Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

CON CHIM KHỎI HỎI


Hôm nay tâm trạng tôi rất vui vì sáng sớm đã nghe giọng con chim cưng kêu lảnh lót: khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi. Tôi ra xem, nghe tiếng kêu trên cây mít, tôi cố để mắt trong chòm lá rậm, thấy tôi nó nhảy bún bún lên, cái đầu lút lắc, tính lóc chóc của nó y nguyên không đổi. Đúng là nó rồi, sau ba mươi lăm năm gặp lại.
Những năm tôi tu giấu mình trong Rạch Hang Tra, xã Cần Đăng 1980, nơi đó một vùng cây rậm rịt, rất ít ai qua lại nhưng chim muôn thì dồi dào đủ loại. Trong đó có loại chim mà tôi thích nhất với cái giọng kêu cặp ba: Khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi.
Sống nơi xa chợ phần mình tịnh khẩu không đi rộng tôi phải trồng lặt vặt rau trái đủ dùng; những thứ như là thuốc vòi tía, đậu váng tía, cà bắp, mướp hương…trồng để dùng, mỗi thứ một ít, nhưng ngày có một bửa cơm cho dù trồng ít cũng dư ăn, bà con lối xóm nếu ai muốn dùng cứ đến mà bẻ hái, cưng Khỏi Hỏi ở đây lâu, biết lòng tôi muốn giúp nên ai đến xin vì thì nó biết, nó kêu lên khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi.
Hôm nọ có đôi vợ chồng trẻ trông lạ lắm, đi đâu ngoài ruộng về ngang chỗ tôi, thấy đậu váng tía, cà bắp vun trái mà thèm. Lúc đó tôi ngồi đọc sách trên nhà, nhìn qua cửa sổ thấy tôi họ muốn hỏi xin mà tôi thì lúc đó mắt châm chú vào trang sách không để ý đến sự có mặt của họ, bổng có giọng con chim cưng kêu lên: Khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi. Nhưng họ vô tình với tiếng kêu của con chim bảo rằng: Ông Đạo không có nói chuyện, rau trái Ông trồng là Ông sẵn lòng cho, ai đến muốn bẻ hái vì thừ cứ bẻ hái khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi. Nghe tiếng con Khỏi Hỏi kêu cập ba tôi nghĩ là có ai đến muốn xin vì, tôi nhìn ra cửa sổ thấy có hai người một nam một nữ đôi mắt châm chú dàn đậu váng tía trái vun mâm. Tôi tìm cái thẻ ngăn làm dấu đọc sách mà không thấy, trên bàn tróng trơn, tìm xuống chân bàn cũng không luôn. Ai ngờ cái thẻ đã ở ẩn trong quyển sách khác. Xong tôi đi xuống thì thấy đôi vợ chồng trẻ đã đi huốt. Tôi vổ tay bốp bốp thì họ quay đầu lại, tôi ra dấu mời họ tùy thích muốn bẻ hái thứ nào, con chim cưng đậu đâu trên cành xoài kêu tốc lên: khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi.
Lần khác, một chú em đi cắt cỏ bò trên bờ gáo trước nhà đã nhìn thấy những trái mướp hương vắt chùm chùm treo lòng thòng trên mấy buội gáo vàng, chú cắt cỏ bò ngắm nghía cái dư ăn của tôi mà thèm lấy, con chim nó báo hiệu khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi tức thì tôi biết có người muốn xin mà không thấy chủ nhân. Tôi gấp đôi quyển sách đang xem, bước xuống đất thấy chú cắt cỏ còn đang ngó lên mấy trái mướp. Tôi vổ tay cho chú ấy quay mặt lại và tôi lấy đưa cây cần móc cu lim để tự bẻ về ăn.
Vì bị chánh quyền phát hiện tôi ở đó tu chớ không phải là cất cái trại giữ vườn, họ ra lệnh đuổi tôi đi và tôi đã ra khỏi đó vào năm 1985. Rất lâu tôi không có dịp trở lại rạch Hang Tra để coi con Khỏi Hỏi còn đó hay đi đâu. Sau ba mươi lăm năm tôi mới nghe lại tiếng kêu dễ thương của con chim Khỏi Hỏi. Rộn ràng với con chim do đó mà tôi siêng việc, đáng lẽ nay tới cử hái nắm rau lan hấp trong cơm là xong tôi lại muốn nấu nồi canh rau thập cẩm thuốc vòi, rau trai và một nắm lá bình bát trộn lộn với những thứ rau linh tinh không tên.
Lúc nầy thời tiết nắng nung, cỏ cây khô héo, rau thiên nhiên đâu còn nhiều. Rau thiên nhiên là thứ giống Trời Sanh, tôi nạnh để Trời tưới, tôi chỉ tưới một vuông rau Lan không quá mười lít nước mỗi ngày. Hái hết sau vườn xem chưa đủ một nồi canh, tôi ra trước nhà định quần trong mấy buội kiểng kiếm những thứ rau không tên ăn ké nước tưới kiểng bò phì đọt, bổng gặp mấy đứa trẻ với tay quằn bẻ những trái cốc tôi trồng, chúng nó là những đứa cháu thường đến chơi vui, tôi cưng chúng mà gặp vầy, tính bảo thủ không cho tôi thương yêu vì chúng nữa. Thấy là lòng phực tức, tôi định la lên và rược bắt chúng thì con chim cưng xuất hiện trên cây mít hông nhà kêu to như tiếng tu huýt thổi: Khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi. Tiếng kêu ấy đã chận dừng tôi lạy, dừng với một kiểu “thắng đúp”để tôi tự vấn lương tâm: Hồi xưa con Khỏi Hỏi nó kêu báo thì mình ra thị thiềng cho người ta bẻ hái đồ đạc mình trồng, nay chẳng những không thị thiềng mà còn cho người ta là trộm, định rược bắt nữa là sao? Kẻ mình cho là trộm lại là những đứa cháu cưng mà thường khi mình cho ăn uống hoặc tiền con số lên gấp trăm lần mấy trái cốc nó bẻ được. Phải chăng nhiều năm qua rồi không có con Khỏi Hỏi bạn cùng, mình đã phát sinh cái bệnh bảo thủ. Sáng nầy nó đã nhắc mà bây giờ mình còn định la rược bắt cho mấy đứa cháu mình thương lại là những đứa trộm sao?
Tôi rút vào nhà để mặc tình cho các trẻ bẻ hái Cốc, thảy cái rổ rau nhảy còng lên chỗ nấu ăn. Vào nhà chứ không yên để lo tịnh tọa theo nội qui. Không phải tôi bảo thủ những chùm Cốc trên cây mà giận con chim tới đây phá đám. Nó còn rất dễ thương như ba mươi lăm năm trước, chỉ có tôi mới không còn dễ thương. Trường hợp quá rõ ràng, nếu không có con Khỏi Hỏi kêu chận tôi lại thì tôi la rầy nặng nề các bé chỉ vì sợ mất năm mười trái Cốc của mình thôi.
Trong lúc tự trách mình, tôi bổng nhớ chuyện của Sư Giác Lâm Hòn Tre. Hôm đi mua đồ quảy lên mệt nghỉ trên đường, vì lúc sáng gánh xuống một gánh chuối, đã ăn uống xong rồi mà lên tới đây mới một phần ba đường thì mệt đuối người. Tôi ngồi nghỉ chân ở mái che của tịnh xá Phụng Hoàng, gặp Sư Giác Lâm tôi liền chào và Sư cũng chào lại. Sư ngồi nói chuyện với tôi một cách thân thiện. Sư hỏi… tôi nói là nay chặt chuối gánh xuống bán. Sư nhạy cảm về chuối kể tôi nghe câu chuyện như sau:
Hồi đó tôi cũng chặt chuối chín bói, trái no tròn mình thì mới đem xuống bán, nhưng sau tính già tính non tôi sang qua làm chuối phơi khô. Tính ra một ký chuối ép phơi khô tiền bằng chục ký chuối vú chín, gánh xuống nhẹ hửng trên vai mà tiền nhiều, đỡ vất vả mỏi mệt. Hôm tôi đang “hành nghề”có con chim bay đến đậu trước sân kiểng kêu to: Tu mà còn ép chuối, ép chuối, ép chuối! Tu mà còn ép chuối, ép chuối, ép chuối! Nó đi la phal ba chập, mỗi chập có ba lần ép chuối. Nghe kêu tôi bắt cười nôn bụng mà không nghĩ vì. Vài hôm sau tôi chợt nhận ra dụng ý của tiếng chim kêu, nó nói tôi “ Tu ” mà còn giành ăn tham lam quá. Sự thật, lúc chưa qua nghề ép chuối phơi khô thì trong vườn có chuối chín bói lai rai, chim ăn thừa thảy. Tôi nghĩ, chuối chín bán còn ế chớ chuối ép phơi khô không ế nên mỗi lần đốn chuối phải đốn cho nhiều, vú chất đầy buồng, ép bán một lần cho đáng tiền. Tới đợt đốn chuối, chuối già, chuối vừa tròn mình có khi còn đốn xâm phạm qua những buồng chuối mới đóng vóc. Chặt như vậy vườn đâu còn chuối chín bói cho chim ăn, nó mỉa mai cũng đúng, Tu mà còn ép chuối, ép chuối, ép chuối cũng có nghĩa tu mà còn tham lam, tham lam, tham lam. Nói “tu”mà còn tham lam giành giựt miếng ăn của chúng, nghe một lần là đủ quạu, nổi bồ đề gai. Mình giành ăn chắc con “ép chuối” nó giận lắm, nói tới ba lần.
Hồi đó chưa có con Khỏi Hỏi, Sư Giác Lâm nói có con chim kêu “Ép Chuối” như vậy tôi không dám tin chút nào, chừng có con Khỏi Hỏi, tôi thấy sự khôn ngoan của nó còn hơn con “Ép Chuối”của Sư Giác Lâm. Ép Chuối kêu lên với giọng mỉa mai, nặc nòng mùi giành giựt, Khỏi Hỏi kêu qua tính tươi vui, nói lời tha thứ, thấy có của dư là trông ai đến cần dùng đặng cho vừa ý: Thích vì thì bẻ hái lấy về xài, khỏi hỏi, khỏi hỏi, khỏi hỏi.
Tuy tôi chưa la hoặc rược bắt mấy trẻ trộm trái Cốc. Thật sự chúng không hay biết vì về cái bụng ích kỷ bảo thủ của tôi, cũng chưa ai biết cái bụng tôi lúc đó mà cho hay là tôi định la bắt chúng để chúng sợ mà không đến. Giờ tôi nhận ra, tại vì cái ác tâm của tôi muốn phực cháy, sức cảm hóa không còn, đã mấy ngày liền sau cái hôm ấy, không có đứa trẻ nào đến để tôi cưng, và con Khỏi Hỏi biết được lòng dạ tôi giờ quá thấp, đã buồn, không còn thương tôi, di tản đi đâu! Qua mấy ngày không còn nghe tiếng kêu dễ thương của nó nữa, tôi chơ vơ mà nhớ mấy cháu cưng, chim cưng Khỏi Hỏi.

18/6/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét