Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

CỎ DẠI và CÂY TRỒNG

Ngày nào tôi cũng để ít thời giờ thư giãn vào vườn hoa cây kiểng trước sân nhà, trừ những lúc bị bệnh hay đi vắng. Có hôm vào giác trưa, tôi ngồi trên bàn viết bị con buồn ngủ đến chọc, nó đậy mí mắt mở không ra, đọc hay viết gì cũng chẳng nên thân, có mấy chữ nhào lộn tới lui thật là chướng. Không cho nó đậy sụp mí mắt sụp lâu, trễ công việc có yêu cầu, sân hoa nắng nóng như gần lò lửa mà tôi cũng ra đó cho con buồn ngủ không chịu nổi hình phạt Trời ban trưa mà sứt ra.
Lâu rồi, tôi đã phát hiện bụi cỏ chen trong gốc cây hoa, từ lúc hoa chưa tươi hẳn nét mặt, nhưng cỏ dại thì dường thể chím môi cười cái Ông già lẩm cẩm. Trước sân rộng, tôi cho kê một bàn đá để anh em trong xóm cùng nhau uống trà sáng và đàm đạo. Tôi ngồi trên chiếc ghế mủ nhỏ, mắt ngắm trọn vườn hoa và chậu hoa mới trồng, lần nào hễ thấy bụi cỏ chen trong gốc cây   trồng là tôi muốn đi nhanh lại “khai tử” nó ngay cho đỡ chướng mắt. Nhưng tính vậy chớ không hành động, nó luôn được sống mạnh, ăn phân uống nước đầy đủ lớn đến phè lá giành sự sống với cây Hoa Hồng giống quý mà tôi đã đi xin từ xa về. Chậu hoa đan bằng nan trúc, nhờ nghề chuyên môn của nhà tạo mẫu khéo tay và thêm cái duyên cho nó, tôi kê trên một lóng cây củi để thêm dáng. Nhớ hôm mới khởi sự, cái chậu hoa thì hình dáng đẹp tưng bừng, đất trong chậu hoa được bới lấy từ những đống cỏ mục lâu, cộng thêm một ít đất nhuyễn và tro bếp, cây cỏ mà lọt vô như chuột sa hũ nếp mặc sức mà bành trướng.
Một ngày, cũng sau cữ trà sáng, mắt tôi không còn nhịn được bụi cỏ giành quyền, nó vốn là loại cỏ bông gạo bẹ trắng, hiên ngang, bấu cứng dưới đất, tôi gượng thêm một chút sức quyết nhổ bỏ thì thà nó đứt ngang chứ không chịu lên gốc. Bị đứt hết chỗ nắm, tôi phải thọc hai ngón tay xuống mà móc, chao ôi gốc của nó lớn quá, đan bộ rễ đi khắp chậu, tôi phải mạnh tay hơn, lên luôn cả gốc cây hoa. Nguy to rồi!

Có lẽ vì thiếu cẩn thận, tôi đã lôi cả hai cái gốc cây trồng và cỏ dại tung lên. Chừng nhận ra sự thật thì muộn màng rồi. Quá muộn! tôi xác định không phải cây cỏ lên từ bông cỏ mà lên từ cái gốc cỏ đã bị mấy chú cắt cỏ cho bò ăn để lại. Hồi đó, rất tiếc là mình đưa đất vào chậu một cách vô tư vô cảm, bụi cỏ bị cắt đọt còn gốc rơi vào chậu đất phân, lớn phì phì.
Mường tượng chuyện trên, ở các tôn giáo, nhà làm đạo hay những hành giả chuyên tu, vị nào nhẹ bị chướng ngại hay không bị chướng ngại bởi “vật chất, cảm tình, uy quyền, phú quí” (lời Đức Thầy) là rất dễ tu. Nếu không bị nó chen vô chỗ làm đạo, chuyên tu thì việc làm đạo, chuyên tu lên phơi phới dễ đến mục tiêu, đạt mục đích.
Vật chất, cảm tình, uy quyền, phú quí chen vô chỗ làm đạo thì việc làm đạo không còn tính đạo nữa, chúng chen vô chỗ chuyên tu là tu niệm bị hư. Tốt nhất trong khi làm đạo hoặc chuyên tu pháp môn là đừng để gì gì khác chen vô
Làm Từ thiện thì phải có tâm Từ thiện và chỉ có thứ tâm ấy thôi, chuyên tu niệm Phật thì có Phật trong tâm không có gì khác. Khi khởi tâm làm Từ thiện hay giảng thuyết Phật Pháp hãy cẩn thận ngay từ đầu, đừng để cái tâm không Từ thiện chen vào việc làm Từ thiện, đừng để cái tâm không Phật Pháp chen vào việc truyền bá Phật Pháp. Để cái gì gì khác chen vào giành giựt lay động mất phương hướng.
Khởi sự làm đạo hay chuyên tu, nên cẩn thận! Nước trên nguồn tuôn xuống coi chừng rác cùng theo, không thể để có trường hợp uống rác trong gáo nước mà rác có thể là vị độc ngấm vào cơ thể, không toi mạng thì cũng ngam ngáp oan ương, chẳng nên thân. Nếu ta loại bỏ được rác từ trong nguồn nước, nước uống tinh khiết, khi đưa nước vào lu chứa sẽ không có vụ “con sâu làm rầu nồi canh” mà hất cả nồi canh đâu.
Tu hành mà thiếu cẩn thận từ buổi đầu để phiền não chen vào sanh mưa, đẻ gió, bão tố trong lúc làm từ thiện hay những giờ giấc giành để chuyên tu, truyền bá Phật Pháp là tốn công vô ích. Nếu việc tu bén nhạy, cho dù còn có niệm bất giác nhưng hành giả sẽ sớm phát hiện có phiền não thì việc đánh phá của chúng nó không hư hao gì nhiều, lấy lại quyền làm chủ và đẩy chúng ra xa. Chậm phát hiện phiền não là chứng tỏ lòng không chuyên tu.
Đức Thầy khai đạo dạy tu luôn luôn đặt tín đồ ở trạng thái chuyên tu, như dạy về Niệm Phật, sự khuyến khích không riêng vì cử lệ sớm chiều mà là niệm bao trùm trên tứ oai nghi “Đi, đứng, nằm, ngồi rán niệm chớ quên không đợi gì thời khắc”. Một người làm ruộng kẹt rơi vào yêu cầu của mùa màng phải ở suốt ngày trên thửa ruộng, nhà cửa đâu mà phải lạy sớm lạy chiều trước Phật Đài, nhưng hành giả không bị thiệt thòi cho đường tu, Đức Phật chẳng những không xem thường người tu sao lại quá tham công, tạo của, Ngài dạy cho người đó có sức thích đương với công việc tu trong ngay chỗ làm:
                          “Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
                           Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc”.
Còn nói về việc trao sửa thì bất luận lúc nào, nơi nào, hạ quyết tâm là làm nên việc “Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”.
Thấy cỏ dại chen lên trong gốc cây trồng mà để cho nó tiếp tục sống thì thà đừng thấy, cỏ dại ép chết cây trồng bảo chuyện đó là Hên Xui! Tập tành trồng cây làm chi cho uổng công phí sức để nhận cái kết quả hên xui? Tu được hay không là do sự dụng công của hành giả, nếu “Ngồi đâu cũng sửa” xấu ra tốt, loạn ra bình, tà ra chánh, mê thành ngộ riết trong người không còn chút xấu nào là Hên sao? Không sửa xấu thành tốt, xấu được là xấu hoài, mình làm xấu là “Nhân” do nhân xấu thì quả xấu sẽ đến là xui sao?
Tôi hay biết cỏ dại từ lúc mới nhú lên trong gốc cây trồng mà không
lôi ra bằm nát cho mất xác chúng, đợi đến khi nó đủ lớn, đủ cứng chắc, bề thế, muốn diệt nó hả! Nó đòi cùng chết với cây trồng mới chịu là xui sao? Tu mà nói chuyện hên xui té ra không hiểu giáo lý Nhân Quả của nhà Phật.
Bật gốc cả hai cỏ dại và cây trồng làm tôi cười ngất một mình, dứt cười tôi mắc cỡ vô cùng vì ngộ được cái lý trong chuyện Hoa Hồng Quí phải bị chết chung với cỏ dại.
Người tu trồng giống Bồ Đề nhưng lại là Bồ Đề Tâm chứ không phải Bồ Đề tướng như cái tướng của Hoa Hồng. Ở đâu cũng có sự đối đãi, ngoài đối ngoài, trong đối trong, hết đối đãi là chỗ của Chân Như Tâm. Nếu ai trồng Bồ Đề bằng cái tướng đạo với xâu chuỗi hột để lòe, quàng vào cổ hay nắm trong tay, chỉ có vậy thôi chưa chắc là giống Bồ Đề thứ thiệt.
Kể ra là tôi có đi tham dự nhiều cuộc nói chuyện ở bàn tròn hay nghe thấy giảng thuyết trên diễn đàn. Lúc chia tay, chào nhau ở bàn tròn hay thuyết lý viên trước khi rời khỏi diễn đàn đều có một câu chúc: Phát Bồ Đề Tâm, Phát Tâm Bồ Đề, Bồ Đề tâm tinh tấn…Chúc câu nào cũng có chữ Tâm trong đó. Nói là “Tu Tâm” chúc nhau “ Phát Bồ Đề Tâm” mà chuyên đi săn sóc hằng ngày cái “Tướng Tu” để đón nhận sự khen thưởng. Bằng như có ai đó không khen thưởng mà lại chê cười hoặc chỉ trích cái tướng tu bề ngoài của mình thì mặt mày đỏ ké, tâm Bồ Đề đâu chịu phát sinh, để phát ra ba cái thứ độc địa: Danh Lợi Tình, Tham Sân Si. Không theo đạo Bồ Đề bằng Tâm Bồ Đề để cỏ dại phiền não lấn lướt, giành sân. Lo tu bề ngoài, giặc vô tới đồn bót không ở trong đồn đánh trả, chạy rượt mấy tên giặc ba khơi thì trong này, nó “chụp Đồn” tuốt.
Tu Phật là muốn thoát ly sanh tử, làm Phật. Muốn tu thành Phật thì phải từ bỏ cái tâm chúng sanh, muốn thoát ly sanh tử để hưởng quả Niết Bàn Tịch Tịnh thì đừng trao cái lòng mình cho các điều thế gian cột trói. Tự đưa lòng mình cho các điều thế gian cột trói mà sáng lạy Phật, chiều lạy Phật, xin cho mình được giải thoát là sao? Mình uống thuốc mê mà cầu cứu Đức Phật mở lượng Từ Bi phá mê giùm mình được sao? Hãy tu cho “Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi” (Khuyến Thiện) bằng vào lời dạy của Đức Thầy, trong bài “Luận Về Bát Chánh” mục Chánh Niệm như sau:
“Để thoát khỏi luân hồi bỏ cuộc đời lầm than hoạn họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành Đạo bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao Đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật Giáo. Phải nhớ rằng xác thân do tứ đại (đất, nước, lửa, khí) tạo thành và sớm muộn gì nó cũng sẽ bị tan rã. Đặng vậy, ta mới bỏ được các sự xúc động, các mối dục tình tránh điều khổ lụy do nó gây nên”.
Cũng mục Chánh Niệm, Đức Thầy không hài lòng cho tín đồ của Ngài trong việc tu để đi vào chánh niệm mà lại tưởng chuyện không đâu:
“Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét

cũng tưởng. Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao nhiêu tâm cơ, bao nhiêu trí não phụng sự nó. Danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quí…được hằng ngày ghi nhớ. Vì thế con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường, không thoát khỏi vòng sanh tử.”
Tưởng chuyện không đâu là tha hồ cho cái tâm cứ vọng. Giặc dậy lăng xăng dưới gốc Bồ Đề, chúng nó muốn bứng củ hủ cây trồng, ta không vào mà ngăn đánh, đi hà rong bên ngoài lo cái chuyện giàu nghèo, thương ghét. Sắp bị bôi tên trong bảng vàng tu niệm, có chịu trở về tâm đâu mà biết. Cũng trong bài “Luận Về Bát Chánh” mục Chánh Định, Đức Thầy dạy rất rõ:
“Và khi ta dùng sự Chánh Định dẹp bỏ hết các sự phiền não rầu buồn, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẽo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt hết sự phàm trần, lần bước đi đến cõi giải thoát.”
Ông Hoàng Sơn Cốc là bậc tài danh, tiếng tăm về “Từ Khúc” ở thời nhà Tống bên Tàu. Ông đã hạ bút một đoạn văn nói về Thiền lý cao siêu, trong đó có câu tôi rất thích đọc “Nhứt ba tài động vạn ba tùy” (tạm dịch: một lượn sóng nổi lên có ngàn lượn sóng nổi theo). Mượn ngoại cảnh “sóng” để nói về “Tâm” thật là dịu dàng dễ mến. Tâm và cảnh, lý và sự đôi khi không cùng nhau cách diễn đạt. Ngoại cảnh “Sự” một lượn sóng nổi lên có nhiều lượn sóng khác nổi theo thì là bất di bất dịch, nhưng trong tâm chưa chắc có người tu nào hay một niệm bất giác nổi lên mà chịu để yên cho nhiều vọng niệm bất giác khác sanh khởi. Giáo lý đạo Phật dạy, khi phát hiện một vọng niệm hãy làm tan biến nó ngay, đồng thời còn chận đứng các vọng niệm chưa phát sinh không cho nó phát sinh, được diễn tả trong “Tứ Chánh Cần” của chuyên đề “Đạo Đế”. Thua là chịu chứ không chấp nhận cái việc phải có ngàn lượn sóng nổi theo một lượn sóng nổi trước. Đức Huỳnh Tôn Sư khuyến dạy môn đồ:
                                  “Ai ai cũng rán xét mình,
                          Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngoài.”
Hoặc là:
                                  “Phải gìn dục-vọng lòng tà,
                          Đừng chìu theo nó vậy mà hư thân !”
Đừng chìu theo nó tức là không cho nó sanh khởi tiếp theo cái “lòng tà” đang bị lay động, hoành hành. Xét những việc mình làm, những điều mình nghĩ là xấu thì mau mau đùa đẩy nó ra, hốt vụt nó ra, chứ ở đó mà cho nó vọng tiếp, xấu tiếp nữa sao.

Lục trần là 6 cảnh bên ngoài: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; đối tượng chính thức của 6 trần là 6 căn: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý vốn của thân, cũng bên ngoài nữa. Nhưng Đức Thầy nói với tính xác định là Căn hay Trần đều ở bên trong:
                          “Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
                           Ta mau mau dứt nó cho rồi.
                           Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
                           Mượn trí-đạo đuổi ra khỏi xác.
                           Dứt được nó ấy là giải-thoát,
                           Thì xác trần mới khỏi đọa-đày.”
“Nhứt ba tài động” mà trong tâm “dứt được nó” thì sẽ không có cái chuyện “Vạn ba tùy” nữa đâu. “Vạn ba tùy” có thể là Ông già lẩm cẩm trồng hoa Hồng quí nói   trên, hằng ngày thấy cỏ dại và cũng hằng ngày tính “trục xuất” nó mà ai dè, nó lại trục xuất cây hoa quí của mình.

Lê Minh Triết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét