HÃY BÀN CHUYỆN CÒN TU
Chào quý vị! Rất vui được quý vị đến thăm.
Đó là lời chào thân thiết của tọa chủ Thiên Quang Am, khách đáp
lại cũng bằng lời lẽ vui tươi, dễ nghe:
- Chúng tôi xin chào anh và cũng rất vui nếu được nghe lời anh
dạy.
- Dạy thì không dám _ tọa chủ nói _ mình là huynh đệ “con
một cha” thỏ thẻ với nhau thôi. Hãy có tâm niệm như vậy cho không khí gặp gở
bớt nặng nề sẽ hay hơn.
- Đây không phải là hạnh cách của người trưởng thượng sao!
- Không phải, tôi nói hãy làm cho bớt khoảng cách, cứ như vậy đi
là được, ở còn trưởng với thượng gì nữa?
Để không hao phí thời giờ _ một trong số những vị khách nói _
tôi đại diện anh em và các cháu đi cùng xin thưa: Hôm nay chúng tôi đến
đây trước là vấn an sức khõe hiền huynh. Được biết hiền huynh lâm bệnh lâu, đợi
đến lúc chúng tôi hay thì quá muộn mà lại nhà cách nhau xa, thăm trễ. Nay nhìn
bề ngoài trông như hiền huynh đã khỏi bệnh nhưng so với trước thì chưa lấy lại
sự cân bằng, chuyện nầy từ từ mà. Tiếp theo, chúng tôi xin được bộc bạch với
hiền huynh đôi điều thắc mắc cần giải quyết cho sớm trơn lòng. Hy vọng, học qua
lý giải và sự phân tích chân xác của hiền huynh chúng tôi không còn ôm thắc
mắc, miệt mài tu niệm.
Cám ơn sự quan tâm của quý thiện hữu. Sức khõe chưa cân bằng là
đúng, nhưng bệnh đang từ từ hết thì sức khõe cũng từ từ bình phục, không sao.
Biết đâu nay tiếp chuyện với quý vị, bộ hô hấp hoạt động nhiều sẽ nhanh bình
phục sớm hơn thì sao.
Cám ơn sự độ lượng của hiền huynh.
Hãy nhập đề trực tiếp _ tọa chủ nói_ đừng lung khởi dài dòng
choán thời giờ.
Người hướng dẫn nhóm, kêu gọi sự tự giác của anh em làm khách đưa
ra đề tài, liền đó có một thanh niên cất tiếng:
Dạ. Thưa, chúng cháu đây tu Pháp Môn TỊNH Độ chuyên lòng trì niệm
lục tự Di Đà nhưng có người bài bác bằng đọc lên lời dạy của Đức Thầy, Phật ở
tự tâm, sao không trở về thắp sáng Phật chính mình, niệm cầu danh hiệu Đức Phật ở hết sức là xa về
cứu độ. Trước lẽ đó, Phật trong tâm của mỗi chúng sinh không có vai trò gì
trong việc chuyển hóa mê ra ngộ sao?”
- Phật ở hết sức là xa có phải muốn nói đến Đức Phật A Di Đà
không?
- Cháu nghĩ là vậy.
- Vị Phật nầy, ta nói xa cũng được nói gần cũng được.
- Xin chú giải rõ sao lại gần xa đều được ?
- Nói xa là căn cứ theo “sự kinh” Đức Thích Ca mâu Ni nói rằng “Từ
đây về bên Tây Phương trải qua mười muôn ức Phật Độ có một thế giới Cực Lạc của
Đức Phật Di Đà…” còn nói theo “lý kinh” thì rất là gần gủi, A Di Đà là tánh bổn
lai trong mỗi chúng sanh. Người bài bác biết được cái xa mà không thấy được cái
gần, cho nên không cảm thông mà buông lời như thế, chúng ta hãy cảm thông họ
trước đi.
Huynh đệ! Người ta bài bác là có cái lý của người ta, quý vị không
phải là dạng người ta đó, tất nhiên cũng có cái lý khác để chắc chắn hành động
của minh là đúng. Có đều khi đã cho rằng mình đúng phải dựa vào chuẩn mực trong
tổng số tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật thuyết, đúng thì hành trì đừng ở mà
thấy sao người ta tu khác với mình. Đời ai ăn được người đó no đó là điều tất
nhiên mà ai cũng biết. Quý vị niệm Phật thì cứ niệm Phật, để lòng chi cái
chuyện người ta nói khác làm khác là sợ, hoặc dựng chuyện để phân cao thấp, hơn
thua. Nên nhớ một điều tuyệt đối dặn lòng: Pháp môn Niệm Phật không phải do ta
mới đây khởi xướng, bị người khác nói khác ý là sợ trật trúng. Đức Phật Thích
Ca thuyết về Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ là nhằm vào pháp môn Niệm Phật, từ
đó các đại tổ sư lập thành tông phái truyền thừa cho đến ngày nay, nền tảng
vững không ai xô sệp, sá vì những người không biết “ vội đem lòng cượng
lý ghét ghen” (lời Đức Thầy). Nhưng mục đích của sự niệm Phật là gì quý vị cũng
nên nằm lòng để tránh va chạm và sự đối phó vô lý với người không cùng hướng
tu. Người ta bài bác mà
mình khó chịu là tâm không an, từ đó phát sinh sự đối phó là tu càng lúc càng
thêm vọng thay vì bỏ vọng để hoàn chơn.
Theo như Đức Thầy dạy Niệm Phật là để “trừ vọng niệm chúng sanh”,
hãy tập trung các sức tu để tu ngay chỗ đó, đừng ở mà tính toán Phật của chính
mình hay Phật ở đâu tới. không chịu niệm Phật mà thích tính toán chỉ làm rộn
ràng cái tâm mình thôi chứ ích lợi vì. Chỗ nào rộn ràng là chỗ đó không có
Phật, vì Phật đến chỗ thanh tịnh không tới chỗ ồn ào. Lúc nào tâm rộn ràng ta
biết là lúc đó không có Phật. Quý vị thủy chung với Pháp môn niệm Phật, cứ vậy
mà thủy chung tiếp, đừng vì những bài bác, đàm tiếu của người nầy người nọ mà bỏ
thủy chung. Đừng vì họ làm ta sượng bước mà chậm lại hoặc bỏ cuộc, cũng
đừng phiền họ tu khác cách làm cản trở cách tu của minh. Ta còn không ưa những
ai tu khác với mình là tự ta làm cản trở mình đó.
Tôi ước chừng chỗ quý vị đi tới mà những người kia chưa đi tới,
quý vị đã thưởng thức món ăn ngon mà người ấy chưa ăn. Mình đã tới một cảnh
giới nội tâm sâu lắng trong khi thực hành Pháp môn Niệm Phật. Họ bài bác vì
cảnh giới tâm linh của họ sóng bủa lao xao. Quý vị đừng vì cái mà họ cho là
phải quấy làm ảnh hưởng đến sự tu, cảnh giới tâm linh đang có Phật.
Bàn qua việc dạy đạo ta thấy Đức Thầy tóm tắt bảo:
“chẳng nói dắn dài Phật nọ tức tâm”.
Trong tâm mỗi người có Phật, nói tới nói lui, phân cao phân thấp
để giành ảnh hưởng danh lợi tình, chứ có ai sử dụng được Phật trong tâm đâu! kẻ
hung ác, người hiền lương, kẻ thông minh người ngu muội, cũng đều có Phật trong
tâm nhưng sao họ hành động hoàn toàn không có một chút Phật chất nào?
Ví như anh chàng nọ có nhà cửa phương tiện sống vững vàng, hôm đi
chút công chuyện, ra là khóa cửa nhà cẩn thận, đi làm xong công việc, chừng về
đến cửa, móc túi ra thì chìa khóa đã mất, y đứng lóng nhóng trước nhà đập đập
vỗ vỗ cái cửa một cách mệt mỏi mà không làm sao vào nhà. Bụng kêu đói, anh giải
thích với bụng đói rằng: An tâm đi! Để tìm được chìa khóa vào nhà cơm gạo đầy
đủ mặc sức mà ăn. Giải thích như vậy bụng có hết đói không?
Thưa quý vị! chờ tìm được chìa khóa là chừng nào? Nhứt định phải
chịu đói chứ không chịu đi mua cơm hay xin cơm của người khác ăn sao? Thấy
người như vậy ta cho rằng họ quá dại dột, đói tối tăm mày mặt mà trông về tương
lai một cách ảo tưởng, mơ hồ.
Chuyện giống chuyện chứ! Biết trong tâm mình có Phật nhưng ta cũng
không có chìa khóa để mở cửa tâm thấy Phật của chính mình thì vấn đề tu hành,
ngoài phải cầu Phật A Di Đà đến thôi. Kinh Phật Dạy “Tự tánh Di Đà Duy Tâm Tịnh
Độ”, Vậy tánh Di Đà là Phật tánh trong mỗi chúng sanh, tâm là tịnh độ, đến đây,
ta niệm Phật Di Đà cũng chính trở về bổn lai tánh của mình đó. Niệm Phật A Di
Đà đến chánh niệm, sự chan hòa của bổn tánh thì Phật A Di Đà là một với Phật
trong tâm. Tâm hết vô minh là Phật hiện. Ta gọi Đức Thích ca Mâu Ni Là Phật, A
Di Đà là Phật, vì trong người các Ngài đã hết vô minh, Phật lộ ra. Bảo rằng
chúng sanh có Phật trong tâm nhưng hành động không một chút Phật chất, phàm
chất tung tăng trên các sinh hoạt. Chúng sanh còn bị bao phủ bởi lớp lớp vô
minh, không ứng dụng được ánh sáng giác ngộ của bổn tánh. Trước tình cảnh ấy
đừng giống như anh chàng bị mất chìa khóa nói trên, cố chấp chỉ ăn cơm trong
nhà mình, đói bỏ mạng. Kính cầu Phật bên cõi nước Tây Phương qua tiếp cho ánh
sáng, áp dụng phương pháp hay biện pháp làm cuống bay lớp lớp vô minh. Phật
không cầu cũng có sẵn.
Thưa chú, “cuống bay lớp lớp vô minh, Phật không cầu cũng có là thế
nào? Chú có thể cho một dẫn dụ không?
Nầy nhá, hãy ra mà nhìn mặt Trời đi! hiện giờ mặt Trời ở đúng đỉnh
đầu phải không nào? Nhưng mới sáng thì ở sát đất hướng đông nhô lên, hết chiều
sẽ nằm sát xuống mặt đất hướng tây. Nói qua sự vận hành ta nói là Ông mặt Trời
đi nhanh. Nhưng trên thật tế, mặt trời là định tinh, luôn ở một chỗ không dời
đổi. Ta thấy mặt Trời sáng ở đông chiều qua tây rồi lặn mất đó là do vòng quay
của quả địa cầu ta đang sống, vì quả địa cầu là hành tinh. Nhìn Ông Mặt Trời có
lúc nắng chói chan chan, có khi
lại lu mờ ta nói mặt mời sáng mặt trời tối. Sự thật thì mặt trời lúc nào cũng
sáng, khi thấy tối không phải Ông mặt Trời làm tối mà vì hướng mặt trời đã bị
mây che. Trong đêm tối, quý vị đốt lên ngọn đèn sáng cả phòng, nhưng nếu có ai
lấy cái hộp trùm ngọn đèn, cả phòng tối thui ta nói cái đèn phòng đã tắt sao?
Không đèn phòng vẫn cháy. Mặt Trời là một định tinh, không dời đổi, tính bổn
lai cũng không dời đổi, lúc nào cũng sáng làu làu, ngặt vì bầu trời còn có mây,
lòng người còn vô minh nên không phản diện được tính bổn lai.
Còn như câu, “trước lẽ đó, Phật trong tâm của mỗi chúng sinh không
có vai trò gì trong việc chuyển hóa mê ra ngộ” là thế nào?
Phật bổn lai sao lại không có vai trò chuyển mê ra ngộ ? Chính
xác, chuyển mê thành ngộ là quyền năng tuyệt đối của Phật bổn lai, nhưng vì
chúng sanh chưa hết vô minh, niệm cầu Đức Phật A Di Đà là phương pháp tu, không
dựa vào phương pháp tu là nơi sở đắc, niệm chí thành sẽ nhập vào chánh niệm,
“nhất tâm bất loạn” hành giả chọc thủng màn vô minh, sáng làu làu.
Chúng ta bàn đây cho rõ cái nghĩa đặng tu và trong tư thế đang tu.
Đừng có lúc nào cũng nói pháp không không mà cái tâm đảo như chong chóng, phàm
tục không từ. Ta biết họ chê bai, bài bác là vì họ thiếu hiểu biết về pháp môn
Niệm Phật mà ta áp dụng. Vô minh dẫn họ đi thì đường họ đi luôn luôn là tăm
tối.
Kính thưa quý vị! qua sự giải đáp của tôi quý vị có được chút chút
hài lòng nào không và xin cho biết chỗ nào không hài lòng?
- Hài lòng cả thưa chú _ người thanh niên đáp_ và chẳng những hài
lòng thôi mà còn tâm đắc nữa ạ.
- Tâm đắc điều nào?
- Dạ, tới hai lận ạ. Một là chuyện của anh chàng mất chìa khóa
không vào nhà được để dùng cơm, đói siểng niểng mà cứ nói rằng nhà mình đầy đủ
cơm gạo, không chịu đi mua hay xin cơm của ai.
- Đó là cốt truyện _ tọa chủ nói_ nhưng tính xây dựng của nó
là gì?
Thật ngại quá đi! Nhưng ngẩm lại học thì phải lên lớp trả bài.
Biết rằng trong tâm có Phật và đúng ra phải dùng Ông Phật của chính mình,
nhưng tiếc là Phật chính mình còn bị vô minh che bít trịt, không một chút
ánh sáng phát ra như chàng trai mất chìa khóa cửa vào nhà, biết rằng nhà mình
có đầy đủ cơm gạo nhưng không vào được mà dùng thì cơm gạo còn có ý nghĩa gì?
Không sử dụng được Phật Bổn Lai còn nằm bên trong của lướp lớp vô minh phải tạm
cầu niệm danh hiệu Phật ở cõi Tây Phương, niệm đến khi “nhất tâm bất loạn” thì
vô minh tan biến, mở được cửa vào nhà, vào tâm…
- Học nhớ khá lắm! còn điều tâm đắc thứ hai là gì?
- “Đừng vì họ làm ta sượng bước mà chậm lại hoặc bỏ cuộc, cũng
đừng phiền họ tu khác cách làm cản trở cách tu của mình. Ta còn không ưa những
ai tu khác với mình là tự ta làm cản trở mình đó.”
- Vậy bà con mình hết thắc mắc rồi chớ?
- Dạ.
06/6/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét