CHÙA KHÔNG MÔN
nữ trụ trì mặc đồ đen đứng giữa
Hôm mùng sáu tết 2016 tôi giành
một chút rảnh để đi chùa, một ngôi chùa nhỏ đã bị bỏ quên ngoài
trí nhớ của tôi. Hồi xưa cách nay hơn bốn mươi năm lúc còn là một
trai trẻ, quy y cầu đạo, dường như tôi có đến chùa Không
Môn một lần tham dự lễ bế giảng một khóa học đạo. Bẵng cái thời
gian dài ấy, chỗ tôi cách chùa không xa, đường xe khoảng hai mươi cây
số trong vùng Cù Lao Ông Chưởng mà những năm dài quên được thì cứ
quên. Nay nhớ lại mà tên chùa đối với tôi bây giờ có khác. Hồi trẻ,
nhìn chùa là chùa, không môn là
không môn, bình thường không có gì để cho mình suy nghĩ, nặng
óc, nay tuổi già đáng lẽ mọi chuyện phải về hưu, không luôn mới phải
thì quá ngược ngạo tôi muốn chỡ đầy ý nghĩ về Không Môn.
- Chùa Không
Môn, theo nghĩa đen là chùa không cửa; nhưng đã có cửa bằng chứng là
chúng tôi vào được đây, cô có cách giải thích nào làm chúng tôi hài
lòng cho lần viếng chùa nầy không?
- Thưa quý huynh đệ! _ vị trụ trì
nói _ Tôi có thể giải thích bằng
cách xuất xứ ngôi chùa còn làm cho quý vị hài lòng là chưa chắc.
- Chúng tôi hy vọng sẽ được hài lòng sau lời giải thích của cô.
- Để xem. Đi từ nguồn gốc, vùng
nầy lúc xưa chỉ có ngôi đình Thần chứ không có chùa Phật. Các cụ
trong làng muốn có thêm chùa Phật cho bá tánh nhơn lúc rảnh việc nhà
đến thắp hương lễ Phật tạo phước, gieo duyên. Chùa cất xong, đầu năm
1954 ban tổ chức mời cậu hai Thanh Sĩ đến thuyết pháp và trong khi
chùa chưa có tên, các cụ xin cậu hai đặt tên cho, cậu hai liền đặt
“Không Môn Tự” (chùa không môn).
- Dân xứ quê _ tôi hỏi tiếp_ không
mấy người thông thạo chữ nghĩa Hán văn, các cụ có nhờ cậu hai giải
chùa Không Môn là thế nào không?
- Điều nầy tôi không nghe ai nói.
- Thế là bít rịt cái gọi là không Môn Tự sao?
Chừng như nghe tôi kêu lên với vẻ
thất vọng mà tội nghiệp, vị trụ trì nhanh nhẹn nói đỡ:
- Thưa quý huynh đệ, tôi nói không
nghe ai nói, điều nầy không đồng nghĩa với không biết.
- Sao chứ, vậy là biết?
- Đặt tên chùa Không
Môn, liền theo đó cậu hai có viết hai câu liễn đối tôi chắc là để
giải nghĩa tên chùa. Tôi hy vọng quý huynh đệ sẽ tìm được ý nghĩa
của tên chùa qua hai câu liễn đối đó.
- Có liễn? Thế là may quá! Nếu
thuộc lòng xin phiền cô có thể đọc chúng tôi nghe được chứ?
- Không chỉ hai câu mà tất cả câu
liễn trong Chùa Không Môn đều do
cậu hai viết. Các cụ cho khắc chữ treo lên từng cột. Giờ kêu quý
huynh đệ ra nhìn mấy cây cột chùa mà đọc không phải quá phiền phức
sao, thôi để tôi đọc nghe vậy.
Hay lắm ! Quí lắm!
Xin đọc nhá:
KHÔNG TÂM TRẦN THẾ DUY TÂM PHẬT
MÔN PHÁP TỊNH THIỀN BỔN PHÁP SIÊU
Tôi nghe xong hai câu liễn đối đã
thấy như bị say pháp, đũ vốn cho chuyến khởi hành mùng sáu tết,
kiếu về cũng được.
Không biết ngoài trời nóng hay
lạnh, bởi KHÔNG MÔN đã tạo cho tôi cái cảm giác dễ chịu
suôt trên đường về và chính cái cảm giác dễ chịu ấy đã không bằng
lòng cho tôi nghỉ ngơi theo thói quen mỗi lần đi xa về. Tôi rút một tờ
giấy lịch, lật lưng viết hai hàng sổ xuôi xuống thì thấy một bên chữ
đứng đầu là KHÔNG một bên chữ đứng đầu là MÔN. Bên KHÔNG mang ý nghĩa
những ai vào chùa đây tu phải không có cái tâm trần thế nghĩ ngợi
lung tung, đến với Phật, trong lúc lạy Phật chỉ nên để Phật trong
lòng; bên chữ MÔN đầu, chữ nầy có ý nghĩa là cửa chùa, TỊNH THIỀN
là hai pháp tu ưu việt Thiền và Tịnh, gốc (bổn) của hai pháp nầy là
siêu vượt thế gian, siêu đọa.
Nhớ lại, Xưa Đức Phật Thích Ca tu
THIỀN ĐỊNH dưới cội bồ đề đắc đạo truyền THIỀN qua 33 đời tổ, Đức
Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc truyền dạy pháp môn TỊNH ĐỘ,
niệm Phật cầu vãng sanh về nước Phật, một lần giả biệt hồng trần
là hết bị trầm luân trong sáu nẽo luân hồi. Hay ho mầu nhiệm quá hà!
19/2/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét