Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

BUỔI HỌC 10
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ HỌC:
ÁC KHẨU VÀ VỌNG NGỮ

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬt
Kính chào chư đồng đạo! Chúng ta nghỉ hết một kỳ học để vui với tết cổ truyền, nay chúng ta trở lại lớp học vào ngày 12 tháng giêng thì mỗi người lên một tuổi; trẻ lên lớn, lớn lên già, rồi tới gì nữa tôi không nói quý vị cũng biết … Xét còn trong tháng tết xin kính chúc chư quý đồng đạo năm mới tu hành tinh tấn hơn những năm trước để kịp với tuổi lão và tử, không bất lực về việc tu Thiền Tông tự độ hay Tịnh Độ Tông cầu Phật độ.
Hôm nay chúng ta học qua hai ác còn lại trong phần khẩu nghiệp có tên là “Ác Khẩu” và “Vọng Ngữ”, biết để hành sự đúng, không dắt ác theo trong khi tu. Hy vọng buổi học đầu năm chúng ta học hành tốt, tạo tiền đề cho sự học tốt suốt năm.
PHẦN 1 : HỌC CHÁNH VĂN
ÁC-KHẨU. – Những tiếng thề-thốt, lỗ-mãng chưởi mắng tục-tằn làm ra tội nầy; con chưởi mẹ mắng cha, không kể luân-thường thảo-hiếu; mạnh-bạo hăm-he đánh giết những kẻ yếu-hèn, hiếp-đáp xóm-chòm cô bác. Mở miệng ra chưởi gió mắng mây, trù rủa gia-đình, không kiêng Thần Thánh. Tối ngày kêu réo Phật Trời, mời thỉnh long-cung, làm cho tội-lỗi càng thêm chồng-chập.
Hãy bỏ những tiến tục-tằn thô-lỗ, làm cho đời sống được êm-dịu thanh-bai hơn. Đối với cha mẹ phải có lễ-độ, với gia-đình, với bà con cô bác, với xóm-chòm quen thuộc, lời nói mình phải đoan-trang nghiêm-chỉnh. Đối với con cháu trong nhà không nên nói những điều ác-đức; phải dùng lời nói dịu-dàng hiện-hậu dạy-dỗ chúng.
VỌNG NGỮ. – Thêm-thừa, huyễn-hoặc, có nói không, không nói có, ác vọng-ngữ đã làm nguyên-nhân cho những sự bất-công của nhân-loại. Thương người nào kiếm cách bào-chữa, giấu-giếm sự quấy và thêu-thùa sự tốt ra, ghét ai đặt điều nói xấu và che đậy cái điều phải của họ. Khoe-khoang tự-đắc, xảo-trá đa-ngôn, những kẻ điêu-ngoa làm cho thiên-hạ khinh-khi miệt-thị.
Muốn tránh những điều khiến cho tư-cách nhân-quần phải bị giảm-hạ, hãy tập tánh nói năng chân-chánh, bỏ lối láo-xược trớ-trêu. Chẳng nên tráo-chác với người, bỏ tiếng xảo-ngôn và phải dùng lời chơn-chất”.
PHẦN 2 : CHÚ GIẢNG
ÁC-KHẨU: Miệng nói ác. Thay vì phải nói lời lành dễ nghe, dễ mến lại nói lời ác, khó nghe. Người sợ ác là lánh ác, nói tiếng khó nghe người ta lánh nghe, làm cho miệng ai thường nói ác là ít bạn bè, ít người thân, anh em trong nhà đôi khi còn phải sợ mà lánh. Ca dao có câu:
“Chim khôn ca tiếng rảnh-rang,
Người khôn ăn nói dịu-dàng dễ nghe”.
Miệng nói ác rất thiệt hại cho bản thân mình nên Đức Thầy khuyên:
“ Lựa lời tiếng dịu-dàng trong-sạch,
Khi thốt ra đoan-chánh hiền-từ”.
Thề-Thốt: Kẻ Ác Khẩu miệng hay thốt lời thề, mỗi khi thề là kêu réo Trời Phật Thánh Thần làm chứng để lấy lòng người nghe thề mà giúp đỡ, hợp tác làm ăn hoặc vì vì đó có lợi cho riêng mình. Đức Thầy cảnh tỉnh những người thề thốt và những ai dễ tin khi nghe người ta thề:
“Lũ giả dối thường hay thề thốt,
Nó chẳng kiên Thần Thánh là gì”.
Lỗ-Mãng: Nói ra là cọc cằn, vô lễ, không cần biết phải quấy, đụng chuyện là nói như tác nước vô mặt người ta.
Không kể luân-thường thảo-hiếu: Ý nói, ác miệng mà không chừa được thì tới ai cũng cọc cằn lỗ mãng, đừng nói là đạo luân thường dạy đối sử tốt giữa vua tôi, Thầy trò, chồng vợ, cha con, bè bạn; có những chuyện xét cũng không phải nổi nóng đến đổi cho thô lỗ xuất hiện mà nó vẫn xuất, bởi ác khẩu thường dùng mà trở thành thói quen. Tuổi trẻ miệng mồm hay nói tục tỉu, hứng lên là quát ác khơi khơi; ngay cả cha mẹ đẻ của mình còn không kiên sự văng tục, lỗ mãng.
Chưởi gió mắng mây: Quen miệng nói ác nên đụng chuyện không vừa ý là nói ác được. Gió làm lạnh lẽo cũng chưởi, thổi đổ ngả vật dụng gì đó cũng chưởi; phơi đồ vật mà bị mây che hoài đồ không khô cũng chưởi. Nghĩa rộng của chưởi gió mắng mây là chưởi rủa vu vơ, chuyện không nhằm, không đáng.
Trù rủa gia đình: Trù rủa tức ghét giận mà rủa cho chết. Gia đình là một chung cư ấm áp, có vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em; chung nhau một bửa ăn, chung nhau sự nghiệp đáng lẽ phải bảo vệ cho nhau để hướng đến một tương lai tốt đẹp. Trù rủa gia đình, do vì sống không tâm đầu ý hợp, tình cảm lở rách một chút thì xé rách to; làm ăn thất bát lổ lả nghèo thiếu không chịu dan lưng đồng gánh, đứng ngoài mà than thân trách phận : Sao tôi sanh lạc vô nhà nầy chi để chịu nghèo khổ? Hoặc chính mình làm ác, mất hết phước trong gia đình nghèo đến nông nổi nầy, không nhìn lại bản thân, quen ác miệng đổ lỗi cho cả nhà, trù cả nhà chết. Hoặc nhà có tiền của, xin tiêu xài cha mẹ không cho, giận mà trù chết cha mẹ.
Không kiêng Thần Thánh: Kiêng, thường đi đôi với kiêng nễ, kiêng dè, tức là trước những nơi tránh không nên phạm tới; Thần Thánh là hai trong bốn ngôi ở hàng trên trước khuất mặt: Phật,Tiên, Thần, Thánh. Kẻ miệng mồm độc địa thường nói lời ác đến Thần Thánh mà họ còn muốn sai đi làm ác, thí dụ ghét ai là mở miệng: Thánh Thần sao mà không vặn họng nó đi! Sống đời làm nhiều việc ác Thần Thánh không Kiêng, không gần, chừng bị quả báo trách Thần Thánh sao không cứu.
Kêu réo Phật Trời: Kêu réo là gọi đến, khẩn cầu mời mọc cũng là đến nhưng hai cái đến về ý nghĩa khác nhau xa. Kêu réo để dùng cho bạn bè hay những kẻ nhỏ, thấp hơn mình; còn đến vì sự thỉnh cầu, mời với vẻ kính trọng là đối với Ông Bà Cha Mẹ hoặc hạng cao minh như Thầy Tổ, Phật Trời; Phân biệt cho có phép tắc. Đàng nầy kẻ miệng mồm thường nói ác, khi giận dữ việc gia đình xào xáo, chưởi đả trong nhà  còn muốn mời trên trước chứng kiến, cả đến Phật Trời, lúc nóng nảy không mời thỉnh mà là kêu réo: Trời Phật ơi! xuống đây mà coi chồng con của tôi nè… Trời Phật ơi là Trời Phật!
Mời thỉnh Long Cung: Long Cung là cung của Long Vương dưới nước. Theo Hán Việt Từ Điển “dưới nước có Long Thần, chỗ Long Thần ở gọi là Long Cung”. Đức Thầy nói về kẻ độc mồm ác miệng, đụng chuyện không nể nang, khi “hiếp đáp xóm chòm, cô bác” trên thì kêu Trời Phật, dưới gọi Long Thần đến để sai khiến, bắt giật giùm kẻ mình không ưa.
Đoan-trang: Đoan, gánh chịu trách nhiệm như cam đoan, đoan chắc; trang là nghiêm chỉnh nói lời chi phải nghe cho được lổ tai, dung mạo đẹp đẽ: trang giai nhân. Đoan trang, người đúng đắn chịu trách nhiệm bản thân và lời nói
VỌNG NGỮ: Vọng là động đối với Định là chơn; ngữ là lời nói. Phân biệt được vọng và chơn, định và động thì Vọng ngữ thuộc lời nói từ tâm vọng động mà ra: chuyện có nói không chuyện không nói có…
Thêm thừa: Thêm thừa là một từ ngữ chỉ cho lời nói quá sự thật. Chuyện có chút xíu thêm cho lớn chuyện mà hoàn toàn là những chuyện không lành.
Huyễn hoặc: Huyễn là lừa dối, dối trá; Hoặc: theo Hán Việt Từ Điển, “chữ tỏ ý không định… nghi ngờ, mê loạn”. Huyễn hoặc, vì lòng còn nghi ngờ, mê loạn không định nên nói ra không đúng, đi ngược với sự thật.
Bào-chữa: Bào là cãi nhau để lấy lại sự thật nhưng cũng cãi lại với sự thật để chạy thoát tội; chữa có nghĩa là sửa chữa, ví dụ sữa hư cho khỏi hư, bệnh khỏi bệnh. Bào chữa là việc làm hoàn toàn bằng lời nói và sự bào chữa ở đây không phải xấu thành tốt vạy thành ngay mà bào chữa qua ý nghĩa Thương và Ghét, Đức Thầy nói qua vấn đề bào chữa:
“Ghét người thời kiếm chuyện dệt thêu,
Thương viện lẽ thấp cao bào chữa.
Đời bất công mấy ai xem sửa,
Trên điêu ngoa dưới chẳng phục tùng.
Khuyên nhơn sanh lấy lẽ chí công,
Mà ăn ở nói năng chơn chất.”
Sự bào chữa nầy, Đức Thầy cho là bất công.
Giấu giếm sự quấy: Vẫn liên quan đến sự bào chữa, giấu giếm sự quấy để người mình thương không còn sự quấy nữa. Họ có tội nhưng nhờ giấu giếm bào chữa mà khỏi tội.
Thêu thùa sự tốt: Thêu, dùng kim chỉ kết hình trên vải; Thùa, theo quyển từ điển tiếng Việt của Xuân Huy là “Kết, khâu móc từng mũi để viền kín lỗ khuyết: thùa khuyết”. Vậy, thêu thùa sự tốt tức người mình thương, họ bình thường không có gì tốt hoặc xấu nữa là khác, cũng như miếng vải thường hoặc lủng khuyết, nhờ thêu trên vải thường đó một nhánh hoa hay con chim đậu trên cành mà trông vào miếng vải đẹp hơn, còn chỗ nào vải lủng khuyết thì khâu móc từng mũi kim đễ viền kín hết ai thấy lủng khuyết. Đức Thầy lấy việc thêu thùa để nói những người chuyên hành sự ác vọng ngữ, che giấu tội lỗi bằng nói lời bào chữa dối trá.
Đặt điều nói xấu: Đặt điều tức điều đó không có mà tự kẻ vọng ngữ đặt cho có. Ví dụ trong thời kỳ pháp nạn, PGHH không có quyền tự do tôn giáo, toàn thể tín đồ trong đạo đều không chịu sự mất mát nầy nhưng phần đông không dám lên tiếng, chỉ một số ít vị lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền cho tự do tôn giáo. Phần đông không dám nhưng biết phải trái, đúng sai nên ở ngoài chứ cũng ủng hộ tinh thần. Trong số ít những người đấu tranh thỉnh thoảng cứ bị kẻ vọng ngữ rình rập đặt chuyện không thành có để phân tán sự đoàn kết từ trong nội bộ ít oi nầy: Ông A, đấu tranh gì chứ! tôi thấy Ông ấy chơi chung, nhậu chung với chánh quyền! Đó là cách tạo nghi ngờ trong nội bộ mà đối phương đang nhắm tới. Người trong đạo mà dùng vọng ngữ kiểu đó tạo điều kiện tốt cho chánh quyền xé lẻ đồng đạo, có tội với những người hy sinh vì đạo và PGHH.
Che đậy cái điều phải: Che đậy có nghĩa là yểm, dìm xuống. Vì lòng dạ ghét ghen, người ta không xấu mà kẻ vọng ngữ tự đặt điều nói xấu, thì cũng phải che đậy, giấu nhẹm những gì tốt đẹp của kẻ bị nói xấu để thiên hạ nhìn kẻ bị đặt điều nói xấu toàn là xấu không còn chút tốt nào, để chứng minh lời nói của kẻ vọng ngữ là đúng. Kẻ ác tính vậy nhưng không được toại nguyện, dầu sao cũng còn luật nhân quả nghiêm minh, họ bị quả báo cho hành vi ghét người đặt điều, mà ích lợi đến với kẻ vọng ngữ cũng chẳng được gì, Đức Thầy nói:
“người dương thế chẳng ưa bốc xước,
Phật Thần nào gần kẻ xảo ngôn.
Đã tu hành đừng có bôn chôn,
Tưởng hay giỏi khoe khoang tài cán.
Người hiểu rành mới càng thêm chán,
Chi bằng ta bỏ lối trớ trêu.
Nói với ai cũng phải lựa điều,
Đừng tráo chác cho người khinh dể”.
Xảo trá đa ngôn: Xảo tức gian xảo, trá là giả dối, bày cách lừa gạt để thủ lợi; xảo trá, vừa gian xảo vừa dối trá; đa ngôn tức nhiều lời. Kẻ vọng ngữ nói lời gian dối thì phải thi triển cuộc lắm mồm thiên hạ mới tin; nên kẻ xảo trá thì phải đa ngôn.
Điêu ngoa: Điêu là nói dối; ngoa, nói không đúng sự thật. Xưa lúc Đức  Thầy truyền đạo, do vì cạnh tranh ảnh hưởng người ta đã dựng chuyện  không đâu mà bảo là xuất phát từ đạo PGHH và Đức Thầy. Để giải trừ bệnh điêu ngoa xảo trá đó Đức Thầy viết bài đề tựa là “ Đính Chánh”, xin trích những câu như sau:
“ Gần đây có kẻ NGOA truyền…
Buộc lòng tôi phải ĐÍNH NGOA
Cho trong toàn quốc gần xa đều tường.
Chuyện ấy là  chuyện hoang đường,
Của bọn phá hoại chủ trương hại mình…
Chúng ta giải quyết lẹ làng,
Đừng để chuyện huyễn tràn lan ra nhiều”.

Trớ trêu: Trớ là né tránh; trêu, đùa cợt, trêu đùa. Trớ trêu là dối trá né tránh sự thật, như đùa nghịch điều mong muốn của mình. Đức Thầy có câu:
“Trớ trêu cửa miệng trong lòng gươm đao”
“Chi bằng ta bỏ lối trớ trêu”.
Tráo chác: Là đổi một vật gì lén lút, dối gian, ví dụ đem thứ giả đổi lấy thứ thiệt; về lời nói, miệng mồm tráo trở, lật lộng, nói không giữ lời.
Xảo ngôn: Dùng lời dối trá, nói lý lẽ là để gạt gẩm người ta.
Tóm Kết: Qua hai ác, ác khẩu và vọng ngữ chúng ta vừa bàn.
Rõ ra ác khẩu là miệng nói lời ác như chưởi mắng, tục tằn, thô lỗ với cha mẹ, với Trời đất Thánh Thần, cả đến gió mây đâu có động phạm trần gian cũng đem ra mà chưởi mắng, thật là tội lỗi chồng chất. Ác vọng ngữ không hoặc rất nhẹ lời nói ác nhưng sự thêm thùa huyễn hoặc, có nói không, không nói có để lừa đảo gạt lường lòng tin của người khác, ghét ai đặt điều nói xấu trong khi người ta không xấu; thương ai thì viện lẽ bào chữa cho khỏi nhơ xấu tội lỗi trong khi người mình thương nầy đầy nhơ xấu tội lỗi. Sống không có sự công bằng là sống gượng gạo với những điều ác thì không thể xây được hạnh phúc trong chốn nhân gian.
Những tội lỗi như thế, người đời không tu xét còn không chịu huống là người đang tu mà phạm phải hai trọng ác nói trên thì quá là khinh miệt. Chủ ý của người tu Phật là đắc Phật hay vãng sanh về cõi Phật, kiếp người và cái trần gian như mộng nầy ta còn muốn bỏ thôi thì miệng để nói về Phật và giáo Pháp của Ngài, vướng víu chi cái trần gian mộng huyễn mà phát thanh mãi việc ác khẩu vọng ngữ cho nó ngăn cảng hành trình.
PHẦN 3: ĐẶT CÂU HỎI:
-         Trả lời vắn tắt, Ác khẩu là gì?
-         Nội dung chính của ác khẩu trong bài học gồm có mấy điều, kể ra?
-         Để không còn phạm ác khẩu nữa Đức Thầy dạy phải làm gì?
-         Trả lời vắn tắt, Vọng ngữ là gì?
-         Kẻ vọng ngữ đứng trước người họ thương họ làm gì?
-         Kẻ vọng ngữ ở trước người họ ghét họ làm gì?
-         Muốn dứt trừ vọng ngữ phải làm thế nào?
Kính thưa chư quý đồng đạo buổi học 10 của nhóm học giáo lý PGHH đến đây là mãn. Hẹn gặp lại quý vị buổi học thứ 11 với ác “Tham Lam”.
Nguyện cầu ơn trên Chư Phật, Đức Thầy chứng giám lớp học và hộ độ sức học của chúng con.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

22/2/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét