Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

CÓ NÊN BÀN NHIỀU VỀ THIÊN CƠ KHÔNG?

Một số không ích đồng đạo thích bàn tán Thiên Cơ, bàn “ghiền”hơn người ta bàn luận về giáo lý với nội dung tu hành. Tiên đoán hết năm tháng năm nầy đến tháng năm khác về việc chừng nào đời tới.
Tôi nhớ ra rằng trước ngày 30/4/1975 hồi đó đi đâu rất ít nghe ai bàn thiên cơ mà từ cộng sản lên nắm chánh quyền đến giờ bốn mươi năm qua năm nào cũng như năm nào rần rộ với nhau mà bàn việc đời tới. Có lẽ vì dân không chịu nổi bởi một chánh quyền độc đảng độc tài muốn Trời Phật Thần Thánh xuống tay tiêu diệt cõi hồng trần cho chết hết còn hơn sống khổ như vầy. Nhớ hồi hút thuốc bằng giấy vò, gội đầu bằng nước tro, mua đinh xin giấy… người ta thường đọc câu” Đời sao không tới phức cho rồi”. Lần dò qua các Sấm Giảng lựa câu nào có hơi tiên tri tai nàn sắp xảy đến rồi ghi vào, rồi kỳ hẹn, tháng nào trong mỗi năm đùng một cái quả địa cầu tiêu tan tro ra bụi. Bất chấp lời răn dạy của Đức Thầy trong “Tôn chỉ hành đạo” ghi rõ ràng qua đề mục “Sự Học” như sau:
“…dẹp bỏ những điều huyễn hoặc không bàn tán chuyện xa vời (như tiên đoán Thiên Cơ chẳng hạng)”.
Thiên Cơ là gì?
Thiên là Trời, là điềm báo. Thiên Cơ nói chung là điềm báo của các bậc siêu nhân, trên trước. Đức Thầy từ cõi Phật lâm phàm có trách nhiệm với Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và Đức Di Đà giáo độ chúng sanh, qua giáo lý có tiết lộ máy Trời, thế gian nầy sẽ bị tận diệt để lập lại đời tân, như những câu dưới đây:
“Khắp thế giới của nhà tan nát,
Cùng xóm làng thưa thớt quạnh hiu.
Bấy lâu nay nuôi dưỡng chắc chiu,
Nay tân diệt lập đời trở lại.
Khắp lê thứ biến di thương hải,
Dùng phép mầu lập lại Thương Ngươn.
Việc thiên cơ khùng tỏ hết trơn…”
Nói thiên cơ để thúc giục người mau mau phát tâm tu niệm:
“Việc biến chuyển thiên cơ rất gấp,
Khuyên chúng sanh hãy rán tu hành.
Cầu linh hồn cho được vãng sanh,
Đây chỉ rõ đường đi nước bước.”

Vì cơ tận diệt xảy bất chừng, biết được thì tu liền cho kịp. Đọc một lần hai lần là nhớ thì thôi, lo tu tránh khổ. Thiên cơ đâu phải là pháp môn dạy tu mà là một động cơ thúc đẩy tiến trình tu; không phải pháp môn tu thì không cần bàn bạc nhiều mất thì giờ mà tư tưởng hệ lụy vào đó. Thay vì lập đi lập lại cái câu chứa đựng thiên cơ ta hãy lập đi lập lại câu niệm Phật cho thuần niệm sẽ hãy hơn. Vì thuần niệm, số tử xảy ra bất chừng ta niệm Phật được trong giờ phút lâm chung, vãng sanh Tịnh Độ, công tu hành bao năm không phí uổng, nếu đem thiên cơ vào bụng để nó làm chủ tình hình, đầu óc lúc nào cũng nghĩ tới thì khi đến lúc lâm chung, do bụng chứa thiên cơ mà niệm Phật ít oi không chống nổi với cận tử nghiệp chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ.
Không phải vì sợ tận diệt mà cứ bàn hoài, bàn hoài năm nào tháng nào đời tới. Tôi nghĩ chúng ta nên trở lại tiết mục “Sự Học” để theo dõi nghiên cứu phần nội dung:
“Sự học hành không làm trở ngại cho đạo đức. Trái lại, nhờ nó mình biết được rõ ràng giáo lý cao siêu của tôn giáo. Nó tránh cho mình những sự lạc lầm, bỏ các điều dị đoan mê tín. Nó làm cho mình dẹp bỏ những điều huyễn hoặc không bàn những chuyện xa vời (như tiên đoán thiên cơ chẳng hạn…)
Theo bài “Sự Học” chúng ta thấy ý nghĩa rõ ra như ban ngày: nhờ có học mà biết rõ ràng giáo lý cao siêu của tôn giáo, không lầm lạc dị đoan mê tín, không bàn bạc những chuyện xa vời và nhất là không tiên đoán thiên cơ. Nếu như đi ngược lại Sự Học của Đức Thầy dạy là không rõ biết giáo lý cao siêu của tôn giáo sẽ dẫn đến lạc lầm, dị đoan mê tín, bàn bạc những chuyện xa vời, tiên đoán thiên cơ…
Ngoại trừ Đức Thầy và các vị trên trước, việc tiên đoán thiên cơ nếu không phải là điều cấm kỵ trong tín đồ PGHH thì cũng bị Đức Thầy quở trách là “bàn bạc những chuyện xa vời”,. Thế nào là bàn bạc xa vời? Ngài đưa ra một sự kiện điển hình “như tiên đoán thiên cơ chẳng hạng”.
Chúng ta thấy rõ Đức Thầy báo cơ tận diệt sắp đến để chúng sanh sợ mà tu chớ không phải nói để cho chúng sanh dựa theo thiên cơ mà bàn chết bàn sống. Đức Thầy loại bỏ những mâu thuẫn trong lời dạy dẫn đến thực hành nhưng tín đồ thích bàn chuyện xa vời nên cứ cho nó luôn tồn tại. Bàn về cơ tận diệt, sự chết chóc thê thảm nầy chúng ta nguyện trước bàn thờ Phật mỗi ngày hai lần “ Nam Mô tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật” và “Nam Mô nhứt nguyện cầu thiên hoàng địa hoàng nhơn hoàng liên hoa hải hội thượng Phật từ Bi Phật Vương độ chúng thế giới bình an”. Câu nguyện quá rõ ràng, Cầu Chư Phật và các vị ơn trên phổ độ chúng sanh được sống trong thế giới bình an mà ta cứ bàn bạc trông hoài, trông hoài cái cơ tận diệt đến tức là làm phản lại câu nguyện Phật độ chúng thế giới bình an. Ta phân ra hai cái tâm: Tâm cầu nguyện các ơn trên độ cho thế giới bình an, và cái tâm trông hoài sự chết chóc khổ đau của cơ tận diệt đến. Đúng là mâu thuẩn lạ kỳ! Ham bàn quá đã bàn trật nhiều lần mà cũng cứ bàn thêm, không ngượng miệng.
Đời khổ mà mình tu được mới hết khổ chứ bàn tán việc khổ thì ăn thua gì, khổ không hết đâu! Phải thật tu mới thoát được sự tận diệt của máy huyền cơ, bàn về máy huyền cơ hết ngày nầy sang ngày nọ tưởng vậy là tu sao! Thảo nào Đức Thầy chẳng bảo:
“thiên cơ số mạng biết tri
Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi”
Tôi cho rằng quý vị hay bàn thiên cơ đã dựa vào một đôi câu giảng nào đó của Đức Thầy viết trong Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý đọc vẽ lên cho người nghe tin tưởng để họ ngồi lâu cho mà bàn mà thuyết. Sám Giảng hay Thi Văn Giáo Lý PGHH chính tay Đức Thầy viết, trong đó có Quyển Sáu, chúng ta thường gọi là “Tôn Chỉ Hành Đạo”. Tôn Chỉ Hành Đạo không phải là tên đặt tựa đề, là cụm từ trong một bài văn “ LỜI NÓI ĐẦU” cho Quyển Sáu như sau: ” Năm năm trường xa cách, cái chánh sách áp bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gũi các người hầu giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo của tôi”. Cụm từ Tôn Chỉ Hành Đạo đã làm nổi bật ý nghĩa của sự tu học PGHH, chúng ta lấy đó mà đặt tên cho vừa ý, kêu riết thành quen miệng chứ tên gọi của quyển sáu Đức Thầy đề tựa là “CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO”. Giá trị của Tôn Chỉ hành Đạo thì cốt lỏi hơn vì là bản sắc của tôn giáo nằm trong đó. Khi tôn chỉ hành đạo đã xác định bộ mặt thật của thiên cơ và cho tiên đoán thiên cơ là một sự kiện điển hình của cái gọi là “bàn những chuyện xa vời” thì đừng nên mượn câu giảng chỗ khác đọc lên để đối chiếu, biện hộ.
Trong bài TƯ TƯỞNG Đức Thầy viết:
“ KHUYÊN NIỆM PHẬT THAN RẰNG CHƯA RẢNH,
LÚC BẮT HỒN MẮC VIỆC CŨNG ĐI”
VÀ:
“ PHẢI RÁN TU ĐẶNG MÀ CHẾT,
CHỚ ĐỪNG ĐỂ CHẾT ĐẾN MÀ CHẲNG CÓ TU”
Kính chúc tu hành tinh tấn.
02/3/2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét