Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

HỘI MÁI ẤM TÌNH THƯƠNG MỞ TIỆC TẤT NIÊN

                                      Hội đang hoạt động tạo sườn nhà


“Hội Mái Ấm Tình Thương” là có thật nhưng những người thiện nguyện viên không cho khoe công, xin miễn nói ở đâu. Một tổ chức Từ Thiện của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH). Là một trong nhiều tổ chức cấp địa phương cất nhà phát thí cho người nghèo. Xưa Ông, Cha, các hàng Huynh Trưởng trong ngành Từ Thiện PGHH cất nhà làm phước trước cất bằng Tre, sau nầy dân gian ít trồng Tre mà vườn thì còn rất nhiều cây tạp như cây Gáo vàng, Trâm Bầu, Me Nước, tới Bạch Đàn. Việt nam lúc còn chiến tranh, bãi chiến trường xưa thường xảy ra ở vùng lâm địa, rừng tràm. Giờ những vùng lâm địa được khai hoang lập ấp, cất nhà ở hay làm ruộng, trồng trọt hoa màu, vì thế mà cây tạp thu dần. Dân số quốc gia tăng nhanh cho dù nhà nước phát lệnh “Kế hoạch sanh đẻ” chỉ số khuyến khích là hai con, ấy mà lượng số vẫn cứ lên vùn vụt. Đất chật người đông, những khu vườn tạp, rừng tràm, dãy bạch Đàn dần dần bị mức tăng dân số phá tan.
Dân số tăng, đất đai chẳng những không tăng theo mà còn giựt giảm bởi sự hiện diện của những khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu dân cư, tuyến dân cư. Những quốc gia tiên tiến tổ chức kinh tế hay, phát triển đồng bộ qua các ngành nghề, nhân dân có mức thu nhập cao, phát sinh những khu đô thị mới là nhu cầu cần thiết. Việt nam là quốc gia nhược tiểu, tỷ lệ nghèo rất cao, khu đô thị mới không xứng với dân nghèo bằng hội từ thiện cất thí nhà cho họ.
Hội từ thiện cất nhà không đủ đáp ứng yêu cầu, giờ mà kiếm cây tạp cất cho cái nhà thì không phải dễ. Có những đám Bạch Đàn nằm xa trong đồng ruộng, nơi chưa thấy một hộ dân cư, đường xá đâu cho hội đem xe tải chỡ về. Trên không có đường xe mà kênh rạch thường hay cạn nước, gan làm từ thiện, mua đem đám Bạch Đàn về nhà, công sức thiên nan vạn nan. Nghĩ đến điều đó hội Mái Ấm Tình Thương nói trên mở một lộ trình mới, cất nhà từ thiện cho bà con nghèo, không dùng gổ tạp làm cột, kèo, vách vừng nhà như trước nữa, thay vào đó là cột đổ bê tông, xây tường, đòn tay kẻm, lợp thiết.
Tính ra cột Tre là ba năm đứt chưn, cột Gáo, vang Tây, bạch Đàn, Me nước…lâu hơn cho bằng hai bằng ba cũng không đủ so sánh với tuổi thọ của bộ cột bê tông. Đó là nói việc chôn chân dưới đất, phía trên kèo, vách, đòn tay,… đối với cây tạp thì những con Mối, Mọt, Bù Xè rất là thích gậm nhấm, chịu đựng không lâu thì rả bèn. Tiền làm chưa dư ra thì hư nhà. Tưởng nhờ nhà thí một lần thôi thì khá lên, sau nầy nhà có hư có tiền rồi mình tự sắm. Ai dè mầng chưa kịp khá thì Bù Xè, Mọt, Mối ăn sập, phải xin nhà từ thiện nữa. Kinh phí ở đâu mà cất mới rồi lại cất cũ? Trong khi các hội viên đổ công sức vất vả từ chốn đồng sâu kinh cùng nước cạn lòi về. Hội mái ấm tình thương với lộ trình mới chỉ cần một cuốc điện thoại thì cửa hàng vật tư xây dựng sẽ chỡ tới ngay, các hội viên cứ mặc sức sung công.
                              Chủ nhà xin vài lời phát biểu trước khi nhập tiệc

Thời gian qua mau, còn vài hôm nữa là hết năm Giáp Ngọ 2014 qua Ất Mùi 2015 hội mái ấm tình thương nói trên tổ chức một bửa tiệc tất niên mừng suốt một năm qua hội hoạt động tốt, mang đến rất nhiều, hàng trăm mái ấm cho bà con nghèo. Trong khi còn chờ nhập tiệc, chư đồng đạo đưa chương trình hoạt động của hội vào sang năm ra bàn. Sau khi bàn xét, biểu quyết theo tính dân chủ “đa số tán thành” hội chấp nhận có hai tiêu hướng đề ra, 1 yêu cầu vận động nhiều hơn nữa sức đóng góp của bà con hảo tâm, những mạnh thường quân. Có thêm kinh phí, hội xét duyệt không quá khó đối với những hộ nghèo rất cần sự giúp đỡ. 2 Khuyến khích có thêm hội viên mới và cảm tình viên tiếp sức cho hội hoạt động tốt hơn trong năm tới.
Bàn kế hoạch cho sang năm xong hội trở về với tình đồng đạo, nhắc nhở nhau việc làm từ thiện phải khắn khít giữa hội viên và hội viên giữa hội viên và bà con nghèo cần sự giúp đỡ, một đồng đạo nói:
Hội chúng ta làm từ thiện theo phương châm PGHH, khắc ghi lời châu ngọc của Đức Thầy:
“Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi
Hãy giúp cho kẻ khó mới nhằm.
Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm,
Còn hơn đúc chuông đồng Phật bự”.
Và câu:
“Giúp người đói khó nhu mì,
Dạy nó tu trì Niệm Phật làm ngay”.
Những căn hộ nhà dột cột xiêu, chúng ta cho một mái ấm tình thương hết xiêu hết dột, bà con mừng mà ta cũng mừng. Khoa học tin rằng giàu hay nghèo của con người là do ở con người siêng năng hay lười biếng, dùng sức lao động của một người hay phải dùng trí khiến cho có nhiều người. Chúng ta cũng đồng ý tính khoa học nói trên, nhưng hơn họ là ta tin có nhân quả. Điều đã xảy ra trước mắt, trong số những nhà khoa học chỉ tin vào bàn tay khối óc của mình, tiến tới mục tiêu bất kể tội phước, có kẻ thành công người thất bại. Các nhà kinh doanh theo hướng khoa học không tin nhân quả thì các Ông ấy cũng có kẻ thắng người thua, họ bảo chết là xong.
Chúng ta học đạo, sự hiểu biết mà ta học ở đạo Phật không phải chết là xong. Tính nhân quả luôn luôn tồn tại trong mỗi nhân sinh, do người ta làm ác hay làm thiện thì sẽ có ra cái kết quả của việc mình làm. Người kiếp trước làm ác và nợ nầng, kiếp nầy định luật đặt họ vào hoàn cảnh nghèo thiếu bao vây là cho hưởng  quả của cái giống trước kia họ gieo. Vậy cho nhà ở ta cũng nên khuyên bà con mình từ rày đừng gieo trồng giống ác mà kiếm tiền, làm ăn lương thiện và gắng công sức tu nhân tích đức tương lai sẽ được đổi đời.
Ngay trong lúc mời mọi người nhập tiệc, Ông Bà chủ nhà đãi dáng vẻ hân hoan nói: chúc mừng Hội Mái Ấm Tình Thương trong suốt năm qua hoạt động tốt, chúc mừng chư đồng đạo có biểu hiện thái độ “Con Một Cha”cùng chung sự nghiệp từ thiện cất nhà thí cho bà con nghèo và chúc mừng sự hiện diện của chúng ta nói lên tấm lòng ưu sư ái đạo đối với Đức Thầy và PGHH:
“Trau thân phận rạng danh hiếu để,
Thỏa dạ Thầy nơi chốn mây rồng.
Đừng chia lìa Bắc Tổ Nam Tông,
Chỉ biết giống Lạc-Hồng thượng cổ”.
Buổi tiệc tất niên của “Hội Mái Ấm Tình Thương” ăn mừng hoàn thành công tác từ thiện trong suốt năm qua 2014 và bàn hướng đi cho năm tới 2015, được kết thúc vào lúc 12 giờ trưa ngày 15 tháng 2 dương lịch nhằm 27 tháng chạp năm Giáp Ngọ.

16/2/2015

Lê Minh Triết

                                     


                              



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét