,
Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình.
Phải bền lòng chặc nẽo sắt đinh,
Rán kiếm chưc bất sanh bất diệt.”
Đem đến cho người tu tại gia pháp môn giải thoát và đi từ giải thoát lần lần, cái quy tắc chay kỳ đối với tại gia cư sĩ học Phật tu nhân là bước đầu của con đường giải thoát.
(còn tiếp)
 05/01/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét