NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC 10
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ÁC
KHẨU
Sau phần chú giảng chánh văn của
hai ác thuộc khẩu nghiệp: Ác Khẩu và Vọng Ngữ, đồng đạo học viên
đưa ra những câu nghi vấn nhằm mở rộng đề tài để lường trước những điều
có thể xảy đến do ác khẩu. Đã có giải đáp tại lớp; giờ chúng tôi
lần lược viết lại những nghi vấn ấy đầy đủ hơn để làm tài liệu
đọc thêm. Nghi vấn 1:
Hỏi: Trong luận về “Ác Khẩu” Đức
Thầy có đoạn “ mạnh bạo hăm he đánh giết”. Nếu ở vào trường hợp cá
nhân tôi không nói… Sống trong thời buổi hiện nay, tín đồ các tôn
giáo, quyền tự do tôn giáo bị đe dọa về sinh hoạt giáo lý; đám giỗ
là phong tục tập quán ngàn đời còn bị gây khó dễ, hăm he bắt tù.
Họ dùng những lời lẽ ngang tàn hóng hách với tín đồ tôn giáo nhân
quả có buộc họ vào tội ác khẩu không? Nếu tính theo luật nhân quả
thì họ là người gieo nhân ta có nên cho họ hưởng quả bất lành về sự
ngang tàn hóng hách của họ không?
Đáp : Trong câu dài có hai vế hỏi,
tôi xin lần lược trình bày:
1/ Đám giỗ là phong tục tập quán
ngàn đời, tín đồ còn bị gây khó dễ. Họ dùng những lời lẽ ngang
tàn hóng hách nhân quả có buộc họ trong tội ác khẩu không?
Tội Ác khẩu không phải trị riêng
cho người có đạo mà là tất cả mọi người trên thế gian nầy, tu hay
không tu thì ác khẩu cũng là cái nhân xấu để có kết quả xấu. Nói
gần, người ác miệng rất ít ai dám chơi chung, nghèo đi kiếm việc làm
mướn, biết họ ác miệng cũng không ai dám kêu giúp việc. Nói xa, kẻ
ác miệng hay bị quả báo, đời sống không yên. Quý vị cũng đã thấy
nghe nhiều việc báo ứng, những người ỷ quyền ỷ thế, miệng mồm độc
hại, đàn áp tôn giáo đã gặp quả báo nhiều rồi, nghe đâu xứ nào
cũng có.
2/ Nếu tính theo luật nhân quả thì
họ là người gieo nhân ta có nên cho họ hưởng quả bất lành về sự
ngang tàn hóng hách của học không?
Dùng lời lẽ “ăn miếng trả miếng”
với họ dứt khoát là không. Ta là người học đạo để tu hành, đem đạo
pháp đã học ứng dụng trong đời sống, học đạo hành thiện, không thể
hành ác. Học thiện mà hành ác làm trái ngược sự học đạo của
mình. Ta không nên hành động kiểu ăn miếng trả miếng với họ vì họ
không học đạo, ta có học lại đi ăn thua với người vô học sao?
Hỏi: Nói lý như vậy là phải,
nhưng nhịn họ sẽ càn tới dẹp luôn đám cầu cúng của mình thì sao?
Đáp: Học đạo, Đức Phật dạy trừ
trị ác khẩu, chúng ta phải nghe theo mà trừ trị, vắn tắt đừng để
nói lý nói sự làm lợt đi ý nghĩa; tránh né ... sẽ làm mất màu
thiền. Người của thiền môn mà mất màu thiền, hạnh tu xuống cấp bởi
ác khẩu không tốt cho bản thân hành giả. Bảo rằng mình nhịn họ làm
tới. Điều nầy chưa chắc, hai bên mà một bên có lửa bên không, lửa
cháy nếu bên kia không để thêm củi, rưới thêm xăng, cháy một chút là
hết, nếu hai bên đều có lửa, củi cứ tiếp tục đun vô… thì cháy tới
chết thôi.
Nhịn với chuyện nhà cầm quyền
dẹp đám cầu cúng theo phong tục tập quán là hai chuyện khác nhau. Ta
nhịn bằng miệng không dùng lời ác khẩu còn đám cầu cúng là phải
keo sơn gìn giữ. Không phải mục đích của chúng ta là cúng tuần cúng
giỗ sao? Chúng ta có hai hướng bước, theo lời Đức Thầy dạy là dùng
lời lẽ đoan-trang nghiêm-chỉnh giải thích gì sao cương quyết đám giỗ
cúng tuần, thuyết giảng đạo pháp? Con người ai cũng có Tổ Tiên Ông
Bà Cha mẹ sanh ra nuôi nấng dạy dỗ, hậu sanh phải biết ơn các vị.
Tục ngữ Việt Nam có câu “uống nước nhớ nguồn”. Đám giỗ cúng tuần
là phong tục tập quán ngàn đời, tổ tiên đi thành lệ; xưa nay bất kỳ
trải qua triều đại nào, ma chay đám giỗ, cúng tuần đều được bảo
trọng, các chú nay đừng phá bỏ kỷ cương đó.
Như chúng ta biết những kẻ vô thần
là không ưa tôn giáo đừng nói chi là phong tục tập quán, họ rất tự
hào về khoa học biện chứng bác bỏ sự siêu mầu của tôn giáo nhưng có gian ác mấy nhà cầm quyền cũng không dám ra lệnh
triệt tiêu phong tục tập quán, chánh quyền nào không cho công dân
giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy là tự họ lên án nhà nước
của họ không phải là nhà nước Việt Nam, tự đào mồ chôn mình.
Đó ta dùng lời lẽ đoan trang nghiêm
chỉnh để giữ phải trước; nếu họ không nghe lời ta giải thích mà sấn
tới, dùng lời manh bạo hăm he, ta hỏi những người đến ngăn cấm phong
tục phải trưng ra điều luật số mấy trong bộ luật hình sự và xin đưa
ra giấy quyết định của ai cấm không cho đám giỗ cúng tuần, thuyết
giảng giáo lý tôn giáo.
- Họ chỉ nói luật và quyết định
miệng chứ không có văn bản chính thức ta có tin nghe không?
- Nếu họ không trưng ra giấy lệnh, làm
ngang không chứng minh họ là chính quyền, họ chỉ là dân không đủ tư
cách quyết định luật pháp với dân. Ta có quyền không nghe họ và tiếp
tục giữ tròn lễ cúng. Giữ là được không đợi gì phải dùng ác khẩu
với họ. Ta quyết giữ điều phải, đừng nói pháp luật cấm hay không
cấm. Dùng ác khẩu chống sức đàn áp để giữ phải, không dùng ác
khẩu ta cũng cương quyết giữ phải vậy ta ác khẩu chi để mang tội?
Còn nói về nhân quả, ta đòi phải
mình trả quả cho họ cũng chỉ vì nóng giận mà nói để xả giận chứ
nhân quả quyền hành bởi máy Trời, ta còn thương và ghét mà cầm cân
công lý có khi sai. Máy Trời không có tình riêng, không có sự thương
và ghét. Việc máy Trời ta đừng giành làm. Học đạo, bảo rằng không
được ác khẩu ta phải nghe lời không ác khẩu, ai ác khẩu họa đến với
họ.
Đừng đổ lỗi tại họ mắng trước
nên ta mới chưởi sau. Nhân quả không dạy hễ người ta mắng mình mình
mắng lại là huề; chẳng phải Đức Thầy dạy câu nầy sao:
“Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
Đợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán”.
Người ta mắng, mình nhịn được là
tăng phước đức, chưởi lại là có tội. Hãy sử sự đúng việc của ta
là bảo vệ phong tục, đạo pháp bằng sự kiên quyết là thắng, mắng
chưởi cho đã mà thiếu kiên quyết đến rốt để thua còn thêm cái tội.
Võ miệng không hơn võ thiệt, không chưởi mà làm mới tốt; họ nóng ta
cũng nóng, mắng chưởi lửa với lửa đối nhau chỉ thêm tội, chẳng ích
lợi, là điều không cần thiết.
Qua sự trình bày của tôi nếu vấn
chủ không còn gì thắc mắc, xin cho qua câu hỏi khác.
28/2/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét