GẶP
LẠI CÔ NĂM HUỆ
Cô Năm Huệ
Lão Bà đây là niên trưởng nữ tu sĩ, hiện nay ở tuổi 85 đầu óc vẫn còn
minh mẩn thắp sáng ý nghĩa bảo trì chánh Pháp PGHH bằng đào tạo lớp trẻ”vào
hàng”
Xưa tôi rất thích lên Núi Cấm “Thiên Cẩm Sơn” vì vậy
mà có khi đi viếng ở năm mười ngày rồi về, có khi lên ở mười lăm hai mươi ngày,
một tháng, hai tháng. Thích ở thì ở thích về thì về, chánh quyền xưa không ai
gây khó dễ người tu. Hồi đó theo tôi biết, trên núi nầy hoang vắng lắm, chỉ có
cái đường đi là tróng chưa mấy thoáng lắm còn hai bên rừng với rừng, chuối rừng
chen khít gốc. Chuối rừng trổ buồng đẹp lắm, chừng chín là đỏ hói ú nu ú nần,
dễ chịu nhất là Trâm Ổi tới đâu cũng có nó chào khách bằng bay ra mùi hương
thơm nhẹ nhàng dễ chịu. Phía trong hai bên đường chuối thì cây to chần dần, có
những cây to đến độ trẻ em chơi cút bắt quanh gốc cây chạy tới chiều cũng không
bắt được.
Rừng hoang như vậy nhưng an ninh rất tốt vì có quân
đội của Ông Thiếu Tá Liêm nên không sợ mấy Ông bên trong ra đấp mô đặt mìn.
Chúng tôi gọi thân thiết tên Ông như vậy thành quen mà không cần tìm hiểu Ông
họ gì. Ông là tiểu đoàn trưởng binh chủng Địa Phương Quân, hậu cứ tiểu đoàn
đống trên một đồi cao giữa Vồ Bà và điện Bồ Hông, hậu cứ tiểu đoàn có trang bị
hỏa lực tác chiến mạnh, những súng lớn như Đại Liên, Cối, pháo binh 105…Hồi ấy
chỗ đó chưa có tên, vì bảo vệ an ninh khu vực mà pháo binh thường bắn yểm trợ
quân trường Chi Lăng và các nơi trong khu vực kể cả chợ Chi Lăng mà phó tổng
thống Nguyễn Cao Kỳ đặt tên là “Sài Gòn Mới” bắn pháo binh riết nên người ta
đặt đó là Vồ Pháo Binh thành danh đến giờ. Còn nữa, bản thân Ông là tín đồ
PGHH, quý kính đạo Thầy, Ông cho lập ngôi thờ nhỏ để lính tráng nào muốn cầu cúng
sáng chiều theo tôn chỉ PGHH hay chỉ cầu lộc thì cứ tự do lễ bái. Ngôi thờ
không đặt tên nhưng vì trên Vồ Pháo Binh nên người ta gọi là chùa Pháo Binh.
Còn bây giờ chế độ cộng sản có thay tên đổi họ hay không thì tôi không biết.
Ông Thiếu Tá bủa từng trung đội nằm khắp các điểm trọng
yếu từ chân núi Cấm dài lên Vồ Thiên Tế, Vồ Đầu, Điện Bồ Hông, qua Điện Rau
Tần, Vồ Ông Bướm, Ông Doi… đều có các căn cứ lính từ trung đội đến đại đội. Quan
lính dưới thiếu tá đều trân quý người đạo, nhà tu hành, bất kỳ nhà tu hành của
tôn giáo nào. Những Tu Sĩ tu trên núi xuống thế mua đồ dùng cần thiết phải đi
độc nhất con lộ công binh. Đi lên xuống mua đồ dùng mà gặp xe lính của thiếu tá
kể là tốt phước, biết mình là nhà tu hành dầu mình không kêu xin có giang họ
cũng ngừng lại kêu lên đi. Chừng lên mà tay xách nước tương, vai vác gạo, dầu
mình đang đi trên dốc chỗ khó dừng xe họ cũng rán mà dừng một cách an toàn cho
mình lên xe. Đường Công Binh hồi xưa xấu lắm, chỉ có bắn đá bể nhỏ ra rồi đem
máy ủi gạt sương qua là chạy, ngồi trên xe xốc lắm.
Lên xuống mua đồ dùng sau nầy tôi tính lại, đi theo
đường Công Binh thì quá xa, nhằm bửa xui không gặp chiếc xe nào của lính thiếu
tá thì lội bộ rả dò, cái vai lâu ngày chắc cũng quằn xuống. Tôi kiếm ngả đi tắt
một chút, theo lộ công binh đến phía dưới dốc một ngàn người ta có trẩy con
đường nhỏ xuống bến Su, đi chợ Dầy Đéc (? Nghe
kêu không thấy chữ viết), từ đó tôi biết cô Năm Huệ.
Cô Năm Huệ là một nữ tu nghiêm trì hạnh độc thân tu
niệm, tuổi tác ở hàng cô chú của chúng tôi. Cô đến từ tỉnh Cà Mau, nhờ sự hướng
dẫn của phụ thân và người cô ruột đã quy y trước với Đức Thầy, chỉ cho cô muốn
tu thì lên miền núi Cấm. Cô chọn trên núi một chỗ ở vừa ý, khai hoang trồng
trọt sống tu. Từ khai hoang đến trồng trọt qua nhiều công đoạn, vất vả mới
thành khoảnh, nhưng lại là cái nơi thiếu phương tiện nước nôi tiêu dùng, thêm
nữa, là thân phụ nữ một mình ở nơi hoang vắng với cái đêm hôm tăm tối xét không
an, cô phải cất chiếc nhà con con dưới bến Su, sáng lên ở tu trên núi tối về tu
dưới thế. Cô sống có tình người và rất rộng lượng được bà con đồng đạo xa gần
yêu quý. Nhà cô, chẳng những là chỗ dựa cho tu sĩ trẻ xuống lên tu trên núi mà
còn là nơi chứa dựa cho khách thập phương từ xa đến lở chân.
Năm 1974 tôi ra tu ngoài hòn Tre cho đến khi sau đứt
phim 30/4/1975 bị một trận đau đầy nguy hiểm nên mới được người ta chỡ về đất
liền sau lên lại núi cấm, đi từ bến Su lên, tôi thấy nhà của cô quá đông khách
mà không ghé. Cách một thời gian dài tôi không đi núi, chừng lâu sau đi lại thì
nhà của Cô Năm Huệ đã bị dời đi đâu mất. Nếu ước tính theo xưa thì nhà của Cô ở
xê xít cái cổng bán vé khách tham quan Lâm Viên Núi Cấm. Cô bị bắt buộc phải đi
để cho chánh quyền tỉnh An Giang lấy chỗ mở công ty du lịch.
Chụp
hình kỹ niệm trước nhà Cô Năm Huệ trong lúc các bé niệm Phật vang lên
Hôm đi hành hương ở Ngọa Long Sơn, trên đường về có
một đồng đạo rủ tôi sẵn tiện ghé thăm nhà Cô Năm Huệ và theo lời giới thiệu của
đồng đạo ấy thì Cô năm Huệ nầy chính là người tôi rất cần gặp. Nếu thật sự là
Cô Năm Huệ xưa cho dù không sẵn tiện trên đường về mà là mở chuyến đi mới để
thăm cô tôi cũng chịu. Tôi đồng ý ghé ngay mặc dù trước lúc chia tay ở Điện Tàu
Cao tôi nói là cần về nhà sớm. Nghe đủ tên ba chữ Cô năm Huệ tôi mừng mà chạy
theo sau xe hướng dẫn. Tôi nghĩ Cô năm Huệ có bị dời chỗ cũng ở lẩn quẩn trong
vùng bến Su nhưng chiếc xe hướng dẫn đành lòng bỏ lại bến Su không một chút xót
thương mà đi thẳng theo lộ nhựa một chút, hai chút rồi ba chút hết cái núi Bà
Đội Om mà chiếc xe hướng dẫn còn chạy mịt trước xa. Thấy thế tôi có hơi thất
vọng, nghĩ đây không phải Cô năm Huệ xưa quen mà mình cần gặp. Xa xuống hết dốc
núi Bà Đội còn thêm một khoảng nữa thì xe người hướng dẫn mới chiệu đạp nhá đèn
lái báo hiệu, dừng đứng chiếc xe trước một căn nhà mồ côi, cùng phía không có
láng diềng. Tôi nhanh vào căn nhà mồ côi ấy để xem mặt chủ nhà là ai. Qua mấy
nhịp thời gian dài đuồn đuột, tôi nhìn bà chủ nhà có chút ít nét quen, chỉ chút
ít nét quen thì chưa chắc đúng là người mình muốn tìm. Hỏi qua hỏi lại vài câu
với người có chút nét quen quen và lúc bà nói chuyện nhiều hơn tôi đã phát hiện
ra giọng nói sang sảng…Đúng là Cô năm Huệ đây mà.
Cô cũng không nhận ra tôi, phải kể xưa lâu lâu cô mới
nhớ. Xét ra sự chậm nhớ của cô cũng phải, vì hồi quen biết cô ở khoảng đầu thập
niên bảy mươi rồi vắng đi cũng trong thập niên đó. So với tuổi tám mươi lăm của
cô hiện giờ mà quên người quen xưa, chuyện xưa cũng phải thôi. Thêm nữa, hồi
quen cô thì tôi là Ông đạo để tóc bới lên, đạo phục là Bà Ba đen, hoặc quần dài
đen áo vạt miểng màu nâu. Bây giờ thì đầu cạo trọc, đạo phục màu lam trắng, coi
như mất hết dấu xưa, nếu không qua chuyện trò làm sao mà nhớ được.
Chừng nhìn ra thì cô rất mừng. Tôi cũng vậy, mừng lắm.
Có lẽ vì từ lâu ôm ấp trong lòng sự sửa chửa lối đi cho lớp tu trẻ tuổi mà chưa
có người đóng góp ý kiến, nay gặp lại tôi còn sống nhăn đây, việc hàn huyên tâm
sự đối với cô như vậy là đủ, cô chuyển đề:
Tu sĩ lớp trẻ PGHH xưa quen đây rất nhiều nhưng giờ
còn lại không mấy vị. Lớp thì mất bởi sanh tử vô thường, lớp thì mất bởi dòng
đời cám dỗ vào con đường trụy lạc mà nhìn lớp tu trẻ hiện nay đường chúng đi
còn dài mà hay sanh lộn xộn. Đệ Tư là người của lớp trước có thể nào xắp chúng
vào hàng ngũ để sinh hoạt đồng loạt đem đến kết quả tốt hơn được không?
Lời đề nghị làm tôi giật mình, một bà già 85 tuổi, cái
tuổi gần đất xa Trời nhớ tu được cũng là
quí, đàng nầy não trạng còn rất tốt, Bà muốn xắp hàng cho các em cháu tu sĩ trẻ
để tránh lộn xộn trước mắt của những người bảo vệ tôn giáo.
Tôi đáp:
- Đệ cũng muốn vậy lắm mà không được đâu thưa cô!
- Nguyên nhân không được là thế nào chứ?
- Dạ, sự thật thì nhiều năm qua đệ có soạn ra và đem
áp dụng mô hình sắp hàng nhưng các đệ trẻ không thích tu trong sự gò bó của cái
thế giới người đi trước. ví như học hành các đệ ít có người đi từ căn bản, nói
pha một chút thuật ngữ thì chúng thích học tắt, học ngang hông, photocopy, mỳ
ăn liền thôi.
Ghi
hình nói chuyện trong nhà Cô Năm Huệ
- Cái tệ nhất của người tu là chỉ ham học nói không
học hạnh nên sự hiểu biết thì huyên thiên mà hạnh cách lúc nào cũng đổ tháo, đi
chưa tới đâu là rớt tuốt.
- Dạ phải.
- Tôi nay già đến từng tuổi nầy nhìn về tương lai của
lớp tu trẻ, độc thân trong PGHH thấy sao mà mờ mịt quá. Tôi nhớ đệ lúc xưa có
khoa hướng dẫn rất nhạy bén mà còn lắc đầu, chẳng lẽ cái mộng đẹp về việc sắp
hàng của tôi là sai sao?
- Cô đừng tự trách mình nữa, nếu duyên thiền môn chưa
đến lúc thì có lúc cũng sẽ đến, không đến lúc nầy thì lúc sau vậy.
- Sau là lâu mau nữa ? kẻ chết thì không sống lại,
người tu rớt cũng khó mà tu lại. Nếu để cái lớp tu không hàng ngũ kéo dài làm
khó khăn cho sự phát triển tôn giáo, thiếu sức cạnh tranh công bằng, PGHH mà có
phát triển cũng phải vất vả lắm mới được.
Bống chiều đuổi tới nhắc nhở tạm chia tay, chúng tôi
ngưng ngang cuộc hội luận trông còn dài lắm…
29/6/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét