Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

BUỔI HỌC 9
NGHI VẤN 2
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ÁC Ỷ NGÔN
Hỏi : Nói qua ác Ỷ Ngôn đa số người, ít hay nhiều đều có phạm vào. Người tu còn phạm Ỷ Ngôn tức phạm ác đạo quả khó thành. Vậy muốn trừ Ỷ Ngôn ta phải làm sao?
Đáp : Câu hỏi rất hay vừa hỏi mà cũng vừa xác định vị trí của người tu “Còn ỷ ngôn là còn phạm ác, đạo quả khó thành” Do đó người học đạo giải thoát tuyệt đối không được Ỷ Ngôn. Nhưng theo câu nghi vấn, ỷ ngôn đã có xảy ra giờ không muốn xảy tiếp ta phải làm gì?
Theo tôi lòng thương là hơn hết. Ỷ ngôn với bất cứa ai hay bất cứ trường hợp nào thường là ta đã đánh mất tình thương, chưa nói đến sự buồn bực oán ghét. Do đánh mất lòng thương nên mới có những vụ chủ ỷ quyền, quan ỷ thế, giàu ỷ tiền, xảo quyệt ỷ lanh, học thức ỷ khôn, và điều nầy Đức Thầy bảo là hành động ăn hiếp kẻ dưới tay. Trên đời đâu có sự hiếp đáp nào mà không bị người ta kinh khi nguyền rủa. Nên đó Đức Thầy kêu gọi “Hãy tránh những sự hiếp người như thế ấy”. Không hiếp người giữ được tính quân tử và từ đó tinh thần đạo đức mới cao thâm. Đức Thầy giải thích tiếp “ Vì những kẻ dưới tay mình cũng có đầu óc, cũng biết nghĩ suy, tại họ bạc phước vô phần nên phải chịu lụy mình vậy”. Đức Thầy như than giùm hoàn cảnh đáng thương của những người dưới tay kẻ ác, họ có đầu óc tất nhiên họ biết đau khổ khi bị người khác la rầy mắng nhiếc. Họ biết nghĩ suy nên họ rất buồn khi bị người hiếp đáp, chẳng qua vì họ kém may mắn phải đọa lụy cái thân phận mình xuống thấp cho hạng cao cởi lên cuộc sống. Đức Thầy diễn tả cái khổ của “kẻ dưới tay mình” và đánh động lương tâm những người may mắn trên cơ như chủ, quan, giàu… phải mở lòng thương hại đến hạng người bạc phước vô phần, họ có giúp việc nhà hay đến yêu cầu, nhờ cậy hoặc xin ăn, giả như ở trước ta họ có làm điều vì không vừa ý xin đừng nặng lời.
Đời người dầu cho học cao, giàu sang, uy quyền nhưng ai cũng có lúc khổ sầu về việc nầy chuyện nọ, ví dụ rắc rối trong việc kinh doanh, chức quan bị quan trên hiếp hay dòm ngó phẩm cấp học vị của mình… đều đem đến cho mình chuyện buồn lòng, lo sợ, hoặc tức giận câm thù. Nhưng ta không phải kẻ bạc phước vô phần nên việc rắc rối như thế có cách giải quyết không để lụy mình, mây đen trên đầu bay qua nhà sáng lại.
Nhân gian có câu “ Thức đêm mới biết đêm dài, có đạp lới biết đạp gai là đau nhức”. Đã bị rắc rối về việc làm ăn thua lổ, quan bị quan hiếp, khôn bị khôn hiếp, giàu bị giàu hiếp… lúc ấy ví bằng mình là kẻ thức đêm dài, kẻ đạp gai mà nhớ lại thương thân thì những kẻ dưới tay mình hiện giờ họ đang chịu khổ với cái khổ của mình chán sợ, chẳng lẽ ta vô tâm đến đổi để cho họ gánh chịu lời sỉ nhục của mình lúc xưa mà đành lòng sao? Cảm nhận nổi đau của mình thì cũng nên cảm nhận nổi đau của người khác khi mình ỷ ngôn với họ trong khi họ lở lầm mà thông cảm, tha thứ.
Xưa có một Ông giàu tột trong làng, cửa nhà cao rộng, ruộng đất hằng trăm. Nhà có nhiều người giúp việc, phân ngôi chủ tớ để không lạm dụng vị trí cho cung cách nhẹ nhàng chớ sống rất là thương; ăn mặc bình đẳng, tình như anh em thân thuộc. Lúc trò chuyện vui chơi người ngoài vào không biết ai chủ ai tớ. Có hôm người tớ mặc sang trọng để đi công việc, Ông chủ sáng ra áo vải bình thường, khách vào tưởng tớ là chủ, chủ là tớ, thoáng thấy trên bàn có chút bẩn, Ông khách quá là lẹ miệng sai bảo Ông chủ thiệt đi lấy giẻ lau, người tớ chủ  can ngăn và nói: chính vị nầy là chủ, tôi là người đến đây tiếp việc.
Lâu không sau, một thầy tướng số qua đường, thấy ngôi nhà đồ sộ cất nhằm hướng kỵ quẻ, đáng lẽ là tàn gia bại sản chớ đâu mà phất giàu như thế, Ông xin vào nhà gặp mặt chủ nhân để xem Ông ta có phước tướng gì mà độ được ngôi nhà. Càng kinh ngạc hơn Ông ấy chẳng có chút phước tướng nào. Đã thắc mắc về người và ngôi nhà, Thầy tướng số xin cho được ra viếng phần các cụ coi có gì khác biệt mà quẻ không linh. Thấy ngôi mộ chôn cất kiểu bình thường vô thưởng vô phạt. Thầy tướng số kết luận chủ nhân và nhà ở cả đến mộ phần như vậy mà được giàu sang vinh hiển là phản sách vở; điều ấy đã làm cho Ông mài mò tư tưởng khiến chợt nhớ một điều, Ông hỏi:
Gì sao bận đi Ông dẫn đi quanh quá xa mà chừng về con đường ngắn thế nầy?
Lúc ra đồng _ Ông nhà giàu đáp_ tôi thấy có một anh ăn trộm vác bao lúa của tôi vác về nhà nuôi sống. Nếu tôi đi thẳng tới là chạm mặt anh ấy dầu tôi không bắt tội anh ta, cũng không lấy bao lúa lại nhưng việc xấu anh làm, gặp tôi chắc chắn anh mắc cở lắm. Tội nghiệp người ta nghèo, mình đi quanh chậm một chút để cho anh ấy không mắc cở và mình cũng đỡ tội nghiệp.
Nghe chủ nhà phân giải Thầy tướng số chịu thua, bái phục tính thương người của ông chủ nhà giàu bằng một câu nói đúng : Chính nhân đức và sự độ lượng của Ông mà quanh Ông chỉ có tình thương với lời ngon ngọt. Ông giàu lên là phải.
Người có tính ỷ ngôn, chỉ cần ai làm trái ý mình là mắng nhiếc, hạ nhục được đâu đợi tới người ta lầm lỗi. Chỉ có tình thương mới hóa giải được những lời cay đắng nặng nề.
7/2/2016



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét