Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

BỮA CANH CHUA ĐẶC BIỆT
(Tết xin vui chút nhé)

Còn hai hôm nữa là Tết. Nhà chưa sửa soạn Tết mà gặp Ông Đạo Ba kêu quyết liệt phải đến nhà Ông dùng tiệc. Tự thân Ông đến mời là điều vinh hạnh, vì xưa nay khách lại nhà thăm Ông, Ông còn chưa mời ai dùng cơm huống nay phát đi mời mình dùng tiệc. Đúng là chuyện lạ chưa từng có. Bận chuyện thì dẹp chuyện bận qua một bên chờ sau xử lý chứ không để mất cơ hội ăn bữa nhà Ông Đạo.
                                Ảnh minh họa nhà một đồng đạo.
Mời tiệc với món canh chua làm món chính cho bửa tiệc sao? Nghe hai tiếng đặc biệt tôi trực nhớ khoảng hai mươi lăm năm trước (thuở ấy dân ta nghèo lắm) hôm tôi đi thăm một đồng đạo quen thân mắc bệnh và đang nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa An Giang. Tôi chủ ý đến sớm trước giờ hành chính để được thăm bệnh lâu hơn. Chúng tôi gởi xe đạp đằng xa lội nhanh chân, đi chút nữa là tới cửa bệnh viện  thì bên kia đường có câu hỏi chào lớn tiếng:
Anh tư đi đâu đây?
Nghe tiếng kêu anh tư là lòng nhạy cảm, dù không chắc có ai đó kêu mình ở cái nơi xa xứ nầy, nhưng nghe trùng thứ tôi quay nhìn tìm. Thấy một  người quen ban qua đường, chúng tôi chào nhau vui vẻ. Biết tôi quên trả lời, anh hỏi tôi lần nữa:
- Đi đâu đây?
- Thăm bệnh
- Đi cả thảy mấy vị?
- Bốn.
- Chừng ra tôi mời hết các vị lại nhà dùng bửa trưa. Nhà tôi anh biết mà?
- Dà biết.
- Nay tôi đãi món đặc biệt đó.
- Để hỏi quý anh em đi cùng
- sao? Quyết định cái đi!
Bốn chúng tôi nhìn nhau ngầm hỏi ý, một người lên tiếng: Trong quê lâu lâu mới được ra chợ tỉnh, có ai mời ăn no thì ở chơi suốt ngày cho đáng công đạp xe xa.
Khi được chúng tôi nhận lời, anh ta liền chào tạm biệt. Chúng tôi vào bệnh viện chia sẻ chút tình cho bệnh nhân gượng lên mà sớm mạnh, chừng khoảng hai mươi phút thì nhân viên cơ sở báo hết giờ thăm. Chúng tôi ra khỏi cổng, xem lại khoảng thời gian thì còn khá sớm mới tới tiệc cơm, nếu đến liền nhà người ta chắc phải ngồi chờ lâu sanh ngại cho mấy anh em đi chung. Thôi thì đi đâu đó cho bớt cái khoảng cách giờ giấc. Chúng tôi rủ nhau qua cầu Duy Tân xem xe người qua lại sướng con mắt lâu lâu rồi mới thả lai rai lại nhà mời dùng tiệc. Qua khỏi bệnh viện một chút là vào hẻm, đi thêm một chút nữa tới. Trong nhà chủ tiệc có ba người khách mời đến trước chúng tôi. Nhìn quá quen, gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện qua chuyện lại chờ Ông chủ nhà đi chợ chưa về. Khoảng 10 phút sau Ông ta về tới với một xách máng trên my đông và một bao đồ bự nặng tổ mẹ trên chiếc ba ga xe đạp.
Để coi ăn tiệc đặc biệt là những món vì đây. Cái bao to trên chiếc ba ga hai người phụ nữ trẻ khiêng để ịt xuống, Ông bạn đi thăm bệnh chung với tôi chưa chi đã thắc mắc: Có bấy nhiêu người đâu mà mua chi nhiều thế. Chừng sổ cái bao ra, toàn là một đống xơ mít chín, Ông bạn dòm thấy lắc đầu. Một chút thôi là lũ ruồi kéo đến bu, có những con bự bự sớt đảo như những chiếc máy bay võ trang chiến đấu oanh kích mục tiêu. Lực lượng nhà bếp có ba người phụ nữ còn sức, dẻo dai ngồi lạn võ gai xơ mít làm rụp rụp trong nhà bếp ung khói. Khách ở trước cứ uống trà đàm đạo, có vị thuyết ngăn ngắn qua đề tài “Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”. Tôi tưởng như Ông chủ nhà “đặt hàng” sẵn nên mới có đề tài thuyết trình giống hệt: Đống xơ mít làm phù hợp với thuyết “Ăn cần ở kiệm” sao? Đến trưa lắm mới mời ăn thì bụng ai cũng sẵn đói và qua sự khéo tay của đội nhà bếp đã biến cái đống xơ mít chín thành món ăn không tệ. Hảo! Hảo!
                               Ảnh minh họa chư đồng đạo đang dung tiệc
Ông Đạo Ba ở tu trong cái chòi nhỏ sau vườn hè nhà người ta, Ông có tiếng là người ăn sống đơn giản, đạm bạc. Thường hay ít nói nhưng nếu nói về Phật Pháp thì rất là nghiêm, ai ngồi nghe cũng phải kính. Có lúc Ông cũng vài câu pha vui nhưng vẻ tự nhiên chứ không có ý trêu đùa khi tiếp chuyện với Ông không nhằm mục đích đạo pháp.
Ở Ông có một sự bí mật. Chả hiểu vì Ông không tiền hay vì lười biếng việc nấu ăn mà Ông ăn rất là khổ hạnh. Thường Ông có thói quen nấu chung một nồi hai thứ, cơm dưới rau trên, nước tương màu hay nước tương Bạc Liêu nữa là xong. Nước tương màu thì để nguyên chất còn Bạc Liêu phải tốn chút công pha muối với nước lả chấm chan vào mà quất, bửa nào cũng no nê.
Ông tu hành rất là khuôn phép, kỹ lưỡng. Được sự mến mộ của đồng đạo, nhà nhỏ mà khách cũng tới thường yêu cầu Ông nói đạo, dạy tu. Khách đến thì đến, chưa khi nào Ông mời khách ở lại dùng cơm, còn việc tín thí, ngoài cho nhang đèn, gạo muối, nước tương cho gì nữa Ông cũng không nhận.
Hôm có Ông Bà khách xa làng đến viếng, họ nghe đồn đến chỗ Ông Đạo Ba không được mời ăn cơm nên trước khi đến đây Ông Bà bỏ đầy bao tử rồi mới đi. Viếng ngay lúc Ông Đạo Ba dùng bửa. Ông chào hỏi rồi để khách tự nhiên lựa chỗ trên váng mà ngồi. Ông Bà thấy trong mâm cơm Ông Đạo Ba đang dùng chỉ một chén nước tương và hai trái chuối sống non còn cạnh, không lột võ, không sắt mỏng ra vừa miếng, chấm nước tương cắn ăn luôn võ. Bà khách hôm đó chờm đứng dậy chụp trái chuối sống trên mâm ăn của Ông đạo định đem đi lột võ giùm thì Ông Đạo cản tay lại và nói:
- Thuốc không đó. Đừng đem đi bỏ uổng
- Tôi lột võ giùm.
- Võ chính là thuốc hay đấy.
- Thuốc trị bệnh gì thưa Huynh Ba?
Biết phải giải thích lâu, Ông Đạo để đủa chén xuống, đáp:
Một là trị bệnh đói, lúc đói mà ăn được vào cảm nhận sẽ hết đói ngay. Hôm sáng nọ tôi đi trong xóm bị mời một ly trà không thể từ chối, chút về nhà thì cái bụng nó xót ruột. Chịu không nổi tôi ra hái hai trái chuối đưa vào một chút là tài tình, mất tiêu xót ruột. Hai là trị bệnh đau bao tử_ Ông đưa trái chuối lên giải thích_ nhờ chất mủ nầy vô trét dầy bao tử, chỗ nào mà trước giờ có bị lổ đém mủ sẽ tự động dán bít ngay, hết đau. Xưa nay nhờ ăn vậy mà quý vị thấy tôi mạnh cùi cụi đây nè.
Nói xong Ông cầm đủa chén lên ăn tiếp bửa cơm. Ông Bà khách có lẽ lần đầu được nghe chuyện lạ khoái, nhìn nhau mỉm cười.
Đến nơi tôi mới biết không phải chỉ mình tôi mà tổng cộng có gần chục người khách. Trong số khách đến cũng có vài phụ nữ nhưng Ông tuyệt đối không cho vào bếp tiếp, chuyện gì cũng để Ông và đứa cháu trai Ông là đủ. Ông khuyên rằng quý Huynh Đệ hãy ở trước mà đàm đạo với nhau, tìm mấu chốt bật sáng cái tâm lên, nếu tu mà  cái tâm tối lâu không hay.
Chúng tôi không để ai thuyết đề tài nào, chỉ là Hội Thảo xây quanh tình hình tôn giáo qua các Hội Nhóm hay những Tổ Chức Độc Lập ngoài Ban Trị Sự quốc doanh. Xem có tiêu hướng nào khởi sắc. Nhóm hay tổ chức nào hoạt động phù hợp yêu cầu cho sự phát triển tầm vóc PGHH. Chương trình gì cho năm tới trong khi dòng chảy văn minh khoa học ồ ạc sang nước ta, vào đạo, vào ngay bản thân ta và đồng đạo ta nữa. Dòng chảy khoa học thực tế và luôn đổi mới, dẩu có ăn ở theo xưa thì có cái ta cũng cần nên đổi mới, nhưng tâm phải cho chắc ăn là đừng để dời đổi sự tu hành. Cái tâm bị dời đổi theo ngoại cảnh không phải là điều mà các người tu cần có, bởi trong hiện diện của sự thay đổi tâm và cảnh là không tu được gì. Đổi mới hình tướng, hoàn cảnh, là cách của vọng tâm, chơn tâm không bị động, nhưng vọng tâm luôn hoạt động sự che khuất thì chân tâm cũng không thể bật ánh sáng ra bên ngoài.
Hai chú cháu Ông Đạo Ba dọn sẵn ra mời khách dùng. Trên mâm ăn có nhiều món: Đậu đủa xào, Tàu hủ kho, nước tương, xoài sống, rau sống… mời khách chung dùng. Ông Đạo Ba ngồi ăn ai hỏi mới nói. Khách có người dùng hết một chén cơm mà coi lại trong mâm thì không có món canh chua đặc biệt như trong thực đơn Ông đạo ba mời. Hỏi lại Ông ấy về việc thiếu món canh chua đặc biệt thì Ông Ấy nói quên và Ông đứng nhanh đi lấy. Lạ thật, có canh chua canh ngọt vì đâu, Ông bưng ra cho mỗi người một ly ngước mát rồi về ngồi chỗ củ cầm chén đủa ăn tiếp. Nhìn Ông Đạo tôi hỏi:
Còn nồi canh chua Đặc Biệt đâu?

Ông đặt đủa xuống váng đưa tay chỉ: ăn món xoài sống nầy vô, ăn nhiều nhiều rau không thì quá chua đấy, ly nước đây uống vào thì trong bụng ta thành món canh chua ngay.
Cả chục người ngồi ăn phải chịu bó tay với Đạo Ba về mẩu mả Nồi Canh Chua Đặc Biệt của Ông.

18/2/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét