Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015


         KỂ CHUYỆN TRONG ĐÊM TRĂNG

Xin Giới Thiệu một quyển sách: KỂ CHUYỆN TRONG ĐÊM TRĂNG


LỜI TRẦN TÌNH

Tôi không phải là văn sĩ nhưng tôi lỡ có trong tôi cái “định mệnh” tư tưởng triết học buồn cười.
Tôi cho rằng trên đời không gì khó nhịn bằng thứ “ nhịn biết”. Thật đấy! bị người ta chưỡi mắng đánh đập còn dễ nhịn hơn điều mà tri thức thuộc làu lại bắt nó đừng thuộc và cố gắng chôn vùi nó trong vô tâm tuyệt đối. Thế mà tôi vẫn phải nhịn được cái việc khó nhịn ấy già 5 năm qua.
Vào độ trăng thu năm 1978, chúng tôi một phái đoàn kể cả 10 người đi hành hương và chiêm bái ở vùng Thất Sơn oai linh hùng vĩ. Chuyến đi đó tôi đặt cho cái tên khá thơ mộng “HÀNH HƯƠNG BẢO QUỐC SƠN”. 5 giờ chiều ngày đầu chúng tôi đặt chân lên nền chùa BỒNG LAI núi Cô Tô cao vọi và đồng ý nghỉ đêm lại đây để đêm đến có dịp ngắm cảnh trăng lung linh bên bờ suối chảy rì rào. Nhưng sau khi dùng cơm chiều, bà cụ trụ trì chùa nầy không mấy vui khi biết đoàn khách trọ không có phép đi đường. Bà thay đổi cách đối sử với chúng tôi thật là quá đáng, việc vì bà cũng gắt gỏng. Theo đoàn có vài chuyên gia cười, họ cố gắng sử dụng nghề nghiệp chuyên môn vẫn không đá động lương tâm của bà cho bật ra cái “ nụ” nho nhỏ trên môi. Buồn ơi là buồn! có cố ở lại cũng mất ý nghĩa chuyến tham quan hành hương. Hơn 6 giờ chiều, mây âm u bay bay đáp đặc cả núi rừng hoang dại là lúc chúng tôi vội ra khỏi chùa Bồng Lai với nhiều con tim lo lắng: đi đâu?
                            ảnh minh họa tên đường từ chùa Bồng Lai đến Dồ Hội

Cách đấy hơn cây số là “Vồ Hội”, chúng tôi gắng lắm đến kịp lúc trời vừa nhá nhem tối. Tôi quan sát vùng đây không nhà, yêu cầu cái chòi tranh con con cho mình che sương cũng không có. Với một quả đá to cao, lổm chổm, bên trên có Trời Mây che đầu, gió bốn phương làm vách, đấy là căn nhà trọ lý tưởng của 10 chúng tôi đêm nay.
Được căn nhà rộng thoả tình, chúng tôi tuỳ thích lựa chỗ không bị nội qui ràng buộc. Trúc hành lý xuống cho cái vai thảnh thơi, quan sát tình hình để đêm về trông ra không bị hồi hợp nghi lầm… Chọn được chỗ, chúng tôi chia nhau làm chút công tác vệ sinh. Chắc ổn thôi! Có 2 tiểu nam nữ rất sợ cọp và heo rừng, nên khi chọn chỗ ngủ cô cậu nầy chen vào giữa hàng rào người, mặc kệ cái lưng than chết trên phiến đá tàn ong.
Sao thời tịnh toạ xong khoá tối, chúng tôi thao tác chân tay trong dãy sương mù bay bay. Phương đông trăng hồng ửng đẹp, chưa được hí cợt dưới trăng nhiều nhiều thì trên đầu trời có mưa rào, gió từ 5 non ồ ạc đến. Rét như cắt, mọi người co cụm lại, trùm cao su mà vài vị còn rung rẩy. Có lẽ để trấn an rét mướt xâm phạm, một nữ đọc giảng viên tâm đắc chỗ hay hay trong bài “ Bống Hồng”của Đức Thầy, cô cất giọng:
       “ Ngày nay vừa lúc trăng thu,
         Tiết trời ãm đạm mịt mù gió mây.
         Mưa phùng lác đác đượm bay,
                Canh tràng thơ thẩn thân Thầy bơ vơ”.
Cô là đọc giảng viên hãy còn rất trẻ thêm cái giọng lảnh lót duyên dáng của cô có thể làm cô trẻ đi 2 tuổi. Thường là thế, nhưng nay, giá như tôi không biết cô trước, chắc chắn tôi sẽ ngạc nhiên mà điều tra xem giọng đọc của một bà sồn sồn vừa rồi là ai vậy.

Đã giọng bị lạnh làm già sượng, không giải vây được cái lạnh tận xương, lại còn cắc cớ đánh mạnh vào hiện thực “ Tiết trời ãm đạm, mưa phùng lác đác” làm cho lạnh càng thêm lạnh. “Có nghe rét mướt luồn trong gió” Ông Xuân Diệu ạ! Hết còn chịu nỗi, một chú điệu kéo hở mép cao su, cũng nói bằng cái giọng cụ già, rung lếu lưỡi:
- Kể chuyện nghe Huynh Tư ơi!
Một người xướng nhiều người phụ hoạ, lại có cái giọng bắc hòa nam chen vào:
- Ừ phải đấy! chả có nhẽ đi núi chỉ để thưởng thức cái lạnh buốt người thế sao?
Người khác tiếp lời:
- Huynh lựa chuyện hấp dẫn chút nhé, để chúng tôi say sưa quên mất cái lạnh nghen huynh!
Bị yêu cầu vồn vập, Tôi đáp:
- Yêu sách quá ai mà đáp ứng nổi. Cần kể chuyện, có kể cho nghe giữa Trời đêm lạnh thế nầy là may. Hấp dẫn hay không đều do nhận thức của thính giả, quý vị cứ tự hấp dẫn lên chứ ai cho được!
- Nhưng chuyện cũng phải gay cấn lắm mới kích động nổi ý thức thính giả khi rét buốt đang làm chủ tình hình.
- Dĩ nhiên.

Kể xong câu chuyện, chẳng biết giá lạnh còn chờ đó hay đi đâu mà không nghe ai than thở. Có lẽ câu chuyện đã nhập tâm mà lạnh không ai ngó ngàng, thẩn thờ bỏ đi. Vài vị yêu cầu tôi viết thành tập để phổ biến cho lợi ích đông người, song tôi cố quên lời yêu cầu ấy và trãi Thiền Định lên đời sống cô đơn tận cùng tri thức mong phản diện nguyên tính Nhứt Như của mình… Đợi đến hôm nay 1984 tập sách ấy mới được dịp ra mắt bạn đọc với hình thức phát trong nội bộ.
Đã không là văn sĩ, thứ gai độc chướng mắt của những tâm hồn yêu mến văn chương chắc phải có trong đây. Mong được sự thông cảm của các văn nhân trọng đạo để cùng nhau thảnh thơi trong làng đạo, và đem đạo vào đời.

Tập “Kể Chuyện Trong Đêm Trăng” kết hợp có 3 phần. 1 Kể Chuyện Alibaba và bốn mươi tướng cướp , 2 triết lý câu chuyện vừa kể. 3 Chuyện “ Ngôi Nhà Hoang ”.
Về danh từ Phật Học tôi sử dụng chúng có phần nghèo nàn, kém cỏi. Thay vì triết lý về Phật Giáo, từ ngữ Phật Học nên được ung đúc kỹ lưỡng, hâm nóng sự thật hiện tình tâm lý để mà trãi rộng luận chứng ra theo sát vấn đề. Song vì câu chuyện, nguyên tác, chưa hẳng tác giả đã muốn làm giàu cho Phật Giáo. Chính vì “ định mệnh” của tôi mà chúng được đề cập trong tiến trình tu Phật, và do đó, không nên biến mất chúng quá nhiều vào sự đòi hỏi của mình.
Thành và kính dâng lên những con tim đi tìm bình an cho cuộc sống.
Thiên Quang Am  (Xuân Ất Mùi 2015 đưa lên Internet)

Lê Minh Triết.







                                  





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét