Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

NÓI CHUYỆN VỚI MỘT SỐ VỊ TU ĐỘC THÂN TRẺ TUỔI


- Dạ con xin chào chú, con xin chào chú, con xin chào chú!
- Thôi nè, một người đại diện nhóm chào chú là được rồi, để chú còn chào lại chứ, chào các cháu!
- Dạ, chúng con xin chào chú
- Các cháu khõe phải không?
- Dạ phải.
- Tu hành có tốt không?
- Dạ…
-Sao ! khó nói hả? Nói không được thì thôi, vậy huề để không ai bận tâm việc nầy nhá.
- Dạ, nếu hôm nay chú rảnh chúng con xin được hầu chuyện với chú.
- Là chuyện gì?
- Dạ cho chúng con nhiều nhiều lời khuyên tu như chú đã tu, phù hợp với sự tồn tại của chú.
- Chú đã tồn tại sao? Ồ, nào hay bản thân mình có như vậy. Cũng được, muốn thế các cháu có chuẩn bị sẵn chưa?
Người đại diện nhóm đưa ánh mắt đảo qua từng huynh đệ với ngụ ý mời mọc. Được nhiều người gật đầu, trưởng nhóm nói:
-Chúng con sẵn sàng, thưa chú.
- Sự tồn tại của chú mà các cháu vừa khen tặng đi từ lập trường:
1/ Giữ hạnh cách tu độc thân.
2/ Luôn được đánh thức chính mình.
3/ Luôn xét mình ở vị trí nào trên đường tu.
1, Chúng ta bắt đầu từ số một, giữ hạnh cách tu độc thân nhá!
Như quý vị cũng biết người có lập hôn sự ai cũng than rằng rất khó tu. Chúng ta không lập hôn sự mà nói ra cái khó tu của những ai đã bị trói buộc trong vợ chồng người ta cho là không mấy chính xác. Nhưng ta đã mắt thấy tai nghe về người khác có thể coi là chính xác được chứ! Sự than van kêu khổ của những người tu đi trong hoàn cảnh vợ chồng và con cái rất khó giải quyết gút mắc bởi những đối đải không suôn. Không khí gia đình đôi khi còn chưa có lành mạnh trong sinh hoạt áo cơm lựa là không khí của sự tu qua sở trường tịnh niệm.
Độc thân dễ tu và đồng thời gánh vác việc giáo hội, tôn giáo, như lời Đức Thầy dạy:
“Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
Công Đức Phật từ bi vô lượng”.
Chúng ta hiểu đoạn giảng lý vừa trích đọc trên dạy người tín đồ nhà Phật phải nằm lòng hai điều quan trọng là hành đạo và truyền đạo đến với mọi người, làm rõ thanh danh của Đức Phật, Đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo để dân chúng khỏi ngờ nghi, giữ hạnh chơn tu làm gương là có tư cách một nhà “truyền bá kinh lành” đúng ý nghĩa.
2/ Luôn tự đánh thức chính mình.
Đã quyết ở độc thân chuyên tu thì phải luôn thức tỉnh lấy việc tu làm trọng, hạng chế đến mức tối đa sự thân thiện với người khác phái, nhất là đối tượng mà ta và họ chỉ cách nhau một tấm vách dừng. Luôn củng cố vách dừng đứng vững và kín đáo, nếu tấm vách dừng giữa ta và họ mà thiếu kín đáo, rò rỉ tình cảm lâu ngày sẽ bị đổ thì sự tu độc thân hết có chỗ dựa vững chắc, nếu hai bên dựa vào nhau là đi đến chấm hết, đào ngũ.
Bất cứ người tu hay không tu sự sống cũng muốn có lợi ích. Lợi ích của người không tu là nhắm vào việc làm có nhiều tiền, nhiều danh vọng, lợi ích của người tu nhắm vào mục tiêu Niết bàn và làm gì cho có lợi ích chúng sanh. Phân tích như vậy mà thiếu hành động cụ thể, xác thực, chỉ là ước muốn suôn thì không thể đạt thành sở nguyện.
Người đi buôn xuất vốn nặng thì phải lời to, xuất vốn một đến hai trăm triệu cho chuyến buôn cả tháng mà lời một vài triệu đồng là không ổn đâu. Vốn nhiều mà lời ít oi như vậy, ăn không bao nhiêu mà thua thì thua nặng. Người tu độc thân ví như người đi buôn xuất vốn to, không ham sang giàu, chẳng màng danh vọng v.v..., quyết lòng cắt đứt những chằng chịt thế gian, sống là phụng sự suốt cho Phật, hứa hẹn với Phật sẽ tu chứng đắc Niết bạn Diệu Tâm, Tự Tánh Không Sự hoặc về cõi Phật sau khi cởi bỏ huyễn thân ô trược nầy là một sự hy sinh rất lớn cho đại cuộc Phật giáo, cho giác ngộ chúng sanh. Đem vốn liếng đầu tư vào giác ngộ như thế là quá lớn. Tính vậy mà chừng tu chỉ tu cầm chừng thôi, tu cho có tu với người ta là kể lổ chắc đi. Rốt cuộc vốn to lời nhỏ, lỡ xui xẻo một cái là tương chau tàu hủ mấy mươi năm văng sạch bách.
3/ Luôn xem xét mình đang ở đâu trên đường tu.
Còn hiện diện trên đường tu hay đã lạc nẽo. Tu cái cỡ mình đang tu nhắm có kịp với thọ mạng tới bất ngờ? Để thấy rằng tu như vậy còn chậm lắm, không kịp mới tự động kéo lên một chút ga. Tu lên được vị trí chủ tu thì thọ mạng đến bất cứ lúc nào cũng không sợ, chủ tu là chết ở đâu, cách nào cũng được vãng sanh. Nếu không kéo lên một chút ga, chập chạp chẳng những không kịp thời gian mà còn bỏ mất cái vị trí chủ đạo để vọng niệm chen vào làm chủ tình hình, cúng lạy ăn chay suốt kiếp cũng không có cái vé đi về Cực Lạc cho mà mong.
Trong đường tu nếu để vọng niệm làm chủ tình hình, có đòi kéo dài thọ mạng, chừng chết đến vọng niệm chúng sanh cũng bao bít nữa thôi, nó có cho mình cầu cứu Phật đâu mà mong sống lâu đặng tu. Nếu bị thần chết đến hãy giải quyết ngay tại chỗ các thứ nợ nần và thủ tục xuất cảnh sanh sang Cực Lạc, đừng ở đó mà cầu sống thêm. Tu Pháp Môn Niệm Phật quyết một lòng cầu vãng sanh Cực Lạc ngay sau khi bỏ xác. Ước nguyện bấy lâu đã đến, thần chết điều hòa huyễn thân trả cho tứ đại còn ta nhất tâm niệm Phật là được vãng sanh, chết đi để vãng sanh mà sợ chết, hết sức là mâu thuẩn. Hãy khắc phục đừng để mâu thuẫn tồn tại trong lòng.
Quý vị tu độc thân! Đời đã khen tặng quý vị là Tu Sĩ. Mang danh Tu Sĩ thì phải có chuyên nghiệp vụ tu hành, bảo trì chánh pháp, đừng để có thêm nghiệp vụ nào khác trong thế gian, giữ gìn hạnh cách, treo gương tu cho người ta ngắm mà phát tâm. Treo gương tu  tôi nói là cái tự nhiên trong đời tu chứ treo gương không có nghĩa là bẹo ra những thứ màu mè. Màu thật tốt hơn gấp trăm lần màu do sơn phết. Màu sơn thì có ngày sẽ tróc nước sơn, lòi ra cái xấu xí, dễ chán thì ai dám gần mấy người tu lè phè cho mình có cơ hội “truyền bá kinh lành”.
Tôi xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện đã diễn ra trước mắt tôi, làm tôi phát sinh tự ái vồn dập:
Năm 1972 tôi ra tu ở Hòn Sơn Rái, cùng với quý vị Lý văn Cưng, Phạm chí Hiếu (mười Cọp), nhà họa hình Bùi văn Chiến và Ông Tư Dính (thường gọi là Ông Tư Hòn). Mỗi vị cất một cốc riêng, cách nhau huốc tiếng động. Xứ hòn thanh tịnh nhưng kỳ cục hết sức là mỗi ai từ đất liền ra tu không sớm thì muộn cũng bị bệnh chứng sốt rét hoằn hoại đuổi về. Lý văn Cưng, Phạm chí Hiếu, Bùi văn Chiến đã lần lược bị chỡ về đất liền, còn lại tôi với Ông tư. Nhưng Ông ấy lớn tuổi không chọn ở trên cao như chúng tôi mà ở dưới dốc xa kia, nên khi trên nầy tôi bệnh không liên lạc được Ông. Bệnh hết nóng tới lạnh, hết lạnh tới nóng, cứ vậy mà chịu đến ba ngày không cơm cháo thuốc men Ông tư nào có hay đâu.
Chỗ tôi ở có cái giếng nước ngọt suốt bốn mùa lạnh vờn, mấy người thợ rừng thích uống nước giếng nầy lắm. Khoảng 8 giờ sáng bửa nọ, có hai người thợ cưa cây mang cơm đến chỗ tôi, bày ra ăn để uống nước và múc theo lên rừng, lại là cái lúc tôi bị lạnh rung lên, kêu cứu, hai người bỏ bửa chạy vào am tranh thấy tôi nằm hoằn hoại, da mặt, mình tôi rờ vô sần sùi như đụng phải tờ giấy nhám. Hai thợ cưa cây trở ra ăn hết phần cơm rồi giấu các đồ nghề thay phiên cõng tôi xuống núi. Tôi yêu cầu đưa tôi đến nhà Ông Năm Khoai. Hai vị ân nhân giao tôi rồi đi trong lúc tôi quá yếu đuối, không sức để nói tiếng cám ơn.
Tên thật của chú năm Khoai là năm Sử, biết Ông có miếng đất vườn và rẩy khoai gần chỗ chúng tôi ở tu, cách nhau một thung lủng với nhiều cây rừng đậm đặc. Có lần Ông đào khoai đem cho chúng tôi vì thế mà tên của Ông trở thành Năm khoai. Nghe đâu Ông Bà nầy có nhà vững chắc ở Rạch Sỏi, thích cái thanh tịnh của đất hòn mà ra tạo đất lập vườn, dựng lên căn nhà nhỏ đơn sơ dưới mé biển xã Lại Sơn. Tôi được hai ân nhân cổng đến đây, không biết từ vách buồng vào trong rộng hẹp thế nào chứ trước thì một bộ vạt nằm bằng cây đủng đỉnh và một cái bàn Mây với vài chiếc ghế Mây. Chú năm trải chiếu để tôi nằm trên bộ vạt nói trên. Nhà nghèo nhưng tình người thì rất là ấm áp, Chú thím săn sóc tôi như người thân, thím năm nấu cháo gạo trắng tẻ đến ba nước mới cho tôi ăn, chú năm thì vội vả đi kêu y tá đến khám bệnh chích thuốc. Anh y tá vốn là con trai của bác ba Quản Xứ, bác có miếng vườn to trồng Chuối và Mảng Cầu cách dưới chúng tôi khoảng ba trăm mét, bác cho chúng tôi tha hồ bẻ hái, nhưng chúng tôi lâu lâu đến chỉ bẻ bắp chuối trổ tàn.
Anh y tá chích thuốc cắt sốt tài tình, sau một giờ đồng hồ mình mẩy tôi ráo quảnh, như sứt một cục đá đeo. Thấy tôi khõe, tối đến chú năm bắt chiếc ghế mây ngồi gần nói chuyện với tôi để tôi đỡ chút ngại. Tôi quên mất nguyên nhân từ đâu chú kể ngọt sớt câu chuyện “Người Thạch Nữ Sắp Sanh Con”. Chuyện kể chưa dứt thì thím năm phản ứng:
- Ông thôi đi! chuyện không thấy thì đừng đem mà nói, ông không sợ bị đọa địa ngục khi nói xấu Sư Thầy?
Chú năm dẫn chứng:
- Cái bụng của thạch nữ bự tổ bà chảng chưa đủ nói lên sự thật sao?
Ông bà cãi cọ mãi, tôi mệt chứ cũng rán mà khuyên hễ Ông yếu là Bà mạnh, Ông mạnh là bà yếu. Cô con gái lớn của chú thím, dân đi làm từ Sài Gòn về thăm mấy hôm, nghe tức đâu hồi nào, chịu hết nổi câu chuyện, chọi thẳng vào mặt mẹ:
- Bà sao mà dễ tin mấy Ông đạo quá, nói hơi chút là binh, làm như mấy Ông tốt dữ, Xuýt!
Nghe thấy đứa con gái quá lộng bướng, tới cha mẹ còn không nhường chú năm sợ mất lòng tôi nên dỗ an đứa con gái:
- Con gái không được nói luôn tuồng như vậy, ba nói người nào trật có người, con dùng từ “mấy ổng” là xúc phạm đến sự tu hành của người tu chơn chánh.
Cô gái lặng lẻ vô buồng, cuộc chiến tranh của chú thím năm cũng từ đây mà kết thúc.
Các cháu thân mến! nghe qua câu chuyện có chỗ nào làm cho các cháu giật bưng lòng không? Tôi thì có đấy. Không phải đau lòng vì bệnh hoạn thê lương. Chú năm Khoai kể chuyện “người thạch nữ sắp sanh con” đã làm cho tôi tự ái chút chút. Tự ái chút chút thì sức còn chịu được đến cô con gái đã chọi thẳng vào mặt mẹ mình “bà sao mà dễ tin mấy Ông Đạo quá, nói hơi chút là binh, làm như mấy Ổng tốt lắm vậy, Xuýt!” Thì tự ái trong tôi dồn dập. Thím năm bị phang siểng niểng ngồi im ru còn tôi mắc cở đến ốc ác nổi đầy mình.
Mong rằng nghe chuyện vậy những người tu có tiêu hướng độc thân cũng biết mắc cở dù quý vị không phải là những nhà tu hành bê bối dan díu với thạch nữ bị người đời trêu chọc. Hy vọng những lớp tu trẻ sau nầy có hạnh cách đúng đắn trong cửa thiền môn để người thế gian không còn có câu miệt khinh nhà Phật Giáo “Bà sao mà dễ tin mấy Ông đạo quá, nói hơi chút là binh, làm như mấy Ổng tốt lắm vậy, Xuýt!”
Nói chuyện khá lâu, đến lúc phải chia tay, chúc các cháu bồ đề tâm tinh tấn.

12/6/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét