Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

NIỀM TIN VỀ PHẦN VÔ VI

Trước năm 1975 Ông Trần Minh Thiệu bấy giờ là trưởng ban phổ thông giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc, trong một đề tài thuyết trình “ Tu Gấp” bằng đưa ra những yếu mục rất có cơ sở để thuyết phục những đồng đạo tu hành lôi thôi sẽ tinh tấn hơn. Ông giải thích Tu Gấp tức là tu liền theo, tu nhanh nhanh không hẹn mai hẹn mốt, không chờ xong việc nhà, không đổ cho thử thách, thách thức. Đời người đang sống nhưng lúc nào cũng bị Lão, Bệnh, Tử rược tới, nếu không tu gấp bệnh với tử nó rượt dính mà lúc đó không tu là mất uổng một kiếp, đào thay trở lại thế gian, chịu khổ nữa.
Sau khi quảng diễn xong đề thuyết, Ông còn gợi cảm cho mỗi đồng đạo biết rằng: người thật tâm tu niệm dù chưa đến lúc “mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc, hưởng công Niệm Phật rất yên lành” (lời Đức Thầy), hiện tiền sẽ được sự che chỡ của các ơn trên, tai qua nạn khỏi để họ sâu duyên với đạo, hâm nóng đức tin về sự cứu độ, liền đó Ông đọc lời dạy của Đức Thầy để chứng minh lý giải của Ông là đúng:
“ Ai mà tu tỉnh chuyên cần,
Làm đường ngay thẳng có thần độ cho”.
Ông còn trích ngâm một đoạn Giảng của Đức Thầy trong Bài “Sa Đéc” để nói lên một sự thật đau lòng của muôn vạn tín đồ đối với Đức Thầy qua trường hợp bị quân Pháp bắt dời đi lòng vòng, từ làng Hòa Hảo đến Châu Đốc và Sa Đéc:
“Tiếng sấm sét bên tai xốc xáo,
Cả muôn người ngơ ngáo hỏi han.
Nay thân Thầy cũng đặng bình an,
Khuyên bổn đạo đừng than lắm tiếng”.
Cũng trong bài Sa Đéc, Đức Thầy có kể lại câu chuyện của Sư Trần Huyền Trang qua Đông Độ thỉnh kinh, trên đường đi gặp nhiều tai nạn có thể dẫn đến chết người, nhưng nhờ chuyên trì Niệm lục tự Di Đà, Đức Phật cõi Tây Phương cho thị giả của Ngài là Quán Thế Âm Bồ Tát luôn theo cứu khổ cứu nạn nên khó khăn nào cũng sẽ vượt qua:
“Xưa Tam Tạng Tây Phương quyết đáo,
Bị loài yêu làm bạo lắm phen.
Đức từ bi phải lộ trắng đen,
Lôi Âm Tự cũng đi đến chốn.
Đi dọc đường yêu tinh làm hỗn,
Thấy Đường Tăng thơm thịt muốn ăn.
Nhờ môn đồ Bát Giái, Sa Tăng,
Với Đại Thánh, Tề Thiên cứu vớt.
Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt,
Thì nạn tai cũng thoát như không.”
Ông còn kể câu chuyện mà chính Ông xém chút nữa lọt vào “ trận chết” đã được cứu thoát:
Năm 1973 chúng tôi 3 người 3 chiếc xe Hon Da ss67 cùng chỡ chánh pháp Phật Giáo Hòa Hảo từ Nam ra Trung phần, mỗi xe chỡ một bao toàn là quyển Sấm Giảng Thi văn Giáo Lý. Đêm đó chúng tôi nghỉ ở nội thành thành phố Nha Trang, Trời chưa kịp sáng là gọi nhau tranh thủ lên đường đến tỉnh Phú Yên, huyện Sông Cầu cho có dư chút thời giờ đặng nghỉ ngơi ( hồi nầy ở thành phố Nha Trang và huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên đều có thành lập ban trị sự giáo hội PGHH hoạt động đạo rất tích cực. Nhất là huyện Sông Cầu, có sự ủng hộ của thượng nghị sĩ Lê Phước Sang đồng thời còn là viện trưởng của trường Đại Học Hòa Hảo ở tỉnh An Giang. Bà con địa phương phát tâm theo đạo khá đông, đặc biệt trong đó có giới trẻ, thấy cần gánh vác nhiều lợi ích cho đạo, giữ hạnh tu độc thân, mang hoài bảo lớn, xa quê hương với những người thân vào vùng trung tâm học Phật của đạo Phật Giáo Hòa Hảo xin hấp thụ tinh hoa mang về xứ như quý vị: Lê thị Thu, Anh Tám Lân, chị Năm Thơ, Anh sáu Khỏi và nhiều vị khác…lời dẫn của người viết).
Ông Trần Minh Thiệu kể tiếp:
Trời chưa sáng chúng tôi ra tới ranh ngoại ô, bị chú Cảnh Sát chận xe  kêu xuất trình giấy căn cước. Chúng tôi móc bóp đưa ra, họ chụp lấy cả ba tấm giấy, rọi đèn pin coi thì mỉm cười rồi cầm giấy đi tuốt. Chúng tôi xuống xe đứng dịnh, quay tìm chú Cảnh Sát để hỏi gì sao lại chận xe, lấy giấy căn cước. Ngó qua ngó lại không thấy, tôi dựng chưn chỏi buông xe ra đi tìm, thấy mấy chú ngồi trong mái che trước quán, tôi vội vàng đến hỏi:
- Chận xe chúng tôi sao không kiểm soát cho người ta đi?
- Các anh chị chở gì mà bao bao to thế?
- Kinh Giảng Phật Giáo Hòa Hảo.
- Định chỡ đi đâu?
- Tới một ngôi chùa PGHH ở quận Sông Cầu
- Hỏi sơ thôi chứ còn làm việc thì chưa đến giờ. Các anh chị chịu phiền ở chờ chút nữa.
Trở lại nơi chiếc xe dựng, chờ một chút, hai chút, ba chút, tôi chịu hết nổi, gầm mặt mà đi đến chỗ mấy tên Cảnh Sát ngồi, tôi chưa kịp mở miệng thì họ hỏi nhanh còn pha chút giễu:
- Gì nữa đây quý Ông Bà?
Nghe kêu sao mà kỳ kỳ! Chỉ có mình tôi mà họ kêu là “ quý” Ông Bà. Sớm giờ kêu mình bằng anh chị, giễu như vậy còn chưa đả, mình có ba thằng cha đàn ông sồn sồn, để tóc dài bới củ tỏi sau ót, họ biết mình là bậc mày râu mà trửng giỡn cỡ đó, nước chọc thêm lên, kêu tới Ông Bà nữa chứ. Bây giờ tôi mới biết cái cười của họ khi rọi đèn pin xem giấy căn cước chúng tôi là gì. Thiệt quá đáng!
- Mấy chú làm ơn làm phước, chúng tôi còn phải đi đường xa. Nếu nghi chúng tôi phạm pháp, chỡ đồ quốc cấm thì cứ xét giấy tờ đồ đạc, không phạm thì cho người ta đi sớm, tội nghiệp mà.
Cỏ vẻ như bị quấy rầy phiền phức tên cảnh sát lấy giấy căn cước chúng tôi quay mặt chỗ khác, nói giọng như đuổi:
- Tôi nói với Ông rồi, chưa tới giờ làm việc quý Ông chịu khó ở chờ.
Tôi nghi: không lẽ mình đi trong lúc thành phố phát lệnh giới nghiêm. Sáng thiệt mặt mà chưa thấy chiếc xe nào chạy ra ngoại thành. Vừa dứt suy nghĩ, có vài chiếc xe lớn nhỏ ồ ạc đi qua, chú Cảnh Sát lại chỗ chúng tôi kêu trả ba giấy căn cước rồi bảo chúng tôi đi đi. Tôi mừng và nói lời cám ơn rồi lên xe chạy cuống gió chứ ở mà chậm chạp, họ nhớ lại, kêu mình cho khám xét đồ đạc nữa thì lâu thêm.
Lên xe chạy hàng dọc để dễ kiểm soát nhau. Thoát sự phiền phức của mấy người cảnh sát, dễ chịu quá.  Nhớ lại lúc họ chận xe không cho đi thì tôi mắc cười ênh: Thế nầy là chận chơi chán đả cho đi chứ có xét hỏi gì đâu. Lúc tôi khó chịu đi tới đi lui, cảnh sát giả bộ lạnh lùng hỏi gắt “Gì nữa đây quý Ông Bà”. Nghe câu hỏi tưởng là hắn ta giận lắm mà tôi thì cũng đang tức ngực đến độ khó thở. Nhìn kỷ mặt hắn không có nét giận, giống như vừa cười phớt qua, bổng nhiên tôi hết tức ngực. Vậy họ chọc mình sao? Suy nghĩ của tôi chưa kịp lắng xuống thì phía trước không xa có tiếng gầm nổ rất lớn, dội lồng ngực. Tôi xả tay ga và đạp thắng cho xe dừng lại, các xe cùng chiều đều dừng, nét mặt ai cũng hiện đầy vẻ lo sợ. Nhìn vẻ lo sợ của họ tôi sanh nghi, nếu mình đi trong trận đánh của Việt Cộng Quốc Gia, lỡ có lạc đạn…không, không… không thể có lỡ trong lúc mình đem đi ấn tống giáo lý. Tôi kêu hai đồng đạo đi chung đứng nghiêm nguyện vái: Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Một chút thôi thì có xe nhà binh chạy tới với xe cứu thương nối đuôi. Thấy xe cứu thương chạy dính theo xe nhà binh sau một tiếng nổ kinh hoàng tôi biết đã xảy ra chiến trận có đổ máu, rồi các xe lần lần chạy, chúng tôi cũng phải đi thôi.
Ngang tới hiện trường mới biết, “mấy ông bên trong” ra đấp mô gài mìn giết quân Quốc Gia mà có Ông lính quốc gia nào chết đâu, dân thường cả thôi, một chiếc xe hơi chỡ khách đầu chúi xuống lề còn chổng cẳng lên trời. Bấy giờ tôi mới biết ý nghĩa của mấy chú Cảnh Sát giữ xe chúng tôi lại là sao rồi. Cám ơn Trời Đất, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nghe chuyện Ông Trần Minh Thiệu kể, Ông thật đáng khen là người có hai điều may mắn đến cùng một lúc. May mắn thứ nhứt là được thoát chết. Nếu không có Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa ra chận xe, Ông sấn tới trước hơn ai, ăn phải quả Mìn của “mấy Ông bên trong” là banh xác. Thế mà Ông không biết cái tuồng Phật Trời sắp sẵn cứ bực tức rậm rật lòng, trách Cảnh sát sao vô duyên vô cớ chận xe người ta lại mà không khám xét vì vì. May mắn thứ hai là Ông đi hoạt động đạo sự ở thời Việt Nam Cộng Hòa, có tự do tôn giáo, giảng đạo hay chỡ Kinh Giảng đem đâu thì cứ chỡ, cứ đi, làng nước không ai làm khó. Gặp cái thời nầy mà hiên ngang cỡ đó hả, chỡ ba bao đầy Sấm Giảng Thi Văn từ Nam Phần ra Trung Phần, bị chận còn kêu Cảnh Sát xét nhanh nhanh đi hả, thì có mà vào tù sớm thôi.

04/6/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét